Căn lều hoàng hôn

Truyện Trần Huy Quang

1.

Lão là người bình thường như chúng ta nhưng vì đôi mắt cứ hấp háy nên trở thành đặc biệt. Sau hai mươi năm chinh chiến khắp các chiến trường A B C D, từ cực Nam ra cực Bắc, và ba lần tự dự lễ mặc niệm cho chính mình, khói hương nghi ngút, nghe cấp trên đọc điếu văn cho mình trước khi xông vào bãi bom nổ chậm, Bốn may mắn không phải phục viên mà về hưu với quân hàm đại úy. Hưu thì có lương, tháng sáu triệu, nhiều người trong làng nhìn vào lão đầy ngưỡng vọng. Sướng như ông Bốn, sáng dậy bỏ chân xuống khỏi giường đã có hai trăm ngàn rồi. Dưới mắt mấy bà góa trẻ và dăm cô gái lỡ thì, ngày lão mới cầm sổ hưu về, như chàng Nô trong chèo, săn lão như săn vịt, anh Bốn, anh Bốn…giọng ướt như mưa dầm, mơn trớn, âu yếm như Bốn là con mèo cưng.

Lý do các thị săn đón Bốn không nhiều, các chị góa mới bốn mươi tìm một người tình, thời buổi này đã thoáng hơn với họ, các cô lỡ thì thì tìm chồng. Lão Bốn lù còn ngon, đã năm mươi, nhưng người săn chắc như mới bốn mươi, hơn hẳn trai hoi. Cuộc đời chiến trận phong sương, da đen cóc cáy, rắn rỏi, cái năng lượng đàn ông mấy chục năm không có đàn bà, không được giải phóng còn mạnh hơn núi lửa.

Mụ Tím, các cô Quýt, cô Loan, cô Mít, cô Hẹn, cô Lan ác cảm cứ réo Tím bằng mụ, chứ Tím tuy cùng tuổi dưới bốn mươi nhưng Tím body hơn đứt những cô kia. Tóc thị nhuộm vàng, uốn sóng to. Con mắt đen láy, có đuôi sâu như giếng lại sắc như dao cau. Các thị réo suốt ngày bảo sao ông trời ưu ái cho con mụ ấy nhiều thứ thế. Mông thì tròn, lại nở nang, má cứ hây hây, đôi môi lại dày mới khốn nạn. Môi trên thế nào thì môi dưới như thế, thằng chó dái nào nhìn chả chết. Thế tau mới gọi là khốn nạn, hi hi… Để tau hoặc con Len, mày sấn vào Bốn lù đi, mày mới ba ba, sấn vào đi đỡ phải nuôi lợn.

Quả là mấy cô chưa chồng, góa chồng tính toán chuyện lấy chồng quá hay. Ở vùng quê làm ra đồng tiền rất khó khăn, lấy ông đại úy hưu lương tháng sáu triệu, chia đôi người tháng ba triệu, hơn nuôi lợn. Nếu người mát tay, nuôi lợn cả năm tính ra mỗi tháng chỉ được một triệu rưỡi, trồng thêm hành, cải bắp, tháng cũng chỉ thêm nửa triệu nữa là hai triệu, kịch kim. Lấy lão, chưa tính làm gì thêm, tháng cầm chắc sáu triệu, đêm ngủ lại có người ôm, sự tính toán hơi trần trụi tí nhưng đó là sự thật, không đạo đức giả, quả là hơn nuôi lợn.

2.

Về làng, lão Bốn ngơ ngác ngày một nhiều hơn với những thay đổi của quê hương. Hàng cây bời lời, lũy tre rợp bóng, mái đình rêu phong không còn nữa, thay vào đó là những tường rào, cổng chào cổng ngõ sáng bóng i-nốc. Bố mẹ cũng đã khuất núi từ năm năm trước, giờ hiện diện chỉ là hai cái hậu bụt trên bàn thờ. Ngôi nhà cha mẹ nuôi bốn anh chị em lớn lên thấp bé được thay bằng ngôi nhà thò thụt kiểu Thái màu vàng nâu bóng.

Tâm trạng hồi hương của người đi xa và niềm vui đoàn viên chưa hết, lão hấp háy nhìn chú em và không nỡ để lộ sự hụt hẫng trong lòng nhưng sâu thẳm lão cảm giác thấy mình chỉ như một con thú hoang. Chú em cán bộ xã con mắt đa nghi, không còn trong như thời tiễn anh trai ra trận, xếp cho lão ngủ trên một cái gường kiểu mới trên lầu. Lầu nhưng cũng chỉ một gian nhỏ, là chỗ học của thằng con đầu.

Đêm đầu tiên về ngủ trên mảnh đất chôn rau cắt rốn mà nửa đêm nghe tiếng sương rơi xuống mái tôn từng giọt đều đều lão nghĩ mình như dang ở trọ nơi xa lạ. Cô em dâu khi Bốn đi bộ đội có lẽ chỉ học lớp một, con nhà ai có nhắc đến tên lão cũng không nhớ nổi, đôi mắt lúng liếng của tuổi hồi xuân làm lão bối rối, đối xử với lão chu tất giống như chủ quán cơm bình dân chiều chuộng thực khách. Ăn nói quá ngọt, đưa đẩy hơn cả khéo léo gây cho lão Bốn nhiều bất an, càng cảm thấy mình chỉ là con mèo hoang.

Trong một buổi chiều đầy sương mù, chú em ở cơ quan xã về mặt đăm đăm nói với Bốn, dàn xếp để cho anh một mảnh đất làm nhà mà không xong. Đất ở bây giờ phải đấu giá hàng mấy tỉ cơ. Tỉ thì tôi không có nổi, tôi chỉ dăm chục triệu thôi, lão Bốn thở dài, ánh mắt hấp háy lộ vẻ chán nản. Hay là anh dựng một cái nhà ở ngoài bãi cát sát bờ biển. Hoang vu thế, một mình giữa rừng dương à, ở với ai? Thì một mình anh, ở chiến trường, xưa nay vẫn thế… Giờ anh về với làng với bà con láng giềng, tình làng nghĩa xóm, huynh đệ, là thứ mà anh lâu không có, anh chỉ có tình đồng chí, đồng đội. Sao lại bắt anh như vậy? Anh đã mang cái sứ mệnh cao cả, sao anh không làm tiếp sứ mệnh ấy cho trọn đời lại quay về? Ý chú là thế nào? Là anh nên làm cho tròn sứ mệnh người chiến sĩ trên sa trường, chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng và nằm xuống trên bãi chiến trường giữa khói súng, da ngựa bọc thây, một cái chết lẫm liệt…

Trên đầu lão là bầu trời trong xanh mà khi nghe những lời lẽ oai hùng của người em ruột thịt, lão tưởng như nghe tiếng sấm giữa trời quang. Lão thừa hiểu gió mây cuộc đời, cũng thừa hiểu mưu chước thời thế và cũng thừa hiểu sự biến đổi sắc màu của đạo lý. Qua bao tình huống một sống mười chết, lão Bốn như sa vào chỗ không sinh không diệt, lão ở giữa ranh giới sống chết, lão vô minh vô thức, thản nhiên đứng lên nghe tiếng con chào mào hót và cảm thấy trò diễn này không chỉ có hài. Vấn đề là định mệnh không cho lão đi đến tận cùng cái vai mà lão đóng trong tích chuyện đó.

Thường là buổi chiều Bốn hay ngắm hoàng hôn, mà hoàng hôn ở đây rất đỏ, cũng là lúc lão cảm thấy rõ nhất là mình bị lạc. Viên đại úy chứ đâu phải thường, từng cầm một tiểu đoàn quân bạt ngang mấy xã, quân địch tan rã tháo chạy. Thế mà viên đại úy ấy còn lại một mình, không chiến bào, không gươm đao, không kẻ địch.

Đơn độc, tê liệt, chiến bại.

Lão ra khỏi cuộc chiến hay cuộc chiến loại bỏ lão cũng vậy, lão về đây, về với đời thường, hóa ra không hợp thời, không hợp tình và không hợp lý. Mà cái lý có biến đổi chóng mặt thì vẫn là cái lý.

Hoàng hôn sao đỏ đến thế, như máu tươi, lão thấy xót xa thương mình.

Một chỗ nương thân cuối cùng cũng không có.

Thế gian chật chội đến thế ư?

Hay lòng người?

3.

Lão tìm đến chỗ được tán tỉnh, được mồi chài, mơn trớn và tí chút chiều chuộng vờ vịt. Gắng tìm một chút an ủi khi nắng hoàng hôn còn rơi ít sắc vàng trên tít ngọn cây, mong manh đến mức làn gió nhẹ cũng mất. Cô Na, cô Thà thấy lão lò dò đến cười như mếu, chút tình bẽ bàng săn như săn thỏ. Ba người uống chút rượu làng, mong câu chuyện tình tang bốc hơi men nhưng tình lại nhiều tính toán, càng lúc càng nhạt, rượu có nồng uống mãi cũng không say. Cả ba cái cô đơn cộng lại, khi bá vai, khi bá cổ, khi cười đến nghiêng ngả cuối cùng không xóa được sự gượng gạo, cái nhạt bên trong cứ đùn ra hết.

Lúc các chén rượu còn đầy mà cuộc vui đã tàn, khi hai người đẹp không biến thành bướm mà thành tiên mọc cánh bay đi thì lão mới nhận ra trong đáy lòng mình còn chút cảm tình với Tím.

Tím hồng hào xinh xắn và vô tư hơn những Na, Mít, Hẹn đã đành nhưng thị thương Bốn đến quặn lòng khi lão đưa Tím đến bờ sông gió lộng và cạnh một triền đê dài chỉ vào cái thuyền mỏng như chiếc lá nằm đung đưa nép bên bờ sông và nói với Tím, đây là cơ ngơi nhà cửa sau một đời chinh chiến của tôi. Từ nay tôi không phải ăn nhờ ở đậu nhà ai nữa. Tím sau một hồi ngơ ngác nhìn con thuyền bé nhỏ, chợt nấc lên rồi ôm mặt khóc. Thị khóc như nỗi sầu thương của cả đời thị cô lại, Thị hét lên như nỗi thống khổ của riêng mình, Sao đến nông nỗi này hả anh? Trong tiếng khóc sụt sùi như mưa dông, “Sao đến nông nỗi này hả anh” cứ như điệp khúc của bài sầu ca của người đàn bà.

Mặc cho gió như muốn thổi bay cả triền đê, tiếng khóc của thị làm lòng lão ướt nhũn, lão dịu nhẹ nói với người tình, thì tôi biết làm sao được? Khi mọi sự đã an bài, cuộc đời này chật chội quá, không còn chỗ nào cho tôi. Nhưng mà làm sao không có chỗ cho anh sống kia chứ? Anh đâu to lớn kềnh càng mà chiếm chỗ người khác, ăn nói nhỏ nhẹ, hit thở không khí như mọi người. Không phải vậy, chỉ là tôi bị lạc, lạc trong đám sương mù hơi lâu. Đáng lý tôi đi tiếp cho mãn cuộc, hoặc nằm lại chiến trường như đồng đội để xứng đáng sứ mệnh lẫm liệt của người lính.

Đêm ấy họ không về nhà và cũng không xuống chiếc thuyền mà sạp che đã bạc phếch, họ tựa vào nhau phía triền đê, lúc lúc thị lại hỏi, hừng đông rồi hả anh? Rồi trời cũng hửng sáng, nàng Tím lên xe máy còn lưu luyến nhìn lão rồi về trong làn sươg sớm bàng bạc dọc bờ sông.

Từ đó họ có nhau, dù hai người như ở hai thế giới khác nhau. Làm gì cũng có nhau, dính như sam. Lần đầu tiên lão Bốn bảo cô ngủ lại đây, về muộn quá rồi. Tôi đi ngủ nhờ chỗ khác. Tím không nói gì nên lão quay lưng định đi. Tím vội bước theo ôm ghì lấy lưng lão. Ôm rất chặt mặt gục vào lưng lão, thút thít. Khi ấy lão Bốn lù không biết làm gì, trong lòng hơi hoảng, bao nhiêu năm không động đến đàn bà. Làm gì lúc nhạy cảm nhất đây, bị ăn tát không biết chừng. Người lính già chỉ mỗi bom đạn trận mạc, còn trận mạc này chưa biết gì, chưa trải nghiệm. Mãi sau lão nói, để tôi đi, người ta dị nghị khổ cô.

Đã được gái ôm như thế mà lão hâm không biết làm gì, còn định bỏ đi. Tím điên tiết lắm, biến thì biến ngay đi, anh có còn là thằng đàn ông nữa không? Lão Bốn cảm thấy như mình bị xúc phạm. Thằng lính bao nhiêu năm vào sinh ra tử chưa ngán thứ gì nha. Bắn xa hay giáp lá cà, dù tay không, lão còn cho kẻ thù ngoẻo trước dăm ba dứa, có chết thì lão chết sau.

Bốn lù từ từ quay lại, dù trong bụng ngứa ngáy và hỗn loạn lắm, vừa muốn tẩn tan xác con đàn bà này, vừa e nó không thích sự bạo liệt của lão, dù lão cũng từng vụng trộm chớp nhoáng nhiều lần. Cô chưa biết một điều, lão dừng lại ngắc ngứ, không nói thêm mà người đàn bà cũng không cần hỏi thêm điều gì.

Nắng đã dịu đi rất nhiều, phía bên kia triền đê, tiếng cười đùa rất gần của người dân làm ruộng vọng sang nghe rõ mồn một. Tình thế chưa nguội lắm, lão chỉ sợ thất bại. Miếng ăn đã dâng vào tận mồm, lão không nghĩ lúc này đang là ban ngày, cố thổi lại đám cháy. Là người đàn ông trong mười năm chưa biết đàn bà, sự khao khát giống như quả mìn chôn dưới mặt đất, như đám than hồng vùi dưới đống tro. Chỉ đợi người đàn bà nới lỏng vòng tay lão liền bế thốc ả ném lên trên sạp thuyền. Chỉ bằng hai cái khua tay, lão đã cho ả và mình khỏa thân hoàn toàn, như một màn ảo thuật diệu nghệ.

Dù có chút vội vàng và bạo liệt, nhưng thị đã nhận đòn tấn công một cách oanh liệt, dào dạt hưng phấn và mê đắm. Thị hổn hển rồi khe khẽ rú lên. Người lính già lâm trận một cách mạnh mẽ, tấn công dồn dập, cuồng loạn, hùng dũng, đam mê, hừng hực như đám cháy. Tiếc thay, chỉ sau hai ba phút, khi người đàn bà chuẩn bị lãng du vào mê hồn trận thì chợt lão ôm riết lấy thị quằn quại trong sự thăng hoa ngắn ngủi, pha làm tình không thể không kết thúc, nó không có lý do kéo dài thêm được nữa và phải kết thúc một cách hụt hẫng và bẽ bàng với lão. Lão trở người làm cho con thuyền chao đảo rồi lăn đổ xuống bên cạnh người đà bà như cái giẻ ướt.

Xin lỗi, tôi…tôi… Lão thất trận thảm hại. Tím ngồi dậy, lạnh tanh, đứng trên be thuyền mặc quần áo, xì vào mặt lão Bốn lù nửa câu, rồi thị lên bờ phóng xe đi thẳng. Nửa câu ấy không làm lão đau mà làm lão nhục: Không hơn con gà!

Suốt đêm ấy, trong tiếng gió gào rú dọc bờ sông, lão nhấm nháp sự bẽ bàng của cuộc mây mưa vô tiền khoáng hậu trên cái sạp tre che mưa nắng của một chiếc thuyền chài dưới làn nước đỏ đang mùa lũ và bầu trời giữa chiều nhiều mây trắng.

Tưởng thị chán lão, hơn ba tuần không lai vãng gì.

Mà lão cũng chán lão, cả căm ghét lão.

4.

Không ngờ khi lão Bốn dựng xong cái lán nứa chưa có gì che xung quanh, chuẩn bị đổ thử mẻ cu đơ đầu tiên thì thị lại ào vô, rộn ràng, xốc vác, tươi cười và thơm nức. Lão nói, cô đến thật đúng lúc, tôi sẽ nấu kẹo cu đơ bán, nấu thử mẻ này xem có ngon không, thấy đường chưa đỏ lắm. Lão nói lấy lòng thị tuy trong bụng chỉ muốn thị cuốn xéo đi cho rảnh mắt. Nào xem nào, thị nói, mắt lung liếng, cũng vừa đó anh, chỉ hơi hơi thôi. Liệu có giòn không cô? Gìà đường thì giòn nhưng cứng lắm anh, khách không thích đâu. Mình chọn độ cứng vừa phải, khách ai cũng thích. Anh định đặt tên hiệu là gì để em bảo thằng em nó thiết kế lô-gô. Lô-gô làm gì, cô cứ đùa. Không được, phải nhãn hiệu, xuất xứ, thị ra vẻ sành sõi. Phải đẹp, phải bao bì, giờ nó thế, không như ngày xưa đâu.

Hai người nấu xong mẻ kẹo, dù là học lỏm, người bày dạy không thật lòng, nhưng lão biết chỗ thật chỗ hư nên một trăm cái kẹo cu đơ thành phẩm cũng quá chuẩn. Giòn tan, không cứng, không quá ngọt làm khách dễ ngán, khuôn mẫu tròn trịa. Tím ăn thử xong tấm tắc mãi rồi thị lại phóng xe biến. Không thèm nói gì. Mặc. Lão không thích chèo kéo.

5.

Chiều bờ đê đã vắng người, khi còn mình lão đóng gói, thị lại xuất hiện. Tím ném ra giữa tấm cót một tập giấy, nhãn hiệu, logo, xuất xứ đủ cả, làm ăn giờ phải thế, ông anh. Thị cười, thật tươi. Chỉ cần thị cười tươi, thị không coi thường lão, tức là lão có cơ hội trả thù. Lão Bốn nhẹ nhàng, ga lăng, rót cốc nước chè xanh thơm ngát, mời thị. Tím chỉ nhấp một ngụm nhỏ, đưa trả cốc nước cho lão, lão đỡ lấy để lên khúc gỗ. Không cần dạo đầu, lão đè ngửa thị ra tấm cót dưới đất, lão hôn Tím nhưng Tim quay mặt đi nói, ở đây làm sao được. Thị đỏ mặt, co chân thúc lên đít lão chống cự, lão đành buông Tím. Cả hai dìu nhau vào thuyền, ôm nhau bồng bềnh trên sóng, đôi mắt Tím đẹp lại hứng tình làm lão chết lịm. Những thứ gì trên người thị cũng làm lão si mê nhưng sau này chỉ có đôi mắt đen thăm thẳm là ám ảnh lão mãi.

Lão như người mù, hai bàn tay sờ nắn, miết mát từng thớ thịt, xoa bóp chỗ lồi chỗ lõm sâu kín nhất rồi từ từ, từng cái một, lột hết những thứ trên người Tím. Tím mỉm cười khó hiểu nhưng lão không cần hiểu. Ý tưởng, hiển ngôn, hàm ý hay ngụ ngôn, phúng dụ gì cũng chỉ vào và ra. Thượng đế đã ban Bản năng Sinh tồn cho muôn loài, hứng là nhảy, không ngụ gì hết. Sáu giờ tôi phải về nhà có việc đó, thị nói. Yên tâm giờ chưa đến sáu giờ, còn hai mươi phút nữa. Khi Tím ôm lão Bốn, chân vừa choãi ra đã gạt đổ bộ ấm chén của lão. Thị gắt, chật quá, thế này thì làm ăn gì được. Lão Bốn bảo, lại lên bờ, giải thêm cái chăn. Chỗ này không chứa nổi tình yêu của đôi ta. Tím định mặc lại quần áo thì lão bảo, cần gì, lấy cái áo che đằng trước là được. Tím nguýt lão cười rồi làm theo.

Lão Bốn cẩn thận giải cái chăn trên tấm cót, rồi kéo Tím vào chỗ nằm. Trong lều cỏ trống hoác, gió lồng lộng. Thị ngạc nhiên, không biết lão thoát y lúc nào, nhanh như chớp, tích tắc đã thấy cái chày cứng như đá đã chọc chọc vào đùi thị. Thị lại mỉm cười diễu lão làm cho lão một chút thiếu tự tin. Đầu lão thoáng qua hình ảnh thằng Đào, mặt trận Vị Xuyên năm ấy, chỉ một chút thiếu tự tin mà hắn dính đạn bọn Tàu. Thiếu tự tin là chết, thảm bại. Đời lão có đến chin mươi phần trăm là khổ, mười phần trăm là bình thường, không có phần trăm nào là sướng, những cái tỉ lệ ấy giúp lão sống sót trên chiến trận, và lúc này, trong tích tắc, lão lấy lại thăng bằng, bình thản, chậm rãi, nhẩn nha, lớp lang, giấu đi chút xúc động, đè nén cơn dông chực bùng lên, giống như kẻ đi săn, vòng vây càng lúc càng thít chặt, thít chặt cho đến khi con mồi vô phương chạy thoát, chịu trận và quy phục hoàn toàn. Người đàn bà đang xoan, nuột nà, lúc này không thể thản nhiên được nữa, người thị bắt đầu cọ quậy, uốn éo, hơi thở phả ra hầm hập nóng, người thị như con sóng cuộn lên cuộn xuống. Lão Bốn biết thời cơ nhập cuộc đã đến, không được nhanh hơn mà không thể trễ hơn, lão ở thế thượng phong, lão nắm luật chơi, nên cứ từ tốn, từ tốn, nhẹ nhàng, du dương, mơn trớn và khi người đàn bà bắt được nhịp điệu, tương tác nhịp nhàng, đung đưa và dẫn dắt cảm xúc bạn tình lên chốn thiên thai thì lão giảm nhịp độ, giảm cường độ, căng chùng, căng chùng mà không dừng hẳn.

Dòng hợp lưu đang ở khoảng lặng, một khoảng lặng trên mây, xung quanh là làn mây cảm xúc thăng hoa vẫn đang bao phủ dày đặc. Chỉ là khoảng lặng thôi, trong giai điệu du dương. Lão biết phải để mình bên ngoài cảm xúc, lão đang chơi bản nhạc du dương, trầm hùng, tiếng ngân đang rền vang, nó đang nhỏ dần, loang dần trong khoảng lặng của bản nhạc mà lão đang viết. Cuộc giao hoan tiếp diễn sau khoảng lặng chỉ do sự tinh quái của bản năng con đực. Thời khắc đó, chậm hay sớm một khắc đều mất hứng thú.

Phân khúc này là dông bão, ào ạt, hùng hổ, như sóng thần, người tình của lão giãy đành đạch, tay cào cấu, thị không rên rỉ, rên rỉ không đủ độ hoan lạc, thay vào đó thị hét lên, rống lên, thị chửi, thị văng tục, thị gọi lão đủ thứ tên của giống đực…

Cơn lốc xoáy tạm ngưng, kịch bản của lão là vậy, ngưng chiến cho lão thở, và cũng để cho thị hấp thụ, thu lượm chất chứa sự hoan lạc cho lưng lửng, gần đầy cái thùng khát vọng ái ân của thị.

Lão nhìn vào đôi mắt đẹp của thị lão biết, đôi mắt khép hờ, lặng lẽ là biểu hiện của sự hoan lạc sắp đầy. Dừng lại lúc này là đẹp nhất, là đúng với trạng thái tinh thần của thị, hết khao khát và thỏa mãn vừa đủ. Nhưng kịch bản của lão không phải vậy, đến đây chỉ mới một nửa hành trình, phần sau còn dài và dĩ nhiên cao trào cơn lốc còn ở phía sau. Lão Bốn tiếp tục, lại vẫn nhẹ nhàng, mơn trớn, du dương, khoan thai để dìu thị vào miền tái hưng phấn. Lão biết cảm xúc của đối phương không còn căng, háo hức cũng đã phần nào giải tỏa, lão dịu nhẹ thổi cho ngọn lửa cháy trở lại. Cứ thế khi gần khi xa, khi nông khi sâu, lão làm cho thị hé mắt nhìn, một tiếng thít gió qua kẽ răng, hai tay ôm lấy eo lão.

6.

Con thuyền hoan lạc đã lại nhổ neo, bồng bềnh rời bến, mặc gió mặc sóng, cứ bồng bềnh đung dưa trôi dạt không biết nông sâu. Nhịp điệu khoan thai cứ trôi, niềm hoan du trên những con sóng, cứ nhẩn nha, nhẩn nha đến mức tưởng là sa vào chỗ buồn tẻ, rời rạc, hết cảm hứng. Hóa ra đó là khúc cong, độ nén của cánh cung mà lão phù thủy công phu chọn lựa đến từng cái gờ của mọi thao tác.

Lão làm lính trinh sát bộ binh được bốn năm mười tháng, không tính hết những lần lão bò qua hang rào dây thép gai, nhờ vào độ nhạy của đầu mười ngón tay mà giữ được mạng sống. Mắt, mũi, tai, tim, óc…đều dồn lại đầu mười ngón tay. Khi mười ngón tay của lão chạm vào da thịt nõn nà và mát rượi của nàng, tích tắc có thể đốt cháy nàng. Đã đến lúc làm nàng bốc cháy. Lão đếm đến ba mươi thì thị rên như người bị bóp cổ, đếm được năm mươi thì thị quằn quại, đến tám mươi thì thị hét lên, chín mươi cũng hét lên, nhưng đếm đến hai trăm hai mươi thì thị rú lên, đến hai trăm tám mươi thì vừa rú vừa giãy đành đạch, đến ba trăm thì chỉ hổn hển, đờ đẫn. Đến bốn trăm thì lão đổ ầm xuống cạnh thị như bị đốn ngã, thở dồn dập như sắp chết và lão nằm đúng là một xác chết.

Còn Tím, nằm thẳng đơ, tênh hênh, không cựa quậy. Lão tưởng thị chết, đặt tay lên mũi, mịa, còn sống. Lão hấp háy nhìn rồi lấy cái chăn mỏng đắp lên phần đùi cho thị, thị lấy tay hắt ra.

Tím còn nằm thở, khoảng năm phút sau, chắc lấy lại hồn vía, thị hỏi, mấy giờ rồi anh? Bảy giờ mười lăm, em dậy chuẩn bị đi đi kẻo muộn. Muộn mẹ nó rồi, người ta chờ cả tiếng đồng hồ. Công việc thì chắc họ vẫn chờ, dậy đi đến xem? Dậy con khỉ mà dậy, không dậy nổi. Mệt muốn chết. Tôi mà chết ông vô tù, hiểu không? Đàn bà, chết vì tình là thường, lão khẽ khàng nói. Tôi thua ông, tôi xin hàng, tôi bại trận, ông giống như máy bay B52 dội bom dồn dập liên tục hơn một giờ đồng hồ toàn bom tấn, bom tạ, rốc két thì còn gì đời con người ta. Gọi là tanh bành, bung bét, tan nát một đời hoa…

Lão cười, mắt hấp háy, nhũn nhặn, Thì anh cũng rũ rượi một đời chim… Đàn bà hay nói điêu, kia, nhìn vẫn nguyên xi, đầy đủ đấy thôi. Mắt ông vô trách nhiệm bỏ mẹ, đồ hấp háy, nguyên xi cái con khỉ, trước của người ta thế nào mà giờ ông đã cho bẹp dúm, mềm nhũn, tóe loe…Ông giống như cái máy ủi, ông ủi như san nền dự án bất động sản.

7.

Dù sao thì mấy tháng sau cũng có một đám cưới ấm áp đông vui diễn ra và sau đó nữa là thêm một xưởng sản xuất kẹo cu đơ đầy hứa hẹn đi vào hoạt động…

Như đoạn kết có hậu của tất cả truyện ngắn hiện thực xã hội chủ nghĩa xưa nay.

Tuy nhiên cũng có một phiên bản khác từ người thân cận của cô Tím cho biết. Lão Bốn chết thật, vì thượng mã phong. Ba lần mặc niệm để lão đi vào bãi bom từ trường lão không chết, giờ lão Bốn mới chết, chết cho tình yêu, chết khi đang trên đỉnh thăng hoa, trong giờ phút nồng nàn dâng hiến của tình yêu. Tình thế lúc đó Tím không có cách gì để cứu người tình, hoàn toàn bất lực. Cô khóc trong vô vọng, khóc cho số phận cuộc tình éo le và khắc nghiệt.

Tím đưa người tình xuống thuyền, cơ ngơi sau nhiều năm chinh chiến của lão Bốn, mặc bộ quân phục mới, gắn đầy đủ huân chươnng, huy hiệu, quân hàm…

Rồi cũng có một bát cơm, quả trứng và một lọ hoa tiễn người tình về chín suối, về với tổ tiên.

Cảnh ngộ thật oái oăm, Tím chắp tay, quỳ xuống ức nở. Anh Bốn ơi, em cũng là vợ anh trong ngày hôm nay, xin được tiễn biệt anh. Cả cuộc đời anh là ở nơi chiến trận, đó là sứ mạng cao cả nhất của đời anh, anh không chết ở chiến trường nhưng hôm nay anh đã chết cho tình yêu của em. Nước sông Mơ sẽ đưa anh ra biển khơi và anh sẽ yên nghỉ dưới tầng sâu đáy biển của tổ quốc.

Với tấm lòng tiếc thương thành thật, Tím cũng đã tiễn đưa lão Bốn đúng như một người vợ mất chồng.

Tím nhổ sào, con thuyền từ từ trôi ra giữa lòng sông hòa với dòng nước đang cuồn cuộn chảy ra biển.

Tím đứng mãi, đứng mãi…

… Cho đến khi không còn nhìn thấy bóng con thuyền chở xác người yêu sang thế giới bên kia.

Làng Mơ 2021

Comments are closed.