Đồng tiền liền mạng sống

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa

Tháng Chín 1955. Hai tuần nay bầu trời xám xịt, mây thấp, và mưa đổ xuống từng cơn. Từ trên nguồn là ngã ba Tuần (còn gọi là ngã ba Bằng Lãng), nước sông Hương đục ngầu chảy cuồn cuộn, và mực nước mỗi ngày một dâng cao. Quán bác Mão suốt ngày đầy người nhưng không ai màng đến chuyện cúp đầu (hớt tóc) mà bàn tán về trận lụt sắp tới, và thằng Bé chuyên hóng chuyện người lớn không thể vắng mặt.

Ngoài đường gió lạnh đẩy liêu xiêu, nhưng tôi không bị mẹ cấm ra quán vì đi với ông Hoát. Trạc tuổi ông nội, ông Hoát là công chức Sở Lục lộ hồi hưu ở cạnh nhà tôi. Căn nhà rộng mà chỉ có ông với mụ (mệ hay bà); hai người con gái có chồng ở xa. Ông mụ thương yêu bốn anh em tôi như cháu ngoại; ông hay giúp mẹ và thím Lam làmcông việc liền ông nặng nề vì cha và chú Lam lâu lâu mới về nhà, và chỉ ngủ qua đêm rồi trở lại đồn.

Ông Hoát thích trồng hoa và cây cảnh. Có lần ông ương một chậu cây để trong phòng khách, nơi trẻ con ít lai vãng. Tình cờ tôi chơi trốn tìm với thằng Sáng vào đó nấp và thấy chậu cây đầy trái tròn màu vàng, giống như trái quít nhỏ. Tôi bứt hơn một chục trái bỏ túi, về nhà bóc ăn thử, rồi nhăn mặt hỏi thím Lam,

“Trái chi mà chua lè chua lét như ri?”.

“Trái cam quật đó; ở con hái nhiều rứa?”, thím ngạc nhiên.

Cam quật hay còn gọi là quất là loại cây cùng giống với quít, trái thường chín vào dịp Tết âm lịch.  Tôi cuống quít,

“Con thấy chậu cây bên nhà ông Hoát…”.

Chết cha! Chậu cam quật ông để dành chưng Tết,” thím la lên.

“Thím đem trả cho con nghen”, tôi giao mấy trái còn lại cho thím rồi ù chạy.

Tôi mắc cỡ trốn biệt không qua nhà ông Hoát cả tuần lễ cho đến khi ông biểu mụ nấu nồi bánh canh tôm cua rồi tìm tôi dắt tay về nhà bắt ăn; món ăn khoái khẩu này tôi không bao giờ từ chối! Chậu cam quật không còn trong phòng khách, và ông không hề nhắc tới.

Từ trong quán tiếng bác Liền oang oang ra tới đường. Bác làm tài xế xe trẳc-xông chạy đường Huế – Đà Nẵng mà vì lụt phải nghỉ làm. (Trẳc-xông là xe lô dùng hiệu xe Citroën Traction Avant của Pháp; tên gọi do chữ “traction avant” nghĩa là có bộ phận chuyển vận do bánh trước). Nhớ lại trận lụt Quý Tỵ (1953), bác chép miệng,

“Nghĩ tới là tui rợn tóc gáy. Trong tỉnh Thừa Thiên mình trên ba trăm người chết và hơn sáu ngàn ngôi nhà bị sụp đổ”.

“Cửa thành xây từ đời Gia Long – Minh Mạng, đứng vững gần một trăm năm mươi năm mà nằm trên đường nước lũ cũng bị nước xói chân ủi sập huống chi là nhà thường dân”, bác Mão thêm.

“Sập bốn cửa thành, kể cả cửa Nhà Đồ mình tức là cửa Chánh Nam”, ông Hoát nói với tôi.

Tôi được dịp nói hớt,

“Con thấy cửa Ngăn cũng sập, có phải bị trong trận lụt nớ?”.

“Đó là cửa Ngăn Trên tức là Quảng Đức xưa dành cho các bà thuộc Nội cung ra hóng mát sông Hương, thường đóng và không cho dân chúng sử dụng”, bác Liền giảng giải.

“Còn cửa Ngăn Dưới chỗ ?”.

“Từ Kỳ Đài ngó ra sông Hương cửa Ngăn Trên nằm bên phải, cửa Ngăn Dưới có tên chính thức là Thể Nhơn bên trái. Cửa ni không răng hết”, ông Hoát nắm vai tôi.

Đề tài sôi nổi là liệu năm nay lụt có to bằng năm Quý Tỵ.  Bác Mão nhận xét,

“Chẳng có chi đáng lo! Ngoài sông không có nhiều củi rều trôi bằng năm nớ; mưa trên nguồn ít và nước lũ yếu hơn”. “Rều” là cỏ, rác, và cây khô trôi lềnh bềnh trên mặt nước.

Tui thấy kiến lửa trên mấy cây trứng cá trước nhà dời tổ lên cao hơn, tức là lụt to hơn vì bọn kiến có linh giác mực nước cao tới ”, bác Liền cãi.

Tui đồng ý với chú Mão hơn.  Bọn ong vò vẽ trên cây thầu đâu (sầu đông) sau nhà tui biết năm ni nước không lên cao nên làm tổ thấp hơn nhiều. Không tin hỏi thằng Bé thì biết”, ông Hoát nhìn tôi cười nửa miệng.

Được người lớn đề cập tới, tôi hãnh diện gật đầu. Mới mấy tuần trước tôi theo bọn trẻ con trong xóm coi tụi hắn liệng đá phá tổ ong vò vẽ sau nhà ông Hoát. Ong bay túa ra ào ào; mấy đứa lớn hô nhau bỏ chạy để mặc tôi ở lại, sợ quá đứng sững như trời trồng và kêu la không thành tiếng; lũ ong chích tưng bừng vào mặt và lưng thằng Bé. May là mụ Hoát trông thấy mặc áo tơi đội nón lá che mặt chạy ra đuổi ong kéo vào nhà. Mụ nặn nọc ong ra và lấy vôi ăn trầu bôi vào vết đốt,

Ong vò vẽ đốt nẻ mỏ cày; mỏ cày bằng gỗ còn bị nẻ huống chi da thịt mi. Lần sau mi đừng chơi dại như rứa nghen”.

Bị la (rầy) oan nhưng tôi im thin thít vì không biết biện bạch. Tối hôm đó tôi lên cơn sốt, mẹ mua Tiêu Ban Lộ cho uống. Hôm sau mặt và lưng tôi sưng vù, mẹ sai chị ở lên Kim Long mua măng tre tươi về giã nhuyễn đắp lên.  Cả tuần sau tôi mới đi lại bình thường; mẹ thấy đau không nỡ mắng.

***

Buổi chiều nước sông Hương xâm xấp tới mặt đường, mẹ và thím Lam cùng chị ở ra sức đưa đồ đạc trong nhà lên cao. Quá nửa đêm, tôi bị đánh thức, mơ màng nhìn quanh thấy nước dâng lên gần tới mặt tấm phản ba anh em tôi nằm ngủ, guốc dép và đồ vật nổi lều bều, và một chiếc nôốc (một loại thuyền bằng gỗ) áp mũi vào sát phản. Mẹ ra lệnh cho chị ở,

Mi đưa mấy đứa đi với hai bác Hoát tránh lụt, đợi nước rút rồi về!”.

Răng thím với chị Lam không đi?”.

Tau với thím nớ còn nhà cửa phải lo, đi răng được?”.

Đứng dưới sàn nhà, nước ngập ngang bụng, thím Lam bưng chiếc đèn dầu soi đường và mẹ ẵm em nhỏ nhất là thằng Triết trao cho mụ Hoát rồi giục giã,

“Mau lên kẻo Mệ nuốt chừ!”.  Mẹ nói “Mệ,” kiêng tên Hà Bá là vị thần làm chủ con sông.

“Mẹ không đi, con ở lại phụ mẹ”, anh Quang hiểu ra và phản đối.

“Chim đầu đàn phải đi mà lo cho em. Vài ngày thôi con à!”, mẹ năn nỉ.

Chiếc ghe chèo đi trong bong đêm, tôi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy thì trời sáng và ghe đã đậu lại; nước lặng không đẩy ghe đi và biển nước màu vàng đất che phủ mọi vật, chỉ chừa lại đọt (ngọn) cây và mái nhà. Tôi gọi với hỏi ông Hoát,

“Đây là chỗ ? Mình làm chi ở đây ông ơi?”.

“Vườn nhà ông Bính; mình đậu nôốc chờ nước rút”. Nhà ông Bính là một dinh cơ rộng lớn gần cầu Bạch Hổ, cách nhà tôi không tới nửa cây số.

Cả đêm trằn trọc không ngủ, anh Quang bồn chồn lo lắng mà cố gắng trấn tĩnh dạy tôi và thằng Sáng lấy que củi làm cần câu cá, nhưng chỉ được một lát chúng tôi chán, liệng bỏ cần câu và cho tay xuống nước vọc chơi. Nhưng làm gì thì làm, tôi nhớ mẹ quá chừng!

Ở cuối ghe mụ Hoát và chị ở nấu cơm, mùi thơm thoang thoảng bốc lên. Cơm nóng chan nước mắm ăn ngon miệng, nhưng mỗi người chỉ được một chén; chú “thợ ăn” thòm thèm cũng mặc.

Nước dâng lên thêm một ngày nữa là tới đỉnh và sang hôm sau rút xuống.Từ chỗ ông Bính chúng tôi về đến nhà thì trời mưa xối xả.  Ông Hoát nói,

“Mưa xối bùn, hết lụt rồi. Mấy đứa bây phải cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho mẹ và thím được bình an”.

Bên ngoài bùn đất và cành cây bám đầy, trong nhà bàn ghế tủ giường lấm bùn nghiêng ngã chỏng chơ. Mẹ huy động chị ở, anh Quang, và cả thằng Bé quét dọn bùn và phơi phóng vật dụng. Ở phía sau nhà, mẹ và thím Lam mở cái rương lớn, lấy các xấp giấy bạc một trăm đồng in hình Quốc trưởng Bảo Đại bị thấm nước, trải từng tờ trên nia để hong khô, rồi dùng bàn ủi than ủi phẳng trước khi bó thành xấp như trước. Mẹ và thím ở nhà để giữ gìn nhà cửa và nhất là của cải trong chiếc rương này!

Mẹ kể đêm thứ hai nước lụt dâng lên, mẹ và thím Lam bắc thang leo lên rầm thượng.  Trong đêm tối, một chiếc ghe “cứu người” gọi cửa, trên ghe có bốn năm người đàn ông lực lưỡng và nhiều đồ đạc, hẳn là hôi được của những nhà không có người canh giữ. Họ hỏi,

“Hai chị ở nhà một chắc (một mình) hay có ai nữa?”.

“Chồng tui và chú em chồng thím nớ canh lụt cả ngày mệt nên còn ngủ phía sau. Cần chi không, tui kêu ra?”, mẹ bình tĩnh nói cứng.

Tụi tui đi tuần coi ai cần cứu giúp, hai chị không cần thì thôi”. Họ thất vọng bỏ đi.

Lời cầu khẩn Trời Phật của mẹ và thím Lam được đáp ứng: nước dâng lên vừa thấm sàn rầm thượng thì ngừng lại.  Mẹ vui mừng nói với thím,

“Hai chị em mình có mang mà dầm nước lụt thì sẽ đẻ con gái”.

“Thiệt không? Răng chị biết?”, thím bẽn lẽn.

“Ông bà mình nói rứa! Thím có mang con so lại càng ứng nghiệm,”, mẹ chắc mẩm.

Quả nhiên, năm sau thím Lam sinh con gái đầu lòng, em Hương mang tên dòng sông lúc bình thường gắn liền với sự thanh lịch thơ mộng và cảnh vật đẹp đẽ của thành phố Huế. Một tháng sau mẹ sinh cô “công chúa” duy nhất trong nhà bốn anh trai, em Bình mẹ nói hình thành dưới chân núi Ngự Bình.

Nhớ lời ông Hoát, hàng năm đến mùa lụt tôi tìm xem lũ ong vò vẽ làm tổ cao hay thấp để tiên đoán trận lụt sắp tới to hay nhỏ.  Nếu cơn lụt Ất Mùi (1955) dâng nước cao thêm chừng nửa thước, tôi đã không còn mẹ yêu dấu mà cũng chẳng có cô em gái bầu bĩnh dễ thương. Không biết cha có hay được điều này?

Ngày 28 tháng Năm, 2014

Comments are closed.