Tập sách cái cười & sự lãng quên (7)

Milan Kundera

Trịnh Y Thư dịch

PHẦN III.

Thiên sứ

KỲ 2

 

6.

Có thời tôi cũng nhảy múa trong cái vòng tròn đó. Đó là năm 1948. Cộng sản lên nắm quyền lực trên đất nước tôi, những ông bà đảng Xã hội và đảng Thiên Chúa Dân chủ bỏ xứ ra nước ngoài tị nạn hết, và tôi nắm tay hoặc ôm vai những anh chị em sinh viên Cộng sản khác, chân nhịp nhàng hai bước tại chỗ, một bước tiến lên, đá chân trái về một phía, đoạn chân phải phía bên kia, cứ thế đều đặn gần như mỗi tháng một lần, bởi chúng tôi luôn luôn có lễ lạt ăn mừng, kỷ niệm chu niên, hay một biến cố nào khác. Họ sửa đổi, cải cách công lý cũ, ban hành công lý mới, quốc hữu hóa nhà máy, hàng nghìn người vào tù, y tế miễn phí, cửa hàng bán thuốc lá bị tịch biên, công nhân cao tuổi lần đầu tiên đi nghỉ hè được ở trong những biệt thự bị truất hữu, và trên mặt chúng tôi ai nấy nở nụ cười sung sướng. Thế rồi một hôm tôi buột miệng nói điều lẽ ra không nên nói, tôi bị đuổi khỏi đảng và phải từ bỏ cái vòng tròn.

Đó là lúc tôi hiểu ra ý nghĩa màu nhiệm của vòng tròn. Nếu bạn bỏ đi từ một hàng ngang, bạn vẫn có thể trở lại. Hàng ngang là đội hình mở. Nhưng vòng tròn là đội hình đóng, và một khi đã bỏ đi, bạn chẳng có cách nào trở lại. Không phải ngẫu nhiên mà các hành tinh đều chuyển dịch theo đường tròn, một khối đá văng khỏi hành tinh sẽ bị lực ly tâm tống đi mãi vào không gian huyền tẫn. Tôi bỏ cái vòng tròn và cho đến bây giờ vẫn không ngừng rơi. Những kẻ trong lúc rơi lộn cổ như thế, có kẻ được cấp cho cái chết, có kẻ nát bấy lúc chạm đáy. Và có những kẻ khác (trong số có tôi) luôn luôn mơ tưởng nhớ nhung, dù chỉ thấp thoáng, những bước nhảy vòng tròn, bởi tất cả chúng ta là cư dân một vũ trụ trong đó vạn vật xoay chuyển theo đường tròn.

Đó là một buổi lễ kỷ niệm chu niên chỉ có Trời biết là lễ gì, đường phố Praha lại đông nghẹt người, toàn người trẻ tuổi đang nhảy múa thành vòng tròn. Tôi đi lang thang giữa bọn họ, đến gần lắm, nhưng tôi bị cấm, không được nhập vào bất cứ vòng tròn nào. Đó là một ngày tháng Sáu, năm 1950, Milada Horakova vừa bị treo cổ ngày hôm trước. Bà là ủy viên đảng Xã hội, bị tòa án Cộng sản tuyên án âm mưu chống phá nhà nước. Zavis Kalandra, một thi sĩ Siêu thực, bạn của André Breton và Paul Éluard, cũng bị treo cổ cùng ngày. Những người trẻ tuổi đang nhảy múa trên đường phố Praha, họ biết mới ngày hôm qua, ngay tại thành phố này, một người đàn bà và một nhà thơ Siêu thực bị treo cổ, thân xác họ lủng lẳng đong đưa dưới sợi dây thòng lọng. Những người trẻ tuổi nhảy múa say sưa cuồng loạn hơn, bởi họ muốn chứng tỏ cho mọi người thấy sự ngây thơ của họ, sự ngây thơ trong sáng tương phản với bóng tối tội lỗi của hai kẻ bị treo cổ, những kẻ phản bội nhân dân, phản bội hy vọng của nhân dân.

André Breton không tin Kalandra là kẻ phản bội nhân dân, hay phản bội hy vọng của nhân dân mình. Từ Paris, ông kêu gọi Éluard (trong một bức thư ngỏ đề ngày 13 tháng Sáu, 1950) lên tiếng phản đối bản án khùng điên nọ để cứu người bạn khỏi cái chết. Nhưng Éluard lúc đó còn đang túi bụi bận nhảy múa trong một vòng tròn khổng lồ nối liền Paris, Moskva, Praha, Warszawa, Sofia, Athens, giữa những quốc gia Xã hội chủ nghĩa và tất cả đảng Cộng sản trên thế giới, ông còn đang túi bụi bận đọc những bài thơ tuyệt hay của ông về nỗi vui sướng một vận hội mới trong tình thương yêu huynh đệ đại đồng. Sau khi đọc thư của André Breton, ông nhảy hai bước tại chỗ, một bước tiến lên, lắc đầu không chịu bênh vực kẻ phản bội nhân dân (tuần báo Hành Động số ra ngày 19 tháng Sáu, 1950). Ông cất cao giọng đanh thép đọc bài thơ:

Chúng ta sẽ lấp đầy lòng thơ ngây

Với sức mạnh chúng ta thiếu quá lâu

Chúng ta sẽ không còn cô độc”.

Tôi lang thang trên đường phố Praha, những vòng tròn thanh thiếu niên nam nữ Tiệp nói cười, nhảy múa cuồng nhiệt xung quanh tôi. Tôi biết rằng tôi không thuộc về họ, tôi thuộc về Kalandra, kẻ cũng như tôi, bị tống ra khỏi quỹ đạo và ngã, ngã, ngã đến khi rơi tọt vào quan tài của kẻ bị kết tội. Mặc dù không thuộc về họ nữa, nhưng nhìn họ say sưa nhảy múa, trong lòng tôi vẫn thấy ganh tị, vẫn khao khát, và mắt tôi không rời họ được. Đó chính là lúc tôi nhìn thấy ông, ngay trước mắt tôi.

Hai tay ông ôm vai hai người khác, với câu hát hai ba nốt nhạc đơn sơ, chân trái đá một bên đoạn chân phải đá bên kia. Vâng, đúng rồi, chính là ông, Éluard thương quý của thành phố Praha! Đột nhiên mọi người im bặt tiếng hát nhưng đôi chân vẫn không ngừng đưa đẩy. Thì ra ai nấy im tiếng để nghe ông đọc thơ, giọng ông hùng hồn theo nhịp giậm chân:

Chúng ta sẽ thôi nghỉ ngơi, sẽ thôi mê ngủ,

Chúng ta sẽ vượt qua bình minh, bỏ rơi mùa xuân

Và chúng ta sẽ nắn lại ngày tháng và mùa màng

Đúng như trong giấc mơ chúng ta hằng ấp ủ”.

Và rồi mọi người lại tiếp tục câu hát đơn sơ, nhịp điệu nhảy múa càng lúc càng nhanh. Họ đang vươn lên từ cơn mê ngủ, từ cõi ngu ngơ, họ đang vượt thời gian để lấp đầy cái ngây thơ của họ. Nụ cười rạng rỡ nở bung trên các khuôn mặt tươi trẻ và Éluard cúi xuống một cô gái ông đang ôm trong tay, nói:

Kẻ được hòa bình chiếm hữu là kẻ luôn luôn tươi cười”.

Nghe thế cô gái cười và bắt đầu giậm chân mạnh hơn, thân hình cô bỗng từ từ nhấc lên khỏi vệ đường vài xăng-ti mét, kéo những người khác lên theo, và một lát sau không ai chân còn chấm mặt đất nữa, tất cả đang nhịp nhàng hai bước tại chỗ, một bước tiến lên, trên không trung, vâng, họ đang bay lên cao, bên trên quảng trường Wenceslaus, cái vòng tròn họ nắm tay nhau nhảy múa trông giống một vòng hoa khổng lồ đang bay trên không, dưới đất tôi chạy theo nhìn lên họ trong lúc họ bay càng lúc càng xa, chân trái đá bên này chân phải đá bên kia vẫn nhịp nhàng đều bước, và dưới này là Praha với những quán cà phê đông nghẹt thi sĩ, những nhà tù đông nghẹt người phản bội nhân dân, và từ lò hỏa thiêu nơi người ta thiêu xác một đảng viên Xã hội và một thi sĩ Siêu thực, khói bốc lên thiên đàng như một điềm lành, và tôi nghe giọng Éluard vẫn hùng hồn sắc bén:

Tình thương yêu cho nhau chẳng bao giờ mệt mỏi”.

Tôi chạy theo giọng đọc đó khắp phố phường để mắt không rời cái vòng hoa xán lạn đang bay trên thành phố, tôi bỗng nhận ra một điều khiến tim tôi thắt lại vì buồn bã, đó là, họ thì bay như chim còn tôi thì như tảng đá rơi xuống vực thẳm, họ có cánh bay còn tôi chẳng bao giờ có.

7.

Mười tám năm sau khi bị xử tử, tên tuổi Kalandra được phục hồi, nhưng chỉ ít tháng sau xe tăng Nga tràn vào Bohemia và chẳng bao lâu hàng nghìn người bị kết tội là những kẻ phản bội nhân dân, phản bội hy vọng của nhân dân, có người bị ném vào nhà tù, nhưng hầu hết bị mất việc, và hai năm sau (tức là hai mươi năm sau khi Éluard từ quảng trường Wenceslaus bay bổng lên không trung), một trong những người bị kết tội này (chính là tôi) viết báo phụ trách mục chiêm tinh cho một tờ tạp chí dành cho giới trẻ.

Được một năm, một hôm lúc tôi đang viết bài về sao Nhân Mã, một anh thanh niên tôi chưa thấy mặt bao giờ đến gặp tôi. Không nói không rằng, anh trao cho tôi một cái phong bì, tôi xé ra đọc nhưng mất một lúc khá lâu tôi mới nhận ra đó là thư của R. Nét chữ trong thư tôi không nhận ra là của R. Chắc cô đã vô cùng bối rối lúc viết, và có lẽ cô cố tình viết với giọng văn cho mình tôi hiểu, ngay cả thế tôi chỉ hiểu một nửa. Điều duy nhất tôi hiểu rõ là, sau một năm trời, tung tích nhà văn của tôi đã bị phát hiện.

Vào thời điểm đó tôi thuê một căn hộ nhỏ nằm trên đường Bartolomejska ở Praha. Đó là một con đường ngắn nhưng ai cũng biết bởi tất cả các khu nhà ở đấy là của công an, ngoại trừ hai chung cư (căn hộ tôi ở thuộc một trong hai chung cư). Từ cửa sổ lớn phòng tôi trên lầu năm nhìn lên là tháp tòa lâu đài Hradcany, và nhìn xuống là sân trụ sở nha công an. Bên trên là chỗ các nhà vua Bohemia từng ngự trị một lịch sử huy hoàng, bên dưới là nơi phơi phóng một lịch sử những tù nhân tăm tiếng. Tất cả tù nhân đều phải lê bước qua khoảng sân đó, Kalandra và Horakova, Slansky và Clementis, rồi các bạn tôi Sabata và Hubl.

Anh thanh niên (mọi điều về anh cho thấy anh phải là hôn phu của R.) đảo mắt nhìn quanh quất, khi biết chắc không ai theo dõi mới dám vào phòng. Anh sợ công an đặt máy vi âm nghe lén bên trong căn hộ, và chúng tôi ngầm ra hiệu cho nhau bước ra ngoài nói chuyện. Thoạt đầu chúng tôi yên lặng đi cạnh nhau, mãi khi đến đường Narodni đầy tiếng động ồn ào anh mới bảo tôi R. muốn gặp riêng tôi, và một người bạn anh mà tôi không biết là ai, đã đồng ý cho chúng tôi mượn căn hộ ở ngoại ô làm điểm hẹn cho buổi gặp bí mật này.

Ngày hôm sau tôi đáp xe điện ra ngoại thành Praha, hai tay tôi tê cóng vì cái lạnh tháng Chạp. Ngoài này toàn chung cư, chín mười giờ sáng phố xá vắng vẻ không một bóng người. Nhờ anh thanh niên dặn dò chỉ đường kỹ, tôi tìm ra khu nhà, lấy thang máy lên lầu tư, dò tên họ ghi trên cánh cửa và tìm ra đúng căn hộ. Tôi bấm chuông. Không nghe tiếng động nào bên trong. Đợi một lát vẫn không ai ra mở cửa, tôi bấm lần nữa nhưng vẫn không một bóng người xuất hiện. Chờ mãi không thấy ai tôi bỏ xuống đường đi loanh quanh cả nửa tiếng đồng hồ trong cái lạnh mùa đông. Tôi đồ R. trễ giờ hẹn và không chừng tôi sẽ gặp cô đi từ trạm xe điện đến đây. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy R., tôi lại lấy thang máy lên lầu tư. Tôi bấm chuông lần nữa. Vài giây sau tôi nghe tiếng nước dội cầu. Ngay giây phút đó tôi có cảm tưởng như có ai vừa đổ thùng đá lạnh lên người tôi. Cơ thể tôi cảm nhận được tình trạng của cô gái trẻ, cô không mở cửa được vì quá khiếp sợ và cứ phải đi tiểu luôn.

Lúc ra mở cửa, da mặt cô xanh tái nhưng vẫn nở nụ cười chào tôi, gắng gượng vui vẻ như những lần gặp khác. Cô đùa bảo tôi cuối cùng anh em mình cũng có một không gian riêng như thế này. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện và cô bảo cô vừa bị công an mời lên làm việc. Họ thẩm vấn cô cả ngày trời. Hai giờ đầu họ hỏi cô toàn những chuyện vu vơ, khiến cô cảm thấy thoải mái đến nỗi cô đùa bảo chẳng lẽ họ bắt cô nhịn ăn trưa chỉ để nói những chuyện vớ vẩn ấy sao. Ngay lúc đó họ hỏi cô: Vậy thì, hỡi cô R. quý mến, ai là người viết mục chiêm tinh cho tờ tạp chí của cô? Cô lúng túng trả lời bảo đấy là một nhà vật lý học danh tiếng mà danh tính ông cô không thể tiết lộ. Họ hỏi cô: Cô biết ông Kundera không? Có, cô trả lời cô biết tôi. Biết ông ấy thì có gì sai trái không? Họ đáp: Chẳng có gì sai trái cả, nhưng cô có biết ông Kundera thích nghiên cứu chiêm tinh không? Cô bảo cô chẳng biết tí gì chuyện đó. Cô không biết thật ư? Họ cười hỏi lại cô. Cả Praha này ai cũng biết chuyện đó mà cô bảo cô không biết tí gì, là thế nào? Cô lại kể lể về nhà vật lý học, đang nói nửa chừng thì một trong mấy gã công an thẩm vấn bỗng quát lên: Cô không được nói dối quanh nữa!

Thế là cô đành khai sự thật. Cô nói bộ biên tập tờ tạp chí muốn có một cột báo chiêm tinh thú vị nhưng không biết tìm ai phụ trách, tình cờ R. quen tôi và nhờ tôi giúp. Cô biết chắc cô không vi phạm luật pháp khi làm thế. Họ bảo cô đúng, cô không vi phạm luật pháp nào cả, cô chỉ vi phạm điều lệ nội trị cấm, không được làm việc với kẻ có tội, kẻ đã lạm dụng lòng tin của đảng và nhà nước. Cô cố biện minh không có gì nghiêm trọng xảy ra: ông Kundera viết bài dưới một cái tên giả và như thế không ai bị xúc phạm. Còn về tiền thù lao cho ông Kundera thì chẳng đáng nhắc ra ở đây. Một lần nữa, họ bảo cô đúng: không có gì nghiêm trọng cả và họ sẽ chỉ thảo một biên bản về chuyện này rồi xin cô ký tên vào. Chỉ thế thôi và sau đó cô không cần bận tâm gì nữa.

Cô ký tên vào tờ biên bản, hai hôm sau ông tổng biên tập gọi cô vào tuyên bố cô bị đuổi việc, ngay tức khắc. Ngay hôm bị đuổi việc, cô đến đài phát thanh, nơi cô có vài người bạn quen xưa nay vẫn gọi cô sang cộng tác. Họ niềm nở tiếp cô nhưng ngày hôm sau trở lại điền giấy tờ thì giám đốc phòng nhân viên, người vẫn quý mến cô bấy lâu, ra bảo cô với giọng tuyệt vọng: “Cô bé, thật là một việc làm hết sức ngu xuẩn cô đã làm, cô biết không? Chính cô đã làm hại cuộc đời cô. Tôi không làm gì được cho cô đâu”.

Thoạt đầu cô chưa muốn nói chuyện với tôi bởi vì cô hứa với công an là cô sẽ không nói với bất cứ ai nửa lời về vụ thẩm vấn. Nhưng khi bị gọi lên làm việc lần nữa (mai cô đi gặp họ), cô quyết định lén gặp tôi để hội ý với nhau cho câu chuyện ăn khớp trường hợp tôi cũng bị gọi.

Xin hiểu R. là người can đảm, nhưng cô còn trẻ và thiếu kinh nghiệm sống. Cô vừa bị cú đánh đầu tiên trong đời, một cú đánh phủ đầu bất ngờ và cô không hiểu tại sao mình bị, suốt đời cô sẽ không bao giờ quên. Tôi bỗng nhận ra tôi bị chọn làm kẻ đưa tin dữ cho mọi người, và tôi bắt đầu sợ hãi chính tôi.

Cô hỏi tôi, cổ họng như tắc nghẹn: “Anh có nghĩ là họ biết về một nghìn đồng tiền thù lao lá số tử vi anh nhận của lão tổng biên tập không?”.

“Em đừng lo. Một kẻ từng ở Moskva cả ba năm trời nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ không đời nào dám thú nhận mình đi xin lá số tử vi”.

Cô gái cười, và mặc dù tiếng cười của cô kéo dài không quá nửa giây, nó vang trong tai tôi như một hứa hẹn tạm thời cho một cứu rỗi. Bởi đây chính là tiếng cười tôi muốn nghe lúc tôi viết những bài ngăn ngắn vớ vẩn về Song Ngư, Xử Nữ, Dương Cưu… Nó chính là tiếng cười mà lúc cầm bút viết tôi tưởng tượng sẽ là phần thưởng cho tôi, nhưng nó đã không bao giờ đến, không thấy nó nơi đâu, bởi khắp thế gian lúc đó thiên sứ đang chiếm cứ tất cả các địa vị quyền lực, tất cả các văn phòng lãnh tụ, cánh hữu cánh tả thiên sứ đều ngự trị, Ả Rập lẫn Do Thái, những lãnh tụ Nga Xô, những ông bà bất đồng chính kiến với chế độ Xô-viết. Từ bốn phía họ nhìn chúng tôi với cặp mắt lạnh lùng băng giá. Cái nhìn lột trần chúng tôi ra khỏi bộ áo diễn trò vui nhộn dễ thương, nó lột mặt nạ chúng tôi và gán lên chúng tôi nhãn hiệu những kẻ giả mạo thảm thương, những kẻ làm việc cho một tờ tạp chí dành cho giới trẻ trong một quốc gia Xã hội chủ nghĩa mà không hề tin tưởng chút gì về giới trẻ hay Xã hội chủ nghĩa, những kẻ cả gan lấy lá số tử vi cho ông tổng biên tập rồi đem cả ông tổng biên tập lẫn lá số ra làm trò cười với nhau, những kẻ chỉ biết lo cắm đầu cắm cổ vào những chuyện vớ vẩn tạp nham trong khi cả thế giới xung quanh (tả và hữu, Ả Rập và Do Thái, lãnh tụ và ly khai) đang miệt mài tranh đấu cho tương lai nhân quần. Chúng tôi có cảm tưởng sức nặng của cái nhìn từ họ đang biến chúng tôi thành côn trùng và sẽ bị gót giày đè bẹp dí.

Trấn át nỗi lo sợ, tôi cố bày những câu trả lời hợp tình hợp lý nhất cho R. để mai cô đi gặp công an. Trong lúc nghe tôi nói, mấy lần cô đứng dậy vào toa-lét. Lần nào quay trở ra sau tiếng nước dội cầu, gương mặt cô cũng hiện nét ngượng ngùng hốt hoảng. Cô gái can đảm đó, nỗi lo sợ khiến cô thấy xấu hổ. Một phụ nữ phẩm giá thấy xấu hổ vì cứ phải đi tiểu luôn trước mặt một người lạ.

8.

Trên dưới hai mươi cô cậu sinh viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau ngồi trong lớp học chăm chú nhìn lên Michelle và Gabrielle. Hai cô đang đứng trước bục giảng chỗ Madame Raphael ngồi sau bàn giấy. Trên tay mỗi cô cầm một xấp giấy bài thuyết trình ngày hôm nay và một món vật hình thù kỳ dị làm bằng các-tông và sợi dây cao su.

“Chúng tôi sẽ thuyết trình trước lớp về vở kịch Rhinoceros của Ionesco”. Michelle nói xong, hơi cúi đầu đoạn đưa món vật hình thù như cái sừng làm bằng những mảnh các-tông nhiều màu dán keo vào nhau lên mũi mình rồi buộc sợi dây cao su sau gáy. Gabrielle cũng làm như bạn mình. Xong, hai cô quay mặt lại nhìn nhau không ai bảo ai cùng ré lên một tràng thanh âm chói lói.

Cả lớp hiểu ra ngay hai cô gái đang cho mọi người thấy, thứ nhất, tê giác có sừng chứ không phải mũi và, thứ hai, vở kịch của Ionesco có tính hài. Hai cô quyết định biểu hiện hai ý tưởng này chẳng những bằng bài thuyết trình mà trên hết còn qua hành động của chính thân thể mình.

Cái sừng bằng các-tông nhiều màu trên mặt Michelle và Gabrielle không ngớt lắc lư khiến lớp học thấy vừa thương hại vừa ngượng cho hai cô gái, như thể đấy là người đứng trước lớp học giơ cánh tay cụt của mình lên khoe.

Chỉ có Madame Raphael là thấy cảm phục cảm hứng sáng tạo của hai cô học trò yêu, bà biểu lộ sự đồng tình bằng cách cũng ré lên tràng âm thanh chói lói của riêng bà.

Cảm thấy hài lòng, hai cô gật gật cái mũi dài ngoằng, đoạn Michelle bắt đầu đọc phần thuyết trình của cô.

Trong lớp có một cô gái người Do Thái tên Sarah. Trước đó vài hôm, cô này hỏi mượn hai cô gái Mỹ những ghi chép (trong lớp ai cũng biết hai cô ghi chép không thiếu một lời giảng của Madame Raphael), nhưng hai cô không chịu cho mượn: “Ai bảo chị trốn học ra biển chơi!”. Từ hôm đó, Sarah thù ghét hai cô lắm và đây là cơ hội tốt nhất cho cô hạ nhục hai cô gái Mỹ.

Michelle và Gabrielle thay phiên nhau thuyết trình bài phân tích vở kịch Rhinoceros. Cái sừng dài bằng các-tông cụp lên cụp xuống trên mặt hai cô như thể nó đang van nài ai điều gì. Sarah thấy bỏ qua dịp này rất uổng bèn lợi dụng lúc Michelle ngưng nói để ra hiệu cho Gabrielle thay phiên tiếp tục bài thuyết trình, cô đứng dậy tiến về trước lớp. Thay vì nói tiếp phần của mình, Gabrielle lại chĩa cái mũi giả về hướng Sarah và đứng đó há hốc miệng. Đến gần, Sarah đi vòng ra sau lưng hai cô gái Mỹ (như thể cái mũi trì đầu mình xuống quá nặng đến nỗi hai cô không thể ngoái lại xem cô kia đang định giở trò gì), từ đằng sau cô lui lại vài bước lấy thế rồi phóng chân đạp thật mạnh vào mông Michelle một cú, đoạn cô làm y như thế nhắm trúng mông Gabrielle mà đạp. Xong, cô yên lặng, đường bệ bỏ về lại chỗ ngồi.

Choáng váng, cả lớp đột nhiên im phăng phắc.

Rồi nước mắt chảy dài trên mặt Michelle và Gabrielle.

Rồi cả lớp phá lên cười, cười như chợ vỡ, cười như chưa bao giờ được cười.

Rồi Sarah ngồi xuống ghế.

Rồi đến phiên Madame Raphael. Thoạt tiên vì quá bất ngờ, bà sững sờ đến đờ đẫn cả người trong giây lát, nhưng rồi bà nhận ra hành động can thiệp của Sarah là một phân cảnh, mặc dù có tính cách nghịch ngợm của học trò, nhưng được chuẩn bị chu đáo với chủ ý rọi sáng lên chủ thể bài phân tích (diễn giải một tác phẩm nghệ thuật không ngưng lại ở phương cách tiếp cận lý thuyết truyền thống, mà cần một đường lối tiếp cận cách tân, đọc bằng phương tiện của tri hành, của hành động, của cái đang xảy ra). Nghĩ như thế và bởi không thấy nước mắt trên gương mặt hai cô học trò yêu đang chảy dài (đứng nhìn xuống lớp, hai cô day lưng lại bà), bà ngửa đầu ra sau phá lên tràng cười sảng khoái tán thành diễn trình độc đáo có một không hai đó.

Nghe bà giáo mình hằng yêu kính cười phía sau lưng, Michelle và Gabrielle cảm thấy như bị phản bội. Nước mắt hai cô càng tuôn ra dữ dội như vòi nước. Sự ô nhục ê chề đến nỗi hai cô vặn vẹo thân hình như thể ruột gan quặn thắt.

Madame Raphael thấy hai người học trò yêu vặn vẹo thân hình lại tưởng đang nhảy múa, thế là ngay tức thì bà phóng ra khỏi ghế ngồi, như thể có sức mạnh nào đó mãnh liệt hơn cái trọng lực nghề giáo đẩy bật bà lên. Bà cười như điên dại, cười đến chảy nước mắt, hai cánh tay bà dang rộng, thân hình ngả nghiêng, đầu lắc lư trên cần cổ như cái chuông nhà thờ lộn ngược đổ liên hồi do người kéo chuông kéo quá mạnh. Tiến lại gần hai cô gái đang vặn vẹo, bà nắm lấy tay Michelle. Lúc này ba người hướng xuống lớp học, và cả ba đều vặn vẹo, nước mắt giàn giụa. Madame Raphael đi hai bước tại chỗ, đá chân trái về một phía, đoạn chân phải phía bên kia, và hai cô gái gượng gạo bắt chước làm theo. Nước mắt làm ướt nhẹp cái mũi các-tông, hai cô vừa vặn vẹo vừa giậm chân tại chỗ. Rồi Madame le professeur nắm lấy tay Gabrielle, họ làm thành vòng tròn và cả ba, tay trong tay, chân bước tại chỗ, đoạn sang bên trái, sang bên phải, gương mặt nhăn nhó của hai cô gái Michelle và Gabrielle đang từ khóc biến thành cười.

Ba người đàn bà cứ thế vừa nhảy vừa cười, hai cái mũi các-tông lắc lư, lớp học há hốc miệng nhìn, họ không tin vào đôi mắt mình. Nhưng lúc này ba người đàn bà đâu còn biết đến ai khác nữa, họ tập trung cả vào chính họ và cảm giác kỳ diệu họ đang trải nghiệm. Đột nhiên Madame Raphael giậm chân mạnh hơn và thân hình bà từ từ nhấc vài xăng-ti mét lên khỏi sàn lớp học, kéo theo hai cô gái. Giây lát sau cả ba đã cách xa mặt đất và quay cuồng trên cao. Lúc mái tóc họ chạm trần nhà, bỗng nhiên một lỗ hổng từ từ mở ra, và qua cái lỗ hổng đó, ba thân hình càng lúc càng bay cao lên không trung, không thấy hai cái mũi các-tông đâu nữa mà chỉ thấy ba đôi giày đá tới đá lui luồn qua lỗ hổng. Sau cùng thì chẳng thấy gì nữa, đám sinh viên ngồi đờ đẫn bên dưới chỉ còn nghe thấy tiếng cười càng lúc càng xa, văng vẳng vọng xuống từ cõi cao của ba tổng lãnh thiên sứ.

9.

Cuộc gặp gỡ giữa tôi và R. tại căn hộ nọ đã cho tôi một quyết định dứt khoát. Chỉ từ lúc đó tôi mới nhận ra sự thật: tôi là đầu mối tai họa cho những người tôi yêu quý, tôi không nên sống trong cùng một môi trường với họ nếu tôi không muốn họ bị hãm hại, và giải pháp duy nhất tôi có thể thực hiện được là bỏ xứ ra đi.

Nhưng tôi cũng có một lý do khác để nhớ lại lần gặp cuối cùng với R. Trước đó tôi luôn luôn có tình cảm tốt đẹp với người phụ nữ trẻ tuổi này, một tình cảm trong sáng, không hề bợn chút tà tâm. Như thể thân thể cô luôn luôn được che đậy bởi một trí tuệ sáng láng, một nhân cách khiêm cung, và một phong cách ăn mặc có phẩm vị. Chẳng bao giờ cô để lộ kẽ hở nhỏ xíu nào cho tôi thấy cái trần truồng bên trong. Nhưng bây giờ, đột nhiên, sự sợ hãi như con dao sắc của gã bán thịt tàn nhẫn rọc banh cô ra. Nhìn cô ngồi trước mắt, tôi có cảm tưởng như nhìn một tảng thịt bò treo trên móc hàng bán thịt. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trên chiếc đi-văng trong căn hộ mượn tạm làm chỗ gặp, nghe tiếng nước dội cầu trong toa-lét, lòng tôi bỗng nổi cơn thèm khát rồ dại muốn làm tình với cô. Chính xác hơn: cơn thèm khát rồ dại muốn hãm hiếp cô. Tôi muốn nhảy chồm lên cô, chiếm đoạt cô, bằng một động tác ôm ấp với tất cả những mâu thuẫn kích thích không kham nổi nơi con người cô, mâu thuẫn giữa bộ y phục tuyệt hảo cô mặc trên người và hệ bài tiết rối loạn bên trong, mâu thuẫn giữa lý trí và khiếp sợ, mâu thuẫn giữa tự hào và nhục nhã. Đối với tôi, hình như ẩn nấp bên dưới những mâu thuẫn này là bản chất thật con người cô, kho tàng đó, cục vàng ròng đó, hạt kim cương đó, nằm sâu giấu kín trong cô. Tôi muốn phá vỡ và lôi toạc nó ra. Tôi muốn chiếm ngự cô toàn vẹn, với tất cả cứt đái và một tâm hồn không biết nói sao cho vừa của cô.

Nhưng tôi chỉ thấy đôi mắt lo lắng đang nhìn tôi chằm chặp (đôi mắt lo lắng trên một khuôn mặt thông minh), đôi mắt ấy càng lo lắng bao nhiêu, tôi càng muốn hiếp cô bấy nhiêu – càng thấy mọi sự sao phi lý, khùng điên, ô nhục, không thể hiểu nổi, không làm gì nổi.

Hôm đó, sau khi rời căn hộ bước xuống đường và một lần nữa đi giữa những khu chung cư (R. ở lại mãi một lúc lâu sau mới dám ra khỏi cửa vì sợ có người thấy đi với tôi), đầu óc tôi không suy nghĩ được điều gì ngoài cái ý tưởng mông muội muốn hiếp cô gái đáng yêu ấy. Ý nghĩ đó vẫn còn ở lại trong tôi, như con chim bị nhốt kín trong cái bao thi thoảng thức dậy, vỗ cánh.

Cũng có thể cái ham muốn ngông cuồng điên loạn muốn hiếp cô gái chỉ đơn thuần là cố gắng tuyệt vọng cần bám víu vào bất cứ vật gì trong lúc đang rơi xuống vực thẳm. Bởi vì từ khi họ tống cổ tôi ra khỏi cái vòng tròn, tôi vẫn rơi, vẫn đang rơi, và họ vẫn tiếp tục xô đẩy, nhận chìm cho tôi rơi sâu hơn nữa, xa hơn nữa, càng lúc càng xa đất nước tôi, đuổi tôi về chốn hoang vu của một thế giới nơi tiếng cười khiếp hãi của những thiên sứ vang vọng, thô bạo át mọi lời tôi muốn nói.

Tôi biết có Sarah ở đâu đó, Sarah cô gái Do Thái, Sarah cô em tôi, những tôi biết tìm cô nơi đâu?

………………………………………..

*Chú thích của người viết:

Các trích đoạn là từ những tác phẩm sau: Annie Leclerc, Parole de femme, 1976; Paul Éluard, Le visage de la paix, 1951; Eugène Ionesco, Rhinocéros, 1959.

*Chú thích của người dịch:

[1] jouissance: Khoái cảm.

[2] Jaroslav Hašek [1883-1923]: Nhà văn Tiệp, nổi tiếng với những tác phẩm văn chương trào phúng, châm biếm.

[3] Giáo hội Giám Lý (Methodist Church): Một giáo phái Tin Lành có xuất xứ từ Anh quốc, thế kỷ XVIII.

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

(Còn tiếp)

Comments are closed.