Vài lời của người dịch

Trương Quang Đệ

Không có bản sắc văn hóa (nguyên tác Pháp ngữ  Il n’y a pas d’identité culturelle. Paris: Éditions de L’Herne, 2016) là tác phẩm của François Jullien, bản dịch tiếng Việt của Trương Quang Đệ (Nxb. Đại học Huế, 2019, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế và Trường Đại học Ngoại ngữ phối hợp xuất bản). Dưới đây là lời của người dịch, nhà giáo Trương Quang Đệ.

Văn Việt


image

Cách đây hơn mười năm tôi tham gia nhóm dịch các tác phẩm của triết gia Pháp F. Julien ra tiếng Việt dưới sự chỉ đạo của thầy Hoàng Ngọc Hiến, người chủ xướng việc nghiên cứu minh triết ở Việt Nam. Tác phẩm tôi dịch có tựa đề gốc là “La grande image n’a pas de forme – ou du non-objet par la peinture” (Đại tượng vô hình – hay bàn về tính phi khách thể qua hội họa). Tôi đã đến Đại học Paris VII để gặp tác giả nhằm tìm hiểu những thông tin quan trọng về tác phẩm. Một năm sau tôi gặp lại tác giả ở Huế nhân dịp ông đến Việt Nam dự hội thảo về những tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt. Qua những lần tiếp xúc đó tôi gắng tìm hiểu những luận điểm độc đáo và mới mẻ của ông về tư duy của các dân tộc khác nhau. Có nhiều luận điểm tôi thấy thông suốt ngay, nhưng cũng có những đều làm tôi băn khoăn suy nghĩ và cảm thấy không hoàn toàn đồng tình với tác giả. Chẳng hạn tác giả qua những phép so sánh ẩn tàng đã dựng nên sự đối lập có hệ thống, sự phân cực giữa tư duy phương Tây và tư duy Trung Hoa. Tác giả cho rằng muốn hiểu biết sâu về văn hóa phương Tây ta cần phải “đi vòng” qua văn hóa Trung Hoa. Tư duy phương Tây tìm thấy trong tư duy Trung Hoa những cái mà mình “không hề nghĩ tới” (impensé). Tư duy phương Tây nhìn sự vật qua những đối lập A và không A, cái này loại trừ cái kia: thiện/ác, tốt/xấu, nóng/lạnh, thực/giả, v.v. Tư duy Trung Hoa nhìn sự vật qua lăng kính “âm, dương”, trong cái dương có cái âm và ngược lại. Một hình ảnh toán học của luận điểm này là trong lĩnh vực số thực, không có bình phương nào bằng âm một (-1). Nhưng với số ảo i thì bình phương của nó là -1. Vậy i coi như là cái ta không nghĩ tới nếu ta đứng trong không gian thực. F. Julien nghĩ rằng trong tư duy Trung Hoa có những số ảo hay số phức như vậy so với tư duy phương Tây. Do đó muốn hiểu sâu tư duy phương Tây (coi như khong gian thực) ta cần đi vòng qua không gian ảo. Luận điểm này tạo nên cái bản sắc đặc thù cho văn hóa Trung Hoa mà trong công trình trước mắt ta tác giả kịch liệt bác bỏ.

Tuy nhiên, tôi hoàn toàn đồng tình với luận điểm quan trọng của tác giả là “không có bản sắc văn hóa đặc thù“. Luận điểm đó hoàn toàn có tính thuyết phục khi người ta dễ dàng chứng minh rằng cái bản sắc đặc thù sẽ khép kín các nền văn hóa, khiến cho việc giao lưu văn hóa trở thành nan giải. Văn hóa không đứng yên một chỗ mà không ngừng tiến hóa, thay đổi, thích nghi với môi trường sống đang diễn ra. Rất nhiều thí dụ về một số quốc gia lạm dụng “bản sắc riêng” để tự cô lập: chủ nghĩa xã hội theo màu sắc X, con đường riêng của nước Y… Ở ta nhiều người nghĩ rằng chỉ có cái gì theo truyền thống mới chuẩn mực, còn cái gì mới là ngoại lai. Việc khuyến khích phụ nữ mặc áo dài chỉ thiên về truyền thống mà không nghĩ rằng phụ nữ hiện đại phải chơi thể thao, lao động, chứ không phải lúc nào cũng thướt tha trong các tà áo kiều diễm. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng vậy, không phải Nghệ Tĩnh chỉ có hát dặm, Bắc Ninh chỉ có quan họ mà còn có âm nhạc hiện đại, vũ khúc hiện đại.

Để minh định luận điểm trên, tác giả phân tích kỹ nội dung của ba thuật ngữ mà thường ngày ta dễ lẫn lộn cái này với cái kia. Đó là cái phổ quát, cái đồng đều và cái chung. Sự phân biệt rạch ròi các khái niệm này hết sức quan trọng trong thời đại hiện nay khi ta bước vào kỷ nguyên hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu. Tác giả khuyên ta nên cảnh giác với khái niệm phổ quát, vì khái niệm này có hai khía cạnh, một khía cạnh khoa học chính xác (định lý toán học, luật vật lý…) có giá trị cho tất cả mọi người trên thế giới và một khía cạnh xã hội do Phương Tây áp đặt như thể chế chính trị, các định chế văn hóa, giáo dục, v.v. Cái đồng đều có ý nghĩa kinh tế đang ngự trị khắp nơi hiện nay như thức uống Coca Cola, các nhà hàng McDonald hay smartphone. Thực ra cái đồng đều không phải là phổ quát mà do các nền kinh tế lớn áp đặt. Cái chung có tính chính trị vì nó là sự đồng thuận của các dân tộc.

Thay vì bản sắc văn hóa đặc thù của một dân tộc, tác giả đề xướng một khái niệm mới, đó là nguồn nuôi dưỡng phát huy văn hóa hay phương tiện tạo dựng văn hóa. Theo tác giả, văn hóa Pháp có các nguồn nuôi dưỡng là thức subjonctif của động từ, bài thi triết ở bậc tú tài và tiếng la tinh. Ta có thể bắt chước F. Julien mà nói rằng các nguồn nuôi dưỡng văn hóa Việt chủ yếu là thơ lục bát, hệ thống từ chỉ ngôi và tục thờ cúng tổ tiên.

Trong vấn đề “đối thoại giữa các nền văn hóa” tác giả đề xuất khái niệm khoảng cách thay cho sự phân biệt nền văn hóa này với nền văn hóa kia. Sự phân biệt cô lập các nền văn hóa, khiến cho chúng khép kín lại không giao lưu được. Khoảng cách thì trái lại, hai nền văn hóa đứng cách nhau một quãng đường nhưng vẫn nhìn thấy nhau để hiểu nhau, học tập lẫn nhau, tự điều chỉnh theo hướng tích cực, tóm lại là để tìm cái chung, yếu tố then chốt làm cho đối thoại có ý nghĩa. Chẳng hạn giữa văn hóa Phương Tây và văn hóa Trung Hoa có một khoảng cách, nhưng khoảng cách đó không ngăn cản văn hóa này “nhìn thấy” văn hóa kia. Từ phía văn hóa Trung Hoa nhìn sang Phương Tây thấy vấn đề bản thể, lô gích, vai trò cá nhân… Từ văn hóa Phương Tây nhìn sang Trung Hoa thấy sự trung dung, sự hài hòa thiên nhiên và con người… Người Phương Tây sẽ điều chỉnh cách nhìn thế giới của mình theo hướng hài hòa, trong khi người Trung Hoa tiếp nhận cái phổ quát khoa học để hiện đại hóa đất nước. Một thí dụ khác là sự tiếp xúc giữa hai nền văn hóa khác nhau rất nhiều: Pháp và Việt, riêng cho lĩnh vực ngôn ngữ. Người VIệt không hình dung được tại sao động từ tiếng Pháp phải mang trong mình nó một loạt dấu hiệu về ngôi, thời, thể, thức, dạng, giống, số. Động từ DIRAIT (nói) thuộc ngôi thứ ba, thức điều kiện, thời hiện tại, dạng chủ động, số ít, v.v. Ngược lại người Pháp không “nghĩ tới” việc dùng từ chỉ ngôi phải rắc rối như vậy trong tiếng Việt. Thay vì cái ngôi thứ nhất số ít JE (biến thể MOI) đơn giản như vậy, trong tiếng Việt tùy trường hợp giao tiếp mà xưng là tôi, tớ, tao, anh, chị, em, chú, bác, mình, bản chức, quả nhân, trẫm, thần… gần như vô hạn. Nhưng khi đã nhìn thấy nhau, hiểu nhau thì khoảng cách đó được vượt qua. Chứng cớ là người Việt học tiếng Pháp không đến nỗi khó khăn và người Pháp đọc hay nói tiếng Việt không quá lo lắng về cách dùng ngôi.

Trong quá trình dịch các tác phẩm của F. Julien người dịch thường gặp những khó khăn thuộc ba loại hình. Thứ nhất, đó là làm sao chuyển trọn vẹn ý của tác giả được biểu đạt bằng những câu phức gồm nhiều mệnh đề, đặc biệt có nhiều mệnh đề xen giữa. R. Descartes cũng có cách viết như vậy. Thứ hai, người dịch phải có kiến thức triết học đáng kể vì tác giả thường xuyên trích dẫn nhiều triết gia Cổ Hy Lạp và các bậc hiền triết Trung Hoa như Lão Tử, Trang Tử. Cuối cùng, người dịch gặp khó khăn khi phải chuyển các thao tác siêu ngôn ngữ. Thực vậy, F. Julien luôn dùng hình thức cấu tạo từ tiếng Pháp để nêu lên ý nghĩa của khái niệm. Chẳng hạn khi nói về ý nghĩa của khoảng cách, ông phân tích động từ exister (tồn tại) thành ex-ister với “ex” có nghĩa là “ngoài”, còn “ister” có nghĩa là “đứng”, để diễn đạt ý niệm “tồn tại là đứng ngoài”, “đứng ở một khoảng cách nào đó”. Tôi đã hết sức cố gắng để bản dịch được trung thành, suôn sẻ. Nhưng tôi thành thực nghĩ rằng sai lầm thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Tôi chân thành cám ơn trước những độc giả đóng góp ý kiến xây dựng để cho bản dịch, nếu được tái bản, sẽ được hoàn chỉnh như ý muốn.

Tháng Ba, năm 2017

Comments are closed.