(Bài nói của Hoàng Hưng chiều 18/10/2019 ở Bảo tàng Sao Roque Lisbon trong ngày khai mạc Tuần Văn hoá Việt Nam lần đầu tại Bồ Đào Nha)
Hoàng Hưng
Trước hết, tôi xin cảm ơn Santa Casa da Misericordia de Lisboa, là đơn vị tổ chức Tuần Văn hoá Việt Nam đầu tiên tại Bồ Đào Nha, đại diện là bà Margarida de Montenegro; bà Teresa Morna giám đốc bảo tàng Museu de Sao Rocque, nơi cho chúng ta gặp mặt; bà Thuy Tien de Oliveira, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Bồ người đã góp nhiều công sức cho sự kiện; hoạ sĩ Painter Manuella de Oliveira, tác giả một phụ bản mỹ thuật của cuốn sách thơ “Ác mộng-Nightmares”; các bạn tôi từ Canada và Pháp, GS – nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng… tới đây để động viên tôi… Và xin cảm ơn tất cả quí vị có mặt tại đây để nghe tôi tâm sự.
Trong hơn 1000 đêm ở các trại giam và trại cải tạo của Việt Cộng, ít có đêm nào tôi không ác mộng. Một mặt tường đậu kín những con chim đen. Bảy mặt trời vần vụ trên cánh đồng hoang mà tôi đi lạc. Một lưỡi rìu mài vào cái đầu mình. Một con cá vàng đồ sộ bị mắc vào tấm lưới mênh mông… Rồi rất nhiều đêm sau khi ra tù, ác mộng vẫn tiếp tục đi vào giấc ngủ: lúc này là bị săn đuổi, bị bắt lại, lại thấy mình trong trại tập trung… Tỉnh dậy, áo đẫm mồ hôi.
Trong cái “mùa Địa ngục” – dùng chữ của Rimbaud – ấy, Thơ là Thiên thần cứu rỗi. Những ác mộng đã được ghi lại thành thơ. Đó là những phác thảo thơ, những đoạn thơ, có cả những bài thơ trọn vẹn đã “vụt hiện” trong óc trong 39 tháng tù, không được phép ghi lại bằng giấy bút nhưng đã khắc sâu trong lòng. Sau khi ra tù tôi chép ra và hoàn chỉnh, và bổ sung bằng những bài thơ “hậu chứng” của nhà tù, ác mộng của kẻ không dễ dàng trở về đời sống bình thường.
Tôi quyết định phải tìm cách công bố những cơn ác mộng sản phẩm của nhà tù, để tự giải thoát khỏi chúng.
Một vài bài thơ đã được công bố nhờ sự dũng cảm của nhà vài xuất bản, và đã gây tiếng vang trong dư luận, bản dịch cũng được hoan nghênh ở Pháp, Mỹ. Nhưng toàn bộ tập bản thảo “Ác mộng” gồm 30 bài thơ thì bị các NXB Việt Nam từ chối nhiều lần, chỉ có thể công bố trên mạng (website talawas của các nhà văn Việt Nam sống tại Đức).
Cuối cùng, tập thơ song ngữ “Ác mộng- Nightmares” (bản tiếng Anh của các nhà thơ-dịch giả Trịnh Y Thư, Nguyễn Đức Tùng) gồm 33 bài cũng được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2018, với lời giới thiệu của Ellen Bass, đương kim Chancellor of the Academy of American Poets.
Đó là một tập “nhật ký bằng thơ” ghi lại trung thực những cảnh sống như dưới địa ngục, những tâm trạng bức bách, hãi hùng, tuyệt vọng của một người tù không án không biết được ngày về. Nhưng cũng có những giây phút ấm lòng vì tình gia đình qua một giấc mơ xum họp, tình quê hương qua một cánh hoa mà gió đưa vào qua song sắt, tình người qua những bài hát của một bạn tù không thấy mặt… Và rồi, đến những ám ảnh dai dẳng của người cựu tù trong cuộc sống hậu nhà tù, luôn cảm thấy sau lưng có con mắt theo dõi, nghẹn ngào như con chó phát điên vì không thể cất lên tiếng nói.
“Thơ tù” của tôi đã nhận được nhiều bình luận. Xin đơn cử ý kiến của ba nhà thơ Việt Nam, Mỹ, Pháp:
Một tập thơ căng mọng sự thật. Mỗi chữ mỗi dòng đều từ sự thật mà ứa ra, bật ra, bung ra. Những con chữ vỡ, nổ… Đó là nỗi trằn trọc, băn khoăn, day dứt vào nửa cuối thế kỷ XX mà sau hai cuộc tổng chiến khủng khiếp, tưởng là sau những Postdam, những Nuremberg, Paris, những
Genève… sẽ yên ổn cả, hoá ra… Chao ôi!
… Nỗi quằn quại của đời anh, ngòi bút anh đang nói với chúng ta đôi điều mới lạ về số phận con người.
Hoàng Cầm
Nhà thơ trong nhóm cầm đầu phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm ở Việt Nam
Đọc bản dịch các bài thơ của ông, tôi rất xúc động vì những xúc cảm về sự lạc lõng và mất mát trong đó. Chắc là cả thế giới chúng ta đã đi đến cùng một chỗ đắng cay như thế.
– Robert Creeley
Chancellor of the Academy of American Poets 1999
Điều mà tôi yêu trong các bài thơ của Hoàng Hưng, đó là ông đã phục dựng cái thực tại khách quan, bên ngoài thông qua lăng kính của tinh thần, của cái thực tại bên trong, chủ quan, mộng mị và nhạy cảm. Cho nên trong thơ ông có những ghi nhận chính xác về các sự vật, nơi chốn hay biến cố, nhưng những cái đó truyền đạt tới chúng ta đã được phóng đại, biến dạng, sửa đổi bởi những gì mà tác giả nhìn thấy và bởi những gì rung lên trong ông.
– Marie Etienne
French Poet, Editor of Aujourd’hui Poeme
***
Tôi biết câu hỏi sẽ được quí vị đặt ra là: Chuyện gì đã dẫn tôi tới nhà tù trong khi tôi đang là một nhà báo của nhà nước?
Muốn hiểu câu chuyện, cần hiểu sơ lược đường lối văn hoá của Đảng CSVN từ khi họ nắm quyền ở miền Bắc VN (1954) và trên cả nước VN thống nhất sau 1975.
Sau khi đuổi được người Pháp và nắm quyền trên miền Bắc VN, chính quyền VNCS có một thời gian ngắn theo gương Trung Hoa CS cho phép “trăm hoa đua nở”, để cho trí thức văn nghệ sĩ lên tiếng tương đối tự do trên những tờ báo tư nhân. Đó là hậu quả của thời kỳ “giải Stalin” và đường lối “chung sống hoà bình” của ĐCS Liên Xô. Nhưng rất nhanh chóng, cũng theo đuôi Trung Cộng, đường lối ấy của ĐCS VN chấm dứt với cuộc đàn áp tập san “Giai Phẩm” (Belles Lettres) và báo “Nhân Văn” (Humanism), để sau đó nhà nước áp đặt triệt để hệ tư tưởng Marxist-Leninist nhưng thực chất là Stalinist, Maoist lên toàn xã hội, theo đúng mô hình của chủ nghĩa “toàn trị”.
Các nhà văn trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm bị tước quyền công bố tác phẩm.
Tuy nhiên, họ vẫn âm thầm sáng tác, và tác phẩm của họ – những bài thơ được kín đáo lưu truyền trong những người hâm mộ. Hoàng Cầm là một nhà thơ được yêu mến nhất trong số đó. Tập bản thảo chép tay của ông được truyền tay suốt hơn 20 năm (từ 1960 đến 1982). Sau khi có những người Việt ở nước ngoài đầu tiên được phép về thăm quê hương, một số bài thơ trong bản thảo của Hoàng Cầm được đưa ra công bố ở nước ngoài, khiến nhà cầm quyền Việt Nam giận dữ. Một tấm lưới bí mật được an ninh giăng ra xung quanh Hoàng Cầm. Tôi đã tình cờ sa vào đó khi đến xin ông một bản chép tay tập thơ. Họ bắt tôi với tội danh “lưu truyền văn hoá phẩm phản động”.
Chẳng may cho tôi là từ việc này, an ninh phát hiện trong nhà tôi những phác thảo thơ trong nhật ký mà họ thấy là “phản động gấp 100 lần” thơ Hoàng Cầm. Đó là những đoạn văn vần thể hiện sự hoài nghi về tương lai đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, đã nảy nở trong tôi ngay từ những năm 1970 với kết luận cay đắng:
Vâng
Chúng tôi cứ khoanh tay nhắm mắt ngồi nhìn
Sự nặng nề ngu độn của các anh
Cứ chầm chậm dìm con tàu xuống biển
Đó là lý do thật sự khiến cho tôi, một nhà báo của “Nhà nước”, bị “tập trung cải tạo” cùng với hằng vạn sĩ quan, công chức của chế độ Sài Gòn thất trận sau cuộc nội chiến Bắc-Nam 1954-1975.
Đàn áp tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, luôn luôn là quốc sách của các chế độ CS. Lý do đơn giản là: Nhà cầm quyền CS thấu hiểu tác động lớn lao của việc truyền bá tư tưởng qua báo chí và văn học nghệ thuật. Bản thân các đảng CS khi chưa nắm quyền đã tận dụng sự tự do báo chí trong xã hội tư bản, thậm chí ngay cả trong xã hội thuộc địa của các nước tư bản, để tuyên truyền cho cuộc cách mạng của mình. “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” đã là một tuyên ngôn của nhà lãnh đạo CSVN thời đó. Cho nên, khi nắm được chính quyền, việc đầu tiên của họ là nắm độc quyền tuyệt đối về báo chí, xuất bản, để ngăn chặn mọi suy nghĩ trái đường lối của Đảng dù là nhỏ nhất, xa xôi nhất.
Ở Việt Nam, những vụ án về văn hoá văn nghệ gây chấn động dư luận đã được thi hành một cách hữu ý, nhằm cảnh cáo tất cả những ai có mầm mống phản kháng chớm nở trong đầu. Đó là những vụ án: báo Nhân văn-Giai phẩm, “Nhạc vàng” (kết án những người hát loại ca khúc tình yêu không mang tính cách mạng), tập thơ Hoàng Cầm … Từ khi Internet trở thành phương tiện lan truyền các ý tưởng tự do, VN đã thực hiện hằng trăm vụ bắt bớ, xử án nặng những người phát biểu chính kiến của mình trên mạng, và gần đây đã ban hành luật An ninh mạng với mục đích hợp pháp hoá việc đàn áp quyền tự do tư tưởng trên mạng. Việc này gây ra một tâm trạng tiêu cực trong xã hội: dường như ai cũng thấy mình là “tù nhân dự bị”, như thể hiện trong một câu thơ của một nhà thơ vốn trung thành với Đảng:
Tất cả chúng ta
Đang chờ bị bắt…
Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, suốt nửa thế kỷ qua, đã ra đời không ít tác phẩm viết về trải nghiệm nhà tù và hậu-nhà tù của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Xin chỉ kể vài cái tên. Tập thơ “Hoa địa ngục” của Nguyễn Chí Thiện, việc ông mưu toan đưa nó vào Sứ quán Anh ở Hà Nội đã khiến ông bị tù lần thứ hai và sau đó lưu vong sang Mỹ.
Tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn đã bị thu hồi và nghiền thành bột giấy ngay sau khi phát hành.
Cũng như “Ác mộng” của tôi, các tác phẩm trên cũng như những tác phẩm gần đây của các tù nhân lương tâm trẻ tuổi như Phạm Thanh Nghiên
cùng với nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam lưu vong viết về nhà tù Việt Cộng chỉ có thể xuất bản ở nước ngoài (như hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên ở Pháp, hồi ký “Đại học máu” của Hà Thúc Sinh ở Mỹ).
Tuy nhiên, gần đây, việc “tự xuất bản” và lưu truyền không chính thống các tác phẩm loại này ngày càng phổ biến ở Việt Nam, mới nhất là tập thơ “Thương ơi là thương” của tù nhân chính trị nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức.
Hôm nay, được có cơ duyên giới thiệu với quí vị những bài thơ “Ác mộng” của bản thân, tôi xin thưa với quí vị rằng: những cơn ác mộng của tôi chỉ là một phần rất nhỏ trong cơn ác mộng lớn kéo dài đã hơn một thế kỷ của người dân Việt Nam, từ thân phận nô lệ dưới chế độ thực dân Pháp đã trở thành tù nhân của một chế độ toàn trị của chính người bản địa, đúng như trong một ý thơ của một nhà thơ Ba Lan thế kỷ 19 mà tôi đã nhắc lại trong nhật ký từ năm 1970:
Họ tháo cho ta cánh tay xiềng xích
Rồi đem xiềng xiềng chặt óc tim ta
Xin cầu cho mọi xiềng xích gãy nát, mọi ác mộng tan biến trong ánh sáng của Sự Thật và Tình Thương. Đó là ước mong và lời nguyện cầu của tôi hôm nay, dưới mái nhà của Thượng đế nhân từ.
Museu Sao Roque, Lisbon
18/10/2019