Đông Nam Á trong thời đại cạnh tranh giữa các đại cường
By Bilahari Kausikan, Foreign Affairs, Tháng Ba/Tháng Tư 2021
Trần Ngọc Cư dịch
Khi còn là một nhà ngoại giao Singapore, tôi đã từng hỏi một người đồng cấp Việt Nam rằng sự thay đổi lãnh đạo sắp xảy ra ở Hà Nội có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ của đất nước ông ta với Trung Quốc. “Mọi nhà lãnh đạo Việt Nam,” ông trả lời, “phải hòa hợp với Trung Quốc, mọi nhà lãnh đạo Việt Nam phải đứng lên chống lại Trung Quốc, và nếu bạn không làm được cả hai điều này cùng một lúc thì bạn không xứng đáng là nhà lãnh đạo”.
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ của mình, nhóm chuyên gia đối ngoại của ông nên chú ý đến những lời nói đó. Đông Nam Á là tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ở những mức độ khác nhau và trong những cung cách riêng của mình, mọi quốc gia trong khu vực đã áp dụng đường lối đó đối với Trung Quốc – và đối với cả Hoa Kỳ.
Đông Nam Á luôn luôn là ngã tư chiến lược, nơi lợi ích của các đại cường giao nhau và đôi khi va chạm. Nó tự nhiên là một khu vực đa cực, không bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của bất cứ một thế lực duy nhất nào từ bên ngoài, ngoại trừ trong thời gian ngắn bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Sự cạnh tranh ngày nay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chỉ là một giai đoạn khác của một động lực đã nằm sẵn hằng thế kỷ trong bản năng sống còn của khu vực này, là cùng một lúc họ vừa phòng ngừa, vừa cân bằng, vừa hùa theo ăn có [hedge, balance, and bandwagon], điều này nằm trong DNA chính trị của khu vực.
Người Mỹ dường như thấy khó nắm bắt được điều này. Họ có một xu hướng mạnh mẽ là nhìn khu vực này theo quan niệm nhị phân: nếu khu vực không phải là "tự do", nó phải là "cộng sản"; nếu dân chủ không tiến tới, ắt hẳn nó đang thụt lùi; nếu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không ôm lấy Hoa Kỳ, tổ chức này có nguy cơ nằm trong túi áo của Trung Quốc. Thái độ giản lược hóa này đã dẫn đến một số thất bại về chính sách, trong đó, thảm hại nhất là Chiến tranh Việt Nam.
Ba cuốn sách nổi bật đưa ra những điều chỉnh kịp thời đối với quan điểm sai lầm nói trên thông qua các bài tường thuật về sự hàm hồ và áy náy mà từng mỗi quốc gia Đông Nam Á đang cảm thấy khi họ nhìn về vai trò của Trung Quốc trong khu vực. “Under Beijing’s Shadow” [Dưới bóng Bắc Kinh] của Murray Hiebert là tác phẩm đồ sộ và trình bày khéo léo nhất trong ba tác phẩm. Giống như Hiebert, Sebastian Strangio tập trung vào mối quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực bằng cuốn “In the Dragon’s Shadow” [Dưới bóng con rồng] trong khi đó David Shambaugh đóng khung cuốn “Where Great Powers Meet” [Nơi các đại cường gặp gỡ] xoay quanh chủ đề cạnh tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Tầm cỡ và sức nặng kinh tế của Trung Quốc chắc chắn gây lo lắng trong các nước láng giềng Đông Nam Á, những lo lắng đã trở nên ngày càng sâu sắc do chính sách đối ngoại hiếu chiến của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng những quan ngại này phải được cân nhắc so với sự cần thiết của việc duy trì các mối quan hệ chính trị và kinh tế với cường quốc lớn nhất này của châu Á. Không một quốc gia nào ở Đông Nam Á sẽ chấp nhận một mối quan hệ độc quyền với Trung Quốc hoặc với Hoa Kỳ hoặc với bất cứ cường quốc nào khác. Không một quốc gia nào dám chọn đứng về một phía.
KHÔNG PHẢI VÌ LỢI ÍCH TẦM THƯỜNG TRƯỚC MẮT
Nhiều nhà quan sát bên ngoài thường đinh ninh – có lẽ một cách vô ý thức nhưng vẫn xúc phạm – rằng các quốc gia trong khu vực đều tham nhũng hết thuốc chữa, ngây thơ đến chết người, khiến họ sẽ bán lợi ích quốc gia của mình cho một tô cháo. Tác giả của những cuốn sách này không mắc phải sai lầm đó. Không thể coi nhẹ các mối quan hệ kinh tế, nhưng không một thành viên ASEAN nào cấu trúc quan hệ của mình với Trung Quốc chỉ trên cơ sở thương mại và đầu tư. Chủ nghĩa dân tộc vẫn là một lực tác động chính trị mạnh mẽ.
Hiebert đặc biệt thành thạo trong việc phơi bày những dòng chảy ngầm, mà ông mô tả khéo léo là "sự pha chế phức tạp giữa hy vọng và lo lắng", giữa "dự kiến và bất an", nằm bên dưới bề mặt quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn ở phía Nam. Điều này đúng ngay cả với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, chẳng hạn như Campuchia và Lào. Trong số những phần mạnh nhất trong cuốn sách của Hiebert là những phần mà ông xem xét các quốc gia này, cho thấy sự phức tạp của thái độ đối với Trung Quốc và cách các quốc gia nhỏ vẫn có thể thực hiện quyền tự tung tự tác của mình bất chấp sự phụ thuộc của họ vào Bắc Kinh. Ví dụ, ông lưu ý cách các nhà lãnh đạo của Lào – một quốc gia “dân số thấp và mắc nợ nhiều” – đã dành 5 năm để tranh cãi với Trung Quốc về một dự án đường sắt để đảm bảo các điều khoản “họ có thể chấp nhận”.
Tôi tình cờ đến Viêng Chăn, thủ đô của Lào, vào đầu năm 2016, khi Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cầm quyền tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Một người bạn – một đảng viên – nói với tôi rằng một số người cao cấp sẽ bị cách chức vì quá thân Trung Quốc. Tôi lấy làm hoài nghi. Nhưng hai Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Choummaly Sayasone và Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad, đã thực sự bị cách chức.
Lào có các định chế thực sự – quan trọng nhất trong số đó là đảng tiên phong theo kiểu chủ nghĩa Lenin, có quyền lợi là tối quan trọng – và mặc dù bị Trung Quốc chèn ép và không có rộng chỗ để nhúc nhích, nhưng nước này sử dụng các định chế đó trong khả năng tốt nhất. Ngược lại, Campuchia là nơi mà tác giả Shambaugh gọi là “quốc gia chư hầu toàn diện [duy nhất] của Trung Quốc” trong ASEAN, một mô tả mà Hiebert lặp lại. Không giống như ở Lào, sự lãnh đạo ở Campuchia gần như hoàn toàn theo đường lối cá nhân: Thủ tướng Hun Sen đã mô tả sự ủng hộ đối với Trung Quốc là “sự lựa chọn chính trị của Campuchia” và những lựa chọn của ông là những lựa chọn duy nhất quan trọng ở Campuchia.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người ở Campuchia đều tràn đầy nhiệt tình về sự lệ thuộc của Hun Sen đối với Trung Quốc. Vào tháng 1 năm 2018, tỉnh trưởng Preah Sihanouk [còn gọi Kampong Som hay Sihanoukville] đã viết một lá thư cho Bộ Nội vụ phàn nàn về việc đầu tư của Trung Quốc đã dẫn đến gia tăng tội phạm và gây ra “tình trạng mất an ninh trong tỉnh”. Sự lãnh đạo theo cá nhân chủ nghĩa của Hun Sen chắc chắn có ngày chấm dứt, đó là một tất yếu sinh học. Vị thế của Campuchia với tư cách là một nước chư hầu của Trung Quốc có thể chỉ là một giai đoạn mà thôi.
Những cuốn sách này nói rõ rằng Trung Quốc có những trách nhiệm pháp lý nghiêm trọng ở Đông Nam Á – mặc dù không nhất thiết phải là những trách nhiệm được các nhà quan sát ở phương Tây xác định. Ví dụ, một số nhà phân tích phương Tây tỏ ra lo ngại về hoạt động kiều vận của Bắc Kinh đối với các cộng đồng gốc Hoa, coi những nhóm thiểu số này như một đội ngũ nội gián tiềm năng. Tập đã rêu rao sự ủng hộ của “tất cả người Trung Hoa” đối với phiên bản “giấc mơ Trung Hoa” của ông, làm dấy lên những nghi ngờ về ý định của Trung Quốc.
Nhưng cả ba cuốn sách đều chứng minh rằng ở Đông Nam Á, nơi mà các mối quan hệ giữa người gốc Hoa và người bản địa thường đầy rẫy những căng thẳng tiềm ẩn, thì người Hoa hải ngoại hoàn toàn không phải là một lợi thế rõ ràng cho Bắc Kinh. Các tác giả thừa nhận rằng không có mối tương quan đơn giản giữa sắc tộc và ảnh hưởng. Sự hiện diện đơn thuần của các cộng đồng người gốc Hoa ở các nước Đông Nam Á không nhất thiết phục vụ lợi ích của Trung Quốc.
Vào năm 2018, trong cuộc tổng tuyển cử ở Malaysia, đại sứ Trung Quốc đã công khai vận động cho lãnh đạo đảng dân tộc Trung Hoa của liên minh cầm quyền, phá vỡ một quy tắc cơ bản của ứng xử ngoại giao: không can thiệp vào nội bộ nước khác. Liên minh cầm quyền đã thua, và người kế nhiệm của họ đã nhanh chóng đàm phán lại một số dự án kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm đó, Mahathir Mohamad, tân thủ tướng Malaysia (ông từng giữ chức thủ tướng từ năm 1981 đến 2003), đã cảnh báo rõ ràng rằng các hành động của Trung Quốc trong khu vực có thể giống như một “phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân”.
Các nhà quan sát phương Tây có xu hướng coi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi họ đã dần dần xâm phạm biên giới biển của các nước láng giềng, là ví dụ rõ ràng nhất về tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, như Hiebert và Strangio đã nói rõ, ở Đông Nam Á, có nhiều lo lắng về các hoạt động của Trung Quốc ở một vùng nước khác: sông Mekong, con sông chảy qua 5 trong số 10 nước thành viên ASEAN và không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ các chuyên gia quan hệ quốc tế.
Một con đập trên sông Mekong ở tỉnh Luang Prabang, Lào, tháng Mười Hai 2018
Strangio nhắc nhở độc giả rằng “ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc chảy xuống sông Mekong rồi đổ vào Đông Nam Á” và “quyền kiểm soát giống như một cái van” của Trung Quốc đối với thượng nguồn của con sông “giúp Bắc Kinh có quyền kiểm soát đáng kể” đối với dòng chảy về phía Nam của nó. Các dự án xây dựng đập của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong đã và đang làm giảm dòng chảy của hạ lưu.
Kinh tế của Campuchia và Lào vẫn chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp tay làm hàm nhai [subsistence agriculture]. Các nhà lãnh đạo ở Campuchia và Lào có thể không quan tâm quá nhiều đến những gì Trung Quốc làm ở Biển Đông, nhưng họ sẽ phải suy nghĩ kỹ về một vấn đề có khả năng gây ra mối đe dọa sống còn đối với sinh kế của chính người dân của họ. Nếu các hành động của Trung Quốc trên sông Mekong không khiến Phnôm Pênh và Viêng Chăn phải suy nghĩ lại về cách họ tiến hành quan hệ với Trung Quốc, thì các thành viên ASEAN khác cũng nên xem xét lại mối quan hệ của tổ chức này với Lào và Campuchia.
QUẢN LÝ MỐI NGỜ VỰC
Một số độc giả có thể ngạc nhiên trước ý kiến cho rằng trong một khu vực nằm dưới bóng của một cường quốc lớn mà một tổ chức đa phương khu vực có ảnh hưởng thực sự. Nhưng ASEAN có ảnh hưởng thật đấy. Không tác phẩm nào trong số những cuốn sách nói trên bàn đầy đủ đến tổ chức này. Sách của Shambaugh là cuốn duy nhất dành một chương cho ASEAN. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
Rất ít học giả thực sự hiểu cách hoạt động của ASEAN. Mục đích cơ bản của nó không phải là giải quyết các vấn đề mà là quản lý sự ngờ vực và sự khác biệt giữa các thành viên và ổn định một khu vực mà ngay cả sự lịch sự trong các quan hệ cũng không được coi là đương nhiên, nhờ đó giảm thiểu cơ hội can thiệp của các đại cường.
Ngay cả một số nhà lãnh đạo ASEAN dường như cũng không hiểu được điều này. Vào tháng 7 năm 2012, khi Campuchia giữ vai trò chủ tịch của tổ chức, ASEAN lần đầu tiên không thống nhất quan điểm về thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao. Hor Namhong, ngoại trưởng Campuchia, từ chối chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào về ngôn ngữ liên quan đến Biển Đông, nhấn mạnh việc hoàn toàn không nên đề cập đến vấn đề này. Rõ ràng là ông ta đã làm như vậy theo lệnh của Trung Quốc; Fu Ying, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, hầu như không thèm che giấu sự hiện diện trùm khắp của mình tại một cuộc họp mà bà ta không có bổn phận tham dự.
Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, Marty Natalegawa, khi đó là Ngoại trưởng Indonesia, đã thuyết phục Campuchia tham gia đồng thuận của ASEAN về Biển Đông. Nội dung của tuyên bố chủ yếu được lấy từ các văn bản đã được thống nhất ý kiến trước đó, và trong một số trường hợp, ngôn ngữ cuối cùng còn mạnh mẽ hơn các thỏa hiệp mà Campuchia đã bác bỏ chỉ tuần trước. Nỗ lực đi ra ngoài nguyên tắc của Phnom Penh nhằm làm hài lòng Bắc Kinh tỏ ra vụng về và cuối cùng chỉ làm lãng phí thời gian. Các xếp lớn của bà Fu ở Bắc Kinh không thể quá hài lòng khi để bàn tay can thiệp nặng nề của Trung Quốc bị phơi bày một cách trắng trợn mà không đạt được mục đích gì. Và kể từ đó, Campuchia không còn ngoan cố một cách ngu ngốc trong các cuộc thảo luận về Biển Đông.
Không quốc gia nào cần đến Bắc Kinh xác định lợi ích quốc gia của mình để duy trì mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Ngoại trừ Campuchia, không thành viên ASEAN nào thấy cần phải khôn khéo sắp xếp các lợi ích của mình trên các lĩnh vực khác nhau với bất kỳ một cường quốc lớn duy nhất nào. Ngoại giao của ASEAN và các thành viên đương nhiên là lăng nhăng, không chung thủy một vợ một chồng [promiscuous, not monogamous].
Shambaugh cho rằng “các quốc gia ASEAN đã được điều kiện hoá để không chỉ trích Trung Quốc một cách công khai hoặc một cách trực tiếp”. Nhưng các quốc gia ASEAN cũng không công khai chỉ trích Hoa Kỳ hay bất kỳ cường quốc lớn nào khác. Họ không công khai chỉ trích người khác không phải vì họ bị "điều kiện hóa" bởi bất kỳ ai mà bởi vì những lời chỉ trích công khai ngăn cản các lựa chọn và làm giảm khả năng ngoại giao.
Các nước nhỏ chỉ có thể cơ động trong các khe hở [interstices] giữa các mối quan hệ của các cường quốc lớn. Mục đích thiết yếu của các diễn đàn do ASEAN lãnh đạo như Hội nghị cấp cao Đông Á hàng năm, nơi quy tụ các quốc gia thành viên ASEAN với các nước như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, là tối đa hóa các không gian xen kẽ đó, làm sâu sắc thêm tính đa cực tự nhiên của khu vực.
ĐỐI TRỌNG MỸ
Tất nhiên, có một số cường quốc từ bên ngoài quan trọng hơn những cường quốc khác. Nếu không có Hoa Kỳ, thì không có sự kết hợp nào của các cường quốc còn lại có thể cân bằng với Trung Quốc. Không phải mọi thành viên ASEAN sẽ nói như vậy một cách công khai, nhưng hầu hết các thành viên dường như đều nhận ra sự thật này.
Vào cuối những năm 1980, chính trị trong nước Philippines và một thảm họa thiên nhiên đã buộc các lực lượng Hoa Kỳ phải rời khỏi Vịnh Subic và Căn cứ Không quân Clark. Năm 1990, Singapore, quốc gia từ lâu đã ủng hộ sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, đã ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU) với Washington cho phép một số lực lượng Hoa Kỳ sử dụng các cơ sở của Singapore. Vào thời điểm đó, một số thành viên ASEAN đã lớn tiếng và chỉ trích kịch liệt thỏa thuận này. Nhưng không có lấy một tiếng xì xào nào khi Singapore ký một thỏa thuận liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh nhiều hơn với Hoa Kỳ vào năm 2005 hoặc khi Biên bản ghi nhớ 1990 được gia hạn vào năm 2019.
Sự thay đổi thái độ đó phản ánh sự bất bình ngày càng tăng của khu vực đối với hành vi của Trung Quốc, mà cả ba cuốn sách đều ghi lại. Chính sách của Trung Quốc thường gây ra sự phản đối. Ví dụ, cả Hiebert và Strangio đều khám phá chi tiết về dự án đập Myitsone ở Myanmar. Như Strangio lưu ý, kể từ thời điểm Myanmar ký thỏa thuận xây dựng con đập với một công ty nhà nước Trung Quốc vào năm 2006, “sự phản đối đã gần như diễn ra đều khắp”. Dự án đã bị đình chỉ vào năm 2011, nhưng, như Hiebert viết, như gần đây vào năm 2019, “hoạt động vận động hành lang vụng về, bất chấp dư luận của đại sứ Trung Quốc [để hồi sinh dự án] đã thúc đẩy các cuộc biểu tình mới chống lại con đập ở các thành phố trên khắp đất nước”.
Một ưu điểm to lớn của cuốn sách của Shambaugh là phân tích chi tiết về cách thức Trung Quốc ngày càng gia tăng dấu chân của mình ở Đông Nam Á, nhưng nỗ lực này đã không dẫn đến việc giảm quan hệ kinh tế hoặc an ninh giữa ASEAN với Mỹ. Trong một số trường hợp, quan hệ với Hoa Kỳ thậm chí còn được mở rộng. Không giống như nhiều học giả khác, Shambaugh hiểu rằng các quốc gia Đông Nam Á không xem các lựa chọn mà họ có sẵn phải ở dạng nhị phân, tổng số bằng không [theo phe này thì phải bỏ phe kia].
Tuy nhiên, Shambaugh chỉ đúng một phần khi ông kết luận rằng “Đông Nam Á chưa bao giờ có quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ, và ngược lại,” như dưới thời Obama. Người ta cảm thấy an ủi khi nghe một tổng thống Mỹ nói về việc đưa châu Á trở thành mối quan tâm trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Người ta cảm thấy vui lòng mát dạ khi Tổng thống Barack Obama dành thời gian tham dự các cuộc họp của ASEAN. Chuyến thăm năm 2012 của ông tới Myanmar, nhằm khuyến khích sự tự do hóa ban đầu của chế độ độc tài, là một bước đột phá táo bạo. Việc xây dựng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là một thành tựu quan trọng trong một khu vực mà thương mại là chiến lược.
Nhưng quyền lực mềm, thứ mà Obama có rất nhiều, sẽ không đủ [để đối phó với Trung Quốc] nếu không thực hiện quyền lực cứng – và Obama không dám làm điều đó. Năm 2012, chính quyền của ông đã làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Manila liên quan đến bãi cạn Scarborough, ở Biển Đông. Khi Trung Quốc phản bội các điều khoản của thỏa thuận bằng cách từ chối đưa các tàu của họ ra khỏi khu vực tranh chấp, Washington đã không làm gì cả. Năm 2015, Tập đã hứa với Obama rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Nhưng khi Bắc Kinh làm như vậy bằng cách triển khai lực lượng hải quân và tuần duyên để đe dọa các quốc gia tranh chấp thuộc khối ASEAN vào năm 2016, một lần nữa Hoa Kỳ lại không làm gì cả. Sự thất bại của Obama vài năm trước đó, vào năm 2013, trong việc thực thi giới hạn đỏ về việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria đã làm suy yếu uy tín của sức mạnh Hoa Kỳ – và Trung Quốc đã chú ý đến sự kiện này.
Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ chối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương khi nhậm chức vào năm 2017 là một cái tát vào mặt bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ. Nhưng không phải tất cả những gì ông ấy làm đều sai. Dù thiếu mạch lạc và thô thiển đến thế nào đi nữa, Trump dường như hiểu theo bản năng tầm quan trọng của việc thể hiện quyền lực cứng. Khi ném bom Syria vào năm 2017 trong khi ăn tối với Tập Cận Bình, ông đã làm nhiều điều để khôi phục uy tín về sức mạnh của Mỹ bằng cách thể hiện sự sẵn sàng sử dụng vũ lực.
Trump cũng rõ ràng bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và trao quyền cho Hạm đội 7 của Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải để thách thức các đòi hỏi của TQ. Tự do hàng hải là một quyền và các quốc gia khác không cần Trung Quốc cho phép để thực hiện quyền đó. Ngược lại, trong nhiệm kỳ thứ hai của Obama, Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia đã gây gổ ồn ào về sự khôn ngoan của các hoạt động như vậy, làm suy yếu hiệu quả được dự kiến.
Vì lúc bấy giờ là phó tổng thống của Obama, Biden không thể dễ dàng tách mình khỏi những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ của Obama. Nhưng ngày nay bạn cũng như thù sẽ xem xét kỹ lưỡng mọi động thái của Biden để tìm bất cứ dấu hiệu yếu kém nào của ông. Ông có thể sẽ rà soát lại chính sách của Hoa Kỳ, nhưng không chuyển hướng về cơ bản, đối với Trung Quốc và thương mại. Chính quyền của ông sẽ đưa ra và truyền đạt chính sách đến với bạn bè và đồng minh bằng một sự cân nhắc và chặt chẽ hơn so với chính quyền Trump. Bầu không khí ngoại giao của Hoa Kỳ sẽ được cải thiện sau thời kỳ ảm đạm và hỗn loạn trong những năm Trump. Tất cả những điều này sẽ được hoan nghênh. Nhưng tất cả sẽ trở thành vô ích nếu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ rơi trở lại tình trạng miễn cưỡng sử dụng quyền lực cứng của Obama.
Biden nên thận trọng về việc thúc đẩy các giá trị của Mỹ nhằm bù lại sự thờ ơ của Trump đối với chúng. Những giá trị này không nhất thiết phải là tài sản chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á, nơi chúng không được tất cả mọi người chia sẻ. “Dân chủ” là một thuật ngữ có ý nghĩa rất uyển chuyển, “nhân quyền” được giải thích theo nhiều cách hiểu khác nhau, và Đông Nam Á nói chung chú trọng nhiều hơn đến quyền của cộng đồng hơn là quyền của cá nhân.
Hoa Kỳ đã không triển khai lực lượng trên đất liền Đông Nam Á kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Với tư cách là một lực lượng cân bằng ngoài khơi, Hoa Kỳ sẽ luôn cảm thấy khó quyết định xem mình nên giữ một vị trí như thế nào: một lập trường quá mạnh mẽ chống lại Trung Quốc sẽ gợi lên lo ngại về sự vướng víu trong khu vực; một lập trường quá thụ động sẽ gây ra nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Điều này không thể tránh né. Nhưng Biden phải tránh sai lầm của Obama khi nghĩ rằng Hoa Kỳ cần giảm bớt sự cạnh tranh để đảm bảo sự hợp tác của Bắc Kinh trong các vấn đề như biến đổi khí hậu. Như bất cứ một sinh viên ngành quan hệ quốc tế nào nên biết, hợp tác không phải là một ân huệ mà một nhà nước ban tặng cho một nhà nước khác. Nếu có lợi cho mình, Bắc Kinh sẽ hợp tác. Các quốc gia có thể cạnh tranh và hợp tác cùng một lúc. Sự hiểu biết đó về cơ bản là những gì Đông Nam Á mong đợi ở Hoa Kỳ.
BILAHARI KAUSIKAN là cựu Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore.