NGÀY 29- 1- 2012
Tôi hiểu rồi, thế nào là trí thức!
Hạ Đình Nguyên
Thời gian qua, chừng như kéo dài cả tháng, tôi theo dõi cuộc “hội thảo” xuyên đại dương trên mạng của giới trí thức về “Trí thức là gì?”. Thật là thú vị, từ nhỏ đến lớn, tôi có nghe nói nhiều về hai chữ “trí thức”, nhưng chưa có dịp để tìm hiểu sâu rộng về hai chữ nầy như đợt vừa qua. Hồi nhỏ sống ở vùng Việt Minh, chịu ảnh hưởng của Cách mạng vô sản, lớn lên qua chiến tranh, có chập chờn nhiều thứ chưa hiểu rõ giữa ta và địch, nên có e dè thế nào ấy về hai chữ trí thức này. Qua cuộc hội thảo trên mạng, tôi có hiểu phần nào, nhưng cũng chưa rõ lắm.
Tôi nhớ câu chuyện của ông Albert Einstein về thuyết tương đối lừng danh của ông. Chuyện thế nầy, có thể tôi nhớ không chính xác lắm. Sau khi ông Einstein công bố thuyết tương đối của mình ra công chúng, thì dư luận hết sức xôn xao, bàn tán, nhất là trong giới trí thức, các nhà khoa học, những người có học hàm, học vị… Họ giải thích, bàn cãi rất nhiều, dĩ nhiên tốn nhiều giấy mực. Chừng như chưa hài lòng điều gì đó, ông Einstein bèn kể câu chuyện sau:
Ông có một người bạn bị mù từ thuở nhỏ. Một hôm, ông dắt người bạn mù đi chơi phố, rồi ghé vào một quán nước giải khát. Ông gọi hai ly sữa.
Ông bạn mù hỏi:
– Sữa là gì thế?
Einstein giải thích: Sữa là một loại chất lỏng, có vị ngọt, màu trắng, lấy ra từ vú của một loài động vật, uống được và có ích cho sức khỏe.
Ông bạn mù cầm ly nhấp thử, gật đầu nói
– Ừ, đúng là chất lỏng, có vị ngọt, nhưng còn trắng là gì? Einstein giảng giải:
– Trắng là màu giống lông con thiên nga? Ông bạn mù hỏi:
– Con thiên nga thì như thế nào? Einstein:
– Bạn biết con vịt chứ? Nó giống con vịt, nhưng có cổ của nó dàì và cong như thế nầy nầy!
Vừa nói, ông vừa đưa cao cánh tay và uốn cong lại. Ông bạn mù đưa hai tay lên sờ vào cánh tay cong của Einstein, gật gù và thốt lên một cách hài lòng:
– Ờ, tớ biết sữa là thế nào rồi.
Giống như ông bạn mù nọ, tôi cũng hiểu rồi, thế nào là trí thức. Nhưng không phải thông qua màu trắng, mà tôi hiểu trí thức có thuộc tính là trước hết phải “cãi” cái đã. Sáng hôm sau, vợ có chuyện đi vắng nhà, tôi phải đi chợ mua một ít thức ăn. Chợ nhỏ, gọi là chợ chồm hổm trong xóm. Tôi thấy hai người đàn bà cãi nhau, một người mua cá, một người bán cá. Tôi lập tức theo dõi kỹ, vì nó liên quan đến đề tài đang diễn ra trên mạng.
Bà mua cá, nâng con cá trên tay và xem xét rất kỹ, nói:
– Con cá nầy không được tươi… Bà bán cãi lại:
– Cá thế nầy mà không tươi à, xem cặp mắt nó thì biết. Bà mua:
– Thì đấy, cặp mắt đấy, tươi sao được!
Bà bán, xem chừng đã bực mình, trở nên gắt gỏng:
– Con cá nó như thế, nó là như thế, nói nó tươi, không tươi làm cái quái gì, muốn mua thì mua, không thì thôi!
(Tôi thầm nghĩ, bà bán cá nói đúng, nó nằm sờ sờ ra đấy, muốn thì mua, không muốn thì thôi, luận về nó làm gì mất công).
Cuộc phản biện chuyển sang đề tài giá cả. Bà mua nói:
– Giá sao đắt thế, mới tuần trước giá có bấy nhiêu, nay lại lên, lên gì khiếp thế?
Bà bán cự lại:
– Bà không biết đồng bạc đang mất giá rồi hay sao? Nói đi, có cái gì không lên không? Rau cải, gạo mắm, xăng dầu, điện nước…, bộ cá không ảnh hưởng sao!
Bà mua ra chiều lưỡng lự trong lòng (tuy tôi chưa thể khẳng định là bà thuộc giới nào, trí thức hay không) nhưng có vẻ là hiểu biết thời cuộc, tình hình này thì giá mỗi ngày mỗi lên, chẳng lẽ không ăn sao, bà chặc lưỡi, rồi quyết định mua sau một hồi thương lượng nóng cả tai. Cuối cùng cuộc mua bán cũng kết thúc tốt đẹp. Một bà nhét tiền vào túi, một bà xách cá đi.
Điều phân vân còn lại là của tôi. Hai bà cãi nhau, nói chữ nghĩa là “phản biện”, là nhằm mục đích tìm lẽ phải tương đối, biết nói và biết nghe, cuối cùng đạt được đồng thuận công dân với nhau. Nhưng bảo hai bà nầy thuộc giới trí thức, chắc là nhiều người không chịu, nhất là giới “có học”. Đúng vậy, tôi tìm được hai cái khác biệt. Một là, đối tượng tranh biện ở phạm vi khá hẹp, cụ thể và riêng tư giữa hai người, trong khi đối tượng để tranh biện của giới trí thức là rộng lớn hơn, liên quan đến nhiều người, cả cộng đồng, cả xã hội, quốc gia, khu vực, cả tới Biển Đông, rồi quốc tế nữa. Hai là các bà chỉ cãi nhau bằng mồm, tuy có hơi ồn ào chút đỉnh, nhưng theo gió bay đi, không để lại gì cả, vì không ghi chép, không thu băng…, trong khi trí thức thì để lại nhiều chữ nghĩa bằng giấy mực, băng đĩa, sách vở, blog bliếc, diễn đàn gì đó – cả một hệ thống phương tiện truyền thông hiện đại. Vì thế, xin tạm kết luận: hai bà kia tạm thời chưa xếp vào giới trí thức được. Dù nghĩ thế, tôi vẫn thấy chưa yên lòng, có điều gì dường như bất ổn.
Tôi tự hỏi, có là giới nầy hay là giới khác thì sao nào? Tôi biết ai cũng có suy nghĩ, có tư duy, có phản biện, có cãi vã, nếu có một mình thì cũng tự cãi với mình. Đó là thuộc tính con người, không có không được, nó còn là hạnh phúc, được suy nghĩ, được tự biện… Trong tác phẩm nổi tiếng “Ngư ông và biển cả” của Hemingway, mô tả ông lão đánh cá một mình ngoài biển cả, không ngừng tư duy, không ngừng tự cãi với mình, về mọi thứ… Tác phẩm ngắn thôi, nhưng tôi đếm đến 19 lần ông lão lặp đi lặp lại một câu nói: “Suy nghĩ thật là hạnh phúc”.
Thế nên, xã hội nào không cho cãi, không cho phản biện, tranh biện, tức là không cho tư duy phát triển, xã hội đó không thể tiến bộ, con người sống trong xã hội đó không thể có hạnh phúc được. Có một phàn nàn trên mạng, sao người ta nói mãi về Bắc Triều Tiên, về dòng họ Kim, hết ông nội Kim Il-sung, cha Jong-il, rồi cháu Jong-un chi cho tốn thì giờ! Không đâu, đáng nói lắm chứ, vì ở đó không có cãi, không có tư duy, không có phản biện hay biện luận gì hết, không có cả giới trí thức lẫn các bà bán cá để mà cãi vã. Nhắc mãi đến Bắc Triều Tiên, không phải vì mến mộ hay thương yêu ganh ghét gì, mà vì sợ! Cái nỗi sợ đón đầu, cảnh giác để mai kia không rơi vào tình cảnh không được cãi, dù là cãi theo kiểu trí thức, hay kiểu các bà mua bán cá vậy.