Tại sao phải nói lời chia tay với chủ nghĩa xã hội?

Nhà văn Văn Biển

Cái tên chủ nghĩa xã hội có non một thế kỷ. Nhưng cho tới nay nó vẫn chỉ là một cái tên, không hơn.

Điều đáng nói đã có hàng trăm triệu người chết oan vì nó và hàng tỷ người bị hệ lụy theo. Từ thượng cổ cho tới nay chưa có chuyện nào bi hài hơn.

Quá khứ đã vậy, hiện tại thì ai cũng thấy ngày càng tồi tệ. Còn tương lai thì khỏi phải bàn. Nhân đây tưởng cũng nên nhắc lại lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân cuộc họp bàn về sửa đổi hiến pháp: “Chẳng biết hết thế kỷ này có thấy được chủ nghĩa xã hội không. Câu nói không phải buộc miệng nói ra mà xuất phát tự đáy lòng.

Nếu bảo nó đang là một bào thai thì đó là một quái thai khủng. Liên Xô, thành trì của cách mạng chuyên chính vô sản, nơi đã khai sinh ra nó sau 70 năm kiên trì xã hội chủ nghĩa, cũng là nơi khai tử đứa con mang nặng đẻ đau. Thực ra nó chưa kịp chào đời. Tiếp theo đó là một loạt các nước xã hội chủ nghĩa của khối Đông Âu lần lượt nối gót chết theo.

Hiện tại trên thế giới có bốn nước kiên trì chủ nghĩa xã hội. Mỗi nước làm theo cách riêng của mình: Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Việt Nam.

Nay ta thử bàn riêng chuyện chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chuyện sống còn của đất nước.

Cứ tưởng tượng có một người đi trên đường trời sắp tối mà phía trước là khu rừng hoang vu rùng rợn. Việc đầu tiên là người lữ hành phải khôn ngoan tìm ngay cho mình một lối rẽ khác, khôngcần phải một đầu óc thông minh sáng suốt mà một người bình thường cũng không thể làm khác.

Chuyện lãnh đạo một nước cũng vậy, không thể dẫn dắt một quốc gia trên dưới 90 triệu đi trên con đường mà không biết được sẽ tới đâu. Đất nước ngày càng đói nghèo, lạc hậu. Được xếp vào hạng đói nghèo áp chót của Liên Hiệp Quốc. Không thể xem 90 triệu con người như 90 triệu con chuột bạch để làm một cuộc thí nghiệm mà ai cũng biết được kết quả sẽ ra sao.

Không thể có chuyện “bỏ thì thương vương thì tội”. Đây là chuyện của lý trí, trước vận mệnh của đất nước, chuyện sống còn của 90 triệu con người. Hãy đi hỏi người sống và cả người chết. Người dân sẽ trả lời dứt khoát: Từ giã chủ nghĩa xã hội tới bây giờ đã là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Ai cũng biết bản chất chủ nghĩa xã hội là vu vơ, mặc dầu sau này người ta gán thêm cho nó cái đuôi “kinh tế thị trường định hướng”. Nếu không tin, Đảng chịu khó làm một cuộc trưng cầu dân ý. Người chết cũng vậy, dầu họ đã ngã xuống cho “lý tưởng” này. Chắc mấy chục triệu linh hồn không ai oán trách vì sao lại từ giã cái vì nó mà họ đã hy sinh. “Có một thời để mất.Có một thời cả mấy thế hệ bị nhầm lẫn. Lẽ ra các nhà cầm quyền nếu thật sự vì dân vì nước đã chia tay với nó lâu rồi.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có phát biểu day dứt: “Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin…”. Nghe mà xót lòng.

Ở cõi bên kia ông cụ liệu có biết được sự thật phũ phàng đau lòng này không. Trong di chúc để lại ông cụ có viết: “…Đất nước ta sẽ xây dựng đàng hoàng gấp mười lần hôm nay. Trong lúc đó báo chí tư bản có bao giờ đưa những “tin vui” như báo chí ta không. Năm nay Việt Nam xuất khẩu được mấy vạn lao động sang các nước. Chẳng qua đó chỉ là một hình thức đi làm thuê, bán sức lao động thu ngoại tệ về…

Trước hết phải thừa nhận tính kiên trì của các vị lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ. Thời gian đầu có câu Từng bước, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, chẳng biết mỗi bước ấy là bao nhiêu, bằng bước chân con kiến hay con rùa mà sau hàng chục năm chẳng thấy chủ nghĩa xã hội đâu cả, còn đời sống nhân dân thì cứ tụt hậu dần. Sau đó để giải nguy các vị lại hô to: Tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Người dân nghĩ chắc phải là những bước chân của con hổ con hươu, chẳng mấy hồi sẽ tận mắt thấy được thiên đường xã hội chủ nghĩa. Nhưng rồi chủ nghĩa xã hội cũng chẳng thấy đâu. Rút cuộc sau ngót thế kỷ đời sống người dân càng khốn đốn hơn. Cái hố giàu nghèo ngày càng xa cách. Ăn no mặc ấm vẫn chỉ là ước mơ chứ chưa dám nghĩ tới ăn ngon mặc đẹp. Còn giàu thì phần lớn giàu lên một cách bất chính. Tưởng thế là đủ thấy rồi nhưng các vị lãnh đạo Đảng kế tiếp vẫn tiếp tục kiên trì xã hội chủ nghĩa. Mà suy cho cùng các vị có mất mát gì đâu, ngược lại hầu hết các vị lại giàu lên với lợi ích phe nhóm. Còn người dân thì thống khổ hết chổ nói. Chuyện thương tâm hàng ngày không thể kể xiết. Chỉ xin kể câu chuyện cái chết của hai bà mẹ, báo chí chính thống đã đưa tin, một bà mẹ tự tử mong lấy tiền phúng điếu của bà con tiền trợ cấp xã hội để lũ con được tiếp tục sống qua ngày. Còn một bà mẹ biết không đủ sức nuôi con bèn cho mấy đứa nhỏ uống thuốc độc chết rồi mình uống thuốc chết theo sau.

Vậy các vị còn định kiên trì chủ nghĩa xã hội bao lâu nữa, mấy thập kỷ hay mấy thiên niên kỷ nữa? Câu hỏi thiết tưởng tới lúc cần có lời giải đáp.

Không thể vì lợi ích băng nhóm mà hy sinh đời sống trên dưới 90 triệu dân, hy sinh cả vận mệnh tương lai đất nước. Đã đến lúc hãy trả lại cho người dân những gì họ đang có, phải có. Trả lại sự công bằng cho những người đã hy sinh cho tự do dân chủ mà vị Chủ tịch nước đầu tiên đã đọc trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

Ở đâu đó Đại tướng Phùng Quang Thanh có nói một câu để đời. Nếu mất chế độ (chắc là muốn nói xã hội chủ nghĩa) thì biển đảo cũng mất.

Một câu nói không bình thường, một người lính, binh nhất binh nhì cũng không nói vậy, thử hỏi các biển đảo đã mất vừa mất hoặc đang sắp sửa mất không thuộc vào thời xã hội chủ nghĩa thì thuộc vào thời tiền sử chắc. Người ta nghĩ ông Đại tướng nói trong giấc mơ.

Giá có người nói: Nếu còn xã hội chủ nghĩa thì không những các đảo sẽ mất mà đất nước cũng mất nốt. Người nói câu đó có thể bị quy kết là phản động chống lại chế độ, chống Đảng, phản quốc. Mọi đạo lý đều đảo ngược.

Chớp mắt đã thấy mình già. Đó là chưa kể trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó con người phải vật lộn lo toan bao nhiêu chuyện, đầu tắt mặt tối. Trong một bài viết trên mạng (Kim Dung – Kỳ Duyên) của Phạm Đức Bảo có câu triết lý rất hay. Khi con chim còn sống nó ăn kiến, khi con chim chết kiến ăn nó. Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Cuộc đời làm quan chức làm lãnh đạo rồi đến lúc cũng phải về hưu. Bạn có thể có quyền lực ngày hôm nay nhưng thời gian còn có nhiều quyền lực hơn bạn. Một cây có thể làm nên một triệu que diêm nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hũy hàng triệucây.

Và ở dưới bài viết ngắn gọn đó có hình ảnh một nhà sư vớí mấy câu thơ:

Đời quá ngắn thương nhau còn chưa đủ

Bận lòng chi những thù hận vu vơ

Vết trầy nhẹ đừng làm thân đau nhức

Tâm yêu thương là biển rộng vô bờ

Muốn gửi những câu thơ giản dị mà tâm huyết này tới các vị lãnh đạo: 90 triệu con người không phải là nhỏ 70 năm hơn đối với đời sống con người không phải là ngắn. Dân chúng Việt Nam đã đau khổ quá rồi. Xin cố gắng đừng làm thêm một người đau, một thế hệ đau. Hầu như dưới mỗi bước chân trên con đường các vị đi, và dưới chân ghế các vị ngồi đều có máu người dân. Hãy sớm nghĩ cái gì nên làm trước khi từ giã cái ghế ngồi và cái thế giới đầy đau thương này.

Xin mượn câu chuyện Sài thục của nhà văn Phạm Duy Nghĩa để kết thúc bài viết này. Có một gia đình gồm hai vợ chồng và cô con gái 17 tuổi. Họ sống trên thảo nguyên và suốt mấy đời ăn củ sài thục để sống, để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, giữ truyền thống gia tộc. Tới lúc người vợ không chịu được nữa thề chết chứ không ăn sài thục. Người vợ nói là làm, mặc dầu bao nhiêu phen bị người chồng đánh thừa sống thiếu chết. Năm đó cả một thung lũng sài thục đang lên bị xới nát. Người vợ bị chồng nhốt vào một căn hầm tối, ngày đêm bị trừng phạt vì bị nghi gây ra chuyện này.

Sau đó người vợ trốn thoát. Năm đó sài thục mất mùa cả nhà không có gì ăn. Ở xa người mẹ viết thư gửi về cho con gái trong đó có đoạn: “Con hãy khuyên bố mở lòng đón nhận cuộc sống khác, đừng chết vì tự trói mình. Mọi thứ chỉ do con người đặt ra, cũng tự con người phế bỏ. Năm ấy, nương rau và lúa mì trong khe núi vắng của mẹ đã cứu bố con tôi. Để khỏi phải chết đói, lần đầu tiên trong đời, bố tôi buộc phải đưa vào máu mình những chất dinh dưỡng mà ông từng coi là thù địch. Buổi đầu tập ăn thứ lạ, ông thấy ghê sợ và nôn ọe, rồi cũng quen và thích thú dần. Dù luôn đề cao bản lĩnh kiên cường, ông không có gan tuyệt thực như mẹ”.

Chân lý đôi khi rất đơn giản, nó gắn liền với nhu cầu cuộc sống của người dân, họ biết chọn cho mình cái gì cần chọn. Và biết tránh cho mình những cái gì cần tránh, trước hết là tránh các cuộc chiến tranh khốc liệt, nói như nhà thơ Nguyễn Duy: “Suy cho cùng, trong các cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì người dân đều bại.

Nếu để người dân bình thường được quyền tự chọn, họ đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội từ lâu rồi, và họ cũng không cần cái đuôi kinh tế thị trường định hướng tùy tiện nữa. Để được quyền chọn cách sống của mình, người dân thường sáng suốt rõ ràng, thực tế, đơn giản hơn nhiều. Vì miếng cơm manh áo, cuộc sống bình thường hàng ngày của bản thân gia đình.

Xin mượn câu nói của Tổng thống Obama nhân dịp sang thăm Việt Nam vừa rồi: “Đừng làm tù binh của quá khứ” nhất là một quá khứ quá nhiều đau thương và sai lầm.

18-2-2017

V.B


Nhà văn Văn Biển

Tên khai sinh là Phạm Văn Biển, sinh ngày 15-12-1930 tại Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Hiện đang sống tại Nha Trang. Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch.

Về mảng văn học thiếu nhi, có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu của Văn Biển như: Chú bé vô hình – truyện dài; Hoa nào đẹp nhất – kịch thơ; Mười ngày làm khách – truyện dài; Hai anh em thỏ trắng giống nhau; Con cá trên sân thượng; Một chuyến vượt thác – kịch, Chú bé và con ngựa gỗ, Lời đáng yêu nhất, Bé Tuyết, Nhật ký rễ con, Dòng máu bất khuất… trong đó có rất nhiều truyện được dựng thành phim hoạt hình.

Ông đã được trao giải thưởng đặc biệt của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1968 với tác phẩm Cô bê 20, giải nhì do Nhà xuất bản Kim Đồng trao năm 1972 với tác phẩm Mười ngày làm khách.

Kịch bản sân khấu đầu tay khá thành công của Văn Biển là Đêm Stockholm được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam năm 1969 và được nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng in năm 1975. Sau đó những vở: Trăn trở, Bất hạnh, Chuyện cổ Bát Tràng, Que diêm thứ 8, Chiếc gương chàng ngốc… của ông nối tiếp ra đời và đã được trình diễn ở một số nơi như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Qui Nhơn…

Comments are closed.