Svetlana Alexievitch
Trích “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”
Trước hết ta nhớ gì?
Ta nhớ tiếng nói dịu dàng, thường bối rối của người nói với ta. Họ bối rối trước chính họ, trước điều xảy đến với họ. Quá khứ không còn, và nó vẫn còn ở đó. Tôi cũng trở thành chứng nhân. Chứng nhân của những gì những con người đó gợi lên và cách họ đã làm chúng, của những gì họ muốn nói và những gì họ định quên hay che đi, đẩy lui vào đáy sâu nhất của ký ức họ. Chứng nhân của những nỗ lực tuyệt vọng của họ để tìm cho ra những từ đúng.
Lại là ở Moskova, ngày Chiến thắng, mà tôi đã gặp Olga Iakovlevna Omeltchenko. Tất cả phụ nữ đều mặc áo dài mùa xuân, khăn choàng màu sáng trên đầu, nhưng bà, bà mặc quân phục và đội mũ nồi quân đội. Bà cao lớn, vạm vỡ. Bà không nói, không khóc. Bà thường xuyên im lặng, nhưng im lặng của bà khác thường, nó mang trong nó nhiều hơn là các từ. Có vẻ như lúc nào bà cũng giữ trong bà một đối thoại nội tâm với chính mình. Bà không cần ai hết.
Chúng tôi làm quen, rồi tôi đến thăm bà ở nhà bà, tại Polotsk.
Một trang mới của cuộc chiến tranh mở ra dưới mắt tôi, một trang mà trước mặt nó, trí tưởng tượng điên rồ nhất cũng sẽ phải lúng túng.
Olga lakovlevna Omeltchenko, cáng thương ở một đại đội xạ thủ – khinh binh:
– Mẹ tôi. Bà muốn tôi đi cùng bà khi chúng tôi tản cư, bà biết tôi nóng lòng muốn ra trận, nên bà cột tôi vào chiếc xe kéo chở hành lý của chúng tôi. Nhưng tôi lén cởi ra và chuồn mất. Sợi dây còn quấn ở cổ tay tôi. Là bùa của mẹ.
Quanh tôi, mọi người trốn, chạy. Tôi sẽ ra sao? Dọc đường, tôi gặp một toán con gái. Một cô trong số họ nói với tôi: “Mẹ tớ ở cách đây không xa, đến nhà tớ đi.” Chúng tôi đến nơi giữa đêm, chúng tôi đập cửa. Mẹ cô ấy mở cửa, và nhìn chúng tôi – chúng tôi bẩn thỉu, rách rưới – bà ra lệnh cho chúng tôi: “Đứng trên ngưỡng cửa đấy đã!”. Chúng tôi vâng lời. Bà mang tới những xô to tướng đầy nước, bắt chúng tôi cởi hết quần áo. Chúng tôi gội đầu bằng tro (vì không có xà phòng), rồi leo lên lò sưởi[1], tôi lập tức rơi vào một giấc ngủ mê man. Sáng hôm sau, bà mẹ của cô gái ấy nấu cho chúng tôi một nồi súp su hào, và làm bánh mì bằng cám trộn với khoai tây. Bánh mì có vẻ ngon và súp thì thú vị!
Chúng tôi ở lại đấy bốn ngày để bà hồi phục cho chúng tôi. Bà cho chúng tôi ăn từng ít một, sợ chúng tôi chết vì thương thực. Ngày thứ năm, bà nói với chúng tôi: “Đi đi!”. Trước đó, một bà láng giềng đã sang thăm bà, trong khi chúng tôi đang ở trên nóc lò sưởi. Bà mẹ ra hiệu cho chúng tôi im lặng. Bà không cho ai hay con gái bà mà mọi người biết là đã ra trận, đang ở đấy, tại nhà. Cô ấy là con gái độc nhất của bà, tuy nhiên bà không hề tỏ ra thương xót cô ta, bà không thể tha thứ cho nỗi hổ thẹn cô đã gieo lên gia đình vì bỏ về.
Bà đánh thức chúng tôi dậy vào nửa đêm, cho mỗi đứa một cái ba lô con chứa thức ăn và nói với từng đứa: “Đi đi!”.
– Thậm chí bà không tìm cách giữ con bà lại sao?
– Không, bà ôm hôn con và nói: “Bố mày đã ra trận, mày cũng phải đi mà đánh nhau.”
Trên đường đi cô ấy mới kể cho tôi cô là y tá và cô đã bị bao vây.
Tôi lênh đênh lâu từ nơi này qua nơi khác trước khi đến Tambov và tìm được một chỗ làm ở bệnh viện. Ở đấy rất tốt, sau những ngày chết đói, tôi lên cân đến mức hơi béo tròn ra. Khi tôi lên mười sáu tuổi, người ta báo cho tôi từ nay tôi có thể cho máu, cũng như tất cả các y tá và bác sĩ. Vậy là tôi bắt đầu cho máu hằng tháng: bệnh viện luôn cần hàng trăm lít. Tôi cho liền một lần 500 cm3, nửa lít một tháng hai lần. Tôi được nhận khẩu phần của người cho máu: một ki lô đường, một ki lô mì hột, một ki lô xúc xích, để hồi sức.
Tôi đánh bạn với một người hộ lý mà chúng tôi gọi là thím Nioura. Bà có sáu đứa con, và chồng bà đã chết hồi đầu chiến tranh. Cậu con trai đầu của bà, mười sáu tuổi, đi tìm thực phẩm và đánh mất phiếu phân phối. Tôi cho họ khẩu phần của người hiến máu. Một hôm, bác sĩ bảo tôi: “Ta sẽ ghi địa chỉ của cô vào; như vậy có thể người được truyền máu của cô sẽ cho ta biết họ là ai.” Chúng tôi ghi địa chỉ của tôi lên một cái nhãn buộc vào lọ.
Và thế là ít lâu sau, nhiều nhất là hai tháng, lúc tôi đã đi ngủ sau phiên trực, bỗng có người đánh thức:
– Dậy đi! Dậy đi, anh trai cô đến đấy!
“Anh trai nào? Tôi có anh trai đâu.”
Khu nội trú của chúng tôi ở tầng trên cùng của bệnh viện; tôi đi xuống và tôi thấy một chàng trung úy trẻ và đẹp trai đang chờ bên dưới. Tôi hỏi:
“Ai hỏi Omeltchenko ở đây?”
Anh đáp:
“Tôi.” Và anh đưa ra mẩu giấy mà bác sĩ và tôi đã viết. “Đấy. Tôi là anh trai cùng dòng máu của cô.”
Anh mang đến cho tôi hai quả táo và một túi kẹo, hồi ấy không thể tìm ra được những thứ đó. Trời! Những viên kẹo ấy, ngon vô cùng! Tôi đến gặp ông giám đốc. “Anh trai tôi đến!”. Ông cho tôi một kỳ nghỉ phép. Anh mời tôi: “Ta cùng đi nhà hát nhé.” Tôi là đứa chưa bao giờ đặt chân vào nhà hát, thế mà bỗng chốc lại được, và cùng kẹp tay một chàng trai, không tưởng tượng nổi! Một chàng đẹp trai. Một sĩ quan!
Vài ngày sau, anh đã phải đi: anh được chuyển đến mặt trận Voronej. Khi anh đến từ giã, tôi đã mở cửa sổ và vẫy tay chào anh. Tôi không được nghỉ: thương binh đang về nhiều.
Tôi chưa bao giờ nhận được thư, thậm chí tôi không nghĩ ra được nhận thư là thế nào. Vậy mà một ngày kia người ta trao cho tôi một phong bì gấp hình tam giác. Tôi mở ra, và đọc: “Bạn cô, chỉ huy một trung đội súng máy đã hy sinh như những người dũng cảm ngã xuống”. Đấy là người anh trai cùng dòng máu của tôi. Anh thuộc Hội Tương tế, và rõ ràng, địa chỉ duy nhất anh có trên người, là địa chỉ của tôi. Địa chỉ tôi. Khi ra đi anh nài nỉ tôi rất nhiều, xin tôi cứ ở lại bệnh viện ấy để sau chiến tranh dễ tìm lại tôi hơn. Anh đã van xin tôi bao nhiêu. Và chỉ một tháng sau, tôi đã nhận được bức thư báo tin anh chết. Tôi cảm thấy hết sức đau đớn. Tôi quyết định tìm mọi cách ra trận và trả thù cho dòng máu của tôi bởi tôi biết máu tôi đã đổ xuống ở một nơi nào đó.
Nhưng xin được ra trận không chẳng hề đơn giản. Tôi đã gửi ba lá đơn lên giám đốc bệnh viện, và thay vì viết lá thư thứ tư, tôi xin gặp ông.
“Nếu ông không cho tôi đi, thì tôi sẽ trốn”.
– Thôi, được rồi, tôi sẽ tìm cho cô một chỗ khác, vì cô khăng khăng đến thế.
Tất nhiên khủng khiếp nhất là trận đầu tiên. Trời gầm lên, đất gầm lên, ta có cảm giác tim ta vỡ tung, da ta nứt ra. Tôi không nghĩ đất có thể nứt ra như thế. Tất cả nứt ra, rung lên, gầm lên. Thẳng thắn mà nói, tôi không chịu nổi nữa. Làm sao tôi còn có thể sống sót với tất cả những thứ này? Tôi sợ khủng khiếp, và đây là điều tôi quyết định: tôi rút tấm thẻ Cômsômôn của mình ra, tôi nhúng vào máu của một thương binh và đút vào túi áo trên chỗ trái tim, rồi tôi cài cúc lại. Bằng cử chỉ đó, tôi tự thề với mình phải đứng vững bằng bất cứ giá nào, nhất là không được nao núng, bởi nếu tôi nao núng ngay từ trận đầu, tôi sẽ không thể tiến lên một bước. Người ta sẽ không giữ tôi lại ở tuyến đầu, mà sẽ đưa tôi đến tiểu đoàn quân y. Mà tôi, thì tôi muốn ở tuyến đầu, tôi muốn nhìn mặt ít ra một tên phát xít. Tận mắt tôi.
Rồi chúng tôi chuyển sang tấn công, chúng tôi tiến lên trong cỏ cao, đến ngang thân người. Đất đã không được cấy trồng nhiều năm. Bước đi rất khó khăn. Đấy là ở Koursk.
Sau trận đánh, tôi được tham mưu trưởng triệu đến. Hãy tưởng tưởng một ngôi nhà gỗ nhỏ đã bị phá một nửa, trong ấy chẳng có gì hết, ngoài một chiếc ghế. Đại tá chờ tôi ở đấy, ông đứng. Ông ra lệnh cho tôi ngồi xuống ghế:
“Tôi nhìn cô và tôi tự hỏi cái gì thúc giục cô dấn mình vào địa ngục này. Cô sẽ để mình bị giết như một con ruồi trong ấy. Đây là chiến tranh, là chuyện cho máu! Là cái lò mổ! Nào, tôi sẽ chuyển cô về công tác y tế. Mà thà là cô bị giết! Nhưng hãy tưởng tượng cô bị mù hay mất cả hai bàn tay? Cô có nghĩ đến chuyện đó không? đấy, ông đứng. Ông ra lệnh cho tôi ngồi xuống ghế:
“Tôi nhìn cô và tôi tự hỏi cái gì thúc giục cô dấn mình vào địa ngục này. Cô sẽ để mình bị giết như một con ruồi trong ấy. Đây là chiến tranh, là chuyện chó má! Là cái lò mổ! Nào, tôi sẽ chuyển cô về công tác y tế. Mà thà là cô bị giết! Nhưng hãy tưởng tượng cô bị mù hay mất cả hai bàn tay? Cô có nghĩ đến chuyện đó không?”.
Tôi trả lời ông:
“Vâng, thưa đồng chí đại tá, tôi đã nghĩ đến! Nhưng tôi chỉ xin đồng chí một điều: hãy để tôi lại trong đại đội của tôi”.
– “Được rồi, cút đi! ”. Ông hét lên với tôi, hung hăng đến nỗi tôi hoảng sợ. Rồi ông quay người về phía cửa sổ.
Các trận đánh ác liệt. Tôi xông vào các trận giáp lá cà. Thật tàn bạo. Ta trở thành … Đấy không phải là chuyện của con người… Người ta phang, người ta xuyên lưỡi lê của mình vào một cái bụng, vào mắt, người ta tóm lấy cổ họng nhau để mà siết cổ nhau. Người ta làm vỡ xương nhau ra. Trước tiên trong một tiếng rống, rồi một tiếng kêu, một tiếng than. Và cái tiếng gãy nát ấy. Cái tiếng gãy nát ấy! Không thể quên. Đấy là điều ác mộng nhất trong chiến tranh. Chẳng có chút gì là người trong ấy nữa. Đừng tin những kẻ nói với ta rằng trong chiến tranh người ta không biết sợ.
Đây, chẳng hạn, bọn Đức đứng dậy, chúng tiến lên, năm, mười phút nữa và sẽ là xung phong. Ta bỗng run lên cầm cập. Người ta rung lên ớn lạnh. Nhưng cái đó chỉ kéo dài cho đến tiếng súng đầu tiên. Khi vừa nghe vang lên mệnh lệnh, ta không còn nghĩ gì hết, ta đứng lên cùng mọi người và ta chạy. Và lúc đó, ta không còn nghĩ đến nỗi sợ của mình. Chỉ có, ngày hôm sau, ta không ngủ nữa, và bây giờ thì cái sợ mới đến. Tất cả trở lại trong trí nhớ, tất cả các chi tiết, ta ý thức được rằng ta đã có thể bị họ giết chết, ta bỗng bị siết lấy bằng một nỗi sợ điên dại. Tốt hơn hết là đừng nhìn vào mặt người khác sau một trận tấn công, đấy là những khuôn mặt hoàn toàn khác các khuôn mặt con người vẫn có thường ngày. Tôi không thể diễn đạt được đó là gì. Ta có cảm giác mọi người đều hơi có gì đó khác thường, thậm chí, lén lút hiện lên một cái gì đó có tính chất súc vật. Tốt hơn cả là đừng nhìn. Ngay cả hôm nay nữa, tôi khó tin là tôi còn sống. Sống. Bị thương. Bị chấn động, nhưng khỏe mạnh và sống sót. Tôi không tin.
Tôi nhắm mắt và tất cả lại vẽ lên trước mặt tôi.
Một quả pháo trúng kho đạn, lửa bùng lên. Người lính đứng gác cạnh biến thành đuốc. Trong một lúc, không còn là một con người, mà là một khối thịt đen sì. Anh nhảy hết chân này đến chân kia. Anh lò cò tại chỗ. Đám người nhìn anh từ hầm trú ẩn, nhưng không một ai nhúc nhích, vì quá sững ra. Tôi cầm lấy một tấm chăn và tôi chạy về phía anh lính ấy, tôi trùm lấy người anh và nằm đè lên ngay. Tôi ép anh xuống đất. Đất lạnh. Anh tiếp tục vùng vẫy một lúc, cho đến khi quả tim anh bỏ cuộc và anh ngưng động đậy.
Người tôi đẫm máu. Một trong những người lính lớn tuổi nhất đến gần tôi, ôm lấy tôi trong vòng tay anh và tôi nghe anh nói: “Khi chiến tranh chấm dứt, nếu lúc đó cô ấy còn sống, cô ấy sẽ mãi mãi không thể là một người bình thường, đã kết thúc với cô ấy rồi.” Anh ấy muốn nói rằng người ta không thể, còn trẻ thế, sống qua những điều khủng khiếp như thế, mà không giữ lại dấu vết. Người tôi rung lên vì những cơn co giật cứ như tôi bị một trận động kinh. Họ nắm lấy người tôi và kéo tôi vào một hầm trú ẩn. Lần này, là họ mang tôi.
Và rồi cuộc chiến đấu tiếp tục dữ hơn. Ở Svevsk, bọn Đức tấn công chúng tôi bảy hay tám lần một ngày. Trong cùng ngày đó, tôi đã mang nhiều thương binh từ chiến địa trở về, cùng vũ khí của họ. Người cuối cùng tôi ra tìm có cánh tay bị nát vụn. Nó thòng xuống, bất động. Đầm đìa máu. Phải cắt ngay tức thì và băng chỗ còn lại, không thể khác. Nhưng tôi không có dao cũng không có kéo. Cái túi xách của tôi, cứ đập vào hông tôi lúc tôi bò, đã dánh rơi mất chúng. Làm sao? Thôi, tôi đành cắn bằng răng vào chỗ thịt ấy, rồi tôi đặt ga rô. Trong khi tôi băng chỗ còn lại trên cánh tay anh, anh lính cứ giục tôi: “Nhanh lên chứ, cô y tá, tôi còn phải chiến đấu.” Anh bị sốt.
Nhưng ngày hôm sau, khi xe tăng lao vào chúng tôi, có hai cậu đã tháo chạy. Nhiều đồng chí của chúng tôi đã chết vì họ. Những thương binh tôi kéo được vào hầm trú ẩn đã rơi vào tay bọn Đức. Một chiếc xe phải đến đón họ, nhưng khi hai cậu kia hoảng sợ, thì tình trạng kinh hoàng bắt đầu. Phòng tuyến không còn giữ được, người ta bỏ chạy. Thương binh bị bỏ lại. Về sau chúng tôi đã trở lại nơi họ đã nằm: chúng tôi tìm thấy lại họ, mắt bị đâm thủng, bụng bị rạch toang. Khi tôi nhìn thấy cảnh ấy, tất cả trong tôi tối sầm lại, cả một đêm. Bởi chính tôi, phải không, đã đưa dồn tất cả họ về một chỗ, đã cứu họ.
Sáng hôm sau, lệnh tập họp toàn tiểu đoàn, người ta đưa hai tên hèn nhát kia ra trước chúng tôi. Đọc lệnh xử bắn chúng. Cần bảy người để thực hiện bản án. Ba người tình nguyện, những người khác không động đậy. Tôi cầm khẩu tiểu liên của tôi và bước lên. Khi tôi vừa rời khỏi hàng, tất cả những người khác đã bước theo tôi. Không thể tha thứ cho chúng. Vì chúng, những con người tuyệt vời đã chết!
Chúng tôi đã thực hiện bản án.
Tôi không biết hôm nay tôi có tha thứ cho chúng không. Tôi không thể nói được. Cả cuộc đời tôi không đủ để tôi vượt qua tất cả những gì tôi đã nhìn thấy trong chiến tranh. Toàn bộ cuộc đời tôi không đủ. Đôi khi, tôi muốn khóc. Nhưng khômg thể.
Trong chiến tranh, tôi đã quên tất cả. Toàn bộ cuộc sống trước kia của tôi. Tôi cũng quên tình yêu. Quên hết.
Người chỉ huy một đại đội trinh sát đem lòng yêu tôi. Anh gửi cho tôi những bức thư êm dịu qua trung gian người của đại đội anh. Một lần, tôi đến chỗ anh hẹn. “Không, tôi nói với anh, từ lâu tôi đã yêu một người nay không còn trên thế gian này”. Anh ấy bước đến rất gần tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, rồi quay gót và đi xa. Quanh chúng tôi, bốn bên súng nổ, nhưng anh cứ đi thẳng người, không hề cúi xuống. Về sau, chúng tôi đã vào Ukraine, chúng tôi giải phóng một làng lớn. Tôi tự nhủ: “Đi một vòng xem, ta thử nhìn qua.” Trời đẹp, các ngôi nhà tranh đều một màu trắng. Và rồi, vừa ra khỏi làng: những nấm mộ, đất vừa được xới lên. Người ta đã chôn ở đấy những người vừa chết để đánh chiếm lại làng này. Tôi không hiểu vì sao, bỗng nhiên tôi cảm thấy có điều gì đó khiến tôi chú ý. Trên mỗi ngôi mộ, có một tấm ảnh dán trên một tấm bảng nhỏ phía trên tên họ.
Đột nhiên, tôi nhận ra một khuôn mặt quen thuộc. Đấy là người chỉ huy đại đội trinh sát đã tỏ tình với tôi. Có tên anh được ghi. Tôi cảm thấy rất đau. Thật kinh khủng. Và lúc ấy tôi thấy những người lính trẻ của đại đội anh đang đi về phía mộ anh… Họ đều biết tôi. Chính họ đã mang những bức thư tình của người chỉ huy họ đến cho tôi. Không ai nhìn tôi, cứ như tôi không tồn tại. Hoặc họ không nhận ra tôi. Sau đó, khi tôi đi ngang qua họ, hình như, tôi có cảm giác họ muốn tôi đã chết, cả tôi nữa. Thật đau đớn dối với họ khi nhìn thấy tôi vẫn sống. Đấy là điều tôi cảm nhận. Cứ như tôi có tội. Trước họ. Có thể cả trước anh.
Trở về sau chiến tranh, tôi bị ốm nặng. Rất lâu tôi lê lết từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, trước khi tôi rơi vào tay một vị giáo sư già. Ông chữa cho tôi. Ông khẳng định nếu tôi ra trận lúc mười tám hay mười chín tuổi, cơ thể tôi có thể tự bảo vệ tốt hơn, nhưng hồi ấy tôi mới mười sáu, là tuổi còn quá non, nó đã phải chịu một chấn thương quá nặng. “Tất nhiên, thuốc là có ích, ông giải thích cho tôi, chúng có thể giúp cô hồi sức đôi chút, nhưng nếu quả cô muốn lành bệnh, nếu cô muốn sống, thì lời khuyên duy nhất của tôi là: lấy chồng đi và sinh con nhiều nhất có thể. Đấy là cơ may duy nhất của cô. Mỗi lần có thai, cơ thể cô lại sống lại.”
– Lúc ấy bà bao nhiêu tuổi?
– Khi kết thúc chiến tranh, tôi vừa hai mươi. Tất nhiên, tôi không hề muốn lấy chồng.
– Vì sao?
– Tôi cảm thấy rất mệt mỏi, rất nhiều tuổi hơn các cô gái cùng tuổi, và thậm chí đã già. Các bạn gái của tôi khiêu vũ, đùa vui; tôi thì không thể. Tôi nhìn cuộc đời bằng những con mắt khác. Bên ngoài không nhìn thấy điều ấy, khối người trai trẻ tán tôi. Những cậu bé. Họ không nhìn thấy tâm hồn tôi, không nhìn thấy những gì diễn ra bên trong tôi. Cô xem, tôi chỉ kể với cô có mỗi một ngày đánh nhau ở Svevsk. Chỉ một ngày. Thật nặng nhọc, thật dữ dội, đến nỗi suốt đêm, tai tôi đái ra máu. Sáng ra, tôi thức dậy như vừa qua một trận ốm nặng. Chiếc gối của tôi đầm đìa máu.
– Cuối cùng bà đã lấy chồng?
– Vâng. Tôi có năm đứa con trai, tôi đã nuôi chúng khôn lớn. Tôi ngạc nhiên nhất, là sau bao nhiêu hãi hùng và kinh khiếp như vậy, mà tôi có thể sinh ra những đứa con xinh đẹp như vậy. Và tôi đã là một người mẹ tốt, cũng là một người bà tốt.
Tôi nhớ lại tất cả nhưng cái đó, và tôi tưởng đấy không phải là tôi, mà là một cô gái khác.
Tôi trở về nhà, mang theo bốn băng (hai ngày trò chuyện) trên đó đã ghi “thêm một cuộc chiến tranh”. Tôi bị giằng xé giữa nhiều xúc cảm: xáo trộn và kinh hãi, bối rối và ngưỡng mộ. Tò mò và hỗn loạn. Về nhà, tôi đã kể cho các bạn tôi một số đoạn. Mọi người đều có cùng một phản ứng: “Thật quá khủng khiếp. Một người anh hùng như thế thì đáng sợ quá!”.
Hoặc: “Không ai tin được đâu. Và người ta sẽ không muốn xuất bản đâu.” Nhưng mọi người đều rưng rưng nước mắt, như tôi, và ai cũng trở nên trầm tư. Chính những giọt nước mắt ấy giữ cho tôi, giúp tôi không hoảng sợ, không rơi vào cám dỗ không kể lại trọn vẹn cuộc đời này, rút bớt đi những gì có thể gây sợ hoặc bị hiểu nhầm. Sửa chữa hay viết lại câu chuyện. Mà làm sao viết lại, với loại mực nào, khi nó đã được khắc nên bằng máu? Cái này ít giống một câu chuyện hơn tất cả mọi thứ khác: đây là một nỗi đau tươi rói. Một đam mê trần trụi. Phải trao mình cho nỗi đau đó. Phần tôi, tôi trao mình cho nó. Tôi sẽ không nói rằng tôi không bao giờ nghi ngại, cũng không do dự. Tôi cũng cần phải có, phần tôi, đủ dũng cảm để thoát khỏi sự chi phối của thời tôi, ngôn ngữ của nó và các xúc cảm của nó. Chi có một con đường duy nhất: yêu con người. Người mạnh và người yếu, người không đủ tự tin và người bất nhẫn. Người tất tử và người bất tử. Người khác.
Tôi đang theo học chính tình yêu đó.
Nguyên Ngọc dịch
[1] Lò sưởi truyền thống trong nhà người Nga là một khối đắp lập phương dùng để sưởi ấm cả các phòng liền kề. Bên dưới cùng là bếp lò cũng dùng làm lò nướng. Đỉnh gần giáp trần nhà, nói chung dành cho trẻ con và người già.