30 năm đổi mới, các trào lưu thơ Việt ở đâu, về đâu?

Hội thảo “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: thực trạng và triển vọng.”

Viện Văn học, Hà Nội, 28-5-2015

Inrasara

 

 

Tìm trào lưu thơ Việt ở đâu?

Có thể sử dụng hạn từ “trào lưu”, “phong trào” hay “xu hướng” thơ, tùy mức độ phát triển và tác động của “dòng” thơ ấy vào quần chúng, cộng đồng văn học, thậm chí chỉ ở phạm vị hạn hẹp, là những người sáng tác với nhau. Ở đây, tôi tạm dùng từ “trào lưu” để chỉ xu hướng thơ mới gồm một nhóm người nhất định cùng sáng tác theo một hệ mĩ học (nhỏ hơn: ý hướng, vài hình thức biểu đạt…) với mục đích chung nhất, qua đó lôi cuốn một số người đi theo, ủng hộ.

Thơ Việt sau 30 năm đổi mới đã nảy ra nhiều trào lưu mới với nhiều cách biểu hiện và xuất hiện khác nhau. Một khi văn hóa internet phát triển cùng nhiều quan điểm sáng tác và xuất bản khác nhau, khi văn học trong nước và hải ngoại phần nào đó đang xu hướng “hợp lưu”, để tránh sự thiếu khuyết, người nghiên cứu cần có cái nhìn toàn cảnh mới bao quát được vấn đề. Nhìn toàn cảnh thơ Việt sau 30 năm đổi mới qua con mắt hậu hiện đại là lối nhìn giải trung tâm, coi các phong trào thơ ngoại vi là những dòng chảy quan trọng không chút kém cạnh so với thơ dòng chính, để tạo thành một hợp lưu là thơ Việt, nói chung. Thơ của các nhà thơ ở vùng sâu vùng xa hay thơ người Việt ở nước ngoài, thơ in photocopy hay thơ đăng lên mạng, thơ của các nhà thơ là người dân tộc thiểu số hay thơ nữ, thơ của người làm thơ chưa là [hay không muốn là] hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tất cả! Chính lối nhìn mở này mang khả tính khai phóng và thông dòng mọi trào lưu thơ Việt, 30 năm qua.

30 năm, thơ Việt có bao nhiêu trào lưu?

 

7 trào lưu thơ Việt

Đất nước mở cửa, đổi mới, những người làm thơ nhận được sự kích thích từ môi trường xã hội, có cơ hội thể hiện và xuất bản thơ, nên thơ và các hoạt động xung quanh thơ ngày càng phát triển mạnh, rộng. Các tập thơ cấp tập ra đời để thỏa mãn nhu cầu: viết và đọc. Có người làm thơ, có tập thơ dẫn đến nhu cầu hội hè. Câu lạc bộ thơ các loại và các cấp ra đời đáp ứng đòi hỏi thiết yếu đó. Thơ ưa thích của thơ câu lạc bộ là thể thơ truyền thống. Từ Đường luật đến thơ 5-7 chữ, từ lục bát cho đến song thất lục bát, hay thậm chí thơ 8 chữ và 8 chữ biến thể cũng được dùng đến.

Song hành với phong trào thơ này, thơ của thế hệ nhà thơ thời “chống Mỹ”, và các tác giả xuất hiện sau đó tiếp nhận truyền thống gần vẫn đều đặn có mặt. Họ không thuộc nhóm văn nghệ nào, không quan tâm cách tân thơ, cách tân hiểu theo nghĩa làm mới – quyết liệt. Họ “sáng tạo”, thế thôi. Loại thơ này chiếm lĩnh thi đàn thơ chính thống, được ưu tiên đăng trên các loại báo chí chuyên văn học và phổ thông các loại. Ở đây, nếu thế hệ nhà thơ “chống Mỹ” như: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo… vẫn để lại nhiều dấu ấn, nghĩa là họ vẫn còn “đi” tiếp hành trình thơ của mình, thì các nhà thơ sau đó: Hoàng Trần Cương, Trương Nam Hương cho đến Lê Thiếu Nhơn… thua kém hẳn thế hệ đi trước cả ở tầm vóc lẫn sức sáng tạo.

Ngoài bộ phận trên, thơ Việt có 7 trào lưu chính.

 

1. Trào lưu cách tân thơ Việt các loại.

Đổi mới, không thể viết như cũ nữa, các nhà thơ cần làm mới. Thể thơ mới, ngôn từ mới, thi ảnh mới, và nhất là cách nói mới. Trào lưu thơ cách tân các loại không lập nhóm, không lập thuyết. Họ chỉ nỗ lực làm mới thơ – thế thôi. Ở đây có ba dòng chính:

– Thơ theo nhóm Nhân văn – Giai phẩm, nhất là Lê Đạt, Dương Tường với sức nén của chữ, bẻ chữ, chơi chữ, ẩn dụ và… khó hiểu. Người đọc cần vận dụng tối đa sức tưởng tượng và liên tưởng, để hiểu thơ. Lắm lúc hiểu rất… sai. Có thể tìm thấy dấu vết này ở một Trần Tuấn:

đỉnh muối

ướp sáng

rịn

ràn

giọt giọt thanh tân

                        (“Hợp hoan”, Ma thuật ngón, 2008)

Hay mới nhất – Vũ Thiên Kiều:

búp hoa nở

sặc tinh dầu lúng liếng

cạn nguồn cơn

sóng vỗ sóng ru ngày

cánh đồng A Phủ

lông chông mùa đá

ngã ba đường vâm vấp núi trên vai

A Mỵ suối

                   cuộc bùa say gùi dốc

men hòa men biển úp ngược lưng trời

                        (“Đỉnh thiên đường”, Đói những ngọn môi, 2014)

 

– Thơ cách tân theo dòng thơ miền Nam. Chính xác: “thơ miền Nam nối dài”.

Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang khá thành công ở dòng này. Nhưng đậm nổi hơn cả phải là Khiêm Lê Trung, với những: nguyền rủa truyền kiếp, khoảng tối dài, nhịp ca ứ máu, phơi giấc mơ, nụ cười trăng, hồn rượu hát, gầy guộc thời gian, pha loãng trí nhớ, trí nhớ cong oằn, khoảng trời rách, vũng tối ươn ướt, nhơn nhớt thời gian, màu sương hoang, đọa đày, mộng mị, hư vô, chốn héo, ẩm ướt, rớm máu, khói tình(1). Mai Văn Phấn giai đoạn chuyển hướng từ lãng mạn hậu thời sang hiện đại cũng nhận ảnh hưởng dòng trên. Qua những phong kín, mê sảng, tái sinh, phục sinh, vong linh, kí ức, trí nhớ, huyệt mộ, u mê, hốc mắt, oan khiên, sám hối, mặt trời mù, thác loạn, quánh đặc, nỗi kiếp côn trùng… người ta rất dễ nhận ra dấu chân của thế hệ vừa đi qua. Cuối thế kỉ trước, chúng tràn ngập Thơ tự do được in ở Sài Gòn(2). Dòng thơ này còn ảnh hưởng nặng đến không ít cây bút thế hệ mới. Văn Cầm Hải:

anh và em bức tường phiên âm

viên gạch đẻ hoang

mê man nhật thực

mặt âm ty mềm mại muôn màu giới tính

anh và tôi không gian

hiện thực nhạy cảm

lật mặt thế giới

chiếc la bàn hoang hoải…

                        (Văn Cầm Hải, “Pink Floyd – Sự hồn nhiên tường đá”)

Cách dụng ngữ và thi ảnh đậm dấu vết chủ nghĩa siêu thực bị khuếch tán qua phong trào thơ miền Nam cũ. Thơ bị tố giác là khó hiểu và đánh đố người đọc là điều khó tránh. Phát triển theo một hướng khác: hướng sến, cải lương, dòng thơ miền Nam nối dài còn lây lan, biến tướng và sống dai dẳng ở vài khuôn mặt mới, trẻ. Vi Thùy Linh với cả khối từ mòn nhẵn: xé lòng, linh giác, sự định đoạt của số phận, hạnh phúc an bài, dấu của định mệnh, con người là nỗi đau, giọt sống cuối cùng, đau đớn tột cùng, vòng quay hối hả, đường hò hẹn, đỉnh cao im lặng, giọt đêm, khuông nhạc, mắt sông thao thức, nỗi buồn nằm nghiêng, bóng tối òa vỡ, lời tím… là rất điển hình!(3). Thơ dễ hiểu đến đọc mà không cần phải liên tưởng hay suy nghĩ, cũng có thể làm người đọc bình dân nghe khoái cảm, rưng rưng.

 

– Dòng thơ cách tân thứ ba là thơ nhận ảnh hưởng từ Nguyễn Quang Thiều. Khởi đầu thời kì Đổi mới, ở các tỉnh phía Bắc, sau Nguyễn Lương Ngọc và Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều là người cách tân thành công, thành công đến không ít thi sĩ trẻ miền Bắc đi theo dấu chân thơ anh: câu thơ trương nở, kéo dài ra với nhiều liên tưởng khá lạ.

Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy

Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông.

              (Nguyễn Quang Thiều, “Sông Đáy”, Thơ tự do, NXB Trẻ, 1999)

Có thể kể vài tên tuổi: Nguyễn Quyến, sau đó là Dạ Thảo Phương, và mới hơn cả: Đỗ Doãn Phương.

Trong khi thơ dòng này hết còn lối đi: Nguyễn Quyến và Dạ Thảo Phương không thấy thơ đâu nữa; Đỗ Doãn phương rơi vào cà kê dài dòng, và tắt – tắt cả ở người mở đường là Nguyễn Quang Thiều dù đã rất “cố gắng” vận dụng vài thủ pháp mới ở Cây ánh sáng (NXB Hội Nhà văn, H., 2009) và Lò mổ (Maivanphan.com, 2009) nhưng thất bại, thì hai dòng cách tân trên tự đưa mình vào một bế tắc khác. Văn Cầm Hải không còn làm thơ; Trần Tuấn hay Vũ Thiên Kiều có nỗ lực nhưng không đáng kể. Thơ dòng này sa lầy vào hình thức và trí thức nửa vời trong nỗi trốn tránh hiện thực nóng của xã hội, để tự đưa mình vào bí bức và tắc tị.

 

2. Thơ Tân hình thức.

Trào lưu thơ cách tân các loại đẩy thơ xa khỏi cộng đồng văn học, là cơ hội tốt cho trào lưu thơ mới. Thơ đời thường hơn, gần gũi hơn và dễ hiểu hơn. Tân hình thức có đất dụng võ.

“Tân hình thức Mỹ… muốn trở về với thể luật, với những thay đổi về ngôn ngữ và phản ứng lại thơ tự do đã không còn lôi kéo được người đọc, sau phong trào thơ Ngôn ngữ Mỹ.”(4) “Tân Hình Thức [Việt, ra đời vào đầu thế kỉ XX] là một cuộc hòa điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tự do, giữa nhiều nền văn hóa khác biệt, và ở phần sâu xa hơn, hóa giải những mầm mối phân tranh đã ăn sâu vào kí ức, chẳng phải của một dân tộc mà của cả nhân loại từ hàng trăm năm trước. Chúng ta với thời gian hơn một phần tư thế kỉ, có may mắn cận kề và học hỏi những cái hay của nền văn hóa bao quanh, áp dụng những yếu tố thích hợp vào ngôn ngữ, để làm giàu cho nền thơ Việt(5).

Ý hướng và chủ trương hay, thế nên ngay khi khởi động ở Mỹ qua tạp chí Thơ vào đầu thế kỉ XXI, các nhà thơ – đã thành danh hay mới viết – hào hứng nhập cuộc. Nhập cuộc, dù rất ồ ạt, nhưng vẫn ở vùng ngoại vi. Ngoài vài tác phẩm in chính thống(6), còn lại hầu hết sáng tác tân hình thức chỉ đăng ở tạp chí Thơ hải ngoại, post lên mạng, hay in dưới dạng photocopy. Sau mấy năm đầu sôi nổi, phong trào sáng tác thơ tân hình thức chững lại, để đến năm 2008, nó cố gượng dậy lần nữa, nhưng thực sự chưa có chuyển biến lớn. Nhiều nhà thơ từ từ rời bỏ tân hình thức, để viết theo lối truyền thống hay hậu hiện đại, hoặc tìm lối đi riêng.

Dẫu sao, với 14 ấn phẩm về tân hình thức Việt (kể luôn song ngữ Việt – Anh) gồm cả thơ và lý thuyết được xuất bản, tân hình thức Việt cũng đã tạo nên dòng chảy đáng kể.

Bốn cột trụ của thơ tân hình thức, là: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, vắt dòng và lặp lại không lạ với truyền thống thơ Việt. Ngôn ngữ đời thường – thơ Cách Mạng cũng đã đời thường rồi; đến hậu hiện đại, ngôn ngữ thơ còn đời thường hơn cả đời thường. Tính truyện – thơ Việt chưa bao giờ gọi là đứt mạch với truyền thống này; thơ vẫn cứ ở lại với tự sự: vẫn kể lể, lối kể kiểu Thơ Mới hậu thời. Thơ tân hình thức hơn thập niên qua chưa có “chuyện kể” mang tính hệ thống, về một cá thể, một cộng đồng, hay một nền văn hóa. Để bật lên điều gì đó “đáng kể”, mà chỉ là những vụn vặt đời thường. Chống hiện đại – thơ Việt trước đó còn chưa hiện đại tới nơi tới chốn để chống. Thơ Việt đại bộ phận vẫn ở lại với tuyến tính, dễ hiểu. Khác với hậu hiện đại, thơ tân hình thức Việt vẫn tiếp nối truyền thống cũ; điều mới mẻ có chăng, là ở sự vắt dòng triệt để của nó. Và ngay cả cái “mới” này cũng bị cho là tự đóng khung, đi ngược với tâm thế tự do trong thời đại toàn cầu hóa.  

14 năm, phong trào thơ tân hình thức vẫn chưa có tác phẩm lớn, càng chưa có tác giả lớn, và nhất là nó chưa tạo ảnh hưởng đáng kể vào xã hội.

Hạn chế lớn nhất của thơ tân hình thức Việt chính là cảm thức.

Khi chủ nghĩa hiện đại cảm nhận “tính phi hài hòa của thế giới, tính phi nhân trong các quan hệ xã hội thực tại, sự tha hóa của cá nhân, tình trạng mất tự do và không bình ổn của văn nghệ sĩ trong xã hội”(7), họ quyết chống lại truyền thống, chống lại chủ nghĩa quy phạm. Qua đó, họ tạo ra vô số tác phẩm lớn, các tác phẩm mang đầy dấu ấn nổi loạn, mất niềm tin, và đầy ngạo mạn. Phản ứng lại thái độ “phá hoại” của chủ nghĩa hiện đại, các nhà thơ tân hình thức làm khác: trở lại với truyền thống. Thế nhưng, sự sử dụng lại các hình thức truyền thống chỉ thuần túy mang tính chất kĩ thuật, chứ không bắt nguồn từ cảm thức mang tính triết học. Do đó, nó lơ lửng và, mất cội rễ nền tảng. Trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại, cũng cảm nhận thế giới như hiện đại chủ nghĩa, nhưng họ mang cảm thức khác: Thay vì khóc than thế giới đổ vỡ, họ nhập cuộc chịu chơi và chơi trò chơi trong thế giới đó.

Đó là lí do vì sao, dù cả hai phong trào thơ xuất hiện gần như đồng thời, nhưng trong khi hậu hiện đại [không chỉ bó hẹp trong phạm vi văn chương] vẫn phát triển mạnh mẽ, đa dạng và tiếp tục sôi động, thì thơ tân hình thức vẫn chưa tìm thấy lối đi khác, mới mẻ hơn. 

 

3. Thơ thị giác (visual poetry) trong đó thơ trình diễn (poetry performance) là một nhánh nổi bật. Thơ thị giác kết hợp thơ với ảnh chụp, với hình vẽ, video… đã được Đinh Linh, Đỗ Kh., Tam Lệ, Lê Văn Tài… thực hiện thành công từ vài năm trước ở hải ngoại. Năm 2001, tại quán Cafe EraWine – TP Hồ Chí Minh, họa sĩ Như Huy là người khơi mào cho thơ trình diễn Việt Nam, bằng một màn trình diễn thơ trước… ít khán giả. Mãi năm 2005, Hà Nội mới biết đến loại hình nghệ thuật mới này qua chương trình “Chiều buông đầy những tiếng thở dài” của nhà thơ Dương Tường tại L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp). Hai năm sau, với sự hỗ trợ đắc lực của Hội đồng Anh, sau đó là Trung tâm văn hóa Pháp, qua nỗ lực của các tên tuổi nổi tiếng như Roger Robinson, Francesca Beard của Anh, Jean-Michel Maulpoix, André Velter của Pháp kết hợp với các nhà thơ Việt Nam; rồi qua sự kiện thơ trình diễn tại Sân Thơ Trẻ ở Văn Miếu vào năm 2008 và 2009, thơ trình diễn đã tiến một bước đáng kể(8).

Tuy thế, ở các cuộc diễn trên, tương tác giữa nhà thơ và khán giả là điểm cốt tủy của thơ trình diễn lại hoàn toàn vắng mặt. Không ít nhà thơ biến thơ trình diễn thành thứ trình diễn thơ: cứ mang thơ loại nào bất kì lên sân khấu diễn, thì nghiễm nhiên trở thành thơ trình diễn!

Sự không biện biệt giữa hành động trình diễn đương đại với các kiểu diễn cổ điển của chính nhà thơ lẫn khán giả đã gây ngộ nhận về thơ trình diễn. Trong khi ý hướng của thơ thị giác là dùng yếu tố trình diễn (cơ thể, vận động, biểu cảm của nhà thơ) hoặc vật thể (sắp đặt), kể cả các thứ khác (vốn được các nghệ sĩ xuất thân tạo hình hoặc nghệ sĩ tổng hợp khác hay dùng) để tạo một cảm quan thơ mới. Nghĩa là yếu tố thị giác kết hợp với yếu tố thơ để làm nên một tác phẩm nghệ thuật mới lạ mà vẫn không đi ra ngoài phạm trù thơ.

Nhận ra thiếu khuyết đó, tại Sân Thơ Trẻ ở Văn Miếu – Hà Nội, tháng 2-2010, bên cạnh thơ sắp đặt của Huỳnh Lê Nhật Tấn và Nhã Thuyên, Lê Anh Hoài đã làm bật lên tinh thần thơ trình diễn qua tác phẩm “Nhu cầu”. Với chiếc xe máy được viết, vẽ, dán, sơn, gắn cánh, được treo bằng xích trong chiếc lồng [sơn] vàng óng, được phủ vải đỏ trước khi mở ra cho khán giả xem… tạo được hiệu quả nghệ thuật khác lạ, thú vị. Nghệ thuật sắp đặt [và trình diễn] (có thể gọi là thơ trình diễn không lời) còn được Lê Anh Hoài trình bày thành công ở nhiều tác phẩm khác: “Tôi là cột điện”, “Tiến lên”, “Cắt”…

 

4. Phong trào thơ nữ quyền

Cần xác minh rõ: thơ nữ quyền không phải chỉ người nữ làm thơ, mà phải là thơ được sáng tác trong tinh thần nữ quyền. Nữ quyền từ cảm thức cho đến cách sử dụng ngôn từ.

Mở cửa, trong khi bên văn xuôi, các nhà văn cho ra đời những tác phẩm sáng giá – cấp tập, thì thơ có vẻ chậm hơn. Nhất là thơ nữ. Thơ nữ mang xu hướng khai phóng càng chậm hơn nữa. Dư Thị Hoàn ở miền Bắc và Thảo Phương ở miền Nam khởi động cho dòng thơ này gần như là đồng thời: cuối thập niên 90 của thế kỉ trước(9).

Rừng

Và núi

Và bầu trời

Đầy âu lo

Trái tim ta chợt rời thành phố

Ta lần về dòng suối hoang sơ

Đầm mình giữa bầy hà mã hóa đá

                        (“Tiếng vọng”, Người đàn bà do đàn ông sinh ra, NXB Văn nghệ, 1994)

Con hà mã thức giữa bầy biểu hiện sự cô đơn và kiêu hãnh, nỗi khát khao tự do vượt thoát khỏi không gian chật hẹp, tù túng. Để mươi năm sau, các nhà thơ khác tạo thêm dấu ấn mới cho dòng thơ nữ quyền Việt Nam. Vi Thùy Linh, Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Đỗ Khánh Phương, Lam Hạnh, Phan Thị Vàng Anh, Vũ Thiên Kiều. Đó là các nhà thơ hướng tâm, ở đó nỗ lực phấn đấu vào Hội Nhà văn Việt Nam là một, hoặc họ vốn cư trú vùng trung tâm nhưng không [ý định, quan trọng chuyện] giải trung tâm – không vấn đề! Ngay cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, họ xuất hiện cấp tập. Kẻ biểu hiện tối đa sự thèm khát yêu, thèm khát tự do tình dục bằng thứ ngôn từ to tát. Nỗi ồn ào ấy buộc độc giả văn chương và không văn chương quay lại nhìn họ, từ đó nhìn phong trào thơ nữ trẻ (Vi Thùy Linh). Người rời bỏ đề tài cũ kĩ: thân thể với giường chiếu, cả cái tôi chật hẹp để bước ra ngoài: thơ đề cập thẳng vấn đề nóng của xã hội (Đinh Thị Như Thúy). Thơ suy tưởng (Đỗ Khánh Phương) và thơ khách quan thuần túy cùng có mặt, thể hiện sự bình đẳng giới tính trong nghệ thuật và cái nhìn về nghệ thuật (Phan Thị Vàng Anh).

Thuộc trào lưu này, một cảm thức khác với loại thơ khác ra đời. Họ thuộc thế hệ hậu hiện đại và hậu hiện đại mới: nhóm Ngựa Trời, và sau đó nữa. Mang cảm thức hậu hiện đại, sáng tác bằng thủ pháp/ có âm hưởng hậu hiện đại, họ thổi luồng khí mới vào thơ Việt. Họ ít khi dùng đại từ nhân xưng quen thuộc “em” trong thơ đầy yếu đuổi và tòng thuộc như Vi Thùy Linh, mà là mi, nàng, tôi, tui – rất ngang bằng. Xu hướng ly tâm thấy rõ trong chọn cách xuất hiện của họ. Tác phẩm in chính thống hay phi chính thống, in giấy hay đăng lên mạng (Lưu Mêlan, Tiểu Anh), in trong nước hay ở nước ngoài – vô phân biệt. Có kẻ còn lập “nhà xuất bản” riêng để in tác phẩm mình, dù nội dung hoàn toàn “trong sáng” (Đoàn Minh Châu). Hiểu rõ nữ quyền luận hoặc chưa biết gì nhiều về nó, cũng không là vấn đề, với họ. Bởi đơn giản, họ đang rất khác.

Khác từ khá lâu – non mươi năm trước đó. Thơ đẩy tinh thần nữ quyền đến cùng tận, như Lê Thị Thấm Vân; hoặc sẵn sàng giễu cợt tinh thần phân biệt đối xử giới tính lỗi thời còn tồn đọng ngay trong thế giới hậu hiện đại, như Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Đặt bên cạnh tên tuổi này, Vi Thùy Linh rơi lại sau lưng khá xa, rơi lại cả Phan Huyền Thư lẫn Đinh Thị Như Thúy!

Khác cho đến tận hôm nay, như một Phan Quỳnh Trâm với những “Metapoem” của mình:

Làm sao diễn tả được cái Không

Cõi Trống thật lớn trong hồn mình?

Làm sao hiện hình được cái Vắng

Và cất lên tiếng gào im lặng?

 

Có gì ở ngoài kia?

Chiến tranh ở Ukraine

Một chiếc máy bay mất tích

Bi kịch của người này

Phim tập truyền hình cho những kẻ khác

 

Một nửa vầng trăng dí mũi vào cửa sổ

Tôi nằm trên giường

Nghe Paravotti

Hát đi rồi hát lại

Cách tư duy và lối thơ khác lạ ấy đã và đang làm thành một trào lưu mới trong sáng tác nữ quyền Việt: thơ không cần thiết phải la lối hay gồng mình lên như xưa nữa, bởi đơn giản – họ đã ở trong thời đại giải nữ quyền (de-femenism) rồi.

 

5. Thơ hậu hiện đại

30 năm qua, chắc chắn chuyển động mạnh nhất, tác động lớn nhất đến văn học Việt Nam, và không chỉ văn học, chính là phong trào hậu hiện đại. Nếu thơ tân hình thức chỉ bó hẹp trong thể loại duy nhất là thơ, thì hậu hiện đại bao trùm tất cả. Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, lí thuyết và phê bình, nó còn gồm thâu cả thơ trình diễn và thơ nữ quyền. Không dừng lại ở đó, hậu hiện đại còn thể hiện tinh thần phi tâm hóa ngay trong cách xuất hiện của nhà thơ, cách cho tác phẩm ra đời, quan niệm về nó…

Chủ nghĩa hậu hiện đại không phải mới xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XXI, mà đã manh nha sớm hơn trước đó. Các bài tiểu luận, khảo cứu, dịch thuật và sáng tác hậu hiện đại đã được đăng tải trong tạp chí Thơ tại Hoa Kì và tạp chí Việt ở Úc từ những năm cuối thế kỉ XX. Khảo luận và phê bình hậu hiện đại cũng được Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn công bố vào cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI. Tất cả tạo ảnh hưởng đáng kể vào phong trào hậu hiện đại Việt Nam(10). Nhưng có thể nói, chỉ khi hàng loạt mạng văn học tiếng Việt như Evan, Tienve, Talawas, Tapchitho, Vanchuongviet, các website cá nhân… ra đời, văn học hậu hiện đại Việt mới có những bước chuyển động mạnh mẽ(11).

Phi tâm hóa là tinh thần [và hành động] căn cốt của hậu hiện đại.

Phi tâm hóa đề tài: không có đề tài cao cấp để mà theo đuổi, không có đề tài linh thiêng để gọi là phạm thánh, phạm thượng. Nhà thơ có thể nói về lí do mình uống cà phê sáng nay (Vũ Thành Sơn), mô tả tư thế ngồi lên bàn cầu tiêu (Lý Đợi), thoải mái viết về gái điếm và chuột cống (Bùi Chát). Về tất tần tật.

Phi tâm hóa sự thật với hư cấu (Phan Bá Thọ), sự thật lịch sử với huyền sử và giai thoại, lịch sử chính thống với lịch sử truyền miệng. Một câu chuyện vu vơ, vớ vẩn của chị bán cá ngoài chợ cũng làm nên một câu chuyện kể nghiêm túc của một nhà thơ hậu hiện đại.

Phi tâm hóa thể loại. Ở hậu hiện đại, ranh giới giữa thơ và các thể loại khác như truyện mini, tiểu luận bị làm mờ hoàn toàn. Ở Đinh Linh, nhất là ở Lê Vĩnh Tài thời gian gần đây trên Faceboook.

Phi tâm hóa ngôn từ. Thi sĩ là nghệ sĩ của ngôn từ, nhà thơ hậu hiện đại nghĩ vậy, và hơn thế nữa. Hậu hiện đại không phân biệt ngôn ngữ sạch hay dơ, tốt hay xấu, thanh cao hay thô tục. Mọi ngôn từ đều bình đẳng trước nghệ sĩ hậu hiện đại. Bùi Chát dùng ngôn từ ngọng [sai chính tả] để làm nên một tập thơ Xáo chộn chong ngày.

Phi tâm hóa ngôn từ và các nguyên liệu khác. Nhà thơ có thể sử dụng ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, bàn cờ tướng, đoạn phim, nét vẽ, khúc nhạc… để làm ra tác phẩm. Lắm lúc một bài thơ chỉ có đường nét và màu sắc, hoàn toàn vắng bóng ngôn từ, như Lê Văn Tài đã làm thế trong các bài “thơ cụ thể” của mình.

Sáng tạo cũng là tái tạo. Đinh Linh kết nối hàng loạt ca dao Việt, chêm vào câu thơ của mình để làm nên bài thơ. Đỗ Kh khác hơn: dùng các ca từ nhạc sến nghe được suốt cuộc hành trình dài, kết nối chúng tùy thích để làm ra thơ. Lắp ráp khác hẳn lối “tập” ở cổ điển, mà qua tâm thức hậu hiện đại, họ làm thế với sự sảng khoái đặc thù.

Ở thủ pháp cụ thể và nhỏ nhất, nhà thơ hậu hiện đại phi tâm hóa vần [cổ điển] với vần phụ âm: thơ phụ âm của Đặng Thân là một cách.

Bất tín nhận thức, bất tín cả khả năng của ngôn ngữ, khi biết mọi điều đã được nói lên ở quá khứ, mọi văn bản đều là liên văn bản, nghệ sĩ hậu hiện đại giễu cợt tất cả. Tinh thần phi nghiêm cẩn là điểm dễ nhận thấy nhất ở sáng tác của mọi nghệ sĩ hậu hiện đại.Tất cả những gì nhân loại ngày nay cho là nghiêm trang, nghiêm nghị đều bị coi là đáng buồn cười.

Với tinh thần và cảm thức như thế, và nhất là với loài thơ như thế, phong trào hậu hiện đại Việt đi về đâu? Không về đâu cả! Nguyễn Hoàng Nam giành về mình “quyền làm thơ dở” – dở, khi thơ ấy được mang ra đối sánh với quan niệm truyền thống về thơ. Lý Đợi tuyên “chúng tôi không làm thơ”, nếu hiểu thơ là cái gì cao cấp, phải “nhị cú tam niên đắc” mới thành. Phi tâm hóa trong cách nhìn (Lê Anh Hoài tổ chức dịch thơ mình ra tiếng các dân tộc thiểu số chứ không phải ngôn ngữ có sức phổ cập lớn như tiếng Anh, Pháp), cách xuất hiện, hay xuất bản tác phẩm. Thơ hậu hiện đại có thể in chính thống hay ngoài luồng, in trên giấy hay đăng lên mạng, ấn phẩm in với giấy phép hay không giấy phép – họ hoàn toàn vô ngại.

Tất cả chỉ là thái độ hư vô mới chăng? Không. 

Phi đại tự sự xem trọng yếu tố cá nhân, là đặc điểm nhân văn của hậu hiện đại. Phi trung tâm hóa khẳng định vai trò ngoại vi là đặc điểm dân chủ mới của hậu hiện đại. Nó tôn trọng sự đa dạng, các giá trị trái nghịch, những phi chuẩn, ngoại vi, dân tộc thiểu số, nữ, da màu, phi phương Tây, ngôn ngữ nhược tiểu, nền văn học “ngoại vi”…

Nên có thể nói, hậu hiện đại là chủ nghĩa đa nguyên văn hóa. Thật sai lầm tai hại khi kết án hậu hiện đại chống lại truyền thống. John Barth: “Một nhà văn [hậu] hiện đại… có một nửa đầu của thế kỉ ở dưới nịt, nhưng không phải ở trên lưng”. Nghĩa là hậu hiện đại chấp nhận truyền thống (không chấp nhận truyền thống mới là phi-hậu hiện đại), nhưng không biến truyền thống thành gánh nặng.

15 năm qua, phong trào hậu hiện đại đã thổi cơn bão mới và mạnh vào đời sống và khí quyển văn học Việt Nam. Nó mang khả tính làm cuộc cách mạng, nhưng đã không thể. Như Nhân văn – Giai phẩm, như Sáng Tạo nửa thế kỉ trước đã không thể. Tiếc không?!

 

6. Trào lưu thơ trẻ Chăm

200 năm sau khi vương quốc Champa tan rã, để hòa nhập vào đất nước Việt Nam thống nhất, với văn chương, người Chăm chậm nhập cuộc, dù họ sống ở đồng bằng, xen cư và công cư với người Kinh. Và dù ngay từ cấp Một, họ nói và viết tiếng Việt không thua gì tiếng mẹ đẻ. Họ làm thơ, nhưng họ không/ chưa chịu xuất hiện. Mãi khi Tagalau ra đời vào năm cuối cùng của thế kỉ XX, các thi sĩ Chăm mới chịu đăng/ in tác phẩm của mình – những tác giả và tác phẩm không phải không đáng đọc.

Có cần thiết phải tách thơ Chăm làm một dòng riêng không? Bởi, nếu có xếp ghế ngồi cho mỗi nhà thơ dân tộc Chăm vào chung chuyến với trào lưu khác, vẫn không có gì trở ngại cả. Đồng Chuông Tử vào trào lưu thơ cách tân các loại, Trần Wũ Khang, Jalau Anưk và Tuệ Nguyên vào thơ hậu hiện đại, hay Kiều Maily vào trào lưu thơ nữ quyền. Có thể lắm chứ. Nhưng không. Đây là thế hệ [nhóm] thơ đồng hương, xuất hiện cùng thời (từ năm 2005-2012) thường sinh hoạt chung, có xu hướng làm mới thơ Việt bằng tinh thần và tâm cảm Chăm, có diễn đàn là đặc san Tagalau, có tác phẩm in chung: Văn học Chăm hiện đại, thơ (2009), thì việc dành một dòng chảy riêng cho họ, không phải không chính đáng.

Thời chiến và hậu chiến, thơ người dân tộc thiểu số – chủ yếu là ở phía Bắc – đã có đóng góp nhất định vào nền thơ chung của cả nước. Từ mươi năm qua, khu vực thơ này đang chững lại – cả ở người viết lẫn tác phẩm, cho dù đây đó vài tên tuổi vẫn xuất hiện: Bùi Tuyết Mai, Hoàng Thanh Hương, Hoàng Chiến Thắng, H’trem Knul, Ngô Bá Hòa, Phùng Thị Hương Ly… nhưng chúng cứ lác đác. Chăm thì khác – rộ lên mạnh mẽ.

Sau hàng loạt thử nghiệm, cùng năm 2009, hai tập thơ của Đồng Chuông Tử lẫn Tuệ Nguyên vào chung khảo giải thưởng Thơ Bách Việt. Kế đó là Kiều Maily với tác phẩm đầu tay: Giữa hai khoảng trống (2004) đoạt giải thưởng cao của Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam. Trần Wũ Khang tinh nghịch và độc đáo không thua kém bất kì thơ hậu hiện đại nào:

Có lẽ những giọt nước mắt đã khóc vào khẩu hiệu

vào trăn trở của nỗi niềm phê bình

là những giọt nước mắt phim bộ

có lẽ

 

từ đại hội năm ngoái khóc

sang tập áp cuối

năm nay

 

khóc chuyền tay như thể đội vận động viên 1000m X 4

có lẽ

vòng đầu ta may mắn hơn

kẻ kế bên – Thái Lan chẳng hạn

hay người chạy ở đường line số 4, 5

Nhật hay Hàn Quốc

 

vô tư vòng hai

ta yên tâm số một, đinh ninh vô địch

 

vòng ba ta dồn sức

mồ hôi ta làm nên tất cả

có lẽ là những giọt mồ hôi được làm giả

như mồ hôi trong phòng massage

làm ta đuối sức

 

cũng có thể ta đã trục trặc khâu nào đó

chỗ đưa-nhận gậy chẳng hạn

ta đổ lỗi cho nhau

đổ qua lại như các bà nhà quê đổ thóc giống ra phơi

vẫn chừng ấy thóc giống cho cả mùa vụ

cho suốt mùa khẩu hiệu

cũng có thể là những hạt thóc đã ẩm, mốc

 

ta đại hi vọng vòng cuối cùng

có lẽ lại là hi vọng giả

như nước mắt phim bộ

như mồ hôi trong phòng massage.

(Trần Wũ Khang, Quà tặng của quỷ sứ, NXB Giấy Vụn, Sài Gòn, 2009)

Các tên tuổi: Trần Wũ Khang, Trà Vigia, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Kiều Maily ngay khi xuất hiện đều tạo được cho mình giọng thơ riêng. Hai chân vững vàng trên bản sắc Chăm rất nền tảng, nhưng tất cả đều hướng về phía mới, phía mở(12).

 

7. Dòng thơ phản kháng

Cuối cùng là dòng thơ phản kháng. Dòng thơ này khởi động từ 8 năm trước, qua Sự kiện Biển Đông. Trong khi Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa kì nhất, năm 2007 lôi cuốn các nhà thơ ngoại vi phản kháng mạnh, thì tiếng thơ bên chính thống hoàn toàn im lắng. Sự im ắng không khó hiểu. Do đó, chẳng lạ khi hầu hết sáng tác của các nhà thơ ngoại vi chỉ có mặt trên các trang mạng, lại là mạng của người Việt hải ngoại: Tienve.org Damau.org.

Chỉ khi vấn đề xung quanh Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa kì hai, năm 2011 được xới lên qua vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 ngoài Biển Đông, phong trào thơ phản kháng mới rộ khắp. Nhiều nhà thơ thuộc nhiều bộ phận khác nhau nhập cuộc, động cập nhiều vấn đề khác nhau ở cấp độ khác nhau. Có bộ phận chỉ phản đối Trung Quốc, và phản đối ở mức độ cho phép. Cùng đề tài, bộ phận nhà thơ ngoại vi chống đối quyết liệt hơn, chống đối cả cơ chế bảo hộ cho thái độ của Trung Quốc, theo họ nghĩ. Cạnh đó, thơ phản tỉnh và phản kháng về các vấn đề văn hóa và xã hội cũng vào cuộc. Bằng giọng giận dữ, nghiêm khắc hay giễu cợt… tùy.

Đa phần thơ phản kháng xuất hiện trên internet, blog hay facebook.

Tình yêu nước thì thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Khi tình ấy được thể hiện bằng phương tiện nghệ thuật, nó đòi hỏi… nghệ thuật. Nghĩa là độc đáo. Trong khi thơ của các nhà thơ đăng chính thống vẫn cứ chừng mực và đúng mực, bút pháp mãi dừng lại ở cổ điển với lãng mạn hậu thời, từ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai cho đến Nguyễn Việt Chiến qua “Tổ quốc nhìn từ biển”, thơ vẫn còn chung chung, chưa “bám sát thực tế cuộc sống”:

Nếu tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

thì các sáng tác trên Tienve.org khác hẳn: Phản kháng với phản biện đồng lúc ở tư tưởng lẫn hành động, sự quyết liệt bên cạnh nghệ thuật thơ đầy tính khai phá. Nếu ở kì đầu – năm 2007, khi nhà văn trong nước hoàn toàn im lặng, Tiền Vệ đã mở ngay chuyên đề “Viết cho Hoàng Sa – Trường Sa” thu hút cả trăm tác giả hậu hiện đại [và không hậu hiện đại] vào cuộc. Sang kì hai, nhiều tên tuổi không hành động theo kiểu cũ nữa, mà di chuyển qua không gian “Đối thoại” với chuyên đề “Chủ quyền lãnh thổ”. Thế chỗ thơ văn là các tùy bút, bài báo, hay thậm chí chỉ là mấy đoạn văn ngắn đốp chát kẻ thù, hoặc phản biện lại mọi bàng quan cùng bao biện các loại. Những đối đáp không úp mở hay núp bóng “ẩn dụ” mà thẳng thừng và trực diện. Các tiêu đề bài viết nói lên đủ đầy tính chất bút chiến của nó(13).

Trong văn học Việt Nam đương đại, đây là phong trào sáng tác thơ tự nguyện hiếm có về một đề tài.

 

Chuyển một hướng say

30 năm và 7 trào lưu thơ, là nhiều và không nhiều với một nền văn học. Bởi không ít trào lưu ra đời sớm nở tối tàn, như Nhóm Ngựa Trời. Trào lưu thì thiếu nội lực, như tân hình thức. Có trào lưu xuất hiện rầm rộ và kéo dài: nhóm Mở Miệng trong dòng thơ hậu hiện đại, nhưng do bị kì thị và nghi kị, nghi kị cả ở phía cách tân khác, cho nên nó chỉ tác động ở phần chìm mà chưa được sự công nhận rộng rãi của xã hội.

Phía ngoại vi đã vậy, phía chính thống cũng chẳng hơn gì. Nỗ lực cách tân cá nhân các loại, bởi không đặt trên nền tảng lí thuyết và lí luận vững chắc, khi vào trận, đã lâm nguy ngay. Các “cách tân” của Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương hay Phạm Đương… được Hội Nhà văn Việt Nam mạnh dạn vinh danh vài năm qua, gần như rơi vào sự im lặng đầy nghi kị, khi bị công phá. Bởi cư dân mạng, lẫn dư luận chính thống(14). Tại sao? Không ai hiểu tại sao cả! Hội Nhà văn khinh thường miễn chấp, hay không đủ lập luận để bác lại các “luận điệu xuyên tạc” kia? Bất kì nguyên do nào, ở khía cạnh này, Hội Nhà văn Việt Nam tỏ rõ sự bất lực của mình. Qua đó, thơ cách tân thất bại. Và hệ quả là: nền văn chương Việt Nam chịu thiệt.

Dù sáng tạo văn chương là hành trình cô độc, như rất nhiều nhà thơ độc hành trong tìm tòi, thử nghiệm trong thời gian khá dài với không ít thành tựu, nhưng chính các trào lưu, nhóm văn học mới tạo nên không khí sôi động cho văn đàn. Chúng xuất hiện, cạnh tranh nhau để có mặt và tồn tại. Vậy, đâu là diễn đàn độc lâp để các trào lưu thể hiện? – Không đâu cả. Báo chí văn học chính thống thường đăng ý kiến một chiều, hiếm khi chấp nhận sự phản biện, những phản biện ở cấp độ mĩ học, chứ không phải ở mấy chi tiết lẻ tẻ, vụn vặt.

Do đó, cuộc cách mạng văn học – nếu có – luôn bị dang dở.

Dẫu sao, qua ý hướng cách tân thơ cũng như sự tiếp nhận các trào lưu nghệ thuật đương thời trên thế giới cùng tinh thần dân chủ mới, thơ Việt đã có bước chuyển động mạnh. Cách nghĩ, cách viết, và cách sống của người làm thơ đã rất khác. Nhã Thuyên dám chơi dám chịu. Ở Lê Anh Hoài, mỗi tác phẩm là mỗi sáng tạo, ngẫu hứng mà thâm hậu. Tuệ Nguyên bên cạnh khẳng định bản sắc Chăm, vẫn phản biện quyết liệt cộng đồng ấy với lối nhìn mở. Lê Vĩnh Tài, trên nền hiện thực đa diện của cuộc sống đương thời – đã hư cấu nên nhiều câu chuyện hư hư thực thực qua giọng thơ-truyện mini bỡn cợt độc đáo, và cuốn hút. Không ít nhà thơ nữ không còn quan tâm đến nữ quyền nữa, mà biết rời bỏ cái tôi chủ quan, yếu đuối (Phan Thị Vàng Anh), để hướng tới suy tư siêu hình (Đỗ Khánh Phương) hay ưu tư thân phận người hiện đại (Lưu Mêlan, Du Nguyên).

Hậu hiện đại trong giai đoạn đầu phản kháng quá khích với những Đỗ Kh., Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi… bị phản ứng, đã biết phản tỉnh để tìm hướng đi nền tảng hơn trong hành trình thơ Việt. Lê Văn Tài, Vương Ngọc Minh, Lê Vĩnh Tài, Lê An Thế, Lê Anh Hoài, Tú Trinh, Phan Quỳnh Trâm… đang đi trên con đường gập ghềnh và đầy hoan lạc ấy.

Họ sẽ làm nên bước chuyển mới của thơ Việt ngày mai, hi vọng thế.

 

Sài Gòn, 1-4-2015

 

______________

 

Chú thích

(1)Thơ Tự do (1999), thơ in chung, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.

(2) Phần 1, Vách nước (2003), NXB Hải Phòng. Xem thêm: Inrasara, “Mai Văn Phấn, Ra đi sau tiếng kẹt cửa”, Tienve.org, 2003.

(3) Nhã Thuyên, “Thơ nữ: Giới là một vấn đề”, website Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn, 16-3-2010.

(4) Email Khế Iêm gửi Inrasara, 25-9-2013.

(5) Khế Iêm, tạp chí Thơ, số 20, Hoa Kì, 2001, tr. 75.

(6) Ví dụ: Inrasara (2006), Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn), Poetry Narrates – Thơ kể (2010), tập thơ song ngữ Anh – Việt của nhiều tác giả, NXB Lao động), tập tiểu luận Khế Iêm (2011), Vũ điệu không vần, tứ khúc và những tiểu luận khác, NXB Văn học, hay mới nhất – tập thơ của Biển Bắc (2012), Thúy liên khúc ngoài, NXB Văn học.

(7)Từ điển văn học bộ mới (2004), NXB Thế giới.

(8) Dẫn theo Tuấn Nhi, “Vụng về thơ trình diễn”, báo Thể thao & Văn hóa, 9-2-2009.

(9) Xem thêm: Inrasara (2008), “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, tr. 92-121.

(10) Tạp chí Thơ, do nhà thơ Khế Iêm sáng lập và chủ biên ra số đầu tiên vào năm 1994 tại California, Hoa Kì; đến năm 2004, nó được chuyển giao cho nhà thơ Đỗ Kh.. Tạp chí Việt do Phan Việt Thủy làm chủ nhiệm, chủ bút là Nguyễn Hưng Quốc, ra số đầu tiên tại Úc vào đầu năm 1998, đến số 8, 2001 thì đình bản, sau đó nó chuyển sang website Tienve.org. Các tác phẩm: Nguyễn Hưng quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000; Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, Văn Nghệ, Califonia, Hoa Kì, 2002.

(11) Evan.Vnexpress.net đã có công lớn trong việc giới thiệu các khuôn mặt thơ mới, sau đó họ đã tự khẳng định mình. Tiếc là sau năm 2004, website này đã xóa hầu hết sáng tác của các tác giả “ngoại vi”.

(12) Xem thêm: Inrasara, “Sáng tác Chăm hiện đại – thơ tiếng Việt”, Inrasara.com, 2010.

(13) Xem thêm: Inrasara, “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, BBC, 9-7-2011.

(14) Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hoàng Đức và Đỗ Hoàng là ba người phê bình quyết liệt và mạnh bạo hơn cả. Dù đứng ở góc độ nào, đó là ý kiến ngược đáng nhận được sự phản biện từ phía Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng không. Riêng Đỗ Hoàng, sự cảm tính và định kiến non kém ở nhận định là rất rõ. Ví dụ ngay việc làm tưởng độc đáo của anh: dịch thơ Việt ra thơ tiếng Việt đăng trên tạp chí Nhà văn đã “gây sự chú ý, ngỡ ngàng trong làng văn chương nước nhà” (chữ của Trần Quang Đạo, báo Sinh viên Việt Nam, xuân Mậu Tý) chỉ là sự bắt chước, cóp lại lối làm đầy tài hoa trước đó khá lâu của Lê Vĩnh Tài (trong tập Liên tưởng, 2006).

Comments are closed.