Thức tỉnh trước sức mạnh vô danh

Bùi Văn Nam Sơn

 

Giữa lòng Paris bị chiếm đóng, J. P. Sartre cho công diễn vở kịch Ruồi năm 1943, khẳng định quyền tự do lựa chọn và hành động của con người, mượn ẩn dụ từ một câu chuyện cổ đại về chàng Oreste.

Egiste và Clytemnestra hạ sát vua Agamemnon (chồng của Clytemnestre) rồi cùng cai trị. Oreste trở thành kẻ bí mật báo thù cho cha. Vị thần tối cao Jupiter muốn cảnh báo âm mưu này cho Egiste. Hãy nghe lời “tâm sự” của thần Jupiter với ông vua soán ngôi: “Bí mật đau đớn của thần linh và vua chúa là: con người là tự do (…) Một khi sự tự do bùng cháy trong tâm hồn con người thì không thần linh nào còn có thể chống lại họ!”.

Triết gia Đức Martin Heidegger (1889-1976). Ảnh TL

Oreste lấy quyết định, rồi hành động để thể hiện sự tự do của mình, trước sự bất lực của mọi thế lực, dù siêu nhiên hay trần thế.

Nhưng, để tự do không chỉ là phản ứng tùy hứng và tùy tiện, nó phải bám rễ sâu vào một sự “thức tỉnh” hay đúng hơn, là kết quả của quá trình thức tỉnh từ sự mê muội, buông xuôi theo thói quen trong hoàn cảnh sống thực tế của con người. Người có công đầu trong việc này là Martin Heidegger (1889-1976), đại triết gia Đức, người đã có ảnh hưởng quyết định lên Sartre trong những luận điểm then chốt.

Nếu chức năng chủ yếu của giáo dục là “thức tỉnh”, là đánh thức con người khỏi giấc ngủ vùi, thì có thể nói, tác phẩm lừng danh của Heidegger Tồn tại và thời gian (1927), bên cạnh những nội dung triết học thâm sâu khác, trước hết là một tác phẩm về triết học giáo dục. “Câu hỏi về giáo dục” (Bildungsfrage) cũng xuyên suốt các tác phẩm về sau của Heidegger. Ta sẽ tìm hiểu sơ lược tư tưởng giáo dục của Heidegger qua cả hai giai đoạn: trong tác phẩm Tồn tại và thời gian về sức mạnh vô danh của “đám đông”, và trong các tác phẩm từ sau 1945 với khẩu hiệu độc đáo: “Hãy để yên cho người học biết học!”.

Dưới sức mạnh vô danh

Không ai có thể sống một mình theo nghĩa tuyệt đối cả. Tôi đi trên cánh đồng vắng, không thấy một ai nhưng không phải mọi người khác đều vắng mặt. Con đường mòn, ranh giới các thửa ruộng nói lên sự hiện diện của người khác. Khi viết bài báo này, tôi mặc nhiên nghĩ đến và cần có những người sẽ đọc tôi, dù tôi không muốn có ai đó đứng sau lưng để quấy rầy! Những người khác (nói chữ là “tha nhân”) không phải “vật có-đó” vô tri như gỗ đá, cũng không phải “vật cho tôi-sử dụng” như chiếc búa, đôi giày. Họ cũng là tôi và tôi cần họ. Thật vô lý và kỳ quặc khi đề xướng một thuyết cá nhân cô độc tuyệt đối. Nhưng, trong đời sống hàng ngày, tôi lại có nguy cơ “sa ngã” vào một cái “người ta” vô danh, tuân phục lề thói quen thuộc hàng ngày. “Người ta” không ai làm như thế cả!”, “Người ta ai cũng bảo thế” là những “mệnh lệnh” ta nghe đầy tai hàng ngày. Ta làm hoặc không làm, ta chọn hoặc không chọn, phần lớn là theo sự chỉ bảo của cái “người ta” vô danh nhưng đầy quyền lực này: phải tặng hoa ngày phụ nữ, ngày nhà giáo, không được hút thuốc, không ồn ào ở chỗ trang nghiêm, phải vui tươi hay buồn bã đúng lúc đúng nơi… Trong cái “người ta”, thì ta, cũng như mọi người khác, là sản phẩm của các tiến trình xã hội hóa, nói theo ngôn ngữ xã hội học. Ta hành xử phù hợp với sự chờ đợi của xã hội, và người khác cũng hành xử như ta chờ đợi họ. Ta chào và được chào lại, và nói chung, làm tròn các vai trò xã hội từ khi còn bé, khi trưởng thành, trong gia đình, nhà trường và nơi làm việc. Càng ngày ta càng “nhập tâm”, và ta được đền đáp, tưởng thưởng nhờ đóng “tròn vai”. Không chỉ nhu cầu chủ quan của ta được thỏa mãn, mà còn thật sự có được sự an toàn trong cuộc sống.

Tranh Hạ sát vua Agamemnon của Pierre-Narcisse Guérin.

Rồi nhất định sẽ có những tình huống hay biến cố đột ngột kéo ta ra khỏi nhịp điệu đều đặn thường ngày, chẳng hạn một sự thất bại nặng nề hay tin buồn về sự qua đời của một người thân. Nhưng, ngay trong tình huống ấy, cái “người ta” lại có sẵn những “giải pháp”: viết vài dòng chia buồn, đặt một vòng hoa, đến viếng tang… Có lẽ chỉ có ý nghĩ về cái chết của chính mình mới thật khó trốn chạy trước nỗi sợ hãi và khó ẩn nấp vào trong cái “người ta”. Nhưng rồi vẫn có lối thoát. Tốt nhất là đừng nghĩ đến nó, đánh lạc hướng nó đi bằng cách quay về với sự bận rộn túi bụi thường ngày! Nói ngắn, ta tự nguyện và vô tình tuân phục sự “chuyên chính” của cái “người ta”, bởi nó vô danh, êm ái, không bạo lực: “Cái “người ta” âm thầm thi thố quyền lực chuyên chế của nó. Ta hưởng thụ như mọi người hưởng thụ, ta đọc, ta phê bình văn chương, nghệ thuật như “người ta” đọc và phê bình (…), ta phẫn nộ những gì “người ta” phẫn nộ…”.

Trong cuộc sống “không đích thực” ấy (thuật ngữ đặc thù của Heidegger), sự Tồn tại chân thật của ta bị lãng quên và sự Tồn tại ấy cũng rời bỏ, xa lìa ta. Ta bị bao bọc bởi những vật thể, những cái có-đó, những ý kiến, quan điểm cố hữu (những “tư kiến”/doxa như Platon từng gọi): “Cái “người ta” thuộc về những người khác và củng cố sức mạnh của nó (…). Cái “ai đó” không phải là người này hay người kia, không phải là bản thân tôi, không phải là một nhóm người hay tất cả mọi người. Cái “ai đó” là cái gì trung tính, là cái “người ta””.

Thêm nữa, cái “người ta” vô danh ấy giải phóng từng cá nhân ta khỏi mọi trách nhiệm và thực tiễn hành động: “Cái “người ta” hiện diện khắp nơi nhưng lẩn tránh rất nhanh khi con người buộc phải lấy quyết định. Nhưng vì cái “người ta” làm chủ mọi phán đoán và quyết định, nên nó gánh hết trách nhiệm cho từng cá nhân!”.

Những hoàn cảnh ranh giới

Thật vô lý và kỳ quặc khi đề xướng một thuyết cá nhân cô độc tuyệt đối. Nhưng, trong đời sống hàng ngày, tôi lại có nguy cơ “sa ngã” vào một cái “người ta” vô danh, tuân phục lề thói quen thuộc hàng ngày.

Như thế, ta đã đánh mất cái tôi trong cái “người ta”. Đâu là lối thoát? Thưa rằng: chỉ có các hoàn cảnh ranh giới mới có thể “đánh thức” sự “tồn tại đích thực”, không còn sống say chết mộng. Đó là hai nỗi sợ: nỗi sợ trước toàn bộ sự sống (sống sao cho đúng là mình) và nỗi sợ trước cái chết (tức không còn tồn tại nữa). Các nỗi sợ này thường được tránh né, tảng lờ, nhưng nếu không đối diện với chúng, con người không thực sự “hiện hữu”. Ta vẫn sống, nhưng không có ý thức về sự hiện hữu, và vì thế, cũng không có hay đánh mất khả thể thực hành sự tự do. Thay vì trốn chạy, “con người hiện hữu” chấp nhận nỗi sợ này, và nhờ đó nắm bắt tương lai như là tương lai đang mở ngỏ và do ta kiến tạo lấy.

Lo sợ trước cuộc sống và trước cái chết, dù sao, vẫn là hai “hoàn cảnh ranh giới” quá cực đoan. Hình thức tưởng như tiêu cực trong đời thường nhưng vẫn có tác động thức tỉnh mạnh mẽ, đó là nhịp điệu đều đều khiến ta phát chán! Chính sự chán ngán khiến ta hồi tưởng đến thời gian và cuộc sống: vũ trụ biến thành một chiều chủ nhật (buồn, trên căn gác đìu hiu!), đó là định nghĩa về sự buồn chán, vì lúc ấy, thời gian gõ mạnh từng nhịp trong lòng. Lại nhớ đến Maxine Green, nhà nữ giáo dục hiện sinh Mỹ: “Sự nhàm chán là cách thức mà sự đe dọa của hư vô đang thức dậy trong ý thức”. Nó làm mình thấy “có lỗi”: “Có lỗi là khi cảm nhận rằng ta ăn không ngồi rồi, không tận dụng các khả thể, không tự mình vun đắp tương lai!”.

 

Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/giao-duc-du-hoc/tro-chuyen-triet-hoc/4879/thuc-tinh-truoc-suc-manh-vo-danh.ndt

Comments are closed.