Đêm giữa ban ngày (kỳ 10)

17

Huỳnh Ngự không vội vã mở đầu công việc hàng ngày.

– Nào, bây chừ anh viết cho tui một cái báo cáo, ngắn thôi, một hai trang là đủ. – y nói, giọng ngọt sớt.

Tôi nhìn y, chờ đợi.

– Về Nguyễn Lương Bằng.

Tôi ngẩn người, tưởng mình nghe không rõ.

– ???

– Phải. Về Sao Đỏ.

Trời hỡi, đây là Trại giam Hà Nội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Hỏa Lò của Chính phủ Bảo hộ?

Đó là sự thật. Y nói với tôi bằng giọng nghiêm túc. Tôi không nghe nhầm. Đúng là người ta đang ra lệnh cho tôi viết một bản khai về Nguyễn Lương Bằng, như về một tên đồng vụ.

Chuyện gì đang xảy ra bên ngoài những bức tường đá Hỏa Lò? Chẳng lẽ người như Nguyễn Lương Bằng cũng đã bị bắt? Không, không thể thế được. Nếu Nguyễn Lương Bằng đã bị bắt Huỳnh Ngự sẽ nói bằng giọng khác, với những từ khác. Y sẽ nói đại loại: “Nè, bây chừ anh viết cho tôi một báo cáo về thằng Bằng, Nguyễn Lương Bằng. Anh biết hắn quá mà!”

Hay là… Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đã làm đảo chính?

Khi còn ở ngoài tôi đã nghe người ta thì thào với nhau về khả năng Lê Đức Thọ truất quyền Lê Duẩn một ngày nào đó. Bề ngoài quan hệ Duẩn – Thọ có vẻ khăng khít đấy, thân thiết đấy, nhưng quan sát sự lộng hành của Thọ những người tinh ý cho rằng chẳng chóng thì chầy liên minh này sẽ tan vỡ. Dấu hiệu rạn nứt đầu tiên mà tôi thấy là thái độ coi thường Lê Đức Thọ của anh con rể Lê Duẩn, trước cùng học với tôi ở Moskva. Ai cũng biết mật thám riêng của Thọ đầy rẫy khắp nơi, Thọ không thể không biết thái độ của người nhà Lê Duẩn đối với mình.

Khôi hài thật, nếu như Lê Duẩn cũng bị đưa vào đây, ở xà lim bên cạnh.

Tôi suy nghĩ rất lung. Tại sao Huỳnh Ngự, một tên nhãi nhép tính về thâm niên cách mạng so với Nguyễn Lương Bằng lại dám bắt tôi làm bản khai về bậc tiền bối mà y xách mé gọi bằng tên trống không? Phải có một cái lý nào chứ? Chẳng gì hiện tại Nguyễn Lương Bằng vẫn đường đường là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, về mặt chính quyền còn là chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của chính phủ.

Đầu thập niên 60 cha tôi đang làm vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao thì bỗng có quyết định của Trung ương cử đi học trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Việc cha tôi phải rời Bộ Ngoại giao liên quan tới bộ trưởng Ung Văn Khiêm[1]. Ông Khiêm là người có học, như phần đông những nhà mác-xít đầu tiên của Nam Bộ. Uy tín của ông trong hàng ngũ cách mạng cao hơn Lê Duẩn nhiều. Điều này trở nên bất lợi cho ông khi Lê Duẩn thành tổng bí thư. Lê Duẩn không ưa Ung Văn Khiêm, luôn thọc gậy bánh xe, tìm cách tống Ung Văn Khiêm về hưu. Vụ bản Tuyên bố chung Hồ Chí Minh ký với lãnh tụ đảng cộng sản Tiệp Khắc Novotny[2] do Ung Văn Khiêm thảo theo tinh thần Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế tại Moskva, Hồ Chí Minh duyệt rồi ký, sau Lê Đức Thọ đổ riệt trách nhiệm cho một mình Ung Văn Khiêm làm không đúng đường lối của Đảng để đưa ông ra khỏi Bộ Ngoại giao. Trong việc này bàn tay Lê Duẩn rất rõ.

Nhưng đó là chuyện về sau. Hồi đó ông Ung Văn Khiêm thấy cha tôi cứ phải giữ chức vụ trưởng mãi là không hợp lý, mới đề xuất cha tôi làm thứ trưởng. Bộ Chính trị không hài lòng về việc này. Có người cho rằng đó là do Lê Duẩn, với tính cách kẻ muốn sở hữu quyền lực tuyệt đối, vốn không ưa những lời nói ngược, mà cha tôi lại quá thẳng tính. Có thể ông vô tình nói ra một lời chỉ trích nào đó đối với những chủ trương hoặc việc làm của Lê Duẩn. Có người nói Lê Duẩn không ưa Ung Văn Khiêm, nên hay cản trở những điều ông Khiêm muốn làm, tôi thấy nhận xét đó có lý hơn. Trong thực tế, mọi việc Ung Văn Khiêm làm đều không được Lê Duẩn ủng hộ. Tuy nhiên, cả hai giả thuyết đều có căn cứ.

Đưa đi học Nguyễn Ái Quốc là cách nhẹ nhàng buộc cán bộ rời chức vụ. Cha tôi cũng biết như vậy. Học xong khóa Nguyễn Ái Quốc, cha tôi chuyển sang công tác tại Ủy ban thanh tra của chính phủ. Ông Nguyễn Lương Bằng kéo ông về làm với mình.

Trong công tác thanh tra, cha tôi tìm ra bằng chứng về sự lộng hành vi phạm các chế độ tài chính của Nhà nước ở một số nhân vật lãnh đạo. Ông đề nghị đưa việc này ra ánh sáng. Ông Nguyễn Lương Bằng vội gạt đi:

– Việc tế nhị, ta phải xin ý kiến Bác đã.

Cha tôi nói:

– Đây là việc có chứng cứ rành rành, anh việc gì mà ngại. Đảng đã phân công chức trách cho ta thì ta làm, hà tất lúc nào cũng phải xin ý kiến Bác. Anh lành quá, anh Cả ạ. Đảng giao cho anh thanh kiếm để anh bảo vệ sự trong sạch của Đảng mà anh không dám dùng nó thì nó rỉ mất thôi!

Tôi tình cờ được nghe mẩu đối thoại trên khi đưa nước sôi lên cho cha tôi pha trà tiếp ông Cả.

– Thấy việc bất bình mà ngoảnh mặt đi đã là tồi. Được giao chức trách bảo vệ dân mà thấy kẻ xâm phạm quyền lợi của dân thì bó tay ngồi đấy, sợ đụng phải chúng nó quan to chức lớn còn tồi hơn. – cha tôi than thở với ông Đặng Kim Giang – Tình cảnh như thế thì mày tính, tao còn ngồi đấy làm gì? Tao nói thẳng với Sao Đỏ: “Không dám làm việc theo lương tâm là làm trái lương tâm. Người quân tử không hành đạo là trái đạo! Anh để tôi về hưu”.

Tôi biết Nguyễn Lương Bằng từ năm tôi lên mười. Một hôm cha tôi trở về khuya, mặt đăm chiêu. Ông nói nhỏ với mẹ tôi: “Anh Sao Đỏ vượt ngục rồi!”

– Anh ấy hiện ở đâu? – mẹ tôi lo lắng.

– Đang đợi xem sao. Tụi nó lùng dữ lắm. Treo giải thưởng một vạn đồng Đông Dương cho cái đầu Sao Đỏ.

– Đã có chỗ trốn cho anh ấy chưa?

– Mình phải lo cho anh ấy thôi!

Mẹ tôi nói rằng không thể để Sao Đỏ ở nơi nào khác, mọi chỗ đều không an toàn, đều nguy hiểm. Phải đưa ông về nhà mình. Đó chính là chỗ mật thám ít ngờ nhất – chúng không nghĩ Nguyễn Lương Bằng lại về nhà người bạn tù vừa được tha.

Hôm sau cha tôi mang về tờ Tin Mới với dòng nhắn tin trong mục Rao vặt: “Ông Cả Hà Đông hiện ở đâu, về nhà ngay, cả nhà đang đợi ông”.

Một người đàn ông gày gò, đen đủi tới nhà tôi vào ban đêm rồi ở lại hẳn. Căn phòng nhỏ, nơi ở của chị Tường, người trông chúng tôi, được dọn dẹp lại dành riêng cho ông, lũ trẻ chúng tôi không được phép ra vào. Chúng tôi được bố mẹ dặn đi dặn lại rằng người ở trong nhà chúng tôi tên là Bác Cả Hà Đông và cấm chỉ không được nói với ai bác đang ở đây. Chị Tường ngoan đạo đã được cha mẹ tôi huấn luyện để biết cách bảo vệ cán bộ[3].

Tên gọi Bác Cả Hà Đông còn lại rất lâu trong trí nhớ của chúng tôi. Bí danh Ông Cả, Anh Cả của ông Nguyễn Lương Bằng có từ ngày đó. Nếu nó có trước chắc cha tôi đã không dám dùng nó trong mục Rao vặt để tìm ông.

Cha tôi đem về nhà một cái máy thu thanh Phillips, để nó trong phòng bác Cả. Đêm đêm cái mắt thần của nó ánh lên màu xanh lục trong vắt rất đẹp. Chính quyền thuộc địa bắt dân phải mang máy thu thanh đến Nha Bưu chính để kẹp chì không cho nghe đài ngoại quốc, chỉ được nghe đài Hà Nội và Sài Gòn. Cái máy Phillips không đăng ký, không bị kẹp chì, vẫn bắt được mọi đài trên thế giới. Đêm đêm bố mẹ tôi và bác Cả Hà đông ngồi rất khuya, áp tai vào bên loa nghe tiếng thì thào của nó. Bác Cả ở nhà tôi mấy tháng liền, cho tới khi vụ vượt ngục nhạt dần mới bỏ đi. Mẹ tôi sắm cho ông đủ lệ bộ để thành một ông chánh tổng hoặc lý trưởng ra tỉnh: ô Lục Soạn, áo the thâm, giày Gia Định…

Khi Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La ông được một thanh niên người Thái trắng dẫn đường. Đưa ông đi khỏi địa phận Sơn La xong, trở về nhà anh bị Pháp bắt đem chặt đầu. Tôi đã tới bản Giảng, cách nhà tù Sơn La vài cây số, vào mùa thu năm 1965, để thăm gia đình anh thanh niên nọ. Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo chỉ còn lại bà mẹ anh, một bà lão lẩm cẩm, điếc lác, hỏi năm câu mới trả lời được một, câu trả lời lại chẳng ăn nhập gì với câu hỏi.

Thế mà người tù vượt ngục Nguyễn Lương Bằng chưa một lần trở lại bản Giảng để thăm hỏi bà lão tội nghiệp. Rõ ràng, ông là người không có ân nghĩa. Người đem cả sinh mạng mình giúp ông mà ông còn quên, nói chi đến đồng chí.

– Tôi biết rất ít về ông Nguyễn Lương Bằng. – tôi nói với Huỳnh Ngự – Từ ngày hòa bình lập lại ông ít đến nhà tôi.

– Anh nói sai rồi. Nguyễn Lương Bằng đến nhà anh nhiều nhất đấy.

Tôi nhún vai:

– Tôi làm sao biết được ông ấy đến nhà ai nhiều nhà ai ít.

– Nhưng anh sẽ viết chớ?

– Tôi biết viết gì về ông ấy. Chuyện quan điểm không phải chuyện để ông Nguyễn Lương Bằng nói với tôi.

Huỳnh Ngự tủm tỉm cười. Y ngả người trên ghế, đôi mắt lim dim.

– Tui có bảo anh viết dài đâu. Viết ít cũng được. Chỉ vài dòng cũng là báo cáo, miễn là báo cáo cho xác thực. Không cứ điều chi mình trực tiếp biết mới báo cáo. Anh cứ viết tuốt tuột những chi anh nghe được ở người khác, ông già kể lại chẳng hạn. Hoặc những chi ông già nói chuyện với người nào về Nguyễn Lương Bằng mà anh nghe thấy…

– Tôi nghe người ta nói nhiều về ông Nguyễn Lương Bằng. – tôi nói, làm ra vẻ thiện chí.

– Họ nói những chi?

– Chẳng hạn, ông là người rất liêm khiết, tuy hơi lẩm cẩm. Thời bí mật ông giữ quỹ Đảng, buồn cười lắm, ăn một hào ông cũng ghi sổ, qua đò mất một xu cũng ghi, mật thám mà bắt được cuốn sổ ấy thì chúng biết hết ông đi những đâu, ăn cơm đầu ghế hay ăn ở cơ sở không mất tiền…

– Cái nớ khỏi cần đưa vô báo cáo. – Huỳnh Ngự nhăn nhó – Anh nghe ông già nói chi về quan điểm của Nguyễn Lương Bằng?

Lại quan điểm! Cái gì Huỳnh Ngự nói rồi cũng dẫn tới chỗ ấy. Nó đã trở thành khối u trong não y.

Cha tôi rất quý Nguyễn Lương Bằng. Kỷ niệm về tình bạn của hai người tại nhà tù Sơn La còn lại một tấm ảnh cỡ 6 x 9, cả hai còn trẻ trong bộ quần áo cánh trắng với hàng số tù trên ngực. Tấm ảnh, nếu nó may mắn, chắc còn được giữ lại trong Viện bảo tàng cách mạng. Tôi nói nếu nó may mắn vì sau khi cha tôi bị bắt mọi hiện vật có dính dáng tới ông trong bảo tàng đều bị bỏ đi. Những hình ảnh của cuộc Cách mạng Tháng Tám có ông trong đó không thể bỏ được thì bị sửa lại, sao cho không nhận được người trong ảnh là ai. Kể cả những thước phim hiếm hoi mà kiều bào ta ở Pháp ghi lại về chuyến đi của phái đoàn Việt Nam sang dự Hội nghị Phôngtenơblô (Fontainebleau) cũng bị sửa lại, mặc dầu sửa phim xi-nê khó hơn sửa ảnh nhiều. Tấm ảnh ông Võ Nguyên Giáp và cha tôi di duyệt đội quân Giải phóng từ chiến khu Tân Trào về Hà Nội cũng bị sửa, cha tôi biến thành người khác.

Tại nhà tù Sơn La, Nguyễn Lương Bằng làm y sĩ, gọi bằng phe-mì[4]. Bề ngoài công việc của ông là trông nom tù ốm, bề trong ông là người lãnh đạo tù nhân chính trị. Cha tôi viết chữ đẹp, ban lãnh đạo tù nhân liền chạy cho cha tôi chân thư ký bàn giấy để việc liên lạc giữa các banh[5] được thuận tiện. Nội vụ trong tù đều do Ban đại diện tù nhân sắp xếp. Cùng tù với cha tôi có nhà cách mạng Tô Hiệu nổi tiếng, các ông Đặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Lưu Động, Kỳ Vân – những người sau này bị bắt giam trong vụ “nhóm xét lại chống Đảng” – và cả hai hung thần của họ là Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn.

– Chuyện nhà tù Sơn La thì tôi có nghe. – tôi nói với Huỳnh Ngự – Chuyện quan điểm của ông Nguyễn Lương Bằng thế nào thì tôi không nghe nói.

– Hoàn toàn không? Nè, anh Hiên, tui nghe anh cũng muốn tin mà thấy khó tin quá. Tui muốn anh nói tui nghe nhận xét của riêng anh thôi về thái độ chánh trị của Nguyễn Lương Bằng, nói đại thể thôi, không cần đi sâu vào chi tiết. Trúng cũng được, mà trật cũng không sao. Chẳng lẽ khi Nguyễn Lương Bằng đến nhà anh chơi mà anh lại không ngồi tiếp khách cùng ông già, không nghe ổng nói chi về quan điểm, đường lối?

– Đâu có chuyện vô lễ như vậy được! Khách của cha là khách của cha, con cái không được phép hóng chuyện, không được phép nói leo. Gia giáo ở miền Bắc là thế!

Mỗi gia đình có phép tắc của nó. Đối với cha tôi, tôi mãi mãi là đứa trẻ. Nghe người trong nhà kể lại thì bác cả tôi khi đã đi làm rồi, có con cái rồi vẫn bị ông nội tôi đánh đòn bằng phất trần khi có lỗi.

Tôi nói dối. Tôi là đứa trẻ hư. Tôi bị cha tôi mắng nhiều về cái tật hóng chuyện người lớn. Chính nhờ thói xấu này mà trong trí nhớ của tôi còn giữ lại được những chuyện nên nhớ.

– Anh cứ viết ra những gì anh biết. Tui sẽ gợi ý thêm.

Tôi thở dài, chán ngán.

Thôi được, tôi sẽ viết về Sao Đỏ, người anh hùng thời thơ ấu của tôi. Viết những kỷ niệm không bao giờ phai nhòa về ông trong trí nhớ. Vào phút đó trước mắt tôi hiện lên hình ảnh ông Cả Hà Đông quần ống thấp ống cao đi khỏi nhà tôi, xách theo mấy viên ngói trong mảnh vải thay tay nải. Đó là ông đóng vai một người nhà giàu ở quê ra, được ai mách bảo tới nhà tôi mua đống ngói xếp ở lối cổng, ngoài đường nhìn vào ai cũng thấy. Vai kịch không chắc chắn lắm, vì đống ngói không phải của nhà tôi mà của nhà ông Trần Trọng Kim[6] ở sát nách, chung sân. Chẳng may mật thám hỏi thì phiền, may, chúng để ông đi qua không nghi ngờ.

Tôi trở về xà lim, ngồi yên lặng. Thành ngạc nhiên:

– Cậu sao buồn vậy?

– Tôi mệt. – tôi trả lời cho qua chuyện.

Còn trời, còn đất, còn non nước,

Có dễ ta đâu mãi thế này!

Thành lại ngâm thơ. Anh biết tôi đau, và anh không muốn chạm vào vết thương của tôi. Tôi nằm xuống, gối đầu trên đôi tay. Tôi nghe trong tiếng ngâm thơ buồn bã của Thành có âm hưởng của giọng hát ru con quen thuộc của vùng đồng bằng quê hương. Tôi cảm thấy được vỗ về, được an ủi.

Tôi đắm chìm trong những suy nghĩ miên man. Không, tất nhiên tôi sẽ không nói điều gì làm hại ông Nguyễn Lương Bằng. Ông đang bị mưu hại. Người ta, qua Huỳnh Ngự, muốn có những lời khai của tôi, với tư cách con của bạn ông, để dùng chúng làm bằng chứng buộc tội ông. Mưu toan buộc tội ông là rõ ràng, nhưng buộc ông vào tội gì thì tôi không thể đoán được. Chí ít thì ông cũng có tội quan hệ với cha tôi. Quan niệm về tội trong chủ nghĩa xã hội lạ lắm – nếu Nguyễn Lương Bằng có quan hệ bằng hữu với cha tôi, tất phải biết quan điểm chính trị của cha tôi, mà không báo cáo với Đảng có nghĩa là ông có tội.

Cuộc hỏi cung dẫn tôi về quá khứ gian khổ của những chiến sĩ cách mạng thời kỳ bí mật. Hình ảnh những cuộc vây bắt, những tiếng thì thào trong đêm của những người đang bị truy lùng, những người tù bị xích tay từng cặp xuống bến Phương Lâm qua thị xã Hòa Bình trong buổi sáng có sương mù trên sông Đà, cha tôi bên kia tấm lưới sắt Hỏa Lò… lướt qua trước mắt tôi. Những người cách mạng năm xưa đã xây dựng nên cái gì vậy?

Theo cái que chỉ của thợ cả, những người thợ rèn ngày đêm quai búa, hình dung mình đang làm nên bông hoa hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng khi ngẩng đầu lên để lau mồ hôi đầm đìa trên mặt họ chợt nhận ra rằng trước mặt mình không phải bông hoa, mà là cái cùm kiên cố.

Cho đồng bào. Và cho chính họ.

18

Cái làm cho tôi suy nghĩ nhiều hơn cả trong những ngày tù đầu tiên là: lý do gì đã làm cho Lê Duẩn đồng tình với Lê Đức Thọ trong việc làm bất minh, thậm chí không hợp với tính cách anh chị của Lê Duẩn là dùng lối vu vạ để trấn áp những người chưa từng chống lại Duẩn? Và, hai là, việc bắt bớ diễn ra không phải vào lúc nào khác, mà chính là lúc này?

Tôi biết quá ít về nhà lãnh đạo nổi tiếng quyết đoán để có nhận định riêng. Những nhận xét của người khác về nhân vật này mà tôi nghe được không làm tôi hài lòng. Họ cũng chỉ biết về Lê Duẩn trong vai trò người chỉ huy, người lãnh đạo, về một số công việc Lê Duẩn đã làm trong miền Nam. Rất ít người được biết Lê Duẩn trong đời thường. Mà con người trong đời thường bao giờ cũng thật hơn, đúng hơn, giống họ hơn là khi ta nhìn họ trong trạng thái trưng diễn.

Tôi chỉ là một nhà báo quèn, tính theo bậc lương. Trong nấc thang đánh giá cán bộ theo mức độ tin tưởng của Đảng thì địa vị của tôi còn tệ hơn – tôi ở bậc cuối cùng. Trong số rất ít phóng viên được thoải mái ra vào cung đình có lẽ chỉ có Thép Mới[7] là người gần Lê Duẩn hơn cả. Điều đáng chú ý là trong kháng chiến chống Pháp anh cũng là người được Trường Chinh sủng ái. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vốn có thói quen không dùng đệ tử của người tiền nhiệm, thế mà Lê Duẩn vẫn tiếp tục sử dụng Thép Mới, mới lạ. Đủ hiểu anh được Lê Duẩn tín nhiệm đến thế nào. Còn tại sao anh lại được hưởng cái vinh dự ấy thì không ai biết. Sau chiến thắng năm 1975 Lê Duẩn dành riêng cho anh cái vinh dự không ai có được là chấp bút cho tổng bí thư viết cuốn Thời Thắng Mỹ. Đó là bản anh hùng ca xưng tụng vị tổng bí thư anh minh một mình một ngựa lãnh đạo cuộc kháng chiến tới ngày toàn thắng. Hình ảnh Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh trong cuốn sách nhập nhòa như mấy cọng tầm gửi.

Cuốn sách gây ra nhiều tranh cãi. Nó bóp méo lịch sử. Những cán bộ tuyên giáo nói: đó là quan điểm của Đảng đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những người Nhưng đó là cuộc tranh cãi trong bóng tối, không ồn ào. Người Việt Nam khôn. Không ai dại gì để cho công an biết những ý nghĩ của họ.

Những người gần gụi và hiểu Lê Duẩn nói với tôi rằng bệnh “kiêu ngạo cộng sản” trong con người Lê Duẩn đã có ngay từ khi Lê Duẩn bước lên địa vị lãnh đạo tại miền Nam. Cộng với bệnh “kiêu ngạo cộng sản” là bệnh độc đoán, coi thường quần chúng. Nói “kiêu ngạo cộng sản” là cách nói sang, áp dụng cho các nhà lãnh đạo. Chứ trong đời thường, đó chẳng qua là tính cách anh chị của một “bố già”, trùm băng.

Song song với Thời Thắng Mỹ, phải kể cuốn Đại Thắng Mùa Xuân của đại tướng Văn Tiến Dũng[8] do Hồng Hà, em ruột Thép Mới, về sau này làm tổng biên tập báo Nhân dân, chấp bút. Nếu như Thời Thắng Mỹ được ca tụng như một tuyệt tác chính trị thì Đại Thắng Mùa Xuân bị phê phán khá gay gắt tuy nó cũng chẳng khác gì Thời Thắng Mỹ ở chỗ tác giả cũng tự bốc thơm một cách không giấu giếm. Văn Tiến Dũng quên một điều sơ đẳng: cái Lê Duẩn làm được thì Văn Tiến Dũng, dù có là đại tướng, không được phép làm.

Hồi ký Những Năm Tháng Quyết Định của đại tướng Hoàng Văn Thái[9] được người đọc đánh giá là khá nghiêm túc và có phần nào khoa học. Vì nghiêm túc, nó chìm trong im lặng. Tôi không được đọc cuốn này. Ở Sài Gòn, trừ những cuốn sách của các lãnh tụ bắt buộc phải bày trong tủ kính, các cửa hiệu sách chỉ bày các sách bán chạy.

Vai trò nhân dân được nhắc đến nhiều hơn cả trong cuốn Kết Thúc 30 Năm Chiến Tranh của thượng tướng Trần Văn Trà[10]. Những sĩ quan có mặt trong suốt cuộc chiến cho nó là cuốn sách chân thực nhất, đúng với nghĩa hồi ký, trong đó tác giả muốn nhìn lại và khách quan đánh giá các sự kiện chứ không phải muốn khoe mẽ. Kết Thúc 30 Năm Chiến Tranh[11] vừa được in ra ở Sài Gòn đã bị Lê Đức Thọ gọi điện vào ra lệnh thu hồi và cấm lưu hành.

Tôi kể về mấy cuốn sách để nói rằng sau chiến tranh mọi sự không êm đềm trong ngôi nhà người chiến thắng. Bên ly rượu liên hoan đã có những nụ cười gượng gạo che giấu những cặn đắng trong tim.

Tôi gặp thượng tướng Trà tại nhà riêng của ông ở đường Pasteur, chính vào giai đoạn cuốn sách của ông bị coi là “có vấn đề”. Cũng vào hồi này viên tư lệnh nổi tiếng trong trận đánh chiếm Sài Gòn đang cùng các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng dùng Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ đấu tranh cho đổi mới, đòi mở rộng tự do dân chủ. Người thấp, mảnh khảnh, nụ cười hiền, ông khoe với tôi thứ cỏ quý ở sân nhà ông – cỏ Hàn Quốc, rất thấp, mọc đều tăm tắp, lá nhỏ li ti. Ngôi nhà, nghe nói là của một dược sĩ bỏ chạy trong những ngày tháng 4. 1975. “Mình ở nhờ thôi – ông nói – chủ nhà về thì trả lại họ”. Ông đòi tôi kể cho ông nghe về vụ án "nhóm xét lại chống Đảng". Tôi kể qua loa, rất vắn tắt. Tôi đã ngán kể về nó. Hồi ở R[12]., ông nói, ông có nghe nói về một vụ “xử lý nội bộ” nào đó, khi ấy ông đang bận tổ chức đường dây trên biển để chuyển vũ khí vào Nam nên ông không chú ý, ai ngờ sự việc lại trầm trọng đến thế. Ông nghe chăm chú, vẻ mặt đăm chiêu. Được nhà báo Thái Hồng và tướng Tô Ký[13] giới thiệu trước về tôi, cho nên ông không có thái độ dè chừng, là thái độ thường có trong cuộc gặp gỡ giữa hai người không quen biết, nhất là vào thời gian ấy.

Cuộc gặp gỡ để lại trong tôi ấn tượng dễ chịu – có vẻ Trần Văn Trà là nhà lãnh đạo mà những người cộng sản cấp tiến muốn có. Ông biết nghe, biết tranh luận bình đẳng, biết rút lui ý kiến trước lẽ phải. Tiếc thay, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lại không ưa Trần Văn Trà, cũng như đối với những người bỗng dưng nổi bật trong những tình huống không được dự kiến, Đối với những kẻ không được lòng tập đoàn Duẩn-Thọ, cách thông thường được áp dụng là cho những người như thế giữ một chức vụ làm vì, nói nôm là ngồi chơi xơi nước.

Trong ngôn từ báo chí phương Tây người ta dùng “bức màn sắt” để chỉ Liên Xô, nước cái gì cũng là bí mật đối với thế giới bên ngoài. Sau “bức màn sắt” đến “bức màn tre”, để chỉ mấy nước cộng sản châu Á. Người ta không hề biết rằng ngay tại các nước đó, “bức màn tre” không chỉ dành cho người phương Tây mà cho chính người nước đó. Đảng có thể giết người ở một nhà, mà hàng xóm nhà ấy không biết.

Tướng Trà mời tôi tới nhà với ý định rủ tôi cùng làm tờ Truyền Thống Kháng Chiến, tờ báo của Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ. Ông không biết tôi trước đó, vậy thì chắc ý kiến này cũng lại là của nhà báo Thái Hồng và tướng Tô Ký. Tôi từ chối. Tôi nói tôi không sợ, nhưng tôi không tin những tiếng nói trung thực sẽ được Trung ương Đảng lắng nghe. Điều tôi tin chắc là rồi tờ báo sẽ bị đóng cửa, không nay thì mai, và những người làm báo không thể tránh khỏi bị khủng bố. Tôi mong ông tiên liệu chuyện này. Tướng Trà cho rằng cái nhìn của tôi đen tối, chứ bây giờ tình hình đã khác, bây giờ Đảng đã thấy cần thiết phải có sự góp ý với Đảng của nhiều người, nhằm nhanh chóng xây dựng lại đất nước. Chúng tôi tranh luận chút ít bên bàn trà rồi chia tay, mỗi người giữ ý của mình. Tướng Trà bảo dù sao thì tôi cũng nên tới trụ sở Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ để gặp anh em, nếu không đứng trong tờ báo thì cũng góp ý kiến. Tôi đã đến, nhưng tôi giữ ý kiến của mình.

Những chuyện xảy ra sau đó chứng tỏ cái nhìn không lạc quan của tôi là đúng. Tờ Truyền Thống Kháng Chiến bị cấm, những người chủ trương tờ báo bị làm khó dễ, thậm chí có người bị bắt. Nhiều năm sau chính tướng Trà lại lên án tờ Truyền Thống Kháng Chiến mà ông từng khuyến khích mọi người làm. Tôi không hiểu sao ông lại hành xử như vậy. Việc này, dù ông có phải làm trong tình thế bị ép buộc đi chăng nữa cũng làm vấy bẩn rất nhiều danh tiếng về một con người trung thực mà ông có.

Tôi có gặp lại Thép Mới vài lần sau khi anh rời miền Bắc vào sống hẳn trong Sài Gòn, khoảng cuối những năm 80. Nghe nhiều người chê Thời Thắng Mỹ về sự không trung thực, tôi hỏi anh nghĩ gì về dư luận đó. Đang vui chuyện, Thép Mới quay ra nhìn tôi như nhìn một thằng bới móc. Sau khi tin rằng tôi không có ý xấu, Thép Mới vui vẻ trở lại, anh mỉm cười bối rối: “Cậu chưa viết theo com-măng[14] bao giờ à?”. Rõ ràng là với tôi, và cũng chỉ khi có hai người với nhau, anh không muốn thừa nhận đứa con tinh thần đã trót dại đẻ ra.

Thép Mới từng là một nhà báo tài ba. Tôi đọc bản dịch tuyệt hay cuốn Thời Gian Ủng Hộ Chúng Ta của Ilya Erenburg do Thép Mới dịch trong mấy năm đầu kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi, những người lính trẻ, coi Thép Mới như thần tượng. Tôi quen Thép Mới từ những ngày đó. Năm 1956 chúng tôi gặp lại nhau tại Moskva. To béo hơn trước, không còn vẻ ngượng ngùng khi hỏi người khác về văn phong của mình, Thép Mới hỏi tôi có đọc mấy bài báo anh mới viết hay không. Tôi nói mấy lời chung chung rồi lảng sang chuyện khác. Tôi không tiện nói với anh về cảm giác của tôi – những bài báo của Thép Mới mỗi ngày một ồn ào những câu chữ sáo rỗng. Thép của anh rỉ rồi. Thép Mới cho tôi biết anh vừa cưới vợ. Vợ anh hóa ra là một bạn gái thời học trò của tôi. Chúng tôi uống rượu mừng anh lấy vợ ngay trong phòng anh tại khách sạn Belgrad.

Ba mươi năm sau, anh già xọm, mắt mờ, má chảy xệ, đã bỏ người vợ anh lấy hồi ấy, đã lấy vợ mới, nhưng chẳng còn gì để khoe. Vợ anh kể cho tôi nghe câu chuyện buồn vì sao họ bỏ nhau. Số là trong khi Thép Mới đi vào Nam (trong chiến tranh), thì Hoàng Tùng đến thăm vợ anh, toan cưỡng hiếp. Vợ anh chống lại, tống con dê già ra khỏi cửa. Khi Thép Mới trở về, nghe vợ mách, anh đã không nổi giận thì chớ, còn mắng vợ: “Cô không được phép nói chuyện này với bất cứ ai. Bôi xấu thủ trưởng của tôi cũng tức là bêu xấu Đảng. Im ngay!”.

Kể cũng nên nói vài dòng ở đây về cái sự phỏng vấn lãnh tụ. Thường thì chẳng có báo nào tự dưng phỏng vấn các vị ấy cả. Nếu Ban tuyên giáo thấy có nhu cầu quảng bá ý kiến của nhà lãnh đạo Đảng về một vấn đề nào đó thì văn phòng lãnh tụ tự sáng tác ra một bài phỏng vấn rồi gửi nó cho báo Đảng. Các báo khác sẽ đăng lại bài này. Còn khi có một phóng viên nước ngoài xin phỏng vấn thì anh ta sẽ được mời tới gặp lãnh tụ, hai bên uống trà, nói chuyện tầm phào một lát, chụp một bức ảnh chung, anh ta để những câu phỏng vấn lại, những câu trả lời anh ta sẽ nhận được sau. Những bài phỏng vấn của Winfred Burchet[15] gửi đi từ Hà Nội trong những năm chiến tranh được chế tạo đúng như thế. Trong khi chờ đợi, Burchet tối tối đi uống rượu mời của các nhà lãnh đạo văn hoá ở khách sạn Métropole hoặc Splendid (nay tên là Hòa bình), hoặc đi ăn chim quay với Nguyễn Tuân ở phố Tạ Hiền. Bài phỏng vấn rồi được gửi đi bằng télex của Việt Nam Thông tấn xã, không phải trả tiền. Tôi có gặp Winfred Burchet ở nhà Nguyễn Tuân. Ông nhận xét về Burchet: “Thằng cha này khôn lắm! Chẳng lập trường cái con mẹ gì đâu”.

Người ta phải thực hiện những bài phỏng vấn như vậy vì sợ các vị lãnh tụ nói ngẫu hứng dễ bị hớ. Đem so bài nói chuyện của Lê Duẩn với cũng bài ấy được đăng trên tờ Nhân dân thì thấy hai bài khác nhau một trời một vực. Tôi được nghe Lê Duẩn vài lần, cảm giác của tôi là chán lắm. Như thể nghe một cán bộ xóm giảng đạo Marx. Bài nói cương giọng bình dân, đôi khi lăng nhăng, lẩm cẩm, ba vạ đến nỗi người nghe không hiểu Lê Duẩn định nói cái gì, thế nhưng bài đăng báo thì khác hẳn: một bài viết đặc giọng hàn lâm, theo kiểu các lãnh tụ các nước xã hội chủ nghĩa, với rất nhiều trích dẫn các nhà kinh điển chủ nghĩa Marx. Sau mới biết những viên thư ký của lãnh tụ là tác giả.

Theo lời kể của những người biết gốc gác đương kim tổng bí thư thì Lê Duẩn quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, con một gia đình khá giả. Lê Duẩn đã học qua bậc tiểu học, có hồi làm đường sắt, giữ chân bẻ ghi, những người tâng bốc gọi là thư ký hỏa xa. Cũng theo họ, từ nhỏ ông tỏ ra có tư chất thông minh. Thông minh như thế nào thì họ dẫn ra nhiều chuyện làm bằng, tiếc thay, những bằng chứng ấy lại không chứng tỏ một hệ số thông minh cao đáng kể. Đành phải mở một cái ngoặc đơn để nói rằng người Việt ta thường hay lầm lẫn hai khái niệm thông minh và láu cá. Chúng có ranh giới khá nhòe nhoẹt. Người thông minh thường không làm nổi cái mà kẻ láu cá làm được. Ngược lại, tên láu cá có gắng mấy cũng không nghĩ ra cái mà bộ óc thông minh có.

Được trực tiếp gặp gỡ các nhà cách mạng Việt Nam, được quan sát họ ở khoảng cách gần, tôi hiểu họ là ai. Phần nhiều họ là những người yêu nước, xuất thân từ những tầng lớp trung lưu và dưới trung lưu, do ý thức được thân phận nô lệ mà theo chân các nghĩa sĩ Cần vương, Đông kinh Nghĩa thục và sau khi những phong trào phục hồi nền quân chủ thất bại thì họ theo những người cách mạng lớp đàn em có xu hướng chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn và chủ nghĩa cộng sản. Nói riêng những người sau này là đảng viên cộng sản thì trước khi vào Đảng cộng sản, họ là thành viên của các tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, Tân Việt cách mạng đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Mang danh là những tổ chức cộng sản, những thành viên của các tổ chức này không hề biết đến chủ nghĩa Marx. Họ gia nhập tổ chức chỉ vi muốn chống thực dân, giành lại nền độc lập cho xứ sở. Điều này có thể giải thích được. Phần lớn họ thuộc tầng lớp trung lưu thành thạo, kiến thức học đường chỉ gồm một chút chữ Hán, một chút quốc ngữ, cả hai chút này không đủ dùng cho sự tiếp cận triết học phương Tây, mà chủ nghĩa Marx lại bắt nguồn từ đó, với phép biện chứng của Hegel làm cơ sở. Những tác phẩm chính bản của Marx và Engels chưa từng tới Việt Nam trong thời kỳ thuộc Pháp. Những người có học nhất trong những nhà được gọi là mác-xít ở Việt Nam chỉ được tiếp xúc với chủ nghĩa Marx qua những cuốn giáo trình nhập môn. Lác đác có vài người được đọc dăm ba cuốn khảo cứu nghiêm túc bằng tiếng Pháp. Trường Chinh là một trong những người hiếm hoi đó.

Chủ nghĩa Marx thường được nói tới ở Việt Nam thực chất là chủ nghĩa Lênin, hay là chủ nghĩa Marx theo cách diễn dịch của Lênin, tước bỏ phần khoa học (nghiên cứu về hàng hóa trong chủ nghĩa tư bản, về giá trị và giá trị thặng dư), nhấn mạnh khía cạnh cách mạng bạo lực, đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Những khía cạnh này không được Đảng nói tới trong các tài liệu tuyên truyền trong thời kỳ bí mật. Điều này dễ hiểu. Vào thời kỳ đó Đảng chỉ nói nhiều tới đấu tranh phản đế, giành độc lập. Cướp được chính quyền rồi, thiết lập nhà nước Cộng hòa Dân chủ rồi, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi người ta cũng chưa nói tới nó. Chỉ sau khi đã ăn sống nuốt tươi chủ nghĩa Mao người ta mới nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, coi đó là những tín điều của Kinh Thánh mác-xít.

Chủ nghĩa Lênin là do Stalin đặt ra, từ léninisme là do Stalin dùng đầu tiên, để trình bày không phải tư tưởng của Marx về thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội cộng sản, mà là quan điểm của Stalin về những vấn đề này, cho nên gọi là chủ nghĩa Stalin mới đúng. Những nhà nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Việt Nam chỉ được tiếp xúc với những ấn phẩm do Liên Xô cung cấp. Những trước tác thời Marx trẻ không được biết đến. Nguyên do là chúng không được giới học giả Liên Xô quan tâm, hoặc giả họ biết đấy nhưng không dám nêu lên những luận điểm yêu tự do ngỗ ngược của Marx, là những cái không hợp ý Stalin. Hậu quả là những nhà nghiên cứu đàn em ở Việt Nam không có sách để mà đọc. Trong Marx có hai con người, Marx trẻ và Marx già. Marx trẻ là người dân chủ và thực tiễn, Marx già thiên về tư biện, mà là tư biện khiên cưỡng, ý muốn thuyết phục đi trước sự lý giải cần có. Trong Marx có những mục tiêu nhân bản khiến nó lôi cuốn được nhiều người, kể cả những học giả tiếng tăm ở phương Tây.

Cả hai cái đó – chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lênin hiểu đúng và hiểu không đúng, đều không phải là chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Ở Việt Nam có một chủ nghĩa cộng sản không dính dáng gì tới Marx hoặc Lênin hết. Nó là chủ nghĩa cộng sản bình dân. Nó kêu gọi đấu tranh cho một xã hội không có người bóc lột người, một cuộc sống tự do, công bằng và hạnh phúc, một địa cầu không biên giới. Nội dung của nó là như thế, không hơn không kém.

Đó chính là chủ nghĩa cộng sản mà cha mẹ tôi theo, là cái mà cha mẹ tôi muốn trao lại cho chúng tôi. Đó là một ước mơ, đến nay thì thấy nó là viển vông, là huyễn hoặc, nhưng lúc đó mọi người đều tin rằng nó có thể trở thành hiện thực. Ước mơ ấy sẽ mãi mãi còn lại với loài người. Chính chủ nghĩa Marx dung tục và thô thiển, mà nội hàm của nó là ước mơ nọ, chứ không phải chủ nghĩa Marx hàn lâm hoặc chủ nghĩa Marx cường đạo, đã kéo những người Việt Nam khốn khổ đi với nó để dựa vào nó mà tự giải phóng khỏi thân phận nô lệ. Hấp lực của nó vô cùng mạnh mẽ. Vào thời cha mẹ tôi rất nhiều người cách mạng tự hào nhận mình là cộng sản. Chính sự lầm lẫn này về sau đã sinh ra một nghịch lý: những người cộng sản thường tỏ ra là những chiến sĩ tài ba khi họ ít được học chủ nghĩa Marx, suy nghĩ như những người bình thường, còn khi bập bõm chủ nghĩa Marx rồi thì họ lại sa vào hết sai lầm này tới sai lầm khác.

Giữa hai cha con tôi đôi khi cũng có những cuộc trò chuyện về lý thuyết cách mạng. Cha tôi bộc bạch rằng trong công tác bí mật bề bộn, vừa phải lẩn trốn địch vừa vận động quần chúng, tổ chức và chắp nối các cơ sở cách mạng (là công việc chính trong hoạt động của ông), ông chưa bao giờ có thời giờ đọc hết một tác phẩm nào của Marx hoặc Engels. Ông chỉ bắt đầu đọc Marx sau khi hòa bình lập lại, gần một phần tư thế kỷ sau khi vào Đảng cộng sản. Đọc một cách vất vả. “Những cuốn sách quá khó hiểu đối với bố, ông nói. Bố ít học, lại không có năng khiếu về triết. Xét cho cùng, bố chỉ có thể là con kiến thợ của cách mạng mà thôi. Cho nên thế hệ các con có điều kiện để nghiên cứu thì ráng nghiên cứu cho kỹ các lý thuyết xã hội học. Lý thuyết là lý thuyết, nó không bao giờ thay thế được thực tiễn, nhưng không thể bỏ qua không nghiên cứu những gì các thế hệ đi trước nếu không muốn sa vào những sai lầm lẽ ra có thể tránh được”.

Người giảng cho cha tôi nghe về triết học mác-xít là Trần Đức Thảo[16]. Ông đúng là một triết gia, theo hình dung thông thường ở mọi người. Thấp bé, mảnh khảnh, cặp mắt sáng nhưng ngây dại, trông mà không nhìn, ông thường đến ăn cơm với cha tôi, bộ quần áo nhàu nát nhiều ngày không giặt và bốc mùi, say sưa nói về những vấn đề thuộc những tầng trời xa lắc. Xong bữa, ông mới chiếu cố bước xuống cõi trần, giải thích cho cha tôi những khái niệm trừu tượng của học thuyết Marx, thỉnh thoảng lại chêm vào những lời bình chướng tai đối với tư tưởng chính thống đang ngự trị trong Đảng cộng sản. Cha tôi chăm chú nghe, chỗ nào chưa hiểu, ông kiên nhẫn hỏi lại. Cha tôi kém hiểu biết, nhưng ông không giáo điều. Ông thường lấy hình ảnh con ngựa nhà đòn, với hai miếng da che mắt, chỉ nhìn thấy một đường để khuyên chúng tôi không được nhìn một chiều, nghe một tiếng.

Tôi hiểu các nhà lãnh đạo qua cha tôi. Phần lớn họ thuộc thế hệ cha tôi, trạc tuổi cha tôi. Họ có tiểu sử na ná như nhau, tất cả đều là những người yêu nước trước khi thành cộng sản. Trong đám đồng chí của mình, cha tôi thuộc số ít những người tương đối có học, vậy mà ông còn phải thú nhận sự dốt nát của ông về học thuyết cộng sản. Đủ thấy những người kia cũng chẳng hiểu biết hơn ông bao nhiêu, nếu như trời không phú cho cho họ trí thông minh lớn hơn. Bi kịch xảy ra cho cha tôi bắt nguồn từ đây – do ý thức được sự dốt nát của mình, ông chịu khó đọc, chịu khó học, để rồi kiến thức mà ông thu lượm được cuối cùng lại tách ông khỏi những đồng chí tự thị.

Lê Duẩn sớm tham gia các hoạt động chống Pháp, được các bậc cách mạng đàn anh dìu dắt vào đường cộng sản, có thời đã làm bí thư xứ ủy Trung kỳ, tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, từng bị đi đày Côn đảo. Theo nhận xét của các ông Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm thì Lê Duẩn là người cực đoan về tính cách, phóng túng trong hành xử. Ngay tại Côn Đảo, nơi những người tù không phân biệt xu hướng phải nương tựa nhau để chống lại kẻ thù chung, Lê Duẩn không chịu hòa hợp với những người yêu nước không cộng sản khác – những người tờ-rốt-kít, những đảng viên Quốc dân đảng.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Duẩn còn lâu mới được coi là ngang hàng với những nhân vật nổi tiếng trong phong trào cách mạng miền Nam như Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu, Ung Văn Khiêm, Phạm Văn Bạch,… Những nhà cách mạng trí thức khi ra Hà Nội họp Quốc Hội và tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc với tư cách đại diện miền Nam thành đồng bị kẹt lại ở miền Bắc vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Vắng mặt họ, Lê Duẩn mới dần dần từ những chức vụ khiêm tốn bước lên địa vị người lãnh đạo kháng chiến Nam bộ.

Cần phải thừa nhận rằng Lê Duẩn là người lãnh đạo giỏi. Những người bạn miền Nam tập kết của tôi nói về “anh Ba Duẩn” với giọng kính trọng và tự hào. Nhưng niềm tự hào này kéo dài không lâu. Sau khi “anh Ba” trở thành tổng bí thư, ông không làm gì được cho họ hơn là đẩy họ tới những miền hoang vu để khai hoang, lập ra các nông trường, khuyến dụ họ họp thành những tập đoàn sản xuất nhỏ nhoi để tự nuôi thân. Đến lúc ấy thì họ giận dữ. Khi con người nổi giận thì lẽ công bằng không còn nữa. Thay vì ca ngợi, họ nguyền rủa ông. Tôi tin niềm tự hào trước kia của họ hơn những lời nguyền rủa sau này. Lê Duẩn hay bất kỳ ai khác ở địa vị ông đều không thể làm gì hơn cho những người từ miền Nam màu mỡ ra miền Bắc nghèo khổ vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài chín năm.

Bằng vào những câu chuyện kể của họ khi họ còn ngưỡng mộ “anh Ba” thì Lê Duẩn là người độc lập trong suy nghĩ, có biệt tài tổ chức, trong chỉ đạo có vẻ chặt chẽ nhưng lại linh hoạt, thoáng đấy mà nghiêm đấy. Hồi kháng chiến chống Pháp, mặc dầu ở xa Trung ương, những chủ trương chủ trương của ông đề ra vẫn khớp với chủ trương của Trung ương trong mọi mặt. Người ta sùng bái ông, gọi ông là Cụ Hồ miền Nam.

Thật vậy, trong một số lĩnh vực Lê Duẩn không sao chép những chủ trương của Trung ương Đảng, trong thực tế là của Hồ Chí Minh, Trường Chinh, đóng trong rừng già Việt Bắc. Lê Duẩn làm theo cách của mình. Trong khi miền Bắc nghe theo sự chỉ đạo trực tiếp của các cố vấn Trung Quốc ầm ầm bước vào Cải cách ruộng đất theo hình mẫu Cải cách thổ địa của Trung Quốc thì ở miền Nam Lê Duẩn kiên quyết không cho tiến hành Cải cách ruộng đất, tránh cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam những tổn thất chắc chắn là rất lớn một khi nó xảy ra. Một sự cưỡng lại cấp trên như thế không thể làm cho tổng bí thư Trường Chinh hài lòng.

Hiệp nghị Genève 1954 chia nước Việt Nam thành hai miền Nam Bắc. Tại Đại hội Đảng lao động Việt Nam lần thứ III năm 1960, trước sự sa sút trầm trọng uy tín của Đảng vì những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, và cũng để xoa dịu nỗi bất bình trong quần chúng, chức vụ tổng bí thư do chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh tạm kiêm nhiệm một thời gian nay được chính thức trao cho Lê Duẩn[17].

Mọi người đều ngạc nhiên trước kết quả của Đại hội.

Trong kháng chiến chống Pháp Võ Nguyên Giáp là nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ ba, chỉ sau có Hồ Chí Minh và Trường Chinh. Trường Chinh ra đi, chức tổng bí thư mặc nhiên phải thuộc về Võ Nguyên Giáp, hoặc chí ít là Phạm Văn Đồng, ai cũng nghĩ như vậy. Nhưng sự đời lại diễn ra theo cách khác. Theo của những người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên xét đoán thì cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều lo ngại ông tướng đã có quá nhiều vinh quang sẽ trở nên không dễ bảo sau cuộc đảo lộn ngôi thứ. Mà cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều muốn giữ lại vị trí trước kia của họ về thực chất, cho dù danh nghĩa không còn. Cần phải chọn một người có vị trí và uy tín kém hơn Võ Nguyên Giáp. Do biết ơn người cất nhắc mình, người đó sẽ vừa ngoan ngoãn vừa trung thành. Lê Duẩn thích hợp hơn cả với vai trò đó. Trong điều kiện đất nước chia hai, mà trước mắt là mục tiêu thống nhất đất nước thì đưa một người từng lãnh đạo miền Nam lên làm tổng bí thư cũng là lý do dễ thuyết phục. Tôi tin cách lý giải này hơn là cách lý giải của những người cho rằng Lê Duẩn được chọn vì có thâm niên ở tù cao hơn tướng Giáp.

Đó là may mắn trời cho đối với Lê Duẩn. Theo truyền thống, lãnh tụ suốt đời Trường Chinh sẽ chẳng bao giờ rời khỏi ghế tổng bí thư nếu như không xảy ra những tổn thất rùng rợn chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Không phải những đồng chí nghiêm khắc trong Đảng mà những oan hồn Cải cách ruộng đất đã quật ngã không thương tiếc vị lãnh tụ đứng ở vị trí thứ hai trong Đảng, người mà chân dung đã được treo ở khắp các công sở, trong mọi nhà, được tung hô vạn tuế không kém Hồ Chí Minh là mấy[18].

Nhưng cũng từ đây Lê Duẩn bắt đầu những sai lầm làm mất đi uy tín đã có trong quần chúng, dù mới chỉ trên một phần đất nước.

Quyền lực là một thứ ma túy cực mạnh. Nó đã thấm vào máu thì con người mất hết tỉnh táo.

Miền Bắc cho đến khi ấy hoàn toàn nằm trong tay lớp cán bộ do Trường Chinh đào tạo. Tình hình này không thể không làm cho tân tổng bí thư lo ngại. Như một kỵ sĩ bất ngờ phải nhảy lên lưng con ngựa của người khác, Lê Duẩn lúng túng, lo con ngựa sẽ không phục tùng tay cương của chủ mới. Cần phải tìm người tháo gỡ tình hình. Sự lựa chọn rơi vào Sáu Búa Lê Đức Thọ.

Là người miền Bắc, được Trường Chinh cử vào Nam năm 1947 với tư cách ủy viên thường vụ Trung ương Đảng để nắm Trung ương cục miền Nam, nhưng Lê Đức Thọ đã không một lần tranh được chức bí thư miền. Theo các cán bộ cao cấp tập kết nói thì Lê Đức Thọ cũng có lúc hục hặc với Ba Duẩn, nhưng rồi ý thức được thân phận mình trên đất lạ, Lê Đức Thọ lại tìm sự liên minh với Ba Duẩn để trở thành Sáu Búa. Được bầu vào Bộ Chính trị trong Đại hội III, được giao trách nhiệm đọc Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng, Lê Đức Thọ từ đó chính thức giữ chức Trưởng ban Ban tổ chức Trung ương (mặc dầu trước đó đã tạm nắm vài năm) thay cho Lê Văn Lương phải ra đi do những sai lầm Chỉnh đốn tổ chức. Cái chuồng ngựa của Lê Văn Lương được Lê Đức Thọ phá bỏ. Thay vào đó là một hệ thống tổ chức hoàn toàn mới.

Hệ thống này không biết do chính Thọ nghĩ ra hay do quân sư nào mách nước, là đứa con lai mang hai dòng máu Gestapo-Stasi và cục Tổ chức Cán bộ của Khang Sinh (Kang Sheng)[19]. Theo nguyên tắc mới của Thọ mọi việc tổ chức và nhân sự nhất nhất phải qua sự kiểm tra của Ban tổ chức Trung ương. Mỗi đảng viên phải làm lại lý lịch, căn cứ vào thành phần xuất thân và quá trình công tác mà được ngành tổ chức đặt vào vị trí này hay vị trí khác. Thậm chí các đại biểu được các cấp bộ đảng bầu ra để đi dự Đại hội Đảng cũng phải trải qua một kỳ kiểm tra ngặt nghèo tư cách đại biểu. Với một quy chế như thế nền dân chủ trong Đảng chỉ là một nền dân chủ bị thiến. Nhưng về mặt khác thì đây thật là một tổ chức hoàn hảo mà bất cứ tên độc tài nào cũng muốn có.

Sự lựa chọn của Lê Duẩn là sáng suốt. Không ai có thể bằng Lê Đức Thọ trong số những người miền Bắc đã nhiều năm làm việc ở miền Nam dưới quyền Duẩn. Thêm nữa, được Lê Duẩn cất nhắc Thọ chắc chắn phải mang ơn Duẩn. Thọ chính là người duy nhất có thể tạo dựng một bộ máy cai trị vững chắc, loại trừ ảnh hưởng của Trường Chinh.

Thọ không phụ lòng tin cậy của đàn anh. Một mặt, dưới sự chỉ đạo của Thọ đội ngũ cán bộ mau chóng được sắp xếp lại theo ý muốn của Lê Duẩn. Những người tỏ ra quá trung thành với Trường Chinh dần dần bị thuyên chuyển khỏi những chức vụ quan trọng, thay chân họ là những đệ tử ruột của Thọ, tức của Duẩn.

Sự cải cách bộ máy quyền lực vô hình trung đã đem lại cho Thọ ảnh hưởng mỗi ngày một lớn, tạo ra một quyền lực nhị trùng trong thực tế. Mặt này là mặt Lê Duẩn không lường trước.

Người ta ví triều đại Lê Duẩn như thời Vua Lê – Chúa Trịnh. Vào những ngày lễ, ngày tết cứ trông số xe cộ đậu trước cung Vua và phủ Chúa mà biết quyền lực thực sự nằm trong tay ai. Mọi quan chức trong Đảng cũng như trong chính quyền (mà hai cái chỉ là một) đều lệ thuộc ngành tổ chức có hệ thống dọc từ Trung ương xuống đến cơ sở. Mọi việc thuyên chuyển, bổ nhiệm, cách chức, nhất nhất đều liên quan tới Ban Tổ chức Trung ương, mà người quyết định tối hậu là Sáu Búa. Cho nên, nếu số xe cộ đến chầu chực trước phủ Chúa có nhiều hơn trước cung Vua cũng là chuyện thường tình.

Lê Duẩn hiểu ra cơ sự khá muộn màng. Vua Lê mới không biết rằng Ban Tổ chức Trung ương, hay phủ Chúa, quyền lực còn lớn hơn vua. Ban Tổ chức Trung ương nhúng tay vào mọi việc lớn nhỏ, sắp đặt mọi quan chức, chỉ đạo các địa phương, nắm đến tận xã[20]. Vì cơ quan tổ chức quan trọng như vậy, cho nên các vụ trưởng trong Ban Tổ chức Trung ương được Thọ cho ăn lương (của Nhà nước) theo cấp chuyên viên 9, nghĩa là ngang lương bộ trưởng các bộ quan trọng (bộ trưởng các bộ làng nhàng chỉ ăn lương chuyên viên 7, chuyên viên 8). Điều khó hiểu và bất công này dưới bàn tay phù thuỷ của Lê Đức Thọ được cả cái xã hội ngoan ngoãn coi như lẽ đương nhiên.

Bên dưới Ban tổ chức Trung ương là Bộ Nội Vụ. Nó là bộ máy thực hành trấn phản, được Thọ trao cho đệ tử ruột là Trần Quốc Hoàn. Tôi sẽ nói tới mối quan hệ chủ tớ Thọ – Hoàn vào lúc khác. Nó là một chuyện thú vị, không phải chuyện thọc mạch đời tư, nhờ đó ta thấy cơ cấu băng đảng trong một nhà nước chuyên chế hình thành như thế nào.

Một hôm Hoàng Minh Chính đến chơi nhà Lê Đức Thọ gặp lúc Thọ đang nổi nóng vì một bà vụ trưởng. Bà ta đang vật nài thư ký riêng của Thọ xin gặp Thọ.

– Con mẹ ngu hết chỗ nói! – Thọ bực bội lớn tiếng trong khi tiếp Hoàng Minh Chính – Nó lải nhải suốt, một xin Đảng xét, hai xin Đảng xét. Mẹ kiếp, tao chưa có thời giờ xem lại nhân sự các Bộ, nó đã đâm đơn hết cửa này đến cửa khác. Tao chưa duyệt thì đừng có hòng. Nó phải hiểu Đảng là tao, là tao đây này! Còn đi xin ở chỗ nào nữa?

Bà này, tất nhiên, đã tính sai. Rồi bà ta cũng được làm thứ trưởng “Ba đảm đang”[21], cũng Hoàng Minh Chính cho biết, sau một cuộc tạ tội đầy nước mắt với “Anh Sáu”.

Những đảng viên kỳ cựu biết bản chất của Thọ, thấy Thọ nắm quá nhiều quyền lực, lại được Lê Duẩn ưu ái, lấy làm lo cho Đảng. Họ đặt mọi hi vọng vào Trường Chinh, hi vọng cựu tổng bí thư sẽ tìm cách ngăn cản sự lộng hành của Thọ.

Nhưng Trường Chinh hoặc không biết âm mưu sâu xa của Thọ, hoặc ý thức được thế yếu của mình trong thực tế, luôn tỏ ra khiêm tốn và nhường nhịn, khép nép đứng ké vào liên minh Duẩn – Thọ như một kẻ thua cuộc biết điều. Chí ít thì người ta cũng không bao giờ thấy ông dám hó hé điều gì có thể làm phật lòng kẻ đang chễm chệ ngồi trên ngôi vị vốn dĩ thuộc về ông.

Cho đến lúc xảy ra vụ xung đột giữa hai đường lối trong phong trào cộng sản quốc tế vị thế của Lê Duẩn đã vững lắm. Nhưng cũng vào thời điểm này Lê Duẩn bắt đầu cảm thấy e ngại những ý kiến bất bình của các đảng viên kỳ cựu đối với cách lãnh đạo tự quyền, phớt lờ những chuẩn mực sinh hoạt dân chủ tối thiểu. Việc Lê Duẩn chống những nghị quyết của Đại Hội XX về thực chất là sự bảo vệ quyền lực độc tôn.

Cần phải chặn đứng trào lưu đòi tự do dân chủ âm ỉ đã được Thọ phát hiện. Khẩu hiệu bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lênin là chiêu bài tốt. Nó cho phép Ba Duẩn bóp chết mọi mưu toan phá hủy chế độ độc tài. Nó gìn giữ sự an toàn của ngai vàng. Nhưng không thể trắng trợn theo Bắc Kinh. Để chủ soái vui lòng, các lý thuyết gia nội hóa múa bút tạo nên hệ lý thuyết riêng của Lê Duẩn, gồm mấy điểm chủ chốt: một là, xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên tinh thần làm chủ tập thể, hai là, tinh thần cách mạng tiến công – tiến công không ngừng, tiến công liên tục, lấn tới từng bước, đánh đổ từng bộ phận của chủ nghĩa đế quốc dựa trên sức mạnh kết hợp của ba dòng thác cách mạng. Với tư cách lý thuyết gia hàng đầu của cách mạng Việt Nam, thái thượng hoàng hụt Trường Chinh cũng ra công giúp rập Lê Duẩn trong mưu toan trở thành một trong những nhà kinh điển mác-xít cấp châu lục trong giai đoạn mới, để chứng minh Lê Duẩn không phải mao-ít.

Trường Chinh tự lột xác hay bị lép vế, là điều đến nay chưa ai hiểu rõ.

Hoàng Minh Chính kể: khi Nikita Khrushov nổ phát súng đầu tiên vào chế độ toàn trị và cá nhân Stalin, vào đầu năm 1956, Trường Chinh còn tỏ ra rất hăng hái ủng hộ cuộc cách tân chủ nghĩa xã hội. “Chủ nghĩa xã hội không thể cùng tồn tại với tệ sùng bái cá nhân. – Trường Chinh nói – Chủ nghĩa xã hội là dân chủ, sùng bái cá nhân là phản dân chủ, hai cái như nước với lửa, chỉ có thể là cái này hoặc cái kia, không thể hai cái cùng một lúc. Đồng chí Khrushov làm thế là phải lắm. Mà dũng cảm lắm”. Quan điểm này Trường Chinh không phải chỉ nói với một Hoàng Minh Chính.

Cũng theo Hoàng Minh Chính thì trong thâm tâm Trường Chinh không hài lòng với sự sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh, mà ông ta nhận định là có, tuy ở mức độ không đến nỗi trầm trọng. Còn theo một số người gần gụi Trường Chinh nhiều hơn thì Trường Chinh là người háo danh ghê gớm, nhưng háo danh một cách kín đáo. Ông ta cần chống sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh để kiến tạo sùng bái cá nhân mình. Vì lẽ đó ông ta đã tán thành Khrushov.

Nhà báo Trần Đĩnh có thời gian giúp việc Trường Chinh cho rằng đặc điểm nổi bật trong con người Trường Chinh là chủ nghĩa giáo điều, kinh viện. Chủ nghĩa xét lại (hiện đại hay không hiện đại là chuyện tầm phào, chuyện ngôn từ khẩu chiến lăng nhăng của đám mao-ít) chưa đủ vững chắc để trở thành giáo điều mới, cho nên Trường Chinh dễ dàng bỏ nó để chạy theo những lợi ích thực dụng. Tôi nghĩ rằng nhận xét của anh gần với sự thật.

Trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp kiến thức về chủ nghĩa Marx của tôi, cũng như của nhiều anh em khác, chỉ gói tròn trong một mớ chắp vá từ những cuốn triết học nhập môn của Politzer, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh[22] (Hình nhi thượng học và Hình nhi hạ học). Ngoài ra, có hai trước tác cũng được kể như sách gối đầu giường là cuốn Chủ Nghĩa Marx và Vấn Đề Văn Hóa Việt Nam và cuốn Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi[23] của Trường Chinh.

Vào thời kỳ này sách rất hiếm, dùng sách phải rất cẩn thận – chỉ cần sơ ý một chút là những trang giấy bản mủn ngay ra trên tay. Nếu chẳng may nhà in đóng thiếu vài trang thì chúng tôi, những kẻ ham đọc, phải cần mẫn chép tay những trang thiếu để dán bù vào cho đủ. Tôi đã chép không biết bao nhiêu trang sách trong thời kỳ đó.

Về sau này, khoảng đầu thập niên 50, tôi tình cờ vớ được cuốn Chủ Nghĩa Cộng Sản Và Công Cuộc Phục Hưng Nền Văn Hóa Pháp của Roger Garaudy (1945). Đọc xong tôi mới ngã ngửa ra rằng ông Trường Chinh đáng kính của tôi đã làm một bản sao tuyệt vời của cuốn này trong trước tác Chủ Nghĩa Marx và Vấn Đề Văn Hóa Việt Nam, được ca tụng như một văn kiện có tính chất cương lĩnh. Bố cục cuốn sách gần như giữ nguyên, thậm chí Trường Chinh trích dẫn đúng những đoạn mà Roger Garaudy[24] trích dẫn Marx, Engels, và cả Jean Fréville[25]. Tiếp đó là sự phát hiện đáng buồn của tôi về cuốn Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi. Nó quá giống cuốn Trì Cửu Chiến Luận (Bàn về đánh lâu dài) của Mao Trạch Đông, trừ đoạn mở đầu rất đẹp, là một áng văn hay. Tôi vẫn chịu ơn ông Trường Chinh về những gì tôi đã học được trong hai cuốn sách của ông, đặc biệt về văn chính luận. Cách hành văn của Trường Chinh không những đẹp mà còn trong sáng, dễ hiểu. Còn chuyện như thế có phải đạo văn hay không lại là chuyện khác. Nguyễn Du lấy cốt Đoạn Trường Tân Thanh mà làm ra Kiều, nhưng không phải vì thế mà người ta coi Kiều là tác phẩm đạo văn.

Nếu hai tác phẩm của Trường Chinh là đạo văn thì cuốn Sửa Đổi Lề Lối Làm Việc của ông Hồ Chí Minh cũng là đạo văn nốt. Nó là bản diễn nôm cuốn Chỉnh Đốn Văn Phong của Mao Trạch Đông cộng một chút Sự Tu Dưỡng Của Người Đảng Viên Cộng Sản của Lưu Thiếu Kỳ.

Hình như khi mình chưa đủ sức tự làm lấy thì bắt chước người không phải là xấu. Học giả Nguyễn Văn Ngọc[26] khi viết bài:”Tính hay bắt chước của người mình” cũng chỉ mới phàn nàn thôi, chứ cũng không có ý lên án. Tệ nhất là cái khác, như danh họa Picasso nói:”Bắt chước không xấu, tự bắt chước mới là xấu”.

Đáng buồn là sau này, khi Đảng cộng sản Việt Nam bớt bắt chước người ngoài thì lại sa vào thói quen tự bắt chước, mà lại tự bắt chước rặt những cái không ra gì.

Tôi đã đi lan man khỏi chủ đề.

Một câu hỏi khác được đặt ra là: vậy thì, trong tình hình vị thế của Lê Duẩn đã vững vàng như thế, ông ta cần gì phải trấn áp những người có ý kiến ngược?

Anh Phùng Mỹ, cán bộ Viện Triết học, trong khi bị giam chung cùng với tôi tại trại Tân Lập (Phú Thọ), cho rằng chúng tôi chẳng qua là vật hiến tế của Lê Duẩn dâng lên ban thờ Mao Trạch Đông. Theo anh phân tích thì đến lúc ấy đường lối chính chuyên với hai chồng cùng một lúc đã hết thời của nó, chẳng còn lừa được ai. Vì thế ban lãnh đạo Đảng quyết định bắt chúng tôi để chứng tỏ Việt Nam tuy có đường lối đối ngoại độc lập, nhưng về căn bản họ vẫn trung thành với đường lối Mao, vừa với tầm kiến thức của họ. Việc làm này vừa có tác dụng xoa dịu Mao, vừa là sự làm mình làm mẩy trước Liên Xô.

Tôi thật sự không biết việc bắt chúng tôi có phải mang ý nghĩa ấy không. Cả hồi đó, cả sau này.

Trong chuyện đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam, với tất cả sự rối rắm làm nhiều người hiểu theo nhiều cách khác nhau, tôi nhớ tới nhận xét của anh bạn tôi, nhà báo Liên Xô Evgeni Kobelev, vào giữa thập niên 60: “Lê Duẩn tỏ ra thân Liên Xô nhiều quá là không có lợi cho Việt Nam đang chống Mỹ, cho nên phải làm bộ thân Trung Quốc”. Tôi cười, không buồn tranh luận với Kobelev. Anh ta cho rằng cái sự thân Trung Quốc chỉ là bề mặt, chứ đảng Việt Nam vẫn đồng tình với đường lối của Liên Xô sau Đại Hội XX. Trong thời kỳ này Kobelev đang viết cuốn Bông Sen Việt Nam ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh, anh được các nhà lãnh đạo Việt Nam ưu ái, anh có nhầm về họ cũng không đáng ngạc nhiên. Cũng có cái nhìn sai lạc tương tự Kobelev, một nhân viên KGB ở Việt Nam báo cáo về cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô rằng “dường như có một âm mưu đảo chính bất thành vừa xảy ra tại Hà Nội”, tức là nhân viên này chẳng biết quái gì về những việc đang xảy ra.

Báo cáo của nhân viên KGB chỉ chứng tỏ Liên Xô không hề nhúng tay vào chuyện âm mưu đảo chính, như Lê Đức Thọ vu cáo. Về bản báo cáo nọ của KGB tôi chỉ được biết vào năm 1993, do chị Inna Malkhanova, một nhà Việt Nam học người Nga kể lại. Chị được nghe nội dung bản báo cáo nói trên vào năm 1968, được đọc nguyên bản năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ và chị có điều kiện tiếp cận một phần những tư liệu mật và tối mật của Đảng và Nhà nước xô-viết.

Trong thực tế, theo tôi, cuộc đấu tranh về quan điểm, đường lối mang tính chất dung tục, tính chất đời thường hơn người ta nghĩ. Trong nỗi lo lắng về quyền lực của Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp lồ lộ như một hiểm họa. Chính vì thế mà Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bao giờ cũng nhất quán trong mục tiêu hạ uy thế tướng Giáp. Cả hai hiểu rất rõ rằng vị trí cao nhất trong Đảng lẽ ra phải thuộc tướng Giáp, chứ không thuộc về họ và tướng Giáp là người bất cứ lúc nào cũng có thể thay thế họ một khi họ trượt chân.

Trong cách tính toán của Duẩn – Thọ có sự đánh giá quá cao đối thủ!

Họ quá lo sợ trước uy tín của tướng Giáp trong quân đội. Họ quá lo sợ trước vầng hào quang người chiến thắng Điện Biên trong dân chúng. Tội thay, trên thực tế tướng Giáp không phải là đối thủ của cả Lê Duẩn võ biền lẫn Lê Đức Thọ mưu lược. Chiến lược đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận của Lê Duẩn chưa kịp đem ra dùng cho tướng Giáp thì tướng Giáp đã cài số lùi rồi.

Tôi đã nói tới chuyện nhà cầm quyền e dè trí thức như thế nào. Đúng là trong thời gian này trí thức có hướng về Võ Nguyên Giáp thật. Người ta tin tướng Giáp, bởi vì ông đã từng là “giáo sư trường Thăng Long”, chẳng gì cũng là trí thức, là người có học, chứ không phải loại dùi đục chấm mắm cáy.

Nhưng tướng Giáp lại chẳng phải như người ta nghĩ.

Ông đã phụ lòng tin của trí thức. Thậm chí khi đòn chuyên chính vô sản giáng xuống những người thân cận của ông, những chiến hữu của ông, ông đã không dám hé răng lấy một lời, mà chỉ ngoan ngoãn né qua một bên, mặc cho Lê Duẩn và Lê Đức Thọ muốn làm gì thì làm. Như một kẻ vô can, ông lẳng lặng khoanh tay nhìn cuộc khủng bố trắng diễn ra trước mắt.

Bây giờ thì ai cũng biết những người bị bắt trong vụ “nhóm xét lại chống Đảng” không hề có liên quan gì với tướng Giáp trong bất cứ mưu mô nào.

Việc Lê Đức Thọ đính họ vào tướng Giáp là sự ngụy tạo hoàn toàn. “Âm mưu đảo chính” không hề có. Thọ làm những việc đó chỉ để vu vạ cho tướng Giáp, để hạ bệ tướng Giáp, kẻ thù tiềm tàng, kẻ thù khả dĩ của Duẩn-Thọ mà thôi.

Những người bị Đảng coi là xét lại biết rõ Võ Nguyên Giáp chẳng đại diện cho ai. Ông chưa từng và không hề là đối cực, hoặc tệ hơn, đối thủ của cặp bài trùng Duẩn – Thọ.Ông có những bực mình với Lê Duẩn, là chuyện có thật, nhưng không hơn. Ông có đưa ra một số vấn đề hiện đại hóa quân đội, tức là có đi ngược với đường lối lấy chiến tranh du kích chống chiến tranh hiện đại của đương kim tổng bí thư và tướng Nguyễn Chí Thanh[27], nhưng ông không hề đụng tới dân chủ và tự do là những vấn đề cốt lõi của mọi phong trào phản kháng.

Điều làm tôi phải suy nghĩ là: nếu Duẩn – Thọ muốn dùng chúng tôi làm dê tế thần trong đền thờ Mao thì thời điểm 1967 đâu có phải là thời điểm đẹp nhất để dâng hương. Đáng lẽ phải làm việc này sớm hơn nhiều, từ đầu năm 1964 kia, bởi vì đó mới là thời điểm Mao và ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc cần Việt Nam có thái độ dứt khoát trong cuộc xung đột quan điểm giữa hai cường quốc xã hội chủ nghĩa.

Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã không bắt chúng tôi vào cuối năm 1963, hoặc 1964, hoặc chậm hơn nữa – 1965. Họ đã không làm gì hết. Họ tử tế, nhân đạo với các đồng chí chăng? Họ tôn trọng luật pháp, chỉ bắt khi đã hội thật đầy đủ những cái theo họ là chứng cứ chăng? Đó là điều không ai biết. Có vẻ như họ cắn răng chịu đựng bọn xét lại ngang tàng dám cãi bướng bề trên thêm mấy năm nữa, tới tận 1967 mới xuống tay.

Hóa ra không phải thế.

Duyên do là giữa canh bạc quốc tế mà hai tay chơi khát nước Duẩn-Thọ lao vào với vận mệnh Tổ quốc giắt lưng, cả hai bỗng giật mình thấy xì thẩu láng giềng đang sa vào bĩ cực. Bắc Triều Tiên bắt đầu đánh trống lảng. Anbani đột nhiên lừng chừng, lập trường chẳng ra ngô cũng chẳng ra khoai. Mặc dầu quan hệ Cuba-Liên Xô lủng củng, nhưng Cuba không ngả về phía Trung Quốc. Ông luật sư Fidel Castro[28] thừa hiểu rằng ở Trung Quốc không có gì của chủ nghĩa Marx, rằng dưới sự lãnh đạo của ông giáo làng ở Hồ Nam cả một đại lục mênh mông đang biến thành một chảo tạp pí lù lổn nhổn thịt xương đồng chí. Cái còn chung giữa ông và Mao chỉ là nền độc tài không thể để mất.

Các đảng cộng sản trên toàn thế giới mất dần uy tín trong quần chúng. Đảng viên ra khỏi đảng ngày một nhiều. Trong Đảng Lao động Việt Nam cũng xuất hiện sự phân hóa về quan điểm quốc tế, sự hoài nghi đường lối thân Trung Quốc của ban lãnh đạo Đảng.

Nhưng Duẩn – Thọ là người cẩn thận. Họ không dại gì tỏ ra cứng đầu với ông nông dân Ukraina nóng tính. Chỉ từ đầu năm 1967 trở đi, sau khi biết chắc chắn rằng Leonid Brezhnev[29] không phải là Nikita Khrushov, rằng đồng chí Brezhnev ưa các cuộc liên hoan trao huân chương hữu nghị và sưu tầm các kiểu xe du lịch hơn là những cuộc cãi vã về các thứ đường lối, ông kiên quyết đưa Liên Xô trở về lối cũ an toàn, tập đoàn Duẩn-Thọ mới dám quyết xuống tay diệt trừ hậu họa[30].

Đến đây kẻ đánh lên tiếng kẻng báo động về một đường lối sai lầm mới bị hạ ngục.

(Còn tiếp)


[1] Ung Văn Khiêm (1910-1991), bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ 1961 đến 1963.

[2] Tổng bí thư Đảng cộng sản Tiệp Khắc từ năm 1953, sau khi người tiền nhiệm là Klemen Gotwald qua đời, chủ tịch nước từ 1957. Năm 1993 nước Tiệp Khắc – Tchekhoslovakia – kết thúc sự tồn tại của nó để ra đời hai nước: Cộng hòa Tchek và Cộng hòa Slovenia. Vì theo đường lối Stalin, Novotny bị thay bằng Dubchek vào năm 1968. Bản tuyên bố chung nói trên được viết theo tinh thần Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân năm 1960.

[3] Về sau này do được ông Nguyễn Lương Bằng báo cáo ghi công, chị Tường được nhận danh hiệu "có công với cách mạng", còn mẹ tôi thì không. Mẹ tôi chẳng suy nghĩ nhiều về chuyện này. Bà cho vậy cũng được, cũng phải, cần ghi công những người đã giúp đỡ cách mạng, còn mình đã là người cách mạng rồi, không phải ghi công làm gì. Thành thử trong những dịp đại lễ chị Tường được đứng trên lễ đài xem duyệt binh, còn mẹ tôi thì đứng ngoài đường Phan Chu Trinh xem đoàn quân duyệt binh về qua.

[4] Do tiếng Pháp infirmier.

[5] Khu giam giữ, bagne theo tiếng Pháp.

[6] Trần Trọng Kim (1883-1053), nhà giáo dục, nhà biên khảo văn học và sử học Việt Nam, bút hiệu Lệ Thần; thủ tướng Trần Trọng Kim được giao vua Bảo Đại giao trách nhiệm thành lập nội các vào ngày 17 tháng 4 năm 1945. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam; đặt quốc thiều là bài "Đăng đàn cung"; quốc kỳ có "nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm". Nhà tôi hồi ấy ở số 65 phố Sergent Larrivé (phố Nhà Rượu, tức Nguyễn Công Trứ bây giờ), nhà ông Trần Trọng Kim ở số 67.

[7] Thép Mới, tên thật Hà Văn Lộc (1925-1991), nhà báo, nhà văn, làm việc trong những tờ báo của Đảng Cờ Giải Phóng, Cứu Quóc, Nhân Dân..

[8] Văn Tiến Dũng (1917-2002), đảng viên cộng sản từ năm 1936, có thời kỳ bị Trường Chinh ngờ vực không cho sinh hoạt, một sự khai trừ không chính thức, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động, gây dựng được nhiều cơ sở đảng. Từng giữ các chức vụ cục trưởng Cục Chính trị, phó bí thư Quân uỷ trung ương, Tổng tham mưu trưởng, đại tướng QĐNDVN.

[9] Hoàng Văn Thái, tên thật Hoàng Văn Xiêm (1915-1986), Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Q ĐNDVN, từng là tham mưu trưởng chiến dịch Biên giới, chủ nhiệm Cục Quân huấn, Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, phó bí thư Trung ương cục miền Nam.

[10] Trần Văn Trà, tên thật Nguyễn Chấn (1919-1996), từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo ở miền Nam, tập kết ra Bắc làm phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, một trong những tướng lĩnh chủ chốt tham gia chiến tranh Đông Dương lần II, năm 1975 là chủ tịch uỷ ban quân quản Sài Gòn.

[11] Hồi ký của tướng Trà gồm nhiều tập, nhưng mới in tới tập 5 (cuốn 1) thì bị thu hồi.

[12] Đọc là Rờ, gọi tắt hậu cứ của các lực lượng vũ trang cộng sản nơi chiến trường miền Nam. Chắc do chữ Rú.

[13] Tô Ký (1919-1999), thiếu tướng QĐNDVN, nổi tiếng là một viên chỉ huy gan dạ, rất yêu thương binh lính dưới quyền.

[14] Đơn đặt hàng (commande, tiếng Pháp).

[15] Winfred Burchet (1911-1983), nhà báo người Úc, bị nghi là làm việc cho KGB (Liên Xô), sống lưu vong ở Bulgaria cho đến lúc chết. Burchet thường viết phóng sự cho nhiều báo cộng sản và thiên tả ở phương Tây, rất được giới lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam ưu ái, quan điểm mao-ít.

[16] Trần Đức Thảo (1917-1993) nhà triết học, từng ở Pháp nhiều năm. Ông tốt nghiệp trường Đại học Cao đẳng Sư phạm phố d’Ulm với luận án Phương pháp hiện tượng luận ở Husserl. Năm 1950-1951 xuất bản Triết học đi về đâu? và Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng, đánh dấu sự chuyển qua xu hướng mác-xít. Từng giữ chức phó giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, chủ nhiệm khoa Sử, giáo sư môn lịch sử triết học ở Đại học tổng hợp Hà Nội. Trong khoảng giữa thập niên 50, khi có phong trào "Nhân văn – Giai phẩm", ông đề xướng thuyết “hạt nhân duy lý”, bị cấm giảng dạy, nhưng được phép sống vất vưởng trong sự đe nẹt và o ép. Ông qua đời ở Pháp, ngày 19. 4. 1993, di hài được đưa về nước chôn tại nghĩa trang Văn Điển (nghĩa trang dành cho cán bộ và nhân dân, chứ không phải nghĩa trang Mai Dịch dành cho các nhà lãnh đạo và danh nhân). Những kẻ đã hành hạ ông đặt hoa trên mộ ông và tuyên xưng ông là “nhà tư tưởng mác-xít trung thành với chủ nghĩa Mác đến hơi thở cuối cùng”.

[17] Từ năm 1956 Trường Chinh đã không còn là tổng bí thư Đảng. Hồ Chí Minh kiêm nhiệm hai chức – chủ tịch Đảng và tổng bí thư. Tân tổng bí thư chỉ được bầu chính thức trong Đại hội III (1960).

[18] Hồi ấy đã có một bài hát khá phổ biến, tôi không nhớ tên tác giả, với những lời lẽ như sau: "Sông núi này bừng lên xanh tươi vui đón ngày mai. Ta đón chào tương lai ta vẫy tay chào đồng chí. Ta hoan hô người Anh Cả Trường Chinh, bao năm lo cho đất Việt tự do… ".

[19] (1899-1975), nguyên ủy viên Quốc tế cộng sản, nguyên ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, phụ trách tổ chức và an ninh, nổi tiếng vì những vụ thanh trừng trong Đảng cộng sản Trung Quốc.

[20] Theo Điều lệ Đảng, Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan trông nom công việc tổ chức và nhân sự của Đảng. Đáng chú ý là, Đảng công nhân dân tộc xã hội chủ nghĩa Đức (gọi tắt là Đảng Quốc xã) cũng lập ra một cơ quan tương tự là Gestapo (Geheime Staatspolizei) để bảo vệ Đảng Quốc xã và nhà nước phát-xít. Lúc đầu (1933), Gestapo chỉ là một bộ phận chính trị của nước Cộng hòa Weimar, sau phình to ra với quyền lực vô biên. Mục đích của Gestapo (cũng như của Ban Tổ chức Trung ương nói trên) là tiêu diệt mọi lực lượng chính trị chống đối nhà nước phát-xít. Ở Liên Xô, cơ quan có chức năng tương tự là KGB (Komitet Gosudarstvennoi Bezopasnosti) với một chút khác biệt: về danh nghĩa nó trực thuộc Hội đồng bộ trưởng, trong thực tế nó thực hiện những mệnh lệnh trực tiếp từ Bộ Chính trị của Đảng, phối hợp chặt chẽ với MVD (Bộ Nội vụ). Sự tương đồng này cho ta thấy cơ cấu nhà nước phát-xít và nhà nước xã hội chủ nghĩa có giống nhau.

[21] Ba đảm đang – phong trào do đảng cộng sản đề xướng, nhằm động viên lực lượng phụ nữ phục vụ chiến tranh.

[22] Đào Duy Anh (19041988) nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, nhà sử học, nhà từ điển học nổi tiếng.

[23] Tháng 7 năm 1948 tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II, Trường Chinh đọc bản báo cáo nổi tiếng: Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam. Cuốn Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi ra đời vào giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

[24] Roger Garaudy (1913) lý thuyết gia mác-xít của ĐCS Pháp, tác giả khoảng 50 đầu sách về chủ nghĩa Marx và về tôn giáo, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đảng cộng sản Pháp. Cuốn Le Marxisme et la Renaissance de la culture Francaise ở Việt Nam ít người được đọc (Edit, Sociale 1946). Trong thập niên 60 Roger Garaudy đùng đùng tuyên bố sáng tác phải tự do, không cần đến Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa (Chủ nghĩa hiện thực Không kiềm tỏa (Realisme Sans Rivage) bị các giới chức văn hóa Việt Nam lên án dữ dội, coi như một thứ hoa độc trong văn học.

[25] Jean Fréville, nhà phê bình văn học của tờ Humanité (Nhân Đạo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Pháp), một trong những chủ biên của tờ này.

[26] (1890 – 1942) tác giả nhiều sách giáo khoa, sách giới thiệu văn học dân gian và văn học cổ Việt Nam, Trung Quốc.

[27] Trong thời gian này Nguyễn Chí Thanh được đôn lên làm đại tướng, được nói đến nhiều, như người lãnh đạo quân đội, Võ Nguyên Giáp không được nói tới nữa.

[28] Fidel Castro (1926), nhà độc tài nổi tiếng, đương kim chủ tịch nước Cuba cộng sản.

[29] Leonid Brezhnev (1906-1982) một nhân vật lãnh đạo ĐCS Liên Xô, Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô (1960), Bí thư thứ nhất ĐCS Liên Xô (1964, sau khi hạ bệ Khrushov), Tổng bí thư (1966, năm ĐCS Liên Xô khôi phục chức danh này)

[30] Tháng 10 năm 1964, Nikita Khushov bị hạ bệ, nhưng đường lối đối nội và đối ngoại của Liên Xô về mặt công khai vẫn không có gì thay đổi. Trung Quốc vẫn gọi bộ ba Leonid Brezhnev, Alexei Kosygin và Podgorny là "cỗ xe tam mã của tên xà ích giấu mặt" (chữ dùng của tờ Pekin Information). Do không hiểu thực hư tình hình ở Liên Xô ban lãnh đạo Đảng Việt Nam vẫn còn e ngại, chưa dám đàn áp thẳng tay những người cộng sản đòi mở rộng dân chủ.

Comments are closed.