Một chút kỷ niệm như lời giã biệt nhà văn Duy Lam!

Nguyễn Thị Thanh Bình

Dạo này bạn bè thân và quen biết thi nhau rụng nhiều quá. Mới đó mà với nhà văn thân thiết Hồ Trường An là ngày giỗ đầu, mà tôi cũng chưa có một lời nhắc nhở, và đành hẹn. Và bây giờ là với nhà văn lão thành Duy Lam cũng đã bỏ đi đúng một tháng.

Đặc biệt ông vốn là một cộng tác viên đắc lực, chủ chốt tờ Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Ông mất ở Virginia, sau khi dọn về cho gần với ba cô gái rượu từ California, hưởng thọ 89 tuổi.

Dạo sau này gần cuối đời, ông mọc thêm một đam mê mới là hội hoạ.

Cũng trong một vài dịp được ghé qua nhà dược sĩ Phương là cô gái rượu của ông, tôi được thưởng ngoạn khá nhiểu bức tranh đẹp treo tường cũng có, mà bày đầy sàn nhà ở một căn phòng dưới basement Phương muốn dành riêng cho bố cũng có. Ở đấy tôi cũng được ông hí hoáy cho vài nét cọ đen chân dung, nhưng vừa dọn nhà nên tôi không có sẵn trong tay, và dĩ nhiên vẫn muốn được giữ như một kỷ niệm quý hiếm với ông.

Cách đây một vài năm cũng được gặp lại ông trong một lần nhà văn Đặng Thơ Thơ, cháu ngoại của nhà văn Hoàng Đạo về đây RMS tập truyện Khả Thể, và bao giờ tôi cũng nhận được cái bắt tay thân thiện từ ông, dù trí nhớ của ông có lẽ đã đến hồi rong rêu và tôi phải giới thiệu tên mình vào tai ông đến hai ba lần và thấy dường như ông không mấy khỏe, không còn tỏ vẻ nhận ra bà con thân thuộc nữa chứ nói chi mình.

Ngoài tài văn và tài vẽ vời tài tử, có lẽ ít người biết đến ông còn là một người mần thơ tài tử nữa. Mà dường như khi tuổi già sồng sộc đến, người ta thường tìm đến với những cảm hứng Thơ nhiều hơn thì phải.

Bài thơ ‘Chiếc Kẹo Nhỏ Trong Bàn Tay Người Chết’ lấy được khá nhiều nước mắt nhiều người, là một bài thơ đầy cảm xúc viết về một bạn tù khố rách đói đồ ngọt của ông là Đại tá Nguyễn Khoa Doanh, em ruột của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Trong đó xin trích vài câu: ‘Chiếc kẹo nhỏ trong tay người chết/Nắm không buông như níu kéo cuộc đời/Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết/Người bạn tù vừa từ bỏ cuộc đời/Mới vừa đây trong tiếng rên hấp hối/Anh đã xin hãy tìm hộ cho anh/Một chiếc kẹo… vì quá thèm chất ngọt…’

Có thể chúng ta coi nhà văn Duy Lam như một nối dài, một tiếp nối không dứt, và là hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn, vì mẹ ông là bà Nguyễn Thị Thế, em ruột của nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo, và chị của nhà văn Thạch Lam.

Để có chút gì tưởng nhớ dòng máu di truyền văn chương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, tôi xin thắp nhánh nhang cho nhà văn Duy Lam, và gởi theo bài thơ Lời Cuối có câu đầu: ‘Một trăm năm cuộc đời mộng ngắn’, với bản ký âm pháp đầy đủ của Phạm Duy phổ nhạc (trên YouTube cũng đã có Kim Tước, Hoàng Anh Thư thể hiện).

Không thể không mở thêm một ngoặc đơn ở đây, về một nhà văn luôn có sẵn một nhân cách đáng quý như ông. Và chính vì thế, vị Trung tá Quân Đoàn 1 này đã từng bị đi tù Cộng sản những 13 năm, và có lẽ với bản chất khó-cải-tạo của ông, nên ông cũng đã hơn một lần bị cùm đến thương tật ở cổ chân mình.

Thanh thản như mây bay cố xứ ở cõi miên viễn, nhà văn Duy Lam nhé!

IMG_5927

Comments are closed.