Mấy kỷ niệm làng văn bị trói (2)

Hồi ký Bùi Minh Quốc

Ăn phở xong, mọi người đã đi cả, nhưng tôi với Nguyễn Chí Trung tự nhiên không hẹn mà cùng ngồi lại quán. Chị Hường, vợ nhà văn Đỗ Quang Tiến, một người chị rất đôn hậu chuyên lo cơm áo gạo tiền ở Hội Nhà văn, trước khi trả tiền cho chủ quán còn ân cần hỏi hai anh em chúng tôi:

– Hai anh ăn nữa, tôi mua thêm?

Rất cảm động vì sự quan tâm của chị, song hai chúng tôi không ai ăn được nữa, dù thường ngày thuộc loại ăn khoẻ.

Gương mặt Nguyễn Chí Trung đăm chiêu. Tuy vậy, anh vẫn mỉm cười:

– Thế đó thôi…

Tôi chưa hiểu anh định nói gì. “Thế đó thôi…” là câu đầu miệng quen thuộc của anh.

– Thế đó thôi. Ở đời, chẳng có việc gì dễ dàng cả. Huống chi, đây lại là…

Anh bỏ lửng giữa chừng, ghìm lại nửa sau câu nói trong đầu. Tôi thầm suy đoán, trong ý nghĩ mình, những điều ghìm lại trong ý nghĩ anh: huống chi, đây là cuộc chiến đấu cho cái mới. Cuộc mở cửa đột phá qua những hàng rào hoen rỉ, lầy nhầy, bùng nhùng, chằng chịt của thế sự và lòng người nhằm vào những boong-ke bảo thủ thâm căn cố đế. Mà éo le thay, trong những boong-ke ấy, lại có không ít những người đồng chí đáng kính trọng. Một cuộc chiến đấu như thế, sao có thể suôn sẻ ngọt ngào như ăn chè?

Tôi biết, đối với Nguyễn Chí Trung, những đòn quất vào Đề dẫn cũng là những đòn quất vào chính anh. Anh đang như người lính nằm giữa cửa đột phá gan góc trân mình dưới làn hoả lực từ lô cốt bắn ra dữ dội. Nhiều điều gan ruột tích tụ trong mình, anh đã đem chia sẻ với Nguyên Ngọc mong được đóng góp chút ít gì đó một cách lặng lẽ vào công việc chung qua ngòi bút của Nguyên Ngọc khi viết Đề dẫn. Những điều gan ruột ấy là kết quả sự trải nghiệm nhiều năm mà đỉnh điểm của quá trình đó là cú giật mình hãi hùng trước thực tế ở Cam-pu-chia.

Sau những tháng cùng đi chiến dịch giải phóng Cam-pu-chia trở về, ở Đà Nẵng, anh đã nhiều lần bảo với tôi, cái giọng như tự đay nghiến mình:

– Trước tất cả những gì đã diễn ra ở Cam-pu-chia thì mình giật mình đến hãi hùng. Chết cha rồi. Nguy to rồi. Không còn con người nữa, đến cả cái tín hiệu sơ đẳng nhất của con người cũng không còn. Chúng ta phải đặt lại vấn đề cá nhân…

Đề dẫn viết:

Những gì đã diễn ra ở Cam-pu-chia trong 3 năm dưới sự thống trị của bọn Pôn pốt – Iêng Xa ri, tay sai của bọn cầm quyền Bắc Kinh, đã làm bộc lộ khá rõ thực chất của chủ nghĩa Mao, cái lý tưởng xã hội kỳ quặc và khủng khiếp của nó. Cái xã hội mà chúng lập nên ở Cam-pu-chia là một hình ảnh điển hình khá toàn diện và đầy đủ của chủ nghĩa Mao. Cốt lõi của cái kiểu “xã hội” ấy là sự thủ tiêu chính xã hội, thủ tiêu con người với tư cách sơ đẳng nhất là con người, thủ tiêu triệt để mọi quan hệ xã hội của con người cho đến những quan hệ sơ đẳng nhất, phá vỡ tận gốc mọi quan hệ xã hội mà con người đã xây dựng được trong suốt lịch sử tiến lên hàng vạn năm của mình, đẩy lùi con người trở lại tình trạng bầy đàn tăm tối nhất”.

Tôi kể với Nguyễn Chí Trung rằng, phần nào giống như anh, trong tôi cũng diễn ra một cú giật mình. Và không chỉ giật mình. Mà rùng mình. Mà nhục nhã. Ấy là giờ phút tôi bước vào các cơ quan đầu não của triều đại Pôn pốt ở Phnom Pênh chiều ngày 7 tháng 1 năm 1979. (Tôi đi với tiểu đoàn 3, trung đoàn 1, sư đoàn 341). Cái đập vào mắt tôi giây phút ấy, thô bạo, tàn nhẫn như một cái tát, là lá cờ đỏ búa liềm. Phải, lá cờ búa liềm căng ở chỗ trang trọng nhất. Chính dưới lá cờ này, buổi tối ngày 6 tháng 5 năm 1967, tại căn phòng Bộ Biên tập Đài Tiếng Nói Việt Nam, chi bộ Ban Văn nghệ của Đài tiến hành lễ kết nạp tôi vào Đảng Lao Động Việt Nam nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính dưới lá cờ này, đêm ấy tôi đã thề suốt đời trung thành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, chống lại đến cùng mọi ách áp bức, bóc lột, bất công, để xây dựng một xã hội ưu việt hơn hẳn tất cả các hình thái xã hội đã từng có trong lịch sử: xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Trong cuộc đấu tranh đó, là người đảng viên, người chiến sĩ tiền phong của Nhân Dân, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, tôi nguyện luôn đi đầu, không nề gian khổ, hy sinh. Cho đến nay, kể từ khi giơ tay tuyên thệ dưới cờ, tôi đã luôn rèn luyện mình để đủ sức trung thành với lời thề. Tôi cũng đã thấy, trước tôi và quanh tôi, biết bao đồng chí đã dâng hiến đời mình cho cách mạng không chút so đo tính toán. Mà không chỉ các đảng viên. Đông đảo hơn nhiều, biết bao người dân thường, những bà mẹ, những cô gái, những ông già, những em bé, những con người không thể định nghĩa thế nào là Tổ quốc, là Cách mạng, không biết thế nào là chủ nghĩa Mác-Lênin, đã sống chiến đấu như những người cách mạng chuyên nghiệp, tận tuỵ phục vụ, âm thầm hy sinh, khí phách can trường đến ngay cả rất nhiều đảng viên cũng chưa dễ sánh kịp, sau ngày chiến thắng hầu hết đều ở ngoài biên chế, không ít người đi lên đi xuống mòn đường chết cỏ mới xin được tờ giấy chứng nhận, tấm bằng khen thưởng, mấy đồng trợ cấp, chưa kể không ít người còn chịu những ức hiếp kêu trời không thấu.

Vậy mà rồi, cũng chính dưới ngọn cờ búa liềm này, đã diễn ra những cuộc sát hại rùng rợn đại quy mô của các chế độ Stalin, Mao Trạch Đông nhằm vào những người cách mạng trung kiên nhất, những trí thức văn nghệ sĩ tài năng nhất, ngay thẳng nhất cùng biết bao người vô tội khác. Cũng chính dưới ngọn cờ này, đã diễn ra cuộc chiến tranh biên giới Trung-Xô, cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt. Biết bao con người chất phác lương thiện cùng tôn thờ một lý tưởng đã nhảy xổ vào bắn giết nhau dưới cùng một ngọn cờ này.

Và đây, ở Cam-pu-chia, ngay trước mắt chúng ta, tôi và anh, chúng ta đã thấy tận mắt cuộc diệt chủng diễn ra dưới ngọn cờ này do bàn tay Tổng Bí thư Pôn pốt mà cách đây không lâu Tổng Bí thư Lê Duẩn của chúng ta đã cùng ký bản tuyên bố chung xác lập mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước.

Chúng ta cắt nghĩa thế nào về sự đối chọi quái đản giữa danh và thực ấy? Điều gì, nguyên nhân bí ẩn nào đã biến cái liềm cắt cỏ gặt lúa thành cái liềm cắt cổ người, cái búa rèn lưỡi cày thành cái buá đập đầu người?

Tất cả những người cộng sản trên thế giới, nếu còn có lương tri, phải trả lời trước nhân loại câu hỏi này, phải vậy không? Và chúng ta, những người cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có hoàn toàn vô can trước sự thực rùng rợn, nhục nhã này không? Chúng ta phê phán nguyền rủa chủ nghĩa Mao trên đất Trung Quốc và Cam-pu-chia, nhưng còn chủ nghĩa Mao trong Đảng Cộng sản Việt Nam và những hệ quả gớm guốc của nó trên đất Việt Nam, chả lẽ chúng ta lờ đi? Và chủ nghĩa Stalin nữa, nó có nhiễm vào Đảng ta không, nhiễm đến mức nào, và gây hoạ cho đất nước ta như thế nào?

Nguyễn Chí Trung nhìn sững tôi, rồi thong thả nói, như muốn uốn nắn tôi theo thói quen chính uỷ:

– Bậy nào, làm gì có chuyện lờ đi. Năm ngoái, trong nghị quyết chống Trung Quốc của Bộ Chính trị, Đảng ta đã nghiêm khắc phê phán tư tưởng nông dân. (Tôi hiểu, đó là anh nói về nghị quyết của Bộ Chính trị chúng tôi vừa học mùa hè năm ngoái, 1978, khi ấy chưa thể nêu đích danh Trung Quốc nên gọi là nghị quyết chống kẻ thù X).

– Việc phê phán tư tưởng nông dân trong nghị quyết nêu, tôi thấy còn chung chung và mờ nhạt, mà chủ yếu chỉ để phân ranh giới chính trị giữa ta và Trung Quốc, chứ chưa phải là một hành động nghiêm túc rà soát lại tư tưởng của bản thân mình.

– Tất nhiên, đây mới là bước đầu, và trước hết phải tuân thủ những yêu cầu chính trị hiện thời. Những gì chưa phù hợp với yêu cầu chính trị hiện thời, ta không lờ đi nhưng phải từ từ rồi sẽ động đến.

– Anh Trung à, cách đây không lâu, anh Lê Đình Yên có nói với tôi hai điều tôi cho là rất hệ trọng, khiến tôi nghĩ ngợi nhiều. Anh Yên bảo: Mình có mấy cái ý kiến này, nói ra thì đụng đến triều đình, mà không nói không được, mình nói riêng với cậu để chúng ta cùng suy nghĩ. Thứ nhất là lâu nay ta cứ có cái kiểu viết, nói quy mọi công lao giải phóng dân tộc cho Đảng ta, như thế không đúng đâu. Phải thấy sức mạnh giải phóng dân tộc là sức mạnh vốn có của dân tộc, sức mạnh nghìn đời, Đảng ta chỉ giỏi ở chỗ phát huy thôi. Quy hết công cho Đảng, tự nhiên thành ra hạ thấp vai trò của các tầng lớp Nhân Dân, làm nặng thêm cái căn bệnh kiêu ngạo cộng sản trầm trọng kinh niên trong Đảng ta. Thứ hai là vấn đề ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao vào Đảng ta, phải rà soát kỹ ảnh hưởng đó không những về mặt tư tưởng mà cả về mặt tổ chức, nhân sự nữa, không làm nghiêm túc chuyện này thì bản thân Đảng vẫn luôn luôn chứa chấp một nguy cơ, một nguy cơ lớn…

Anh Lê Đình Yên, Thiếu tướng Lê Đình Yên, Chủ nhiệm Thanh tra quân đội Quân khu 5, thủ trưởng cũ của chúng tôi. Anh tham gia cách mạng và vào Đảng Cộng sản từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Suốt thời gian kháng chiến chống Pháp anh hoạt động ở chiến trường Khu 5, sau những năm tập kết ra Bắc trở về chiến trường cũ khá sớm, từ 1961. Tôi được gặp anh lần đầu tiên năm 1968 khi anh từ Phân khu Nam (gồm Phú Yên, Khánh Hoà) chuyển ra làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5. Dáng người cao cao, gầy nhẳng, cặp mắt rất hiền đầy nghĩ ngợi sau cặp kính cận, giọng nói trầm trầm từ tốn, nếu để mái tóc dài và đừng mặc quân phục thì anh thật giống một đạo sĩ, còn lúc ấy anh là hình ảnh trọn vẹn một chính uỷ mẫu mực không những chỉ về ý chí sắt đá và phẩm hạnh mà cả về trí tuệ, một yếu tố không dễ gặp ở các chính uỷ. Tôi ở bên Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu uỷ nên ít có dịp gặp anh, nhưng buổi gặp đầu tiên ấy khiến tôi nhớ mãi. Sau khi anh Nguyên Ngọc và anh Nguyễn Chí Trung giới thiệu tôi với anh, anh hỏi thăm tôi về sáng tác, về những vấn đề tôi quan tâm nhất, những điều tôi đang suy nghĩ. Rồi bằng một giọng như chia sẻ, chứ không phải nhắc nhở, huấn thị – cái cố tật của không ít cán bộ có chức vị trong Đảng, lúc nào cũng thích huấn thị người khác – anh bày tỏ với tôi những gì mà anh cho rằng không thể thiếu được ở một nhà văn. Mãi sau năm 1975 tôi có điều kiện gần anh nhiều hơn và làm việc trong cơ quan do anh phụ trách. Khu uỷ giải thể, chỉ còn Quân khu. Một số anh em văn nghệ chúng tôi, cả trong quân đội lẫn bên ngoài vì gắn bó với mảnh đất Khu 5, muốn tiếp tục viết về những năm tháng đáng ghi lại nhất của chiến trường này nên không muốn chuyển ra các cơ quan trung ương, cũng không muốn về các tỉnh đang bề bộn những công việc cấp thời rất trở ngại cho sáng tác. Do sáng kiến của anh Nguyễn Chí Trung, Trại sáng tác văn học Quân khu 5 được thành lập, gồm hơn một chục anh em viết văn ở Quân khu và Khu uỷ cũ, là một đơn vị khá đặc biệt do anh Nguyễn Chí Trung phụ trách, trực thuộc một cơ quan lớn là Ban Tổng kết chiến tranh mà anh Lê Đình Yên làm thủ trưởng. Ban Tổng kết chiến tranh tập hợp khoảng sáu chục sĩ quan từ đại uý đến đại tá vừa có trình độ lý luận lại là những người từng xông pha trận mạc lâu dài nhất, điêu đứng nhất, am hiểu những giai đoạn tiêu biểu nhất, từ đủ các mặt trận tập hợp về. Cách tổ chức này tạo điều kiện cho anh em viết văn chúng tôi tiếp cận được một phần những hồ sơ chiến tranh trước kia thuộc loại cơ mật, tìm hiểu lại có hệ thống cuộc chiến tranh mình vừa trải qua ở tầm rộng lớn hơn, từ chủ truơng vĩ mô đến diễn biến thực tế trên chiến trường. Câu chuyện hàng ngày, ngoài công việc, vớí các cán bộ quân sự chính trị chiến tích đầy mình, kinh nghiệm phong phú cùng vô số những hy sinh mất mát riêng tư đã làm giàu có gấp bội vốn sống trực tiếp của chúng tôi. Là cán bộ chính trị, lại là thủ trưởng cơ quan, nhưng anh Lê Đình Yên rất hay gần gũi trò chuyện với anh em nhà văn chúng tôi, vừa chia sẻ, vừa lắng nghe và tiếp nhận. Bản thân tôi cũng được tiếp nhận từ anh những điều quý giá. Anh thạo tiếng Pháp, biết chữ Hán, rất chịu đọc chịu nghĩ, mỗi suy nghĩ đều là kết tinh của học vấn lẫn những trải nghiệm đầy phong trần của con người trọn đời chiến đấu, lại được đảm bảo bởi một nhân cách trong sáng. Anh hiện ra với tôi như một người thầy. Thỉnh thoảng, ngoài giờ làm việc, anh lại ghé vào với tôi ở cái chung cư văn nghệ 1 B Ba Đình (Đà Nẵng), hoặc tôi đến nhà anh phía gần bãi biển Thanh Bình. Có lần, anh hỏi tôi:

– Cậu có quen vơi cụ Đặng Thai Mai không?

– Dạ không. Có việc gì không anh?

– Mình có một điều này muốn tìm người để hỏi, có lẽ phải hỏi những người như cụ Đặng Thai Mai. Mình cứ nghĩ mãi về cái chữ Cồ trong Quốc hiệu Đại Cồ Việt xưa kia của nước ta. Cồ là tầm nhìn xa của chim ưng, Cồ cũng còn có nghĩa là sự nhìn chú mục vào một điểm nào đó, là nỗi sợ hãi. Có phải cha ông ta muốn dồn chứa trong chữ Cồ này toàn bộ cái số phận, cái đặc trưng của dân tộc ta, phải luôn để mắt ra xa chung quanh, phải luôn cảnh giác mối hoạ từ bên ngoài, đồng thời cái nỗi lo lớn nhất, dai dẳng nhất, thường trực nhất là nỗi lo hoạ xâm lăng. Và đặc điểm này chứa đựng toàn bộ chỗ mạnh chỗ yếu của dân tộc ta?

Tôi không biết chữ Hán nên chả biết nói gì với anh, chỉ biết nghe. Nhưng những điều anh Yên nói về chữ Cồ khiến tôi ngạc nhiên; cái tên Đại Cồ Việt có lẽ người Việt Nam không mấy ai không biết, nhưng nghĩ ngợi về nó như anh Yên thì tôi mới gặp anh là một.

Tôi hỏi anh Nguyễn Chí Trung:

– Chắc anh Lê Đình Yên cũng thường trao đổi ý kiến với anh về vấn đề Đảng và dân tộc, Đảng và chủ nghĩa Mao?

– Có, có. Ông Yên có trao đổi với mình khá nhiều về chuyện ấy. Nhưng mình thấy cần chú trọng một điều này: Trong khi xem xét ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao vào ta, thì cũng đồng thời phải xem xét sức cưỡng lại của Đảng ta, của dân tộc ta đối với nó. Điều này quan trọng lắm. Nếu không thì lệch. Mình thấy bây giờ Đảng ta nêu lý luận làm chủ tập thể là rất đúng, có điều phải làm rõ trở lại vai trò của cá nhân, của động lực cá nhân và mối quan hệ mới giữa cá nhân với tập thể, với cộng đồng. Đặt vấn đề như Đề dẫn là trúng, trúng lắm.

– Vâng, tôi cũng thấy đây là cái mới của Đề dẫn, đương nhiên là mới trong hoàn cảnh của ta. Nhưng sau buổi phát biểu của ông Tố Hữu sáng nay thì liệu rồi sẽ ra sao đây? Hồi nãy khi vừa tan họp xong tôi đã nghe có vị trong Đảng đoàn hôm qua rất hăng hái xiển dương Đề dẫn lại nói thế này: Giữa lúc Đảng đang nói làm chủ tập thể mà Đề dẫn lại nhấn mạnh cá nhân thì Nguyên Ngọc có ý đồ gì? Theo anh, chiều nay anh Ngọc sẽ phải kết luận hội nghị như thế nào?

– Theo mình, đây chính là thử thách đối với Nguyên Ngọc. Nhưng mình tin ở bản lĩnh của Ngọc. Cứ sự thật mà nói thôi. Có điều phải nói cho khéo, thái độ thật mềm mỏng.

Buổi chiều, nhà văn Nguyên Ngọc thay mặt Đảng đoàn phát biểu kết luận hội nghị. Anh nói, một cách giản dị, ngắn gọn: Hội nghị đã nhất trí với Đề dẫn và đóng góp những ý kiến làm phong phú thêm, đồng thời hội nghị thấy cần nghiêm túc nghiên cứu ý kiến đồng chí Tố Hữu.

Kết luận của Nguyên Ngọc: “Hội nghị nhất trí với Đề dẫn” đã khiến nhiều người kinh ngạc, vì, sao lại còn dám nói như thế sau khi ông Tố Hữu đã phê phán dữ dằn như thế. Nhưng làm sao Nguyên Ngọc có thể nói khác được, bởi đó là sự thật.

Tan họp, không khí buồn buồn, lo lo. Một thứ ám khí nào đấy lởn vởn quanh quất, đầy đe doạ.

Một số những diễn biến về sau tôi không trực tiếp chứng kiến, chỉ nghe kể, cũng xin ghi lại.

Nhà văn Nguyên Ngọc kể với tôi rằng, sau hội nghị ít ngày, một buổi tối, Nguyên Ngọc, Giang Nam, Nguyễn Khải, đang ngồi tại nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội) thì nhà thơ Chế Lan Viên tới, anh nói với cả ba người: “Để mình dẫn Nguyên Ngọc lên gặp anh Tố Hữu, Ngọc nhận lỗi là mọi việc ổn cả thôi”. Giang Nam, Nguyễn Khải không nói gì. Nguyên Ngọc đáp: “Tôi thấy không có gì phải nhận lỗi, mà nếu cần gặp anh Tố Hữu thì tự tôi sẽ đi, không cần ông phải dẫn”. Từ đó chỉ có một lần Nguyên Ngọc đến gặp đồng chí Tố Hữu để đề nghị ông can thiệp cho nhà văn Phan Tứ lúc ấy đang lâm bệnh nguy kịch được giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng trực tiếp khám chữa. Cuộc gặp chỉ diễn ra trong mươi phút và chỉ nói về việc đó. Về sau, trong quá trình tiến tới Đại hội lần thứ tư Hội Nhà văn, có một bức thư gửi Ban Chấp hành Hội mang tên người viết là Chế Lan Viên (chưa ai xác minh rõ là Chế Lan Viên nào) được đánh máy truyền tay trong đó nói rằng “Nguyên Ngọc khóc nhận khuyết điểm với anh Tố Hữu” là một sự bịa đặt xấu xa – vẫn theo lời anh Nguyên Ngọc.

Trại sáng tác văn học Quân khu 5 hợp nhất với tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi chuyển về đây làm biên tập văn xuôi, với Thanh Quế cùng ở Khu 5 ra và Triệu Bôn ở B2 (Nam bộ) đã ra trước từ ngay sau 1975. Bọn tôi tự nhiên dễ gần nhau, thông cảm nhau, vì cùng đã từng lăn lóc quăng quật ở chiến trường, cùng sống độc thân ở cơ quan, lại cùng thích uống rượu, nào có gì lắm, chỉ vài chén rượu gạo mỗi buổi chiều, uống suông, khá ra thì thêm mấy nhân lạc, thế thôi.

Vào thời gian Ban Bí thư Trung ương Đảng chuẩn bị nghị quyết về công tác tư tuởng, có mời một số văn nghệ sĩ họp để nghe ý kiến. Cuộc gặp này do đồng chí Lê Đức Thọ, uỷ viên Bộ Chính trị chủ trì. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, quyền Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội đi họp về, vẻ mặt rầu rĩ, kể với tôi: Trong cuộc họp, nhiều người, trong đó có cả các uỷ viên Đảng đoàn Hội Nhà văn mà hăng hái dữ dằn nhất là ông Chế Lan Viên đã lớn tiếng phê phán Nguyên Ngọc hết sức gay gắt vì bản Đề dẫn, kết cho Nguyên Ngọc các tội rất nặng như chống nghị quyết của Đảng, quan điểm tư sản, v.v.

Các diễn biến tiếp ở Hội Nhà văn, hàng ngày anh Nguyên Ngọc thường về kể với tôi và anh Oánh. Anh Ngọc cho biết ở bên ấy đã dấy lên một không khí cực kỳ tệ hại y như các cuộc đấu tố hồi cải cách ruộng đất mà anh là đối tượng bị đấu. Phần lớn ý kiến đều có tính truy bức, quy anh là quan điểm tư sản, là chống lại các nghị quyết của Đảng. Nguyên Ngọc chỉ có một vài người ủng hộ, ra sức chống đỡ, phản bác các luận điệu quy kết chụp mũ, nhưng rồi cũng đã phải thừa nhận là có lúc bối rối về tư tưởng. Một buổi trưa, anh Ngọc về nói với tôi và anh Oánh: “Tôi thấy ngao ngán tởm lợm quá các ông ạ, họ đòi tôi phải từ chức, có lẽ tôi rút lui thôi”. Tôi và anh Oánh đều cương quyết phản đối bằng những lời lẽ mà các chính uỷ thường dùng ở chiến trường trong những tình huống gay cấn: “Không được! Không được! Ông từ chức là giảm sút ý chí chiến đấu, là thoái thác nhiệm vụ”. Vốn là người lăn lộn lâu năm ở chiến trường, nghe chúng tôi nói, Nguyên Ngọc tĩnh trí lại ngay. Anh bảo: “Sáng nay tôi có nói mơm mớm có thể sẽ tính đến chuyện từ chức, mấy người có vẻ mừng rỡ lắm”. Tôi và anh Oánh cũng góp ý: “Đảng đoàn và Bí thư Đảng đoàn là do Ban Bí thư chỉ định. Ông hãy nói với những người đòi ông từ chức rằng ông không thể rời bỏ nhiệm vụ khi Ban Bí thư chưa có ý kiến gì, chừng nào Ban Bí thư ra quyết định bảo nghỉ thì nghỉ”.

Tôi thầm nghĩ, vu cho nhau là quan điểm tư sản, là chống tất cả các nghị quyết của Đảng, thì cũng bằng muốn giết nhau rồi còn gì. Nhưng điều đáng kinh tởm là ở chỗ những người kia thừa biết Nguyên Ngọc không thể là người như thế, mà họ vẫn cứ lu loa lên như thế để rốt cuộc đòi Nguyên Ngọc từ chức. Đằng sau những lời lẽ hoa mỹ đao to búa lớn rần rần bảo vệ quan điểm của Đảng, đã thấy cuồn cuộn bốc ra mùi xôi thịt.

Anh Oánh bàn với tôi, bây giờ cần làm ngay một việc gì để góp phần làm sáng tỏ sự thật, cho tình hình đừng phát triển xấu thêm nữa. Theo anh thì phải viết thư khẩn lên ông Lê Đức Thọ để ông biết điều gì đang xảy ra ở Hội Nhà văn, và với cương vị và trách nhiệm hiện thời, ông ắt có biện pháp thích hợp. Ông Lê Đức Thọ là uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lại phụ trách cả khối văn hoá tư tưởng, nên viết thư gửi ông là trúng chỗ nhất. Tôi bảo anh Oánh, anh có kinh nghiệm, anh thảo lá thư rồi tôi với anh cùng ký. Anh Oánh tròn mắt nhìn tôi như thể tôi ở cung trăng vừa rơi xuống, phì cười:

– Ông ngu bỏ mẹ, ông không biết là Đảng mình kỵ nhất cái chuyện ký kiến nghị đơn thư tập thể à?

– Ơ, hồi học phổ thông tôi vẫn ký kiến nghị tập thể chống bom nguyên tử, hồi trước khi đi B tôi cũng ký đơn tập thể đòi vào miền Nam chiến đấu, những việc ấy vẫn làm bình thường theo chủ trương của Đảng, sao lại kỵ?

– Ừ, những việc ấy thì được làm bình thường, nhưng việc này thì lại kỵ. Ông cứ ở trong Đảng lâu thêm rồi sẽ hiểu. Bây giờ mình bàn thống nhất nội dung rồi mỗi người viết riêng, với giọng văn riêng, viết tay chứ tuyệt đối không đánh máy, tuyệt đối không để lộ cho ai biết, rồi tự tay mang đến tận nhà ông Lê Đức Thọ mà đưa.

Bàn xong chúng tôi làm liền. Trước khi gửi đi, chúng tôi chạy qua nhà Nguyên Ngọc bên khu tập thể quân đội số 8 cùng phố để anh xem cho biết trước nội dung. Xem xong cả hai thư của tôi và anh Oánh, Nguyên Ngọc bảo: “Các ông thấy cần làm gì theo lương tâm thì cứ làm, mình không thúc giục mà cũng không ngăn cản”. Tôi hiểu, Nguyên Ngọc nói thế để khẳng định anh không xúi giục chúng tôi làm chuyện rất dễ bị vu là bè phái, một tội tày đình đối với mỗi đảng viên cộng sản. Ra khỏi nhà Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh rỉ tai cho tôi biết số nhà riêng của ông Lê Đức Thọ ở phố Nguyễn Cảnh Chân. Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như nhà số 6. Tôi bỏ thư vào túi đạp xe tới đó ngay. Dựng xe trước cổng, tôi vừa ấn nhẹ nút chuông thì lập tức cánh cổng hé mở, một người lính mang súng ngắn từ bót gác gỗ dựng sau tường rào bước ra đứng nhìn tôi với cái nhìn lạnh rợn người. Tôi nói ngay:

– Tôi cần gửi một bức thư khẩn tới đồng chí Lê Đức Thọ.

– Anh cứ đưa tôi chuyển.

– Xin đồng chí chuyển ngay giúp cho.

– Được, tôi chuyển ngay.

– Cám ơn.

Tôi thong thả đạp xe dọc con phố hai đầu có rào chắn không cho xe có động cơ chạy qua, hai bên toàn là các cơ quan chóp bu và biệt thự riêng của các nhân vật chóp bu của Đảng, lòng khấp khởi hy vọng. Nếu như thư đến được tay ông Lê Đức Thọ, hẳn ông sẽ cho kiểm tra ngay và khi biết rõ sự thật ắt sẽ ra lệnh ngăn chặn tình trạng lợi dụng chiêu bài đấu tranh bảo vệ quan điểm của Đảng để giành giật chức quyền đang diễn ra ác liệt ở Hội Nhà văn. Hồi đó tôi còn rất đỗi tin tưởng ông Lê Đức Thọ là một người công tâm. Tôi không bao giờ quên được cái ấn tượng đầy xúc động khi nhìn thấy ông lần đầu tiên trong hội nghị tổng kết chiến dịch mùa mưa ở biên giới Tây Nam của Quân đoàn 4 họp tại căn cứ Sóng Thần. Ông mặc bộ đồ đại cán màu xám giản dị, đứng ở vị trí quan trọng nhất trên Chủ tịch đoàn, giở chiếc mũ cối ra khỏi mái đầu bạc phơ đầy phúc hậu, đưa tay từ tốn đáp lại những tràng vỗ tay nồng nhiệt của các đại biểu, gồm toàn những sĩ quan tướng tá uý xuất sắc nhất của quân đoàn. Phát biểu với hội nghị ông đã không cầm được nước mắt khi nhắc tới biết bao cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, những đồng chí còn sống trở về sau ngày hoà bình tưởng đã được nghỉ ngơi chăm lo gia đình hầu như đã kiệt quệ, ai ngờ lại phải tiếp tục cầm súng âm thầm lao vào một cuộc chiến tranh mới (lúc ấy còn bí mật) gây ra bởi một kẻ đã từng là bạn bè đồng chí chí cốt. Những giọt nước mắt của ông rung động lòng tôi, khiến tôi cảm thấy một nhân vật quyền thế vào hàng số hai số ba trong Đảng sao mà gần gũi, sao mà đáng tin cậy.

Tôi về nhà một lát thì anh Oánh cũng đạp xe vào cổng. Tôi ra dấu bằng mắt và một cái hất hàm nhẹ hỏi anh đã gửi thư cho ông Thọ chưa. Anh kín đáo gật đầu, miệng cũng kín đáo tủm tỉm cười.

Hai chúng tôi lên phòng tôi trên gác. Buổi trưa vắng vẻ yên tĩnh, mọi người đang ngủ trưa. Phòng tôi nằm giữa phòng anh Thanh Tịnh đã nghỉ hưu và phòng anh Xuân Sách đã chuyển ngành ra làm phó giám đốc nhà xuất bản Hà Nội, ban ngày ít khi ở nhà. Anh Oánh cẩn thận lùa cả hai đôi dép vào trong phòng rồi đóng chặt cửa, vặn chốt. Anh bảo tôi kể lại đã gửi thư như thế nào, nghe xong, anh xác nhận, bằng giọng thì thầm:

– Như thế là đưa đúng nhà ông Thọ đấy.

Im lặng một lát, tôi hỏi anh:

– Anh nghĩ thế nào về ông Lê Đức Thọ?

Anh Oánh ngẫm nghĩ hồi lâu rồi sẽ sàng:

– Kể cũng khó nói, vì mình chưa bao giờ có dịp được gần gũi hoặc trực tiếp làm việc với ông ấy, chỉ thấy ông ở một số cuộc hội nghị. Nhưng mình nghĩ qua việc bổ nhiệm Nguyên Ngọc làm Bí thư Đảng đoàn, thì ông ấy hẳn phải giữ một vai trò quan trọng, rất quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, đối với lãnh vực của tụi mình.

Tôi lại hỏi:

– Như vậy là mình đã gửi thư đến đúng địa chỉ đáng tin cậy chứ?

Anh Oánh lặng lẽ gật đầu.

Comments are closed.