Ngô Quốc Phương
Tuần này có chút việc riêng, tôi đi xuống miền Nam vùng Kent, tại Anh Quốc. Phong cảnh hữu tình. Chỉ có cái trời nóng bức quá, toàn ba mươi mấy độ trở lên, may mà còn có nhiều cây cối, khoảng xanh và sông nước tương đối ‘mênh mông’ giúp cân bằng lại.
Đang đợi gặp lại người nhà, tôi thấy một bác cũng đang ngồi đó phe phẩy, trên một băng ghế bên bờ sông.
Có lẽ hai bên nhìn mặt nhau thấy nói chuyện được, nên sau khi hỏi đáp mấy câu về thời tiết, giao đãi thêm vài câu nữa gọi là bóng bàn qua lại, thì quý vị này cho biết đến thăm người nhà ở vùng này và ra bờ sông ngắm cảnh cho vui.
Rồi bác chia sẻ làm việc trong một lĩnh vực đặc biệt có liên quan tới thương mại và thông tin thương mại bên Ấn Độ.
Vui quá, vậy là tôi hỏi luôn đủ thứ chuyện về Ấn Độ nhìn nhận, theo dõi vụ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc thế nào.
Bác phân tích khá rành mạch, chứng tỏ có vẻ là dân có nghề.
Nội dung câu chuyện con cà con kê lắm, nhưng có một chi tiết bác nói, tôi tự nhủ cần ghi lại và chia sẻ, có thể bà con, gia đình mạng đọc để biết thêm cho vui chăng.
Bác bảo Trung Quốc họ thông minh lắm, hệ thống thu thập thông tin của họ khá bài bản nhất là về tình báo kinh tế.
Cần thì họ thuê các tổ chức, chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm làm.
Có cái họ làm công khai, có cái làm bán công khai và họ làm khá sâu trong mạng lưới của họ ở các nơi, châu Á, hay các chỗ khác.
Hỏi bác về vụ các thương nhân Trung Quốc ở Nam Á thế nào, thì bác bảo, à chúng tôi cũng có cách của mình, họ có cách của họ. Có cái họ chủ động hơn chúng tôi, có cái chúng tôi chủ động hơn họ.
Rồi bác bảo, nhưng cũng phải nói là bây giờ thời đại của công nghệ thông tin, công nghệ mạng, rồi trí tuệ nhân tạo…, mọi thứ thông tin được thu thập, phân loại, phân tích, tinh lọc xử lý rồi giúp cho những bên cần đến nó rất là nhanh.
Bác cho ví dụ, chẳng hạn trên thị trường giữa một anh nước Cam và anh nước Quít đang có chiến tranh.
Nước Quít có thể thiệt hơn. Họ sẽ tìm đủ mọi cách.
Nghe nói có một anh là nước Chanh sẽ làm việc với Cam, để thay thế Quít đưa hàng vào nước Cam.
Vậy là họ sẽ tìm hiểu.
Họ làm đủ thứ, từ tìm thông tin trong chính phủ ở trung ương, tơi địa phương có liên quan tới các hợp đồng mà anh Chanh kia đang bàn để làm với anh Cam.
Họ hỏi đủ thứ, cả người trong hệ thống, quan chức, cho tới chuyên gia, tới cả các nhà nghiên cứu, cố vấn, rồi hỏi cả báo chí.
Trước hết, xác định đúng là có chuyện hai anh Chanh và Cam đang bàn nhau không, bàn thế nào? Cụ thể ra sao, nội dung, quy mô hợp đồng? Càng nhiều thông tin càng tốt.
Có chuyên gia nọ của nước kia ngày nọ nói với một đài báo của bên nước Dừa nào đấy, mà bên anh Quít có quan hệ và đặt hàng, cho biết nhiều thông tin giữa hai anh Chanh và Cam.
Họ vẫn cho anh nước Dừa này đăng tin, nhưng ém nhẹm đi những thông tin mà anh Quít cần. Họ báo cáo về các cơ quan, bộ phận phân tích.
Tôi hỏi nhưng sau đó có thông tin thì làm gì?
Bác Ấn Độ cười, anh hỏi kỹ thế? Tất nhiên là họ có các cách xử lý, tùy mục đích. Có thông tin trước về đối thủ cạnh tranh, các hợp tác có thể gây cạnh tranh là tốt rồi. Có càng sớm càng tốt. Cần thiết có thể điều chỉnh bên trong của mình, rồi điều chỉnh bộ phận, hay toàn bộ nữa để hữu hiệu hơn trong tình huống bất lợi. Cũng có thể tùy, sẽ tìm cách đàm phán với anh Chanh, nhưng khéo léo, tinh tế. Tùy, hoặc là để chơi lại anh Cam, vì Cam đang cần Chanh hay cần ai đó thay thế. Nhưng cũng có thể xem cung cách thái độ của Chanh, nếu anhChanh thực sự cạnh tranh bất lợi và có hại, thì sẽ đánh Chanh.
Hỏi bác đánh thế nào? Bác cười, bảo, đánh nhiều cách, như cử anh Sầu Riêng, hay anh Mãng Cầu ở đâu đó đến đặt hợp đồng với điều kiện cạnh tranh, hấp dẫn, khó cưỡng, rồi có thể gây ra tranh chấp khi đã hút anh Chanh vào đó, cũng có thể cẩn thận thì mua chính sách ở bên Chanh, để họ không lường hết khi sự vụ xảy ra. Khi giải quyết xong tranh chấp, thì đã xong việc cần giải quyết.
Lại hỏi đơn giản thế thôi bác? Hay còn nhiều kiểu nữa?
Bác bảo, tôi làm trong nghề bốn mươi năm, tất nhiên là nhiều thứ lắm.
Bỗng nhiên bác dừng và hỏi thế anh làm gì? Chắc còn trẻ chưa về hưu như tôi? Anh làm gì mà quan tâm mấy chuyện đó thế?
Liền bảo bác sơ bộ là làm chỗ ấy, chỗ nọ, và bảo bác là tiện có cái xe cà rem ở kia, bác đợi tôi ra mua hai cây, một cho bác và một cho tôi đem về chống nắng và giải cơn khát, rồi thưa chuyện tiếp với bác.
Bác liền cảm ơn và bảo Ok.
Vậy là chạy vội đi, nhưng lúc mua cà rem xong thì phải ăn cả hai vì không thấy bác đâu nữa…
Nhìn bảng điện tử ở khu đó lúc đó cũng đã kha khá đứng trưa và chỉ số nhiệt độ là ba mươi mấy độ, chắc bác thấy tôi xếp hàng lâu quá nên đã chạy mất rồi!
Tiếc quá, xin lỗi đã làm bác không kịp chờ nhé! Cà rẻm với lại cà rem, chết tiệt!
NQP, 07/8/2018, Kent