Chuyện về cây khế giữa sân nhà (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 145)

Tương Lai

clip_image002Đấy là lộc của trời, bà con trong xóm, anh chị em và bạn bè chúng tôi đều nói vậy về cây khế trước sân nhà tôi ở số 9 phố Hàn Thuyên, Hà Nội. Mà đúng vậy, tôi vẫn âm thầm giữ kín trong lòng điều lý thú đó.

Nhưng người tự hào và khoái chí nhất là vợ tôi vì có món quà trời cho ấy để tặng bạn bè thân quen. Thời bao cấp, lương cả hai vợ chồng quá hẻo cho dù phải “xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc đến bữa cơm tồi tàn của bốn miệng cũng khó trang trải, lấy đâu ra mà có đi có lại chuyện quà cáp cho bạn bè. Thế thì chẳng phải quả khế tươi rói vàng óng ngọt ngào hương vị là món quà đơn sơ mà tuyệt hảo đó sao.

Sắp đến cữ “ăn mắm tép”, gặp giữa đường, Phạm Chi Lan đã tươi cười hỏi: “Năm nay chị có cho em khế không đấy? Không có quả khế của cây khế sân nhà chị thì bữa mắm tép của nhà em mất hết hương vị”. Mà đâu phải chỉ một mình Chi Lan. Đến anh Nguyễn Tài Cẩn mà cũng có lần phàn nàn với tôi: “Bà Nona nhà mình rách việc quá, mà cũng tại cậu, đến mùa mắm tép đã biếu ông cụ tớ khế nhà cậu, nay để làm vui lòng bố chồng vốn thích ăn mắm tép bà ấy cứ giục mình đến xin khế nhà cậu khiến mình đang túi bụi vì bài vở vẫn phải bỏ đấy để đến xin mấy quả khế đây”. Không cần vào, anh đứng ngoài cổng thò tay nhận mấy quả khế tôi vừa hái từ trên cây, rồi cười quay xe ra về ngay cũng như lần đến chìa cho tôi nửa cân mì chính: “Bà Nona vừa mua ở căn tin Sứ quán, gửi mừng chị ấy vừa sinh con gái”. Vậy đó. Vẫn cái quần sooc quá đầu gối và cái áo sơmi đã nhàu, cái mũ cátkét đội vội hơi lệch về bên trái, anh vội đến rồi vội đi chẳng mấy khi bước vào ngồi uống với tôi một ngụm trà.

Chỉ có tôi đã đến anh là ngồi lâu, la cà hết chuyện này chuyện nọ bởi sự ân cần lịch thiệp của chị Nona, người phụ nữ trí thức Nga duyên dáng và uyên bác tiếp đãi khách của chồng, cũng như dịu dàng, lễ phép trong cử chỉ và tình cảm ứng xử với bố chồng. Ngồi lâu cho bõ, vì mỗi lần đến nhà anh chị lại phải chìa cái biển xe màu trắng (thuở ấy xe đạp cũng phải gắn biển số) treo nghiêm chỉnh ở thanh ngang của khung chiếc xe đạp Sputnik đã tróc hết sơn cho một người ngồi cách cổng nhà mấy mét chẳng biết gọi anh ta là gì nữa vì anh ta mặc thường phục, liếc nhìn mặt tôi rồi nhìn cái biển xe rồi hí hoáy ghi vài chữ trên cuốn sổ nhàu nát cầm ở tay mà tôi nói đùa với anh chị Tài Cẩn – Nona “đó là sổ đoạn trường”. Thấy anh cười, ngẫu hứng, tôi nhắc lại mấy câu Kiều:

Mà xem trong sổ đoạn trường có tên

Âu đành quả kiếp nhân duyên,

Cũng người một hội một thuyền đâu xa!

Anh Tài Cẩn cũng ngẫu hứng đế thêm: “Liệu không biết lúc nào thì

Âm công cất một đồng cân đã già.

Đoạn trường sổ rút tên ra

Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau’”.

clip_image004Nói đến chuyện rút tên ra khỏi cái sổ đoạn trường tai nghiệt ấy thì bao giờ mới dừng được, làm sao mà viết tiếp “chuyện cây khế”. Vả chăng, cái sổ đoạn trường ấy chỉ đặc biệt gắn với thân phận những người trí thức dám đương đầu nhận lãnh cái sứ mệnh của “người ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội giữa việc đi tìm sự thật qua thực tiễn hành động và hệ ý thức đang ngự trị” như Sartre từng nói. Hơn nữa, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” thì dông dài mà làm gì cho dù có xót người trong hội đoạn trường đòi cơn” đến mấy thì cũng phải tốp lại thôi, để trở về chuyện nuôi vẹt và nuôi lợn của vợ tôi. Mà chuyện này thì người phiền lòng nhất lại là ông anh tôi.

Thấy mấy cái lồng vẹt treo lủng lẳng ở hiên nhà sát cạnh giường ngủ, anh tôi ngao ngán lắc đầu vì e ngại chuyện lây bệnh từ vẹt là khó tránh trong cái nhìn của người thầy thuốc nhưng không thể quyết liệt ngăn cản được. Vì biết đó là chuyện chẳng đặng đừng của cô em dâu chẳng biết xoay xở cách nào khác. Nhưng rồi trắng tay vì nuôi vẹt theo “phong trào”, vợ tôi lại phải xoay sang nuôi lợn cũng với “phong trào lợn nuôi người” thay vì người nuôi lợn.

Anh tôi chẳng vui gì chuyện này, nhưng thương cô em dâu nên rồi một buổi chiều gần tối cữ tháng Chạp năm ấy, với chiếc áo phông ngắn tay đã cũ mặc vội, anh phóng xe đạp về, chẳng nói chẳng rằng bước ra thẳng chuồng lợn, một tay giữ một tay đưa ống tiêm, chích cho nó một mũi, gói ống tiêm vào cái hộp sắt đút túi quần rồi lên xe đạp về ngay. Sau này anh nói với chị tôi: “Con lợn mà toi thì nhà chúng nó mất tết, anh phải vội về tiêm cho lợn một mũi kháng sinh”.

clip_image006Của đáng tội, nhặt nhạnh hay xin đâu được mấy tấm lưới xi măng quây lại thành một cái gọi là chuồng lợn áp sát bức tường rào chếch bên trái sát mặt đường dưới gốc cây khế. Cũng may là giống tốt, nên con lợn lớn nhanh. Cũng phải nói là còn nhờ nước gạo xin được cũng khá dồi dào mà vợ chồng Tường Vân, học trò cũ của tôi đã góp phần khá quyết định. Cứ nhá nhem tối, sau khi lên lớp cho sinh viên từ bộ môn vi sinh của Đại học Tổng hợp Hà Nội hoặc từ phòng thí nghiệm bộ môn ở đường Lê Thánh Tôn về là vợ tôi hối hả đạp xe đến nhà Tường Vân ở phố Hoà Mã để lấy nước gạo mà cô học trò đã xin được của mấy hiệu phở gần đó trút vào hai chiếc thùng buộc vào cái đèo hàng sau xe, rồi đạp vội về nhà để “chế biến cám lợn” cho độc một con lợn ăn. Còn con lợn giống ấy thì thuộc “sứ mệnh” cao cả của tôi được vợ trao cho. Một sáng sớm nọ, tôi đèo bác Uẩn, ông bạn hàng xóm, ở trong góc phía cuối dãy nhà hình ống số 9 Hàn Thuyên về quê bác ấy ở Đan Phượng mua lợn theo chỉ dẫn của người cựu chiến binh tốt bụng này mà tôi nhớ mãi về anh.

Có lẽ ở khóm nhà số 9 này, anh là người tôi muốn kết bạn và có thể chuyện trò thân mật bên chén nước trà pha vội những lúc anh ngừng tay chữa cánh cổng gỗ xiêu vẹo mở vào gốc cây khế giúp chúng tôi. Vốn là một người lính pháo binh từng tham gia đánh trận Xuân Lộc trên chiến trường B, khi được giải ngũ trở về Hà Nội anh vẫn muốn có một chuyến đi vào Nam thăm lại chiến trường xưa. “Hành quân liên miên, xong trận đánh lớn, sức khoẻ sa sút, được giải ngũ và nhìn cảnh vật từ trên xe, có đoạn trên tàu hoả chỉ thấy loang loáng, nào gọi được là biết Sài Gòn, biết Miền Nam nên cũng mong có dịp thư thả đi cho biết”, có lần anh vui vẻ nói với tôi như vậy. Chính dưới gốc khế ấy, trong thâm tâm tôi đã thầm hứa với chính mình: “Thế nào cũng cố gắng thu xếp mời ông Uẩn một chuyến vào Sài Gòn để đi thăm lại một vài nơi anh đã từng hành quân qua”. Chỉ là thầm nghĩ, một ý nghĩ nung nấu khá lâu để rồi khôn nguôi day dứt ân hận vì không thực hiện nổi. Uẩn chỉ là một trong vô vàn những người nông dân miền Bắc khoác ba lô lên đường và chỉ mải miết hành quân chiến đấu chứ nào đâu có tâm trạng và cảm hứng ngắm cảnh ngắm người ở Sài Gòn, cảnh và người phương Nam:

Lên Sài Gòn phải qua sông Mỹ Thuận
Có thương không sao em lựng bựng không chịu trả lời
Năm đợi năm, tháng đợi tháng, anh hỏi ông trời ổng làm thinh!

Trầu Bà Điểm xẻ ra nửa lá
Thuốc Gò Vấp hút đã một hơi

thế rồi

Nhà Bè nước chảy chia hai,

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Nhưng cũng lại có

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Đấy là tôi suy luận thôi, chứ những tâm hồn chất phác như ông Uẩn bạn tôi có bay bổng hão huyền như vậy không thì không dám chắc. Những người lính may mắn được trở về quê hương miền Bắc thì hình ảnh quen thuộc là chiếc ba lô lính theo anh suốt những chặng đường hành quân dưới mưa bom bão đạn dạo nào, nay treo lủng lẳng một con búp bê nhựa hoặc “nặng ký” hơn là một cái khung xe đạp. Hình như cái mãnh lực của câu hát Trịnh Công Sơn dạo nào vẫn cứ lảng vảng đâu đây quanh tôi và cả trong tôi

Huế Sài Gòn Hà Nội

Quê hương ơi sao vẫn còn xa

Huế Sài Gòn Hà Nội

Trong ta đau trái tim Việt Nam

Đó là lời của một trong những bài hát mà Trịnh đã hát tại hiên nhà tôi dưới tán cây khế vào dịp anh ra Hà Nội ghé thăm chúng tôi. Hôm ấy có cả Thái Bá Vân và mấy người trong nhóm “Những người bạn” của anh ở Sài Gòn. Chẳng biết do đâu mà bà con ở trong xóm và những chàng trai cô gái ở gần đấy biết nên đã tụ tập trước ngõ, cổng nhà đã mở toang, mọi người vui vẻ tràn vào sân đứng quanh cây khế. Ông Uẩn cũng có mặt, tôi mời ông vào ngồi trong nhà, ông xua tay từ chối: “Tôi đứng đây được rồi”. Thật ra trong nhà cũng khá chật cho dù với bàn tay tài hoa của Phan Q Th đã biến cái hiên nhà nhếch nhác thành một phòng khách khá sang trọng tuy không rộng rãi nhưng khá đủ tiện nghi. Đây cũng là một cơ duyên.

Thời bao cấp, có được một công tơ điện, công tơ nước riêng cho căn hộ sở hữu là chuyện rất khó khăn. Bạn của vợ tôi là trưởng Phòng Kế hoạch Chi nhánh điện lực khu vực đã xin được cấp phép lắp công tơ điện cho căn hộ của tôi vốn là thuê của nhà nước nay được mua lại với giá tiền hợp lý, thành sở hữu riêng. Chị ấy dặn: “Khi chúng nó đến lắp công tơ phải giám sát thật kỹ đừng để cho nó lắp xong rồi giật bỏ cầu chì để rồi hôm sau đến kiểm tra lập biên bản phạt, mà chúng sẽ đút túi tiền phạt một cách tàn bạo đấy, đã có nhiều vụ bị phát hiện và kỷ luật rồi”.

Chỉ một mình vợ tôi loay hoay, phải vừa vào bếp đun nước pha trà tiếp khách, vừa lúng túng không biết “giám sát” những gì, mà hình như phải mời họ thuốc lá ngon thì việc lắp đặt mới suôn sẻ, nhưng tôi lại không hút thuốc thì nhà làm gì có bao thuốc lá ngon nào, ai đi mua đây. Nhưng may quá, Phan Q Th vừa chào ra về, bước ra đến cổng thấy người đến lắp công tơ, anh đã quay lại đứng xem các “chuyên gia” thao tác. Vợ tôi thở phào nhẹ nhõm. Chuyện công tơ nước cũng là một thiên tuyệt tác nữa về thời bao cấp nhưng thôi cũng chẳng kể thêm làm gì. Nếu đáng kể, thì phải kể thêm một chuyện chúng tôi nhớ đời mà cho đến tận hôm nay vợ tôi vẫn cảm động nhắc lại.

Nguyên là con gái tôi sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội đã để một năm vào Sài Gòn để xây nhà cho bố mẹ. Hoàng Thiệu Khang nói với Trịnh Công Sơn: “Mình đã ngất ngưởng, thằng TL còn ngất ngưởng hơn, cho con ranh con vào Sài Gòn xây nhà”. Thật ra thì thì không phải tôi ngất ngưởng mà là rơi vào thế chẳng đặng đừng. Con trai tôi từ Hungari về đã quyết vào Sài Gòn lập nghiệp, mảnh đất mua được của nhà nước ở Phú Nhuận của nó cần phải xây nhà ngay chứ không thể bỏ hoang được. Vợ tôi vừa mổ ung thư đang phải xạ trị, tôi thì sau vụ “Khảo sát xã hội học Thái Bình” tôi phải bù đầu xử lý những hệ luỵ chẳng đâu vào đâu trong bối cảnh “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” mà anh Nguyễn Công Tạn đã cảnh báo tôi. Anh Tạn là em ruột của Nguyễn Công Tạc, người bạn thân mà tôi rất gần gũi và quý trọng, vẫn mày tao chi tớ với nhau, nên tôi cũng khá thân với anh Tạn. Lúc ấy anh đang là Phó Thủ tướng thời Phan Văn Khải mà tôi là thành viên Ban Nghiên cứu nên cũng dễ gặp nhau. Hôm ấy, anh Tạn lôi tôi vào cái ngách phía trong Văn phòng Phó Thủ tướng của anh, và dặn người Thư ký ai cần gặp thì mời chiều đến vì anh đang bận.

Ngả người vào cái giường xếp nghỉ trưa, anh Tạn vừa rít thuốc lào vừa nhẹ nhàng nhắc tôi: “Thực hiện công việc khảo sát Thái Bình mà ông Võ Văn Kiệt vừa giao thì gay go đấy. Phải cực kỳ thận trọng trong phát ngôn, tao dặn không thừa đâu”. Tôi cũng biết vậy nhưng không thể không thực hiện mà vẫn đinh ninh rằng “cây ngay không sợ chết đứng”. Nhưng rồi đúng như anh Tạn cảnh báo, tôi đã rơi vào một “mê hồn trận” mà tôi không hề ngờ được.

Hình như anh Tạn cũng là phó cho anh Pham Thế Duyệt, Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị – thời Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư – phụ trách “Tổ đặc nhiệm xem xét và xử lý vụ Thái Bình” và đã đưa ra kết luận trong chuyện nông dân bảy huyện rầm rộ kéo lên tỉnh khiếu kiện là có bàn tay của địch cài lại. Ông Võ Văn Kiệt không nhất trí với nhận định đó, đã quyết định phải khảo sát kỹ lưỡng hơn. Ông giao cho tôi nhiệm vụ hình thành một đoàn nghiên cứu độc lập do tôi phụ trách tiến hành một Khảo sát Xã hội học về Sự kiện Thái Bình năm 1979. clip_image008

Trong cuộc đời làm xã hội học của tôi, đây là một thử thách gay gắt nhất và cũng là niềm vui lớn nhất của một người làm khoa học phục vụ đất nước có điều kiện thể hiện bản lĩnh của mình. Tôi còn nhớ mãi cái vỗ vai thân mật và khoan khoái của ông Đỗ Mười khi tôi trưng ra bức ảnh “dựng hiện trường giả về vụ nông dân xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ để vu khống bà con nông dân đã đập tượng Bác Hồ”: “Có thế chứ, đâu có chuyện nông dân làm như vậy”. Tôi đã viết bản Báo cáo “Cuộc Khảo sát xã hội học về Thái Bình – 1979” gửi đến Thủ tướng. Cụ Phạm Văn Đồng biết tin đã gọi tôi đến trình bày. Khi tôi nói: “Không có địch nào cả. Đây chỉ là mâu thuẫn nội bộ giữa nông dân và nhà cầm quyền”. Nghe đến đó, cụ Đồng đập tay khe khẽ xuống bàn nước, tôi dừng lại, cụ dằn giọng: “Không có mâu thuẫn nội bộ nào cả. Đây là mâu thuẫn giữa những người cầm quyền hư hỏng biến chất và người nông dân không chịu nổi sự tham nhũng và áp bức đã đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi của mình. Phải nói như thế thì mới tìm ra giải pháp đúng để ổn định tình hình”. Đây là tôi nhớ lại đại ý vì thời gian trôi qua mấy thập kỷ, rồi tôi không nhớ được nguyên văn mà tôi đã có dịp đưa lên Mênh mông thế sự cách nay đã khá lâu. Sau đó cụ Đồng nói tiếp: “Anh cần nghiên cứu tiếp về tình trạng xã hội Thái Bình hiện nay với những diễn biến của nó”. Tôi thưa: “Dạ, hiện nay thì không được đâu ạ. Tôi mà về Thái Bình trong bối cảnh hiện nay thì người ta tóm ngay. Nếu muốn tiếp tục nghiên cứu thì phải xin được xuống cùng với đoàn cán bộ của anh Phạm Thế Duyệt; xuống đó rồi, chúng tôi sẽ tách ra triển khai khảo sát theo cách của chúng tôi”. Cụ Đồng bảo anh Nguyễn Tiến Năng gọi điện cho anh Phạm Thế Duyệt về đề nghị đó của tôi. Anh Năng cho biết là anh Duyệt chấp nhận.

clip_image010Nhưng rồi cả tuần tôi liên hệ nhiều lần nhưng không sao gặp được anh. Đến ngày thứ Sáu, như thường lệ tôi đến làm việc với cụ Đồng, cụ ngạc nhiên hỏi: “Thế anh chưa đi Thái Bình à?”, tôi trả lời là anh Duyệt vẫn chưa cho gặp. Cụ Đồng bực mình đập tay xuống bàn nước bật ra một câu về Phạm Thế Duyệt mà tôi không tiện nhắc lại đây, chả hiểu anh Nguyễn Tiến Năng còn nhớ không vì năm nay anh cũng nhiều tuổi rồi. Chuyện còn dài, chỉ nói thêm rằng rồi sau đó. Tôi lại có mối quan hệ thân tình với anh Duyệt khi anh là Chủ tịch Mặt trận và tôi là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Anh hay nắm chặt tay tôi nói chuyện về những phát biểu thẳng thắn của tôi tại diễn đàn Mặt trận kể từ khi anh bị buộc phải thôi chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ngay, mặc dầu chỉ còn vài tháng nữa là hết nhiệm kỳ của Mặt trận Tổ quốc khoá 7 để rồi tiến hành Mặt trận Tổ quốc khoá 8. Nghe đâu trong một cuộc tranh luận ở đâu đó anh Duyệt đập bàn nói đại ý: “Đánh thì đánh, sợ gì, cứ để chúng nó được đằng chân lân đằng đầu, mà nghìn năm Bắc thuộc chưa đủ à?. Hình như anh Duyệt bật ra sự phẫn nộ đó là vào thời Nông Đức Mạnh đang Tổng Bí thư! Những ngày sau đó, tôi cũng được “mời” rút khỏi Mặt trận trước sự ngạc nhiên của nhiều người mà anh D đang là Trưởng ban Tổ chức của Ủy ban Trung ương gặp tôi cũng tỏ ý ngạc nhiên để biểu tỏ sự thân tình sẻ chia. Điều này cho thấy chuyện mời ai vào, đưa ai ra đâu phải do bộ máy quản lý của Mặt trận mà là do “trên”. Hình như VTK là người quyết định việc này sau khi trực tiếp nhận chỉ thị từ “trên”. Có lần K bắt tay chúc sức khoẻ, tôi vừa cười vừa đùa với ông Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Mặt trận Tổ quốc: “Tớ mà càng khoẻ dai thì cậu càng mệt nhiều đó”. Mọi người đứng đó đều cười ồ, cả anh Duyệt cũng cười. Ấy vậy mà tôi đã tham gia vở bi hài kịch này quá lâu, từ Đại hội III đến Đại hội VII của Mặt trận. Khi tôi được cho thôi bắt đầu từ Đại hội VIII, tôi được tặng một chiếc đồng hồ treo tường Gimiko có khắc chữ đàng hoàng. Mà chuyện quà cáp này thì Mặt trận chu đáo lắm, cũng là một thứ “dân vận” quen thuộc không mấy khó khăn mà! Chị Hoàng Xuân Sính, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch thấy tôi đang ngồi uống cà phê với Phan Đình Diệu đã sà vào bắt tay: Anh thoát rồi à, rồi ai gây gổ giúp chúng tôi trên diễn đàn mặt trận hả?”.

Trở lại với việc bật ra sự phẫn nộ của anh Duyệt kể trên tôi nghĩ, có lẽ cũng chìm sâu trong con người vốn từng hoạt động gần gũi với anh em thợ mỏ Mông Dương, Mạo Khê đã kìm lại từ lâu vì nhiều nhẽ, nay như giọt nước tràn ly mà bất chợt trào ra đấy thôi. Phải chăng, cái dáng dấp của những người thợ mỏ anh gần gũi chưa mất trong anh, chưa bị bào mòn hết trong quá trình của sự tha hoá quyền lực với những bước thăng tiến khá ngoạn mục. Và rồi khi bị một đòn choáng váng thì tâm thế của một thời gần gũi với thợ mỏ ấy đã gợi dậy trong anh những suy nghĩ và tình cảm gần gũi với cuộc đời. Không phải cuộc đời trong phòng máy lạnh của những buổi họp, mà trong cuộc sống lam lũ nhẫn nại và kiên cường thật của đất nước, của dân tộc. Ấy là tôi nghĩ vậy, chắc gì đã đúng. Song, điều tôi dẫn ra đây thì chắc chắn đúng: “Hành bách lý giả, bán vu cửu thập (Người đi trăm dặm, thì 90 dặm cũng chỉ là nửa đường). Các cụ ta xưa thật thâm thuý khi thường nhắc đến câu đó của Mạnh Tử. Tôi bị quăng vào cái mê hồn trận như đã nói thì cũng chẳng mùi mẽ gì.

Dài dòng nhắc lại chỉ để nói đến sự “ngất ngưởng” như bạn tôi phán về tôi và vì thế mà con gái tôi phải “liều mạng” gánh vác cái việc cháu chưa hề nghĩ tới. Nhưng cũng vì thế mà rồi cháu được các chú các bác bạn tôi ở Sài Gòn và những sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP HCM, bạn của con gái tôi cùng làm Đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc ở Hà Nội… xúm lại giúp đỡ. Cho tôi là ngất ngưởng, nhưng Hoàng Thiệu Khang thật sự lo cho tôi nên đã tìm cho một thanh niên vừa xuất ngũ đến căng lều ngủ lại nơi tập kết nguyên vật liệu xây dựng để trông nom hàng ngày. Ngôi nhà mà rồi sau đó Nguyễn Trọng Chức ngẫu hứng giới thiệu trên tạp chí Nhà Đẹp khiến cho tôi “danh nổi như cồn” cũng vì sự “ngất ngưởng” đó.

Và thế là tiếng đồn ra đến Hà Nội, tôi lại “hân hạnh” nhận được những lời chửi rủa của cánh “ghen ăn tức ở” đã từng gửi thư kiện về chuyện tôi được mời tham gia vào Tổ Lý luận do anh Hoàng Tùng làm tổ trưởng nhằm trao đổi những vấn đề lý luận do Tổng Bí thư Lê Duẩn đề xuất và chủ trì những buổi trao đổi tôi đã có dịp kể trên “Mênh mông thế sự”. Tôi đã chứng kiến việc ông Duẩn chìa tay ra nhận “lá thư kiện” ấy từ ông Hoàng Tùng và đặt lên bàn, lấy cái chặn giấy đè lên không đọc, và tôi chắc là sẽ quẳng vào sọt rác sau khi cười hiền hoà và sảng khoái nói với tôi vài lời động viên thân tình: “Chú quên chuyện vớ vẩn này đi, tập trung vào công viêc tôi đã giao”. Và rồi tôi cũng quên đi những lời đồn thổi đồn thổi bậy bạ: “Tay TL trốn vào SG để xây biệt thự từ những đồng tiền tham nhũng trong thời gian làm viện trưởngđã buộc phải từ chức”. Quả là đã “yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” đấy ông bạn Chức thân quý ơi. Mấy lần chén tạc chén thù ly rượu bên nhau tôi đã dằn lòng không nói ra sợ ngụm rượu lại đắng ngắt trong miệng và làm mất vui cuộc gặp bè bạn. Kể ra những chuyện trên chỉ để dẫn đến điều gay cấn nhất mà tôi phải xử lý: tiền!

Con gái tôi dám liều mạng vì cháu biết là sẽ được sự hỗ trợ hết lòng của các cô, các bác. Chị Trai tôi biết tin cháu mình đang lúng túng đã trút số tiền dành dụm gửi cho cháu mượn 20 cây vàng. Cháu Phương, con chị tôi, đang ở Đức cũng hứa sẽ đưa cho Cậu mượn 10 nghìn đô… Chị bạn thân của chúng tôi thì đã đưa cho con gái tôi số tiền bán căn hộ nhỏ mà các cháu từng bù khú với nhau quanh bữa bún chả để đời mà cháu Hồng Hoa – nay đã là một thiếu phụ mấy con, đang là luật sư ở Đức về thăm mẹ đã nhắc lại chuyện cách đây hơn 40 năm – khi ngồi bên vợ chồng tôi dạo giáp Tết con Mèo vừa rồi… Tôi mạnh dạn nhận sự hỗ trợ vì biết rằng giá nhà ở Hà Nội lúc ấy cao hơn ở Sài Gòn, ngôi nhà vừa xây lên cho Tây thuê sau khi anh ĐBH đã “gánh đỡ” chuyện cưa cây khế – mà tôi đã kể trong “Gợn sóng 1” – khi bán được, sẽ thừa sức hoàn trả những số tiền tình nghĩa đã nhận đuợc.

Câu chuyện “bán nhà” này cũng ly kỳ hồi hộp lạ lắm, nên tôi cũng muốn gợi lên vài dòng vì nó đã trầm tích từ lâu trong tôi như một món nợ ân tình phải trả. Bán nhà Hà Nội để xây nhà Sài Gòn là bài toán khá gay cấn mà con gái tôi cũng như vợ chồng tôi trăn trở lo lắng đêm ngày. Mãi vẫn chưa bán được nhà Hà Nội mà tiền gửi vào cho con cứ thúc sát sau lưng. Tôi tâm sự với Ng V Th, anh bạn cùng cơ quan ở TP HCM về nỗi lo ấy. Th chằm chằm nhìn tôi có vẻ đang suy nghĩ rất lung, rồi nói “Thôi được để em thử xem sao, nhưng anh phải thật lòng tin thì mới được”. Và rồi Th dẫn tôi đến gặp thầy Z quê ở Miền Tây lên Sài Gòn dạy học, một thầy giáo Vật lý, suốt ngày ở trong trường, trưa nghỉ tạm trên cái bàn dài lát gạch ca rô trắng của phòng thí nghiệm, tối thì leo lên trên trần nhà bằng gỗ để ngủ. Thầy nhìn rất lâu vào mặt tôi rồi nhẹ nhàng bảo: “Thôi được, anh về lại Hà Nội, leo lên ban công lầu hai, thấy có hai nhánh cây chĩa vào ban công nhà. Anh đặt hai bát nhang ngay đúng chỗ hai nhánh cây, đốt nhang và cầu xin bán được nhà. Thế là xong”. Tôi hoang mang, cây gì, nào có cây gì mọc sát hiên nhà tôi đâu nhỉ, tôi nghĩ trong đầu, không có. Hai bố con tôi nhìn nhau lo lắng. Thế rồi trong bữa cơm, con gái tôi quăng đũa hét lên: “Cây phượng bố ơi, cây phượng trước cổng nhà chú Giảng sát nhà ta, con nhớ ra rồi”. Hôm sau bay ra Hà Nội, từ phố Quang Trung, nơi xe bus của Hàng không đỗ, tôi lên xích lô về nhà. Đến ngã tư Hàng Chuối – Hàn Thuyên nhìn về nhà, tôi lạnh người thấy từ xa chùm hoa phượng phơi sắc đỏ rực!

Tôi cứ nhổm người trên xe suốt quãng đường 100m về cổng nhà chăm chăm nhìn những chùm hoa phượng. Xuống xích lô, tôi đứng sững ngắm hai nhánh hoa phượng ngả sát lan can ban công mà rùng mình, chẳng biết là đang nghĩ gì nữa. Vào nhà, ngồi kể lại chuyện cho vợ tôi nghe. Cô ấy phóng ra Chợ Hôm mua hai bát hương và mấy thẻ hương. Ngay tối hôm ấy, chúng tôi hồi hộp thực hiện “nghi lễ” mà thầy Z dặn, cả đêm thao thức không sao ngủ nổi. Lại căng thẳng hồi hộp chờ đợi. Đúng hai hôm sau có người đến hỏi mua nhà. Đó là một người phi công. Anh ta đi một vòng thăm thú phòng ốc cửa giả, nhà tắm, nhà bếp, lên tầng hai ra ban công đứng nhìn xuôi ngược rồi bên bàn nước, xong chén nước trà nhạt, anh quyết định rất nhanh. Chuyện bán nhà thế là suôn sẻ. Suôn sẻ trong một màn sương huyền ảo hư hư thực thực mà giờ đây nhớ lại tôi vẫn không sao lý giải nổi cho chình mình, chỉ nhớ có một chuyện thật, thật 100% là lời dặn của Th: “Anh phải thật lòng tin thì mới được”. Chuyện thật tâm đền ơn trả nghĩa tôi đã thực thi chu đáo nhưng vẫn ân hận vì sau khi mọi việc đã suôn sẻ như vừa nói, tôi không sao gặp lại được thầy Z sau khi trân trọng tặng thầy một chiếc Radio cassette hiệu Sony để buổi tối thầy nằm trên trần phòng thí nghiệm nghe tin, nghe nhạc. Chính Th. cũng nói với tôi dạo tháng Chạp vừa rồi: “Em cũng cố tìm nhưng thầy đã về quê hay đi đâu mất tăm chẳng biết cách nào tìm gặp được ổng nữa”. Con người kỳ lạ ấy, bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm?

Trở lại chuyện con gái tôi xây nhà. Hôm ấy, khi đã quyết định bay vào Sài Gòn đem theo số tiền cháu Phương hứa hỗ trợ vào cho con gái tôi thanh toán tiền công thợ và mua tiếp nguyên vật liệu thì giật mình nhận được tin của Phương, số tiền 10 nghìn đô bị trục trặc, phải đợi. Tôi đang phân vân về chuyến bay thì tình cờ Ph Q Th đến giúp chỉnh sửa lại cái giá sách được lắp vào khung cửa sổ hiên nhà trước đây chuyển thành phòng khách. Th cũng là bạn của cháu Phương, biết chuyện tiền nong bị trục trặc, đã thản nhiên nói: “Thôi chú đừng lo, số 10 nghìn đô ấy cháu sẽ đưa cho chú, chú cứ theo kế hoạch bay vào Sài Gòn, cháu sẽ đến chú trước khi chú bay”. Thế rồi sáng hôm ấy, đã đến giờ lên sân bay chưa thấy Th đến, tuy rất hoảng, nhưng tôi vẫn cứ lên sân bay. Đi chuyến sớm, vào đến Sài Gòn lúc 11g30. Hai bố con tôi đang chưa biết tính sao. Con gái tôi biết bố đang mệt nên giục tôi ăn qua loa rồi nằm nghỉ trưa, chuyện gì tính sau. Đang thiu thiu giấc ngủ trưa thì con gái tôi réo: “Bố ơi, anh Th tìm bố”. Tôi nhổm dậy thì thấy Th đang ngồi, trên bàn nước có một cái bị cói. Th cười: “Cháu đưa tiền đến cho chú. Cháu đã chuyển tiền đô sang tiền Việt để em nó sử dụng cho tiện, khỏi phải tính tỷ giá này nọ rách việc. Thôi, cháu cũng đang vội, cháu phải đi ngay không thì nhỡ việc chú ạ. Chú giữ gìn sức khoẻ nhá, cháu đi đây”. Và anh đứng dậy ra cửa, taxi đang đợi. Tôi cứ ngớ người, quá bất ngờ và lúng túng nên cũng chẳng kịp nói thêm câu nào với Th.

Con gái tôi cự nự: “Thì ít nhất bố cũng phải viết cho chú ấy một cái giấy biên nhận chứ. 10 nghìn đô chứ ít đâu, chẳng khác gì số tiền cứu mạng đấy bố ạ”. Tôi cũng sững ra. Ngồi xuống rót chén nước, uống mấy ngụm lấy sức để nói với con tôi: “May mà bố không làm điều như con vừa trách bố. Bố nghĩ, nếu ngồi viết giấy biên nhận là xúc phạm đến lòng tốt của chú ấy con ạ. Con nghĩ xem, số tiền lớn như thế mà chú cho vào cái bị cói đeo vai đặt xuống bàn rồi đi ngay không màng đến chuyện bố hay con đếm xem có thiếu thừa ra sao, đủ hiểu rằng với chú ấy, chuyện tiền nong không hề là điều vướng bận mà đây là chuyện tình nghĩa. Chú ấy đến với nghĩa tình, và lẳng lặng đi cũng là chuyện tình nghĩa. Ứng xử sao trước sự việc này vừa đơn giản vừa cực kỳ khó đấy con à”.

clip_image012Sẽ là dài dòng và nhàm chán, nhưng tôi không thể không nhắc về cách ứng xử với đồng tiền mà con gái tôi cần phải hiểu và phải nhớ những ý tưởng rất cần thiết từ những câu nói thâm trầm của người xưa: “Khi một người nói tiền không thể làm được gì, điều đó có nghĩa là: anh ta rỗng túi” theo cách nói hài hước của Bernard Shaw, người được coi là nhà viết kịch vĩ đại ngay sau thiên tài Shakespeare. Vì thế, “Nếu bạn muốn biết giá trị của tiền, hãy thử đi vay một ít xem sao” đấy là lời khuyên của Benjamin Franklin một trong những người sáng lập quan trọng và có ảnh hưởng nhất của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Ấy vậy mà Alexandre Dumas, tác giả của Ba người ngự lâm pháo thủ, cuốn sách mà tôi từng đọc say mê từ buổi thiếu thời thì rất phũ phàng “Có tiền chớ cho mượn, vì chỉ tạo nên người bội bạc, cho mượn tạo ra kẻ thù”. Thế nhưng trải nghiệm đường đời đã dạy cho tôi câu châm ngôn: Vay tiền hiểu lòng người, trả tiền hiểu nhân cách.

Tôi muốn con gái tôi ghi nhớ nằm lòng những ý tưởng thâm thuý đó để biết ứng xử với đồng tiền trong cuộc đời không thiếu cạm bẫy nhưng cũng không thiếu lòng nhân ái, không thiếu tình người mà chiếc bị cói đựng tiền đặt trên bàn nước đã kể ở trên là một ví dụ khá sống động.

Trong cái buổi nhiễu nhương của những giá trị chân chính bị đảo lộn một cách thê thảm khi mà người ta công khai biểu dương cái giá trị thần thánh của đồng tiền với những biệt danh kệch cỡm như C. đôla để cổ vũ cho một mẫu người mới lì lợm, với những mỹ nhân bâu quanh và rồi dễ dàng bị thải bỏ theo cách “Các nhà chính khách xu thời cần được thay bỏ thường xuyên như thay tã lót theo một câu châm ngôn mang tình thời thượng. Ấy vậy mà, chúng đang là sức hấp dẫn của một giá trị mới nhầy nhụa đối với đám trẻ thiếu sự hiểu biết. Thì chẳng phải Alexander Hamilton, một trong ít khuôn mặt luôn được người Mỹ nhớ tới từng nhắc nhở: “Đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị”. Điều còn thê thảm hơn, theo tôi, hình như những nhà “tuyên huấn chính thống” đã và đang lờ đi không một lời động đến cái hình tượng nhầy nhụa này.

Thế mà cũng chưa xa lắm đâu một thời người ta răn dạy sự coi khinh đồng tiền, lên án tư hữu, miệt thị những người giàu có, thậm chí coi họ là những phần tử bất hảo. Quay phắt một cái, họ ra sức khuyến khích, biểu dương tài nghệ lao vào kiếm tiền, kiếm thật nhiều, thật nhanh với bất cứ mọi giá, bất chấp mọi thủ đoạn tàn bạo đáng ghê tởm nào. Thậm chí, như có người nói với tôi, họ lờ đi vì dù sao thì lao vào những giá trị nhầy nhụa đó không nguy hại bằng theo đuổi những trào lưu đòi dân chủ, tự do chống lại độc quyền và bạo lực của sự toàn trị. Hơn nữa, chưa chừng có khi xã hội bị hút vào cái biểu tượng nhày nhụa đó sẽ bớt đi khát vọng dân chủ và tự do, đẩy tới sự an nguy của thể chế hiện hành đang ngày càng mất lòng tin của dân.

Trong suy nghĩ hạn hẹp và thiết thực hơn chỉ dành riêng cho con mình, tôi nghĩ con tôi cần phải hiểu được cách cư xử, nói nôm na là cách ăn ở với đồng tiền. “Điều này không dễ chút nào đâu con ạ, nhất là trong buổi nhá nhem, tranh tối tranh sáng, đến khuôn mặt người cũng khó nhận ra là thiện hay là ác nữa là”.

Thế là từ chuyện cây khế giữa sân nhà đuợc xem là lộc của trời, đến khi được người dám đứng ra “gánh cho” cái tội chặt cây khế để xây nhà, rồi bán nhà để “hành phương Nam” như thầy tử vi tiên đoán, là cả một dòng chảy liên tục mà cây khế kia là cột mốc đánh dấu một chặng đường đời. Chặng đường đã trải với bao thăng trầm, buồn vui thấm đượm, ân huệ tràn đầy, từng chìm sâu trong cảm xúc suy tư, để rồi mở ra một chặng mới với bao biến động, bao đổi thay khá lạ lùng với nhiều cung bậc mới, xúc động mới từ những bạn mới. Người mới, cách sống mới biết bao thử thách và chứa chan hy vọng. Cái cột mốc chia hai chặng đường đời mà cây khế giữa sân nhà là một chứng nhân ấy, vừa có hình hài cụ thể nhưng cũng vừa lãng đãng một lớp sương mù hư hư thật thật khá huyền bí và hư ảo. Cái hư và cái thật đan chen nhau như thể vừa ngự trị vừa thách thức tôi phải sống thế nào đây, làm sao để có thể thật trung thực với chính mình.

Ai đó đã nói rất hay rằng tất cả câu trả lời cho những điều bí ẩn của vũ trụ ẩn giấu trong trái tim. Nhưng cũng đúng là, có những điều bí ẩn mà con người chỉ có thể phỏng đoán, những điều chỉ có thể khám phá từng phần khi mỗi tuổi qua đi. Liệu có thật đúng không với trải nghiệm của chính tôi về điều gọi là bí ẩn đó khi mà bụi thời gian dần dần phủ kín lên trên những sự kiện đó, tôi tự hỏi.

Với tôi bụi thời gian, theo quy luật vốn có của nó, cũng đã phủ kín trên những chặng đường đời tôi đã trải. Dòng sông cuộc sống vẫn đều đặn trôi, khi êm đềm lặng lẽ, khi réo giận tuôn trào, nhưng dường như bụi thời gian không phủ lên khối óc và trái tim tôi những yếu tố huyền ảo, kỳ bí mà mắt tôi đã chứng kiến, tim tôi đã xúc động. Dường như mỗi tuổi qua đi lại khiến mắt tôi – dù đã thay cườm làm mờ đục thuỷ tinh thể – xem ra lại nhìn rõ hơn sự huyền ảo ấy. Chắc là do tôi nhìn bởi trái tim đang đập mạnh khi nhớ lại rõ mồn một những điều mà tôi đã trải. Hình như tuổi tác giúp tôi nhìn lại mình rõ hơn. Chắc là chưa làm được điều Mạnh Tử răn: Không để mất cái tâm trẻ thơ của mình大人者,不失其赤子之心者也 (Đại nhân giả, bất thất kỳ xích tử chi tâm giả dã) vì tuổi thơ của tôi thì nghĩ ra buồn hơn vui. Nhưng tuổi già của tôi thì có vẻ vui hơn buồn. Nhất là khi trút bỏ được gánh nặng quyền chức “lui về đã lâu” như cách nói của Nguyễn Khuyến, ít nhất cũng đã gần 40 năm kể từ lúc từ chức Viện trưởng để được làm những điều mình thích, chủ yếu là ngồi viết, thỉnh thoảng xuống đường tham gia vài cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Thế thôi.

clip_image014Gần đây, khi ngồi gõ máy tính đau lưng quá, tôi phải nằm để đọc lại Hà Nội trong mắt tôi của Nguyễn Khải. Dừng lại trang viết số 15 của bài Nếp nhà mà suy nghĩ rất lung về một ý tưởng đậm sắc triết lý có vẻ có chất liêu trai của Nguyễn Khải, theo cảm nhận chủ quan của tôi rất có thể sai, khi anh tiếc đã bỏ Hà Nội vào Sài Gòn: Một chân đã thõng vào cõi hư vô rồi thì không nên bắt đầu công việc gì nữa. Không còn cả thì giờ để ghen ghét, để hờn giận. Chỉ còn đủ thời gian để làm lành. Văn chương làm lành cố nhiên không hay rồi, thôi kệ, vì cũng chả còn hơi sức đâu gây sự, dầu chỉ là gây sự vặt”. Có thật phải như thế không? Liệu khi rời Hà Nội vào Sài Gòn tôi đã một chân thõng vào cõi hư vô không? Chắc là không, tôi nghĩ vậy anh Khải ạ.

Tôi phân vân. Rất cảm thông với tâm trạng anh khi viết, và chắc chỉ khi viết “Nếp nhà”, với nhiều dằn vặt mà anh nói quá lên thế thôi. Nghĩ vậy, vì tôi vốn yêu quý và kính trọng anh, càng quý trọng hơn khi được kết bạn thân với anh ở Sài Gòn, và anh đã tin cẩn trao cho tôi tìm cách xuất bản tập tản văn cuối cùng của anh, tập Nghĩ muộn. Tôi đã nhờ anh Việt Phương đọc để giúp tôi tìm cách xuất bản sách của anh Khải vì lúc này tôi chỉ biết có Việt Phương có thể giúp tôi làm việc đó.

Tôi đưa Việt Phương đến thăm Nguyễn Khải ở quận 4, anh ở trên lầu 5 ngôi nhà của con trai anh, một doanh nhân trẻ. Việt Phương thân tình nói: “Khải ơi, nghĩ không bao giờ là muộn cả”. Chuyện tưởng như suôn sẻ, nhưng một hôm anh đạp xe đến nhà tôi ở Phú Nhuận, ngôi nhà được đưa lên tạp chí Nhà Đẹp đã kể. Anh có vẻ không vui. Rầu rầu, “Tôi phải xin lỗi anh, anh Tương Lai à, tôi xin anh ngừng lại giúp tôi việc xuất bản cuốn Nghĩ muộn. Biết là phiền anh, nhưng chắc anh thông cảm, tôi không muốn làm khó cho các con tôi.

Không biết nói gì, tôi yên lặng rót thêm chén nước mời anh mà nước mắt như muốn trào ra, cổ đắng ngắt, chỉ lí nhí mấy câu: “Không sao anh ạ tôi sẽ dừng lại”. Thế rồi sau khi anh mất, tôi đọc thấy trên mạng bài viết ký tên anh Đi tìm cái tôi đã mất. Tôi đọc kỹ, ngoài những đoạn thêm bớt còn lại thì tôi thấy y chang như trong Nghĩ muộn. Tôi mời các cháu con anh Khải đến nhà trao lại cuốn Nghĩ muộn ấy mà tôi đã bao bọc kỹ lưỡng cất trong tủ sách, mở ra đưa cho các cháu: “Đây là di sản vô giá mà ba các cháu để lại cho các cháu”. Họ buồn bã chào tôi ra về.

Tôi cứ bâng khuâng: Không hiểu các con anh Khải cũng như thế hệ trẻ yêu mến anh có hiểu được điều tâm huyết của anh: Nghĩ không bao giờ muộn. Và riêng tôi, tôi nghĩ: Làm thế nào để rồi đây tôi không phải đi tìm lại “cái tôi đã mất”.

Cái tôi” của tôi.

Ngày 14.7.2023

Comments are closed.