Lời mở đầu Hội thảo khoa học nhân giỗ đầu nhà văn Nguyễn Minh Châu

Nguyên Ngọc

Cách đây một năm, đúng ngày này, 16 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ, chúng ta đau đớn vĩnh biệt một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học hiện đại Việt Nam: anh Nguyễn Minh Châu. Tôi nghĩ, tôi sẽ diễn đạt không sai khi nói rằng cho đến nay, sau một năm với bao biến động xôn xao, nỗi đau và niềm tiếc thương vô hạn của chúng ta trước sự mất mát này vẫn còn tươi nguyên, còn rớm máu không hề phai. Thậm chí, với thời gian nó còn sâu sắc hơn. Với thời gian, đọc lại anh, ngẫm nghĩ thêm, nhìn lại và suy ngẫm thêm về xã hội và về văn học, nhìn lại phía sau, nhìn ngày hôm nay và nhìn về phía trước, chúng ta càng hiểu thêm ra về tầm lớn và chiều sâu của nỗi mất mát không gì bù đắp được này.

Nguyễn Minh Châu là nhà văn có vị trí rất đặc biệt trong đời sống văn học ta khoảng vài ba chục năm trở lại đây, đặc biệt trong khoảng thời gian hơn 10 năm nay, tức là thời kỳ mà văn học ta đang có những sự chuyển động rất phong phú, sâu sắc và phức tạp, một thời kỳ trở mình, trở dạ quằn quại của đất nước, của xã hội, của con người, của văn học.

Nói đến Nguyễn Minh Châu, chúng tôi nghĩ, trước hết là nói đến vị trí rất đặc biệt, rất đặc sắc của anh trong cái cuộc trở dạ đau đớn và sinh thành ấy.

Nguyễn Minh Châu là nhà văn thuộc lớp giữa, lớp bắt đầu cầm bút từ những năm miền Bắc hòa bình và xuất hiện trên văn đàn trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Trong thế hệ đó, anh là người cảm nhận ra sớm nhất, sâu xa nhất, tận máu thịt tâm tưởng mình cái yêu cầu bức bách sống còn của cuộc trở dạ nọ, mà ngày nay chúng ta gọi là công cuộc đổi mới. Đổi mới xã hội. đổi mới con người, đời sống, tâm tưởng, thân phận con người, đổi mới văn học. Và lặng lẽ, âm thầm, khiêm nhường mà cực kỳ dũng cảm, anh kiên định đi vào con đường đầy chông gai và hiểm nguy đó. Lặng lẽ, bởi vì cuộc tìm kiếm thật sự nào, nhất là với những người đi tiên phong, bao giờ cũng ít hay nhiều là đơn độc, lắm khi lẻ chiếc đến cô đơn. Dũng cảm, bởi vì đối với nhà văn, mỗi sự đổi thay có tính khám phá, như chính lời anh nói, bao giờ trước hết cũng là sự đổi thay, tự đổi mới, “tự thay máu” của chính mình.

Và trên con đường đó, cho đến hôm nay trong số tất cả chúng ta, tôi nghĩ có thể khẳng định Nguyễn Minh Châu là người đã đi được xa nhất.

Thời gian, nhà phê bình nghiêm khắc và công bằng ấy, rồi sẽ xác định lại đúng đắn hơn nữa vị trí của Nguyễn Minh Châu. Song tôi nghĩ hôm nay có lẽ cũng đã có thể nói không sai rằng Nguyễn Minh Châu thuộc số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay.

Một nhà văn lớn bao giờ nhất thiết cũng là một nhân cách lớn. Và thường vẫn vậy, dường như tạo hóa bao giờ cũng dành cho những con người ấy một số phận rất khắc nghiệt. Như để mài giũa thêm cho càng sắc sảo và sáng rõ hơn tài năng và nhân cách ấy.

Cuộc đời Nguyễn Minh Châu là một cuộc đời như vậy. Con người đó, khiêm nhường lầm lũi giữa đời sống hàng ngày, lại cũng là một con người không biết khuất phục. Không khuất phục trước mọi thế lực phi nhân và ngu dốt đủ kiểu, hoặc uy hiếp, phỉnh nịnh, nhiễu sự hay hiềm khích. Không khuất phục trước cả cái chết.

Tôi có cái may mắn đau đớn được gần anh Châu trong một số ngày tháng cuối cuộc đời anh. Tôi có thể nói rõ điều này: anh đã làm việc, đã viết, với ngòi bút của mình, anh đã chiến đấu cho đến giây phút cuối cùng của mình. Anh đã lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ, không mệt mỏi cho đến tận ngày cuối đời, kê từng trang giấy lên chiếc gối trên giường bệnh mà viết giữa hai cơn kịch phát bệnh ung thu máu hiếm nghèo, trốn vợ con, trốn thầy thuốc mà viết, đối diện với cái chết đen ngòm đang đến sát sàn sạt trước mặt mà viết, rứt từng mẩu sống cuối cùng của mình ra mà viết, viết cho đến giờ hấp hối, cho đến giây tận cùng trước cơn hôn mê. Và những trang cuối cùng anh để lại cho chúng ta, truyện ngắn cuối cùng của anh, Phiên chợ Giát, kỳ diệu thay, là một trong những truyện ngắn hay nhất của anh, một tuyệt tác của văn học hiện đại chúng ta. Lời tuyệt mệnh gửi lại cho đời ấy của Nguyễn Minh Châu mang nặng đầy ý nghĩa xã hội nóng cháy hôm nay và cũng gọi về những gì đó vĩnh cửu của con người trong cõi nhân quần quằn quại này, giữa cái vô tận của không gian thời gian, của vũ trụ vĩnh hằng. Cho đến ngày cuối cùng Nguyễn Minh Châu vẫn viết kỹ từng chữ, từng chữ nặng sâu trầm lắng. Cả đến cái chết cũng không uy hiếp nổi ngòi bút vững chãi và đầy trách nhiệm với cuộc đời với con người của anh.

Hôm nay hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà buổi họp mặt tưởng nhớ Nguyễn Minh Châu nhân ngày giỗ đầu của anh lại được tổ chức tại trường Nguyễn Du này. Nguyễn Minh Châu gắn liền với sự đi tới trăn trở mà giàu triển vọng của văn học ta hiện nay. Nguyễn Minh Châu gắn bó với nền văn học đang trở mình đi tới trong cuộc tìm kiếm vật vã, với từng người cầm bút tâm huyết, đặc biệt với từng người viết trẻ, như một tấm gương sáng về tài năng, lương tâm, trách nhiệm và nhân cách của người cầm bút, như một người thầy gần gũi và thân thiết, còn hơn thế nữa, như một người dẫn đường tận tụy và dũng cảm.

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu dẫu bị khắc nghiệt cắt đứt giữa đường, vẫn đã hết sức phong phú. Nhất định rồi sẽ cần có cả một khoa nghiên cứu về nhà văn hết sức đặc sắc này của một giai đoạn đặc sắc như giai đoạn mấy mươi năm nay của văn học ta. Hôm nay chúng ta họp mặt ở đây không hề có tham vọng dẫu chỉ là mở đầu một công cuộc nghiên cứu toàn diện về Nguyễn Minh Châu.

Chúng ta họp mặt nhau hôm nay để thành tâm tưởng niệm một nhà văn tài năng và có cống hiến lớn, và cũng hết sức gần gũi thân thiết với mỗi chúng ta. Trong ngày giỗ đầu này của anh, chúng ta sẽ cùng nhau gợi lại một số hình ảnh của anh, thử trao đổi với nhau ít nhiều suy nghĩ về đời sáng tác của anh. Có lẽ chủ yếu là để gợi thêm cho nhau tiếp tục suy nghĩ về Nguyễn Minh Châu, con người, nhà văn, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu. Để mà từng người, bằng cách của mình, tiếp tục con đường Nguyễn Minh Châu đã khai phá cho một tương lai văn học vì con người, vì con người hơn nữa, như Nguyễn Minh Châu suốt đời từng phấn đấu và mong ước.

 

Lời mở đầu Hội thảo khoa học nhân giỗ đầu nhà văn Nguyễn Minh Châu (do Hội Nhà văn Việt Nam, Trường viết văn Nguyễn Du, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà xuất bản Văn học phối hợp tổ chức) tại Trường viết văn Nguyễn Du ngày 12.1.1990.

Tuần báo Văn nghệ, Hà Nội 1990, s.7 (ngày 17.2)

Comments are closed.