Văn học miền Nam 54-75 (442): Túy Hồng (12)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 9)

“Anh còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn của thầy giáo lớp ba trường làng. Chuyện rằng ngày xưa có xã hội ếch nhái sống trong một quốc gia nhược tiểu chiến tranh. Ếch giết ếch, nhái giết nhái, máu chan rưới khắp mặt đất, xương vung vãi tung tóe. Suốt cả chiến trường bụng ếch nổ banh và bắp đùi ếch co giật lạy van xin thôi cuộc chiến xung quanh xác nhái sình thối. Động lòng trước cảnh sát sinh tàn khốc phi lý trên, trời vứt xuống một con khỉ để hàn gắn vết thương chinh chiến và cai trị số đồng bào ếch nhái khổ đau. Thiểu số ễnh ương chịu phục tùng trước tiên, nhái cũng yên chí làm ăn, duy có loài ếch là quá khích luôn luôn xách động biểu tình đả đảo hầu vương bạo chúa. Bạo quyền khỉ bị lật ngửa, chúa thỏ lên ngôi báu năm sau lại bãi khóa biểu tình… Thỏ xuống cò lên, cẳng cò cao mỏ dài đã ăn hết cá, lại còn mổ còn nhai cả ếch nhái ễnh ương nữa. Cò cổ cao mổ dân, cò cẳng dài cò giày xéo dân! … Hiêu ơi, anh lẩm bẩm cò cao cổ cò mổ dân, cò cẳng dài, cò giày xéo dân, cò cao cổ, cò mổ dân, cò cẳng dài, cò giày xéo dân! Và lời lẩm bẩm đã chạy thành dấu hỏi: Sao chúng nó cao thế? Sao chúng nó to con thế?”.

Người đàn ông đọc trích dẫn một đoạn văn của bài tùy bút. Người đàn ông đọc xong dựa lưng vào cột ngước nhìn khói thuốc, tóc rối tơi bời tạo cho khuôn mặt một nỗi đam mê vô danh. Tôi cúi xuống đọc bài đoản văn đang đặt trên đùi mình: “Trái địa cầu có một chỗ ung thối. Chúng ta có cái chết của tuổi trẻ. Hỡi người người ngoại quốc ở trên quê hương tôi, xin đừng nhìn chúng tôi bằng cặp mắt cố ý gán cho chúng tôi một nỗi hèn hạ nào đó. Đồng ý chúng tôi là những thằng đàn ông thật tội nghiệp, thật trẻ, thật thảm thê nhất thế giới, nhưng, đừng nhìn chúng tôi bằng cặp mắt cố gán cho một sự hèn hạ như vậy! Siết cổ tuổi trẻ. Các người trẻ chúng mày phải chết, xô ập tới cho các người nằm chết sấp… Hãy đả đảo những bài hát tuyên truyền, những bài văn tuyên truyền mong mỏi ca ngợi hy vọng hòa bình thâu gồm một mối giang sơn để nối nhịp cầu Hiền Lương, chỉ là những bài hịch bịp, những bài hịch giả, chỉ là hia mão bằng giấy để tế cô hồn tử sĩ hoặc để an ủi thập loại chúng sanh mà thôi…”

Tôi xếp bài đoản văn lại, xếp tất cả những sách báo giấy tờ lại vuốt má, tóc, vén tay áo xem giờ. Tôi nói nhỏ vào tai anh bạn ngồi bên cạnh:

– Hôm nay bỏ cả buổi học tới đây thật là một sự bắt buộc tình cờ. Bây giờ tôi phải về cái đã.

Anh bạn cầm bàn tay tôi:

– Khanh không bao giờ có thể quên được đám bạn bè của Khanh ở Huế, Khanh không bao giờ có thể quên được quá khứ của Khanh ở Huế.

Tôi từ từ rút bàn tay ra:

– Ninh à… có những chuyện ngày xưa tôi ham bây giờ tôi hết ham rồi. Anh em bạn bè tôi vẫn giữ sự gần gũi như cũ.

Tôi đứng lên đi ra đường. Bên dưới tà áo tôi, tôi thấy chân Ninh bước song song. Ninh đi bên. Ninh đứng bên cùng đợi xe Lam, và khi đến chợ Cầu Ông Lãnh, Ninh cũng xuống một bên. Tôi quay sang:

– Tôi vào chợ mua một ít gạo lức về nấu cháo cho con, Ninh đừng vào, bẩn lắm, chợ bẩn lắm…

– Ngày xưa đi chợ Đông Ba còn chưa sợ nhớp nữa là.

Giọng nói có một trọng lượng rất nhẹ, giọng nói đàn ông Huế, nghe giữa Saigon cho tôi mường tượng như là ngôn ngữ của một kỷ niệm… Những ngày thả rong xa xưa, nửa đời hoang dại cũ của tôi vẫn đi trên con đường Phan Chu Trinh trông xuống dòng sông An Cựu qua bên kia cầu Phú Cam thì đứng lại đón xe đò về chợ Đông Ba. Tôi đón xe buýt trong những ngày nắng và Ninh đón tôi trong những ngày mưa trầm trọng. Hai đứa cùng mang áo mưa lủi vào chợ cho tôi mua guốc, mua bánh cúng rằm ở hàng mợ Tôn. Ninh mang dép một quai kêu chách chách bùn bắn lên tận vai. Những tháng những ngày rong chơi dễ dàng như voi phất lá tre, những họp mặt, những thảo luận càng về khuya càng ngái ngủ mơ hồ khiến tôi nghĩ rằng hạn làm con gái là cái hạn không bao giờ mãn. Bên cạnh còn có những đêm văn nghệ dưới ánh đèn bạch lạp, những đêm không ngủ ngồi uống coca-cola không đá lạnh lắng nghe một nhạc sĩ chưa nổi tiếng hát tất cả những bài anh sáng tác. Cuộc sống dùng dằng vướng víu rộng thùng thình nhiều khi đã khiến tôi chán Huế như chán màu sáp môi quá nhạt, đã khiến tôi thấy đời buồn như cũ khoai sượng, đã khiến tôi nhất định đi tìm một lối bước. Tôi bước đại vào Saigon. Để lại đàng sau đám bạn bè hiền hậu sống thản nhiên như bò ăn cỏ trên đồi non. Để lại đàng sau những chuyện tình lửng thửng không có hồi đầu, không có đoạn cuối. Để lại đàng sau Huế bạc phước lạnh ngắt không rầu ai đi cũng không vui ai về. Đêm chót ngồi với bạn bè ở tự dinh ông Hoàng Mười uống những giọt cà phê chảy chậm, tôi thấy tượng trưng đâu đó một nguồn vui chợt lóe như hy vọng vừa vươn lên ở một bài du ca.

Ninh thiểu não:

– Tôi không biết gì hết, tôi không ngờ gì hết, chiều hiện nay mới hay chuyện mai sáng Khanh đi.

– Tôi cũng mới quyết định trưa hôm nay thôi.

Tôi vói lên đầu giường lấy chiếc áo măng-tô, hai cái áo ấm trao cho Nhung:

– Saigon nóng, chắc ít có dịp mặc đến những thứ này, tạm để lại cho mi dùng.

Tôi đưa tiếp hộp phấn Caron:

– Mi đưa cho con Ngọc nói là kỷ niệm của tau.

Tôi chạy ra sau đổ thêm nước vào nồi cháo gà cho thêm chút bột ngọt, lấy thìa múc tí nước nếm chạy vào nói bô bô:

– Cháo gà ngon tuyệt. Con gà trống thiến mua của bác Cai nặng như cái cùm, nhổ lông ra mỡ vàng lườm, mổ ruột moi ra, hai chén mỡ đầy ứ… con gà kinh quá!

Thiên ngồi ở góc giường ngáp lớn, đưa cả hai cánh tay lên:

– Nghe có thịt gà bớt buồn.

Đoan gật:

– Tưởng tượng con gà không phải là trống thiến thì buồn vô hạn.

Tôi mở chiếc xắc tay da Thụy Sĩ đen bóng nghe cái cắc và đóng lại nghe cái cắc đến trước mặt Ninh cho chàng cái hộp quẹt nhỏ nói:

– Mồ hôi tay của tôi làm cho cái hộp quẹt lên nước bóng láng như vậy đó.

– Nhưng tại sao Khanh lại đi Saigon?

– Ninh không thấy ở Huế tôi là một thứ lang thang, lang thang mãi riết cả đời… ở Huế, tôi cứ làm con gái mãi và không thể làm một thứ gì hơn… vâng, không thể làm một thứ gì hơn.

Ninh mân mê chiếc hộp quẹt nhìn hai chữ tên tôi khắc lên đó. Lãm đề nghị Nhung ra sau xé gà, Tấu bảo hãy để hai giờ sáng hãy ăn. Ninh bật cái hộp quẹt rồi thổi tắt mấy lần. Tôi nhìn Ninh:

– Tôi biết thân tôi quá… làm con gái từ thuở sơ sinh đến giờ mệt quá, tôi làm không nổi nữa rồi, tôi không thể làm con gái thêm nữa. Sức người có giới hạn, tôi sức cùng lực kiệt rồi… surmenage… tôi bị surmenage…

– Tôi không có một tí trách nhiệm nào trong đời sống của Khanh sao?

– Nếu vấn đề trách nhiệm của tôi Ninh mới đặt ngay tối hôm nay thì đã quá muộn rồi.

Nhưng ở nhà sau kêu réo, Khanh ơi, Khanh ơi, lọ tiêu để mô, rau răm để mô, cái chi sờ vào cũng không có hết trơn thế này. Tôi chạy vào lục lọi tìm hai gia vị cho Nhung bóp thịt gà rồi giở chén bát ra lau khô để múc cháo. Tôi múc tí nước vào thìa cho Nhung nếm:

– Mi thử coi có vừa không?

– Ngon lạ lùng.

Buổi cháo gà ăn hết khi trời ửng sáng. Tự đó tôi vào Saigon nói tiếng Bắc, ở nhà thuê, lấy Nghiễm và thở dài thật dài.

Ninh đi bên cạnh thúc cùi tay vào vai tôi:

– Sao mà buồn thiu vậy?

– Năm phút tưởng niệm quá khứ.

Tôi vào sâu trong chợ mua năm lít gạo lức. Ninh cầm lấy đi kèm kèm một bên qua các vựa trái cây lớn, Ninh lắc đầu khi tôi hỏi chàng có uống nước dừa không, có ăn hạt sen tươi không? Hạt sen bán tràn ngập từng thúng, từng giỏ, từng bao bố. Hạt sen tươi còn trong gương được trải ra từng chiếu đầy, hạt sen khô xâu thành chuỗi, hạt sen khô chưa lột lớp vỏ nâu đựng từng tạ, từng tạ… Tôi nghĩ thầm người Saigon thật không biết quý hạt sen. Người Huế coi hạt sen vô cùng thương yêu quý báu vì sen là giống hiếm hoi chỉ được sinh nở ở hồ Tịnh Tâm và hồ Thượng Tứ. Đến mùa hoa, thành nội thơm ngát, khi hoa kết hạt, hồ sen có người thay phiên canh giữ đêm ngày. Rồi khi hạt sen trở sang màu cánh gián, nhà thầu chèo ghe nhỏ ra giữa hồ hái về bóc xé gương lấy hạt đem ra chợ bán liền. Những hạt tươi giòn quý báu đựng lưng lưng trong những rổ nhỏ trang trọng giữ gìn. Người mua nhẹ thơm bàn tay lựa năm chục hạt về hầm với gà mái tơ, một trăm hạt nấu chè bọc nhãn, hai trăm hạt biếu bà con quen biết. Hạt sen là thứ hạt hiếm và quý báu muôn đời. “Thương chồng nấu cháo le le. Nấu canh bông lý nấu chè hạt sen”. Tôi cười:

– Người Sài-gòn thật coi thường hạt sen không biết thương hương tiếc ngọc chi hết.

Ninh nói:

– Người Huế mình quý hạt sen vì hạt sen ở Huế quá ngon.

Ninh đưa tôi về tới nhà không vào, chị Sương ngồi ở ghế sa-lông ăn xoài cầm cả quả lớn vừa cắt vừa cho vào mồm. Tôi lớn tiếng hoan hô:

– Có một người đang sung sướng.

– A Khanh… ăn xoài, tau để dành cho mi một trái xoài cát bự sư trong tủ lạnh, vô lấy mà ăn, ăn rồi để dành cho con Út cái hột.

Tôi thay nhanh bộ áo quần vứt ra giường, lấy trái xoài ngồi gọt ăn bên chị Sương. Chị xuýt xoa:

– Trái xoài của mi ngon quá. Trời ơi, ngọt lịm như đường phèn, hai má u nu úc núc.

Tôi đẩy nửa trái về phía chị:

– Chị ăn thêm.

– Thôi mi ăn đi, tau còn cả chục ở trên gác.

Bọn em tôi vẫn thường ca tụng sự sung sướng của chị Sương: xoài cát ăn cả chục, chả lụa mua cả đòn, áo ngủ may một lần mười bộ. Tôi nhìn làn da trắng béo hai cánh tay chị nghĩ thầm: Ngoài sự sung sướng vật chất, chị còn hả hê cái tinh thần là được chồng sợ chồng vì nể. Tôi nói:

– Em muốn bắt chước chị ăn hiếp chồng mà làm không nổi.

– Khó lắm mi ơi… Ngày nào cũng phải quát tháo cho thần kinh thằng cha yếu đi, phải hò hét luôn mồm cho chân cẳng thằng cha cuống cuồng không biết chạy ngả nào. Tau đẻ con ra, rồi nằm ngủ, vứt đó cho thằng cha với con vú lo sao thì lo… mặc kệ!

Tôi cười, cả chiếc bụng của tôi cũng rất sung sướng. Thảo cũng vừa bụng thấy chị Sương ăn ở với chồng như vậy, Trâm cũng vừa bụng thấy chị Sương ăn ở với chồng như vậy. Thảo nói:

– Ăn ở với chồng phải cay như tiêu sọ mới được.

Tôi ăn xong quả xoài, gói vỏ vào tờ báo:

– Em đang để ý cái nhà ở Phú Thọ, chiều ni chị đi coi với em.

Chị Sương gật đầu:

– Có chồng là nhất định phải ở riêng, dù ăn hiếp được chồng hay không ăn hiếp được chồng cũng phải ở riêng.

– Ừa, ừa…

– Tụi em mình ở vài ngày nửa tháng thì được, chứ ở chung lâu dài không có được. Mi cứ nghĩ là áo quần mi tụi hắn mượn mặc thì vừa, còn áo quần tụi hắn mi mượn mặc thì không được.

Tôi nhăn nhó:

– Anh Nghiễm thì khó khăn cay đắng mặn chát.

– Tau nhớ năm ngoái tau đem thằng cu Su vào đây… Hộp sữa Guigoz mới mở ra buổi sáng là buổi chiều hết. Cam mua một ký mới cho thằng nhỏ ăn nửa trái ngó lại không còn trái nào.

– Đối với em, bọn chúng kể ra cũng giữ gìn lắm, nhưng dù sao cũng thấy va chạm, cũng thấy kẹt.

– Chiều nay mi với tau vô Phú Thọ coi nhà, chồng mi có đi không?

– Không.

Nghiễm về, rộng miệng cười với chị Sương rồi đi vào phòng. Tôi định lên gác theo chị Sương thì chàng gọi giật vào phòng, Nghiễm mặc bộ đồ ngủ nhàu nát ngồi ở đầu giường xem tập sách báo tôi vừa đi về để trên nóc tủ, Nghiễm ngước lên, mặt đanh lại, sắt và cứng.

– Những thứ này ở đâu ra thế này?

Đôi mắt tôi chong tròn:

– Cái gì cơ ạ?

Nghiễm vứt xấp báo ra giữa giường:

– Mấy cái tài liệu phản chiến này, mấy cái tùy bút, truyện ngắn bài Mỹ này…

– À… Tập báo in ronéo của con Yến. Em mượn về xem chơi.

Nghiễm cười. Hai hàm răng chàng cũ quá rồi. Chàng gần bốn mươi tuổi, hai hàm răng chàng cũng gần bốn mươi tuổi, hai hàm răng chàng cũ quá đi rồi. Đầu tóc chàng cũng cũ quá đi rồi, đôi mắt chàng, dáng đi của chàng cũng cũ quá đi rồi, nhưng ý nghĩ của chàng khi tra hỏi tôi thì bao giờ cũng mới.

– Em mượn của bạn hay là của quá khứ của em còn sót lại?

Quá khứ của em còn sót lại? Những con đường rừng Đoát, những đại lộ Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, đường Phan Chu Trinh, đường Đinh Công Tráng, đường Huyền Trân Công Chúa… nửa đời hoang dại làm thân con gái tôi đi trên những con đường ấy. Đi với những người bạn trai, nói chuyện với những người bạn trai và về nhà pha nước chanh cho những người bạn trai uống. Những cuộc giao du sâu hun hút nhưng bao giờ cũng là bạn, những cuộc giao du thân và sát vào da, nhưng thứ tình thân mật thẫm màu, những cái bắt tay tưởng như dính nhựa vào tay, những cái hôn đáp xuống đôi môi xóa chùi lớp son bình minh nhạt.

– Em vẫn còn tái diễn được chuyện cũ.

– Chuyện cũ nào, tái diễn cái gì?

Nghiễm chỉ vào tờ báo in ronéo:

– Cô lại… em lại làm những việc mà em đã làm khi chưa lấy anh.

– Em không làm gì cả.

– Thế em dính tay vào những bài viết này làm gì?

– Anh làm như em viết ra mấy cái bài đó.

Vẻ gay gắt xếp nhăn những đường trên mép miệng Nghiễm:

– Anh không muốn em dính vào những chuyện này. Em đã có chồng, em đã có con, em không có quyền làm gì hết, không có quyền làm những hoạt động lăng nhăng như khi còn con gái, anh không muốn em làm những chuyện nhảm nhí đó nữa.

Tôi nhìn chiếc gối đã cũ nửa mặt, nhìn chiếc ra trải giường đã cũ nửa mặt, tôi đưa tay gãi bàn chân cười gượng:

– Anh suy nghĩ làm sao mà bảo những chuyện tôi làm hồi xưa là nhảm nhí?

– Những chuyện lăng nhăng chẳng ra cái gì cả. Ăn rồi đi làm những chuyện đó thật phí cơm phí của.

Một chút bọt giận bé bỏng bơi lên cổ biến thành cái nhếch môi cười gằn:

– Thế thì ăn rồi đi nhậu nhẹt, nhảy nhót, đú đởn mới không là phí cơm phí của.

Nghiễm đạp vào cái tủ:

– Những việc cô làm lúc còn con gái chỉ là những cử động a dua, bắt chước. Cô thấy người ta thổi hơi vào một chùm bong bóng ngũ sắc đẹp quá nên cô cũng phồng mang há miệng thổi theo cho có một chùm bong bóng để khoe khoang, để lòe đời.

– Cho tôi xin được coi thường những lời nói của anh. Tôi đứng phắt dậy.

– Cái phá phách của cô với lũ bạn cũ của cô nó rẻ lắm, nó dễ làm lắm. Những thứ đó làm ở tỉnh lẻ thì được. Saigon nó to rộng mênh mông lắm… đuổi bắt ba năm chưa chắc cô đã tìm được một kẻ đồng chí như cô.

– Cám ơn anh.

– Những lời tôi nói cô nên hiểu để khỏi phí cơm phí của.

– Hiểu quá đi rồi. Còn có chi úp mở nữa mà chưa hiểu. Những việc làm của tôi thật phí cơm phí của. Ngày xưa thì tôi không thấy, nhưng ngày nay thì tôi thấy những việc làm của tôi thật phí cơm phí của của chồng, của anh.

– Không được nói cái giọng đó! Nghiễm nạt.

Tôi cười gằn, Nghiễm đứng dậy lồi khom xuống lôi ở chân giường ra chai Martell rốt uống “xếch” nửa ly. Tôi nghĩ thầm: trong lúc con người nó giận dỗi, lúc trong con người nó ti tiện, chắc uống rượu càng ngon.

Nghiễm chặm môi nói:

– Anh là chồng em. Những sự ngu dại của em trong quá khứ anh tha hết. Nhưng anh không thể chịu nổi những thằng bạn cũ của em mò đến đây rủ em ra ngoài đường làm những chuyện như ngày xưa.

– Tôi làm gì mà anh biểu anh tha cho tôi cái phần quá khứ, anh trừng trị tôi cái phần hiện tại?

– Hãy nhận những chuyện mình có làm, hãy nhận riêng với mình và đừng cung xưng với ai hết.

– Nói cái giọng như anh hai người ta.

– Chồng thì hơn anh hai chứ, chồng còn hơn cả cha cả chú nữa.

– Giết tôi đi, tôi không chấp nhận thứ chồng trâu ngựa đó… Những người bạn cũ của tôi vẫn có một giá trị, một sức nặng cụ thể cho tôi mến phục. Họ khắc khổ, họ trong sạch, họ thanh thản, họ uống nước vối chứ họ không biết uống rượu… Có lẽ họ tồi hơn anh những chỗ đó: họ thức khuya để học bài thi chứ họ không thức khuya để ngồi ngắm ca sĩ phòng trà.

Nghiễm cúi mặt, hai môi bặm chặt, cơn giận đỏ hồng hai má, nóng rần hai vành tai. Tôi đứng nguýt dài chàng, quày trở đi ra sau nhà bếp giặt tã cho con. Khi chàng hầm mắt rần rần vành tai, ấy là lúc cơn giận bốc lên đến một cao điểm nào đó, tôi phải im bặt, tôi phải lảng tránh, tôi phải dập tắt những đốm lửa tự ái nhỏ. Văng ra một lời nói thừa lúc ấy, Nghiễm bật dậy ném cái radiô xuống đất, hất đổ tung cả cái bàn, liệng mấy chai bị vào tủ kính, chụp con dao thái thịt cứa vào gân máu ở tay mình.

Cầm cái tã xéo nhúng vào nước, nỗi uất ức trồi lên, ném xuống, tôi phải tự dằn mình lắm lắm và ngầm nói lặp đi lặp lại: “Dẹp tự ái đi, dẹp tự ái đi… Lòng tự ái chỉ là một bầy kiến lửa”.

Chị Sương ở trên gác xuống hỏi:

– Có chi mà hai vợ chồng lục đà lục đục rứa?

Tôi vẩy nước vào chân:

– Thằng cha bảo em bắt đầu giở nết cũ hồi con gái ra, thằng cha không chịu.

– Chị cũng không chịu.

– Mà em có làm gì đâu.

– Một trăm thằng nhân tình của quá khứ không đủ đổi một thằng chồng của hiện tại… chị phiền em ghê.

Tôi vẩy nước lung tung:

– Mà tui có làm gì ai đâu mà ai cũng bắt nạt tui như thế này. Buổi chiều tui đi học, giáo sư nghỉ, tình cờ gặp thằng Ninh, thằng Ninh tai vẩu con ông Thông đó chứ ai đâu, hắn rủ tui vào chơi nhà trọ của hắn… Có mấy người đang họp mặt, tui đem về một tờ báo. Anh Nghiễm đọc tờ báo rồi kiếm chuyện.

– Tờ báo nói gì ở trong?

– Chút nữa bà vào bà đọc rồi biết!

Trước khi bỏ lên gác chị Sương còn nói:

– Hồi trước, mi đã giao du với những kẻ làm cho mi mang tiếng. Bây giờ, mi không còn là ngựa hoang nữa, mà là ngựa đã về chuồng rồi. Tau biết Nghiễm giận mi lắm.

Nghiễm giận. Tôi cũng giận. Cái giận của Nghiễm có cơn, cái giận của tôi là hoảng hốt, là khối nóng dồn lại, Nghiễm thường hay nổi cục, nặng như búa bổ, nổ banh như sấm sét, phá phách đập vỡ trong một cơn ngắn rồi sau đó lặng lờ hoang vắng im lìm. Trước cơn động đó, tôi muốn nhảy vọt lên nóc nhà cho đầu tôi đụng vào mái ngói, tôi muốn nằm lăn ra dưới đất mà khóc mà hét mà kêu gào trời đất cho đến ngất ngư bất tỉnh, đến chết thành ma, thành thần, tôi muốn giậm chân, tôi muốn đấm thẳng vào bụng cho vỡ nát từng mảnh lòng ruột. Nhưng tôi đã có một bàn tay kịp vuốt ngực: Đừng nổi giận lớn, Khanh ơi, đừng nổi giận lớn, kiểm điểm lại hầu hết những hư hao trên cuộc sống đều do những cơn giận lớn mà ra. Đừng nổi giận lớn, hãy chia nỗi giận lớn thành mười nổi giận nhỏ. Giận là một sự phá sản, tự ái là bầy kiến lửa.

Tôi bê thau tã lên gác phơi. Đứng ngoài lan can gỗ tôi loáng thoáng nghe Thảo nói với chị Sương:

– Cái bà đó thị lạt lòng lạt dạ hết chỗ nói, hôm nọ bà dẫn một thằng yêu râu xanh nhỏ đến nhà làm tôi sợ hết hồn hét vía.

Trâm to giọng:

– Đâu phải là yêu râu xanh nhỏ, cái thằng hip-pi bạch tạng đó chỉ là một con dơi xanh hút máu.

Thảo cười tiếp:

– Đàn bà chi mà tính thì như nước, lòng thì như mây… nghe ai dỗ một tiếng là đứng dậy đi theo liền, nghe ai huýt một cái là co giò chạy theo liền.

Tôi tức giận, tôi muốn nổi cục, tôi xách bỗng cái thau lên, hầm hầm đi vào nhìn trừng vào mắt Thảo:

– Nói nghe thúi tai quá!

Chị Sương, Thảo và Trâm cùng nằm trên một chiếc đi-văng lớn. Chị Sương vội quay mặt vào tường. Trâm quay mặt vào lưng chị Sương, Thảo quay mặt vào lưng Trâm, cả ba ôm eo nhau rúc rích cười. Tôi nói:

– Chuyện gia đình tui không ai được ngấp nghé dòm vào hết, tui sẽ dọn nhà đi chỗ khác… chồng tui có cầm dao chém tui cũng đành.

Thảo quay mặt ra:

– Ai biểu chị có chồng rồi, có con rồi, lại có mang nữa, mà gặp lại thằng bạn cũ tự thuở đời mổ đời mô, hắn rủ đi theo hắn cũng đi, hắn đếm đến chỗ họp mặt lạ cũng họp, hắn bắt chi chị làm nấy… lại còn đi dạo chợ Cầu Ông Lãnh với hắn nữa.

Thảo chẩu mỏ dài như mỏ chim:

– Bộ chị muốn cắm cho anh Nghiễm hai cái sừng hả?

Trâm ngồi dậy cười:

– Đầu anh Nghiễm là đầu người chứ đâu phải là đầu bò đâu mà cắm sừng.

– Có chồng rồi là không được đi riêng với một người đàn ông nào hết ngoài đường, đi với thầy tu đến chùa cũng không được đi.

Chị Sương cũng ngồi dậy ôm vai Trâm:

– Có ba thứ danh dự con Khanh không được chạm đến: danh dự của hồng, danh dự của cha mẹ, danh dự của tụi em mình chưa có chồng.

Chị Sương quay sang Thảo:

– Bây giờ thằng Nghiễm có lên đây gây lộn với con Khanh, mình cũng về phe thằng Nghiễm.

Thảo vung tay:

– Bây giờ chị Khanh xuống dưới có bị anh Nghiễm đập đánh, dù cho chị Khanh có kêu cứu, tụi mình cũng không xuống cứu.

Tôi cảm thấy đau buốt từ thắt lưng xuống suốt chân phải, đau chấn động dây thần kinh lớn nhất và dài nhất khi tôi mang cái thau xuống gác. Lũ gái Huế nhà này thật cổ lỗ ngơ ngác và tiền sử giữa Saigon hip-pi; lũ gái Huế nhà này sống lạc loài giữa Saigon náo động hài hước; lũ gái Huế nhà này không đuổi kịp Saigon, sống lơ láo, sống co rút ẩn dật bên nhau. Ngày hôm nay người Huế đã vào Saigon thất nhiều, nói tiếng Huế lơ lớ pha Bắc pha Nam giữa Saigon, giữ gìn trong cô đơn bí mật những phong tục nền nếp, ăn trong quan tâm những món bánh mỏng gói vào lá chuối và thèm khát muôn đời món mít luộc trộn tôm thịt hoặc chấm mắm nêm. Có những gia đình người Huế chơi vơi, lạc lõng như những mái nhà cất giấu chuyện cổ tích huyền thoại sống chia cách xa lạ với dân chúng hàng xóm như chiếc tàu thủy lênh đênh trên nước mặn, hai bên vách tường là hai nhà láng giềng mà vẫn tưởng ban đêm tai nạn đau yếu có đập cửa kêu cứu chắc cũng không ai sang giúp. Những người con gái Huế vẫn giữ những cái gì rất Huế để sống giữa Saigon, những người con gái Huế chịu va chạm và chấn động, những người con gái Huế bất mãn, Saigon đanh thép như kim khí, Saigon cứng như đá mà gái Huế là trứng gà trứng vịt mỏng manh. Chị em tôi quê mùa cổ lỗ tiền sử sống giữa Saigon, Saigon muốn gì được nấy, thích thì có ngay. Tôi xuống hết cầu thang ngoác miệng lên nói:

– Đồ đàn bà con gái thô lậu cổ hủ, chuyện có một chút mà làm ỏm lên!

Nghiễm trợn tròn mắt xềnh xệch chạy vào:

– Cái gì mà ồn vậy?

Tôi quệt hai tay vào quần:

– Chuyện riêng của tui.

Nghiễm cau mặt:

– Ồn lắm. Có vợ chồng anh Ủy lại chơi kìa.

Tôi chùi tay vào quần lần nữa đi ra chào khách kiểu Bắc kỳ: Anh ạ, chị ạ.

Bà chị của Nghiễm bao giờ cũng ân cần dễ dãi:

– Cháu ngoan quá, hỏi chuyện cứ cười hoài, mợ khéo tay nuôi con quá.

Ông anh lắc đầu:

– Mợ dở quá, có đứa con gái đầu tay đầu chân mà để cho nó méo đầu.

Bà chị cười:

– Mợ kê gối chặn lại, đừng cho cháu nằm một bên nữa.

– Con bé ngoan cố lắm, nó tự động tụt xuống khỏi gối rồi cứ nằm một bên. Nghiễm nói.

– Mà cũng chẳng sao, lớn lên có tóc che, lớn lên tự nhiên bớt méo.

Tôi vào mở tủ lạnh lấy bia hộp mời ông anh, pha một ly chanh muối mời bà chị và hỏi cách làm món giả cầy với măng với mẻ với mắm tôm, chân giò. Bà chị chợt hỏi Nghiễm đã quen ăn nhiều món Huế chưa, tôi tảng lờ quay sang ông anh:

– Anh biết tại sao cháu bé méo đầu không? Tại chồng tôi hà hiếp bắt nạt tôi quá nên trời bắt con nhỏ méo đầu.

Nghiễm xua tay:

– Nhảm nhí! Cô này chuyên môn nhảm nhí.

Anh chị Ủy ra về thì Nghiễm cũng sửa soạn đi chơi. Nghiễm đứng dậy xây lưng vào tôi để chải tóc, để mặc quần, để nhét ví tiền vào túi. Chiếc gáy chàng ốm nhỏ, đôi vai chàng ngang ngang, thân hình chàng gõ vào đâu cũng đụng xương, bắp đùi và mông gầy mòn cho cẳng chân lêu nghêu dài. Nghiễm quay mau lại, tôi cụp mắt nhìn xuống cau mặt đưa tay vói lấy cái rađiô nhỏ mơ đài quân đội. Tiếng nhạc Giáng sinh hào ca vang lên nghe không rõ lời, rền rền đều đều, chầm chậm, tôi lẩm bẩm: còn một tuần nữa mới tới Noel mà đã hát thánh ca rồi. Nghiễm yên lặng bước mau ra cửa bằng những cử chỉ cũ. Nghiễm sẽ về lúc không giờ. Nghiễm sẽ về sặc sụa hơi rượu mắt nhắm mắt mở và tôi vừa ngủ gục vừa đợi chồng và sáng mai ngủ dậy chàng sẽ nói: “Anh đi chơi để phạt tội em”.

Những người ở trên gác, chị Sương, Thảo và Trâm chắc đang đánh bài xếp, đánh tứ sắc. Thảo và Trâm ngày đêm bắt ép chị Sương đánh bài được thì lấy, thua thì chị Sương phải trả tiền lại.

Sau buổi cơm tối, tôi học bài đến mười giờ rồi vào phòng ngủ để cánh cửa khép hờ.

Buổi mai tươi non và lành mạnh. Tôi ngủ dậy, đôi mắt mát rượi tỉnh táo, mặc thêm áo lên đi múc nước rửa mặt. Tôi có cảm tình với da trời buổi sáng, cùng không khí sự sinh hoạt chung quanh và chút gió phơn phớt trên đọt cây. Bà công chức ở trong xóm đi làm ngang qua ngừng lại sửa đôi dép hỏi mượn Nghiễm cây kìm. Tôi mang cả búa ra cho bà, chú ý nhìn da mặt bà dưới lớp phấn đầm lấp lánh ánh sáng tim tím, xam xám, láng lên như bức tranh sơn mài.

Sáng hôm đó tôi không đánh phấn, thoa nhẹ chút son, mặc vội áo dài đi ghi cua. Vừa xuống xe Lam đã thấy Ninh vác mặt đứng ở cổng trường Văn Khoa.

Tôi chợt nhớ đôi môi Nghiễm bặm vào nhau, mắt nhìn xuống đất, chị Sương nằm quay mặt vào vách, Trâm quay mặt vào lưng chị Sương và đưa lưng mình cho Thảo.

Ninh chào tôi bằng miệng cười rộng rãi, tôi nói:

– Anh đứng nhìn ruồi bay hả?

Ninh hăm hở ơ

– Ê… Khanh, lát nữa đi xem cục đá lấy ở mặt trăng về không?

– Coi cái cục chi?

– Đi coi cục đá mặt trăng.

Tôi lắc đầu:

– Tui không có liên hệ gì với cục đá cả. Cục đá không có liên hệ gì với tui cả. Đi coi làm chi phí thì giờ, phí của.

Khuôn mặt của chồng, khuôn mặt của chị và các em, những khuôn mặt chỉ lấy ngang cổ, đang nhìn tôi với lời kết tội nhỏ: bạn trai sao mà quá nhiều và với thằng cha nào cũng thân mật quá trớn!

Tôi làm nhân chứng cho cuộc đời con gái của tôi, cho những lần họp mặt, những đêm đàn hát, những buổi đi cắm trại và bao nhiêu thứ nữa, bao nhiêu thứ nữa. Những người tôi chơi bắt đầu là bạn, rốt cuộc cũng là bạn và cuối cùng của tình bạn không phải bao giờ cũng là tình yêu. Những người bạn ngồi quanh chiếc bàn thật tròn ăn của tôi bún bò, bánh bèo, bánh ướt. Công phu tôi xếp những con bún trắng tươi trong chiếc đọi nõn nà chan nước thịt bò giò heo bồng bồng sao mỡ lấp lánh màu võ ớt chín. Công phu tôi đổ những chiếc bánh bèo trong ngao hến, xếp đều lên dĩa sứ rắc tôm chấy hồng gạch, tốp mỡ hạt lựu giòn tan, chan vào mấy muỗng nước mắm ngọt, ăn bằng chèo chứ không ăn bằng đũa, chèo một cái chiếc bánh trắng vào tuột trong mồm. Công phu tôi chế những chén nước mắm với nước luộc tôm dầm vài múi tỏi bẻ ba trái ớt với tí chanh để chấm với những cuốn bánh ướt mỏng tanh mang trong lòng chút nhụy hồng tôm chấy. Công phu tôi làm dấm nuốt, tôi nấu bánh canh cua gạch, nấu chè bột lọc, nướng bánh tráng quệt với chè đậu đãi. Mùa đông lũ bạn trai tơi nón đến nhà tôi ăn cháo lòng nóng hổi với khúc dồi to tướng cắn ngập cả răng. Tôi đổ bánh khoái nhai giòn rùm rụm với rổ rau sống cải con, vả, khế xắt lát mỏng chan với nước lèo ngọt xớt, tôi nướng nem thơm lừng từ cầu Bến Ngự đến dốc Nam Giao… Tôi sung sướng đãi tiệc và lũ bạn sung sướng tham dự.

“ Bạn trao sao mà quá nhiều và với thằng cha nào cũng thân mật quá trớn”. Chồng tôi, chị tôi, em tôi đã luận tội như vậy, luận tội tôi và luận tội những tên bạn của nửa đời tôi hoang dại.

Ninh nói thêm giật mình tôi:

– Đi coi cục đá mặt trăng đi Khanh, cơ hội ngàn năm một thuở mà.

– Cục đá mặt trăng tui thấy chiếu ở ti-vi rồi, chẳng khác gì cục đất sét, ở ngoài có lấm tấm dính những hột cát… chẳng có gì đáng vác mặt đi coi hết.

– Xì nó là cục đất sét, chẳng có gì để gợi lòng tham nên người ta không buồn đi coi. Ninh cười.

Tôi quay lại nhìn Ninh. Tôi đã bỏ Huế lại đàng sau, bỏ Ninh và bao nhiêu người lại đàng sau, bỏ lại những cảm động rơi rắc trên mấy con đường nội thành. Ngày xưa Ninh từ Tây Lộc chở mười hai quả dừa sang Bến Ngự cho tôi chẻ ra, Ninh từ Tây Lộc đèo sau yên xe gắn máy một thùng nước giếng ngọt mát để tôi làm thức uống trong mùa biển mặn dâng cay làm lơ lớ dòng sông Hương hiền thục. Ngày xưa, Ninh đã rủ tôi đi biểu tình, đã rủ tôi đi tuyệt thực. Những chuyện ngày xưa bây giờ tôi không thể làm lại, tôi không thể cùng Ninh bước thêm một bước nào nữa trên mấy con đường nội thành, cũng như đừng bao giờ để Ninh rũ đi coi cục đá mặt trăng. Bỏ đi tất cả, chỉ giữ lại một ông chồng, giữ lại kho tàng sau cùng và mặt trời đầu tiên, giữ lại một thiên đường buồn và một địa ngục vui. Tôi đã làm nhân chứng cho cuộc đời con gái và tôi đang làm nhân chứng cho cuộc đời thiếu phụ. Chồng tôi thương tôi vô cùng, vô cùng, tôi thương chồng tôi vô cùng, vô cùng, hai tôi phù hộ cho nhau, hai tôi vun quén hạnh phúc cho nhau. Hạnh phúc dễ đứt như một sợi chỉ, hạnh phúc nhỏ như chân tóc, hạnh phúc ra vào hai cửa. Tôi thương chồng từ đầu thương xuống, tôi thương chồng từ chân thương lên, thương lời nói ám khói thuốc lá, thương mớ ngôn ngữ nhừa nhựa hơi mến, thương hai lỗ tai cứng, thương chiếc ngực đói lép, thương hết cả miền thân thể, và yêu mê man xác thịt của chồng, và say đắm đuối cái tinh thần lớn cao hơn mình.

– Khanh không còn như xưa nữa, Khanh quên nhiều cái quá. Ninh kêu.

Tôi nói thủng thẳng:

– Trước răng sau rứa, thì tui trước sau làm một.

Ninh chợt reo khẽ:

– Để mai tôi lại thăm con của Khanh.

Tôi vui vẻ:

– Được anh lại thăm chắc cháu mau lớn. Con tôi với chồng tôi giống nhau như hai hột mít.

– Khanh bây giờ hễ mở miệng là con với chồng tôi.

– Ai làm chồng tôi thì tôi nhắc, ai làm con tôi thì tôi nhắc, cũng như mai mốt anh nhắc tới vợ anh, con anh.

– Ăn nói sắt đá quá!

Tôi cười giòn như mẩu bánh mì nóng tôi ăn hồi sáng với ly cà phê sữa. Ninh tiếp:

– Khanh biết không, bây giờ mình mơ món mít luộc trộn với tôm thịt ăn với bánh tráng nướng của hồi xưa, hồi thật xa xưa.

Tôi ầm ừ, hai hàm răng cắn nhẹ nhau. Ninh đi sát bên vai:

– Suốt đời tôi không quên món mít luộc của Khanh.

Tôi chớt nhớ lại Nghiễm bảo:

– Mai làm cá rô chiên đi. Lâu không ăn cá rô chiên.

Lời của Nghiễm là mệnh lệnh hồng, là trói buộc xanh, là lưới nhện tím cho tôi thu hình trong đó vùng vẫy dễ chịu, trở trăn khoan khoái. Tôi nói ngầm: Cái chức tước nội trợ này là để nấu nồi cơm cho Nghiễm, kho trách cá cho Nghiễm.

Comments are closed.