(Trả lời Tạp chí Harper’s Magazine, Hoa Kỳ)
Một nhóm nhà văn ở một nước dân chủ, vào ngày đẹp trời nào đó, hẹn cùng nhau lập một diễn đàn về văn học, nghệ thuật là một việc quá đỗi bình thường. Ngoài những độc giả của họ, chẳng ai phải bận lòng.
Nhưng ở Việt Nam, đây là một việc bất thường và tôi hiểu, chính vì sự bất thường ấy mà các vị đặt ra cho chúng tôi câu hỏi. Thực ra, tôi cũng từng tự hỏi, vì sao, tôi, một người vốn sống khiêm nhường, không thích sự ồn ào, không thích chốn đông người, lại lập tức tham gia vào Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, mặc dù, biết chắc, sẽ gây nên nhiều phản ứng trái chiều, trong đó, có phản ứng gay gắt từ phía những người lãnh đạo Tư tưởng – Văn hóa (hình như ở các nước khác không có hệ lãnh đạo này)*. Tôi nghĩ, mình đã bị hấp dẫn, bị quyến rũ bởi hai chữ Độc lập – hai chữ vốn rất bình thường, rất tự nhiên lại có ý nghĩa như một lời kêu gọi trong thực tế Việt Nam.
Cũng cần nói thêm rằng, tôi tham gia Văn đoàn Độc lập hiển nhiên không chỉ để bày tỏ một khuynh hướng sáng tạo, một quan điểm thẩm mỹ mà còn là để thể hiện thái độ, thể hiện sự lựa chọn trước các vấn đề của xã hội, của đời sống nói chung, của văn học nói riêng hiện nay.
Có những người bạn, có thiện cảm với chúng tôi, cho rằng việc làm của chúng tôi “hơi sớm”. Tôi không nghĩ vậy. Tôi tiếc là mọi việc không diễn ra sớm hơn.
Trân trọng cám ơn.
Ý Nhi
*Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện vui: Nghe kể hồi kháng chiến chống Pháp, có lần, nhà văn Sơn Nam nói rằng: Lãnh đạo văn nghệ thì cũng như việc lấy rổ múc nước vậy. Sau 1975, trong một dịp gặp ông, tôi nhắc đến câu nói rất thú vị này để xác nhận “bản quyền” nhưng ông không trả lời, mà lảng sang một câu chuyện khác (cũng rất thú vị).