Kỷ niệm về Hồ Hoàn Kiếm – Hồ Tìm Kiếm

Hà Nhật

Đầu năm 1955, sau khi đất nước bị chia cắt, phần cực nam của miền Bắc là sông Hiền Lương, tôi có ý định bỏ học để tập nghề đi buôn. Nhưng rồi, theo lời khuyên của mẹ, tôi theo một thằng bạn ra Hà Nội.

Phải nói rằng buổi đầu tôi khá choáng: Hà Nội to quá, to hơn cái “ville de Donghoi” của tôi bao nhiêu lần, cũng to hơn cả cái thành phố Huế mà tôi vừa mới rời xa.

Ở nhờ một góc chật chội mà ông bán hàng tốt bụng cho ở, chúng tôi mười thằng Quảng Bình, tối nào cũng nằm ngủ theo kiểu “úp thìa”. Đến lúc nào mỏi quá, cả mười thằng cùng hô nhau ngồi lên, đổi tư thế theo chiều ngược lại. Ban ngày, không có chỗ nào để ngồi, cả bọn phải phân tán ra đường. Tất nhiên chỗ hay nhất, mát mẻ dễ chịu nhất chính là Hồ Gươm!

Đi tới đi lui, vòng quanh Hồ Gươm không biết bao nhiêu lần. Rồi vào Đền Ngọc Sơn như những khách hành hương mộ đạo. Vui nhất là những lần được nhìn thấy cụ Rùa nổi lên, lững thững bơi quanh Tháp Rùa.

Lúc ấy mọi người đi đường đều đứng lại, thích thú chỉ trỏ reo hò.

Quanh Hồ Gươm những ngày chủ nhật thường đông nghẹt người, đông nhất là cán bộ và dân Miền Nam tập kết. Ngoài lí do giải trí, những người này còn có một lí do rất cảm động: tìm gặp người đồng hương có thể cũng đi tập kết ra Bắc mà chưa gặp lại. Từ chuyện này mà hồ Hoàn Kiếm bỗng có thêm một tên gọi: hồ Tìm Kiếm!

Đi dạo quanh Hồ Gươm, ngoài được ngắm hồ, còn có thêm một niềm vui khác: nhìn thấy những đoàn tàu điện với những dáng người chen chúc, những khuôn mặt sau cửa sổ, tiếng bánh sắt lăn trên đường, đặc biệt là tiếng chuông tàu leng keng chắc không nơi nào có được.

Tôi đã sống và học hành năm năm ở Hà Nội, từ năm mười bảy tuổi, cho đến khi tốt nghiệp đại học rồi về làm anh giáo nhà quê nơi một huyện nhỏ xứ Nghệ.

Trong năm năm, tôi biết hầu như gần khắp Hà Nội, mỗi con đường, góc phố, cả những gốc cây cổ thụ cứ rụng lá vào mùa đông…

Tôi còn một kỷ niệm suốt đời không quên: một người đẹp đúng người đẹp Hà Nội, sau này thành tên tác giả một bài thơ của tôi, cũng là ca từ một ca khúc nổi tiếng một thời: Mai Liêm – Một bài thơ tình của người thủy thủ (nhạc Hoàng Vân)

So với ngày nay, khoảng trời đất Hà Nội ngày ấy thật nhỏ. Tôi có thể đạp xe khắp Hà Nội, từ Chợ Mơ đến Yên Phụ, từ bờ sông Hồng đến Cầu Giấy.

Đó là khoảng không gian mà cư dân tự xác định mình là người Hà Nội, chứ không phải người Hà Lội!

Lạ thế, cứ vượt qua một làn ranh vô hình, mọi người đã là “người Hà Lội”!

Hồ Gươm như trở thành trung tâm của Hà Nội, chia thành hai: phần phía nam là khu phố Tây, phố này phố nọ, phần phía Bắc là các phố cổ, tên phố luôn luôn gắn liền với một chữ “Hàng”.

Người Hà Nội đi đâu xa về, nhìn thấy Hồ Gươm, cảm thấy như người dân quê đi xa về bỗng nhìn thấy luỹ tre làng!

Sau này, khi đã ở xa, hầu như hè năm nào tôi cũng trở về Hà Nội. Kể cả trong những năm bom đạn đầy trời, tôi cũng không bỏ những chuyến về Hà Nội.

Nơi này đã như quê hương thứ hai của tôi!

Nhà thơ Hi lạp Menelaos Lountemis đã rất khoái:

Tôi không bao giờ quên được hồ Gươm

(Lẵng hoa đẹp giữa lòng thành phố)

Những đóa sen hồng, những ngôi chùa

xám cổ,

Nghiêng mình xuống nước

tìm thánh thần xưa

Nhưng chỉ gặp những con người hiện tại.

(Lời từ giã Việt Nam, Hoàng Trung Thông dịch)

Hồ Hoàn Kiếm, hồ Tìm Kiếm!

Một biểu tượng của Hà Nội, một biểu tượng của Thăng Long, của nước Đại Việt nghìn năm văn hiến. Hà Nội của các triều vua Lê, kể từ khi người sáng lập triều Lê vung gươm thần giải phóng đất nước.

Hà Nội như một điểm tâm linh của cả nước, Hồ Gươm, cùng với Hồ Tây, những huyệt đạo không thể xâm phạm của Hà Nội, của cả nước Việt Nam!

Mong không gì, không ai, không việc gì xâm hại đến nó.

Nếu không làm được gì cho miền đất Trả Gươm Thần đẹp lên, thì không được làm cho nó xấu xí đi!

Comments are closed.