Chuyện một tình yêu

(Trích “Kết thúc của con người đỏ”)

Svetlana Alexievitch

Nguyên Ngọc dịch

(Olga Karimova, nhạc sĩ, 49 tuổi)

Không, không, tôi không thể… Chuyện đó tôi không thể… Tôi tự nhủ một ngày nào đó, tôi sẽ kể chuyện đó cho ai đó… Nhưng bây giờ… Tôi đã niêm phong tất cả, lấp kín tất cả, phủ thạch cao tất cả… Trong một cái quách… Tôi đã chôn vùi tất cả trong một cái quách… Bên trong cái đó không còn cháy, nhưng đang diễn ra một phản ứng hóa học. Những tinh thể đang hình thành. Tôi không dám động đến đó. Nó khiến tôi sợ…

Tình yêu đầu của tôi… Tôi có thể nói về điều đó như thế không? Người chồng đầu tiên của tôi… Đấy là một câu chuyện rất đẹp. Anh ấy tán tôi hai năm. Tôi rất muốn cưới anh ấy bởi vì tôi ham muốn anh ấy toàn bộ. Tôi muốn tất cả anh ấy là của tôi! Tôi thậm chí cũng không biết vì sao tôi cần anh ấy đến thế, toàn bộ anh ấy. Không rời anh ấy một giây, được nhìn thấy anh ấy không ngừng, được gây gổ với anh ấy, và rồi làm tình, làm tình không bao giờ dứt… Anh đã là người đàn ông đầu tiên của đời tôi. Lần đầu tiên, đúng thế… Đúng về sự tò mò: chính xác là đã xảy ra chuyện gì nhỉ? Cả lần tiếp sau nữa… và theo cách nói chung… Đúng hơn là có tính kỹ thuật… Tóm lại, là xác thịt, xác thịt, tất cả là thế! Cái đó kéo dài sáu tháng. Anh ấy, anh không thật sự cần phải là tôi, anh có thể tìm cái khác… Nhưng ừ thì, chúng tôi đã cưới nhau, tôi hăm hai tuổi. Cả hai chúng tôi là sinh viên một trường nhạc, chúng tôi cùng làm chung mọi thứ. Rồi thì xảy ra… Một cái gì đó đã mở ra trong tôi, nhưng tôi không chú ý là lúc nào… Tôi bắt đầu yêu thân thể nam. Và nó ở đó, nó thuộc về cô toàn vẹn… Tôi không biết… Đối với tôi, điều đó đi xa hơn nhiều hơn chỉ một con người… Là một điều gì đó có tính vũ trụ. Người ta không còn ở đây, mà đâu đó nơi kia… Đấy là một câu chuyện đẹp. Nó có thể kéo dài bất tận hay kết thúc trong nửa giờ… Và tôi đã ra đi. Chính tôi đã rời bỏ anh ấy. Anh van tôi ở lại, nhưng tôi đã quyết định. Tôi đã chán anh… Lạy Chúa! Tôi chán chuyện ấy quá rồi! Tôi có thai, tôi đã có một cái bụng to tướng. Tôi cần gì anh? Người ta làm tình, rồi người ta cãi vã, rồi tôi khóc. Tôi chưa biết chịu đựng. Tha thứ.

Khi tôi ra khỏi nhà và khép cửa lại sau lưng tôi, tôi nghe tràn lên một niềm vui được bỏ đi, được từ bỏ anh mãi mãi. Tôi về ở với mẹ tôi và, ngay đêm đó anh lao đến, anh hoàn toàn bối rối… Cô ấy sao thế? Có thai, không bao giờ thỏa mãn, bao giờ cũng cần có cái khác… Nhưng là cái gì chứ? Còn cần gì cho cô nữa, nào? Tôi, tôi đã giở sang trang, tôi đã rất vui lòng sống cùng anh ấy, và rất vui lòng không như thế nữa. Cuộc đời tôi đã luôn là cái kiểu bỏ ống, bỏ đầy, rồi rỗng, rồi lại đầy, lại rỗng…

Ania ra đời, quả thật đẹp… Tôi đã mê mẩn chuyện đó. Khi tôi vỡ nước ối, tôi vừa đi nhiều cây số trong rừng. Tôi không, tôi không nhận ra rõ lắm, tôi không biết có cần đến bệnh viện ngay không. Tôi đã chờ đến tối. Đang mùa đông… Bây giờ tôi khó mà tin, nhưng mà lạnh đến dưới âm bốn mươi. Vỏ cây cứ mà nứt ra. Tôi quyết định cứ đến viện. Một bác sĩ khám cho tôi và bảo còn phải kéo dài hai ngày nữa. Tôi gọi điện cho mẹ: “Mẹ ơi, mang sô cô la đến cho con, con còn phải chờ lâu.”. Trước giờ thăm bệnh buổi sáng, một cô y tá đi qua. “Xem này, đầu đã đang ra rồi… Tôi đi tìm bác sĩ đây!”. Và thế là tôi ngồi vào một cái ghế bành… Người ta bảo tôi: “Được rồi, ra rồi…”. Tôi không nhớ bao nhiêu thời gian, nhưng rất nhanh, người ta đưa cho tôi cái hòn nhỏ. “Một đứa con gái!”. Nặng bốn cân. “Và không một vết sướt! Nó không mốn làm mẹ nó phải đau…”. Ôi, khi người ta đem nó đến cho tôi sáng hôm sau! Nó có một đôi mắt… Hai cái đồng tử to đen long lanh. Tôi không còn nhìn thấy gì nữa…

Và với tôi bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống hoàn toàn khác. Tôi rất yêu con người mà tôi đã trở thành. Thực tế, chỉ một phát tôi đã đẹp ra. Ania đã ngay lập tức tìm ra được vị trí của nó, tôi mê mẩn nó, nhưng thật kỳ quặc, đối với tôi, nó tuyệt đối chẳng dính dáng gì với những người đàn ông. Với chuyện nó có một ông bố. Nó từ trên trời rơi xuống! Một lần, khi nó đã biết nói, khi người ta hỏi nói: “Ania, con không có bố sao?” Nó trả lời: “Không, thay vào đó, con có một mẹ-lớn!” – Và con không có chó? – Không, thay vào đó, con có một con chuột hang!”. Chúng tôi là thế đó, hai chúng tôi… Suốt đời tôi, tôi luôn sợ không còn là tôi. Ngay ở chỗ các nha sĩ, tôi từ chối các mũi tiêm, tôi không muốn gây mê. Các cảm giác của tôi, chúng là của tôi, dù chúng dễ chịu hay đau đớn, tôi không muốn người ta cắt tôi ra khỏi chính tôi. Chúng tôi rất thích nhau, Ania và tôi. Và như vậy đó, chúng tôi đã gặp anh ấy… Gleb…

Nếu không phải là anh ấy, tôi sẽ không bao giờ tái giá. Tôi đã có tất cả: một đứa con, công việc, tự do. Và rồi đột ngột, anh ấy đến. Anh ấy xấu, gần như là mù. Anh ấy bị hen… Đúng là một điều gì đó, khi để cho đi vào trong vũ trụ của mình một người đàn ông có quá khứ nặng nề đến thế – mười hai năm trong trại giam của Stalin. Anh còn rất trẻ khi họ bắt anh, mười sáu tuổi… Cha anh, một cán bộ cao cấp của Đảng, bị hành hình, và mẹ anh chết trong một thùng tô nô đầy nước đông giá. Ở đâu đó rất xa, trong băng tuyết. Trước khi có anh, tôi không bao giờ nghĩ đến loại chuyện đó. Tôi là đội viên thiếu niên tiền phong, cônsômôl… Cuộc đời rất đẹp! Tuyệt vời! Như thế nào mà tôi đã có thể quyết định làm điều đó? Như thế nào? Sau một thời gian nhất định, đau khổ biến thành một nhận thức. Nó cũng biến thành một nhận thức. Vậy là anh mất đã năm năm… Năm năm… Và tôi tiếc anh đã không biết tôi như tôi đang là hôm nay. Hôm nay tôi hiểu anh hơn, tôi đã đạt được tầm mức của anh, nhưng không có anh. Rất lâu, tôi đã không thể sống được một mình. Tôi đã hoàn toàn không còn muốn sống. Không phải cô đơn khiến tôi sợ… Không, là chuyện khác: tôi không biết sống không có tình yêu. Tôi cần nỗi đau đớn đó… Niềm thương xót đó… Không có cái đó… Tôi sợ, đã có lúc tôi sợ như vậy khi tôi ở ngoài biển. Khi tôi bơi ra xa, rất xa, chỉ mỗi mình tôi, và bên dưới, là bóng tối… Tôi không biết có gì ở đấy, bên dưới…

(Chúng tôi ngồi trên hiên. Vòm lá chợt xao xuyến: trời bắt đầu mưa)

Ôi, những mối tình trên bãi biển ấy… Chỉ kéo dài một thời gian. Rất ngắn. Như một cuộc đời thu ngắn. Có thể khởi đầu đẹp và kết thúc đẹp, điều chẳng đến trong cuộc đời, điều ta những mong có được. Chính vì thế mà người ta luôn muốn thả mình vào phiêu lưu, gặp gỡ những con người… Ừ thì thế đấy… Tôi có hai chiếc áo dài lấm tấm hạt đậu xanh mua hôm trước ngày lên đường ở một hiệu quần áo trẻ con. Biển… Tôi bơi ra xa, rất xa. Bơi, là thứ tôi thích nhất trên thế giới. Buổi sáng, tôi tập thể dục dưới một cây keo trắng. Một người đàn ông đi qua, một người đàn ông có bề ngoài rất thông thường, không còn quá trẻ. Tôi không hiểu tại sao, anh có vẻ vui lòng khi nhìn thấy tôi. Anh đứng đấy, nhìn tôi. “Chị có muốn tối nay tôi đọc thơ cho chị nghe không? – Có thể, nhưng lúc này tôi sẽ đi bơi xa, rất xa. – Tôi sẽ chờ chị.” Và anh đã chờ tôi, anh đã chờ tôi nhiều giờ. Anh đọc không hay, cứ phải đẩy cái kính của anh lên mãi. Nhưng cảm động. Tôi hiểu… Tôi hiểu những gì anh cảm nhận… Những cử chỉ ấy, cặp kính ấy, nỗi bối rối ấy. Tôi không tuyệt đối nhớ được những gì anh đã đọc, và tại sao điều đó lại phải quan trọng đến thế? Trời vẫn mưa, ngày hôm ấy. Điều đó, thì tôi nhớ. Tôi không quên gì cả… Và những xúc động… Những xúc động của chúng ta, chúng tồn tại ở bên ngoài chúng ta – đau khổ, tình yêu, niềm âu yếm. Chúng có một đời sống riêng, độc lập. Tại sao lại chọn một người này và không người kia là người có thể hơn, tại sao lại bất ngờ gắn bó, thậm chí một cách không ngờ, với một cuộc đời vốn xa lạ với ta? Nhưng ta đã tìm ra rồi… Đã có một tín hiệu gửi đến cho ta… Nhìn thấy tôi vào sáng hôm sau, anh nói với tôi: “Anh đã chờ em biết chừng nào!”, và anh đã nói với một giọng như thế nào đó, mà tôi không hiểu vì sao, lúc đó, tôi tin, và tuy nhiên tôi đã không hoàn toàn sẵn sàng. Thậm chí là ngược lại. Nhưng có một điều gì đó đã thay đổi quanh tôi… Chưa phải là tình yêu, chỉ chính xác là cảm giác đột nhiên tôi nhận được rất nhiều. Một ai đó đã nghe được tiếng nói của một ai đó khác. Anh ấy đã gõ cửa và người ta đã mở cửa cho anh. Tôi bơi ra rất xa. Tôi trở về. Anh đã chờ tôi. Anh đã nói với tôi: “Ở bên nhau thật dễ chịu.”. Và tôi không hiểu vì sao, lần này nữa, tôi tin anh. Buổi tối, chúng tôi đã uống sâm banh. “Loại màu hồng đấy, nhưng giá không đắt hơn loại thường.” Tôi thích câu nói ấy. Anh đã làm món ôm lết. “Có chuyện gì đó lạ lùng với những quả trứng của anh. Anh mua một chục, anh tráng từng đôi, và bao giờ cũng còn lại một quả! Những chuyện động lòng như vậy…

Mọi người nhìn chúng tôi, người ta tự hỏi đấy là cha tôi hay ông nội tôi. Tôi mặc một chiếc áo dài ngắn… Tôi hăm tám tuổi. Về sau, anh mới đẹp ra. Với tôi. Tôi nghĩ rằng tôi biết một bí mật… Chỉ có tình yêu mở được cánh cửa đó… Duy nhất tình yêu. “Em đã nghĩ đến anh. – Vậy sao? Nhưng thế nào? – Em muốn bước đi cùng anh, và đi xa, rất xa. Em không cần gì nữa hết, chỉ là cảm thấy có anh bên em. Em yêu anh như thế đấy: chỉ cần nhìn thấy anh và bước đi bên cạnh anh…”. Chúng tôi đã sống với nhau những phút giây hạnh phúc, một hạnh phúc hoàn toàn trẻ con. “Hay ta đi đến một hòn đảo, anh và em? Ta nằm dài trên cát…”. Những người hạnh phúc bao giờ cũng trẻ con. Phải bảo vệ họ, họ mong manh và kỳ cục. Không phòng vệ. Với chúng tôi là như thế đấy, nhưng tôi không biết nói chung thì sao. Khác nhau cho mọi người. Tùy ở mỗi người… Mẹ tôi bảo tai họa là người thầy tốt nhất. Nhưng người ta muốn hạnh phúc. Đêm, tôi thức dậy và tự hỏi tôi đang làm gì đây? Tôi tự thấy mình kỳ quặc, và rồi sự căng thẳng này nữa… Anh bảo tôi: “Gáy em lúc nào cũng co nhíu”. Điều gì đang đến với tôi? Tôi sắp rơi xuống hố sâu nào đây?

… Này, cái rổ đựng bánh mì này… Hễ thấy bánh mì, là anh ăn, chăm chỉ. Bất chấp chất lượng. Không thể chán bánh mì. Khẩu phần bánh mì, là thiêng liêng. Và anh ăn, anh ăn mọi thứ có trong rổ. Tôi đã không hiểu được ngay…

Anh kể chuyện trường học… Trong giờ sử, họ mở sách và vẽ những song sắt nhà tù lên chân dung các nguyên soái Toukhatchevski, Blṻcher[1]. Theo lệnh bà hiệu trưởng. Vừa làm vừa hát và cười. Như một trò chơi. Sau giờ học, người ta tóm cổ anh và viết bằng phấn lên lưng anh: “Con trai kẻ thù của nhân dân.”

… Đi ra khỏi hàng, sẽ bị bắn. Đi đến rừng, sẽ bị thú dữ xé xác. Đêm, trong trại, có thể bị cắt cổ. Thế thôi, chẳng vì cái gì hết. Không một lời… Ở trại, mỗi người lo lấy phần mình. Và điều ấy, tôi phải hiểu…

… Sau một vụ vượt vòng vây Léningrad, một đoàn xe những nạn nhân của cuộc bao vây đến chỗ các anh. Những bộ xương người. Những cái túi đựng xương chẳng liên quan gì mấy với con người… Họ bị bắt vì đã mó đến khẩu phần bánh mì (tiêu chuẩn hàng ngày là năm mươi gam) của mẹ họ… Của con họ… Trong khi những người ấy đã chết. Họ bị kết án sáu năm vì chuyện đó. Suốt hai ngày, trong trai im lặng khủng khiếp. Ngay cả bọn người canh gác cũng im lặng…

Có một lúc anh làm việc ở một buồng đốt. Ai đó đã cứu sống anh khi anh đã đuối sức. Người đốt lò là một người Moskova, một giáo sư văn chương. Ông chuyển củi cho anh, trên một chiếc xe cút kít. Họ thảo luận với nhau: một người dẫn Pouchkine và nghe Bach có thể bắn vào những người không có vũ khí không?

Dẫu sao, vì sao tôi đã chọn anh, chính anh? Đàn bà Nga thích những người khốn khổ kiểu loại anh. Bà nội tôi yêu một người đàn ông, và cha mẹ bà đã gã bà cho một người đàn ông khác. Mà bà không yêu, không một chút nào hết! Bà đã quyết định tới lúc linh mục hỏi bà có tự nguyện đồng ý không, bà sẽ nói không với ông. Nhưng ông linh mục đã uống rượu và, thay vì hỏi câu nghi lễ, ông nói với bà: “Hãy ân cần với anh ấy, chân anh ấy đã bị liệt vì cóng lạnh hồi chiến tranh”. Nên đương nhiên, bà chỉ còn có việc phải lấy ông ấy. Và bà đã sống suốt đời với ông nội tôi, mà bà không hề yêu. Ta có thể lấy câu đó làm đề từ cho cuộc sống của chúng ta: “Hãy ân cần với anh ấy, chân anh ấy đã bị liệt vì lạnh cóng hồi chiến tranh”. Còn mẹ tôi có hạnh phúc không? Cha tôi từ chiến tranh trở về năm 1945, đuối sức và tan nát. Bệnh vì các vết thương của ông. Những người chiến thắng! Chỉ những người đàn bà biết thế nào là sống với những người chiến thắng. Sau khi cha tôi trở về, mẹ tôi thường khóc. Những người chiến thắng mất nhiều năm để trở lại một đời sống bình thường. Để quen trở lại. Bố tôi kể rằng những lúc đầu, các câu nói như “Sắp đun nước đây” hay “Hay ta đi câu nhỉ?” khiến ông bối rối. Những người đàn ông của chúng ta là những người tử vì đạo, tất cả họ đều bị chấn thương, hoặc vì chiến tranh, hoặc vì tù tội. Vì các trại tập trung. Chiến tranh và nhà tù là hai từ quan trọng nhất của tiếng Nga. Đàn bà Nga không bao giờ sống với những người đàn ông bình thường. Họ làm thầy thuốc cho chồng, họ chạy chữa cho các ông. Họ coi chồng đôi chút là một người anh hùng, và đôi chút như một đứa trẻ con. Họ có ở đấy là để cứu các ông. Cả hôm nay nữa, họ vẫn tiếp tục đóng vai trò đó. Liên xô đã sụp đổ… Bây giờ, chúng ta có những nạn nhân của một một đế chế sụp đổ. Của sự thất bại của nó. Ngay cả Gleb, sau Goulag[2], anh dũng cảm hơn, anh cảm thấy tự hào: Tôi đã sống sót, tôi đã thoát ra được! Tôi đã nhìn thấy những điều khủng khiếp, nhưng tôi đã viết những cuốn sách, tôi ôm hôn những người đàn bà… Đấy là một con người kiêu hãnh. Còn họ, trong mắt họ chỉ có nỗi sợ. Chỉ có đúng nỗi sợ… Người ta giảm quân số của quân đội, các nhà máy không còn hoạt động… Kỹ sư và bác sĩ trở thành người bán hàng ở chợ. Các nhà khoa học… Quanh ta có bao nhiêu người, những người bị rơi xuống từ chuyến tàu! Họ ở lại đó, bên phía dưới… để chờ đợi không biết điều gì… Tôi biết một người phụ nữ có chồng là phi công, ông chỉ huy một biên đội. Ông được đưa vào quân số dự bị. Bà ấy, khi bà mất việc, bà chuyển tay nghề ngay. Bà từng là kỹ sư và bà đã trở thành thợ làm tóc. Nhưng còn ông, ông ở nhà uống tì tì để nhấn chìm nỗi sầu muộn của ông, ông uống bởi vì ông, ông từng là một phi công, một chiến binh (ông từng đánh nhau ở Afganistan), nay ông phải nấu cháo cho trẻ con… Thế thì vậy đó… Ông tràn ứ hận thù, ông đòi được phái ra trận, nhưng người ta không cần ông. Chẳng thiếu gì người tình nguyện. Chúng ta có bao nhiêu ngàn binh lính thất nghiệp, những con người chỉ biết súng đại liên với xe bọc thép. Không thích ứng được với việc khác. Ở nước chúng ta, đàn bà buộc phải mạnh mẽ hơn đàn ông. Các bà đi ngang dọc khắp thế giới với những chiếc túi carô lớn của các bà. Từ Ba Lan đến Trung Quốc. Các bà mua, các bà bán lại. Các bà gánh vác nhà cửa, con cái, bố mẹ già. Chồng các bà nữa… Và toàn bộ đất nước. Thật khó giải thích cho người nước ngoài. Không thể. Con gái tôi lấy một người một người Ý. Anh ta tên là Sergio, anh ta là nhà báo. Khi anh ta đến thăm tôi, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận lớn trong nhà bếp. Theo lối Nga… Cho đến tảng sáng. Sergio cho rằng người Nga thích đau khổ, rằng đấy là bí ẩn của tập tính Nga. Đối với chúng ta, đau khổ là một “cuộc chiến đấu riêng tư”, là “con đường cứu rỗi”. Trong khi người Israel, họ không giống như vậy, họ không muốn đau khổ, họ yêu cuộc sống đã được ban cho để rút ra từ đấy những niềm vui, chứ không phải những khổ đau. Nhưng chúng ta, chúng ta khác. Hiếm khi chúng ta nói đến niềm vui… vì cái lẽ rằng hạnh phúc là cả một thế giới. Một thế giới hư ảo! Với hàng ngàn xó xỉnh, những cửa sổ, những cửa lớn, và cần có bao nhiêu chìa khóa để mà mở… Chúng ta, chúng ta luôn bị lôi cuốn bởi những lối đi tăm tối của Bounine[3]… Khi họ từ siêu thị về, anh là người mang các túi. Buổi tối, con gái tôi có thể chơi piano trong khi anh chuẩn bị bữa ăn. Ở nhà tôi, thì không như vậy: nếu anh muốn mang các túi, thì tôi sẽ giành lấy. “Không, em phải mang chứ!”. Nếu anh vào bếp, tôi nói với anh: “Đây không phải là chỗ của anh! Về phòng làm việc của anh đi.”. Bao giờ tôi cũng là phản chiếu ánh sáng của anh. Lúc đầu là để làm anh vui, về sau là để cho tôi vui…

Qua một năm, có thể hơn… Anh phải đến nhà để làm quen với mọi người. Tôi đã báo trước cho anh là mẹ tôi ân cần, nhưng con gái tôi, nó… tôi không thể bảo đảm nó sẽ đón anh tốt. Ôi, con bé Ania của tôi… Nó đeo mọi thứ lên tai: đồ chơi, nhưng viên đá, thìa… Trẻ con cho mọi thứ vào mồm, nó, thì lên tai. Để nghe xem tiếng động thế nào. Tôi đã bắt đầu cho nó nghe nhạc khá sớm, nhưng đấy là một con bé rất kỳ, tôi vừa đặt một đĩa nhạc. là nó ra khỏi phòng. Chẳng có nhạc nào khiến nó thích, nó chỉ quan tâm đến những gì vang lên từ bên trong chính nó. Vâng, vậy là Gleb đã đến, rất xúc động, anh cắt tóc hỏng, quá ngắn. Anh không thật đẹp. Anh mang đến các đĩa nhạc, và bắt đầu kể anh đã mua chúng như thế nào… Ania rất chong tai, nó không nghe các từ, mà nghe cái khác… giọng nói… Và nó cầm các đĩa, vừa nói: “Đĩa chẹp quá!” Một lúc rồi nó hỏi tôi một câu khiến tôi cứng họng: “Làm sao để con gọi ông là bố mà không phải cố?”. Anh không tìm cách làm cho nó vừa lòng, anh thích được cùng nó, tất cả chỉ có thế. Giữa hai người, lập tức đã là tình yêu lớn… Tôi thậm chí ghen với tình yêu của họ. Và rồi tôi tự nhủ rằng tôi có một vai trò khác… (Bà im lặng). Một hôm, anh nói với nó: “Nhưng mà, con nói lắp đấy, Ania! – Không, không tốt lắm. Trước đây, con nói khá hơn nhiều!”. Ôi, chẳng bao giờ chán được với nó! Có thể ghi lại tất cả những gì nó nói. Vâng, nó hỏi tôi: “Con phải làm sao để gọi ông là bố mà không phải cố?”. Chúng tôi ở công viên, Gleb đi mua thuốc lá. Khi anh trở về, anh muốn biết chúng tôi đang nói chuyện gì. Tôi nháy Ania: nhất là đừng nói gì hết, thế là ngốc đấy! Và nó: “Mẹ phải nói với ông đi!”. Ừ, tôi có thể làm gì đây? Tôi kể với anh rằng nó sợ gọi anh là bố mà không phải cố. “Quả thật là một vấn đề đấy, anh nói. Nhưng nếu con rất muốn, thì con có thể làm. – Đồng ý! Ania trả lời rất nghiêm túc. Có điều, con còn có một bố khác. Nhưng con không thích ông ấy. Mẹ cũng thế, mẹ không yêu ông ấy.” Giữa chúng tôi luôn là thế! Chúng tôi chặt đứt hết cầu sau lưng chúng tôi. Trên đường về, anh đã là bố của nó. Nó chạy và hét lên: “Bố! Bố!”. Hôm sau, ở nhà trẻ, nó báo cho mọi người là bố nó dạy nó đọc. “Bố cậu, là ai thế?” – Ông tên là Gleb.” Ngày sau nữa, một bạn gái của nó đến, bảo: “Cậu nói dối, Ania, cậu không có bố! Đấy không phải là bố thật của cậu. – Không, chính ông kia mới không phải bố thật. Ông này, là ông thật!”. Không cần cãi nhau giữa chúng. Anh đã trở thành bố nó. Trong khi tôi, tôi còn chưa là vợ anh…

Tôi lại đi nghỉ… Anh chạy theo sau toa tàu, vẫy tay. Nhưng vừa lên tàu, tôi đã lao vào một cuộc phiêu lưu. Hai kỹ sư trẻ ở Kharkov đi Sotchi, cũng như tôi. Lạy Chúa! Tôi còn trẻ quá! Biển. Mặt trời. Những cuộc tắm, những cái hôn, những điệu nhảy. Mọi thứ đều đơn giản và dễ dàng, bởi vì cuộc sống thì đơn giản… Đôi ba bước nhảy, và tôi lại tìm thấy tôi trong môi trường của mình rồi. Một ai đó yêu tôi, nhận trách nhiệm về tôi… Trong vùng núi, anh đã bế tôi trong đôi tay của anh suốt hai giờ. Những bắp thịt của chàng trai trẻ, một tiếng cười của chàng trai trẻ… Suốt đêm bên đống lửa trại… Và tôi đã có một giấc mơ… Trần nhà mở ra một bầu trời xanh… Tôi thấy Gleb… Chúng tôi đi đâu đó… Chúng tôi bước đi ven biển, không phải trên những viên sỏi đã được sóng biển bào mòn, mà là sỏi nhọn như đinh. Tôi đi giày, còn anh thì chân không. “Khi đi chân không, anh bảo, ta cảm giác sự vật tốt hơn.” Nhưng tôi, tôi biết sỏi làm anh đau. Đau đến nỗi anh bắt đầu bay lên trong không khí… anh bay lượn trên mặt đất… Tôi thấy anh bay. Chỉ có điều hai bàn tay anh chắp lại như một người chết. (Bà dừng lại) Lạy Chúa! Tôi điên rồi … Tôi không nên nói điều này với ai cả. Phần lớn thời gian, tôi có cảm giác hạnh phúc trong cuộc đời này… Rất hạnh phúc. Tôi đi thăm anh ở nghĩa trang. Tôi bước đi, và tôi cảm giác anh đang ở đó, đâu đó. Đấy là một hạnh phúc mãnh liệt cho đến nổi tôi muốn khóc… Người ta bảo người chết không đến thăm ta. Đừng tin điều đó.

Kỳ nghỉ đã hết, và tôi trở về. Anh kỹ sư đi theo tôi đến Moskva. Tôi hứa với anh là sẽ kể lại tất cả cho Gleb. Tôi đến nơi. Trên bàn làm việc, một cuốn lịch đầy những nguệch ngoạc, những nguệch ngoạc khắp nơi, trên giấy đã vẽ, và cả trên các báo anh đã đọc… Mọi nơi. Đúng bốn chữ: TLCH. To, nhỏ, bằng chữ in, bằng chữ viết thảo… Và các dấu chấm lửng… Tôi hỏi anh cái đó nghĩa là sao. Anh giải thích cho tôi: “Thế là chấm hết”. Được rồi, chúng tôi chia tay, và giải thích điều đó cho Ania. Chúng tôi đi tìm nó về. Nó không kịp hoàn thành bức tranh nó đang vẽ và trong xe nó nổi giận. Anh, thì anh đã quen tính tình kỳ quặc của nó, anh coi đó là một phẩm chất. Đúng một vụ lục đục trong gia đình: nó khóc, anh dỗ, và tôi thì ngồi đó, giữa hai người… Anh nhìn tôi đăm đắm và đột ngột, trong một thoáng chớp, một giây… tôi hiểu rằng người đàn ông đó cô đơn một cách khủng khiếp… Và tôi phải cưới anh… Phải thế… (Bà òa khóc) Hạnh phúc biết bao là chúng tôi đã không bỏ nhau! Anh ấy đã tặng tôi cả một cuộc đời! (Bà khóc) Và tôi đã cưới… Anh lo lắng, anh sợ – anh đã cưới vợ hai lần. Những người đàn bà đã phản bội anh, họ chán… Không thể ném đá họ. Tình yêu, đấy là một công việc khó khăn. Đối với tôi, trước hết đó là một công việc… Đã diễn ra không lễ lạt, không có áo trắng cô dâu. Kín đáo. Mà tôi là đứa đã luôn mơ ước một đám cưới lớn với áo trắng… Được ném một bó hoa hồng từ trên một chiếc cầu cao. Đấy là một trong những giấc mơ của tôi…

Anh không thích người ta đặt những câu hỏi cho anh. Bao giờ anh cũng phải là kẻ láu cá… anh phải đùa… Đấy là một thói quen do từ hồi ở trại giam, cần phải né mình đằng sau những cái kiểu đó. Phải đặt mọi thứ trên một bình diện khác. Chẳng hạn, anh không bao giờ nói “được tự do”, mà là “ giữa trời”. “Và tôi lại được thấy mình ở giữa trời!”. Có lúc anh kể chuyện này nọ, rất hiếm khi… Nhưng anh làm việc đó một cách thật lý thú và thật sinh động, đến mức tôi nhận ra được thật mạnh mẽ những niềm vui anh từng trải nghiệm hồi đó, như cái ngày anh tìm được những mẩu lốp anh dùng để gắn vào đôi bốt dạ của anh, rồi sau đó anh bị chuyển sang một trại khác, và anh đã thật vui vì có được những mẩu lốp ấy! Một lần khác, anh tìm được một nửa cà mèn khoai tây, và do hôm dó anh làm việc “giữa trời”, có ai đó đã cho anh một miếng thịt lớn. Và buổi tôi, ở lò đốt, anh đã nấu được xúp. “Và em biết, ngon tuyệt! Thật sự là mỹ vị!”. Khi anh được trả tự do, anh có nhận được một món bồi thường cho bố anh. Người ta bảo anh: “ Chúng tôi nợ anh ít nhiều gì đó về chuyện cái nhà và đồ mộc của anh…”. Người ta trả cho anh một món tiền lớn. Anh đã mua quần áo mới, một bộ côm lê, một áo sơ mi, giày – và một cái máy ảnh. Anh đến khách sạn sang nhất Moskova, khách sạn Nation, và anh gọi món đắt nhất, rồi uống cô nhắc, cà phê với một cái bánh ngọt. Cuối cùng, khi đã no nê, anh đã nhờ ai đó chụp ảnh cho anh để ghi lại giây phút hạnh phúc nhất của đời anh. “Khi anh về nhà, anh nhận ra rằng anh không cảm thấy chút hạnh phúc nào. Với bộ côm lê, với cái máy ảnh ấy… Vì sao anh không hạnh phúc? Và anh lại nghĩ đến những cái mẩu lốp kia, cái món xúp ở lò đốt kia… Ở đó, anh đã hạnh phúc.” Và ta hãy cố mà hiểu cho ra là sao, cái hạnh phúc lừng danh ấy. Anh sẽ không đổi những năm ở trại để lấy bất cứ thứ gì khác trên thế gian này… Đấy là kho báu bí mật của anh, tài sản của anh. Anh đã sống ở các trại giam từ mười sáu cho đến ba mươi tuổi. Bà có thể tính đi… Tôi đã hỏi anh: “Và nếu anh đã không bị bắt?”. Anh trả lời bằng một lời hóm hỉnh: “Anh sẽ mãi là tên ngốc và anh sẽ lái chiếc xe đua màu đỏ mốt mới nhất.” Chỉ đến lúc cuối cùng… tận lúc cuối cùng, khi anh ở bệnh viện, lần đầu tiên anh mới nói với tôi một cách nghiêm túc. “Cũng giống như ở nhà hát. Trong phòng, ta dự một câu chuỵện đẹp, sân khấu sạch sẽ, các diễn viên sáng trưng và chiếu sáng huyền ảo, nhưng khi ta vào trong hậu trường… Vừa bước vào sau màn, là nhưng mẩu ván gãy ngổn ngang, những đồ trang trí cẩu thả và vương vãi… những chai vodka rỗng, những thức ăn thừa. Không có những câu chuyện đẹp. Mọi thứ đều tăm tối và bẩn thỉu… Anh, người ta đã cho anh thăm hậu trường… Em hiểu không?”.

… Họ đã nhốt anh với bọn vô lại. Một cậu bé… Sẽ không ai hiểu được điều gì đã thật sự diễn ra…

… Vẻ đẹp không sao tả nổi của vùng Cực Bắc! Im lặng của tuyết long lanh, ngay cả về đêm… Còn mày, mày chỉ là súc vật. Người ta kéo lê mày trong tự nhiên, người ta giẫm đạp mày, rồi người ta đưa mày trở lại… Anh gọi đó là “tra tấn bằng vẻ đẹp”. Câu nói ưa thích của anh: “Thượng đế thành công với hoa và cây cỏ hơn là với con người”.

… Tình yêu… Lần đầu tiên đối với anh là như thế nào… Họ làm việc trong rừng. Một đoàn phụ nữ đi qua, người ta dẫn họ đi lao động. Nhìn thấy đàn ông, họ dừng sững lại, không thể nào làm cho họ tiến lên. Tay sếp gác hét lên: “Đi lên! Đi lên!”. Họ không nhích tới một phân. “Ta bảo đi lên, bọn nhà thổ! – Thưa ngài công dân sếp, hãy để cho chúng tôi nhìn đàn ông. Không chịu được nữa… Chúng tôi sẽ rống lên như thú! – Không, chúng mày là một lũ điên à? Chúng mày mất trí hết rồi! – Chúng tôi sẽ không đi đâu hết. – Được rồi. Chúng mày có nửa tiếng, Giải tán!”. Trong một thoáng đoàn người đã tản ra. Và họ trở lại hàng ngũ đúng giờ đã định. Rất chính xác. Hạnh phúc. (Bà im lặng) Là gì vậy, cái hạnh phúc ấy?

… Ở trên ấy, anh làm thơ. Ai đó đã đi tố giác với sếp ngục. Tay này gọi anh lên. “Anh viết cho tôi một bức thư tình bằng thơ.” Y rất lúng túng khi nói yêu cầu đó. Y có bồ đâu đó ở Oural.

… Chuyến trở về anh nằm một giường ở tầng trên. Tàu chạy hai tuần qua suốt nước Nga. Anh nằm mãi trên ấy, không dám xuống. Đêm anh mới ra ngoài để hút thuốc. Anh sợ các bạn đồng hành mời anh uống. Anh sẽ bị họ vây lại. Anh sẽ trò chuyện, và họ sẽ biết anh vừa ở trại ra… Những người họ hàng xa của bố anh ra đón anh ở ga. Họ có một cháu bé gái. Khi anh ôm nó, nó òa lên khóc. Trong anh có một cái gì đó… Đấy là một người đàn ông cô đơn một cách khủng khiếp. Ngay cả với tôi. Ngay cả với tôi, tôi biết.

Bây giờ, anh tự háo báo với mọi người: “Tôi có một gia đình!”. Mỗi ngày anh lại kinh ngạc thấy mình có được một đời sống bình thường. Anh rất tự hào về điều đó. Nhưng còn nỗi sợ kia… Nó vẫn luôn ở đó… Anh không biết cách sống mà không có nó, không có nỗi sợ ấy. Nửa đêm anh thức giấc, đầm đìa mô hôi lạnh: anh không hoàn thành được cuốn sách của anh (anh viết một cuốn sách về bố anh), người ta sẽ không đưa đến cho anh những bản dịch (anh dịch những tài liệu kỹ thuật từ tiếng Đức). Anh không thể nuôi sống được gia đình mình… Và nếu tôi bỏ anh? Sau cái sợ là đến nỗi thẹn, thẹn vì nỗi sợ kia. “Em yêu anh, Gleb, em có thể vào một đoàn vũ balê nếu anh muốn. Em sẽ làm bất cứ việc gì vì anh.” Anh đã sống sót được trong các trại, nhưng trong đời thường, chỉ một tay cảnh sát ngưng một chiếc xe cũng đủ khiến anh lên cơn nhồi máu cơ tim… Anh sợ một cú điện thoại của người quản lý chung cư. “Anh đã làm thế nào để mà có thể còn sống được ở trên ấy? – Anh đã rất được thương yêu trong tuổi thơ của anh.” Lượng tình yêu ta đã nhận được, cái ấy cứu ta, là dự trữ sức mạnh của ta. Chỉ có tình yêu mới cứu được… Tình yêu, đấy là một thứ vitamin không có nó thì con người không thể sống, máu ta đông lại và tim ta ngưng đập. Tôi là y tá của anh, vú em của anh… Tôi là một nữ diễn viên… Tôi là tất cả những cái đó, vì anh.

Tôi thấy chúng tôi gặp may… chúng tôi sống trong một thời kỳ quan trọng… Cải tổ! Không khí ngày hội, cảm giác sắp được bay lên. Một mùi vị tự do phảng phất trong không khí. “Giờ của anh đã đến, Gleb! Có thể viết tất cả. Xuất bản tất cả.” Nhất là đã đến giờ của họ… Của thế hệ những năm 1960. Đây là thắng lợi của họ. Tôi đã thấy anh hạnh phúc. “Tôi đã sống được đủ lâu để thấy thắng lợi của chủ nghĩa chống cộng!” Tất những giấc mơ ấy sẽ được thực hiện: bức tường Kremlin sẽ sụp đổ, người ta sẽ lật đổ các tượng đài bônsêvích và dở cái quách của Lénine trên Hồng trường, các đường phố sẽ không còn mang tên bọn sát nhân và đao phủ… Đây là thời của hy vọng! Thế hệ những năm 1960, hôm nay người ta muốn nói gì thì nói, tôi, tôi yêu tất cả họ. Họ ngây thơ? Lãng mạn? Vâng. Suốt ngày họ đọc báo. Buổi sáng, họ xuống quầy báo, cạnh nhà, với một cái bị to tướng. Họ nghe đài, họ xem tivi. Không ngừng. Mọi người đều hơi điên, thời ấy. T-ự D-o! Chỉ cần một từ ngây ngất ấy. Chúng tôi đã lớn lên bằng cách đọc samizdat và tamizdat[4]… Chúng tôi đã lớn lên bằng các từ. Bằng văn học. Những gì chúng tôi có thể nói! Và mọi người đã nói hay làm sao, thời ấy! Trong khi tôi chuẩn bị bữa ăn trưa hay tối, anh đọc báo cho tôi nghe: “Susan Sontag viết: “Chủ nghĩa cộng sản, đó là chủ nghĩa phát xít với khuôn mặt người”. “Này, nghe thêm cái này nữa…”. Chúng tôi đã cùng nhau đọc Berdiaïev, Hayek… Làm sao chúng tôi có thể sống thiếu những tờ báo và thiếu những cuốn sách ấy. Giá mà chúng tôi đã biết được những cái này sớm hơn… Mọi thứ đều đã có thể khác… Jack London đã viết về điều này trong một cuốn sách, về việc người ta có thể sống thậm chí trong một chiếc áo trói chặt cứng, chỉ cần co mình lại, ngừng thở và tập cho quen. Thậm chí có thể mơ mộng. Đúng là chúng tôi đã sống như vậy đấy. Và bây giờ, chúng tôi sẽ có một cuộc sống như thế nào đây? Tôi không biết gì cả, nhưng tôi hình dung sẽ tuyệt vời cho mọi người. Tôi không nghi ngờ chút gì về điều đó… Nhưng sau khi anh mất, tôi đã tìm thấy một suy nghĩ trong nhật ký của anh: “Tôi đang đọc lại Tchékov… Truyện ngắn Người thợ giày và con quỷ ác của ông. Một người bán linh hồn cho quỷ sứ để đổi lấy hạnh phúc. Và hạnh phúc đối với người thợ giày ấy là gì? Là được đi chơi trên xe ngựa mặc áo khoác mới và đi giày da, một tay cầm khúc xúc xích tay kia cầm cốc rượu, bênh cạnh có một bà mập ú với bộ ngực đồ sộ. Ông ta không cần gì khác nữa…” (Bà tư lự) Rõ ràng, anh có những nghi ngờ… Nhưng người ta quá mong ước một điều gì đó mới! Một điều gí đó tốt đẹp và sáng rỡ, công minh. Người ta vui sướng, người ta chạy đến tất cả các cuộc biểu tình, tất cả các cuộc mít tinh… Trước đây, tôi sợ đám đông, sợ bản năng bầy đàn. Tôi chối bỏ đám đông, chối bỏ tất cả các thứ hội hè… cờ quạt. Nhưng ở đây, mọi thứ khiến tôi thích… Bao quanh chúng tôi là những khuôn mặt thân quen quá. Tôi có một nỗi nhớ cái thời đó, và tôi biết đấy cũng là trường hợp của nhiều người. Cuộc đi ra nước ngoài có tổ chức đầu tiên của chúng tôi. Ở Berlin. Nghe nói tiếng Nga, hai người phụ nữ Đức trẻ đến gần nhóm chúng tôi. “Các bạn là người Nga? –Vâng. – A! Perestroïka! Gorby!”. Và họ ôm hôn chúng tôi. Tôi tự hỏi tất cả những khuôn mặt đó đã đi đâu rồi? Đã đi đâu rồi nhưng con người thật đẹp tôi đã nhìn thấy trên các đường phố, trong những năm 1990. Họ đã đi hết rồi chăng?

… Khi tôi biết anh bị ung thư, tôi đã khóc suốt đêm. Và buổi sáng, tôi chạy đến bệnh viện. Anh đang ngồi trên bục cửa sổ, nước da vàng, vẻ hạnh phúc – anh luôn hạnh phúc khi có một sự thay đổi trong cuộc đời anh. Đã có chuyện trại cải tạo, có chuyện quản chế, có chuyện được trả tự do, và bây giờ, là chuyện này…Cái chết, một cuộc thay đổi khác nữa… “Em có sợ anh chết? – Có. – Thứ nhất, anh đã không hứa gì cả với em. Và thứ hai, điều đó sẽ không xảy đến ngay. – Có đúng thế không? Tôi tin anh, như bao giờ cũng vậy. Tôi liền lau nước mắt, và tôi tự nhủ tôi phải giúp anh, một lần nữa. Tôi không khóc nữa… Tôi đã không khóc cho đến ngày cuối. Buổi sáng tôi đến bệnh viện, và cuộc sống của chúng tôi bắt đầu. Trước đây, chúng tôi ở nhà, và bây giờ trong một căn phòng bệnh viện. Chúng tôi đã sống sáu tháng ở khoa ung bướu.

Anh đã đọc ít hơn nhiều. Anh kể, là chính…

Anh biết kẻ đã tố giác anh. Một cậu con trai cùng câu lạc bộ với anh ở Nhà Thiếu niên tiền phong. Cậu ấy đã viết một lá thư, hay người ta đã ép cậu viết, nói rằng anh đã chửi đồng chí Stalin và bênh vực cha anh, “một kẻ thù của nhân dân”. Viên dự thẩm đã đưa cho anh xem bức thư đó trong một lần thẩm vấn. Và suốt đời anh, Gleb đã sợ… sợ kẻ tố giác anh biết rằng anh biết chuyện đó… Khi có người nói với anh rằng người ấy có một đứa con dị dạng, anh bị chấn động: nếu đấy là một sự trừng phạt? Đã xảy ra chuyện là có một thời gian chúng tôi là láng giềng của người đó, chúng tôi thường gặp nhau ngoài đường, trong các cửa hàng. Chúng tôi chào nhau. Sau khi Gleb mất, tôi đã kể lại chuỵện này với một người bạn gái chung của chúng tôi… Chị ấy không tin. “N? Không thể! Anh ta luôn nói tốt biết bao nhiêu về Gleb, anh ta kể họ là bạn thân thiết đến thế nào hồi trẻ”. Tôi hiểu rằng tôi cần im lặng. Bà biết… Rất nguy hiểm cho một kẻ làm người biết những chuyện như vậy. Anh hiểu điều đó… Chúng tôi hiếm khi tiếp những cựu tù nhân trại giam. Anh không tìm liên lạc với họ. Khi họ đến, tôi cảm thấy mình bị đặt ra ngoài cuộc, họ đến từ một thời khi tôi còn chưa tồn tại. Họ biết về anh nhiều hơn tôi. Tôi khám phá ra anh có một cuộc đời khác… Tôi hiểu một người đàn bà có thể kể về những nỗi nhục của mình, nhưng đàn ông thì không. Dễ cho một người đàn bà thú nhận loại chuyện đó, bởi vì tự trong sâu thẳm của chính mình, họ đã được chuẩn bị để chịu bạo lực, ngay hành vi tính dục, tự trong nó, là một bạo lực… Và mỗi tháng, người đàn bà bắt đầu một cuộc sống mới. Những chu kỳ ấy… Chính tự nhiên giúp vào đó. Trong số những người phụ nữ đã từng ở trại, nhiều người đơn thân. Tôi hiếm khi thấy những cặp, cả hai, vợ và chồng, từ trên ấy về. Cứ như có một điều bí ẩn chia xa họ ra thay vì kết nối họ lại. Tôi, anh gọi tôi là “cô bé của anh”.

“Em có muốn là người cùng bọn với bọn anh không?”, anh hỏi tôi khi họ đã ra đi. Tôi khó chịu. “Tại sao anh lại đặt với em câu hỏi ấy? – Em biết điều gì khiến anh sợ không? Khi lý thú, thì chúng ta bị khóa mồm, và bây giờ khi chúng ta có thể nói tất cả, thì đã quá muộn. Người ta bảo chẳng ai lắng nghe chúng ta nữa, chẳng ai đọc chúng ta nữa. Khi ta gửi những bản thảo mới về các trại giam đến các nhà xuất bản, họ trả lại mà không thèm đọc, “Lại Stalin với Béria chứ gì? Thứ này không bán được nữa. Độc giả có đủ rồi.”

… Anh đã có thói quen chết… Cái chết nhỏ đó không làm anh sợ… Tay sếp toán tù hình sự bán các khẩu phần bánh mì của tù chính trị, chúng đem ra chơi bài. Còn chúng, chúng ăn nhựa đường. Nhựa đường đen. Nhiều người chết vì thứ đó, thành dạ dày dính lại. Anh, đơn giản là anh ngừng ăn. Chỉ uống.

… Một cậu bé bỏ chạy… Nó cố tình chạy để bị bắn. Trên tuyết… Giữa trời nắng… Độ nhìn rõ lý tưởng. Họ bắn một viên đạn vào đầu, họ kéo cậu ở đầu một sợi dây, và bỏ cậu cạnh lán. Ra chỗ đó đi! Mà nhìn! Cậu nằm lại đấy… Cho đến mùa xuân.

… Ngày bầu cử, có một cuộc hòa nhạc ở phòng phiếu. Một dàn đồng ca tù nhân hát. Tù chính trị, lính của Vlassov[5], đĩ điếm, trôm cắp… Họ hát: “Stalin, là ngọn cờ của chúng ta! Stalin, hạnh phúc của chúng ta!”.

… Anh đã làm quen với một cô gái rất trẻ ở trên ấy. Cô đã kể cho anh nghe viên dự thẩm đã dụ cô như thế nào để cô ký vào bản nhận tội. “Người ta sẽ tống cô xuống địa ngục… Nhưng cô rất xinh, chắc chắn cô sẽ khiến cho một sếp thích. Và cô không thoát ra được đâu.”

… Nhất là về mùa xuân, thật kinh khủng. Mọi thứ trong thiên nhiên đều biến đổi, mọi thứ đều bắt đầu sống lại… Thà đừng hỏi một người nào đó anh còn phải kéo lê bao nhiêu năm! Mùa xuân, mọi án tù chừng như vĩnh cửu. Khi những đàn chim bay, không ai ngửng đầu lên. Mùa xuân, người ta không nhìn trời…

Từ ngưỡng cửa tôi gửi đến anh một cái nhìn cuối cùng, và anh đưa bàn tay lên ra hiệu cho tôi. Khi tôi trở lại vài giờ sau, anh nói mê. Anh nói với ai đó: “Chờ đấy! Chờ đấy!”. Rồi anh ngừng nói, anh ở nguyên đấy, nằm dài. Như vậy còn kéo dài ba ngày nữa. Ngay cả điều đó, tôi cũng đã quen. Được rồi, anh ở đó, và tôi sống cạnh anh… Người ta đã đặt một chiếc giường trong phòng anh. Ngày thứ ba… Khó truyền được thuốc vào mạch máu của anh. Anh có những cục máu đông. Tôi phải cho phép các bác sĩ ngưng điều trị, anh sẽ không đau đớn, anh không cảm thấy gì hết. Và hai chúng tôi ở lại một mình. Không còn máy móc, không còn bác sĩ, không còn ai trong phòng, tôi nằm dài cạnh anh. Tôi lạnh, tôi nép người vào anh dưới tấm chăn và tôi đã ngủ. Khi tôi thức dậy, thoáng một giây, tôi có cảm giác chúng tôi đang ở nhà và chúng tôi để cửa sổ mở… Còn anh chưa dậy… Tôi sợ mở mắt. Khi vừa mở mắt, tôi nhớ lại tất cả. Tôi ngồi dậy, tôi đặt bàn tay lên mặt anh. Aaah… Anh cảm nhận được tôi. Cơn hấp hối đã bắt đầu… Và tôi ở lại đó, nắm bàn tay anh. Tôi đã nghe tiếng đập cuối cùng của tim anh. Tôi đã chờ một lúc lâu, và tôi đã gọi một cô y tá. Cô giúp tôi mặc cho anh một chiếc áo sơ mi xanh, màu anh thích. Tôi đã hỏi tôi có thể ở lại thêm một ít không. Cô ấy trả lời: “Vâng, chắc chắn rồi. Có khiến bà sợ không?”. Tôi phải sợ điều gì? Tôi biết anh… Như người mẹ biết đứa con của mình. Buổi sáng, anh trở nên đẹp… Nỗi sợ đã biến mất khỏi khuôn mặt anh, sự căng thẳng đã ra đi, tất cả khuấy động vô nghĩa ấy của cuộc đời. Và tôi nhận ra anh có những nét tinh tế và tao nhã. Một khuôn mặt hoàng tử phương Đông. Là thế đấy, khuôn mặt thật của anh! Tôi đã không biết anh như vậy.

Anh chỉ thổ lộ một ước muốn duy nhất: “Hãy ghi trên bia mộ của anh rằng anh đã hạnh phúc. Anh đã được yêu. Đau khổ khủng khiếp nhất, là không được yêu.” (Bà im lặng) Cuộc đời chúng ta ngắn… Nó đi qua thoáng chớp! Tôi thấy rõ bà mẹ già của tôi nhìn căn vườn buổi chiều như thế nào… Với đôi mắt như thế nào…

(Bà im lặng hồi lâu không nói gì cả)

Tôi không quên nổi… Nhưng lại có những người đàn ông khác tán tỉnh tôi… Người ta tặng tôi những bông hoa.

(Ngày hôm sau tôi nhận được một cuộc điện thoại)

Tôi đã khóc suốt đêm. Quằn quại đau đớn… Tôi đã cố chạy trốn tất cả những cái đó, ra đi xa. Tôi bắt đầu thoát ra khỏi đó. Và hôm qua, tôi đã trở lại nơi ấy. Người ta đã đưa tôi trở lại nơi ấy… Người tôi quấn đầy băng, tôi đã gỡ chúng ra, và tôi nhận ra các vết thương vẫn còn tươi. Tôi đã tưởng một lớp da mới đã mọc bên dưới. Nhưng không. Chẳng có gì thành sẹo. Tất cả vẫn ở đấy… tất cả quá khứ… Và tôi sợ đem đặt tất cả những cái ấy vào bàn tay một ai đó. Không ai có thể chịu đựng được nó. Không ai có thể cầm nó trong đôi bàn tay của mình…

 


[1] Những người bôn-sê-vich thế hệ đầu tiên, nạn nhân của các cuộc thanh trừng 1937-1938.

[2] Goulag: Hệ thống trại giam thời Stalin ở Sibérie.

[3] Bounine: “Những lối đi tăm tối” là tên một tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nga lưu vong Ivan Bounine (1870-1953).

[4] Samizdat: các văn bản tự in (nói chung bằng đánh máy thành nhiều bản). Tamizdat: Sách được in ở nước ngoài và bí mật đưa vào trong nước.

[5] Vlassov: Tướng xô viết đầu hàng phát xít Đức, tổ chức thành một đội quân theo Đức, chống lại quân đội xô viết.

Comments are closed.