Hoa, họa và đàn bà: cái cảm và cái nghĩ

Nguyễn Hoàng Văn

 

Có một dạo tôi thắc mắc mãi về dung mạo của Cúc Tiểu Muội, người đàn bà khiến Nguyễn Tuân, dù chỉ nghe kể qua thôi, cũng phải thốt lên: “Tôi hết sức bị kích thích. Chắc nàng phải đẹp quá. Đẹp hơn cả Mỹ Thuật”.[1]

Mỹ thuật, nói cho gọn, là nghệ thuật tạo nên cái đẹp. Vậy mà cô Cúc này còn đẹp hơn cả mỹ thuật, mà là Mỹ-Thuật-viết-hoa.

Nhưng khoan nói là “hơn Mỹ Thuật”, cô ta mà đẹp “như Mỹ Thuật” thôi thì cũng đã là một bài toán khó lắm rồi. Nếu Cúc đẹp “như Mỹ Thuật” của Tô Ngọc Vân, trong “Thiếu nữ bên hoa huệ”, chúng ta có bị kích thích thì cũng là lẽ thường. Nhưng nếu Cúc mà đẹp “như Mỹ Thuật” của Amedeo Modigliani hay Pablo Picasso, làm sao cô ta có thể kích thích Nguyễn Tuân cho nổi?

Nhưng nhờ suy nghĩ vẩn vơ về chuyện này mà tôi tin rằng tôi có thể tìm ra lời giải cho các họa sĩ khi bị làm khó.

Người đời, nói theo Picasso, thích nghe tiếng chim hót nhưng không ai lên tiếng đòi chim phải hót sao cho họ hiểu. Họ cũng thích trồng hoa hay cắm hoa nhưng không bắt hoa phải nở cho họ hiểu. Tuy nhiên họ cứ bắt các họa sĩ phải vẽ sao cho mình hiểu.[2]

Tôi không phải là họa sĩ mà cũng bị làm khó. Nhà treo mấy bức tranh – tranh in có, tranh gốc có, của các họa sĩ Vi Phát, Lê Văn Tài, Nguyễn Hưng Trinh, v.v. – nên, thỉnh thoảng, tôi lại bị người này người kia thắc mắc với giọng điệu chẳng có gì là thân thiện. Họ – chủ yếu là các ông thợ điện, thợ ống nước, thợ mộc, v.v. – được gọi đến nhà sửa chữa lặt vặt và thường, khi nhìn thấy những họa phẩm lại ngứa cổ lắc và ngứa mồm mỉa mai, đại loại: “Tranh này ý nói gì vậy?”, “Anh có hiểu nó không?”, hay “Bảo tôi ngu thì tôi chịu, tôi không hiểu gì cả!”.

Thường, tôi chỉ cười cho qua chuyện, bảo thích thì treo, được tặng thì treo. Họ chỉ bày tỏ thái độ mà không cần câu trả lời nên dẫu có dẫn ra một ngàn ông Picasso cũng không thể nào thay đổi được.

Tôi có anh bạn đồng hương, ở Việt Nam học cùng trường, cùng khóa với chị tôi, sang Úc thành công cả trong kinh doanh lẫn học vấn. Vốn là dân kỹ thuật, ở Việt Nam anh học Đại học Bách khoa Sài Gòn khóa thứ hai sau năm 1975, mới xong năm thứ nhất anh vượt biển, đến Úc theo đuổi ngành quản trị – tài chính, học một mạch đến bậc cao học rồi mở công ty chuyên về sản phẩm canh nông, vừa kinh doanh, vừa thai nghén một đề tài tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Học vấn của anh bạn, như thế, là thuộc lại cao nhưng về mặt cảm thụ nghệ thuật thì, như anh thẳng thắn thừa nhận, thuộc loại i tờ, không thoát ra khỏi hệ thẩm mỹ “mai cúc trúc đào”. Biết mình biết người, anh tỏ ra “kính nhi viễn chi” với người có khả năng hơn mình trong chuyện này và có lần nhờ tôi cùng nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn làm cố vấn, chọn tranh và sắp đặt cách treo tranh trong căn nhà hai tầng rộng thênh thang như dinh tỉnh trưởng của mình, với ngân khoản đâu trên dưới hai mươi ngàn đô la.

Không chịu được nghệ thuật phi hình thể, anh muốn tranh trong nhà mình phải là tranh “có hình ra hình” nhưng phải có tính “nghệ thuật cao”, lại phù hợp với lĩnh vực anh kinh doanh, đặc biệt là hoa trái, những sản phẩm canh nông. Nghe vậy, tôi nói ngay: tranh tĩnh vật của các họa sĩ Ấn Tượng hay Dã Thú và mở các đường link trên Internet. Anh bị hút hồn ngay lập tức và tấm tắc khen tôi “dịch từ ‘still life’ quá hay” khiến Hoàng Ngọc-Tuấn cười ngất, bảo người ta đã dịch nó lâu rồi, từ khi tôi chưa ra đời lận.

Anh bạn ấy biết rõ giới hạn của mình. Anh chọn lựa những tác phẩm hợp với tầm hiểu biết của mình và không đòi hỏi các họa sĩ khác phải sáng tác sao cho anh hiểu. Anh còn cố mở rộng tầm mắt của mình khi, sau đó, nhờ tôi giới thiệu một – và chỉ một – cuốn sách hướng dẫn để giúp anh hiểu sâu hơn về nghệ thuật. Bận bịu với những con số thu chi của công ty mà còn đau đáu với luận án tiến sĩ sắp viết, anh không có nhiều thì giờ, muốn đó phải là một cuốn sách ngắn gọn, súc tích, đại loại một thứ Introduction to Art, To Understand Art hay, thậm chí, Art for Dummies… Tôi cố giải thích rằng đọc những sách đó anh bạn có thể thủ đắc một số kiến thức, nhưng là kiến thức chỉ để mang ra “xổ”, để lòe người trong lúc trà dư tửu hậu, tranh hơn tranh thua với đám anh em rể khi về nhà ngoại. Tôi giải thích rằng trước một tác phẩm hội họa thì vấn đề không phải là chúng ta “hiểu” gì mà là chúng ta “nghĩ” gì. Mà cái “nghĩ” này thì hình thành từ cái “cảm”, qua những trải nghiệm cá nhân.

“Cảm” là phần cảm nhận, thiên về cảm tính. “Nghĩ” là phần suy tưởng, nặng về lý tính. Có người chan hòa giữa hai thứ. Có người nặng về lý tính mà nhẹ về cảm tính. Lại có người thì chỉ thiên về cảm. Thí dụ như Mai Thảo, Võ Phiến từng nhận xét là nhà văn này chỉ có “cảm” mà không có “nghĩ” tả bước chân của một cô gái, Mai Thảo bắt chữ nghĩa bay lượn theo từng gót chân nhưng tất cả chỉ có vậy, chỉ có cái đẹp của chữ nghĩa bay lượn mà không đọng lại ở người đọc một suy tưởng trí tuệ nào.

Tôi kể với anh tôi đã “cảm” Van Gogh như thế nào từ năm 18 tuổi, chỉ từ bức “Người tù đi dạo”, in trong một cuốn sách tiểu sử. Mười mấy tù nhân sắp hàng thành vòng tròn để nối đuôi nhau “đi dạo” trong một sân tù chật hẹp, còn tôi thì đang sống trong một xã hội chật hẹp, cũng “tự do”, cũng “đi dạo” có khác gì những tù nhân trong tranh? Tôi kể với anh việc Picasso của thời kỳ xanh đã mê hoặc tôi vào lứa tuổi đó như thế nào với bức “Old guitarist”: Tôi mê tiếng nhạc Tây Ban Cầm sau khi nghe bài “Capricho Árabe” của Francisco Tárrega từ một cuộn băng cũ mèm và hình ảnh người nghệ sĩ rách rưới làm tôi nghĩ đến cây đàn guitar rách nát vá chắng vá đụp, nồng nặc mùi keo dán gỗ của mình. Từ sự “đồng cảm” ấy, tôi đã tìm hiểu sâu hơn về những thiên tài hội hoạ như thế để rồi “cảm” ban đầu được phần trí tuệ thu thập nâng cánh, nuôi dưỡng thành cái “nghĩ” khi đứng trước tác phẩm.

Tôi nhớ một kỷ niệm khác với họa sĩ Vi Phát, hơn mười năm trước. Đọc xong tiểu luận “Đụ, như là lịch sử” tôi viết trên Tiền vệ, Vi Phát cao hứng vẽ bức thư pháp khổ lớn mang đến tặng, mặt sau ghi “Portrait of Nguyễn Hoàng Văn”![3]

Trời đất, tôi hoàn toàn không ngờ là có ngày sẽ có người vẽ chân dung tôi bằng chỉ hai chữ “đ”, “u” rồi thêm vào dấu nặng. Tranh treo giữa nhà, một bữa tụ họp anh em bạn bè, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cùng nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn đứng ngắm, và Hoàng Ngọc-Tuấn thốt lên: “Chữ đụ này khai triển từ chữ ‘tâm’.”

Chữ “tâm”, trong Hán tự, là chữ tượng hình, mô phỏng hình trái tim và chỉ Hoàng Ngọc- Tuấn mới nhìn ra điều này.

clip_image002

Vi Phát tốt nghiệp mỹ thuật tại Việt Nam và cả Úc, Vi Phát viết và nói thông thạo tiếng Hoa, và anh có nghĩ đến điều này khi vẽ “chân dung” của tôi bằng hai chữ và một dấu chấm? Tôi không mất lịch sự đến độ sỗ sàng hỏi thẳng, chỉ kể lại nhận xét của Hoàng Ngọc-Tuấn và nhận thấy đôi mắt anh rực lên, cái lóe sáng của một nhà sáng tạo khi tác phẩm của mình được khám phá trong một ý nghĩa mới hay cảm nhận đồng điệu.

Trở lại với những kẻ hay nói kháy, làm khó các họa sĩ. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ cái “cảm” và cái “nghĩ” của đa số người Việt chúng ta đã bị đổ khuôn từ lối giáo dục thẩm mỹ qua cách dạy văn, học văn, rồi thi văn, qua những đề thi kiểu “Nhà thơ X/ Nhà văn Y đã viết ‘a, b, c, d, e, f….”, anh chị hãy cho biết cảm nghĩ của mình” mà, những bài thi “đạt yêu cầu” nhất, lại là những bài sáo nhất, mòn vẹt nhất, theo mấy bài văn mẫu. Chính cái lối giáo dục này đã khiến đa số chúng ta không thực sự cảm, không thực sự nghĩ, chỉ “cảm nghĩ” rập khuôn và, do đó, luôn bắt các tác phẩm nghệ thuật phải có cái gì đó nằm trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình.

Và người đẹp Cúc Tiểu Muội của Nguyễn Tuân. Suy nghĩ mãi về dung mạo của cô nàng “đẹp hơn Mỹ Thuật” này, tôi nghĩ là tôi đã tìm ra cách đối đáp cho các họa sĩ. Vì chưng toàn bộ những kẻ nói kháy tôi đều là đàn ông nên lời đáp của tôi cũng hướng về nam giới.

Mỗi lần bị ông nào chất vấn là sao vẽ tranh khó hiểu, tại sao các họa sĩ không vặc lại: “Anh có thích đàn bà không?”. Dĩ nhiên là trừ những anh chàng đồng tính ra, có anh đàn ông nào mà không thích đàn bà, và họ có thể vặc tiếp: “Thế anh có hiểu đàn bà hay không?”.

Đàn bà là một giống sinh vật cực kỳ khó hiểu, khó hiểu đến độ nhà tâm lý học Louann Brizendine của Đại học California, đã phải viết nguyên cuốn Female Brain để giải thích tại sao họ lại khó hiểu. Vấn đề là, vì một lý do nào đó, người đàn ông đã “cảm” người đàn bà, rồi từ đó họ “nghĩ” là người đàn bà đó được Tạo Hóa ban cho mình, cho dù không hề hiểu hết.

Quả là bất công cho các họa sĩ. Không hoàn toàn hiểu đàn bà nhưng người đời sẵn sàng hào phóng với đàn bà, dâng hiến và bỏ cả cuộc đời mình để cảm, để hiểu, và để sống cùng. Trong khi đó thì họ khăng khăng làm khó các họa sĩ mà không chịu bỏ ra, chỉ một vài sát na với ý nghĩ thoáng qua rằng, để cảm cái gì đó thì phải vứt bỏ định kiến, phải xích lại thật gần và, để hiểu, thì phải học.

3.2021

Trích từ cuốn sách của Nguyễn Hoàng Văn:

ĐÀN BÀ ĐẸP VÀ CHÍNH QUYỀN

Lotus Media xuất bản 2023

image

“Nguyễn Hoàng Văn là một ngòi bút thông minh. Hơn nữa, thông minh một cách tinh quái.

Thông minh là một phẩm chất của trí tuệ. Thông minh một cách tinh quái là một phong cách văn học. Phong cách ấy bàng bạc trong hầu hết các bài tiểu luận và tuỳ bút của Nguyễn Hoàng Văn.”

(Nguyễn Hưng Quốc)

“Anh tiếp tục cái truyền thống cái truyền thống các danh sĩ Quảng Nam: Suy tưởng và biện luận thật tinh tường, lời lẽ thật sắc sảo.. Anh lý luận thì cặn kẽ, phát biểu thẳng thừng, sát phạt. Mà khi thưởng thức sáng tác thì khoan hòa, rộng rãi, đậm đà tình nghĩa..”

(Võ Phiến)

Có thể mua tại đây.


[1] Tùy bút “Ấn tín của người con gái Tỉnh Việt”, trong Một chuyến đi.

[2] “Everyone wants to understand art. Why don’t we try to understand the song of a bird? Why do we love the night, the flowers, everything around us, without trying to understand them? But in the case of a painting, people think they have to understand.”

[3] http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do

In trong cuốn Ngôn ngữ và Quyền lực, Người Việt California, 2014.

Comments are closed.