Ngày Báo chí sắp đến…

NGÀY BÁO CHÍ SẮP ĐẾN, CŨNG PHẢI VIẾT VÀI CÂU

Hồ Bất Khuất

Có một tuần không phải viết lách gì cả (gộp 2 số TC GĐ&TE vào làm một), chỉ đọc, thật là sướng! Cứ định tiếp tục “sướng” nữa nhưng ngày 21/6 sắp đến rồi – làm nghề báo chẳng nhẽ lại im thin thít?! Phải nói vài câu thôi.

Thứ nhất, làm báo ở Việt Nam hiện nay khó khăn, phức tạp hơn xưa nhiều. Bằng chứng là chỉ riêng trong năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt 139 trường hợp với số tiền là 3,6 tỷ đồng, thu Thẻ Nhà báo đối với 13 người, còn số người bị kỷ luật chưa tới mức thu thẻ rất nhiều.

Ở nước ngoài, làm báo có sai phạm lớn cũng bị sa thải nhưng rất ít, họa hoằn mới có một trường hợp. Đơn giản, bên họ báo chí tư nhân, ông chủ rất trọng người tài, sai phạm không đến mức bị dư luận lên án, kiện ra tòa thì thường không bị sa thải (thậm chí có trường hợp bị thua kiện vẫn không bị sa thải). Còn ở Việt Nam báo chí nhà nước, có bộ chủ quản và có bộ cai quản nên sai là bị “trảm” liền.

Thứ hai, mạng xã hội đang cạnh tranh với báo chí và dường như đang thắng thế. Điều này dễ hiểu thôi vì mạng xã hội thực sự là báo chí tự do, mỗi người tự cảm nhận, tự viết, tự công bố, tự chịu trách nhiệm. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà diễn ra trên toàn thế giới. Giới làm báo chuyên nghiệp nhìn chung chia thành hai phe trước hiện tượng này: Một phe lúng túng và có vẻ khó chịu; phe còn lại sung sướng, hả hê. Tôi thuộc phe thứ hai vì nếu viết những điều mình thích thú mà không báo nào chịu đăng thì đưa lên facebook.

Thứ ba, những ngày gần đây đọc trên mạng xã hội rất sướng, từ việc ông Cục trưởng ngang nhiên cấp phép quốc ca, đến chuyện có thế lực định phá nát bán đảo Sơn Trà; rồi chuyện sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, tới chuyện vụ Đồng Tâm bị khởi tố… đều được dân mạng thông tin nhanh, bàn luận sâu, thể hiện thái độ rõ. Chính vì vậy mà có vị lãnh đạo ngành truyền thông sợ báo chí chính thống tụt hậu so với mạng xã hội. Ông biết lo là tốt nhưng ông chưa chỉ ra được nguyên nhân và cách khắc phục. Tôi có thể nói ngắn và rõ: Vì báo chí chính thống không có tự do thực sự, còn mạng xã hội thì có. Vậy muốn báo chí chính thống không thua kém mạng xã hội, hãy để họ tự do! Ở đây xin nhắc lại quan điểm của một trong “cha đẻ” dân chủ và tự do báo chí. Đó là Thomas Jefferson (1743–1826) – Tổng thống thứ 3 của Mỹ, làm Tổng thống từ năm 1801 – 1809. Ông nói: “Nếu tôi phải lựa chọn giữa một chính phủ không có báo chí và một nền báo chí vô chính phủ, tôi không ngần ngại gì cả, tôi chọn cái thứ hai”.

Thứ tư, hiện nay báo chí cần sự dấn thân, nghĩa là muốn làm nhà báo tử tế, được nhân dân yêu mến, hay ít ra là không phải xấu hổ với bản thân thì nên chuẩn bị tư tưởng là bị chính quyền ghét bỏ. Báo chí càng tự do càng như thế (điều này có tính quy luật). Chẳng thế mà Tổng thống Trump hiện nay coi báo chí Mỹ gần như là kẻ thù của mình đó sao!

Nhân ngày Báo chí cách mạnh Việt Nam, nói vài câu như vậy để chứng tỏ mình đang làm nghề; thứ nữa là động viên bạn bè và tự động viên mình.

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

clip_image005

Nguồn: https://www.facebook.com/batkhuatho/posts/10207741808497908

Comments are closed.