Bi kịch của Angela Merkel

Wolf Biermann, The New York Times, 29-6-2018

Phạm Kỳ Đăng dịch

Thủ tướng Angela ở Berlin. Sean Gallup/Getty Images

Ở thế kỷ 21 chúng ta nay lại đứng ở một ngã rẽ: can đảm tiến tới một châu Âu tự do và cởi mở hay là hèn đớn quay trở về thế kỷ 19 của trò những nhà nước dân tộc. Tôi đã vượt qua hai thời kỳ đen tối: nền chuyên chế Quốc xã và chuyên chế Cộng hòa Dân chủ Đức. Cha tôi, một người Do Thái – cộng sản đã bị sát hại trong trại tập trung. Tại Đông Berlin, tôi đã sống 12 năm dưới sự cấm đoán tuyệt đối. Vậy mà thế bất chấp tất cả, đó là một quãng thời gian tốt, bởi những bài hát nổi loạn và những bài thơ phê phán của tôi, theo đường bất hợp pháp đã lan truyền đi hiệu quả hơn. Trái với nguyện vọng của mình, năm 1976 tôi bị xua đuổi về phía Tây của “bức màn sắt”, nghĩa là từ nước Đức đày sang nước Đức vào đời lưu vong. Những tiếng nói quốc tế cất lên bày tỏ sự đoàn kết với tôi phản đối sự tước quốc tịch phi pháp, nhưng trước hết chính những cuộc phản kháng tại CHDC Đức đã làm lung lay thể chế độc tài của CHDC Đức đến nơi đến chốn.

Trong thời chiến tranh lạnh tôi từng tin chắc bức tường Berlin sẽ sống lâu hơn tôi. Khi bức tường đổ trong cuộc cách mạng hòa bình xảy ra năm 1989, cái chủ nghĩa bi quan buồn bã có chủ đích của tôi đã tỏ ra là một ảo mị. Tôi đã được giải ảo một cách quá mức hạnh phúc. Sự tái thống nhất tổ quốc chất nặng lỗi lầm đã nằm trên chương trình nghị sự của lịch sử thế giới. Người Mỹ thể tất nhanh chóng, người Nga chấp nhận trong tình trạng hỗn loạn, người Pháp một cách ngờ vực và người Anh miễn cưỡng. Và kế đó rồi khi toàn bộ khối Đông Âu tan rã nữa, không có vụ nổ Big Bang, không chiến tranh bỏng rát, không nội chiến đẫm máu, thì tôi biết được chính xác, ngay từ bây giờ trên toàn châu Âu chúng ta sẽ hát lên một bài hát hay hơn của cuộc đời. Chấm dứt cuộc thí nghiệm thú vật cộng sản áp dụng lên con người đang sống! Tự do biểu đạt! Hòa bình! Và Dân chủ!
Thủ tướng Helmut Kohl của đảng CDU (1) đã xoa dịu người Đức phía Tây bằng câu chuyện thần thoại, rằng sự thống nhất sẽ không tốn kém lắm như lo ngại. Ông ấy hứa với những đứa con của đất nước: “Những phí tổn này chúng ta thừa sức chi trả từ ngân quĩ”, Và với người Đức phía Đông, như một đấng Messiah trần tục, ông ấy loan báo “những phong cảnh nở hoa kết trái”. Những hứa hẹn của Kohl, với ít nhiều muộn mằn, té ra chỉ là những sự thực nửa vời mà thôi. Trong sự tái thiết miền Đông, vùng phía Tây đã chi trả 2000 tỷ Dollar chưa đến mức phá sản. Và ở miền Đông nước Đức ngày hôm nay, một số thành phố và cảnh quan nở hoa kết trái rực rỡ hơn nhiều thành phố và thị trấn ở miền Tây của đất nước chúng ta.
Mà thế đó, những thập niên cuối đã dạy chúng ta rằng, kiến thiết đường phố, cửa nhà mới và những nhà máy hiện đại dễ hơn việc biến những nô tỳ bảo sao nghe vậy thành những người dân chủ bao dung. Trong cuộc cách mạng hòa bình cách đây 30 năm tuy những người dân được gọi là Ossi [người miền Đông dễ thương – ND] cuối cùng đã tự giải phóng, nhưng rồi sau đó chính họ đã phải gắng gỏi học hỏi rằng cái từ màu nhiệm “Tự do” – dịch trắng ra trong tiếng Đức – không có nghĩa gì hơn khác là tự gánh vác trách nhiệm lấy cho bản thân mình. Tự do làm đớn đau những nô lệ được học nghề là thế. Đối với sự nhớ thương thầm kín về những thứ dễ dãi có được trong nền chuyên chính tôi dùng một từ ngữ chế nhạo “sự hoài cổ miền Đông”. Và với đời sống thịnh vượng của phía Tây, tại CHDC Đức cũ, một cách hoang tưởng lớn lên dần một nỗi sợ hãi vô lý về sinh tồn xã hội.
Năm 2005, khi nữ Thủ tướng Angela Merkel quyết định để cho những người tị nạn chiến tranh, đặc biệt từ vùng Syria và Afghanistan vào đất nước mình một cách mất kiểm soát, thực trạng đó đã là một tình thế bi đát. Vâng, với Shakespeare trên sân khấu người ta dễ nhận thức được khái niệm bi kịch nghĩa là chi: mọi giải pháp có thể đều sai. Người anh hùng của trạng huống gay cấn không phải quyết đoán giữa Thiện và Ác, mà hệ trọng hơn: liệu hay hơn không y mắc phải lỗi lầm này hay là lỗi khác, bởi trong một tai họa như vậy tất cả đều sai trái.
Với tôi, đứa con cháy bỏng khát vọng sinh ra ở miền Trung châu Âu điều này đã rõ, và tôi đã nghiệm trải chân lý này bằng thân xác của mình, rằng nền dân chủ thiếu hoàn hảo nhất luôn tốt đẹp hơn một nền chuyên chế khá nhất. Cách đây ba năm, trong một tình huống ngoại lệ Angela Merkel đã quyết định không dùng hàng rào dây thép gai, dùi cui, vòi rồng, súng máy và xe tăng xua về hàng ngàn người tị nạn đang tuyệt vọng tại biên giới Đức, không đuổi về Áo, Hungary, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hay về đâu đó đang chiến tranh tại Syria hay Afghanistan. Vâng, vâng, đấy là một lỗi. Nhưng thế đó một lỗi nhỏ hơn, đó là lỗi “đúng đắn” hơn. Trong đợt sóng thần tị nạn, tôi đứng về phía nữ Thủ tướng của chúng ta, bời vì bà đã bảo toàn được tư cách mình là một nhà nhân đạo hành động mạnh mẽ, đã ứng xử như một nữ tín đồ Thiên chúa giáo đích thực và bất chấp mọi quay cuồng trong nội chính châu Âu nguyên còn lại một người Âu châu kiên định. Bà đã chỉ cho thế giới thấy gương mặt tươi vui của trí tuệ con người.
Lầm lỗi tuyệt vời này xảy ra cách đây ba năm đã mang đến cho cá nhân Angela Merkel thiện cảm khắp trên thế giới. Quyết định can trường của bà hữu ích cho uy tín người Đức ít nhất như bước phát triển thần kỳ kinh tế sau thời Quốc xã được thế giới nơi nơi ngưỡng mộ. Ngay tại nước Đức bản thân người Đông và người Tây Đức khác biệt nhau gần như mang tính mô hình phổ quát như các nhà nước miền Đông và miền Tây của Liên minh châu Âu. Ở đây ta thấy, nền độc tài đã không ngừng tác oai tác quái sau khi nó sụp đổ. Trong những nhà nước miền Đông Âu của khối Đông khi xưa, nơi hầu như không có người nước ngoài và có ít người tị nạn nhất, thì sự sợ hãi trước họ lại lớn nhất.
Các đòn công kích vào bà Thủ tướng Angela Merkel từ dạo mở biên giới vào năm 2015 đôi khi vống lên mức la ó. Những kẻ dân túy đánh bắt kiếm chác trong dòng nước đục này. Ở đây người ta phải biết, rằng phần lớn người Đức đã bầu cho các đảng đang cùng gánh chịu chính sách tị nạn của bà Merkel.
Hiện thời Angela Merkel tìm cách vận động, nếu không tất cả, thì ít nhất phần năng nổ của các nhà nước châu Âu cho chính sách của một châu Âu tự do. Chính vì thế tuần này bà đã kêu gọi khai mạc một cuộc gặp thượng đỉnh đặc biệt của những nhà chính khách đứng đầu khối Liên Âu. Câu hỏi hóc hiểm sẽ là: làm sao để các nhà nước Liên Âu thống nhất được việc ổn định biên giới, tuy nhiên không vì thế bỏ đi chính sách tị nạn nhân đạo. Chúng ta ở châu Âu đang tranh cãi về một sự phân bố tương đối công bằng những người tị nạn. Nếu như bà Thủ tướng liên bang trượt ngã về vấn đề này, thì đó chỉ là một thất bại cho một nữ Thủ tướng mạnh mẽ, nhưng với châu Âu là một thảm họa.
Tôi nghĩ rằng chỉ một châu Âu đa dân tộc, như Karl Đại đế (2) là người đầu tiên hiện diện, như Winston Churchill (3) ngang bướng đã tiên đoán thấy sau chiến tranh, rằng trong cuộc đấu tranh sinh tồn toàn cầu với những thế lực nước lớn đang hình thành và đang lên, chỉ một châu Âu hợp nhất dân chủ gồm nhiều nền văn hóa khác nhau mới có thể khẳng định vị thế.
Hiện thời, những nền dân chủ vẻ như đang điêu đứng. Nhìn về lâu dài, về mặt chính trị, những xã hội tự do chỉ có thể trụ lại, nếu như cùng khai triển kể cả trong lĩnh vực kinh tế, tỉ dụ như một sự hiệp đồng mạnh mẽ các nền kinh tế quốc dân châu Âu mới có thể giúp đương đầu lại chủ nghĩa tư bản – trại tập trung – hầm hố – toàn trị ở Trung Quốc. Chính xác ra Macron và Merkel đứng ra đảm đương việc này. Chúng ta, những người Âu châu, phải đón lấy vận mệnh về tay, hoàn toàn theo tinh thần khai phá trong bài thơ của William Ernest Henley (4): “I am the master of my fate: I am the captain of my soul.” [Tôi là người thợ cả rèn số phận tôi: Tôi là thuyền trưởng lái linh hồn tôi – ND].
Những mối nguy nan trong cuộc tương tranh trên thế giới luôn to lớn. Nhưng nguy hiểm nhất là sự ươn hèn của chúng ta.
Trong tinh thần đó tôi đã viết cho tôi và những người bạn dũng cảm của tôi một bài hát: “Ai không đi vào hiểm nguy, hắn cũng chết ở trong đó”. Những tù nhân chính trị cũng nhấm nháp điều này trong ngục tù như một thứ bánh mỳ của tâm hồn. Người sáng tác ca khúc nào có thể phiên dịch những vần thơ này sang tiếng Mỹ, để có thể Joan Baez (5), người bạn gái tôi ngưỡng mộ, muốn hát lên bài ca thích hợp với tượng thánh này của sự bất khuất. Năm 1966 chị ấy đã đến thăm và động viên tôi, kẻ bị hạ nhục tại Đông Berlin. Cách đây vài ngày chúng tôi gặp lại nhau nhân dịp chị biểu diễn concert tại Hamburg. Chúng tôi lại trò chuyện cùng nhau như xưa kia trong tháng Năm, như thể cả hai chúng tôi tháng năm qua không có mái tóc mùa đông trắng xóa.

Dịch từ nguyên tác tiếng Đức / Có thể tham khảo bản tiếng Anh.
Chú thích của người dịch:
(1) Die Christlich Demokratische Union Deutschlands: Đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo Đức. Chủ tịch đảng hiện thời là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng như trước đó Thủ tướng Helmut Kohl của thời Thống nhất nước Đức.
(2) Karl der Große: Charles I hay Karl I Đại đế Carolus (sinh 742 hay 747 – mất ngày 28 tháng 1 năm 814), là vua của người Frank (768 – 814). Bằng những chuyến phục chinh và việc củng cố nội bộ, Hoàng đế Karl I góp phần định dạng Tây Âu và thời kỳ Trung cổ.
(3) Winston Churchill (1874-1965): Chính trị gia quan trọng thế kỷ 20, Thủ tướng Anh.
(4) William Ernest Henley (1649-1903): Nhà văn Anh.
(5) Joan Baez (sinh năm 1941): Nữ ca sĩ Mỹ, nổi tiếng cả vì những đóng góp cho phong trào phản chiến.
Wolf Biermann: Nhà thơ, ca sĩ, nhạc sĩ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người Do Thái ủng hộ cộng sản chết trong trại tập trung Auschwitz. 1950, đại diện CHLB Đức, ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức. 1953, di cư sang CHDC Đức, học Triết học, Kinh tế-Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963). 1957-1959, trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble. 1960, bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát; xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên.1962, in tập thơ Những bài thơ tình. 1963, bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. 1965, bị chính quyền CHDC Đức cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh “Phản bội giai cấp” và “Tục tĩu”, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát. Tháng 12 năm 1965, Trung ương Đảng SED ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được mua nhiều nhất. Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức phê phán chế độ, phản kháng chủ nghĩa toàn trị ở CHDC Đức. 1984, giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995, giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität. Nhận nhiều giải thưởng Văn chương. 2006, nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 2007 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.

Comments are closed.