Du Tử Lê – Chút ân tình muộn

Nguyễn Viện

Thơ tình Việt Nam, khởi đi từ phong trào thơ mới thời tiền chiến với những tên tuổi lẫy lừng như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận… tiếp đến Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Trúc Ly… và sau nữa là Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên… của miền Nam trong chia cắt, thì Du Tử Lê có lẽ là người có tuổi thọ làm thơ tình bền bỉ nhất. Ông làm thơ tình đến hơi thở cuối cùng.

Cũng bởi thơ tình là hơi thở của Du Tử Lê, từng phút giây của cuộc sống.

Có lẽ không một thi sĩ nào như Du Tử Lê lại đắm đuối với tình yêu như thế.

Thơ tình của Du Tử Lê đẹp với một nghệ thuật ngôn từ vô cùng tinh tế, không phải từng câu mà từng chữ, trau chuốt và tài hoa. Tôi không hiểu điều gì đã giúp ông trọn vẹn và ngọt dịu đến thế với thơ tình giữa cuộc đời nhiều gian truân, bất trắc này, kể cả trong mấy chục năm cuối đời sống lưu vong xứ người.

tôi xa người, xa miền mê oan

hồn tôi khô xác sợi dây đàn

máu tôi đã gửi trong từng chữ

dẫu chết, còn nguyên lời oán than.

tôi xa người, xa một mùi hương

bãi khuya, hồn ốc lạc thiên đường

nhớ ai buồn ngất trên vai áo

mưa ở đâu về? – như vết thương.

(Khúc K. Riêng chàng)

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời

em còn gương lược dấu đường ngôi?

nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn

và, khoảng trời xanh đến rợn người.

chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn

nói gì kiếp khác với đời sau.

đôi khi nghe ấm trên da, thịt

như thể ai đi mới trở về.

(Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi. 2/1990)

chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt

mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ

chẻ đôi thân thể mù tăm tích

ta nghĩa trang nào? chôn cất nhau?

chẻ đôi tâm thất kênh, mương cạn

hương tóc truy tầm vai thất tung

tưởng ai oan khuất vừa quay gót

xương, thịt, đời sau, máu rất buồn

chẻ đôi con gió: cây ly biệt

tim chấn thương cùng môi tháng, năm

phạt ngang ký ức rừng thao thiết

dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn.

(Khúc Hạnh Tuyền, núi sông. 1993)

Tôi biết anh Du Tử Lê trong đời thật không nhiều.

Khoảng năm 1973-1974 gì đó, tôi chỉ nhìn thấy anh một lần trong sân trường Văn Khoa với bộ quân phục sĩ quan. Rất hào hoa. Anh đến gặp một cô bạn học cùng ban Triết với tôi. Và phải đến tận khoảng năm 2017, tôi mới thực sự quen anh.

Một sáng, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái gọi điện thoại cho tôi rủ ra Metropolitan uống café, bảo có anh Du Tử Lê muốn gặp. Tôi gần như không bao giờ chủ động làm quen với các “ông lớn”. Nhưng có cơ hội để gặp gỡ thì tôi cũng không bao giờ từ chối. Vì thế, tôi rất vui khi biết anh Lê muốn gặp mình.

Cũng hơi bất ngờ, anh Lê lịch sự và dịu dàng. Phải nói là anh rất hiền và ăn nói nhẹ nhàng. Dù đã là một cụ, Du Tử Lê vẫn toát lên vẻ một du tử rất mực Sài Gòn. Một phong cách nghệ sĩ quí phái.

(Nói thật, tôi rất dị ứng với mấy ông nghệ sĩ hầm hố, bụi và bẩn, xét về phương diện thuần… y tế ngoại khoa).

Du Tử Lê mang đến cho tôi một cảm giác gần gũi, thân tình… dù anh lớn tuổi hơn tôi nhiều.

Một bất ngờ khác, chỉ sau đợt gặp mấy lần trong chuyến về Việt Nam đó, Du Tử Lê đã viết về tôi một cách trọng thị trên báo Người Việt, hai kỳ liên tiếp. Họa sĩ Trịnh Cung nói với tôi, chưa có ai viết về Nguyễn Viện với một thiện tâm như thế. Quả thật, tình cảm anh Du Tử Lê dành cho tôi thật đáng quí.

Giờ đây, tôi viết về anh với một tưởng nhớ chân thành cho một thi sĩ đích thực. Mà trong chỗ riêng tư, tôi còn biết ơn anh về một ca khúc rất nổi tiếng phổ thơ Du Tử Lê, Khúc Thụy Du. Bởi mỗi khi tôi hát bài đó, tôi có dịp gọi tên một người, như thêm một lần tỏ tình: “Thụy ơi và Thụy ơi”. Tất nhiên, Thụy Châu của Du Tử Lê không phải là Thụy Vân của Nguyễn Viện. Nhưng có sao…

NGUYỄN VIỆN

10/2023

image

Comments are closed.