Câu chuyện về con bướm vàng (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 143)

Tương Lai

clip_image002Câu chuyện con sông trước nhà với lời tiên đoán của thầy Lê X trước đó 30 năm với ngôi sao “lưu hà” chiếu mệnh cứ huyền ảo ẩn hiện trong tôi. Kỳ ảo và huyền bí thật, nhưng rõ ràng là đó là một sự thật tôi đang cảm nhận trong dòng tư duy tỉnh táo không thiếu tính khoa học, tôi đang sống với nó hàng giây hàng phút suốt bao năm qua và sẽ còn sống với nó cho đến khi xuôi tay nhắm mắt. Vì thế, sau “gợn sóng số 1” và “gợn sóng số 2”, tôi ghi lại đây câu chuyện mà tôi vẫn lưu giữ trong ký ức đượm màu sắc tâm linh và huyền bí thử xem sao.

Huyền bí thật, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đừng nên cố phân tích hay lý giải những hiện tượng đó bằng ngôn ngữ đời thường chúng ta đang sống, chí ít cũng là tôi đang sống. Vấn đề đặt ra trong tôi là đó là một sự thật đang tồn tại trong cuộc sống của chúng ta, và “thực chứng” là một đòi hỏi nghiêm khắc của tôi trong nghiên cứu xã hội học. Chẳng hạn như, khi xã hội râm ran về những hiện tượng nhuốm màu bí ẩn như vấn đề tìm mộ, về các khả năng “ngoại cảm” kỳ bí đã được thể hiện và đã được chứng minh về tính xác thực của nó, tôi đã cố tìm đến tận nơi một số địa chỉ để mắt thấy tai nghe, ghi chép, chụp hình nhà “ngoại cảm” đang thực hiện việc tìm mộ qua điện thoại nối với thân nhân của người đã mất, “chữa bệnh” cho “một người điên hung hãn đập phá lung tung, “nhập hồn” của người đã chết để nói chuyện với mẹ, và tôi đã ghi lại qua máy ghi âm, v.v.

Xin dẫn ra một trường hợp của một người bạn rất thân đã từng về huyện Tứ Lộc tỉnh Hải Dương nhờ một “nhà ngoại cảm” qua điện thoại hướng dẫn chị và các em tìm mộ bà cụ thân sinh của họ. Và chị đã kể lại tỉ mỉ cho tôi nghe trực tiếp. Thế rồi, tôi đã về Tứ Lộc, ở lại nhà cùa “cậu L”, người tìm mộ, để chứng kiến cách ông ta chữa cho “người điên”. “Người điên” ấy bị cha và chú của anh trói cánh khuỷu buộc chặt ngồi trên xe ba gác, kéo đến trước mặt “nhà ngoại cảm”. Mọi người đang ngồi giữa sân nhà hốt hoảng tránh dạt cả ra vì sợ anh ta hành hung. Nhưng “cậu L” bảo “không phải sợ, nó không dám làm gì nữa đâu”. Rồi ông bảo cởi trói cho anh ta.

Sau vài câu hỏi đặt ra cho “người điên” và bố của anh ta, rồi những câu trả lời của họ, tôi và chắc mọi người ngồi đó hiểu được sự ngông nghênh, lếu láo của người con xâm phạm đến nơi thờ cúng và hành động thất đức của ông bố khi cày ruộng đụng phải quan tài đã mục nát không dừng lại mà cứ thế lưỡi cày đi, là nguyên nhân bệnh “điên” của anh ta. Tôi đứng tựa vào bức tường của gian thờ bên phải ở sát chỗ ở của gia chủ. Thấy rõ “người điên” sau khi được “cậu L” giảng giải đã cúi đầu hiền lành bước đến, tôi tránh ra để anh ta chậm rãi đi vào thắp hương, vái lạy rồi lui ra. Vắn tắt buổi “chữa bệnh” mà tôi chứng kiến từ đầu đến cuối là vậy.

Cùng với vài hiện tượng vừa kể, tôi đã trực tiếp chứng kiến nhiều trường hợp khác nữa, trong đó có nhà ngoại cảm ĐBH nhiều người biết đã trực tiếp xử lý một việc gay cấn tại sân nhà tôi ở Hà Nội cũng như chuyện giúp con gái tôi đứng ra xây nhà trên mảnh đất mua của công ty Nhà nước ở Phú Nhuận, TPHCM. Tôi đã từng đến thăm căn phòng 10m2 của ông, được ông cho trèo lên một cái thang gỗ thò đầu nhìn vào cái “tran thờ” hết sức lộng lẫy, trái ngược hẳn với cái hai cái giường gỗ mộc để bà cụ mẹ ông nằm và của vợ chồng và cô con gái kê cạnh nhau, ngăn cách bởi một cái màn vải đã ố vàng, phía trước là cái bàn gỗ mộc với hai chiếc ghế đẩu để tiếp khách. Cái tran thờ được lập ngay trên căn phòng chật chội ấy ở phố Thịnh Yên, Hà Nội. Ông hạ giọng nói với tôi: “Ông cụ tôi ngày trước từng có toà ngang dãy dọc, một dãy nhà ở Hàng Trống, Hàng Bông là của cụ. Đời tôi phải sống như thế này phụng dưỡng mẹ tôi, là để trả cái món nợ tiền kiếp đấy!”. Tôi ngồi im không nói gì, tôi đến thăm ông là để thành tâm tạ ơn ông.

Vài dòng sơ sài trên chỉ nhằm dẫn đến câu chuyện về một thân phận người – ông anh muôn quý ngàn yêu của tôi đã mất – với hình ảnh con bướm vàng. Vâng, một thân phận người. Tôi muốn dùng khái niệm thân phận thay cho số phận vì nhớ đên câu nói của Carl Jung: “Nếu bạn không biến những điều vô thức quanh mình thành những gì bạn chủ động ý thức rằng nó đang diễn ra, cuộc sống của bạn sẽ bị chính sự vô thức đó đó điều khiển và bạn gọi đó là số phận”. Carl Jung là nhà tâm lý học và là bác sĩ tâm thần người Thuỵ Sĩ thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đứng đầu trường phái tâm lý học phân tích (analytical psychology). Các học thuyết của Jung còn đưa ra những ý tưởng quan trọng cho sự phát triển của các học thuyết hiện tại về nhân cách mà tôi đã từng say mê đọc trên bản dịch của anh Phong Hiền cho tôi mượn và nghĩ về số phận mà Carl Jung nói, trong đó có số phận của anh chị em chúng tôi, những người có học và có lý tưởng sống tử tế và cao đẹp, xuất thân từ một gia đình quan lại đi theo cách mạng, đang sống trong một thể chế vẫn nặng mùi chuyên chính vô sản, mà là thứ chuyên chính đã biến thái sang độc tài toàn trị đậm chất phong kiến, thì để giữ được nhân cách của mình là khó đến cỡ nào khi, không cam chịu cúi đầu trước mọi áp lực và luôn cố gắng bằng sức mình, đương đầu với mọi thử thách. Tôi nhớ có lần giáo sư Phạm Huy Thông, lúc ấy là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, người ký quyết định bổ nhiệm tôi làm Phó Viện trưởng Viện Triết học nói với tôi: “Anh sẽ phải đương đầu với nhiều áp lực lắm đấy. Nhưng tôi tin rằng anh đủ bản lĩnh để vượt qua, nhưng mệt đấy”. Tôi rất biết ơn vị lãnh đạo đã quá cố và nhớ mãi lời ông.

Vì vậy mà cũng nhớ mãi hôm ấy, ba anh chị em chúng tôi ngồi trầm ngâm suy nghĩ rồi đưa ra quyết định: “Không đơn từ xin xỏ gì cả. Nếu ông ta thấy sai thì tự ông ấy phải tìm cách mà sửa cái án oan tệ hại ấy”. Đó cái án kỷ luật mà anh tôi, Chủ nhiệm Khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Việt Đức, hồi được cử đi học ở Bungari, nhưng chỉ được học, không được bảo vệ tiến sĩ. Vị giáo sư hướng dẫn lấy làm ngạc nhiên tại sao người học trò của ông rất xuất sắc, thừa sức bảo vệ luận án mà vẫn cứ một mực không đăng ký bảo vệ học vị tiến sĩ. Quá nhiệt tình, ông ấy đến gặp Đại sứ Bùi Lâm để chất vấn và đề nghị cho học trò của ông được đăng ký bảo vệ tiến sĩ. Vị giáo sư già ấy làm sao hiểu được sự oái oăm đáng sợ của học trò ông đang gánh chịu, để vì lòng tốt của ông mà anh tôi bị án kỷ luật của đảng uỷ sứ quán.

Mấy năm sau tôi đã có dịp ngồi nói chuyện với ông tại Sofia nhân tôi đến dự một hội thảo khoa học do Viện Xã hội học & Triết học Bungari mời. Tôi trân trọng chuyển đến ông một lọ hoa sơn mài, quà tặng của anh tôi tặng thầy đã tận tình hướng dẫn mình. Ông vẫn tỏ ra ngạc nhiên pha chút bực dọc nói với tôi về chuyện anh tôi cứ khăng khăng không chịu bảo vệ luận án tiến sĩ theo yêu cầu của ông: “Anh ấy thừa sức với những gì đã miệt mài tìm tòi nghiên cứu và đã viết ra với những ý tưởng rất sáng tạo mà tôi đã gửi đăng trên Tạp chí Khoa học của chúng tôi. Tôi biết, những ý tưởng ấy đã được một nhóm các nhà khoa học ở Mỹ sử dụng để tiếp tục nghiên cứu. Và nếu họ thành công thì chưa chừng có thể được đề cử giải Nobel đấy”. Tôi vẫn nín lặng nghe những lời của vị giáo sư già nhân hậu, cắn răng không nói một lời về sự quy kết tai ác và ngu xuẩn mà anh tôi phải gánh chịu trong câu chuyện “yêu nhau mà lại bằng mười hại nhau” của nhà khoa học nhân từ và độ lượng ấy về việc ông bí thư đảng uỷ của Đại sứ quán ký quyết định cảnh cáo vì đã vô kỷ luật, làm lộ bí mật nội bộ. Quả là:

Duyên đã may cớ sao lại rủi

Nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang

Thế rồi ông Đại sứ Bùi Lâm, một “công thần” từng là bạn với Nguyễn Ái Quốc hồi ở Pháp bị ung thư gan phải vào Bệnh viện Việt Đức cầu cứu giáo sư Tôn Thất Tùng. Ông Tùng nhận lời mổ với điều kiện có anh tôi gây mê. Bạn anh tôi, giáo sư BQT khuyên anh tôi nên đề nghị ông Tùng chỉ định người khác: “Ca mổ thành công thì không sao, nhỡ có điều gì thì người ta không truy vấn thầy Tùng mà truy vấn cậu đấy”.

Anh tôi trao đổi với tôi: “Anh sẽ nhận gây mê. Trách nhiệm người thầy thuốc không cho phép mình thoái thác. Em nghĩ thế nào?”. Biết là anh tôi đã có quyết định của mình rồi, tuy rất lo lắng vì tôi hiểu nỗi nguy hiểm đang rình rập anh tôi, nhưng tôi chỉ nói lên nỗi đau của mình: “Em không dám góp ý kiến. Nhưng em thấy anh quyết định như thế là phải”. May mà ca mổ thành công tốt đẹp.

Nhưng rồi “nguồn cơn dở dói” ra sao ấy, lại đến lượt chính ông bí thư đảng uỷ sứ quán cũng bị ung thư, lại vào Việt Đức cầu cứu Thầy Tùng, và vòng xoáy định mệnh laị lôi anh tôi vào cuộc. Lại có những lời khuyên chân tình của bạn bè lần này quyết liệt hơn. Trong Khoa Hồi sức của anh tôi, các bác sĩ, y tá, hộ lý vốn rất kính trọng và thương yêu người Chủ nhiệm Khoa của mình, đã xầm xì chuyện “oan oan tương báo”! Anh tôi lại tâm sự với chị tôi và tôi.

Ba anh chị em chúng tôi ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi. Là một bác sĩ chị tôi hiểu rõ việc gây mê trong một ca phẫu thuật phức tạp và những rủi ro có thể gặp phải nên càng lo lắng. Nhưng nghĩ về thiên chức và lương tâm của người thầy thuốc, chị tôi cuối cùng cũng thuận theo quyết định của anh mình. Tôi là kẻ “ngoại đạo”, lại được trải nghiệm trong môi trường khoa học xã hội với những nặng căn trong lập trường quan điểm và thành phần lý lịch, nên ngao ngán buông ra một câu: “Thì cũng phải thế thôi. Nhưng em vẫn có sự day dứt vì lịch sử khó lặp lại hai lần”.

Hơn 40 năm trôi qua, khi viết những dòng này tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi đôi mắt buồn bã nhưng vẫn ánh lên sự kiên quyết của anh tôi. Và rồi, lại may mắn vì ca mổ thành công. Bệnh nhân được nằm lại ở Khoa của anh tôi để đươc theo dõi và chăm sóc sau mổ. Các bác sĩ, y tá, hộ lý đã nhìn Chủ nhiệm Khoa với ánh mắt ngạc nhiên pha chút bực dọc nhưng không dám nói ra, khi thấy anh tôi ngày đêm tận tình chăm sóc ông bệnh nhân từng giáng cho Chủ nhiệm Khoa của mình một đòn chí mạng. Thế rồi con cái của ông Bí thư đảng uỷ nọ khuyên ông ta những gì đó khiến ông nói với anh tôi làm đơn khiếu nại xin xoá bản án kỷ luật tai ác đó. “Không đơn từ xin xỏ gì cả” là vì vậy.

Nhưng rồi cái “nguồn cơn” kia hình như vẫn cứ tiếp tục đẩy anh tôi vào cái vòng xoáy của định mệnh. Anh tôi được mời đi dự “Hội nghị các bác sĩ gây mê thế giới” họp ở Hàn Quốc (tôi nhớ không thật chính xác tên của Hội nghị), lại một áp lực về xoi mói lý lịch thành phần đè nặng lên đầu óc trước khi đi. Tại Hội nghị, nghe đâu anh tôi được bầu vào Đoàn Chủ tịch của Hội nghị, lại râm ran một áp lực mới của sự kỳ thị, tị nạnh từ nhiều phía khi anh tôi trở về. Và rồi anh bị xuất huyết não. Là người hiểu rõ về hệ luỵ đau thương của chuyện này, anh dặn chị tôi đang luôn ở bên giường bệnh của anh trong bệnh viện: “Dứt khoát không cho mở nội khí quản, vô ích, anh không thể sống một đời sống thực vật, em phải để anh đi”. Là bác sĩ, hồi ấy ở ta chưa có máy chụp cắt lớp nên không xác định được nơi vỡ mạch máu trong não, chị tôi đau đớn nuốt nước mắt vào trong nghẹn ngào nói với tôi nhưng vẫn giấu không dám nói với chị dâu mình.

Hôm đưa tang, trời đổ mưa to, đám tang chưa cử hành đươc. Chị tôi ghé vài tai tôi: “Em tranh thủ đọc lời đưa tiễn anh chúng ta đi để cho đông đủ mọi người trong Bệnh viện và những bạn bè của anh nghe được những điều chúng ta muốn nói về anh mình mà “Điếu văn của Ban Tổ chức” sẽ không nói đâu”. Trong cơn mưa xối xả, tôi nghẹn ngào trong nước mắt đọc “Lời tiễn đưa” anh tôi giữa Hội trường Bệnh viện Việt Đức đông nghịt người đứng chen kín. May quá, đọc xong thì cũng là lúc trời tạnh mưa. Đám tang bắt đầu cử hành.

Trên đường ra xe, tôi gặp ông Hoàng Quốc Việt, người từng là bệnh nhân đã được anh tôi tận tình cứu chữa. Ông bắt tay tôi và nói: “Tôi không biết anh là em của bác sĩ. Thật tiếc cho một tài năng phải ra đi quá sớm”. Ông ấy biết tôi là hồi tôi có tham gia vào Uỷ ban Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có lần làm việc với ông.

Hôm ấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng có gửi vòng hoa viếng. Tôi cho buộc vòng hoa ấy trước mũi xe ô tô của tôi đi trước đám tang. Khi hạ huyệt, tôi thấy một đàn bướm đậu trước bụi cỏ phía trước bỗng giật mình sực nhớ là, có một con bướm vàng khá to đậu trên vòng hoa tang trước mũi xe mà ngồi trên xe, vì kính vẫn nhoè nước mắt chưa kịp lau nên tôi không nhìn thấy thật rõ, bấy giờ mới xốn xang nhớ lại. Thế rồi sau đó, tôi không nhớ được kỹ là bao lâu và ai đã hướng dẫn vợ chồng tôi đến một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội để cúng cầu siêu cho anh tôi. Ngôi chùa thanh tịnh vắng vẻ, nhà sư trụ trì là một ni cô điềm đạm hướng dẫn tôi thành tâm cử hành một vài nghi lễ đơn giản cầu siêu anh tôi. Sau đó nhà sư nói với tôi: “Ông ra ngoài vườn, có một con bướm vàng đậu trên cây hoa mộc suốt từ sáng tới giờ đấy”.

clip_image004Trong khu vườn thanh vắng, ánh mặt trời len lỏi trên các khóm cây thường được trồng trong các nhà chùa của Việt Nam, ánh sáng trùm lên cây mộc khá to giữa sân vườn. Tôi bàng hoàng trước hình ảnh một con bướm màu vàng pha những đốm màu xanh lục rực rỡ rất lớn đậu giữa những chùm hoa mộc đang toả ngát như thanh lọc bầu không khí vốn đã thanh khiết trong vườn chùa. Sự thanh khiết từng làm dịu mát tâm hồn tôi từ buổi ấu thơ cho đến nay đã cận kề với tuổi 90. vẫn như cảm được mùi hương của hoa mộc trên chùa Quốc Ân ở Huế mỗi lần được theo mẹ tôi lên lễ chùa thuở nào.

Cho đến hôm hôm nay tôi như vẫn cảm được sự ấm áp của bàn tay khẳng khiu vị sư già trụ trì chùa Quốc Ân đặt trên đầu tôi khi trao cho tôi gói oản và dạy: “Con thụ lộc Phật đi để rồi biết làm điều thiện”. Dáng vẻ tiên phong đạo cốt của vị sư già ấy và lời dạy “biết làm điều thiện” theo tôi suốt cả chặng đường đời không thiếu những trầm luân khổ ải. Hình ảnh ấy, lời dạy ấy luôn có sức mạnh truyền cho tôi nghị lực và bản lĩnh vượt qua mọi thử thách hơn bất cứ một lời giáo huấn nào từ những cuốn sách về triết lý Phật giáo mà tôi đã đọc được.

clip_image006Thế rồi mới hôm kia thôi, tôi nhận được một lời nhắn thân tình của Thiền sư Lê Mạnh Thát qua Viber: “Cảm ơn gs, hôm nào rảnh mời gs xuống thất ăn cơm”. Thầy cảm ơn vì khi nhận đươc tin trên mạng là Lê Mạnh Thát vừa mới gia nhập Viber tôi đã gửi nhắn hưởng ứng và vui mừng vì sẽ dễ dàng liên hệ qua Iphone. Xúc động nghĩ về cái duyên kỳ ngộ khiến tôi được gặp và trở thành người bạn của vị học giả đáng kính và là vị thiền sư từng trải qua một vấn nạn để rồi trong bối cảnh nghiệt ngã đó ông đã viết nên bộ “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” trong dòng đời trần thế đầy bụi bặm này. Tôi hân hạnh được ông tặng bộ sách quý đó. Nghĩ đến cái “duyên kỳ ngộ” ấy khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm của buổi ấu thơ đã từng trầm tích trong tôi hình ảnh vị sư già vừa nói ở trên sau nửa thế kỷ phiêu bạt trở về lên thăm lại ngôi chùa của tuổi thơ thì Người đã viên tịch. Bước ra sau chùa, nhìn lại cái giếng mà thuở nào một chú tiểu đã nắm chặt áo tôi khi tôi cố nhón chân nhìn xuống nước giếng sâu thăm thẳm.

Khi buồn bã trở về giữa cái nắng chói chang của sườn đồi mà cây cối đã bị chặt trụi để trồng sắn, trồng khoai bỗng liên tưởng đến con đường mà Nguyễn Tuân đã viết trong “Vang bóng một thời”: “Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của người đầy tớ già đánh rỏ xuống mặt đường những hình ngôi sao ướt và thẫm màu. Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài ngoằn ngoèo như lối đi của loài bò sát. Ví buổi trưa hè này là một đêm bóng trăng dãi, và ví cổng chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần”.

Là “người khách tục” giữa “cuộc đời trần thế đầy bụi bặm” như tôi nghĩ về mình mà mông lung suy ngẫm về con bướm vàng đốm xanh trên cây mộc khi nghĩ về anh tôi, về thân phận mình – thân phận hay số phận mà nhà tâm lý học Thuỵ Sĩ thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nói đến.

Thế rồi suy nghĩ càng lung, càng da diết khi tôi đọc được bài viết “Bướm ơi” rất thâm thuý với những thông điệp tuyệt vời của giáo sư Cao Huy Thuần viết trên “Diễn Đàn Forum” ngày 12/02/2023. Xin phép anh Thuần (người bạn thân quý và yêu thương của tôi với những lời gan ruột mà tôi cẩn thận lưu giữ trong “hồ sơ máy tính” để đọc đi đọc lại: “Anh TL ơi tôi đã đọc những lời gan ruột của anh bằng gan ruột của tôi… Tâm sự của anh là tâm sự của thời đại, tôi phải hiểu, phải thương, phải khóc cười với anh, phải cay, phải đắng, phải mặn với giọt nước mắt”) để mạo muội trích một vài đoạn trong bài viết của anh bài viết ấy đã là nguồn cảm hứng gợi cho tôi viết bài “Chuyện con bướm vàng” này:

Không có gì thoát ra khỏi luật nhân quả. Cho nên nếu có những hiện tượng mà hiện thời chưa có giải thích thỏa đáng, những hiện tượng đó không phải là không có nguyên nhân. Khi tìm ra được nguyên nhân, ai cũng sẽ nói: ấy là hoàn toàn hợp lý. Chính cái hợp lý đó là cái mà Christophe Fauré tha thiết trình bày trong sách của ông và thiết tha kêu gọi khoa học quan tâm.

clip_image008Khoa học ngày nay, theo ông, là khoa học của thời đại vật lý lượng tử mà ông viện dẫn bao nhiêu tên tuổi để biện minh, nào Max Planck, nào Basil Hiley, nào David Bohm, nào Freeman Dyson… Cứ lấy câu nói của Max Planck làm ánh sáng soi đường: “Tôi xem ý thức như là căn bản. Tôi xem vật chất như là một sản phẩm của ý thức. Người ta không thể quan sát ý thức. Tất cả những gì mà ta nói đến, tất cả những gì mà ta xem như là hiện hữu đều đòi hỏi sự hiện hữu của ý thức”. Kính nhi viễn chi, tôi không dám bàn chuyện khoa học cao siêu. Chỉ vui vui kể chuyện bướm bay. Cho nên xin kể thêm một chuyện thứ tư trong sách của Fauré.

“Lạ lùng, từ khi con gái tôi mất, tôi thấy bướm khắp nơi! Bướm bay xung quanh tôi, đậu cả trên tay. Như vậy, bất kỳ ở đâu: tại nhà, ngoài đường, khi tôi đến thăm mộ cháu… Mùa hè vừa rồi, tôi nghĩ chuyện ấy chắc cũng bình thường vì mùa hè thì nhiều bướm, nhưng giữa mùa đông, trong nhà đóng kín cửa, tôi không hiểu nổi. Tôi đã đọc nhiều chuyện về những nhà có tang, thấy kể có bướm như thế, bây giờ tôi mới tin, vì chính tôi thấy như thế”.

Bướm ơi, bây giờ tôi kể chuyện tôi nhé, hay đúng hơn, chuyện bạn bè của em gái tôi. Em tôi ở trong một nhóm bạn chí thân, cùng hoạt động, cùng lý tưởng, cùng làm việc cho khoa học, cùng đầu óc tiến bộ. Một người bạn chí thân như thế mất, giữa lúc tài năng đang nở hoa. Một tiếc nuối tức tưởi cho cả nhóm. Vậy thôi, chuyện rất bình thường: một người bạn chí thân như thế đến viếng một người bạn chí thân vừa mất. Nhìn lên bàn thờ, ảnh của bạn tươi rói, nhưng kìa, sao lại có con bướm lạc vào trong nhà? Rợn người. Bướm ơi, em là bướm hay em là ai? Em đang sống hay em đã chết? Em đã là bướm Trang Chu triết lý, em đã là bướm thơ bướm mộng bướm bay vườn cải hoa vàng, bây giờ em là bướm lượng tử rồi chăng? Bướm ơi, em là bướm hay ai là em?”.

Tôi nghĩ mãi về một đoạn Cao Huy Thuần viết: “Tờ báo Le Monde phỏng vấn ông, hỏi ông có chịu ảnh hưởng của Phật giáo không, ông nói ông biết, nhưng ông nghiên cứu vấn đề như một nhà khoa học, thuần khoa học, gạt bỏ những luận bàn về bản chất, lấy hiện tượng luận làm phương pháp. Phật giáo giúp ông nghiền ngẫm vấn đề cùng với vật lý lượng tử để so sánh với nhau và để đi đến kết luận mà ông tha thiết mời gọi: khoa học phải rọi ánh sáng vào vấn đề ấy vì nó có thực. Truyền thống Phật giáo và truyền thống dân gian Việt Nam không tìm thấy cái gì mới trong những khám phá của quyển sách, nhưng chắc cũng thú vị khi thấy khoa học mon men đến gần. Riêng tôi, xin thú thực, vẫn còn bán tín bán nghi, nhưng cũng vì đọc sách mà tự nói với mình chắc cũng nên bớt nghi thêm tín. Nhất là những trang triết lý trong đó, rất sâu, rất thiết thực cho đời sống, thoang thoảng hương vị thiền môn”.

Tôi còn muốn trích dẫn dài hơn nữa vì anh Thuần đã nói thay tôi và hay hơn nhiều những loanh quanh thô thiển của tôi về chủ đề muốn hướng tới trong “Câu chuyện về con bướm” tôi đang kể. Nhưng như thế thì đâu còn là những “ý tưởng gan ruột” của tôi, muốn qua đó nói đôi nét về anh tôi, về thân phận của một người trí thức chân chính sống giữa bụi bậm của cuộc đời trần thế, để rồi từ giả chốn trần thế đầy bụi bặm này trong sự tiếc thương của những người lương thiện.

Sự kỳ ảo của con bướm vàng đậu trên cây hoa mộc giữa sân vườn nhà chùa với con bướm trong câu chuyện anh Cao Huy Thuần kể có mối liên quan gì không? Tôi day dứt tự hỏi, để càng thêm thương nhớ anh tôi.

Anh tôi vẫn sống trong tôi, bên tôi, với niềm thương nhớ khôn nguôi đó. Tôi viết “Chuyện con bướm vàng” trong nỗi nhớ thương đó và cũng để ngẫm sâu hơn về cuộc đời tôi đang ngụp lặn trong đó với một thân phận của một người muốn sống cao thượng như anh tôi.

Ngày 1.7.2023

Chú thích ảnh:

Hình 1: Hình ảnh chép trên mạng chỉ để minh hoạ.

Hình 2: Hình ảnh chép trên mạng về chùa Quốc Ân, nhưng không như trong hồi ức tôi nhớ lại.

Hình 3:  Tấm hình chụp Thiền sư Lê Mạnh Thát tiếp tôi tại nhà của ông.

Hình 4:  Giáo sư Cao Huy Thuần.

Comments are closed.