Nguyễn Anh Tuấn làm biếc non tiếng hát

Hoàng Thuỵ Anh

Tôi thắp lên một mặt trời bằng củi khô

Lặng lẽ ngồi hong những gì không nói được

(Nguyễn Anh Tuấn)

FB_IMG_1587383540604

Nguyễn Anh Tuấn là một thi sĩ xứ Nghệ. Sinh ra ở vùng đất có truyền thống hiếu học; trong một gia đình có cố nội rất giỏi tiếng Pháp, từng làm thông ngôn triều đình Huế, phong hàm Cửu phẩm; có mẹ là giáo viên dạy Ngữ văn; nên anh sớm được thừa hưởng, nuôi dưỡng và biết cách vận lưng vốn liếng ấy làm giàu thi-tính và thi-cách của mình. Sau này, cơ duyên gặp gỡ thầy PGS. TS Phan Huy Dũng và nhà thơ Hoàng Hưng còn đưa anh đến với quyết định táo bạo, nghỉ dạy Văn và dành hết thảy tâm huyết với thi ca. Tình yêu thi ca cho anh những mùa bội thu: giải B tặng thưởng thơ năm 2000 của Tạp chí Sông Lam, giải C cuộc thi sáng tác thơ văn năm 1999-2000 do Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và Tạp chí Sông Lam tổ chức. “Phúng dụ từ những đám mây”[4] là tập thơ đầu tay, tập hợp những bài thơ được viết trong vòng 25 năm trở lại đây của anh. Dung nạp các kiến thức từ đông tây kim cổ, xen kẽ tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Pháp, và đặc biệt, một thủ pháp đặc trưng, xuyên suốt 96 bài thơ, Nguyễn Anh Tuấn ít nhiều lạ hoá, đưa đến diện mạo mới cho thi tập “Phúng dụ từ những đám mây”.

Phúng dụ là một thủ pháp quen thuộc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Theo Từ điển tu từ – phong cách – thi pháp học: phúng dụ “là phương tiện tu từ thuộc nhóm ẩn dụ. Phúng dụ là hệ thống những ẩn dụ, nhân hoá, vật hoá (thường là vật hoá) được sử dụng để biểu đạt một nội dung triết lí hay bài học luân lí mà người ta không muốn trình bày trực tiếp… Phúng dụ sớm đi vào nghệ thuật văn chương trong những bài đồng dao, ca dao, truyện ngụ ngôn,… mà dân tộc nào cũng lưu giữ trong kho tàng văn hoá của mình, trước khi thể loại tiểu thuyết xuất hiện”[2]. Nguyễn Anh Tuấn lựa chọn thủ pháp phúng dụ làm phương tiện nghệ thuật tổ chức, cấu thành tác phẩm. Nhan đề của 96 bài thơ trong “Phúng dụ từ những đám mây”, đều mang vác hai chữ “phúng dụ”. Đây là dụng ý nghệ thuật mà anh đã nói rõ: “Người làm thơ, anh chỉ thuộc về nghệ thuật thơ”. Hình thức thơ phải là hình thức mang tính quan niệm, hình thức chuyển tải nội dung. Vì vậy, anh dùng thủ pháp phúng dụ xuyên suốt thi tập để ám chỉ, ngụ ý những ý tưởng khác, lớn hơn, bao quát hơn và cũng trừu tượng hơn.

Nói đến nguyên lý tảng băng trôi có vẻ dư thừa đối với sáng tác thơ, vì bài thơ nào chẳng ẩn chìm trong đó quan niệm, tư tưởng hay những triết lý về cuộc sống và nhân sinh của tác giả. Ở đây, điều tôi muốn bàn đến là phần chìm (7/8 chìm) được đảm bảo bao nhiêu phần trăm trong thơ Nguyễn Anh Tuấn? Những chủ đề của “Phúng dụ từ những đám mây” rất đa dạng, phong phú: sông, làng, phố, biển, lửa, cõi niết bàn, trăng, hạt bụi, bông hồng, tờ lịch, giấc mơ, con ếch, người mẫu,… Nguyễn Anh Tuấn thường gắn các chủ đề ấy với các lát cắt uyên ảo của trực giác và những ý niệm dịch biến trong từng sát-na. Hình ảnh thơ của anh “bắt đầu với những điều đơn giản nhất” (Hemingway) song luôn được giãn nở, mở rộng về chiều sâu. Đa phần các bài thơ gắn với các giá trị văn hoá – văn học – lịch sử của dân tộc Việt và của thế giới. Anh vay mượn các tư liệu từ Kinh thánh, Phật giáo, sử thi, ca dao, cổ tích, thần thoại… đưa vào thơ mình và không lý giải hay trích dẫn nguồn. Các dữ kiện như Chúa, Zeus, Muse, Tazan, các tầng trời, vầng mây, lửa, niết bàn,… là nơi anh nén phần chìm của bài thơ. Ngôn ngữ khi đứng độc lập, là chính nó, nhưng khi tạo tác với một sinh thể khác thì nó không đơn thuần là sự mô tả mà đã phóng chiếu những góc cạnh khác, thể hiện quan niệm, tư tưởng, tính triết lý, tính thẩm mĩ, tính văn hoá,… Cho nên, các thi liệu trong Kinh Thánh, Phật Giáo, văn học, văn hoá,… luôn có sự kế thừa và bồi đắp. Nói về ánh sáng, ánh sáng của Nguyễn Anh Tuấn không bắt nguồn từ “dạng vật chất truyền đi dưới dạng sóng, thường phát sinh từ những vật có nhiệt độ cao… nhờ nó mắt có thể cảm thụ mà nhìn thấy được”[6] mà bắt nguồn từ Ánh Sáng của Thiên Chúa, Ánh Sáng cứu độ của Ngôi Lời. Đó là ánh hào quang mầu nhiệm của Chân Lý, Công Bằng và Sự Thật. Anh xem khoảnh khắc toả sáng của cái đẹp là khoảnh khắc xuất hiện của các thiên sứ. Khi sự thanh tao, tinh khiết ngự trị, con người mới thấu cảm linh hồn của cái đẹp: “Hoa quỳnh run mở nhụy/ Nắm tay run mở những ngón// Bướm non run bay/ Và, em run nụ đầu, dâng hiến// Ở những khoảnh khắc mong manh mầu nhiệm này/ Các thiên sứ sẽ hiện// Bằng trái tim, chở ánh sáng lời Soi lộng lẫy các linh hồn cái đẹp” (Phúng dụ ánh sáng lời). Theo quan niệm của Phật Giáo, thế giới được tạo nên từ 7 hạt bụi (thất lân hư trần). Dựa vào sự hợp thành của những hạt vi trần, anh chiêm nghiệm “ấu linh” – tiếng Việt. Anh nhìn thấy vẻ đẹp vĩnh hằng và rất đỗi thiêng liêng của tiếng Việt: “Nâng niu từng mẩu vụn rưng rưng của hạt bụi/ Tay phải vỗ về ngực trái/ Gói ghém bằng tay trái với rất nhiều vỏ não/ Và, cất kĩ vào trong hầm rượu// Sau 300 năm, có người nhặt được/ Một ấu linh sáng hơn xá lị của Buhhda/ Nóng hổi, phập phồng bằng Tiếng Việt/ Phúng dụ thiêng ấy bồi hồi nở hoa” (Phúng dụ của hạt bụi). Chính niềm say mê, am hiểu tôn giáo đã đưa thơ Nguyễn Anh Tuấn đến với sự giàu có của trí tuệ, nội lực của thi-tính và độc đáo của thi-cách. Do đó, đọc thơ anh, đòi hỏi người đọc phải có kha khá kiến thức, nhất là kiến thức về Kinh thánh và Phật giáo, mới có thể làm dày/đầy những khoảng lặng mà anh vẫy gọi. Ngoài ra, anh còn chêm xen tiếng Anh (picture, max volume, hotgirl,…), tiếng Pháp (bonne nuit, oui, nous, elles,…), ngôn ngữ mạng/internet (post, comment, gato, makeno,…) trong nhiều bài thơ. Xét ở góc nhìn của tôi, Nguyễn Anh Tuấn không “chiêu trò” hay bộc lộ sự hạn hẹp về vốn từ mà đây là cách anh muốn phá vỡ mọi rào cản về ngôn ngữ, thiết lập một thế giới phẳng và ý thức giao thoa giữa các giá trị văn hoá.

Theo J.Kristeva, văn bản chịu sự chi phối của hai trục: trục ngang (tác giả – người đọc) và trục dọc (ý nghĩa của từ trong sự tương tác với văn bản khác). Văn bản này mang vết dấu của văn bản kia và văn bản kia lại xếp chồng với văn bản khác, tạo nên mạng lưới liên đới, tương tác, tạo nên “không gian đa kích thước”. Bà khẳng định, mỗi văn bản là một liên văn bản.“Phúng dụ từ những đám mây” sử dụng luật chơi liên văn bản. Thông qua hệ quả đáp ứng lẫn nhau giữa bề mặt và biểu đạt của ngôn ngữ, cấu trúc “Phúng dụ từ những đám mây” thường bất ổn, chao đảo, dao động, có sóng. Cái được biểu đạt này lại tiếp tục sản sinh vô số cái được biểu đạt khác. Lấy ví dụ về hình ảnh lửa trong các bài thơ “Phúng dụ mẹ”, “Phúng dụ ánh mắt”, “Phúng dụ biển”, “Phúng dụ bonne nuit”, “Phúng dụ thần lửa”, “Phúng dụ về lửa”, “Phúng dụ eden”, “Phúng dụ valentine”, “Phúng dụ hoàng hôn những cánh dơi” và thử liên kết chúng với nhau. Theo Kinh Thánh, lửa vừa mang yếu tố tích cực vừa mang yếu tố tiêu cực: “Mọi rực rỡ bắt đầu từ lửa/ Mọi kết thúc do rực rỡ lửa” (Phúng dụ thần lửa). Dựa vào Kinh Thánh, dựa vào mối quan hệ tương đồng, Nguyễn Anh Tuấn triển khai giá trị và ý nghĩa ngọn lửa trong đời sống, ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa của tâm hồn, ngọn lửa của thi ca. Vậy, ngọn lửa trong thơ anh chính là ngọn lửa nhen nhóm, hun đúc vẻ đẹp tinh thần. Hình ảnh mây trong các bài “Phúng dụ vầng mây”, “Phúng dụ buổi chiều rơi tiếng chuông”, “Phúng dụ từ những đám mây”, “Phúng dụ ngày hạnh phúc”, “Phúng dụ người 4.0”, “Phúng dụ không gian S.Freud”, “Phúng dụ về hạt nhọ”,… là một ví dụ khác. Nếu không hiểu ý nghĩa vầng mây trong Kinh Thánh thì khó có thể nắm bắt chiều sâu thơ anh. Vầng mây được xem là tín hiệu loan báo/truyền sự hiện diện huyền bí và thánh thiện của Thiên Chúa. Nguyễn Anh Tuấn mượn vầng mây mầu nhiệm, vinh quang trong Kinh thánh để khẳng định tâm hồn luôn hướng về cái đẹp và khát khao “làm biếc non” vạn vật của mình: “Anh viết vầng mây cuồn cuộn tuổi xanh/ Sà vào mắt, mi, tóc, lông và ngôn ngữ/ Làm biếc non tiếng hát dòng sông” (Phúng dụ vầng mây). Hoặc có thể giải mã thi tập từ các điểm nối, các link: liên ngôn ngữ, liên bản ngã, liên ý thức, liên không gian, liên thời gian. Về liên ngôn ngữ, sự tái sinh của nhiều từ mở ra chuỗi liên ngữ nghĩa. Ví dụ, từ “biếc” được anh sử dụng 33 lần/96 bài thơ, chiếm tỉ lệ 34%, với nhiều kết hợp như: biếc non, nỗi biếc, tim biếc, thơm biếc, buốt biếc, biếc xanh, biếc biển, biếc người, biếc lá, biếc trữ tình, biếc kỉ niệm, biếc lừng, biếc đêm, xa biếc, biếc lứa đôi,… Đại từ điển tiếng Việt định nghĩa: biếc (tính từ), “có màu xanh lam hoà xen lẫn màu lục”[5]. Ngoài việc chuyển đổi từ loại, Nguyễn Anh Tuấn còn dùng màu biếc của thiên nhiên nói đến sức mạnh nguyên sơ của sự tinh khiết, trong sáng và bình an: “Như một lời hát/ Được nung nấu từ kiếp nào xa lắc/ Của mọi linh hồn được sinh ra trên thế gian/ Nỗi biếc, đẹp và buồn” (Phúng dụ hoa hồng). Về liên bản ngã, có thể thấy qua cách xưng hô như: ta, tôi, anh, moi. Ta, tôi, anh, moi đều bộc lộ tâm thế yêu cái đẹp, vì “tiềm tàng sức sống” của cái đẹp. Từ tiếng sáo của Trương Chi (truyện cổ tích Trương Chi, Mỵ Nương), anh áp lên trái tim mình, lắng nghe nỗi long lanh của tâm hồn: “Một đêm… về trên vách/ Tôi gặp môi mình/ Dính chặt vào lỗ thổi, long lanh” (Phúng dụ người thổi sáo). Về liên đới ý thức, đó là ý thức về lao động nghệ thuật mà anh đã luận bàn rất nhiều trong tập thơ: “Chữ viết mọc linh hồn làm thơm biếc bàn tay”, “Cây nhân văn nức nở phận người”, “Thi nhân phải tự xé tim mình làm sợi”, “Anh viết bừng cây thần thức/ Lung linh các tầng trời bài thơ tự do” (Phúng dụ phép màu). Để có những phút giây thần nhập, diệu ngộ với con chữ, thi nhân phải là người dấn thân, nhập cuộc, thậm chí phải “toé máu” (Thanh Thảo). Bởi lẽ, yếu tính của thơ là vượt lên trên mọi thứ, thánh thiện và thăng hoa. Thơ không chấp nhận sự giả dối và sự lặp lại nhàm chán: “Chỉ có những câu thơ còn biết nói tiếng người/ Ngay cả lúc nhà thơ bị hóa thành “Hoàng Tử Cóc”/ Nhưng. anh không thể nói khác khi anh chưa sống khác” (Phúng dụ câu thơ nói tiếng người). Về liên thời không gian, đó là thời không gian vô tận và hằng cửu của cái đẹp. Những người chăn chiên tuy nghèo khổ, vất vả, lam lũ nhưng nhờ tâm hồn bao dung, khiêm nhường và thanh khiết mà họ đã có được diễm phúc gặp Chúa. Bàn tay của người mục đồng nghèo hèn, đơn sơ “trở thành cái nôi của Chúa”. Nguyễn Anh Tuấn mượn thi liệu này viết nên bài thơ “Phúng dụ mục đồng”: “Trời xanh non, bao la thung lũng cỏ/ Đàn bê sao lặng lẽ đứng ăn đêm/ Ai xui đâu, gã mục đồng muôn thuở/ Bó gối ngồi chăn nỗi mênh mông”. Người mục đồng thơ anh không chỉ mang tâm hồn của người mục đồng trong Kinh Thánh mà còn chạm đến tận cùng nỗi niềm chân thành. Người mục đồng “chăn nỗi mênh mông” nghĩa là tự chăn tâm hồn, tự nuôi dưỡng tâm hồn mình. Mà phàm là con người, sự “chăn” ấy đáng quý trong bất kì hoàn cảnh nào. Bài thơ đã vẽ nên một bức tranh đẹp, có chiều sâu. Cho nên, thời không gian từ quá khứ đến hiện tại đi về, nối tiếp, hoán đổi và liên tục dịch chuyển cũng đưa đến những góc nhìn mới.

Như vậy, tính liên văn bản trong thơ Nguyễn Anh Tuấn diễn ra từ vi mô đến vĩ mô, được anh kể bởi trầm tích ánh sáng của vầng mây, năng lượng toả rạng vô tận của trí tuệ và tâm hồn. Anh không phải là người độc quyền thủ pháp “phúng dụ” nhưng anh biết dùng nó tạo dấu ấn riêng mình, phát huy tính kép, tính đa bội, tính bất ổn của các mã ngôn ngữ. Tuy nhiên, thủ pháp này khiến tập thơ của anh không tránh khỏi một số lấn cấn. Phúng dụ là dạng thức của ẩn dụ, vận hành theo nguyên tắc “chìm” và “ẩn”, nếu liên tục lặp lại hai từ “phúng dụ” toàn bộ nhan đề bài thơ, hẳn nhiên anh đã “mách nước” luật chơi. Vì, những ám chỉ, bóng gió mà anh khéo léo cài cắm tự thân đã bộc lộ trong mỗi bài thơ và liên đới giữa các bài thơ rồi. Hơn nữa, anh đã nén file rồi thì việc giải nén nên dành bạn đọc. Mỗi cuộc du hành và thám mã, hẳn nhiên, luôn ẩn chứa những bất ngờ, lý thú.

Lao động thơ đòi hỏi sự tham gia khéo léo giữa trí tuệ và cảm xúc. Thực hành “Phúng dụ từ những đám mây”, những nỗ lực quy chiếu, cọ xát thi liệu, ngôn từ đã giúp Nguyễn Anh Tuấn đạt được hiệu quả nhất định khi giãi bày “lung linh nỗi trổ hoa” của tâm hồn và sự tao nhã, lộng lẫy của giá trị sống và giá trị người. “Phúng dụ từ những đám mây”, với tôi, là thi ca của vẻ đẹp tư tưởng.

H.T.A

———

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Floyd H.Ross & Tynette Hills (Thích Tâm Quang dịch), Những tôn giáo lớn trong đời sống nhân loại, Nxb Tôn giáo, Tp Hồ Chí Minh, 2007.

[2]. Nguyễn Thái Hoà, Từ điển tu từ – phong cách – thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.191.

[3]. Nguyễn Văn Thuấn, Giáo trình Lý thuyết Liên văn bản, Nxb Đại học Huế, 2019.

[4]. Nguyễn Anh Tuấn, Phúng dụ từ những đám mây, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020.

[5]. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hoá – thông tin, Tp Hồ Chí Minh, 1999, tr.38.

[6]. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, sđd, tr.157.

Comments are closed.