Sự khác biệt về tính dục trong truyện Nguyễn Thị Thụy Vũ và các nhà văn nữ khác
Du Tử Lê
nbĐề cập tới trường hợp Nguyễn Thị Thụy Vũ, một cây bút nữ từng đưa tới nhiều nhận định khác nhau, thậm chí mâu thuẫn trong cách nhìn của một số người cầm bút ở miền Nam Việt Nam, trước cũng như sau biến cố 30 tháng 4 -1975.
Tôi nghĩ, để dễ theo dõi hành trình văn chương của cây bút nữ họ Nguyễn này, chúng ta có thể tạm chia hành trình đó làm ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: Xuất hiện.
Những người từng dõi theo sinh hoạt văn chương của Nguyễn Thị Thụy Vũ kể rằng, năm 1963, trên tạp chí Bách Khoa, Saigòn, người đọc thấy xuất hiện một số truyện ngắn của một cây bút nữ lạ huơ lạ hoắc. Sự huơ, hoắc này không chỉ mang ý nghĩa một tên tuổi mới, mà, nó còn huơ hoắc ở cả phương diện nội dung nữa. Đó là những truyện ngắn ký tên Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Nếu không kể những nhà văn nữ có tác phẩm và tên tuổi ít nhiều bập bùng bước trên lộ trình văn chương tiền chiến, (điển hình, ảnh hưởng dòng văn chương Tự Lực Văn Đoàn, như Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo…) thì đó là:
– Thời điểm của một Nhã Ca đã sớm có chỗ đứng riêng, vững vàng cả về thơ lẫn truyện.
– Thời điểm của một Túy Hồng đã định hình lấy cho mình bằng một văn phong chanh ớt, rất địa phương. Rất Huế.
– Thời điểm của một Trùng Dương muốn trở thành phát ngôn viên của triết lý Hiện sinh ở miền Nam, thể hiện qua văn chương, nối tiếp bước đi của Francoise Sagan ở Pháp. (1)
– Và, đó cũng là thời điểm của một Nguyễn Thị Hoàng vừa chính ngọ, với tác phẩm “Vòng Tay Học Trò“…
Tuy xuất hiện có phần trễ hơn một chút so với những cây bút nữ vừa kể, nhưng tác giả “Mèo đêm” Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng đã cho thấy móng vuốt của mình. Những móng vuốt sắc, nhọn và, một võ công có thể gây hiểm nghèo cho địch thủ khi lâm trận…
Giai đoạn thứ hai của hành trình văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ, đánh dấu bằng tập truyện đầu tay, “Mèo đêm” của bà.
Tập truyện “Mèo Đêm” của Nguyễn Thị Thụy Vũ, gồm 4 truyện ngắn được coi là tiêu biểu cho thời kỳ thăm dò, khai khẩn cánh rừng văn chương, chữ nghĩa của bà. Cả bốn truyện đều có nội dung như những lưỡi dáo lao thẳng vào các mục tiêu tình dục.
Tình dục qua tác phẩm này, có hai nguồn mạch chính:
-Ẩn ức sinh lý của các nhân vật là những người nữ quá thì (Các truyện “Một buổi chiều” và “Đợi chuyến đi xa”).
– Hai truyện còn lại “Mèo đêm,” “Nắng chiều vàng” đề cập tới những hoạt động mưu sinh trên thân xác mình, của những cô gái bán bar và, bán thân cho quân đội Mỹ.
Không phải đợi tới lúc Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất hiện, tình dục mới chiếm với trò chính diện, hay trở thành con bài chủ của thế giới văn chương nữ giới miền Nam Việt Nam.
Trước bà, người ta đã được đọc một Nguyễn Thị Hoàng với những trang văn xuôi cháy khét những hòn than tình dục táo tợn.
Trước bà, người ta cũng đã được đọc một Túy Hồng với những dòng chữ như những khối thuốc nổ cận giờ bộc phá.
Và, sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không nhắc tới một Trùng Dương qua văn chương, đã cho thấy tham vọng chiếm lĩnh ngọn cờ đầu mang tên hiện sinh, với những trang văn xuôi mở vào những cuộc phiêu lưu tình dục không duyên cớ. Ý niệm quá khứ, tương lai gần như vắng mặt, nhường sân khấu cho tình dục, khi xác thịt lên tiếng.
Tới đây, theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên nêu câu hỏi:
– Lý do gì hay tại sao những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thụy Vũ ngay tự những xuất hiện thứ nhất, vẫn có khả năng khuất động biển nước tình dục, trong lúc nó vốn không thiếu những con sóng cấp bảy, cấp tám, hung hãn đánh vào những thành trì bảo thủ cố cựu theo truyền thống khép kín, ngậm thinh của đa số phụ nữ Việt Nam thời đó?
Một câu hỏi khác, theo tôi đáng kể không kém, cũng nên nêu lên là:
– Cùng khai thác đề tài tình dục từ chỗ đứng, từ cảm nghĩ của người nữ như những ngọn hải đăng soi đường, vậy liệu có khác biệt nào chăng giữa những cây bút nữ vừa kể với cõi giới văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ?
– Đồng thời: Sự khuấy động trong lãnh vực tính dục của những cây bút nữ kia, có mang một ý nghĩa nào khác hơn chính sự…khuấy động?
Về câu hỏi thứ nhất, theo tôi, tuy cũng là chủ tâm mở toang cánh cửa cấm cản, phá xập hàng rào giam hãm mọi phát biểu về sinh hoạt tâm – sinh lý người nữ bởi phong tục, tập quán lâu đời của phương đông, nhất là của người phụ nữ Việt Nam… Nhưng, nếu những nhà văn nữ đi trước Nguyễn Thị Thụy Vũ như Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương hay Túy Hồng xây dựng bối cảnh tác phẩm của họ ở những thành phố lớn; với những nhân vật nữ hầu hết thuộc giai cấp trí thức, thành thị thì, bối cảnh của Nguyễn Thị Thụy Vũ lại là những nhân vật nữ tỉnh lẻ. Hầu hết không thuộc thành phần trí thức. Họ là những phụ nữ thuộc giới “chân quê.”
Vì thuộc giới nông dân, lam lũ, ít học, cho nên những nhân vật của Nguyễn Thị Thụy Vũ không mấy bận tâm tới những vấn đề trừu tượng, như con người được sinh ra để làm gì? Định mệnh nào đã trói thúc tay chân con người và, sẽ đẩy đưa thân phận họ tới những vùi dập, lãng quên nào?
Nhân vật của Nguyễn Thị Thụy Vũ đơn giản hơn. Chân thật, mộc mạc hơn. Mặc dù cũng buông thả theo nhu cầu của bản năng, nhưng nhân vật của tác giả “Mèo đêm” không được tác giả đắp, choàng lớp áo suy tư; sơn phết những lớp sơn triết lý lên thịt da trần trụi của nhân vật mình…
Tuy cùng khai thác đề tài tình dục từ chỗ đứng, từ cảm nghĩ của người nữ như những ngọn hải đăng soi đường, nhưng nhân vật của Nguyễn Thị Thụy Vũ vốn gốc tỉnh lẻ, chân quê, nên bà đã không cho họ bước ra tiền trường văn xuôi với nhung lụa văn chương rực rỡ, hoặc bóng bẩy, láng lẫy chữ nghĩa như Nguyễn Thị Hoàng.
Nhân vật của cõi-giới văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng không đặt vấn đề thượng đế đã chết hay vẫn còn sống? Họ không hề thao thức, trằn trọc trước lằn ranh ăn thua đủ với Thượng đế, như trong truyện của Trùng Dương. Họ chỉ sống. Thản nhiên, sống. Như không hề cật vấn, tại sao được sinh ra?!!
Cũng vì tính tỉnh lẻ, lam lũ kia mà, ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong truyện Nguyễn Thị Thụy Vũ, cũng là những đối thoại “trực chỉ.” Không lập lòa trí thức. Không ẩn dụ kỳ khu cao siêu.
Đáng kể hơn nữa, theo tôi là thứ ngôn ngữ mang đầy tính miền Nam. Thứ ngôn ngữ nói thẳng đuột. Khỏe mạnh. Gân guốc. Sáng rỡ.
Thí dụ đoạn đối thoại trong truyện dài “Khung rêu,”(2) một truyện lạc khỏi dòng chảy quen thuộc của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Một truyện được tác giả đặt trên vòng quay ngược thời gian, trở lại với những chủ đề ông chủ và đầy tớ, quan lớn và lê dân, tôi đòi thời phong kiến – – Khiến người đọc nhớ tới những tác phẩm từng nổi tiếng một thời của chương xã hội, tả chân, thời tiền chiến. Điển hình như tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; (3) “Giông Tố” của Vũ Trọng Phụng (4)…
Đó là mẩu đối thoại đầy tính chất nam bộ, trong buổi sáng mồng một Tết, giữa bà Phủ và cô đầy tớ (đã mang theo với ông Phủ) như sau:
“Giọng bà Phủ làm ả chợt tỉnh:
“ ‘Sao? Chúc ông bà năm mới cái gì đây? Nói hết câu cho bà nghe coi.’
“Ngà nắm hai bàn tay vào nhau, ngập ngừng:
“ ‘Năm mới con chúc ông bà…trường thọ.’
“Bà Phủ cười cởi mở:
“ ‘Dữ ác hôn?’ ”
Ở lãnh vực tả cảnh, cũng vậy. Nguyễn Thị Thụy Vũ không chủ tâm làm văn chương. Bà cũng không cho những cảnh tượng ghi nhận một so sánh hay liên tưởng tân kỳ nào, ngoài thứ ngôn ngữ mạnh mẽ, như những cú đấm thẳng tay. Chắc nịch.
Thí dụ, khi tả bóng đêm đã về trên đường phố, nếu là Nguyễn Thị Hoàng người đọc sẽ được thưởng thức chí ít cũng một đoạn dài, nếu không muốn nói là có thể dài tới nửa trang viết.
Nhưng ở thế giới văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ, nó đã được thu gọn trong một câu rất ngắn mà, rất gợi hình (kể cả gợi dục):
“Bóng tối đã ôm choàng thành phố ngoài khung cửa…”
(“Đợi chuyến đi xa,” trong “Mèo đêm.”)
Trong truyện “Lao Vào Lửa” (xuất bản năm 1967,) khi tả sự ganh ghét, tỵ hiềm của những “đồng nghiệp” thâm niên trong nghề bán thân, trước sự may mắn hãn hữu của một “lính mới,” được một chàng GI bất ngờ thương yêu thành thật, mua tặng cô những món quà quý giá…qua bút pháp của mình, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã ghi lại “phát biểu” của một “đàn chị” cùng nghề:
“Gái trinh mới có giá như vậy chớ. Còn tụi tui tan hoang như ống cống thì chỉ có cách kiếm tiền mua hột xoàn giả!”
Với những nét đặc thù kể trên, tôi không tìm thấy một đồng dạng thấp thoáng nào giữa cõi-giới văn xuôi của những nhà văn nữ ở miền Nam và chữ nghĩa của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Nếu không muốn nói chúng là những mặt khác thô nhám, nhầy nhụa nhất của tình dục, nhìn từ đáy bùn. Cặn bã.
Du Tử Lê
Chú thích:
(1) Francoise Sagan nữ văn sĩ Pháp, tên thật là Francoise Quoirez. Bà sinh năm 1935, mất năm 2004. Bà nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay “Bonjour Tristesse” viết năm 1954, khi ới 18 tuổi. Độc giả VN khá quen thuộc với tác phẩm này, qua bản dịch “Buồn ơi chào mi.” (theo Wikipedia).
(2) Tác phẩm được trao giải thưởng văn chương bộ môn Văn, năm 1970.
(3) Ngô Tất Tố sinh năm 1893 tại phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, nay là huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông mất năm 1954 ở Yên Thế, Bắc Giang. Tiểu thuyết “Tắt đèn” của ông bị chính quyền Pháp cấm lưu hành năm 1939. (Theo Wikipedia).
(4) Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 tại Hưng Yên. Lớn lên và mất tại Hà Nội năm 1939. Phóng sự xã hội “Giông Tố” được đăng tải từng kỳ trên tờ Hà Nội Báo, với tựa đề “Thị Mịch.” Trước khi xuất bản thành sách, tác giả đổi tựa thành “Giông tố.” “Giông tố” do nhà Văn Thanh xuất bản bản lần đầu tiên tại Hà Nội, năm 1937. (Theo Wikipedia.)
http://www.dutule.com/a2865/su-khac-biet-ve-tinh-duc-trong-truyen-nguyen-thi-thuy-vu-va-cac-nha-van-nu-khac-