Những Đợt Sóng

Truyện ngắn

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

Nguyễn Thị Thanh Bình là một trong những nhà văn nữ xuất hiện rất sớm trên văn đàn hải ngoại.  Quê gốc của chị là thành phố Huế.118 7 Nguyễn Thi Thanh Bình

Chị làm thơ song song với viết truyện nhưng tác phẩm chính là văn xuôi:

-Ở Đời Sống Này (tập truyện, Đại Nam xuất bản, 1989)

-Giọt Lệ Xé Hai (truyện dài, Văn Khoa xuất bản, 1991)

 

-Cuối Đêm Dài (tập truyện, An Tiêm xuất bản, 1993)

 

-Dấu Ấn (tập truyện, Văn Mới xuất bản, 2004)

 

-Trốn Vào Giấc Mơ Em  (thơ, Thanh Văn xuất bản, 1997)

 

Nguyễn Thị Thanh Bình hiện sống ở Hoa Kỳ.

 

 

 

Tôi về lại phố biển vào những ngày cận Tết. Thành phố tươi tỉnh đón chào người con gái năm xưa. Xe cộ rộn ràng. Người qua kẻ lại tấp nập. Ai cũng có vẻ vội vã, như thể ba vụ Tết nhất đang dồn đuổi tới lưng. Mùa xuân bàng bạc trên cao bỗng choàng lên môi tôi chút thiên thanh. Trước ngưỡng cửa của căn nhà cũ, tôi khựng lại hơn hai lần như cố tìm bắt thứ ánh sáng quen thuộc nhảy múa trên những ô kính năm nào.

Sự trở về không báo trước, không người đưa đón gây cho tôi cảm giác vừa thú vị vừa buồn bã. Cảnh vật dường như đang nhìn tôi với đôi mắt ngỡ ngàng và tôi thấy mình như bị lạc lõng, bỏ rơi không đâu vì đã lỡ xa nhà quá lâu chăng.

Hai mươi năm tôi vẫn mong có dịp được trở về nơi đây. Trở về và bàng hoàng thật sự trong hơi thở nồng nàn ngai ngái của gió biển. Đâu đó vẫn là mùi ống cống khó chịu thoảng về, nhưng lần này chỉ khiến tôi bật cười.

Điều kỳ lạ là tôi đã mừng muốn khóc, khi ngửi thấy mùi thơm của hành nướng xông lên từ một gánh phở của bà hàng xóm cũ. Hình như trong tôi mọi điều vẫn không có gì thay đổi, nhưng tôi vẫn tự hỏi không biết tất cả có còn thuộc về tôi nữa không.

Thành phố đã lớn lên như thổi. Những nhà và nhà và những hàng quán thi nhau mọc lên như nấm. Xe cộ bóng loáng vun vút làm tôi tự hỏi đâu rồi những chiếc xe thổ mộ thân quen của mình. Đôi mắt nhẫn nhục của con ngựa già và khuôn mặt rám nắng, khắc khổ của người xà ích vẫn còn đọng mãi trong trí nhớ tôi. Quãng đường ngang trường học của tôi lúc này cũng không còn tìm thấy những lối mòn ngộ nghĩnh, mà tất cả đều mở những con đường thật lớn, thật thênh thang.

Cảm giác gần gũi hình như đang rời bỏ tôi dần dần cho đến khi tôi nhận ra sao nơi đây mình chẳng còn bao nhiêu mối dây liên hệ thân thiết. Vậy mà tôi vẫn muốn trở về và nhất định trở về đơn thuần chỉ vì đây là nơi chốn tôi đã có mặt và lớn lên suốt quãng đường con gái. Nơi chốn ấy bao giờ cũng vẫn thiêng liêng vô cùng. Thiêng liêng như đền đài kỷ niệm chắt chiu thời mới lớn.

Bà chị dâu trố mắt nhìn tôi. Đã bảo tôi chỉ thích có mặt như một đột xuất bất ngờ. Mọi sự thổi đến trong đời tôi vẫn thường xảy ra như thế, như một trận gió lào thổi qua hay một cơn mưa trong ngày nắng hạ. Vậy mà tôi cũng đã tự nguyện đứng rất lâu trước căn nhà, để chờ một tiếng gọi ấm áp nào đó: “Nga, Nga…” nhưng nào có. Hoặc một vòng tay sững sờ dang ra ôm tôi vào lòng. Hơn thế nữa là những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi của những đứa cháu mồ côi cha. Không, không có gì ngoài những hạt bụi vẫn bay vu vơ khi có gió biển thổi thốc vào. Bà chị dâu và hai đứa cháu gái là những liên hệ duy nhất còn lại, nhưng chắc lần này tôi sẽ không đợi đến hai mươi năm nữa mới trở về.

Tôi tự dặn dò mình sẽ về thường xuyên hơn hoặc là không bao giờ còn trở về nữa cả.

Bà chị dâu từ trong nhà bước ra, suýt nữa đâm sầm vào người tôi. Đứng lại, dụi dụi mắt, ngó người đối diện chăm chăm từ đầu đến chân.

Tôi nhận ra người đàn bà ấy ngay, mặc dù nhan sắc chị tàn phai đi rất nhiều. Chỉ có chị là vẫn không ngước giương mắt tròn vo nhìn tôi, như một ai xa lạ hoặc tệ hơn là một thứ quái vật vừa rùng  mình biến thành cô gái đẹp. Môi chị lắp bắp: “Cô… cô, cô hỏi ai cô?”. Tôi nghe rõ tiếng cười của mình vang dội thật to, nửa như muốn trêu chị nửa như muốn chọc mình. Tiếng cười của một người nào khác đã được lột xác. Làm thế nào chị có thể nhận ra ngay con người với hơn sáu phần giả nhờ bàn tay thẩm mỹ trong tôi bây giờ. Tôi đó, tôi lạ lẫm trong lối trang điểm diêm dúa và y phục quái đản của thời trang.

“Em đây chị. Nga đây mà, bộ chị không nhận ra sao?”.

“Nga… Nga nào , cô cần kiếm ai hả?

Không ai còn nhận ra tôi nữa sao. Ờ, thì ra cả tôi, tôi cũng không nhận ra mình nữa huống hồ người khác. Hai mươi năm ở xứ người với thứ ngôn ngữ xa lạ, những tập quán mới, những lối suy nghĩ và đời sống máy móc… tất cả chẳng lẽ đã làm tôi dễ quên ít nhiều cái gốc của mình ở nơi nào đó.

Tôi bực mình gằn nhẹ từng tiếng. “Chị Trân, em là Nga, em anh Đình đây. Em mới ở Mỹ về”. Ồ, Nga đây hả. Trời ơi, trông em lạ quá… ơ… đẹp quá nên ai mà nhận ra nổi. Với lại, chị đâu ngờ có ngày em còn về lại đây…”, chị liến láu một hơi dài. Tôi đáp giả lả: “Em về bất ngờ nên chẳng thông báo làm gì. Cũng muốn làm chị ngạc nhiên chơi ấy mà”. Chị gật gật đầu: “Ờ ngạc nhiên thật. Đứng tim chớ không phải chơi đâu”. Tôi cười ngó trước ngó sau: “Mấy đứa cháu của em đâu rồi chị?”. Chị không kịp trả lời đã ôm tôi khóc sướt mướt. Tôi lại một phen hú hồn, muốn chui tọt xuống đất để khỏi bị tiếng khóc ấy xé phăng tim mình. Ngờ đâu câu hỏi chỉ vô tình gợi lên nỗi côi cút của chị bấy lâu.

Anh tôi chết trẻ trong tù, lúc chị sắp đến ngày sinh đứa út. Từ cô sinh viên yểu điệu thục nữ, chị đã một mình tự xoay sở, lăn lộn trong cuộc đời bằng năm tháng cô đơn, khổ ải để nuôi lũ con khôn lớn.

Buổi tối chị và tôi nằm rổn rảng chuyện ngắn chuyện dài suốt đêm. Tôi đề nghị chị em nằm lại với nhau trên chiếc “divan” ngày xưa. Chị Trân cười cười: “Nga ở bên đó nằm nệm quen rồi, về đây ngủ “divan” không khéo lại mỏi lưng đấy”. Tôi lắc đầu: “Chị cứ để em tự nhiên với cái giường xưa cũ của mình. Em muốn tìm lại chút hương thời con gái xem sao”. “Hương… thời con gái. Nga nói làm chị nhớ lại cái chú gì hàng xóm… à chú Tín ấy mà, dạo đó đêm nào chú Tín chẳng ra sân thượng đàn địch vẳng qua cửa sổ mình suốt đêm. Nga còn nhớ chú ấy không?”.

Tín… Tín, không dưng tôi lại khổ vì cái tên gọi ấy. Vâng, đúng rồi. Tín chứ còn ai vào đây nữa. Gã con trai đã làm tôi ray rứt yêu thầm suốt quãng đường con gái. Bây giờ tôi lại có dịp ôn lại những kỷ niệm buồn rầu ấy.

Tín đẹp trai, học giỏi, hát hay và bất cần… con gái. Nhất là loại con gái không mấy nhan sắc như tôi thời ấy. Tôi chỉ mơ hồ đoán vậy, vì vẫn thường gặp rất nhiều cô gái xinh đẹp được Tín mời đến nhà trong đêm sinh nhật. Tại sao Tín không chịu mời những cô gái nhan sắc khiêm nhường để tôi bớt tủi thân hơn khi có mặt. Điều này chỉ có trời mới biết được, hay chẳng qua với Tín tôi chỉ đơn thuần là cô bạn láng giềng nhỏ nhoi tội nghiệp. Tôi được mời hay không thì sau đó cũng là khoảng đêm dài lửng thửng leo lên sân thượng, để được lén nhìn sang nhà chàng. Tín và tiếng đàn giả dối và những nụ cười lả lơi bỏ lại sau lưng của những đứa con gái rực rỡ kiêu sa. Tôi đã giận mình kinh khủng, vì không dưng lại đâm buồn muốn khóc bởi giọng hát cùng tiếng đàn của chàng vọng qua. Người “gian ác” như thế, vô tình như thế, làm sao lại có thể hát và gảy được những âm giai sướt mướt đến kỳ lạ.

Không hiểu sao dạo đó tôi vẫn thường bám víu vào những ý nghĩ “không giống ai”. Tôi nuôi ảo tưởng kỳ cục là một ngày nào đó mình sẽ đột  nhiên “lột xác” để xinh đẹp như những cô gái đêm sinh nhật chàng. Hoặc nếu không, tôi cũng học được phù phép của bà phù thủy nào đó để yểm bùa yêu lên chàng. Thật ra tất cả mọi cách tôi dùng để nghĩ về chàng, chỉ cốt thỏa mãn những ám ảnh u mê hoặc những mặc cảm đớn đau. Tôi cứ tưởng “giá như thế này, giá như thế kia” để được chàng yêu, nhưng biết đâu mọi giả thuyết chỉ do óc tưởng tượng của tôi tự bày đặt. Thế mới biết mãnh lực của sự tàn bạo và tàn nhẫn vẫn luôn nằm trong hai chữ “giá mà…”.

Bao năn nay tôi vẫn không thể yêu nổi đàn ông, chỉ vì đã không thể đập tan những ám ảnh nuối tiếc “giá mà” ấy. Có phải tôi trở về đây để đi tìm sự kết thúc của những giả thuyết ấy?

Tôi quay sang vờ ôm chị Trân, nhưng kỳ thực là để tránh những giọt xanh xanh mơ màng hắt ra từ ánh trăng nhà ai. Những giọt trăng vẫn luôn làm cái nhìn trong tôi nhức nhối. “Cái ông nhà ấy ai mà quên được hả chị. Em vẫn nhớ Tín chứ. Bây giờ Tín ra sao chị biết không”.

Đoán chừng có điều gì không ổn trong giọng nói của tôi, nhưng đời đời chị Trân không thể nào ngờ được là tôi đã yêu Tín đến thế. “Nghe nói chú ấy đi buôn ở xa lâu lâu mới ghé về nhà thăm vợ thăm con một lần. Ai đời lấy vợ xong lại đi mất đất như thế. May mà bà mẹ Tín cũng không đến nỗi khắc nghiệt với cô con dâu, nên coi bộ họ ở với nhau yên thắm”, chị Trân vừa nói vừa chồm dậy như muốn nhìn sâu vào mắt tôi tìm phản ứng. Đột nhiên tôi nghe tiếng mình thở dài, giọng nói đã vướng vít một nỗi gì xót xa. Hình như tôi vừa nhớ đến nét cười luôn luôn băng giá trên môi Tín ngày xưa. “Vậy sao. Coi vậy chứ ai rồi cũng có vợ có chồng cả. Chỉ có em là chẳng bao giờ còn muốn lấy ai”. Chị Trân bỗng bò lăn ra cười: “Em rõ thật văn minh. Cứ buồn buồn ở hết người này đến người khác, riết hồi đâm chán thì còn muốn lấy ai nữa chứ”.

Có thật là như thế không. Tôi nhắm mắt lại bất thần với cơn váng vất buồn ngủ: “Chỉ có chị là đáng được tặng cái khánh vàng tiết hạnh khả phong. Em phục cái người nữ tu trong chị”. Chị Trân ngáp dài, không cần che miệng: “Thôi đi em ơi, khánh vàng khánh bạc thì cũng chẳng ăn được. Đói meo và khô khốc thế này, em không thấy sao?”.

Trăng ngoài ô cửa vẫn xanh xao cô lẻ. Chị Trân chẳng bao giờ hiểu được tại sao tôi lại hư hỏng như thế. Tôi cũng không bao giờ hiểu được tại sao mình không thể yêu đại một người nào khác.

Ngày hôm sau, tôi nhất định đi tìm Tín để hỏi cho ra lẽ. Ý nghĩ chàng không có mặt trong thành phố đầy nắng và cát biển này làm tôi quay quắt. Gặp Tín biết đâu rồi tôi cũng chỉ ú ớ nói không nên lời, nhưng không gặp thì tôi không thể đòi được món nợ mà chàng vô tình mắc thiếu.

Tôi dành trọn buổi sáng dẫn mấy đứa cháu cùng bà chị xuống phố và ăn uống lòng vòng. Dù sao tôi cũng không có nhiều thời giờ ở nơi đây. Bạn bè rồi sẽ tính sau. Lâu không gặp không liên lạc, tôi vẫn ngại rằng gặp lại chắc ngượng nghịu biết mấy.

Cháu tôi cứ luôn miệng nhanh nhảu: “Để cháu trả giá cho. Người ta mà nhìn thấy cô đi mua hàng là thể nào cũng chém giá lên trời. Họ tinh lắm cô, thấy dáng điệu của cô là ngửi thấy mùi… đô la liền hà”. Tôi nhướng mày: “Dân ở đây cũng chịu chi và sang quá trời, làm sao mà nhận ra được cô là người ở nước ngoài mới về chứ”. Chị tôi cười cười: “Nhìn da mặt tươi tốt hồng hào của em là biết liền hà”. Tôi nói đùa: “Chắc em phải tắm xà bông Cô Ba cho nhiều, không thì họ ngửi thấy mùi xà bông Dove há”. Chị tôi lại buông một câu xanh dờn: “Không phải vậy đâu, nhìn một vài phong cách gì đó của em là họ cũng nhận ra ngay à”. Mặt tôi xịu xuống trong một hờn giận vô cớ: “Phong cách gì chứ. Chẳng lẽ lại có phong cách của một người khách trở về một nơi mà hắn đã sinh ra, lớn lên và đã quá thân quen?”. Giọng chị tôi chùng xuống, trầm buồn: “Bộ em không thấy là phải thú nhận với chính mình rằng đã khó lòng an ổn trong một nơi vốn dĩ thân yêu sao? Đêm qua ngủ lại trên chiếc giường cũ mà em cứ quậy hoài đó thôi”. Tôi định nói một câu gì đó, nhưng rồi lại cười giả lả, khỏa lấp: “Nói chi thì nói, về lại đây tha hồ ăn trái cây thật đã, lại rẻ không thể tưởng tượng được”.

Chiều đến, tôi lấy cớ cần đi thăm một vài đứa bạn thân để ra khỏi nhà. Trước khi về lại đây, tôi tình cờ được biết Uy, em trai Tín hiện đang làm chủ một sạp bánh kẹo ở chợ Xóm Mới. Đời sống khá sung túc nhờ lập gia đình với con gái của một thương gia người Hoa giàu có. Bạn của Uy còn phao rất nhiều tin thất thiệt về Tín, nhưng với tôi bao giờ Tín cũng là cái nút thắt khó mở. Hai mươi năm rồi biết bao nhiêu chuyện đổi thay, thay đổi. Tôi làm sao có thể tin hoặc không tin điều gì đã xảy đến cho con người lừng khừng ấy. Thời gian lẫn đời sống đã nghiền nát chàng ra trăm mảnh như thế sao?

Cả tôi bây gờ cũng là một kẻ hết sức xa lạ với chính mình. Buổi sáng ngắm nghía mình trong gương, tôi bắt gặp một khuôn mặt lạ lẫm. Mọi người nhìn tôi như kẻ lạ. Bao nhiêu năm xa nhà, có phải đã khiến tôi trở thành người khách trong con phố xưa? Ra đường tôi mang chiếc mặt nạ đãi bôi man trá, để rồi giấu trong lòng một nỗi thành thật nhạt nhẽo. Tại sao lại phải như thế nhỉ, những xung đột của hai con người trong mỗi một chúng ta.

Tôi vùa đi vừa nghĩ ngợi lan man, nên con đường dẫn tới khu chợ như thu ngắn lại, Uy có vẻ sửng sốt khi gặp tôi. Còn tôi lại phải giả vờ như tình cờ gặp Uy. Chúng tôi nói đủ mọi chuyện trên trời dưới dất, mà tôi vẫn cứ ngài ngại chưa dám hỏi thăm Tín. Bất ngờ vợ Uy hỏi tôi: “Nghe nói chị là bạn cũ của anh Tín, vậy chị về đây đã qua thăm gia đình họ chưa. Vợ anh Tín hiền thấy mồ nên anh ấy hư… người ra…”. Tôi cố tỉnh bơ: “Ờ… ờ… thể nào cũng phải ghé thăm ông bạn hàng xóm năm xưa một chút chứ. Mà sao em có vẻ không ưa ông Tín vậy. Bộ họ không hạnh phúc?”.

Vợ Uy quay nhìn chồng như dò hỏi một chút rồi sẵn đà kể hết cho tôi nghe về Tín. Tín đang ở chỗ mới với cô nhân tình trẻ. Tôi lẳng lặng làm như không mấy quan tâm, nhưng bên trong tôi đau như bị kim đâm. Biết được lờ mờ địa chỉ mới của Tín, tôi mừng là chàng vẫn đang thở cùng tôi chút nắng ấm của phố biển. Chàng vẫn ở đâu đó trong thành phố nhỏ bé này, và đang uống cùng tôi một màu trời nhàn nhạt cuối năm thật sao? Vậy mà cũng đâu dễ gì gặp nhau!

Đêm Nha Trang bắt đầu mát dịu, nhờ lúc nãy trời đang nắng bỗng nhì nhằng mưa. Mưa cãi cọ rào rào một hồi trên mái nhà, máng xối, làm tôi như bị chao chọng đi mấy lần trước hiên nhà ai. Đã lâu lắm tôi mới được tắm đẫm trong hơi mưa như thế.

Tôi gọi một chiếc xích lô để đến nhà Tín, nhưng giữa đường cứ đòi chạy lung tung như một con điên. Biết đâu lúc này tôi đang tỉnh táo nhất, mà lại muốn đi tìm một con điên ngày xưa.

Bác xích lô vẫn luôn miệng hỏi tới hỏi lui là tôi muốn đi tìm ai. Cuối cùng tôi đành thú nhận một địa chỉ không rõ. Ai dè nỗi tình cờ lại có mặt đúng lúc. Bác ấy bảo, giọng mừng rơn: “Tưởng ai chứ chú Tín ở Xóm Củi đó tôi biết. Lâu lâu tôi vẫn chở vợ chú Tín từ vũ trường về. Nhà ở trong hẻm đối với người lạ thì có hơi khó tìm một chút, nhưng người mình được cái hỏi đầu làng cuối xóm thế nào rồi cũng ra”. Tôi hơi run, lòng chùng xuống không đâu. Bánh xe cứ xóc lên xóc xuống trên mặt đường làm tôi chóng mặt, nói vòng vo: “Bác ơi, hay là để hôm khác vậy. Cháu muốn thăm cả vợ chồng họ, nhưng chắc giờ này chỉ có một mình ông chồng ở nhà”. Bác phu xe dĩ nhiên  muốn lấy điểm tối đa với người khách hàng chắc chắn rất “xộp” này: “Không sao đâu. Cô cứ vào cho biết nhà đã, người ở xa mới về lặn lội đến thăm bất ngời như thế này mới hay”.

Quả tình là hay thật. Buổi tối người đàn bà đi vắng. Thời gian như đồng lõa với những cơn mê trong tôi bừng bừng trở về.

Nghe tiếng gõ, Tín ló đầu ra ngoài cửa hệt như giấc chiêm bao. Tay chàng cầm cái máy điện thoại nhỏ, kiểu di động và hình như đang nói chuyện nửa chừng với ai đó. Tín nói khẽ khàng như muôn đời không tài nào nghĩ và nhận ra sự có mặt của tôi: “Cô chờ tôi chút xíu nhé, tôi sẽ ra ngay”.

Đứng chôn chân một chỗ, tôi bỗng muốn làm bất cứ cách gì để chàng tiếp tục không nhận ra tôi. Qua cánh cửa khép hờ, tôi nghe rõ giọng của người xưa “kinh dị” vọng ra: “Ông chủ phải để tôi tắm rửa sạch sẽ đã chứ. Mới về tới nhà chưa kịp thở lại giựt giọng thế này. Khách bị mất vú, mất ngực, không cần biết bị ung thư phải cắt bỏ hay gì gì cả, ông chủ phải tính thêm tiền, tôi mới chịu “đi” à nha”.

Trời ơi, không lẽ…

Không lẽ Tín bây giờ làm nghề “đi khách”. Ai ngờ chính dáng vẻ cao ráo đẹp trai của chàng xưa kia đã “tai hại” như thế. Giá Tín xấu đi, xấu đi như Trương Chi, liệu chàng có hành nghề đĩ đực được không.

Trương Chi và tiếng hát. Ờ nhỉ, tại sao Tín không thể kiếm ăn bằng tiếng hát đã làm lịm hồn tôi thuở ấy. Điều gì đã thúc đẩy chàng biến thành một người khác, hoàn toàn khác như thế. Hoàn cảnh, thời thế đã kéo chàng tuột dốc vậy sao.

Và bây giờ chẳng lẽ chỉ cần bỏ ra vài chục đô là tôi có thể có chàng trong tay như một tên nô lệ của nhục cảm?

Vợ chàng hay cô tình nhân hờ này sẽ không có quyền ghen và chàng mặc nhiên là của tôi trong một khoảnh khắc tồi tệ nào đó. Tôi buông thõng chiếc ví tay vốn được đề phòng giữ chặt hơn nơi đây. Tiếng kêu khô, gọn làm tôi ước ao tất cả rồi cũng một lần sẽ được rớt rơi như vậy. Tôi đi nhanh hơn lúc tìm đến gõ cửa. Chậm một tí nữa chắc tôi lại kiên nhẫn chờ Tín trở ra để thảng thốt ôm chàng, tội nghiệp chàng, tội nghiệp mình và khóc trên vai nhau. Rồi cánh cửa nhà chàng sẽ khép lại gấp gáp, gạt hết đời sống và cái hẹn “vỗ về” một bà khách rửng mỡ nào đó, cho hai bờ môi sẽ cúi xuống dồn dập và trời đất vỡ vụn như sao rơi…

Bây giờ tôi đang xoay lưng lại phía Tín và tiếng gọi của chàng dồn đuổi theo tôi tận ngõ. “Cô… cô kiếm tôi có chuyện gì mà đêm tối vậy”…

Bóng trăng xuyên hờ hững qua tàn lá râm. Tôi líu quíu, không thể bước nhanh hơn. Ý nghĩ hay là mình cứ nghịch ngợm đùa bỡn với Tín làm tôi đâm nhẹ nhõm. Và như thế, biết đâu từ đây tôi sẽ không còn đau khổ nữa. Tín phải trả lại cho tôi món nợ ấm ớ vô tình ngày nào. “Thôi nếu anh bận thì tôi đi kiếm chỗ khác chơi vậy”. Tôi vờ vịt.

Tin đi như chạy, đứng hẳn trước mặt tôi chặn lại: “Xin lỗi… Cô đừng giận. Tôi lỡ bận nói chuyện để cô chờ. Có gì thì cô cứ nói đi, không chừng tôi sẽ bỏ luôn cuộc hẹn kia cũng nên. Coi như bắt đền cô vậy”.

Cuối cùng rồi Tín cũng bàng hoàng nhận ra tôi. Đứng trước mặt Tín, hình như tôi khó lòng đùa dai. Bao giờ tôi cũng bị chàng tước mất dễ dàng mọi thứ khí giới tự vệ.

Đêm, Tín đưa tôi ra thăm biển. Dọc theo những hàng cây thẳng tắp, dường như phố thị có vẻ kiêu sa hơn trong những chiếc áo lấp lánh dạ hội. Đèn đuốc, xe cộ, thiên hạ tưng bừng, lộng lẫy…

Tôi vẫn yêu biển đêm vô cùng, nhất là nếu được ngồi im nghe sóng vỗ hoặc nhịp thở của tình nhân kề cạnh. Tín đó, vẫn đôi mắt chết người nửa như lơ đãng nửa như gọi mời khoảng không trước mặt.

“Em thấy biển Nha Trang bây giờ ra sao?”.

Tôi nhắm mắt lại, tưởng chừng mình đang rớt tủm xuống một hố sâu thầm kín nào đó của ký ức:

“Vẫn đẹp. Vẫn quyến rũ như xưa”.

Tín cười, nét cười hình như đã bớt băng giá như năm xưa:

“Vậy sao? Còn em thì hình như đẹp và lạ hơn xưa nhiều lắm… làm anh mất hồn”.

Tôi cay đắng không đâu:

“Vâng, em bây giờ đã lớn. Đã già… Chẳng lẽ cứ khờ khạo ngu ngơ để bị đời ăn hiếp?”.

Tín nhíu mày:

“Em chua chát làm gì vậy”.

Tín vừa nói vừa nhích sát gần tôi hơn. Hình như dạo này chàng có vẻ lẳng hơn xưa. Thói quen nghề nghiệp chăng?

“Gặp lại em, anh mừng lắm. Tha hồ gợi nhớ lại những ngảy còn trẻ”.

Tôi trả lời thật nhẹ nhưng đau:

“Ờ nhỉ, ngày đó… anh ác lắm. Lúc xưa anh có vẻ… “sợ” em vì em không được đẹp. Còn bây giờ anh lại “sợ” em vì em đẹp quá. Nhan sắc đúng là ghê gớm thật”.

Tín nắm nhanh lấy tay tôi. Chàng bóp nhẹ rồi đánh trống lảng:

“Lại trách nữa. Tay em lạnh như nước đá rồi đây nè. Tay lạnh thì tim ấm nồng nàn phải không?”.

Tôi cười nhẹ, đột nhiên thấy mình như muốn bị cuốn trôi trong dòng thác lũ thời con gái:

“Không, em đâu dám trách anh. Em chỉ ghét mình sao mà yếu đuối, sao mà dại khờ…”.

Tín mở hai mắt lớn nhìn tôi rồi bỗng chớp nhẹ, da diết:

“Tình yêu là một điều gì thật khó hiểu. Anh cũng như em suốt đời chẳng bao giờ được toại nguyện. Có  điều nếu ngày đó anh chọn em thì cuộc đời anh chắc chắn bây giờ đã khác. Em không biết là bây giờ anh đã tuột dốc một cách thê thảm hay sao?”.

Tôi gật đầu, xót xa:

“Em biết, em biết chứ. Em cũng biết tình yêu chứ đâu phải là một món hàng mà chọn với lựa. Và em cũng đang tự hỏi tạo sao anh bỗng dưng như thế”.

Tiếng Tín thở dài làm những ngọn gió quanh tôi cơ hồ như se mình lại. Trên cao những vì sao vẫn thăm thẳm đẹp. Xa xa những con sóng vẫn  chập chùng thao thức chưa ngủ. Bất thình lình Tín đưa tay chỉ ra biển hét lớn: “Ồ… sao băng…”.  Tôi chỉ kịp nhìn thấy một đường sáng mỏng manh xẹt ngang chân trời và trầm mình thật nhanh xuống biển, theo sau là một chấm mờ như cái hắt hơi rất khẽ của khói sương. Tôi kêu lên: “Đẹp, nhưng em chưa kịp ước gì nó đã tan mất vào đêm”.

Tín được dịp phá lên cười:

“Nhảm nhí, chỉ là một vì sao băng… hà thôi mà. Một sự xuất hiện ngắn ngủi và ra đi thật diễm tuyệt. Còn anh giá làm được cú “bye bye” như thế thì trần gian này đỡ chật thêm một người. Nhưng mà mình chia tay nhau coi vậy mà dễ, chứ chia tay cuộc đời không dễ đâu à nha, dù cuộc đời như chó chết”.

Không dưng Tín bỗng nổi nóng bất tử nên tôi không muốn đá động thêm những “thương tích” trong đời sống chàng. Tuy nhiên sau đó. Tín bỗng nằm xuống kê hai tay sau gáy, ngước mặt nhìn trời và bắt đầu kể lể. Giọng chàng lúc mơ màng, lúc khẩn thiết như lời thì thầm của sóng trên cát ấm.

Tín nói về sự đổ vỡ của chàng và người vợ có cưới hỏi đàng hoàng. Kiều Nhiên vốn là hoa khôi nổi tiếng cùng một trường với tôi. Tín thú thật là mê nàng chỉ vì nàng đẹp, thế thôi. Sau chỉ vài tháng sống chung, Tín nhận ra ngay Kiều Nhiên đúng là con búp bê chỉ đẹp ở trong tủ kính. Tín không thể yêu được người đàn bà vô cảm, thiếu chiều sâu tâm hồn ấy. Rồi chẳng biết thế quái nào Tín gặp Thùy và yêu nàng trong những ngày lêu lỏng rong chơi. Thùy có nhan sắc, có cả tâm hồn nhưng nàng lại thứ đàn bà không ra gì. Thùy thuộc thành phần gái làng chơi thứ sang, sẵn sàng nhảy từ vai vũ nữ sang vai gái bao cho những khách xộp. Thoạt đầu Tín đi theo Thùy như một tên ma cô bảo vệ người đẹp, nhưng dần dần Tín biến thành một món hàng lúc nào không hay. Hoàn cảnh, đời sống, vật chất, mối liên hệ tình hờ giữa chàng và Thùy khiến một ngày nọ Tín đâm ra muốn thử lửa. Chàng bảo với Thùy: “Anh cũng thử làm như em để xem ngủ với khách hàng khác ngủ với vợ mình ra sao. Vả lại chúng ta chơi cùng một nghề như nhau sẽ không có vụ ai ghen ai cả. Đơn giản thế thôi.”

Hóa ra  chỉ Thùy mới có thể cứu vớt nổi Tín, nhưng nàng đã nhắm mắt lại để cùng dẫn dắt Tín bước vào ngõ cụt này.

Đột nhiên Tín ngừng kể, ngồi dậy nhìn sâu vào mắt tôi:

“Em có khinh anh không? Cuộc đời như thế thì đủ biết trần gian này chẳng bao giờ có tình yêu đâu em”.

Tôi nghe tiếng mình trôi êm trong gió:

“Vậy tình yêu ở đâu? Ở đâu mà em phải tìm về đây để kiếm anh, để hỏi một lần cho rõ tại sao và tại sao…”.

Tín không trả lời, nhẹ nhàng ôm lấy tôi. Trong bàng hoàng mê muội, tôi nghe chừng trời đất bỗng muốn vỡ tan ra theo những phún nham thạch ảo tưởng. Tín cúi xuống, cúi xuống trên bờ môi đã khao khát ngàn năm. Môi Tín chạm vào môi tôi thiết tha, và Tín ghì tôi xuống vùng cát ấm. Đêm trăng biển huyễn mộng, sao chừng như trong tôi vẫn còn nghẹn ngào sửng sốt.

Tôi đẩy Tín ra và hình như không thể nào làm khác được:

“Tình yêu chẳng lẽ chỉ ở trong môi hôn. Khi anh hôn em, làm sao em biết được có phải nụ hôn ấy bây giờ đã quá điêu luyện vì nghề nghiệp hay không”.

Tín nhìn tôi và chỉ nhìn tôi thôi. Chưa bao giờ tôi bắt gặp Tín nhìn tôi say đắm, gần gũi như thế.

Điều này càng thôi thúc tôi đứng dậy, vừa đi vừa ôm lấy ngực như sợ rằng hình bóng Tín trong tim xưa vụt mất.

Đêm, trời bỗng nổi gió lao xao rồi thốc mạnh. Tôi bắt đầu sợ những đợt sóng thần bất ngờ nào đó sẽ xoáy về đây, vô tình cuốn phăng của tôi những di tích huyền mộng ngày cũ.

Đêm vẫn chưa phai…

 

 

Comments are closed.