Hạt u minh (*)

Truyện Trần Kiêm Trinh Tiên

Lần thứ hai trong năm, lúc Chùa sửa soạn cho vụ mùa, Sư bà trụ trì lại cho tôi hai tuần nhập thất. Lúc nghe Sư cô Giáo Thọ báo tin, cổ họng tôi đắng khô. Bao giờ Nhà Dòng ở bên kia đồi cũng phái thầy Huyên kéo chiếc máy cày sang làm đất giúp Chùa vài hôm. Như thế là tiêu tan hy vọng được gặp lại thầy mùa này. Tôi ngẩn ngơ đứng nhìn ra chiều đang vàng lắm ở trên đồi mà không thấy Sư cô Giáo Thọ quay đi, giấu tiếng thở dài.

Ngay từ hôm đầu tiên vào thất, tôi đã bắt gặp cái tâm tôi như “vượn chuyền cành”. Chỉ một tiếng người lao xao bên ngoài cũng đủ làm cho con ngựa chứng bất kham trong tôi trỗi dậy. Tôi nhớ thầy Huyên. Không biết từ mùa nào, khi Thầy kéo chiếc xe máy cày về lại Nhà Dòng, lòng tôi cũng đi theo về bên ấy. Bao giờ thầy cũng tận tâm làm việc với trái tim vô ưu. Thầy nào biết trong giờ tọa thiền, tôi lại chờ nghe tiếng chuông leng keng thật vui tai từ bên ấy vọng sang cũng như khi tôi đi thiền hành quanh bốn bức tường của căn phòng mà hồ như mình đang bước đi trên sóng. “… Hành giả tìm tâm. Tâm nào? Tâm tham, tâm giận hay tâm si? Tâm quá khứ, tâm hiện tại hay tâm vị lai?… Tâm ưa thích hình dáng như mắt con thiêu thân, ưa thích âm thanh như trống trận, ưa thích mùi hương như lợn thích rác bẩn, ưa thích vị ngon như người thích ăn thức ăn thừa, ưa thích xúc giác như con ruồi sa đĩa mật. Tìm tâm hoài mà không thấy tâm đâu…” (**)

Tôi quăng vụt cuốn kinh vào góc phòng. Từ lâu rồi, trí huệ tôi ví như ngọn lá sen và bên trên ấy, kinh kệ, dù là giọt sương mai thuần khiết cũng chỉ vuột trôi đi, không sao thấm vào được. Cái tâm hiện tại của tôi có hai con “mắt của loài thiêu thân”. Tôi quay quắt trong cái nhớ, nhớ một nhân dáng hiền lành, thanh khiết như một nhành huệ trắng… Tôi tự hỏi có bao giờ  một ông thầy dòng biết yêu không? Trong sâu thẳm của lòng, tôi nhận ra cái tâm cuồng si đang lừng lững tiến tới. Nó có cái “khứu giác của loài lợn”. Ôi cái tâm cuồng si tội nghiệp ấy đang mang đến cho tôi vị mặn đậm của mùi mồ hôi đàn ông sau một ngày lam lũ. Tôi là hạt giống của cõi nào mà cánh chim đã thả lạc nơi này? Tôi chỉ muốn bật tung cánh cửa thiền phòng, chạy ra múa hát sau đồi cho hả hê rồi về quỳ sụp dưới chân Sư bà.

– Từ lâu, ta đã chờ đợi cái ngày hôm nay. Con hỏi ta về song thân của con? Ta mong con hãy bình tâm lắng nghe. Sư bà phe phẩy nhẹ cánh quạt trong tay như muốn xua đi nỗi xúc động. Một ngụm trà nguội vẫn chưa làm giọng bà hết run. Cái run của vị sư cô trẻ lần đầu tiên ôm trong tay đứa con mà O Lượm vừa đẻ rơi sau hiên Chùa. Sư cô trẻ ấy chính là bà và đứa trẻ ấy, hai mươi mấy năm nay vẫn là mối bận tâm của bà. Lớn lên, tâm nó hiền như lá non mà tính khí thì đôi khi không khác một cành gai nhọn. Trước ngày Sư bà Bổn Sư viên tịch, người còn căn dặn bà hãy mang đứa bé theo vào trong Nam mà nuôi dạy, cho theo tu ở chùa do bà làm trụ trì. Duyên nào đẩy đưa nó lạc vào đây để rồi ai cũng muốn giữ gìn nó như một viên cuội trắng trong dòng suối khiết tịnh. Thế nhưng bây giờ dưới trăng xanh, bà rờn rợn nhận ra ở đứa bé ánh mắt long lanh, rời rợi buồn của O Lượm. Bà không biết điều bà sắp nói ra có làm cho viên cuội trắng ấy chìm luôn trong u minh?

– Ta cho con về lại Huế. Con sẽ trông coi một ngôi chùa nhỏ ở Kim Long. Con sẽ nhận hương liệu về và học cách làm nhang. Điều ta muốn nói với con là hãy đi tìm mạ con về mà phụng dưỡng.

Nước mắt tôi chỉ chực trào…

***

Ta đi lượm hạt vui

Đổi lấy hạt buồn

Về làm xâu chuỗi

Mai đi cưới chồng

Ha… ha… ha… ha…”.

O Lượm xõa tóc, chạy mải miết rồi múa hát trên đồi. Bao giờ cũng chỉ có bốn câu hát ấy, tiếp theo sau là những tràng cười. Tiếng hát của O nghe rời rạc và buồn thảm trong gió cao như những cánh hoa ngọc lan có ai bứt xé rồi ném tung lên trời. O không thèm để ý đến bầy con nít cũng đang mải miết chạy theo sau lưng O, ném những trái thông khô vào chân O rồi cười nắc nẻ:

– Nì, O Lượm, lượm thêm mấy trái thông ni mà đi cưới chồng nì…

Tên “Lượm” của O có lẽ do từ câu hát. Cả vùng Nam Giao ni ai mà không biết O Lượm có hai con mắt có đuôi. Cái đuôi mắt dài vừa buồn lại vừa tình. Suốt ngày O lang thang, múa hát rồi lâu lâu lại chửa hoang. Mỗi khi thấy O ì ạch đi lên dốc với cái bụng to vượt mặt, các bà lớn tuổi không khỏi rủa thầm: “Thiệt quân mô mà vô hậu…”. Thuở ấy chiến tranh lan đến tận vành đai của thành phố. Người ta lo làm hầm tránh đạn pháo kích, lo mua gạo, mua dầu hôi về dự trữ… nên cũng không còn ai buồn chú ý đến những lần sinh nở vất vưởng của O. Chỉ vắng đi một thời gian rồi lại thấy O xuất hiện, nước da tái xanh, gầy khô như chiếc khăn đã vắt kiệt nước. Người ta thầm cảm thương cho người đàn bà nhan sắc mà mất trí, không rõ từ đâu tới.

Và O Lượm là mẹ tôi. Mẹ tôi sinh tôi sau mái hiên chùa, một đêm tháng chạp rét căm. Tôi khóc yếu ớt trong tấm khăn nâu cũ của Sư Bà ủ ấm. Các sư cô khiêng mẹ tôi vào nhà trong, một cô khác chạy đi mời Cô mụ đầu xóm. Thế nhưng trưa hôm sau, chẳng còn ai thấy mẹ tôi đâu. Bẵng đi vài ngày, mẹ tôi lại trở về, tóc tai rũ rượi, tay cầm nắm xôi, xăm xăm đi tìm con rồi nhét nắm xôi vào cái miệng bé xíu của tôi lúc đó. May có Sư cô Minh Tuệ vào trông thấy kịp. Từ đó mỗi lần mẹ tôi về chùa, Sư cô phải xếp việc để trông chừng tôi. Mẹ tôi chỉ vào nhìn tôi một lúc rồi bỏ ra vườn. Từ đó, tôi lớn lên trong một viện cô nhi của Giáo hội và về lại chùa năm lên tám.

Trên bãi bờ hoang vu của trí nhớ, mẹ tôi là hình ảnh của ngôi sao khuya, xa mịt mù. Có một lần khi giảng về chữ Nghiệp, Sư cô Thuần Hậu dẫn tôi đến bên gốc cây thị, chỉ cho tôi người đàn bà đang ngồi ủ rũ, hai cánh tay gầy gò đầy ghét bẩn ôm lấy đầu, mặt nhìn chăm xuống đất. Sư cô không giấu được tiếng thở dài:

– Nì, O Lượm ơi!

Tiếng “nì”, tiếng “ơi” của Sư cô kéo dài như muốn lay động vùng trí nhớ âm u của O Lượm. Nhưng O chỉ cúi xuống lượm trái thị rụng, đưa lên soi trong nắng vàng, mơ màng nhìn quanh rồi cười. Khi lớn lên, mỗi lần có ai nhắc đến chữ Nghiệp, tôi thường mường tượng đến O. Tại sao tôi phải gắng “dốc lòng mà tu” hay “tu cũng chuyển được nghiệp…”? Trí óc non dại của tôi ngày đó không sao hiểu được những uẩn khúc. Tôi vẫn thường bị ám ảnh, nếu không tu, tôi sẽ biến thành người đàn bà mất hết trí nhớ, ngồi cười với trái thị rụng. Tôi còn nhớ O Lượm cứ về rồi lại đi, đi rồi lại về, được cho cơm ăn rồi nằm co ngủ trên tấm phản sau bếp. O về và đi không kể khuya hay sớm. Nhưng dù có nán lại chùa cho đến sáng mai lúc mặt trời lên bằng nửa ngọn sầu đông, O cũng bỏ chạy, mắt long lanh, mặt mày đỏ ửng.

Mỗi ngày, dù có lang thang ở bất cứ đâu, đến gần giờ ngọ, O cũng ù chạy về một ngôi đình quen thuộc ở dốc chợ Bến Ngự. O Lượm xõa tóc ra, quấn tóc vào cột đình, xô đầu vào cột rồi khóc la vật vã. Khoảng hai giờ sau, người mệt rũ mà dường như lòng đã bình yên, O lại tiếp tục đi lang thang.

***

Nơi tôi về là ngôi chùa nhỏ nằm sâu giữa vườn cây trái. Chuyện kể gần hai trăm năm trước, chùa do một bà công nữ lập ra. Người thương của bà đi trận ở đất Bắc Hà, chẳng bao giờ trở về. Bà xuất gia, cắt mái tóc dài gói trong chiếc áo cưới chưa một lần mặc qua. Thời gian và sự thủy chung lặn sâu trong từng đường chỉ của tấm áo gấm nay đã ố vàng. Những kỷ vật ấy vẫn còn được giữ lại thờ ở chùa. Sao nơi nào tôi đặt chân đến đều bàng bạc dấu vết của tình yêu?

Đến mẹ tôi, trong bài hát của một thời xuân xanh mất trí cũng ôm ấp ước mộng “Mai đi cưới chồng…”. Sau hôm về lại Huế, nhờ có Sư cô Chân Như và nhóm Hướng Thiện của Bác Siêu giúp đỡ, tôi tìm ra mẹ tôi, lúc ấy đang ngồi bên bờ sông, phía sau chợ Đông Ba. Mẹ tôi bây giờ là một bà già hiền lành và không hề nói. Tôi đến bên mẹ, nhẹ nhàng cầm lấy tay mẹ, bàn tay xương xẩu, khô ráp. Mẹ nhìn tôi trân trối. Phải chăng mẹ chưa hề quen với sự vỗ về dịu dàng?

Tóc mẹ tôi, có ai đó cắt ngắn, đã bạc đi nhiều. Miệng mẹ tôi móm mém thảm hại. Trên vầng trán mẹ, nỗi ưu phiền của người mất trí vẫn đậu trên những nếp nhăn. Khuôn mặt mẹ tôi héo khô như trái ổi chết non.

Mỗi lần ghé thăm, Bác Siêu đều dặn mẹ tôi:

– Bữa ni là mệ ở đây luôn với cô nghe… mệ không đi mô nữa hết nghe…

Mẹ tôi gật gật cái đầu, tỏ vẻ hiểu và vâng lời. Tôi tập làm quen với mẹ bằng cách gỡ tóc và bắt chí cho bà. Hàng ngày mẹ ngồi nhìn tôi xe nhang, đôi khi bà còn giúp được tôi rải nhang ra rổ để đem phơi nắng. Hình như mẹ quen dần với tôi nên không còn đi đâu. Những đêm mùa đông, khi mẹ chưa ngủ, tôi ngồi kể chuyện cho mẹ tôi. Mẹ đưa mắt nhìn mông lung lên bức tường có dán mấy bức tranh vẽ Thái tử Tất Đạt Đa đi ra bốn cổng thành hay bức bà Maya nằm mộng thấy con voi trắng… Dường như mẹ tôi bắt đầu biết chú ý và biết lắng nghe. Tôi cố khêu tìm trong lớp bụi tro của bệnh tật một tia sáng, dù le lói, của ký ức mẹ tôi.

Đêm khuya, một mình tiếng tôi đều đều lẫn trong tiếng gió đang rít từng hồi trên mái tôn Những uẩn khúc của cuộc đời mẹ dần dần như bãi cát hiện ra từ lòng sông. Sự tật nguyền của mẹ vô tình đem lại cho tâm hồn tôi một nơi an trú. Suốt ngày, mẹ chỉ quanh quẩn bên tôi, mẹ ngồi yên sau lưng tôi trong hai thời công phu sáng tối. Bên tôi, mẹ như tìm thấy được sự chở che. Còn mẹ, mẹ là mặt hồ phẳng yên cho tôi soi vào đó những sầu đau của mình mà nhận ra, so với những bất hạnh của đời mẹ, với cái tâm như “vượn chuyền cành” của tôi ngày cũ, tôi không khác người hiêp sĩ mù chém những đường gươm vô minh vào khoảng không. Hết thật rồi sớm khuya trông chờ những chuyến tàu xuôi Nam mà nhớ miên man hạt chuông leng keng vọng sang từ dãy đồi sau chùa ngập nắng chiều. Tôi nghĩ đến thầy Huyên, lòng bình lặng như đất trời vừa qua cơn bão. Tôi thầm cám ơn cánh chim của số phận đã thả rơi tôi, hạt giống lạc loài, xuống chốn cửa thiền. Tôi cũng thầm cám ơn Sư bà, là người đầu tiên cắt cho tôi cuống nhau lìa mẹ, đón tôi đến với nhân gian. Lần thứ hai, để giúp tôi cắt lìa cái tâm cuồng si, Sư bà đã đưa tôi về với mẹ. Sư bà đã nuôi dạy tôi và nâng đỡ con người man dại trong tôi không dễ dàng, như người hành giả bước đi trong đôi dép bện bằng gai nhọn.

Buổi sáng, khi đi giao nhang về, có được chút tiền, tôi ghé qua sạp vải của O Châu, mua cho mẹ tôi xấp vải màu khói hương để may áo. Tết cũng sắp đến nơi. Có lẽ trong đời mẹ chưa bao giờ được mặc qua chiếc áo mới. Sáng nay gió lạnh mà nắng thì trong veo. Lòng tôi vui như hoa cúc vàng vườn nhà ai nở đầy. Tôi sẽ ướm thử xấp vải mới lên người mẹ… Mẹ sẽ ra sao nhỉ? Chỉ mong chân làm sao bước được nhanh hơn để về với mẹ…

Chưa kịp rẽ vào ngõ nhà bác Mẫn để dẫn mẹ về thì tôi đã nghe tiếng bác thất thanh từ dưới bến:

– Ới cô, cô ơi… mệ…

Tôi chạy xuống bến sông. Người ta vừa vớt mẹ tôi lên, để mẹ nằm trên cỏ. Người mẹ tôi đã tím, nước vẫn còn trào ra từ mũi miệng của mẹ. Cổ họng tôi đắng khô. Bác Mẫn mếu máo:

– Con gà nhà tui sẩy chuồng, còn bị con chó mực rượt xuống tuốt triền sông. Tui tiếc con gà, chạy theo… Mệ thấy rứa cũng chạy theo… ham đuổi bắt con gà mà ai dè…

Tội nghiệp bác. Chuyện con gà chỉ là chiếc cầu giúp cho mẹ tôi nhẹ nhàng bước qua một bến bờ khác. Bây giờ mẹ tôi nằm bình yên như chiếc lá khô, trên tấm chiếu đơn chẳng in hoa đã ngả màu. Bác Siêu đã phủ lên mặt mẹ tôi một tờ giấy trắng. Tôi mang đến chén gạo, thắp nén nhang. Các bác trong Đạo tràng đang sửa soạn khai kinh cho lễ nhập liệm. Tôi đứng lên, đi xếp hành lý cho mẹ mang theo: hai bộ áo vạt khách còn máng ở hiên sau, chiếc lược cũ tôi thường chải tóc cho mẹ và xấp vải màu khói hương tôi chưa kịp ướm thử lên người mẹ.

Quán tự tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách… Yết đế yết đế ba la yết đế bồ đề tát bà ha...”.

Niệm Tâm Kinh Bát Nhã “qua đi, qua đi, hãy qua bờ bên kia…”, lòng tôi như cơn gió thổi qua thảo nguyên trống không, thăm thẳm.

Giờ đây trong ngôi chùa xưa chỉ còn lại một mình tôi, hạt u minh của mẹ.

Và mẹ là trang cổ thư, tôi có đọc suốt đời cũng không sao hiểu hết.

(09/1998)

————————————————————

(*) Truyện đã đăng ở Tạp chí Văn, Hợp Lưu, số Tân niên Kỷ Mão (số 45, Tháng 2&3 năm 1999- California).

(**) Thích Nhất Hạnh, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, NXB Lá Bối (Walnut Creek, California) 1997, trang 180-181.

Comments are closed.