Hãy chạm khẽ vào tâm thức biển hiện đại trong tiểu thuyết Inside Infinity của Vĩnh Quyền

Vĩnh Quyền

image

 

Là tên đề tài luận văn dự kiến của một sinh viên người Mã tại Đại học Chulalongkorn. Em cho biết đang bóc tách các mảnh văn bản mang tải yếu tố biển trong tiểu thuyết Inside Infinity và xâu chuỗi theo ý định kiến giải riêng. Nếu nhà văn bắt đầu từ khái niệm 50-50 qua từ thuần Việt “đất nước” – đất dài đến đâu nước biển bao che đến đấy; qua truyền thuyết quốc tổ Việt – 50 con theo cha Lạc Long Quân lên non 50 con theo mẹ Âu Cơ về biển; bản liệt kê cái nhìn ra biển qua các đời vua Việt; Hoàng Sa và những cái tên không được phép lãng quên; lời thề trên đỉnh sóng bạc đầu, … thì sinh viên này bắt đầu với trận “thủy chiến vòi rồng Việt-Trung” đương đại dưới chân dàn khoan trái phép HD-981 trong vùng biển Đông, tháng 5.2014:

“Tôi bị hút ngay vào màn hình ti-vi cỡ lớn. Từ tháp chỉ huy tàu CSB 4033, Tùng (bạn tôi) trong bộ bảo hộ tác nghiệp màu cam, nói như gào, cố át sóng gió ầm ào và tiếng gầm rú bạo liệt của động cơ.

” …Đoàn nhà báo chúng tôi theo chân một đơn vị cảnh sát biển gồm sáu tàu tác chiến đang thực thi pháp luật, tiếp cận và giám sát giàn khoan HD-981 hạ đặt trái phép của Trung Quốc. Dẫn đầu đội hình là CSB 2015 và CSB 2016, đi giữa là CSB 8003, tiếp đến là CSB 2013 và CSB 4033, phòng hậu là 4032, cự ly giữa các tàu một hải lý. Tôi đang có mặt trên CSB 4033 cùng hai mươi nhà báo trong nước và chín nhà báo thuộc các hãng thông tấn quốc tế. Lúc này, với khoảng cách sáu hải lý, chúng tôi có thể quan sát, ghi hình giàn khoan cũng như đội tàu bảo vệ nó gồm trên tám mươi chiếc các loại.

“Qua hệ thống loa, giọng ngoài hình rắn rỏi của thuyền trưởng CSB 4033 vang lên: Chú ý, chú ý! Tất cả mặc áo phao, vào vị trí, sẵn sàng chờ lệnh tác chiến cấp độ 1!

“Tùng tiếp tục tường thuật, giọng cao hẳn rồi khàn vỡ: Hải cảnh Trung Quốc xuất hiện! Vâng, chúng tôi đã trông thấy khoảng hai mươi tàu Trung Quốc đang lao ra đánh chặn! Tôi cũng đã “lên đồng”, đứng bật dậy, bắt đầu cảm giác chao đảo theo hình ảnh loang loáng trên màn hình, như chính mình có mặt bên Tùng trên con tàu CSB 4033 vừa xé sóng lao hết tốc độ vừa điêu luyện vẽ những đường cong gấp đầy bất ngờ mở lối thoát gọng kềm và tránh trong gang tấc những cú đâm ngang ác ý của bọn hải cảnh Trung Quốc, thỉnh thoảng thuyền trưởng còn đánh quả khói đen kịt vào mặt chúng, gọi là cho hút xái “shisha”. Cuộc truy cản chỉ dừng lại khi biên đội CSB Việt Nam lùi về khoảng cách mười hải lý đối với chân giàn khoan. Hai bên cùng “hạ trại” nghỉ ngơi lấy sức chờ cuộc giằng co hẹn tái diễn hôm sau.

“Nhà báo trẻ đã làm nên khác biệt giữa các đồng nghiệp khi kết thúc thiên phóng sự tại chỗ của mình với hình ảnh chiến sĩ CSB xếp những hàng nghiêm trên boong, thuyền trưởng dõng dạc điểm quân số. Sau mỗi cái tên xướng lên là một tiếng đáp “Có” chắc nịch. Cuối cùng, thuyền thưởng hạ giọng: Thằng Cò? Bếp trưởng chỉ tay lên giàn ăngten: Có. Con cò trắng thản nhiên tỉa lông cánh, nổi bật trên nền trời xanh ngắt.

“Mặt còn lấm tấm mồi hôi và giấu một nụ cười, Tùng nhìn thẳng vào camera: Xin đừng hỏi tôi con cò ấy từ đâu ra. Thuyền trưởng và thủy thủ còn không biết. Tàu rời cảng hơn nửa ngày bếp trưởng mới phát hiện nó đứng tránh gió sau cửa buồng thực phẩm. Nhưng điều tôi biết rõ là tất cả chiến sĩ trên CSB 4033 đều yêu cưng nó và xem nó như một “biên chế” đặc biệt, bởi trong thâm tâm họ đều có bóng dáng những cánh cò nơi quê xa.”

[Trích đoạn TRONG VÔ TẬN, bản trước biên tập. Trang 228-230]

*

Hôm ấy, xuống sân bay Suvarnabhumi, tôi được đón bởi hai tình nguyện viên là sinh viên ngành Đông Phương học của ngôi trường danh tiếng và lâu đời nhất tại thủ đô Bangkok, Đại học Chulalongkorn. Trong khi chờ đón hai chuyến bay khác từ Philippines và Indonesia, chúng tôi bắt chuyện. Nam tình nguyện viên lịch thiệp giới thiệu cô bạn người Mã cùng nhóm, mà tôi ấn tượng ngay từ đầu với bộ trang phục Hồi giáo cùng khăn trùm tuyền một màu trắng tôn vinh đôi mắt đen nhánh bí ẩn và thôi miên. Anh ta khiến tôi bất ngờ: “Khi được chọn tham gia sự kiện, cô ấy tìm thông tin các nhà văn và đã mua tiểu thuyết của ông”. Khẽ gật đầu xác nhận, cô gái mở túi xách lấy ra cuốn Debris of Debris bản in 2014 tại London, nói nhỏ nhẹ sau tấm mạng: “Là lần đầu em đọc một tác phẩm Việt Nam, sẽ rất vui nếu nhận được chữ ký từ tác giả”. Tôi xúc động: “Cũng là lần đầu tôi vinh dự ký sách theo mong muốn của một bạn đọc nước ngoài. Thật hạnh phúc, cảm ơn em”. Vậy là, lúc 9 giờ sáng hôm 9.8.2023, tôi đã nhận được chén rượu thơm bên đường thiên lý văn chương.

Tối hôm sau, sau lễ trao Giải Văn chương Đông Nam Á tại hoàng cung Dusit, tôi dự Gala Dinner Royal bên dòng Chao Phray, được hoàng gia Thái phong tước “Sông-của-các-vì-vua”. Nhìn quanh đám đông, tôi vẫy tay về phía xa. Cô tình nguyện viên trong trang phục Hồi giáo trắng tuyền đến gần bên, lần này không che mạng: “Em vừa đọc trích đoạn tiểu thuyết của ông trong tập kỷ yếu…”. Tôi đặt vào tay cô cuốn Trong vô tận bản tiếng Anh: “Của em đây, đã ký”. Cô gái cúi đầu, hai tay che mặt ngăn niềm phấn khích bất ngờ. Sẽ không bao giờ em biết bản sách ấy vốn để tặng Công chúa Sirivannavari Nariratana, và tôi đã đổi ý vào phút cuối.

Để bây giờ: “Touch gently the modern conscious mind about the Sea in the novel Inside Infinity by Vietnamese writer Vinh Quyen.” Lá thư Bangkok khiến tôi bâng khuâng hết một chiều hoang ngày-Hoàng-Sa-của-chúng-ta.

Comments are closed.