CƠ NHỠ TRONG HÒA BÌNH

(trích)

thanh thảo

XVI

Còn thơ lại khác với nhiều thứ. Bây giờ người ta nói, thơ chả ai đọc. Chả ai đọc mà số người làm thơ lại tăng theo cấp số nhân ? Vậy là từ trong bản thể, thơ cần thiết cho người làm thơ, trước khi có thể cần thiết cho ai khác. Nhà thơ làm thơ để thỏa mãn mình, trước khi làm hài lòng người. Người ta sẽ nói: “ Còn Nguyễn Du thì sao ?” Vâng, Nguyễn Du là nhà thơ vĩ đại, nhưng bây giờ những người trẻ mấy ai đọc truyện Kiều ? Trừ những người phải đọc để làm luận án kiếm cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ ? Hồi xưa, cha ông chúng ta ai cũng thuộc ít nhất là mấy câu Kiều, và họ hoàn toàn thuộc thành phần bình dân, không phải giới tinh hoa. Còn bây giờ ? Có khi ông Obama còn thuộc Kiều nhiều hơn là một người trẻ Việt Nam nào đó. Không ai trách họ cả. Mỗi một thời có những nhu cầu tinh thần khác nhau. Hồi xưa làm gì có facebook ? Bây giờ, hơn 30 triệu người Việt thường xuyên dùng các mạng xã hội để kết nối với nhau. Nhiều khi, đơn thuần chỉ để chém gió. Còn giới tinh hoa, bây giờ họ ở đâu ? Nói về giới này, hôm qua ngồi với nhà văn Nguyên Ngọc nhân dịp ông vào Quảng Ngãi dự 70 năm trường Lê Khiết, anh Ngọc nói: “ Đất nước nào cũng có giới tinh hoa của nó. Hồi xưa đã vậy. Bây giờ vẫn vậy.

Chỉ riêng Việt Nam là người ta cố kéo giới tinh hoa xuống tầm đại chúng.” Tôi thêm: “ Nhưng ngược lại, không thể đẩy đại chúng lên hàng tinh hoa, dù bây giờ internet đang trợ giúp đắc lực để làm việc đó.”. “Chém gió” thì khó “Tinh hoa”. Còn “Tinh hoa” cũng không chịu “làm hòa” với “Chém gió”. Bác Nguyên Ngọc cười rất hồn nhiên. Đó là nụ cười của một nhà văn, một nghệ sĩ thứ thiệt. Không bao giờ làm bộ, cũng chẳng tỏ ra ta đây kẻ giờ. Chỉ hồn nhiên thích thì nói là thích, ghét thì nói là ghét. Dĩ nhiên, bây giờ khác thời Phùng Quán, chẳng ai cầm dao dọa giết để anh phải “nói ghét thành yêu”. Khi nhà văn Nguyên Ngọc lên trường Lê Khiết, hơn một nghìn học sinh ở đây đã ùa tới đón ông, nồng nhiệt và cảm động vô cùng. Không phải nhà văn Việt Nam nào cũng được như vậy. Lúc ngồi với ông, tôi đã cẩn thận nhìn vào túi áo nhà văn: ông không có bút. Chắc bây giờ thời vi tính, Nguyên Ngọc tuy đã 84 tuổi nhưng sử dụng vi tính khá “sành điệu”, nên quên cái bút cũng là phải. Tôi có dặn các em là biếu ngay cho bác Nguyên Ngọc một cái bút tốt để bác…ký. Không phải ký hợp đồng hay hóa đơn chứng từ gì, mà ký khi các cháu học trò trường Lê Khiết xin chữ ký của bác. Cứ là ký mỏi tay thôi, bác Ngọc ạ. Được trẻ con yêu mến, còn gì bằng ! Đó là được tương lai yêu mến rồi đó. Cùng lúc trẻ con học trò ùa đón bác Nguyên Ngọc, một học sinh của trường từ…68 năm trước, thì có tới 5 vị “nguyên” và đương chức của Bộ Giáo dục ngồi đó, nhưng các cháu nó…quên bẵng. Năm vị ngồi như năm pho tượng, lồng lộng và lạnh lẽo. Cái bác Nguyên Ngọc này, chúa là thích thay đổi. Không phải thay đổi nhà cửa hay vợ con, mà thay đổi tư duy. Cái thay đổi này khó nhất trong mọi sự thay đổi. Còn nhớ, năm 1983 tôi có viết một kịch bản, gọi là kịch bản sân khấu cũng được, mà kịch bản phim cũng xong, vì dạo đó tôi rất ưa mix (hòa trộn) các thể loại văn nghệ với nhau. Cái này tôi cũng học từ Tây phương chứ không phải mình tự nghĩ ra. Kịch bản ấy chọn bác Nguyên Ngọc làm nguyên mẫu nhân vật chính, sau khi bác đã làm cú “Đề dẫn” nổi tiếng từ năm 1979. Tên kịch bản ấy là “Thay đổi”. Tôi đang cố gắng tìm lại bản thảo kịch bản này, vì bây giờ nó cũng đã “thay đổi” đâu mất tiêu rồi. Đã hơn 80 tuổi mà tốc độ tư duy còn nhanh và sắc như bác Nguyên Ngọc thật hiếm có. Không rèn luyện hàng ngày, không chịu va đập hàng ngày, sẽ không có tốc độ tư duy như vậy. Điều này Bill Gates đã nói rõ trong quyển sách “Tốc độ tư duy” của ông. Còn với trường Lê Khiết, thì tôi nhớ, ngày trước bố tôi cũng đã xin cho ông anh con bác ruột tôi vào học hệ B trường Lê Khiết. Không phải anh tôi học giỏi giang gì, vì bố tôi phải đóng tiền để anh tôi theo học, nhưng chính nhờ học Lê Khiết mà khi tập kết ra Bắc anh tôi đã được tuyển vào học Đại học Sư phạm Hà Nội. Hồi ấy trường này chỉ đào tạo khóa 2 năm. Anh tôi ra trường, và lập tức được bổ đi dạy cấp 3 ở Văn Giang Hưng Yên – gần khu vực cách đây mấy năm người ta lấy đất của dân “bắp cày” để làm resort, gây nên những cuộc biểu tình đòi đất khá rầm rộ. Tôi hoàn toàn không có khát vọng được đại chúng mến yêu, nhưng được yêu mến vẫn nghìn lần hơn bị ghét bỏ. Niềm hạnh phúc của người sáng tác nhiều khi chỉ đơn sơ như vậy. Được yêu mến bởi những người mình chưa từng gặp, chưa từng quen. Không hy vọng có quá nhiều fans như các ngôi sao giải trí, những nhà thơ nhà văn vẫn âm thầm mong được chia sẻ. Thực lòng chia sẻ qua tác phẩm của họ, chứ không phải qua like (thích) một cách hời hợt. Nhớ lại mấy năm trước, khi tôi mời anh Nguyễn Khoa Điềm vào Quảng Ngãi dự Ngày Thơ Nguyên tiêu, anh Điềm và tôi cũng đã… ngơ ngác khi được nhiều em học sinh trung học ùa đến xin chữ ký. Đến nỗi, một người kín đáo và trầm tĩnh như anh Điềm phải tự hào nói với tôi: “Cứ như mình là ngôi sao ca nhạc ấy ông nhỉ!” Thích thật đấy! Nhưng cũng là nói cho vui thế thôi, chứ đám nhà thơ chúng tôi rất biết thân phận mình. Và rất khiêm nhường, đúng như vị trí và tầm ảnh hưởng mà thơ mình có thể đạt tới. Tuy vậy, thơ vẫn có con đường riêng của nó đến với từng số phận. Thằng cháu tôi, đang làm việc rất tốt ở nhà máy Lọc dầu, lại có nhà hàng riêng đông khách, nhưng năm ngoái, bố cháu, là đồng hương Quảng Nam và bằng tuổi với bác Nguyên Ngọc, cùng thi và học cùng khóa với bác Ngọc ở trường Lê Khiết, đột ngột lâm bệnh hiểm nghèo. Cơ may còn rất ít, và khả năng bố cháu “đi” là rất nhiều. Nhưng rồi, thằng cháu chợt nhớ tới tập thơ của bố nó đang còn ở dạng bản thảo. Cháu nhờ tôi biên tập, viết lời tựa, tất cả chỉ gói gọn trong một ngày, và gửi ngay bản thảo ra Đà Nẵng cho nhà văn Thái Bá Lợi đang làm đại diện NXB Hội Nhà văn ở miền Trung. Anh Lợi huy động các cháu trong cơ quan, cháu vẽ bìa, cháu làm ma-két, thức sáng đêm để in tập thơ. Chỉ hoàn thành trong vòng ba ngày, kể cả nộp lưu chiểu, tập thơ của bố thằng cháu tôi đã phá kỷ lục về “in nhanh” ở NXB này. Khi nhìn thấy tập thơ trang nhã, đẹp đẽ của chính mình, bố thằng cháu đã…vùng dậy, và ông trở lại như khỏe mạnh. Chính thơ ông đã cứu ông thoát cái chết lúc đó, và đưa ông sống thêm hơn một năm. Đó cũng là kỳ tích mà thơ có thể làm cho một con người. Nói yêu thơ, với người làm thơ, là yêu thơ… mình trước đã. Cái đó chả có gì sai. Không biết tự yêu mình thì làm sao biết yêu người? Tôi thì chưa đạt tới độ quá yêu thơ mình, bằng chứng là tôi đã lơ đãng làm mất rất nhiều bản thảo thơ tôi. Có những bản thảo bị mất tới bây giờ tôi vẫn tiếc, nhưng biết làm sao? Hồi trước ấy, bản thảo chỉ đánh máy vài ba bản, tôi lại hay đem… cho bản thảo của mình, thay vì cho tiền, vì làm gì có tiền mà cho. Giá như bây giờ thì đâu đến nỗi! Ba bốn cái máy laptop, tha hồ lưu. Với lại, cũng chả còn ai xin bản thảo của mình nữa. Có cho, chỉ cho tiền, là thứ không bao giờ “độc bản”. “Trời sinh thân ta ắt có dùng/ Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến/”( Lý Bạch). Nhưng nếu chỉ có độc một bản thảo, mà mất, là mất luôn. Nghìn vàng không chuộc lại được.

XVII

Trong những tháng ngày cơ nhỡ, tôi đã sống thật hồn nhiên. Chính sự hồn nhiên này đã đưa tôi vượt qua nhiều khó khăn trắc trở. Hãy biết cảm ơn sự hồn nhiên của chính mình. Gần đây, một chú em nhà báo nói với tôi: “Anh hồn nhiên thật!” Tôi nghĩ, đó là một lời khen. Dù 70 tuổi rồi mà vẫn hồn nhiên thì e có đượm chút… dở hơi. Tôi nghĩ mình cũng có dở hơi. Và tôi thích điều đó. Sự tự hài hước chưa bao giờ rời bỏ tôi. Và khi anh nhìn, anh nghĩ nhiều cái nơi anh ở khía cạnh buồn cười của nó, anh sẽ dễ sống hơn. Đừng quá nghiêm trọng mọi sự, dù “Yêu Tổ quốc là một điều nghiêm trọng” (thơ Tây Ban Nha). Tươi vui hồn hậu, anh sẽ được cái mà anh đáng được. Cái đó chính là đời sống. Nhưng cũng đừng quá cường điệu một cái gì, kể cả sự tươi vui. Hồi xưa tôi đọc “Alexis Jorba” và rất thích. Bây giờ nghĩ lại, có khi chính cách sống của ông Jorba này đã dẫn tới cú vỡ nợ rung chuyển toàn cầu của Hy Lạp. Chứ chăm chỉ lao động và sáng tạo như người Mỹ thì làm sao vỡ nợ được? Dù họ vẫn nợ đầm đìa, nhưng có vay có trả. Họ trả được. Còn mình thì… Tôi là người rất không thích mang công mắc nợ, mà nhiều khi vẫn phải mang nợ, bắt buộc. Nhưng đã vay là phải trả, không quỵt, không chạy nợ. Có một lần, hồi ở Qui Nhơn, tôi dại dột vay tiền ngân hàng để… uống bia với anh em. Hồi ấy lãi suất ngân hàng là 18%/tháng. Đó là thời lạm phát, còn tôi thì cứ “tươi vui lớ ngớ”. Tôi vay không nhiều, nhưng trả trối chết luôn. Sau này, nghe nói vay tiền ngân hàng là… hãi. Còn hồi cơ nhỡ thì may quá, không vay ai. Có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Hết thì thôi. Tôi chơi tốt với bạn, nên bạn tốt của tôi cũng nhiều. Anh em san sẻ cho nhau những lúc khó khăn thiếu thốn. Bây giờ vẫn vậy. Sự thanh thản tâm hồn là liều thuốc quí nhất giữ cho ta được cân bằng trong cơ thể. Ai cũng đang mang một thứ bệnh gì đó, như tôi bây giờ là bệnh gút. Do uống bia với bạn bè nhiều quá, kéo dài nhiều năm quá, nên không tránh khỏi bị gút. Nhưng tôi chữa bệnh bằng cách… viết (chứ không phải “giết”). Khi viết, mình như đang trút bỏ, lại như đang tự bồi đắp. Đó là di động, là lưu chuyển. Mỗi ngày viết vài trang, cảm thấy rất thoải mái. Coi như một liệu pháp thể dục cho tâm trí. Con người chỉ có thể tự khẳng định mình qua lao động. Vì thế, một thể chế không lo được công ăn việc làm cho dân thì không phải là một thể chế tồn tại hữu hiệu. Mỗi người dân đều phải có việc làm, và đều phải làm việc, thì xã hội mới có cơ phát triển. Ngược lại, sẽ như Hy Lạp. Nếu thời gian lang thang cơ nhỡ sau hòa bình là thời gian thất nghiệp của tôi, thì dường như không chỉ mình tôi. Một nửa xã hội miền Bắc thất nghiệp hồi đó. Vẫn có những người làm việc, nhưng việc thì ít, người thì đông, và hiệu quả thì thấp. Thôi mình đành thất nghiệp cho xong. Nhưng phải nói, chơi không là rất khó chịu với một người đã quen làm việc như tôi. Sau này, lúc nào tôi cũng chỉ mong có việc mà làm. Đúng là có làm thì có ăn, và miếng ăn ấy là chính đáng với một con người. Đất nước qua bao nhiêu năm chiến tranh, người Việt không chỉ đổ máu mà còn đổ mồ hôi vì những công việc nặng nhọc nhưng không phải là công việc xây dựng. Hầu hết là những công việc phục vụ cho chiến tranh. Ngay những con đường xuyên Trường Sơn cũng là đường làm vì chiến tranh, chứ không phải làm vì mục đích hòa bình, phục vụ dân sinh. Hồi ấy, mỗi khi nghe bài hát của Phan Huỳnh Điểu “Những ánh sao đêm” với câu: “Anh đi xây nhà cao cao mãi”, ai cũng thèm có một ngày đó. Nhưng khi ngày đó tới, thì có lẽ vì quá mệt mỏi, vì sức tàn lực kiệt hay vì gì khác, mà khí thế xây dựng trong hòa bình không như những tác phẩm nghệ thuật tiên đoán. Lúc mới hòa bình, do thường xuyên đi lại trên đường quốc lộ 5 nên tôi thấy, gần như không có bất cứ sự xây dựng mới nào. Tất cả bất động, như cũ, có lẽ là y như trong chiến tranh. Sự tàn phá thì còn nguyên, còn xây dựng mới thì chưa có. Mà soi vào lòng mình, tôi cũng thấy như mình chẳng có gì mới cả. Niềm vui hòa bình thống nhất đã qua, tôi và bao người bình thường khác lại trở về những chuyện hàng ngày với cuộc sống hàng ngày. Cả miền Bắc gần như kiệt sức sau bao nhiêu năm gồng mình chống chọi lại cuộc chiến tranh của Mỹ. Tất cả những hậu quả chiến tranh chúng ta đều phải gánh chịu. Nhà ai cũng khổ, không khổ vì cái này thì khổ vì cái khác. Một tâm thế rã rời, bất chấp mọi sự vực dậy của truyền thông. May quá, sau chiến tranh tôi không phải viết báo, chứ nếu làm phóng viên lúc ấy, tôi cũng không biết mình sẽ viết cái gì. Quá nhiều năm sau, đọc phóng sự viết đầu những năm 80 của nhà văn G.Marquez về Việt Nam, tôi thấy ông cảm nhận đúng những gì đang xảy ra ở miền Bắc Việt Nam thời ấy. Nhưng dù sao, ông vẫn là người ngoài, và ông tự do viết những gì ông thấy và ông nghĩ. Hồi tháng 8 năm 1975 thì phải, đi nghe ai đó nói chuyện ở trụ sở câu lạc bộ Hội Nhà báo, tôi có nói với mấy anh bạn: “Người ta nói “viết lách”, nhưng người ta “lách” qua lại phổng phao như cũ, còn mình “lách” xong thì… dẹp lép.” Mấy anh em nhà báo cười tán thưởng một cách so sánh rất hiện thực. Sở dĩ tôi có cuộc đi nghe nói chuyện vu vơ đó vì là đi với Định Nguyễn: dạo ấy anh chàng này là biên tập viên văn nghệ của tờ tạp chí Trung ương Đoàn, nơi anh đã đưa in hai bài thơ “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật và “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú. Sau cú in bị đánh tơi tả này, Định Nguyễn đâm ra… nổi tiếng. Tôi thấy anh đi vào đám đông các nhà báo một cách khá nghênh ngang, và được chào hỏi thân tình. Tôi cũng được thăm hỏi thân mật, vì dù sao, tôi cũng mới ở chiến trường ra, lại mới được in 13 bài thơ trên tạp chí “Tác Phẩm Mới” cùng lời giới thiệu đầy nhiệt tình của nhà thơ Chế Lan Viên. Với văn nghệ miền Bắc hồi ấy, đó là một sự kiện. Trước tôi, chưa có ai được in một lúc 13 bài thơ trên tờ tạp chí chính thức của Hội Nhà văn như thế cả. Nhưng tôi cũng chả hãnh diện gì, có lẽ tính tôi nó thế. Đi uống rượu với bạn thì vui hơn. Đong đầy những nỗi nhớ rời rạc, hầu hết là nhớ bạn bè ở chiến trường và chiến khu. Sau chiến tranh, anh em tản lạc, có người gặp may, có người chịu rủi. Một câu chuyện buồn cười, lại liên quan tới ông bạn Phan An – nhân vật bị “bỏ quên” trên rừng hồi mới hòa bình. Khi về Sài Gòn, thì Phan An có việc làm ngay, cũng là việc “ngon” chứ không vớ vẩn. Dường như người ta muốn “bù” lại cho anh những thiệt hại mà anh phải chịu một cách bất công. Lúc ấy, ông bạn chiến khu của tôi là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Chính đã ra Hà Nội. Anh nhờ tôi liên hệ mua giúp anh một cái xe máy theo kiểu mô-bi-lét. Ông này lạ! Người ta mua xe Honda Nhật, ông mua xe mô-bi-lét làm gì? Nhưng tôi cũng cứ hỏi giúp, và Phan An chính là chủ nhân một chiếc xe mô-bi-lét bạn tôi muốn mua. Tôi thì mù tịt về các loại xe cộ này, nhưng bạn nhờ, lại gửi cả tiền, mình không giúp không được. Sau khi Nguyễn Chính có cái xe của Phan An rồi, tiền trả đủ rồi (qua tôi), mà xe… không chạy nổi. Hóa ra, nó là cái xe khá cà rỉ, không biết vì sao Phan An lại mua, hay ai cho anh ta? Tôi không biết, nhưng hơi buồn, vì ông bạn Chính của tôi đã mua phải cái xe không ra gì. Âu cũng là chuyện mua bán thời mới giải phóng, đầy những bất trắc rủi ro. Nhiều anh lính Bắc đã mua phải đồ giả đồ rởm ở các “chợ giời” Sài Gòn, và đành cam chịu không biết kêu ai. Lúc chiến tranh là một kiểu sống, mà hòa bình lại có kiểu sống khác. Nhiều người lúc đầu đã không thích nghi nổi. Tôi thì sống quá đơn giản, lúc nào cũng vậy, nên chẳng gặp khó khăn gì. Sau chiến tranh nhiều năm, tôi cũng chỉ có một ba lô, vài bộ quần áo, cơm tập thể, rượu vỉa hè, thế là xong.

XVIII

Xong mà chưa xong. Khi anh chỉ là phận lính an dưỡng, tương lai mịt mù, thì không thể nói là “xong” được. Nhiều lúc nghĩ sắp tới làm gì, tôi cũng choáng. Thường hay chơi với ông bạn Đoàn Tử Diễn, tôi cũng nhiều lần thể hiện nỗi bất an này. Diễn cũng vậy, nên hai đứa mới kéo nhau đi thi vào… báo Phụ Nữ. Đó là một dấu hiệu của hốt hoảng, hơn là một định hướng cho tương lai.Tôi thấy nhiều cháu học thi đại học vừa rồi cũng có những nỗi hốt hoảng giống tôi hồi đó. Nhưng nỗi hốt hoảng của các cháu là do Bộ GD&ĐT gây ra, chứ không phải do hoàn cảnh xã hội. Muốn học trường đại học này, nhưng thi xong thì bần thần vì không biết điểm số của mình có đủ vào đại học đó không? Cứ hồi hộp như đánh số đề, như chơi chứng khoán. Chờ tới phút cuối cùng, hoảng quá, mới rút vội hồ sơ nộp vào một trường bất kỳ mà mình chưa bao giờ có ý định vào học, miễn đủ điểm nhập trường là “xong”. Xong như thế thì làm sao xong được! Tôi không hiểu, sang năm Bộ Giáo dục còn cho trẻ con chơi trò “bịt mắt bắt dê” này nữa không? Ngày xưa khi tôi tốt nghiệp lớp 10, cũng nhiều “tâm tư” lắm. Nhưng hồi ấy, tuy chiến tranh vừa lan ra miền Bắc, Bộ Giáo dục không thể tổ chức kỳ thi đại học năm ấy, mà chỉ xét tuyển, nhưng Bộ đã làm với trách nhiệm cao nhất, và hết sức công tâm. Tôi được tuyển vào học khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội – một khoa và một trường tôi mơ ước từ lâu nhưng không nghĩ mình vào được. Thế mà, nhờ “mắt xanh” của Bộ Giáo dục và Ban tuyển sinh hồi đó, tôi đã được vào học đúng nơi mình mơ ước. Đối với học sinh, được học ở trường và với ngành học mình yêu thích, thì quả thật không gì bằng! Đây là sự may mắn đầu đời của tôi, nó quyết định cho những bước đường đời của tôi sau này. Đừng bao giờ nghĩ, với các em học sinh tốt nghiệp PTTH bây giờ, việc chọn trường nào để thi để học là không quan trọng. Nhiều khi, đất nước mất rất nhiều từ sự lựa chọn sai hay không phù hợp ngành nghề và năng lực của học sinh. Với những người lớn tuổi đã qua thời đi học, nhiều khi nghĩ lại họ hay chép miệng: “Giá như hồi xưa…”. Vâng, không ai thay đổi được quá khứ, nhưng giá như hồi xưa ấy… Tất cả cơ sự cũng chỉ vì… tiền. Bây giờ đụng đâu cũng tiền, va vào cái gì cũng tiền, cũng “chạy”, tới mức xã hội đã quen dần với “văn hóa” đồng tiền đi liền câu chuyện, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Nhưng giáo dục mà dính tới tiền, mà coi đồng tiền như… tiên, thì “xong rồi, Lượm ơi!”. Nhiều người làm trong ngành giáo dục bây giờ di chuyển rất khệ nệ, họ rất đạo mạo, và họ rất… giàu. “Có anh lính mang cái chi đi qua hải quan…” ( nhạc Trần Tiến). Hôm nay, thì “anh lính” không chỉ qua cửa hải quan, mà còn phải qua rất nhiều cửa khác. Và “cái chi” ấy, chắc chắn không phải là… chi chi chành chành cái đanh thổi lửa… Tôi cứ nghĩ, nếu vào thời này, với cách học hành a-ma-tơ như tôi, chắc tôi cũng thuộc dòng tôn thất… học. Nhờ thế, biết đâu, tôi lại được làm trong ngành… giáo dục, với cái bằng thạc sĩ hay tiến sĩ… đểu nào đó. Giờ xin cho con cho cháu vào lớp Một trường trái tuyến thì cứ là… biết nhau ngay! Nhục như con cá nục. Bởi “Ngài” cứ lật qua lật lại cái hồ sơ như nướng bánh đa, miệng lẩm bẩm như thầy cúng, môi chép chép như thằn lằn, và thế là khổ chủ phải… nôn ra gấp. Ít nhất là 40 con ba ba mùa xuân (hai mươi triệu), việc này mới xong. Thêm một cái xong nữa. Vậy mà vẫn chưa xong. Tôi vừa đọc được một bài báo viết một bà giáo trường tư ở Mỹ đã “làm thay đổi nền giáo dục Mỹ”. Xin trích một đoạn trong bài báo này, nói về cách bà Marva Collins cho học trò tiếp cận với những gì bà cho là thiết cốt với chúng:

“Học sinh lớp sáu được đọc những tác phẩm của nhà triết học Đức Nítsơ hay nhà tư tưởng Pháp Vônte, văn hào Anh Sếchxpia và đại văn hào Nga Lép Tônxtôi. Đọc sách là một trong những phương pháp cơ bản trong triết lý giáo dục của Marva Collins, nhưng những quyển sách như thế bị các giáo viên thời ấy cho là vượt quá xa khả năng của các học sinh xuất sắc, chứ chưa nói đến những học sinh cá biệt. Bà không chỉ dạy học sinh đọc và viết, mà còn cho chúng tiếp cận với những tri thức lớn của nhân loại, không phân biệt một cách đầy định kiến như giáo dục Mỹ đương thời.” (Theo báo TT&VH). Tôi không phải học sinh xuất sắc, và gần với học sinh cá biệt, ngày bé đi học tôi cũng chẳng biết bà Marva Collins là ai, nền giáo dục Mỹ là gì, nhưng thật tình cờ và may mắn, tôi đã thụ hưởng đúng tinh thần giáo dục của bà. Và đã đọc được những quyển sách kinh điển ngay khi còn học cấp 1 và cấp 2. Tôi mê sách, ngày xưa gọi là mọt sách, nhưng nếu không có cơ may, làm sao tôi tiếp cận được những quyển sách lớn, những tác giả lớn, lại được đọc qua bản dịch tiếng Việt. Hồi ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), khu dành cho học sinh Việt Nam này có một thư viện lớn, 4 tầng lầu. Bọn trẻ con chúng tôi thường xuyên tới đọc sách ở đây. Bắt đầu từ đọc tranh liên hoàn, rồi tiến tới đọc sách tiếng Việt, kể cả sách dịch. Hè năm học lớp Một, tôi được đi bệnh viện Nam Ninh chữa mắt loạn thị. Mắt thì không chữa được, nhưng “lòng” lại sáng ra nhờ… đọc sách. Nguyên bộ sách Thủy Hử của Thi Nại Am đã được tôi ngốn ngấu trong thời gian này, để sau khi về lại trường, tôi trở thành người kể truyện Thủy Hử cho cả lớp nghe. Nếu lớp Một đọc được Thủy Hử thì tới lớp Năm tôi được đọc bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo và nhiều tác phẩm kinh điển khác tương đối phù hợp với lửa tuổi mình. Cuối năm lớp Bảy thì được tiếp xúc với tác phẩm của Lev Tolstoi, rồi Hemingway vào lớp Tám, v.v… Như thế, tôi gần như đọc đúng những tác phẩm của những tác giả mà bà Collins đã truyền dạy và cho học sinh “cá biệt” của mình đọc. Giáo dục như thế, làm sao không thành công? Chỉ tiếc, ở Việt Nam, nhất là bây giờ, trẻ con ít đọc sách, và cũng rất ít thầy cô giáo hay phụ huynh khuyến khích chúng đọc sách. Xem bài báo về “Người thay đổi nền giáo dục Mỹ” tôi nhận thấy, không phải tự nhiên nền giáo dục này đã tốt như ngày nay ta biết. Nó cũng trải qua bao thăng trầm, và tốt lên nhờ những con người bình dị nhưng tha thiết với nền giáo dục ấy, tha thiết với các thế hệ học trò như bà Marva Collins. Bí quyết giáo dục nhiều khi cũng đơn giản, chỉ là ta có tấm lòng để thực hiện hay không mà thôi. Nếu bây giờ, Bộ Giáo dục Việt Nam thực tâm muốn cải cách giáo dục, tôi nghĩ, đó là chuyện hoàn toàn làm được, và không phải trên lý thuyết, mà ngay trong thực tế. Đó không phải chuyện ngày một ngày hai, nhưng “nếu anh không ngồi trên chiếc xe đạp và đạp”, như Einstein vĩ đại đã khuyên, thì làm sao đi tới đích? Hay anh chỉ thích ngồi xe ‘ba nghìn con trâu” ?

Comments are closed.