Thuật ngữ chính trị (5)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

24. Anglo‐Saxon Capitalism – Chủ nghĩa tư bản Anglo-Saxon. Mô hình Anglo-Saxon hay Chủ nghĩa tư bản Anglo-Saxon capitalism (gọi như thế vì được thực hành ở các nước nói tiếng Anh như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Australia và Ireland) là mô hình tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong những năm 1970, trên nền tảng của trường phái kinh tế học Chicago. Tuy nhiên, khởi nguồn của nó là từ thế kỉ XVIII, ở Vương quốc Anh, dưới ảnh hưởng của tư tưởng của nhà kinh tế học Adam Smith.

Đặc điểm chính của mô hình này là ít quy định về quản lý và thuế khóa thấp, lĩnh vực công cung cấp ít dịch vụ. Mô hình này còn có nghĩa là quyền sở hữu tài sản tư nhân được pháp luật bảo đảm, buộc thi hành hợp đồng, dễ dàng trong việc làm ăn cũng như có ít rào cản đối với thương mại tự do.
25. Animal Rights – Quyền của động vật. Quyển của động vật là ý tưởng cho rằng tất các các con vật đều có quyền sống và những quyền lợi căn bản nhất của chúng nên được quan tâm tương tự như quyền lợi của con người. Nghĩa là các con vật cũng có quyền được đối xử như những cá thể riêng biệt, với những ước muốn và nhu cầu của chúng chứ không phải là tài sản vô tri vô giác. Những người ủng hộ quyền của động vật khẳng định rằng không được coi động vật là tài sản hoặc được sử dụng làm thực phẩm, quần áo, đối tượng nghiên cứu, giải trí hoặc dung làm sức kéo. Nhiều truyền thống văn hóa trên khắp thế giới như Jainism, Đạo giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Thần đạo và Thuyết vật linh cũng tán thành một số hình thức của quyền động vật.
26. Antarctic Treaty – Hiệp ước Nam Cực. Hiệp ước Nam Cực và các hiệp định liên quan, gọi chung là Hệ thống Hiệp ước Nam Cực (gọi tắt là ATS), là các hiệp ước điều chỉnh quan hệ quốc tế giữa các quốc gia đối với châu Nam Cực, châu lục duy nhất trên Trái Đất không có người bản địa sinh sống. Căn cứ theo mục đích của hệ thống hiệp ước, châu Nam Cực được định nghĩa là toàn bộ vùng đất và khối băng phía Nam 60 độ vĩ Nam.
Hiệp ước chính thức có hiệu lực vào năm 1961 và có 47 quốc gia thành viên bảo vệ châu Nam Cực vì mục đích tự do nghiên cứu khoa học và nghiêm cấm các hoạt động quân sự trên châu lục này. Hiệp ước Nam Cực là điều ước quốc tế kiểm soát vũ trang đầu tiên được thiết lập trong thời Chiến tranh Lạnh. Từ tháng 9/2004, Ban thư ký Hiệp ước Nam Cực có trụ sở tại Buenos Aires, Argentina.
Hiệp ước bắt đầu được các quốc gia ký kết tham gia vào ngày 1/12/1959 và chính thức có hiệu lực từ ngày 23/6/1961. Những quốc gia đầu tiên tham gia ký kết hiệp ước là những nước tích cực hoạt động trong Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế (International Geophysical Year – IGY) 1957-1958 và sẵn sàng chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ về hội nghị đàm phán về chính hiệp ước này. Lúc đó, 12 quốc gia có quan tâm rõ ràng đến khu vực này, trong đó có Argentina, Australia, Bỉ, Chile, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Nam Phi, Liên Xô, Anh và Hoa Kỳ. Các quốc gia này đã thiết lập hơn 50 trạm nghiên cứu tại châu Nam Cực. Hiệp ước là một biểu hiện ngoại giao thành công cho việc hợp tác hoạt động cũng như khoa học ở khu vực này.
Mục tiêu chính của hệ thống hiệp ước là đảm bảo lợi ích của toàn nhân loại tại châu Nam Cực được duy trì và sử dụng riêng cho các mục đích hòa bình và tránh biến khu vực này thành mâu thuẫn hoặc tranh chấp quốc tế. Hiệp ước nghiêm cấm bất cứ biện pháp có tính chất quân sự nhưng quân đội vẫn được cho phép xuất hiện trong khu vực này.
27. Anthropocentrism – Chủ nghĩa duy con người. Anthropocentrism có xuất xứ từ hai từ Hy Lạp cổ là “ánthrōpos – con người” và “kéntron – trung tâm”, là niềm tin cho rằng con người là thực thể quan trọng nhất trong vũ trụ. Chủ nghĩa này diễn giải hay đánh giá thế giới dựa trên các giá trị và kinh nghiệm của con người. Quan điểm này còn được gọi là lấy con người là trung tâm, lấy con người là gốc, coi con người là ngoại lệ hay sự ưu việt của con người. Một số nền văn hóa đặc biệt thể hiện rõ nét quan điểm này.
Chủ nghĩa duy con người đã được một số nhà bảo vệ môi trường thừa nhận, như tác phẩm Confessions of an Eco-Warrior của Dave Foreman và Green Rage của Christopher Manes, nói rằng vì sao loài người chiếm ưu thế và cần “khai thác” phần lớn Trái Đất. Chủ nghĩa duy con người cũng được nhiều người cầm bút khác cho là nguyên nhân cơ bản của khủng hoảng sinh thái, quá tải dân số, và sự tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật.
28. Anthropology – Nhân loại học. Nhân loại hịc là ngành nghiên cứu nhiều khía cạnh của loài người trong các xã hội quá khứ và hiện tại. Nhân loại học xã hội và nhân loại học văn hóanghiên cứu các chuẩn mực và giá trị xã hội. Nhân học ngôn ngữ nghiên cứu về cách mà ngôn ngữ tác động tới đời sống xã hội. Nhân loại học sinh học hay nhân loại học hình thể nghiên cứu về sự phát triển sinh học của con người.
Khảo cổ học, lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nhân loại trong quá khứ thông qua khảo cứu các chứng tích thể lý, được coi là một nhánh của nhân loại học tại Hoa Kỳ, trong khi tại châu Âu, nó được coi là một ngành riêng biệt hoặc được nhóm vào ngành khác như lịch sử.
Trong các tiếng châu Âu, thuật ngữ “nhân loại học” bắt nguồn từ các từ trong tiếng Hy Lạp là anthropos có nghĩa là “con người” và logos có nghĩa là “nghiên cứu”.
Nhân loại học thường được phân ra thành 4 phân ngành cơ bản là
a. Nhân học hình thể (physical anthropology)
b. Nhân loại học văn hoá-xã hội (socio-cultural anthropology) tổng hợp từ hai nhánh nghiên cứu từ Mỹ và Anh là Nhân loại học văn hoá (cultural anthropology) và Nhân loại học xã hội (social anthropology). Ngành Dân tộc học, đặc biệt là ở Việt Nam, thường được coi như tương đương với phân ngành nhân học loại văn hoá-xã hội. Tuy nhiên, lưu ý rằng mục tiêu của hai ngành học về cơ bản là khác nhau.
c. Khảo cổ học (archeology) và
d. Nhân loại học ngôn ngữ (Linguistic anthropology).

Khoảng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, nhiều phân ngành mới đã hình thành như nhân học ứng dụng. Nhân học ứng dụng tập hợp các nhà nhân loại học làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Họ tìm cách ứng dụng các lý thuyết nhân học vào giải thích và giải quyết các vấn đề cụ thể: lĩnh vực phát triển, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế và sức khỏe… Điều này tạo ra các phân ngành của nhân học ứng dụng như Nhân loại học y tế; Nhân loại học sinh thái và môi trường; Nhân loại học kinh tế; Nhân loại học đô thị; Nhân loại học phát triển; Nhân loại học giáo dục.

Tuy có những khác biệt về đối tượng, mục đích và cách tiếp cận nghiên cứu cụ thể nhưng tất cả các phân ngành của nhân loại học đều có quan hệ với nhau, đều cố gắng tìm hiểu bản chất sinh học và văn hoá của con người, đều nhấn mạnh tới vai trò của văn hoá và các phương pháp tiếp cận được áp dụng đều mang tính so sánh. Một trong số các phương pháp thường dùng trong nghiên cứu là Dân tộc ký.

29. Anti‐Ballistic Missile Treaty (ABM) – Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo. Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo là hiệp ước được ký kết giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, nhằm mục đích hạn chế việc sử dụng các hệ thống chống tên lửa đạn đạo trong khu vực phòng vệ chống lại các tên lửa mang vũ khí hạt nhân. Vào ngày 26 tháng 5 năm 1972, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev đã ký hiệp ước ABM. Hiệp ước này có hiệu lực trong 30 năm, từ năm 1972 đến năm 2002. Vào ngày 13 tháng 6 năm 2002, Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp ước.
Hiệp ước ABM đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu, ra đời vào thời điểm khi cuộc chạy đua vũ trang đã lên tới đỉnh điểm, khi kho vũ khí hạt nhân đã lên tới con số hàng chục nghìn đầu đạn, hiệp ước ABM có thể coi là hòn đá tảng duy trì sự cân bằng hạt nhân giữa hai siêu cường Liên Xô – Mỹ, từ đó hình thành thế ổn định chiến lược toàn cầu, đặt nền móng cho việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân sau này.
Điểm mấu chốt trong Hiệp ước ABM là quy định hạn chế quy mô các hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Trong khi không đề cập đến thực trạng kho vũ khí hạt nhân của đôi bên, hiệp ước ABM tập trung vào việc giới hạn hệ thống chống tên lửa, chỉ cho phép Liên Xô và Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ với không quá 100 tên lửa đánh chặn xung quanh thủ đô Moskva và Washington D.C.. Với số lượng hạn chế như vậy, mặc dù Liên Xô và Mỹ không ngừng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng trên thực tế, chất không bên nào có khả năng chống trả các cuộc tấn công hạt nhân của đối phương, nó buộc cả hai bên phải kiềm chế, bởi bất cứ hành động thiếu thận trọng nào trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ đồng nghĩa với việc tự sát.
Hiệp ước ABM còn quy định Liên Xô và Mỹ không được nghiên cứu, thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa mới ngoài những gì đã có, từ đó mà giảm đến mức tối đa sức ép chạy đua vũ trang do nguy cơ xuất hiện những hệ thống chống tên lửa mới có khả năng vô hiệu hóa tiềm năng hạt nhân của đối phương.

Comments are closed.