Chuyện đời tôi (kỳ 25)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Xây dựng nông thôn mới

Quá trình thâm nhập vào vùng sâu, thấy cảnh dân mình quá khổ vì nhà tạm bợ, điện và cầu đường không có, không chợ, không trường học,… Ngay trong chỉ đạo “Chương trình Khai thác Tứ giác Long Xuyên”, với tư cách là người phụ trách mảng “Tam Nông”, tôi đã đầu tư nghiên cứu và khởi động thí điểm về công tác Xây dựng nông thôn mới từ năm 1990-1991 ở xã Tây Phú để có cơ sở thực tế đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban “Chương trình Xây dựng Nông thôn mới”.

Xã Tây Phú mới tách ra từ xã Vọng Thê, vùng căn cứ kháng chiến cũ qua hai thời kỳ (Pháp, Mỹ) nên rất nghèo nếu không nói là nghèo nhứt huyện nhưng lại ở vị trí trung tâm vùng Tứ giác, như chỗ giữa cây đòn gánh, liền kề có đến năm, sáu xã của ba huyện Thoại Sơn, Châu Thành và Tri Tôn đều như vậy. Năm 1961, Văn phòng Huyện ủy có ở đây lâu ngày, tôi hay lui tới đoạn Cản Dừa đến mương Hai Trân mà nay là trung tâm xã Tây Phú. Hồi ấy, nó như cánh đồng hoang, còn bây giờ sau Giải phóng ngót 16 năm mà nó vẫn là tuyến dân cư nghèo xơ xác, như cánh đồng bị bỏ quên. Nếu Tây Phú vươn lên bằng tự lực bản thân trên cở sở khai hoang phục hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp làm nền thì sẽ “gánh” lên được hai đầu và các xã chung quanh, xã nào cũng có trên dưới 3.000 ha đất mới khai hoang như Tây Phú. Tây Phú làm được thì các xã lân cận không thể không làm được. Xây dựng nông thôn phải bắt đầu từ tích lũy trong sản xuất nông nghiệp chớ không phải bằng “xin cho” hay “kêu gọi đầu tư”, mà nếu là “xin cho” hoặc có ai “đầu tư” đều có tiêu cực.

Khi chọn Tây Phú làm thí điểm để chỉ đạo, tôi hay nhắc những điểm từ trước đến nay dựng lên rồi mà không ai học được vì ở trên cứ đầu tư cho ra “mô hình”, nơi khác đến học nhưng không ai rót vốn nên đành chịu thua vậy. Hợp tác xã Định Công ở miền Bắc là một điển hình mà tôi có đến tham quan, học tập, nghe ông Bí thư Đảng ủy lên báo cáo nói quyết tâm nhân dân và cán bộ: “Chỉ với mo cơm, quả cà và tấm lòng Cộng sản đi lên Chủ nghĩa Xã hội” đủ biết duy ý chí hết mức, nhưng họ làm được một số việc là do Trung ương, kể cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho nhiều quá. Cái dối trá ở chỗ này, không nói thật nên không ai bắt chước làm được. Làm gì có chuyện “mo cơm quả cà” là tiền đề vật chất của Chủ nghĩa Xã hội. Các Mác còn sống cũng chào thua mấy tay “trời biển” này!

Từ kết quả chỉ đạo xây dựng thí điểm tại chỗ trong những năm 1990-1991, gắn chặt giữa sản xuất và xây dựng, tôi đề xuất, được Chủ tịch đồng ý, ra quyết định số 280/QĐ-UB ngày 22.2.1992, thành lập “Chương trình Phát triển nông thôn”, do tôi Phó Chủ tịch Ủy ban, kiêm Giám đốc Sở làm Trưởng ban chỉ đạo, đồng chí Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp, Phó trực, anh Lê Sơn Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh làm thư ký Chương trình cùng các thành viên khác là các ngành và đoàn thể có liên quan. Tờ “Thông tin Nông nghiệp An Giang” được chuyển thành nguyệt san “Nông thôn An Giang” và ra số đầu tiên tháng 9 năm 1992. Tôi cũng hình dung lại “Chương trình Ấp Chiến lược” của Ngô Đình Diệm từ kinh nghiệm thành công ở Malaysia chống lại phong trào du kích Maoism. Theo tôi, cái “ấp chiến lược” ngoài yêu cầu của người đề xướng (Thompson, chuyên gia người Anh) là cách ly nhân dân với lực lượng du kích, bản thân mô hình tổ chức dân cư ấy là mô hình sáng tạo để không gian liên kết giữa những người tiểu nông sống biệt lập được rút ngắn lại, tăng tính văn hóa cộng đồng nông thôn theo hướng đô thị hóa; rút ngắn đường đến trường học, trạm xá và chợ, tiện lợi cho việc cung cấp điện sinh hoạt và nước sạch, giữ vệ sinh và môi trường, cải thiện chất lượng đời sống, bộ mặt văn minh nông thôn và giữ gìn an ninh trật tự mà vẫn giữ được hồn cốt làng quê.

Nông thôn An Giang, đầu những năm 1990 ấy, tuy sôi động phong trào sản xuất, tăng vụ, năng suất và sản lượng lương thực tăng liên tục, nhưng cái nghèo xơ xác lắm! Mỗi lần đi công tác vào các xã Tân Phú, Tây Phú (kinh Mớp Giăng), Vĩnh Gia (Tri Tôn), Tân Lập (Tịnh Biên), Vĩnh Hội Đông (An Phú) phải đi hai, ba loại phương tiện: ô tô, tắc ráng, xe mô tô…, thường là đi 5 giờ sáng đến 21, 22 giờ mới về đến Long Xuyên. Cầu đường không ra gì, phổ biến là cầu khỉ và đường là bờ kinh như lưng con rắn ốm; nhà dân thì tỷ lệ nhà chòi, tre lá tạm bợ hơn chín phần mười. Toàn xã Tây Phú, năm 1990, chỉ có một nhà ngói vách ván cây tạp do “Chương trình Nhà tình nghĩa” xây dựng cho bà Ba Nồi, mẹ liệt sĩ Dũng, cán bộ Tuyên truyền của huyện Núi Sập những năm 1960 mà tôi quen biết hồi ấy. Điện và nước sạch qua hệ thống ống dẫn là một thứ gì xa xỉ hơn cả son phấn cho phụ nữ nông thôn đầu thế kỷ 20. Hố tiêu vệ sinh, nhất là tự hoại, cả ở thị trấn cũng không phải dễ có; còn ở nông thôn, gần như ai cũng là “quận công”, ra đồng, ra sông mà “bài tiết” vô tư, thoải mái hoặc nơi nào trù phú hơn, có hầm cá tra giải quyết được cả hai yêu cầu: cho người nhẹ ruột, cho cá đầy bụng. Đêm đêm ngủ sớm hoặc nhậu là phổ biến. Đẻ nhiều con là cũng vì cảnh “ngủ sớm” này! Trụ sở của các cơ quan xã cũng như tình cảnh nhà dân cũng như nhau mà thôi, nhất là các xã mới lập. Riêng trụ sở xã Tây Phú cũng như xã Tân Phú được xây đúc khang trang loại nhà cấp 4 nhờ tiền từ “Chương trình Kinh tế mới”.

clip_image002

Ảnh năm 1990. Bảy Nhị cầm nón lá.

Chương trình xây dựng nông thôn được tỉnh chủ trương lấy việc gia tăng sản xuất làm tiền đề, lấy xây dựng cầu đường, kéo điện, hệ thống nước lọc làm khâu đột phá; xây dựng trường học, trạm xá, chợ là cơ sở phát triển bền vững; nhà ở khang trang và nhà vệ sinh tự hoại; xây dựng tủ sách, thư viện, sân bóng đá, bóng chuyền, nhà văn hóa, trạm truyền thanh, v.v. làm thay đổi nếp sống theo hướng văn minh. Những nội dung ấy lần lượt được bổ sung vào chương trình theo quá trình khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất, trên tinh thần tự lực, tự làm tự hưởng, “củi đậu nấu đậu” – tất nhiên là có sự lãnh đạo và hỗ trợ vật chất từ cấp tỉnh. Đến đầu thế kỷ 21, chương trình đưa Internet về nông thôn, đi đầu là xã Núi Voi huyện Tịnh Biên làm mũi đột phá đưa nông dân từng bước hội nhập quốc tế.

Cuộc họp đầu tiên của Ban Chủ nhiệm Chương trình về “Xây dựng xã điểm của chương trình” được tổ chức tại xã Tây Phú ngày 24.12.1992 do tôi chủ trì, đồng chí Lê Minh Tùng – Phó Chủ nhiệm, các đồng chí Lâm Minh Chiếu – Giám đốc Sở Công nghiệp, Võ Thanh Khiết – Giám đốc Sở Xây dựng… là thành viên chương trình cùng dự và góp nhiều ý kiến quý báu. Nội dung bài nói, được anh Lê Sơn Nam ghi lại và đăng trên Nông thôn An Giang số 3, tháng 3.1993.

Thành quả của “Chương trình Xây dựng Nông thôn mới” không chỉ có ở xã điểm Tây Phú hay các huyện Thoại Sơn, Chợ Mới là tiêu biểu nhất mà hầu hết các huyện còn lại đều có mô hình xã “Nông thôn mới” gần như không còn sót huyện nào. Không phải ban ngày, mà chính ban đêm mới thấy rõ hơn, bởi sự tương phản của ánh sáng điện nông thôn với phần còn lại ở nơi không người, chỉ là bóng tối! Nội dung xây dựng nông thôn mới ngoài phát triển sản xuất là hàng đầu; xây dựng hạ tầng có: điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà ở, vệ sinh môi trường; giải phóng nhà ở và cầu vệ sinh trên sông rạch, ao hầm… tùy theo điều kiện và khả năng mà xếp thứ tự ưu tiên. Tôi đề nghị, anh Tám Bình, Chủ tịch Châu Phú được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động hạng 3 về giải phóng nhà và cầu vệ sinh trên sông rạch. Đồng chí Quốc Huy, Chủ tịch Ủy ban huyện Tân Châu kỷ luật hai Chủ tịch xã vì chậm giải phóng cầu tiêu trên ao cá, nghe nói bị “các cụ” ở Tân Châu rầy rà quá…, là hình thức thi đua cổ vũ phong trào một cách thiết thực. Có khen mà không chê (chế tài) thì pháp chế sẽ loạn và thi đua cũng vô nghĩa. Cái mới ra đời cực vậy đó!

clip_image004

Đối với đồng bào dân tộc Khơ-me, tôi lấy phum “Cô đơn” xã An Cư là nghèo nhất, nhiều chùa và nhiều sư sãi nhất so với số hộ, số dân và so với các phum, sóc khác làm điểm chỉ đạo. Phum này ở biệt lập dưới chân Núi Cấm, bình quân ruộng đất quá ít, nhưng có đến 33/ 35 hộ có đất đem cầm cố; không điện, mùa khô giếng cạn khô nước… mà báo Thanh niên 13/4/1998 đã nêu. Tôi cho làm dự án hồ Cây Đuốc, tiếp theo dự án hồ Ô Tức Sa do tỉnh đầu tư trước đó để giải quyết nước ăn và nước sinh hoạt, lồng ghép với dự án Trạm bơm 3/2 đưa nước lên ruộng cao chuyển vụ, tăng vụ và chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Và sau này, khi làm Chủ tịch, thực hiện “Chương trình Dân tộc” cấp đất cho bà con Khơ-me nào không đất hoặc quá ít đất để sản xuất, từ đó phum “Cô đơn” không còn cách biệt và nghèo đói nữa. Tôi còn có một tham vọng, sẽ xây dựng một phum dân tộc Khơ-me kiểu mẫu như khu dân cư kiểu mẫu người Chăm ở Phủm Xoài (An Phú) để lưu lại dấu ấn kiến trúc dân tộc Khơ-me và cũng là đền đáp; nhất là khi Pol Pot tràn sang tàn phá, và khi Trung ương chủ trương di dân Khơ-me về Hậu Giang, bà con dỡ nhà cửa, xóa sạch dấu vết kiến trúc nhà sàn, hình ảnh phum, sóc Khơ-me điển hình mất hết! Nhưng ở Phủm Xoài, nhờ có người Chăm hải ngoại hỗ trợ tài chánh cùng chánh quyền An Phú hỗ trợ về đất đai và thủ tục pháp lý, bà con thụ hưởng góp tiền thêm nên xây dựng rất nhanh, rất hoành tráng và cũng rất đặc trưng Chăm. Còn khu nhà mẫu cho Khơ-me như tôi mơ ước chưa làm được vì chưa hội đủ điều kiện vật chất. Song, tôi nghĩ sẽ có ngày rồi cũng làm được. Bản thân tôi, có lẽ, vì sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên rất tình cảm với mẫu nhà gỗ sàn hình chữ “Đinh” Nam Bộ và mẫu nhà gỗ sàn cao cẳng của đồng bào Khơ-me.

Từ “nhà trên cọc” đến “cụm tuyến dân cư

clip_image006

Trụ sở Ban Ấp xã Phú Thành (Phú Tân) tháng 10/1991

Báo cáo của tỉnh đề ngày 21.5.1996 gởi Chánh phủ, sau khi triển khai Quyết định 99-TTg từ ngày 22 đến 24.4.1996: Những năm nước lớn vượt báo động 3 ở Tân Châu (+4,20m) có khoảng hai trăm ngàn nhà dân bị ngập mức độ khác nhau, riêng số ngập trên 1m có 90.000 hộ. Trong số ngập, nói chung có 100.000 nhà (50%) cần được Chánh phủ hỗ trợ vốn vay ưu đãi để làm nhà sàn vượt nước và số còn lại tự lực. Lúc đầu, chúng tôi đề nghị với Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải cho dân nghèo vay từ 5 đến 7 triệu để làm nhà sàn, Chánh phủ cũng đồng ý và sửa lại chữ “nhà sàn” thành “nhà trên cọc” (không ai hiểu). Nhưng qua thực tế một mùa nước, thấy không làm được và nếu có làm thấy không chắc chắn lắm, nên tỉnh đề nghị cho làm cụm, tuyến dân cư. Nói “nhà trên cọc” có lẽ ám chỉ những nhà ở ven sông rạch kê trên nóng đá, nóng xi măng, thậm chí phổ biến là tre, gỗ cao lêu nghêu 4-5 mét như chân “cà kheo” mà ai ai cũng thấy.

Để làm nền nhà vượt nước, tôi tính tiền mua đất và tiền san lấp mặt bằng bình quân một nền nhà trên dưới 100 m2 giá từ 8 đến 10 triệu đồng, và giá làm nhà đơn giản bằng vật liệu rẻ trên nền đất ấy cũng khoảng ngần ấy tiền, tuy đắt hơn “làm nhà trên cọc” gấp đôi nhưng bền vững. Hộ nghèo được vay trọn gói, thời hạn từ 5 đến 10 năm. Chánh phủ cơ bản đồng tình với kiến nghị và cho kế hoạch làm dần từ 1996 đến năm 2000 cho xong. Trước mắt, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng cho An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh một khu dân cư có qui mô 100 hộ dân làm ngay trong năm 1996. Tôi báo cáo lại anh Ba Đức. Anh nói: “Cho huyện nào, cũng coi chừng bị so bì, mầy chọn xã Anh hùng thì tốt nhất”. Tôi nhớ xã Nhơn Hưng mà tôi chỉ đạo làm thí điểm để tính toán giá trị cụm dân cư Cây Mít có mức ngập sâu 3 mét đã thông qua ngày 30.3.1996, dự tính là tỉnh sẽ đầu tư, còn chờ tìm nguồn vốn. Tôi liền báo cáo với Chủ tịch là dự án đã có sẵn, xã Nhơn Hưng hai lần Anh hùng (năm 2001 được phong Anh hùng lần 3), rất xứng đáng được Thủ tướng tặng món quà này. Vậy là giao cho đồng chí Võ Thanh Khiết, Giám đốc Sở Xây dựng làm Trưởng dự án khu dân cư đầu tiên này ở An Giang. Sau khi xong, tháng 1.1997, tôi đến làm việc với Tịnh Biên, tính ra giá thành một cái nền với khối lượng đất đắp lên vượt nước 10m x 15m x 3m = 450 m3, có giá tương đương 700m2 đến 800 m2 đất ruộng là 5 triệu đồng. Nền nhà cho không, có 22 gia đình liệt sĩ chiếm 22% số hộ đủ chuẩn định cư, tôi chỉ đạo cấp liền nhau để tiện đến thăm. Tiền cất nhà cho vay không lãi, khoảng 8 triệu đồng/hộ. Vậy mà dân không chịu vay vì sợ nợ, tôi phải đến họp lại động viên họ mới chịu vay. Dân xứ tôi thiệt thà với Cách mạng quá! Nhưng chỉ với Cách mạng thôi.

Tịnh Biên cũng tự lập dự án thông qua tỉnh và kêu gọi nhà đầu tư thực hiện bàn giao tay ba: Chánh quyền, nhà thầu và người dân nhận nền, cũng được 800 nền như Nhơn Hưng. Mùa nước 1997, trên đường đi thăm kinh T5, tôi đều có đưa Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các Phó Thủ tướng: Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Công Tạn và Bộ trưởng Lê Huy Ngọ ghé qua thăm khu dân cư kiểu mẫu này. Cùng với Tịnh Biên, các huyện trọng điểm ngập sâu có tiến độ làm cụm, tuyến dân cư rất nhanh. Không phải đến năm 2000, mà cho đến 2010 mới cơ bản xong. Đúng là một thành công có tầm lịch sử về cải thiện điều kiện sống ở vùng ngập lụt này. Tôi rất biết ơn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và anh Lê Huy Ngọ. Hồi đó, các anh quyết cho địa phương sao nhẹ nhàng quá. Bây giờ, nếu là tôi, sẽ không xin chi cả!

Xây dựng nông thôn mới phải từ người dân chớ không phải từ “nhiệm vụ chánh trị” và sự ngẫu hứng của nhiệm kỳ. Từ đó, phải xuất phát từ yêu cầu bức xúc nhất và khả năng thực hiện, nhất là trình độ thụ hưởng và năng lực quản lý của người dân. Tôi làm xây dựng nông thôn trên quan điểm đó. Tôi từng hăm hở làm Nhà Bưu điện – Văn hóa xã bao nhiêu thì ê chề bấy nhiêu, cho những cái đã xây ở An Cư và một số nơi nữa để cho bò đụt mưa nắng mà qua lại tôi thấy! Cũng đồng bào Khơ-me ở An Cư, làm Trạm bơm 3/2 tốn bao tiền và công sức, vậy mà nước bơm lên trắng đồng họ vẫn không canh tác gì hết. Vấn đề ở đây là phải bắt đầu từ cái gì trước, và cái đó phải phù hợp với thời cuộc, phải khoa học – thực tiễn và nhất thiết phải hỏi dân chịu làm, biết làm và có sức làm đến đâu rồi mới tới nhà nước tính tiếp.

clip_image008

Thăm hỏi bà con quê tôi vì sao không dám vay ưu đãi để làm nhà ở?

Kinh nghiệm bản thân tôi chỉ ra rằng: Phải bắt đầu từ qui hoạch trước. Qui hoạch sản xuất đồng thời với qui hoạch cầu đường, chợ, cụm – tuyến dân cư, trường, trạm… và phải có tầm vài mươi năm như: đào kinh lấy nước sản xuất nhưng lại lấy đất làm đường, vậy phải qui định dân cất nhà cách xa bờ kinh, xa mức nước để khi làm đường khỏi vướng giải tỏa, cái này huyện Thoại Sơn chấp hành chỉ thị của Ủy ban tỉnh rất nghiêm nên làm cầu đường nông thôn nhanh nhất tỉnh. Qui hoạch trồng rừng phải từ “qui hoạch đời sống” hộ trồng rừng trước; trên núi khác, dưới đồng khác như Tịnh Biên, Tri Tôn đã làm thành công mỹ mãn.

Nước lên vùng cao

Rừng xanh núi trọc

Bảy Núi quê tôi bao gồm hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, được tiếng là “Thất Sơn huyền bí”, “Nhân dân anh hùng” trong hai cuộc kháng chiến và cuộc Chiến tranh Bảo vệ biên giới Tây Nam, nhưng là nơi nghèo nhất do chiến tranh tàn phá và có người hy sinh nhiều nhất tỉnh. Đất đai ngày xưa ông cha tôi đến khai hoang lập làng, cho đến những năm 60 của thế kỷ 20, vẫn còn núi rừng sầm uất, vườn trái sum suê, ruộng lúa vùng cao bán sơn địa với đặc sản Nàng Nhen, Nàng Hương… oằn bông, thơm ngát

clip_image010

Nghĩ cách phục hồi màu xanh cho núi Két. Trên đường công tác Tết 1990

Sau ngày Giải phóng, rừng già trên núi, nếu trong chiến tranh chưa bị bom đạn tàn phá thì bàn tay con người phá sạch chỉ trong mấy năm (1975-1980). Thủy cấp bị tụt. Đá núi lộ đầu. Hàng năm, kể từ sau Tết Nguyên Đán cho đến những đám mưa đầu, cả một vùng trắng màu cát sỏi. Trải qua chiến tranh biên giới, đồng bào dân tộc Khơ-me bị đưa đi về Sóc Trăng, Hậu Giang sống không được đã tự quay về, không còn nhà cửa. Cái nghèo của Bảy Núi trơ ra như “bộ xương cách trí”. Hôm nhập Sở Lâm nghiệp vào Sở Nông nghiệp, tôi nói với anh em: “Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ phá rừng, nay nhập lại thành Sở Nông nghiệp để đi trồng rừng!”. Tôi ban hành Chỉ thị số 27/CT-UB ngày 19.12.1991 về công tác trồng và bảo vệ rừng, trong chỉ thị có đoạn nhận xét: “Từ năm 1960 trở về trước, ở An Giang có 30.000 héc-ta rừng tràm dưới đồng và 10.000 héc-ta rừng trên núi, …”. Tôi vạch phương án – kế hoạch trình ra Ủy ban tỉnh: Đào kinh dẫn nước vào tận chân núi, tuy là kinh cùng nhưng trước mắt đưa nước lên tưới cho ruộng lúa trong mùa khô và trồng rừng trên núi sẽ tạo điều kiện giữ nước sau mùa mưa. Hai cái này sẽ trực tiếp làm thay đổi “tiểu khí hậu”.

Ngày 14.4.1992, trước khi ban hành Quyết định 275/QĐ-UB, tôi đi xem thực địa và chụp tấm ảnh tại cấp Nhất Núi Tô, ghi lại cảnh núi trọc để có dịp so sánh kết quả trồng rừng sau này (ảnh dưới). Tấm ảnh này báo Lao Động đã đăng, với tên gọi “Rừng kêu cứu” và tôi để làm bìa sau tập thơ “Gió Núi” do cá nhân tôi xuất bản. Dưới quanh triền các núi, đất lúa ruộng trên khoảng 8 ngàn héc-ta, từ chỗ 3-4 tấn ngày nào, nay chỉ còn 1 đến 2 tấn trên 1 ha/vụ. Đất chỉ sản xuất mùa mưa. Mùa nắng, cái nóng rát cũng thuộc hàng “tiểu sa mạc”. Người và gia súc sống ngắc ngứ vì thiếu nước uống chớ nói chi đến trồng tỉa. Phần đất còn lại dưới đồng bằng của hai huyện hầu hết là đất phèn như phần trước đã nói. Ở một vùng như vậy mà không nghèo mới lạ! Nghèo đói, chặt cây phá rừng, hầm than, hết rừng, hết nước ngầm…, đất bị sa mạc hóa, người dân bần cùng hóa. Cái vòng lẩn quẩn ấy, cái điệp khúc buồn ấy cứ bám riết con người không biết tính từ mốc thời gian nào! Ngày xưa, năm tôi 12-13 tuổi, có năm thiên tai, hạn lớn phải ra kinh Vĩnh Tế gánh nước xa hàng hai cây số và tôi biết gánh cả hai vai từ đó. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ phụ trách nông-lâm-thủy lợi tỉnh, tôi đã có ý đồ sẽ làm thay đổi xứ sở tôi. Đây là trách nhiệm chung nhưng cũng là ân tình riêng mà tôi phải đền đáp cho quê hương. Tôi phải dành thời gian khảo sát cùng với kinh nghiệm sống bản thân, tham khảo các cán bộ khoa học kỹ thuật.

Quyết định 275/QĐ.UB

UBND TỈNH AN GIANG

——-

Số: 275/QĐ.UB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

       

Long Xuyên, ngày 23 tháng 6 năm 1992

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH TRỒNG VÀ BẢO VỆ RỪNG PHÒNG HỘ TRÊN NÚI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

– Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 11 tháng 7 năm 1989;

– Căn cứ Quyết định số 164/HĐBT ngày 06/11/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho tập thể và cá nhân trồng cây gây rừng;

– Căn cứ thực trạng và yêu cầu khôi phục rừng phòng hộ trên núi;

– Theo đề nghị của Ông Giám đốc sở Nông nghiệp An Giang.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản qui dịnh về chính sách trồng và bảo vệ rừng phòng hộ trên núi Tỉnh An Giang.

Điều 2: Giao nhiệm vụ cho ông Giám đốc Sở Nông nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn và tổ chức thực hiện bản Qui định nói trên.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn và chủ tịch UBND các Huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Nguyễn Minh Nhị

Đào kinh tuy khó và tốn kém nhưng lại dễ. Trồng rừng trên núi dễ, nhưng giữ khó. Tôi thử tính bằng bài toán kinh tế, gọi là “hạch toán” để giữ rừng: Nếu lực lượng Kiểm lâm đủ người bảo vệ rừng trên núi, kinh phí hằng năm phải trên hai tỷ đồng. Nếu dân trồng và bảo vệ rừng, mỗi héc-ta được tài trợ ban đầu 200 ký gạo, và 50.000đ/ha/năm công giữ rừng. Nếu tính 4.000 hécta chỉ tốn có 2 tỷ/năm, rẻ hơn và chắc ăn hơn mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, vì ngoài giữ rừng còn sản xuất và thu hoạch dược liệu quí. Bảy Núi có tiếng trong sách “Cây thuốc An Giang” của Giáo sư Võ Văn Chi, cùng lâm sản phụ khác dưới tán rừng. Người dân không đói sẽ không phá, khỏi cấm, đơn giản vậy thôi. Được Ủy ban tán thành, tôi ban hành QĐ số 275/QĐUB ngày 23.6.1992. Dân giữ rừng thì không ai có đủ tiền để mua họ trở thành “lâm tặc”; và cán bộ nếu có muốn tham nhũng cũng không có rừng trong tay để bán.

clip_image012 

Núi Cấm đã trọc. Tháng 5/1993

clip_image014

Núi Cấm, tháng 8/1994.

Anh Tám Liễng (Trần Trọng Tân) ngồi bìa phải

clip_image016

Rừng trên Cấp Nhất (đỉnh) Cô Tô ngày 14/4/1992. Ảnh Bảy Nhị

clip_image018

Núi Cô Tô, rừng dần khôi phục, nhìn từ phía Lương An Trà – Tháng 9/2000

clip_image020

Rừng Keo được 11 năm tuổi trên Núi Cấm khép tán

và những cây Sao (danh mộc) trồng xen (trông nhỏ hơn). Ảnh chụp 19/3/2003

N.M.N.

Comments are closed.