VẤN ĐỀ THỂ LOẠI LỜI NÓI

M.M.Bakhtin

Lã Nguyên dịch

L_ NguyˆnVấn đề thể loại lời nói hoàn thành vào năm 1952 – 1953 tại Saransk, là tiểu luận khởi đầu của một công trình chưa được thực hiện. Các nguồn tư liệu về tiểu sử M.M.Bakhtin (1895 – 1975) cho biết, công trình chưa được thực hiện này là Các thể loại lời nói, một cuốn sách ông dự định sẽ viết vào những năm 1950 – 1970. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, trong nhiều tiểu luận, chuyên luận, M.Bakhtin đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề thể loại lời nói. Trong cuốn Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ (L.,1927), Bakhtin đã vạch ra kế hoạch nghiên cứu “các thể loại phát biểu bằng lời trong đời sống và trong sáng tác tư tưởng hệ” và “xuất phát từ đó, xem xét lại các hình thức ngôn ngữ trong kiến giải của ngôn ngữ học thông thường”, đồng thời, ông còn mô tả vắn tắt “các thể loại sinh hoạt” của giao tiếp lời nói. M.Bakhtin là người đầu tiên đề xướng quan niệm, theo đó các thể loại văn học nghệ thuật cần được nghiên cứu trong cùng một dẫy với các thể loại lời nói,bắt đầu từ những lời đối đáp chỉ có một tiếng cho tới những cuốn tiểu thuyết nhiều tập. Bởi theo ông, phạm trù thể loại lời nói có ý nghĩa vô cùng to lớn trong lịch sử văn học và văn hoá. Nó là thực tiễn giao tiếp của con người, là “đại diện của ký ức sáng tạo”, là nhân vật truyền tải “những khuynh hướng phát triển “đời đời”, bền vững của văn học”.

Tạp chí Học văn, năm 1978, số 1 (tr.200-219) công bố một số phiến đoạn của Vấn đề thể loại lời nói. Toàn văn công trình này lần đầu tiên được xuất bản trong cuốn Mỹ học sáng tạo ngôn từ (M.,1979). Trong M.M.Bakhtin.- Toàn tập, Vấn đề thể loại lời nói được in ở Tập V (M.,1996), phần tập hợp những công trình của M.Bakhtin thuộc giai đoạn 1940 – 1960. Chúng tôi chọn văn bản từ nguồn này để dịch ra tiếng Việt, vì ở đây, ngoài chú thích của tác giả, còn có phần bình chú của L.A.Gogotisvili, và tin rằng, chính phần bình chú này sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu tư tưởng của M.Bakhtin thuận tiện và sâu sắc hơn.

L.N

I. ĐẶT VẤN ĐỀ VÀ ĐỊNH NGHĨA VỀ THỂ LOẠI LỜI NÓI

Tất cả các lĩnh vực hoạt động đa dạng của con người đều gắn với việc sử dụng ngôn ngữ. Rõ ràng, đặc điểm và các hình thức sử dụng ấy cũng đa dạng giống như những lĩnh vực hoạt động của con người và, tất nhiên, nó không mâu thuẫn với sự thống nhất mang tính toàn dân của ngôn ngữ[1]. Việc sử dụng ngôn ngữ được thực hiện qua hình thức phát ngôn (bằng lời nói hoặc văn viết) cụ thể, đơn nhất[2] của những đối tượng tham gia vào lĩnh vực hoạt động này, hay lĩnh vực hoạt động khác của con người. Những phát ngôn ấy phản ánh hoàn cảnh đặc thù và mục đích của từng lĩnh vực không chỉ ở nội dung (chủ đề) và phong cách ngôn ngữ, tức là ở sự lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ như từ vựng, từ pháp, cú pháp, mà còn ở cách tổ chức kết cấu của nó. Ba bình diện ấy – nội dung chủ đề, phong cách và tổ chức kết cấu – gắn bó chặt chẽ trong một chỉnh thể[3] phát ngôn và bị những đặc điểm của một phạm vi giao tiếp cụ thể chế định như nhau. Từng phát ngôn cụ thể, dĩ nhiên, mang tính cá thể, nhưng mỗi phạm vi sử dụng ngôn ngữ lại sáng tạo ra những loại hình phát ngôn tương đối bền vững mà chúng tôi gọi là thể loại lời nói[4].

Sự phong phú và đa dạng của các thể loại lời nói là vô cùng, vô tận, vì rằng khả năng hoạt động đa dạng của con người cũng vô tận, và vì rằng ở mỗi phạm vi hoạt động có cả một kho các thể lời nói không ngừng được tách ra và phát triển cùng với sự phát triển và sự phức phạp hoá của lĩnh vực ấy. Cần đặc biệt nhấn mạnh tính đa dạng tột độ của thể loại lời nói (khẩu ngữ và văn viết). Thực ra, chúng ta phải xếp vào cái kho thể loại lời nói cả những lời đối đáp ngắn trong đối thoại sinh hoạt thường nhật (mà các dạng của đối thoại sinh hoạt thì cực kỳ đa dạng, tuỳ thuộc vào chủ đề, tình huống và thành phần của các nhân vật tham thoại), cả truyện kể sinh hoạt, cả thư tín (ở mọi hình thức khác nhau của nó), cả những khẩu lệnh quân sự quy phạm ngắn, cả những mệnh lệnh mở rộng và chi tiết hoá, cả một núi những văn bản sự vụ rất đa tạp (đa số, mang tính quy phạm), cả một vương quốc các phát biểu chính luận khác nhau (trong ý nghĩa rộng rãi của từ ấy: các phát biểu xã hội, chính trị); và chúng ta còn phải xếp vào đây các dạng khác nhau của những phát biểu khoa học và tất cả các thể văn học (từ một câu ngạn ngữ cho tới một tiểu thuyết nhiều tập). Có cảm giác, các thể loại lời nói đa dạng tới mức không thể nghiên cứu chúng trên một mặt bằng duy nhất, vì ở đây, trên cùng một mặt bằng nghiên cứu là những hiện tượng vô cùng khác biệt, ví như những lời đối đáp trong sinh hoạt chỉ có một từ và cuốn tiểu thuyết nghệ thuật nhiều tập, như khẩu lệnh quân sự quy phạm, buộc phải tuân thủ ngay ở giọng điệu của nó và tác phẩm trữ tình mang tính cá thể sâu sắc v.v… Sự đa dạng về phương diện chức năng khiến cho đặc điểm chung của các thể loại lời nói trở nên rất trừu tượng và mơ hồ. Có lẽ đó là lý do giải thích vì sao vấn đề thể loại lời nói chưa bao giờ được đặt ra một cách chính thức. Mới chỉ có các thể loại văn học được nghiên cứu nhiều nhất. Nhưng từ thời cổ đại tới bây giờ, chúng chỉ được nghiên cứu trong phạm vi đặc trưng văn học – nghệ thuật, trong sự khác biệt giữa chúng với nhau (trong phạm vi văn học), chứ không được nghiên cứu như những loại hình phát ngôn cụ thể, những loại hình khác nhau nhưng cùng có chung một bản chất lời nói (ngôn ngữ). Vấn đề phát ngôn từ bình diện ngôn ngữ học phổ quát và các loại hình của nó dường như chưa được xem xét[5]. Ngay từ thời cổ đại, bản thân các thể tu từ đã được nghiên cứu (lại nữa, các thời đại sau này bổ sung chẳng được là bao cho lý luận thời cổ đại); ở đây, người ta đã chú ý tới bản chất lời nói của các thể loại ấy như là những phát ngôn và chú ý tới các bình diện, ví như quan hệ với người nghe và ảnh hưởng của người nghe tới phát ngôn, hoặc tính hoàn kết của phát ngôn bằng lời nói đặc thù (khác với tính hoàn kết của tư tưởng) v.v… Nhưng ngay cả ở đây, đặc trưng của các thể tu từ (tư pháp, chính trị) vẫn làm mờ bản chất ngôn ngữ chung của chúng. Cuối cùng, ngay cả các thể của lời sinh hoạt (chủ yếu là lời đối đáp trong đối thoại sinh hoạt) cũng đã được nghiên cứu, chẳng những thế, đúng là chúng được nghiên cứu từ quan điểm ngôn ngữ học phổ quát (trong trường phái Saussure[6], ở các môn đệ hiện đại của ông là các nhà cấu trúc luận[7], các nhà hành vi học Mỹ[8], và, trên một nền tảng ngôn ngữ học hoàn toàn khác, ở các môn đệ của trường phái Vossler[9]). Nhưng việc nghiên cứu này không giúp xác định đúng đắn bản chất ngôn ngữ chung của phát ngôn, vì nó chỉ dừng lại ở đặc trưng của lời sinh hoạt khẩu ngữ, chỉ đôi khi mới chú ý tới những phát ngôn thô sơ một cách cố ý (các môn đệ của behaviorisme Mỹ).

Không nên coi thường sự khác biệt sâu sắc giữa các thể loại lời nói và cùng với nó là những khó khăn trong việc xác định bản chất chung của phát ngôn. Điều đặc biệt quan trọng ở đây là phải chú ý tới sự khác biệt cơ bản giữa các thể loại lời nói gốc (đơn giản) và các thể loại lời nói thứ sinh (phức tạp). Đó không phải là sự khác biệt về chức năng. Các thể loại lời nói thứ sinh (phức tạp) – tiểu thuyết, kịch, các công trình nghiên cứu khoa học thuộc đủ loại, các thể văn chính luận dài hơi – ra đời trong những điều kiện giao tiếp văn hoá phức tạp hơn, ở thời kỳ có tổ chức và phát triển cao hơn (chủ yếu là các thể loại văn viết), như giao tiếp nghệ thuật, khoa học, chính trị – xã hội…Trong quá trình hình thành, chúng hấp thụ và nhào nặn lại các thể rất khác nhau của loại lời nói gốc (đơn giản) vốn được ra đời trong những điều kiện giao tiếp trực tiếp bằng lời. Khi đã trở thành một bộ phận của các thể loại lời nói phức tạp, các thể lời nói gốc tự biến đổi trong đó và có một đặc điểm đặc biệt: chúng đánh mất nối quan hệ trực tiếp với thực tại hiện thực và những phát ngôn lạ trong thực tế, chẳng hạn, lời thoại của đối thoại sinh hoạt và thư tín trong tiểu thuyết, trong khi giữ lại hình thức và ý nghĩa sinh hoạt trên bề mặt của nội dung tiểu thuyết, chúng chỉ có thể nhập vào thực tại hiện thực qua tiểu thuyết trong tính chỉnh thể của nó, tức nhập vào thực tại như một sự kiện của đời sống văn học nghệ thuật, chứ không phải sự kiện của đời sống thường nhật. Tiểu thuyết trong chỉnh thể của nó là một phát ngôn giống như lời đối đáp trong đối thoại sinh hoạt hoặc một lá thư của cá nhân (nó cùng có chung một bản chất với chúng), nhưng khác với chúng, đây là phát ngôn thứ sinh (phức tạp).

Sự khác biệt giữa các thể lời nói gốc với các thể lời nói thứ sinh (lời tư tưởng hệ) là hết sức to lớn và có tính nguyên tắc, nhưng chính vì thế mà bản chất của phát ngôn cần được khám phá và xác định bằng con đường phân tích cả dạng này lẫn dạng kia, phải làm được như thế, ta mới có thể đưa ra một định nghĩa phù hợp với bản chất sâu sắc và phức tạp của phát ngôn (và bao quát đủ những cạnh khía quan trọng nhất của nó); nhắm vào các thể loại lời nói gốc theo một định hướng phiến diện tất yếu sẽ dẫn tới việc dung tục hoá toàn bộ vấn đề (biểu hiện cực đoan của sự dung tục hoá chính là ngôn ngữ học mô tả). Bản thân mối quan hệ qua lại giữa các thể gốc với các thể thứ sinh và quá trình hình thành lịch sử của các thể thứ sinh chiếu rọi ánh sáng để ta nhận ra bản chất của lời phát ngôn (trước hết là với vấn đề phức tạp về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư tưởng hệ, thế giới quan).

Việc nghiên cứu bản chất của phát ngôn và sự đa dạng về hình thức thể loại của các phát ngôn trong những phạm vi hoạt động khác nhau của con người có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tất cả các lĩnh vực ngôn ngữ học và ngữ văn học. Quả là mỗi công trình nghiên cứu trên một chất liệu ngôn ngữ cụ thể – về lịch sử ngôn ngữ, về ngữ pháp quy phạm, về biên soạn từ điển các loại, về phong cách ngôn ngữ v.v…- tất yếu đều phải tiếp xúc với các phát ngôn cụ thể (viết và nói), những phát ngôn có quan hệ với nhiều lĩnh vực hoạt động và giao tiếp khác nhau của con người,- như các pho biên niên sử, các khế ước, hợp đồng, các văn bản pháp luật, các tài liệu hành chính này khác, các thể loại văn học, khoa học và chính luận khác nhau, các thư tín quan phương và cá nhân, các lời thoại trong đối thoại sinh hoạt (trong mọi biến thể đa dạng của nó) v.v…, – các nhà nghiên cứu chắt lọc từ đó những dữ liệu ngôn ngữ cần thiết cho họ. Chúng tôi nghĩ, điều thiết yếu với mọi khuynh hướng nghiên cứu là cần phải có một quan niệm rõ ràng về bản chất của phát ngôn nói chung và về đặc điểm của các loại hình phát ngôn khác nhau (thể loại gốc và thể loại thứ sinh), tức là đặc điểm các thể loại lời nói. Việc coi thường bản chất của phát ngôn và thái độ thờ ơ trước các đặc điểm của những biến thể lời nói trong mọi lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học sẽ dẫn tới chủ nghĩa hình thức và tính trừu tượng cực đoan, hạ thấp tính lịch sử của công trình nghiên cứu, làm suy yếu mối liên hệ của ngôn ngữ với đời sống. Đúng là ngôn ngữ nhập vào đời sống thông qua những phát ngôn cụ thể (hiện thực hoá nó), thông qua những phát ngôn cụ thể như thế, bản thân đời sống nhập vào ngôn ngữ. Phát ngôn là vấn đề đầu mối của mọi chuyện trọng yếu. Chúng ta sẽ thâm nhập vào một số lĩnh vực và một số vấn đề của ngôn ngữ học ở lát cắt này.

Trước hết, sẽ nói về phong cách học. Mọi phong cách đều gắn chặt với phát ngôn và các dạng thức điển hình của phát ngôn, tức là các thể loại lời nói[10]. Mọi phát ngôn – miệng và viết, thứ nhất và thứ sinh trong bất kỳ phạm vi nào của giao tiếp bằng lời – đều mang tính cá nhân và vì thế nó có thể phản ánh đặc điểm cá nhân của người nói (hoặc người viết), tức là có phong cách cá nhân. Nhưng không phải tất cả các thể loại đều tiện lợi như nhau cho việc phản ánh đặc điểm cá nhân của người nói trong ngôn ngữ phát ngôn, tức là cho việc biểu hiện phong cách cá nhân. Tiện lợi nhất vẫn là các thể văn học nghệ thuật: ở đây phong cách cá nhân tham gia trực tiếp vào chính nhiệm vụ phát ngôn, là một trong những mục đích chính yếu của nó (nhưng ngay trong phạm vi văn học nghệ thuật, các thể khác nhau cũng luôn tạo ra những khả năng khác nhau cho việc biểu hiện cá nhân trong ngôn ngữ và cho những phương diện khác nhau của cá nhân). Các thể lời nói bắt buộc phải có một hình thức quy phạm, ví như nhiều dạng tài liệu sự vụ, các mệnh lệnh quân sự, các tín hiệu bằng lời nói trong sản xuất v.v…, bao giờ cũng chứa đựng nhiều điều kiện thuận lợi nhất đối với việc phản ánh đặc điểm cá nhân trong ngôn ngữ. Những đặc điểm cá nhân được phản ánh ở đây chủ yếu là những phương diện nổi trên bề mặt gần như mang tính sinh học (và chủ yếu ở sự thực hiện bằng miệng các phát ngôn thuộc các dạng quy phạm nói trên). Ở phần lớn các thể loại lời nói (ngoài các thể văn học – nghệ thuật), phong cách cá nhân không can dự vào ý đồ phát ngôn, chẳng phải là mục đích của nó, mà, có thể nói, chỉ là hiện tượng phụ trợ của phát ngôn, là sản phẩm bổ sung của nó. Ở những thể loại khác nhau, các lớp và các bình diện khác nhau của con người cá nhân có thể bộc lộ, phong cách cá nhân có thể tồn tại trong các mối quan hệ tương hỗ khác nhau với ngôn ngữ toàn dân. Từ trong nền móng của nó, bản thân vấn đề tính toàn dân và tính cá thể trong ngôn ngữ là vấn đề phát ngôn (vì chỉ ở đó, chỉ trong phát ngôn, ngôn ngữ toàn dân mới được thể hiện dưới hình thức cá nhân). Bản thân định nghĩa phong cách nói chung và phong cách cá nhân nói riêng buộc phải nghiên cứu thật sâu sắc cả bản chất phát ngôn , lẫn sự đa dạng của các thể lời nói.

Mối liên hệ hữu cơ, chặt chẽ giữa phong cách với thể loại bộc lộ rõ ràng ngay ở vấn đề phong cách ngôn ngữ, hoặc phong cách chức năng[11]. Thực chất, phong cách ngôn ngữ hay phong cách chức năng chẳng phải là gì khác, mà chính là phong cách thể loại ở những lĩnh vực nào đó trong hoạt động và giao tiếp của con người. Trong mỗi lĩnh vực bao giờ cũng có những thể loại thường xuyên được sử dụng, vì chúng đáp ứng điều kiện đặc thù của lĩnh vực ấy, các thể loại này phù hợp với những phong cách cụ thể. Chức năng cụ thể (khoa học, kỹ thuật, chính luận, sự vụ, sinh hoạt) và hoàn cảnh cụ thể mang tính đặc thù đối với mỗi lĩnh vực giao tiếp lời nói sẽ sản sinh ra các thể loại cụ thể, tức là sản sinh ra các dạng phát ngôn cụ thể, tương đối bền vững về phương diện chủ đề, kết cấu và phong cách. Phong cách gắn chặt với những khối chủ đề cụ thể – điều này hết sức quan trọng – với những khối kết cấu: với những kiểu tổ chức chỉnh thể rõ ràng, những kiểu hoàn kết, những kiểu quan hệ giữa người nói với những người khác tham gia giao tiếp lời nói (với người nghe hoặc người đọc, hoặc đối thủ, với lời nói lạ v.v…). Phong cách nhập vào khối thể loại phát ngôn như một yếu tố của nó. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là phong cách ngôn ngữ không thể trở thành đối tượng nghiên cứu độc lập. Lĩnh vực nghiên cứu này, tức là phong cách học ngôn ngữ như một khoa học độc lập, vẫn cần thiết và có thể tồn tại. Nhưng muốn phát triển đúng hướng và có hiệu quả, lĩnh vực nghiên cứu này phải luôn tính tới bản chất thể loại của các phong cách ngôn ngữ và phải nghiên cứu sơ bộ các dạng khác nhau của thể loại lời nói. Cho đến nay, phong cách học ngôn ngữ vẫn chưa có một nền tảng như vậy. Sự non kém của nó có nguồn cội ở đấy. Vẫn chưa có sự phân loại các phong cách ngôn ngữ được thừa nhận chung. Tác giả của những phương án phân loại thường vi phạm yêu cầu lô gíc cơ bản của sự phân loại – sự thống nhất của cơ sở phân loại. Sự phân loại còn vô cùng nghèo nàn và ít có sự phân hoá. Chẳng hạn, trong cuốn ngữ pháp tiếng Nga do Viện Hàn lâm xuất bản cách đây không lâu, thấy có các dạng phong cách ngôn ngữ như sau: lời sách vở, lời dân dã, lời trừu tượng – khoa học, lời khoa học – kỹ thuật, lời báo chí – chính luận, lời quan phương – sự vụ, lời sinh hoạt suồng sã, lời giản đơn thô tục[12]. Cùng với các phong cách ngôn ngữ ấy, còn có các từ địa phương, từ già cỗi, từ ngữ chuyên nghiệp hoạt động với tư cách là các biến thể phong cách. Cách phân loại phong cách như thế hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên và ở đây, chỗ dựa để phân chia các phong cách là những nguyên tắc (hoặc những cơ sở) khác nhau. Ngoài ra, cách phân loại này rất nghèo nàn và ít có sự phân hoá[13]. Toàn bộ điều này là kết quả trực tiếp của tình trạng thiếu hiểu biết đầy đủ về bản chất thể loại của các phong cách ngôn ngữ và thiếu một sự phân loại được cân nhắc kỹ lưỡng các thể loại lời nói theo phạm vi hoạt động của con người (với phong cách học, sự phân biệt các thể thứ nhất với các thể thứ sinh cũng quan trong như vậy).

Tách rời phong cách với thể loại sẽ rất bất lợi cho việc nghiên cứu hàng loạt vấn đề lịch sử. Những thay đổi lịch sử của các phong cách ngôn ngữ đều gắn với sự thay đổi của các thể loại lời nói. Ngôn ngữ văn học là một hệ thống năng động, đầy phức tạp của các phong cách ngôn ngữ; trọng lực riêng của chúng và mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau luôn ở trong trạng thái thay đổi liên tục. Loại ngôn ngữ văn học mà thành phần của nó bao gồm nhiều phong cách ngoài văn học còn phức tạp hơn nhiều và là một hệ thống được tổ chức theo những nguyên lý khác. Muốn phân tích tiến trình vận động lịch sử đầy phức tạp của những hệ thống ấy, để tiến từ miêu tả giản đơn (đa số các trường hợp là miêu tả trên bề mặt) đến lý giải nguyên nhân lịch sử của những thay đổi ấy cần có những công trình nghiên cứu chuyên biệt về lịch sử các thể lời nói (không chỉ nghiên cứu các thể phái sinh, mà còn phải nghiên cứu cả các thể lời nói thứ nhất), vì chúng phản ánh trực tiếp, nhạy bén và linh hoạt nhất tất cả những thay đổi diễn ra trong đời sống xã hội. Các phát ngôn và các loại hình của chúng, tức là các thể lời nói, là những sợi dây nối buộc dẫn từ lịch sử xã hội tới lịch sử ngôn ngữ. Không một hiện tượng mới nào (ngữ âm, từ vựng, cú pháp) có thể nhập vào hệ thống ngôn ngữ mà không phải trải qua một hành trình dài lâu, đầy phức tạp của cuộc thử thách và chọn lựa thể loại – phong cách[14].

Ở mỗi giai đoạn phát triển của văn học, thường nổi lên giọng điệu của những thể loại lời nói nào đó, chẳng những thế, không chỉ có các thể thứ sinh (văn học, chính luận, khoa học), mà còn cả các thể thứ nhất (những dạng cụ thể của đối thoại khẩu ngữ: phòng khách, suồng sã, nhóm, sinh hoạt – gia đình, chính trị – xã hội, triết học…). Mọi sự mở rộng ngôn ngữ văn học nhờ việc sử dụng các lớp ngôn ngữ dân gian khác nhau ngoài văn học đều gắn với sự thâm nhập ở mức độ nhiều hay ít của những thủ pháp thể loại tân kỳ được sử dụng để tổ chức chỉnh thể lời nói, tổ chức sự hoàn hoàn kết của nó, tính toán tới độc giả hoặc đối tác, … tức là những gì ít nhiều sẽ dẫn tới sự đổi mới và cải tổ đáng kể các thể lời nói, vào tất cả các thể loại ngôn ngữ văn học (văn học, khoa học, chính luận, hội thoại). Khi đã nhắm tới các lớp ngôn ngữ dân gian thích ứng ngoài văn học, tất yếu người ta sẽ nhắm tới những thể loại lời nói mà nhờ chúng các lớp ngôn ngữ ấy được hiện thực hoá. Trong đa số các trường hợp, đó thường là những dạng khác nhau của các thể đàm – đối thoại; từ đây, ở nhiều mức độ mạnh yếu khác nhau, các thể thứ sinh có xu hướng đối thoại hoá, kết cấu độc thoại của chúng sẽ yếu đi, người đọc có cảm giác mới, tựa như mình là đối tác – đàm nhân, xuất hiện các hình thức hoàn kết của cái chỉnh thể theo kiểu mới. Ở đâu có phong cách, ở đấy có thể loại. Sự di chuyển của phong cách từ thể loại này sang thể loại khác không chỉ làm thay đổi ý nghĩa của phong cách trong hoàn cảnh thể loại xa lạ với nó, mà còn phá vỡ, hoặc đổi mới thể loại ấy.

Bởi vậy, cả phong cách cá nhân lẫn phong cách ngôn ngữ đều đáp ứng các thể lời nói. Việc nghiên cứu sâu rộng hơn các thể lời nói là điều kiện rất cần thiết để nghiên cứu tất cả các vấn đề phong cách có hiệu quả.

Nhưng ngay cả vấn đề phương pháp luận phổ quát, mang tính nguyên tắc về mối quan hệ tương hỗ giữa từ vựng ngữ nghĩa và cú pháp, ở phía này, và phong cách học, từ phía khác, cũng phải dựa vào vấn đề phát ngôn và các thể lời nói.

Cú pháp (và từ vựng ngữ nghĩa) khác biệt về cơ bản so với phong cách học (nhiều thứ thậm chí còn đối lập với phong cách học của nó[15]), nhưng không có bất kỳ một công trình nghiên cứu cú pháp nào có thể bỏ qua việc khảo sát phong cách học. Trong hàng loạt trường hợp, ranh giới giữa cú pháp và phong cách học gần như bị xoá hẳn. Có những hiện tượng được các nhà nghiên cứu xếp vào lĩnh vực cú pháp, còn những hiện tượng khác được được xếp vào lĩnh vực phong cách học. Ngữ đoạn[16] là lĩnh vực như vậy.

Có thể nói, cú pháp học và phong cách học nhập lại và tách ra trong mọi hiện tượng ngôn ngữ cụ thể: nếu chỉ xem xét nó trong hệ thống ngôn ngữ, nó sẽ là hiện tượng cú pháp, nhưng nếu lại xem xét nó trong tổng thể của phát ngôn cá nhân hoặc thể loại lời nói, thì đó lại là hiện tượng phong cách. Bản thân sự lựa chọn một hình thức cú pháp cụ thể của người nói đã là một hành vi phong cách. Nhưng hai điểm nhìn như thế với cùng một hiện tượng không nên để tách biệt nhau, không nên thay thế lẫn nhau một cách máy móc, mà phải kết hợp một cách hữu cơ (về mặt phương pháp luận, phải phân biệt chúng một cách rạch ròi) trên cơ sở thống nhất thực tế của hiện tượng ngô ngữ. Phải hiểu biết sâu sắc bản chất phát ngôn và đặc điểm của các thể loại lời nói thì mới có thể đảm bảo sẽ giải quyết đúng đắn vấn đề có tính phương pháp luận phức tạp này.

Việc nghiên cứu bản chất của phát ngôn và các thể loại lời nói, như chúng tôi nghĩ, có ý nghĩa cốt yếu đối với việc khắc phục những quan điểm giản đơn về đời sống của lời nói, về cái vẫn được gọi là “dòng chảy ngôn từ”, về giao tiếp, những quan điểm vẫn đang tồn tại trong ngôn ngữ học của chúng ta. Ngoài ra, việc nghiên cứu phát ngôn như đơn vị thực tế của giao tiếp lời nói[17] nói sẽ cho phép hiểu một cách đúng đắn hơn bản chất của các đơn vị ngôn ngữ (như của hệ thống): từ và câu.

Chúng tôi sẽ chuyển qua vấn đề chung nhất này.

II. PHÁT NGÔN NHƯ ĐƠN VỊ GIAO TIẾP LỜI NÓI.

SỰ KHÁC NHAU GIỮA ĐƠN VỊ NÀY

VỚI CÁC ĐƠN VỊ NGÔN NGỮ (TỪ VÀ CÂU)

Ngôn ngữ học duy tâm thế kỷ XIX, bắt đầu từ W. Humboldt, tuy không phủ nhận chức năng giao tiếp của ngôn ngữ, nhưng đẩy nó xuống phía sau như một cái gì đó mang ý nghĩa bổ trợ, đồng thời đưa lên bình diện thứ nhất chức năng hình thành tư tưởng độc lập với giao tiếp. Công thứ nổi tiếng của Humboldt là thế này: “Tuyệt nhiên không đụng chạm tới nhu cầu thông tin giữa người với người, ngôn ngữ là điều kiện thiết yếu của tư duy đối với con người ngay cả trong trạng thái đơn độc vĩnh viễn của nó[18].

Những vị khác, ví như các môn đệ của trường phái Vossler lại đẩy lên bình diện thứ nhất cái được gọi là chức năng biểu cảm. Dẫu cá nhân các nhà lý luận có sự khác nhau trong cách hiểu về chức năng này, nhưng nhìn chung, họ đều quy bản chất của nó về sự biểu lộ thế giới cá nhân của người nói. Ngôn ngữ nẩy sinh từ nhu cầu bộc lộ bản thân, khách quan hoá bản thân của con người. Bản chất của ngôn ngữ, dưới hình thức này hay hình thức khác, theo đường này hay đường khác, đều được quy về sự sáng tạo tinh thần của cá nhân. Dựa vào nền tảng của ngôn ngữ học duy tâm, người ta đã và đang đề xuất một số phương án khác về các chức năng của ngôn ngữ, nhưng nét nổi bật vẫn là: nếu không coi thường hoàn toàn, thì cũng đánh giá thấp chức năng giao tiếp của ngôn ngữ. Ngôn ngữ được nghiên cứu từ giác độ của người nói, tựa như từ một người nói không có mối liên hệ thiết yếu với những người khác tham gia giao tiếp lời nói[19]. Nếu vai trò của người khác được tính tới, thì đó là vai trò của cái người nghe bao giờ cũng chỉ hiểu người nói một cách thụ động. Phát ngôn bao giờ cũng đáp ứng đầy đủ cho cả đối tượng của mình (tức là đáp ứng cho nội dung của tư tưởng được phát ngôn), lẫn bản thân người phát ngôn. Ngôn ngữ thực ra chỉ cần có người nói – một người nói – và đối tượng lời nói của anh ta, trong điều kiện ấy, nếu ngôn ngữ vẫn có thể hoạt động như một phương tiện giao tiếp, thì đó chỉ là chức năng thứ yếu, không đụng chạm gì tới bản chất của nó. Khi bàn về ngôn ngữ, cố nhiên không thể coi thường tập thể ngôn ngữ và cộng đồng người nói, nhưng khi xác định bản chất của ngôn ngữ, thì bình diện ấy lại không phải là bình diện thiết yếu, bình diện quyết định bản chất của ngôn ngữ. Đôi khi, tập thể ngôn ngữ được khảo sát như một nhân vật tập thể nào đó, kiểu như “tinh thần dân tộc” và người ta dành cho nó một ý nghĩa vô cùng to lớn (trong công trình của các vị đại diện cho trường phái “tâm lý học các dân tộc”[20]), nhưng ngay cả trong trường hợp này, cộng đồng những người nói, cộng đồng “những người khác” đối với từng người nói cụ thể cũng chẳng còn có ý nghĩa quan trọng gì.

Trong ngôn ngữ học tư sản cho đến nay vẫn tồn tại những câu chuyện hư cấu, như “người nghe” và “người hiểu” (các đối tác của “người nói”), “dòng lời nói thống nhất” v.v…. Những chuyện hư cấu ấy tạo ra quan niệm hoàn toàn sai lạc về quá trình phức tạp và nhiều mặt – năng động của giao tiếp lời nói. Các giáo trình ngôn ngữ học (ngay cả trong những giáo trình nghiêm túc, như giáo trình của Saussure[21]) cũng thường đưa ra hình ảnh sơ lược – trực quan của hai đối tác giao tiếp lời nói: người nói và người nghe (người tiếp nhận lời nói), đưa ra sơ đồ các quá trình chủ động của lời nói ở người nói và các quá trình thụ động tương ứng của việc tiếp nhận và thông hiểu lời nói ở người nghe. Không thể nói là những sơ đồ ấy mang tính giả tạo và không phù hợp với một số bình diện nào đó của hiện thực, nhưng khi được mạo nhận là chỉnh thể thực tế của giao tiếp lời nói, chúng sẽ trở thành sự huyễn tưởng khoa học. Thực ra, khi tiếp nhận và thông hiểu ý nghĩa (ngôn ngữ) của lời nói, người nghe luôn giữ vị thế hồi đáp chủ động đối với lời nói ấy: tán thành hay không tán thành (tán thành hoàn toàn, hay chỉ một một phần), bổ sung, vận dụng, sẵn sàng thực hiện nó v.v…, vị thế hồi đáp ấy của người nghe được hình thành trong suốt quá trình nghe và hiểu, ngay từ đầu, thậm chí, ngay từ lời đầu tiên của người nói. Mọi sự thông hiểu lời nói sống động, phát ngôn sống động đều chứa đựng đặc tính chủ động – hồi đáp (dù mức độ chủ động ấy rất khác nhau); mọi sự thấu hiểu đều đầy ắp câu trả lời và nó tất làm nẩy sinh lời đáp ở dạng thức này, hay dạng thức khác: người nghe hoá thành người nói (“sự trao đổi tư tưởng”). Thông hiểu thụ động lời nói được nghe chỉ là công đoạn trừu tượng của sự thông hiểu thực sự, toàn vẹn, mang tính chủ động – hồi đáp, một sự sự thông hiểu sẽ chuyển thành lời đáp kèm theo rất thật, vang lên sang sảng. Tất nhiên, lời đáp sang sảng theo sau một phát ngôn trực tiếp trả lời cho phát ngôn ấy không phải bao giờ cũng hiện diện: sự thông hiểu chủ động – hồi đáp cái được nghe (ví như các khẩu lệnh) có thể trực tiếp chuyển thành hành động (thực hiện cái được hiểu và được tiếp nhận dẫn tới việc làm tròn mệnh lệnh hay khẩu lệnh), nhưng cũng có thể, ở một lúc nào đó, nó chỉ chỉ dừng lại ở sự thông hiểu hồi đáp thầm lặng (một số thể loại lời nói cố ý chỉ nhắm tới một sự thông hiểu như vậy, ví như các thể trữ tình), tuy nhiên, có thể nói, đó là sự thông hiểu hồi đáp của hành động trì hoãn: sớm hay muộn, cái được nghe và được hiểu một cách chủ động sẽ được đáp lại ở những lời nói kèm theo, hoặc ở hành vi của người nghe. Trong đa số các trường hợp, các thể loại giao tiếp văn hoá phức tạp bao giờ cũng nhắm tới sự thông hiểu chủ động – hồi đáp của hành động trì hoãn như thế. Tất cả những gì tôi đang nói ở đây cũng liên quan tới sự biến đổi và bổ sung tương xứng vào lời nói được viết ra và được đọc.

Tóm lại, mọi sự thông hiểu toàn vẹn diễn ra trong thực tế đều mang tính chủ động – hồi đáp và nó không phải là gì khác, mà chính là giai đoạn chuẩn bị sơ bộ của một câu trả lời (bất luận là nó được thực hiện dưới hình thức nào). Và bản thân người nói bao giờ cũng nhắm tới một sự thông hiểu chủ động – hồi đáp như vậy: cái anh ta chờ đợi không phải là sự thông hiểu thụ động chỉ lặp lại ý nghĩ của anh ta trong đầu một người khác, mà là sự hồi đáp, sự tán thành, đồng cảm, phản đối, thực hiện v.v…(Những thể lời nói khác nhau đòi hỏi phải có những đích hướng, những ý đồ phát biểu khác nhau của người nói và người viết). Niềm mong muốn làm cho lời nói của mình được thông hiểu chỉ là một công đoạn nằm trong ý đồ phát ngôn cụ thể và toàn vẹn của người nói. Chẳng những thế, bản thân mỗi người nói, ở mức độ nhiều hay ít, đều là người trả lời: chính anh ta cũng không phải là người nói đầu tiên, lần đầu tiên phá vỡ sự im lặng vĩnh hằng của vũ trụ, và anh ta không chỉ giả định về sự hiện diện của hệ thống ngôn ngữ mà anh ta đang sử dụng, mà còn giả định về sự hiện diện của những phát ngôn nào đó có từ trước – phát ngôn của mình và của những người khác – mà phát ngôn này của anh ta khi tham gia vào các quan hệ này hay quan hệ khác đang nhắm tới (dựa vào chúng, tranh luận với chúng, hoặc chỉ đơn giản xác định rằng người nghe đã biết rõ về chúng). Mỗi phát ngôn chỉ là một mắt xích, một khâu của một mạch phát ngôn khác được tổ chức hết sức phức tạp.

Bởi vậy, người nghe với sự thông hiểu thụ động thường được mô tả trong hình ảnh một đối tác và người nói trong những bức vẽ sơ lược của các trường phái ngôn ngữ không phù hợp với người tham gia thực tế trong giao tiếp lời nói (“trao đổi tư tưởng”). Những gì được sơ đồ trình bày chỉ là công đoạn trừu tượng của hành vi toàn vẹn, diễn ra trong thực tế, hành vi thông hiểu tích cực – hồi đáp, hành vi chuẩn bị câu trả lời (cho câu hỏi mà người nói dự liệu). Bản thân sự trừu tượng hoá khoa học như vậy cũng có thể được biện hộ hoàn toàn, chỉ với một điều kiện: nó phải nhận thức rõ rệt rằng đó chỉ là sự trừu tượng hoá, chứ không được mạo nhận là chỉnh thể cụ thể có thật của hiện tượng, trong trường hợp ngược lại, nó sẽ trở thành chuyện hư cấu. Quả thật, hư cấu vẫn là chuyện đang tồn tại trong ngôn ngữ học tư sản, bởi vì tuy những sơ đồ trừu tượng như thế không trực tiếp mạo nhận là sự phản ánh quá trình giao tiếp lời nói thực tế, nhưng chúng cũng không được bổ khuyết bằng những chỉ dẫn về tính chất đại phức tạp của hiện tượng thực tế. Kết cục, sơ đồ đã xuyên tạc bức tranh hiện thực của giao tiếp lời nói, bởi chính những bình diện quan trọng nhất đã bị loại bỏ ra khỏi sự giao tiếp ấy. Theo con đường như thế, vai trò chủ động của người khác trong quá trình giao tiếp lời nói bị giảm thiểu tới mức sát với tinh thần của ngôn ngữ học duy tâm.

Sự coi thường vai trò chủ động của người khác trong giao tiếp lời nói và ý đồ lờ tịt hoàn toàn quá trình ấy được bộc lộ rõ trong cách sử dụng mập mờ và nước đôi các thuật ngữ ví như “lời nói”, hoặc “dòng lời nói. Cái thuật ngữ mập mờ một cách cố ý này lại thường phải làm rõ một đối tượng bị chia thành nhiều đơn vị ngôn ngữ vẫn được xem là những lát cắt của nó: ngữ âm (âm vị, âm tiết, phách điệu lời nói) và bộ phận biểu nghĩa (câu, từ). “Dòng lời nói được tách ra”, “lời nói của chúng ta được chia ra”, – các giáo trình ngôn ngữ học và ngữ pháp học đại cương, cũng như các công trình nghiên cứu ngữ âm học, từ vựng ngữ nghĩa, ngữ pháp học, các chương mục nghiên cứu những đơn vị ngôn ngữ tương ứng thường mở đầu như vậy. Rất tiếc, chính công trình ngữ pháp học do Viện Hàn lâm của chúng ta vừa xuất bản cách đây chưa lâu đã sử dụng thuật ngữ “lời nói của chúng ta” theo kiểu mập mờ và nước đôi như vậy. Hãy xem phần ngữ âm học được mở đầu thế nào: “Lời nói của chúng ta trước hết được chia thành nhiều câu, rồi câu lại được chia thành cụm từ và các từ. Các từ được chia rạch ròi thành các đơn vị âm thanh nhỏ: các âm tiết… Các âm tiết chia thành những âm thanh riêng lẻ của lời nói, hoặc các âm vị…”[22].

Cái “dòng lời nói” kia là gì, thứ “lời nói của chúng ta” là gì vậy? Chúng dài, ngắn thế nào? Chúng có mở đầu, có kết thúc hay không? Nếu độ dài của chúng là không xác định, thì chúng ta chọn lát cắt nào để chia chúng thành các đơn vị? Bao trùm lên tất cả các vấn đề ấy chỉ là sự thiếu minh định, mù mờ hoàn toàn. Cái từ mập mờlời nói”, cái từ vẫn toàn quyền biểu đạt cả ngôn ngữ, cả tiến trình lời nói, tức là sự nói, cả một phát ngôn riêng lẻ, cả một chuỗi dài không xác định những phát ngôn như thế, cả một thể lời nói cụ thể (“ông ấy đọc bài diễn văn”[23])…, cho đến nay vẫn chưa được các nhà ngôn ngữ học biến thành một thuật ngữ xác định (được xác định) và có tổ chức nghiêm nhặt về mặt ý nghĩa (trong các ngôn ngữ khác cũng có những hiện tượng tương tự như vậy). Điều đó chứng tỏ vấn đề phát ngôn và các thể loại lời nói (cố nhiên là cả sự giao tiếp lời nói) là những vấn đề hoàn toàn chưa được nghiên cứu. Bao giờ cũng có thể diễn ra trò lẫn lộn tất cả các nét nghĩa nói trên (trù nét nghĩa cuối cùng). Thông thường hơn cả, người ta vẫn hiểu mệnh đề “lời nói của chúng ta” là một phát ngôn bất kỳ của một người bất kỳ nào đó, chẳng những thế, người ta không bao giờ duy trì cách hiểu ấy đến cùng[24].

Nhưng nếu cái được người ta phân chia và tách nhỏ thành các đơn vị của ngôn ngữ mà còn chưa rõ ràng và thiếu xác định, thì chính các đơn vị ngôn ngữ sẽ trở nên lộn xộn và mơ hồ.

Sự mơ hồ và lộn xộn về mặt thuật ngữ ở ngay điểm đầu mối trung tâm của tư duy ngôn ngữ học như thế là kết quả của sự coi thường đơn vị thực tế của giao tiếp lời nói: phát ngôn. Bản thân lời nói chỉ có thể tồn tại trong thực tế dưới hình thức những phát ngôn cụ thể của những người nói riêng lẻ, những chủ thể của lời nói (ấy). Lời nói bao giờ cũng được khuôn vào hình thức phát ngôn thuộc một chủ thể lời nói nào đó, bên ngoài hình thức phát ngôn ấy, nó không thể tồn tại. Các phát ngôn dẫu khác nhau thế nào về khối lượng, về nội dung, về tổ chứ kết cấu, với tư cacsh là các đơn vị giao tiếp lời nói, chúng vẫn có những đặc điểm cấu trúc chung và trước hết có ranh giới hết sức rạch ròi. Cần phân tích một cách chi tiết hơn những ranh giới chứa đựng đặc điểm vô cùng quan trọng và có tính nguyên tắc này.

Các ranh giới của từng phát ngôn cụ thể, như của một đơn vị giao tiếp lời nói, được xác định bởi sự thay đổi các chủ thể lời nói, tức là sự thay đổi người nói. Giao tiếp lời nói chính là “trao đổi tư tưởng” trong mọi lĩnh vực hoạt động và đời sống của con người. Mọi phát ngôn – từ lời thoại ngắn (một từ) trong đối thoại sinh hoạt cho tới pho tiểu thuyết trường thiên hay một luận văn khoa học, có thể nói, đều có cái mở đầu tuyệt đối và cái kết thức tuyệt đối: trước cái mở đầu của nó là phát ngôn của những người khác, sau cái kết thúc của nó là những phát ngôn hồi đáp của người khác (hoặc, dẫu chỉ là sự thông hiểu chủ động – hồi đáp thầm lặng của người khác, hay hành động đáp lại trên cơ sở của sự thông hiểu ấy). Người nói kết thúc phát ngôn của mình để nhường lời cho người khác hoặc giành chỗ cho sự thông hiểu chủ động – hồi đáp của anh ta. Phát ngôn không phải là một đơn vị ước lệ, mà là một đơn vị thực tế được phân chia ranh giới rõ rệt bởi sự thay đổi của các chủ thể lời nói, được kết thúc bởi sự chuyển giao lời nói cho người khác, tựa bởi một “dixi”[25] im lặng được những người nghe cảm nhận (như tín hiệu), rằng người nói đã kết thúc.

Trong những lĩnh vực khác nhau của hoạt động và đời sống con người, tuỳ vào các chức năng khác nhau của ngôn ngữ, vào những điều kiện, tình huống giao tiếp khác nhau, sự thay đổi các chủ thể lời nói tạo ra ranh giới rạch ròi của phát ngôn như thế bao giờ cũng có những đặc tính khác nhau, thông qua những hình thức khác nhau. Chúng ta nhận ra một cách đơn giản và rõ rệt sự thay đổi của các chủ thể lời nói trong những đối thoại thực tế, nơi các phát ngôn được gọi là những lời đối đáp của những người hội thoại (các đối tác của đối thoại) thay đổi lẫn nhau. Về mặt đơn giản và rõ ràng, đối thoại là hình thức cổ điển của giao tiếp lời nói (“trao đổi tư tưởng”). Mỗi lời đối đáp, dẫu ngắn và rời rạc thế nào, vẫn có sự hoàn kết riêng phản ánh một vị thế nào đó của người nói mà người ta có thể trả lời, có thể xác lập một vị thế hồi đáp trong quan hệ với nó. Về sự hoàn kết mang tính đặc thù của phát ngôn này, chúng tôi sẽ bàn tiếp ở phần dưới (đây là một trong những dấu hiệu cơ bản của phát ngôn). Đồng thời, những lời đối đáp luôn luôngắn chặt với nhau. Nhưng các mối quan hệ vẫn tồn tại giữa những lời đối đáp trong đối thoại – quan hệ hỏi – đáp, khẳng định – phản đối, khẳng định – tán thành, đề nghị – tiếp nhận, ra lệnh – thi hành v.v… lại là những quan hệ không hề tồn tại giữa các đơn vị của ngôn ngữ (từ và câu): cả trong hệ thống ngôn ngữ (trong mặt cắt bổ dọc), lẫn trong nội tại của phát ngôn (trong mặt cắt bổ ngang). Các quan hệ đặc thù giữa những lời đối đáp trong đối thoại kiểu ấy chỉ là những biến thể của các quan hệ đặc thù giữa hàng loạt phát ngôn trong quá trình giao tiếp lời nói. Các quan hệ này chỉ có thể có giữa những phát ngôn của các chủ thể lời nói khác nhau, chúng đòi hỏi phải có những thành viên khác (trong quan hệ với người nói) của giao tiếp lời nói. Những quan hệ giữa hàng loạt phát ngôn như thế không thể cú pháp hoá, bởi vì, xin nhắc lại, chúng không thể có giữa các đơn vị ngôn ngữ, lại nữa, không chỉ trong hệ thống ngôn ngữ, mà cả trong nội tại của phát ngôn[26].

Trong các thể loại thứ sinh – nhất là các thể loại tu từ – chúng ta bắt gặp những hiện tượng tựa như mâu thuẫn với luận điểm này của chúng tôi. Người nói (hay người viết) trong phạm vi phát ngôn của mình rất hay đặt ra những câu hỏi, tự trả lời các câu hỏi ấy, tự phản bác bản thân và rổi lại bác bỏ chính những điều phản bác ấy của mình v.v…Nhưng tất cả những hiện tượng ấy đều không phải là gì khác ngoài trò chơi ước lệ của giao tiếp lời nói và các thể loại lời nói thứ nhất. Loại trò chơi này là đặc điểm tiêu biểu của các thể loại tu từ (theo nghĩa rộng, bao gồm cả một số dạng của thể phổ biến khoa học), nhưng cả những thể loại thứ sinh (nghệ thuật và khoa học) cũng sử dụng những hình thức khác nhau để đưa vào cấu trúc các phát ngôn của những thể loại thứ nhất và các quan hệ giữa chúng với nhau (ngoài ra, ở đây, chúng đều bị thay đổi với mức độ nhiều hay ít, vì không có sự thay đổi thật sự của các chủ thể lời nói). Các thể loại thứ sinh cũng có bản chất như vậy. Nhưng trong tất cả những hiện tượng ấy, dẫu chỉ dừng lại trong mối quan hệ của một phát ngôn, những mối quan hệ giữa các thể loại thứ nhất được phỏng lại cũng không thể cú pháp hoá và chúng vẫn duy trì cái bản chất đặc thù khác hẳn với các quan hệ giữa từ và câu (và cả những đơn vị ngôn ngữ khác như cụm từ v.v…) trong nội bộ một phát ngôn.

Ở đây, dựa vào chất liệu của đối thoại và những lời đối đáp của nó, cần đề cập sơ bộ tới vấn đề câu như một đơn vị ngôn ngữ trong sự khác biệt với phát ngôn như một đơn vị giao tiếp lời nói.

[Vấn đề bản chất của câu là vấn đề khó nhất và phức tạp nhất của ngôn ngữ học. Cuộc đấu tranh giữa các quan điểm xung quanh vấn đề này trong nền khoa học của chúng ta vẫn tiếp tục kéo dài tới tận bây giờ[27]. Tất nhiên, phân tích vấn đề này trong toàn bộ sự phức tạp của nó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi, chúng tôi chỉ có ý định đề cập tới một khía cạnh của nó, nhưng theo chúng tôi đó là khía cạnh có ý nghĩa cơ bản đối với toàn bộ vấn đề. Điều quan trọng với chúng tôi là phải xác định chính xác mối quan hệ giữa câu với phát ngôn. Điều này sẽ góp phần làm rõ hơn bản chất của phát ngôn, ở phía này, và câu, ở phía kia].

Về điều trên, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận ở phần sau, ở đây chỉ nhấn mạnh, rằng không bao giờ ranh giới của câu như một đơn vị ngôn ngữ được xác định bởi sự thay đổi các chủ thể lời nói. Sự thay đổi tạo ra cho câu một cái khung từ hai phía như thế sẽ biến câu thành một chỉnh thể pháp ngôn. Một câu như vậy sẽ có những phẩm chất mới và sẽ được tiếp nhận hoàn toàn khác so với câu bị đóng khung bởi những câu khác trong ngữ cảnh một phát ngôn của người nói ấy. Câu là một tư tưởng tương đối hoàn chỉnh có quan hệ trực tiếp với những tư tưởng khác của cùng một người nói trong tổng thể phát ngôn của anh ta; kết thúc câu, người nói dừng lại để sau đó chuyển qua một tư tưởng tiếp theo, tư tưởng này tiếp tục, bổ sung, củng cố tư tưởng ban đầu. Ngữ cảnh của câu là ngữ cảnh lời nói của cùng một chủ thể nói (người nói); với ngữ cảnh ngoài lời của hiện thực (tình huống, hoàn cảnh, tiền sử) và với phát ngôn của những người khác, câu không có quan hệ trực tiếp, cũng không có quan hệ riêng rẽ, mà chỉ có quan hệ với chúng thông qua toàn bộ ngữ cảnh bao quanh nó, tức là thông quan phát ngôn trong tổng thể của nó[28]. Nếu như câu không được bao bọc bởi ngữ cảnh lời nói của cùng một người, tức là giả dụ câu là một chỉnh thể phát ngôn trọn vẹn (là lời đối đáp của đối thoại), thì nó luôn luôn trực tiếp (và độc lập) đối diện với hiện thực (với ngữ cảnh ngoài lời của lời nói) và các phát ngôn của những người lạ khác, sau mỗi câu sẽ không phải là cái điểm ngắt do bản thân người nói quyết định và hiểu rõ ý nghĩa (mọi loại điểm ngắt, như những hiện tượng cú pháp đều được tính toán và được thông hiểu chỉ trong nội bộ lời nói của cùng một người, tức là trong nội bộ một phát ngôn; các điểm ngắt giữa các phát ngôn cố nhiên không mang thuộc tính cú pháp, mà chỉ có tính thực tế; những điểm ngắt thực tế như vậy – các điểm ngắt tâm lý hoặc điểm ngắt có nguyên nhân từ hoàn cảnh bên ngoài – có thể phá vỡ, làm đứt đoạn một phát ngôn; trong các thể loại văn học – nghệ thuật thứ sinh, những điểm ngắt như vậy đều gắn với ý đồ nghệ thuật của nghệ sỹ, đạo diễn, diễn viên, có điều, các điểm ngắt này về nguyên tắc, khác xa với cả điểm ngắt cú pháp, lẫn điểm ngắt phong cách – ví như giữa các ngữ đoạn – bên trong phát ngôn), sau mỗi câu, người ta sẽ đợi lời đáp, hoặc sự thông hiểu hồi đáp của người nói khác. Một câu trở thành phát ngôn toàn vẹn như vậy sẽ có đầy đủ giá trị ngữ nghĩa đặc biệt: trong quan hệ với nó, có thể giữ vị thế đối đáp – có thể tán thành, hoặc không tán thành với nó, có thực hiện, đánh giá v.v…; trong ngữ cảnh, câu không có khả năng xác định lời đáp, nó chỉ có khả năng ấy (đúng hơn, tiếp cận với khả năng ấy) trong chỉnh thể của toàn bộ phát ngôn.

Toàn bộ đặc điểm và phẩm chất mới ấy không thuộc về bản thân cái câu đã trở thành một phát ngôn hoàn chỉnh, mà thuộc về phát ngôn, do nó phản ánh bản chất của phát ngôn, chứ không phải bản chất của câu: chúng gắn kết với câu, bổ sung cho câu thành một phát ngôn hoàn chỉnh. Như một đơn vị ngôn ngữ, câu không có những thuộc tính ấy: nó không bị đóng khung từ hai phía do sự thay đổi các chủ thể lời nói, nó không có quan hệ trực tiếp với hiện thực (với tình huống ngoài lời) và không có quan hệ trực tiếp với các phát ngôn của người khác, nó không có giá trị ngữ nghĩa toàn vẹn và không có khả năng trực tiếp xác định vị thế hồi đáp của một người nói khác, tức là gọi ra sự đáp lời. Như một đơn vị ngôn ngữ, câu có bản chất cú pháp, ranh giới cú pháp, sự hoàn kết cú pháp và là một khối thống nhất. (Xét trong chỉnh thể phát ngôn từ giác độ của chỉnh thể ấy, câu có các thuộc tính phong cách). Ở những chỗ câu xuất hiện như một phát ngôn hoàn chỉnh, nó tựa như được đặt vào một cái khung làm bằng loại chất liệu có bản chất hoàn toàn khác. Nếu người ta quên điều đó khi phân tích câu, người ta sẽ làm sai lệch bản chất của câu (đồng thời, cũng làm sai lệch bản chất của phát ngôn, nếu cú pháp hoá nó). Rất nhiều nhà ngôn ngữ học và các trường phái ngôn ngữ học (trong lĩnh vực cú pháp học) bị cầm tù trong đống thập cẩm như vậy và cái mà họ nghiên cứu giống như câu, thực ra chỉ là một thứ tạp chủng nào đó giữa câu (các đơn vị ngôn ngữ) và phát ngôn (các đơn vị của giao tiếp lời nói). Người ta không trao đổi với nhau bằng câu, cũng như không trao đổi với nhau bằng từ (trong ý nghĩa nghiêm nhặt của ngôn ngữ học) và các cụm từ, mà trao đổi bằng tư tưởng, tức là những phát ngôn được tổ chức với sự hỗ trợ của các đơn vị ngôn ngữ – từ, cụm từ, câu; hơn nữa, phát ngôn có thể được kiến tạo bằng một câu, một từ, có thể nói, bằng một đơn vị lời nói (chủ yếu là lời đối đáp trong đối thoại), nhưng không phải vì thế mà một đơn vị ngôn ngữ có thể biến thành một đơn vị giao tiếp lời nói.

Sự thiếu vắng một lý thuyết khoa học về phát ngôn như một đơn vị giao tiếp lời nói sẽ dẫn tới tình trạng mập mờ trong việc phân biệt giữa câu và phát ngôn, và thường là dẫn tới sự lẫn lộn hoàn toàn giữa chúng với nhau[29].

Xin trở lại chuyện đối thoại thực tế. Như chúng tôi đã nói, đó là hình thức giao tiếp lời nói mẫu mực và giản đơn nhất. Sự thay đổi các chủ thể lời nói (những người nói) xác định ranh giới các phát ngôn hiện lên ở đây đặc biệt rõ nét. Nhưng ngay cả trong các hình thức khác của giao tiếp lời nói, bao gồm cả những lĩnh vực giao tiếp văn hoá có tổ chức phức tạp, ranh giới giữa các phát ngôn cũng có chung một bản chất như thế.

Từ trong bản chất, các tác phẩm được chuyên môn hoá và có cấu trúc phức tạp ở những thể loại khoa học và nghệ thuật khác nhau, dẫu khác biệt đến đâu so với những lời đối đáp trong đối thoại, vẫn chỉ là những đơn vị giao tiếp lời nói: chúng cũng được phân giới rành mạch hệt như vậy bởi sự thay đổi của các chủ thể lời nói, chẳng những thế, các ranh giới này, vừa duy trì được sự rành mạch bên ngoài, lại vừa có đặc tính nội tại nổi bật nhờ vào chỗ: chủ thể lời nói – trong trường hợp này là tác giả của tác phẩm – bộc lộ ở đây tính cách cá nhân của mình trong phong cách, trong thế giới quan, trong tất cả các khía cạnh thuộc ý đồ của tác phẩm. Cái dấu ấn cá nhân thấm đẫm tác phẩm ấy sẽ tạo ra ranh giới nội tại đặc biệt chia tách tác phẩm này với những tác phẩm khác có quan hệ với nó trong quá trình giao tiếp lời nói của một lĩnh vực văn hoá cụ thể: với những tác phẩm của các vị tiên khu mà tác giả dựa vào, với những tác phẩm khác của cùng một xu hướng, với những tác phẩm của các khuynh hướng đối địch mà tác giả đấu tranh v.v… Tác phẩm, cũng như lời đối đáp trong đối thoại, được kiến lập để đón đợi lời đáp của người khác (những người khác), đón đợi sự thông hiểu hồi đáp – chủ động, một sự thông hiểu có thể tiếp nhận những hình thức khác nhau: ảnh hưởng giáo dục với độc giả, thuyết phục họ, nhận xét phê bình, ảnh hưởng tới giới nghiên cứu và những người kế tục v.v…, nó xác lập quan điểm hồi đáp cho những người khác trong những điều kiện phức tạp của giao tiếp lời nói, cho sự trao đổi tư tưởng ở một lĩnh vực cụ thể của văn hoá. Tác phẩm là một khâu, một mắt xích của mạch giao tiếp lời nói; cũng như lời đối đáp trong đối thoại, nó gắn với các tác phẩm – lời phát ngôn khác – cả với những tác phẩm mà nó trả lời, cả với những tác phẩm trả lời nó; đồng thời, giống như lời đối đáp trong đối thoại, nó được tách biệt với những tác phẩm ấy bởi những ranh giới tuyệt đối của sự thay đổi các chủ thể lời nói.

Bởi vậy, sự thay đổi các chủ thể lời nói, – một sự thay đổi có tác dụng tạo khung cho phát ngôn và tạo ra cái mặt nạ rắn chắc, phân giới nghiêm nhặt với các phát ngôn khác có quan hệ với nó, – là đặc điểm cấu thành đầu tiên của phát ngôn như một đơn vị giao tiếp lời nói, tách biệt nó với các đơn vị ngôn ngữ. Chúng ta chuyển qua đặc điểm thứ hai, nó gắn chặt với đặc điểm thứ nhất. Đặc điểm thứ hai này là tính hoàn kết đặc biệt của phát ngôn.

Tính hoàn kết của phát ngôn tựa như là bình diện nội tại của sự thay đổi các chủ thể lời nói: sở dĩ sự thay đổi này có thể diễn ra, vì người nói đã nói xong (hoặc viết xong) tất cả những gì ở lúc này, hoặc trong hoàn cảnh này anh ta muốn nói. Khi nghe hoặc khi đọc, chúng ta cảm nhận rất rõ chỗ kết thúc của phát ngôn, tựa như chúng ta nghe thấy cái “dixi”[30] kết luận của người nói. Sự hoàn kết này mang tính đặc thù và được xác định bằng những tiêu chí đặc biệt. Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất ở tính hoàn kết của phát ngôn là khả năng đáp lại lời nó, hay rộng hơn, khả năng giữ vị trí hồi đáp ở phía nó (ví như thực hiện mênh lệnh). Một câu hỏi sinh hoạt cực ngắn, ví như “Mấy giờ rồi?” (có thể trả lời câu hỏi ấy), một yêu cầu sinh hoạt có thể thực hiện hoặc không thực hiện, một phát biểu khoa học có thể tán thành hoặc không tán thành (tán thành hoàn toàn hay tán thành một phần), một tiểu thuyết nghệ thuật có thể đánh giá trong tổng thể của nó đều thoả mãn tiêu chí trên. Phải có sự hoàn kết nào đó để có thể phản ứng lại một phát ngôn. Như thế vẫn chưa đủ để có thể hiểu phát ngôn ở bình diện ngôn ngữ. Câu trọn vẹn và có thể hiểu hoàn toàn, nếu đó là một câu, nhưng nếu chưa phải là một phát ngôn hoàn chỉnh, dù được tạo thành bởi một câu, nó vẫn không thể gợi ra một phản ứng hồi đáp: điều đó là đương nhiên, nhưng như thế vẫn chưa phải là đã xong. Cái “xong” ấy – dấu hiệu về tính chỉnh thể của phát ngôn – chẳng thuộc cú pháp, cũng không phải là thuộc từ ngữ nghĩa – trừu tượng[31].

Tính chỉnh thể hoàn kết đảm bảo khả năng hồi đáp (hoặc sự thông hiểu hồi đáp) của phát ngôn được xác định bởi 3 yếu tố (hay 3 nhân tố) gắn bó chặt chẽ với chỉnh thể hữu cơ của phát ngôn: 1) tính cạn kiệt về ý nghĩa – sự vật, 2) ý đồ lời nói, hoặc ý chí lời nói của người nói, 3) các hình thức kết cấu – thể loại điển hình của sự hoàn kết.

Yếu tố thứ nhất: tính cạn kiệt về ý nghĩa – sự vật của chủ đề phát ngôn – có sự khác biệt sâu sắc ở những lĩnh vực giao tiếp lời nói khác nhau. Tính cạn kiệt này có thể đạt tới giới hạn gần như tối đa trong một số lĩnh vực sinh hoạt thường nhật (những câu hỏi thuần tuý mang tính xác thực và những lời đáp cũng xác thực như thế với những câu hỏi ấy, các yêu cầu, mệnh lệnh…), trong một số lĩnh vực sự vụ, trong phạm vi khẩu lệnh và mệnh lệnh quân sự và sản xuất, tức là trong những phạm vi mà các thể loại lời nói hoàn toàn mang tính rập khuôn, không đòi hỏi phải có chút sáng tạo nào. Ngược lại, trong các lĩnh vực sáng tạo (tất nhiên, đặc biệt là trong khoa học), tính cạn kiệt của ý nghĩa nghĩa – sự vật chỉ có thể đạt được ở chừng mực rất tương đối: ở đây chỉ có thể nói về cái ngưỡng tối thiểu nào đó của sự hoàn kết cho phép chiếm lĩnh vị thế hồi đáp. Một cách khách quan, đối tượng chưa cạn kiệt, nhưng, khi trở thành chủ đề của phát ngôn (ví như của một công trình khoa học), nó sẽ mang tính hoàn kết tương đối trong những điều kiện nhất định, ở một vị thế cụ thể của vấn đề, trong một chất liệu cụ thể, với những mục đích cụ thể do tác giả đặt ra, tức là trong phạm vi ý đồ cụ thể của tác giả. Bởi vậy, chúng ta tất sẽ phải tiến tới vấn đề thứ hai vốn có quan hệ mật thiết với vấn đề thứ nhất.

Trong mỗi phát ngôn – từ lời đối đáp sinh hoạt chỉ có một tiếng cho tới những tác phẩm khoa học hay văn học dài hơi, phức tạp – chúng ta nắm bắt, thông hiểu, cảm nhận chủ đích lời nói, hay ý chí lời nói của người nói, cái ý chí quyết định chỉnh thể phát ngôn, dung lượng và các ranh giới của nó. Chúng ta hình dung, người nói muốn nói cái gì, và với ý đồ lời nói ấy, ý chí lời nói ấy (như chúng ta hiểu về nó), chúng ta đo lường sự hoàn kết của phát ngôn. Cái ý đồ này sẽ quyết định cả sự lựa chọn đối tượng (trong những điều kiện nhất định của giao tiếp lời nói, trong mối liên hệ tất yếu với các phát ngôn trước đó), lẫn ranh giới và sự cạn kiệt về ý nghĩa – sự vật của nó. Tất nhiên, nó còn quyết định cả sự lựa chọn hình thức thể loại sẽ được sử dụng để kiến tạo phát ngôn (đây là yếu tố thứ ba mà chúng tôi sẽ bàn ở phần tiếp theo). Ý đồ ấy – yếu tố chủ quan của phát ngôn – vừa hoà phương diện ý nghĩa – biểu vật khách quan vào một thể thống nhất rắn chắc, vừa hạn định nó, nối kết nó với tình huống cụ thể (đơn nhất) của giao tiếp lời nói, với toàn bộ hoàn cảnh cá thể của nó, với những người tham gia đặc biệt, với các ý kiến – phát ngôn trước nó. Cho nên, những người trực tiếp tham gia giao tiếp được định hướng bởi tình huống và các phát ngôn trước đó nhanh chóng và dễ dàng nắm bắt ý đồ nói và ý chí nói của người nói và ngay từ lúc mở đầu lời nói, họ đã nhận ra toàn độ chỉnh thể phát ngôn đang đượ khai triển.

Giò xin tôi chuyển sang yếu tố thứ ba và cũng là yếu tố quan trọng nhất: các hình thức thể loại ổn định của phát ngôn. Ý chí lời nói của người nói trước hết được thực hiện qua việc lựa chọn một thể lời nói nào đó. Sự lựa chọn này được quyết định bởi đặc điểm của một lĩnh vực giao tiếp lời nói nào đó, bởi những cân nhắc ý nghĩa – sự vật (chủ đề), bởi tình huống giao tiếp lời nói cụ thể, bởi thành phần riêng của những người tham gia… Rồi sau đó, ý đồ nói của người nói với toàn bộ đặc tính cá nhân và tính chủ quan của nó sẽ được vận vào và tìm cách thích ứng với thể loại đã lựa chọn, sẽ biến chuyển và phát triển trong hình thức thể loại đã xác định. Những thể loại như vậy tồn tại trước tiên trong tất cả những lĩnh vực đa dạng nhất của giao tiếp sinh hoạt khẩu ngữ, kể cả sự giao tiếp suồng sã nhất và thân tình nhất.

Chúng ta chỉ nói bằng những thể loại lời nói nào đó, tức là toàn bộ phát ngôn của chúng ta đều có những hình thức tổ chức lời nói tiêu biểu nào đó và tương đối ổn định. Chúng ta sở hữu cả một kho tàng thể loại lời nói khẩu ngữ (và văn viết) vô cùng phong phú. Trong thực tế, chúng ta sử dụng kho thể loại lời nói ấy đầy tự tin và khéo léo, nhưng về mặt lý thuyết, có thể chúng ta hoàn toàn chẳng hay biết gì về sự tồn tại của chúng. Giống như ông Gourdain của Molière nói bằng văn xuôi, mà không ngờ mình nói bằng văn xuôi, chúng ta nói bằng những thể loại khác nhau mà không ngờ là có sự tồn tại của chúng. Ngay cả trong những cuộc trò chuyện hoàn toàn tự do, chẳng có gì gò bó, chúng ta vẫn cứ khuôn lời nói của mình theo những hình thức thể loại nào đó, có khi rất rập khuôn và sáo mòn, có khi mềm mại, uyển chuyển và sáng tạo hơn (ngay cả giao tiếp sinh hoạt cũng sử dụng những thể loại sáng tạo). Những thể loại ấy với chúng ta cũng dễ dàng, giống như sự dễ dàng của tiếng mẹ đẻ với chúng ta, chúng ta có thể sử dụng thoải mái mà chẳng cần phải nghiên cứu lý thuyết cú pháp. Chúng ta biết tiếng mẹ đẻ – một tập hợp từ vựng và một tổ chức cú pháp – không phải qua từ điển và cú pháp học mà từ những phát ngôn cụ thể mà chúng ta nghe được và chúng ta tái tạo trong giao tiếp lời nói sinh động với những người quanh ta. Chúng ta chỉ có thể hấp thụ ngôn ngữ qua các hình thức phát ngôn và cùng với các hình thức ấy. Các hình thức ngôn ngữ và các hình thức phát ngôn mang tính loại hình, tức là các thể loại lời nói, cùng nhập vào kinh nghiệm và vào ý thức của chúng ta trong mối liên hệ chặt chẽ giữa chúng với nhau. Học nói tức là học tổ chứ phát ngôn (bởi vì chúng ta nói bằng các phát ngôn, chứ không phải bằng những câu riêng lẻ, và cố nhiên, càng không phải bằng những từ riêng lẻ)[32]. Các thể loại lời nói tổ chứ lời nói của chúng ta cũng gần giống như chúng tổ chức các hình thức ngữ pháp (cú pháp) của nó. Chúng ta học khuôn lời nói của chúng ta vào các hình thức thể loại, và, khi nghe lời nói của người khác, ngay từ những lời đầu tiên, ta đã đoán ra thể loại của nó, biết trước dung lượng cụ thể (tức là độ dài ước lượng của chỉnh thể lời nói), kiểu tổ chức kết cấu, nhìn thấy trước sự kết thúc, tức là ngay từ đầu chúng ta đã có thể cảm nhận được chỉnh thể lời nói mà sau đó nó được tách ra trong quá trình nói. Nếu như không có các thể loại lời nói và chúng ta không làm chủ được chúng, nếu như trong quá trình nói, chúng ta phải sáng tạo từ đầu các thể loại ấy, phải tự mình tổ chức từ đầu từng phát ngôn, thì sự giao lời nói, trao đổi tư tưởng chắc chắn không thể thực hiện được.

Các hình thức thể loại mà chúng ta khuôn lời nói của mình vào đó, tất nhiên, hoàn toàn khác với các hình thức ngôn ngữ ở mặt ổn định và tính bắt buộc (chuẩn tắc) của chúng với người nói. Nhìn chung, chúng mềm dẻo, uyển chuyển và tự do hơn rất nhiều so với các hình thức ngôn ngữ. Về mặt này, các thể loại lời nói cực kỳ đa dạng. Có hàng loạt thể loại thường gặp trong đời sống đã thành khuôn sáo tới mức, ý chí lời nói cá nhân của người nói chỉ còn biểu hiện ở việc lựa chọn một thể nào đó, cho đến cả giọng biểu cảm của nó. Đó là những thể lời nói sinh hoạt rất ngắn, ví như lời chào, lời tạm biệt, lời mừng, lời chúc đủ loại, lời hỏi thăm sức khoẻ, công việc… Sự đa dạng của những thể loại như thế được quyết định bởi chỗ, chúng rất khác nhau, tuỳ thuộc vào tình huống, vào địa vị xã hội và các quan hệ cá nhân của những người giao tiếp: các thể loại này có những hình thức trang nhã, chính thống, quan phương, cực kỳ trang trọng, bên cạnh những hình thức suồng sã, mà mức độ suồng sã cũng khác nhau, và những hình thức thân mật thân tình (chúng khác với các hình thức suồng sã)[33].

Bên cạnh những thể loại quy phạm như thế, cũng đã có, và tất nhiên, hiện vẫn có những thể loại giao tiếp lời nói khẩu ngữ mang tính sáng tạo và tự do hơn: các thể loại mạn đàm phòng khách về những chủ đề sinh hoạt, xã hội, thẩm mỹ…, các thể loại toạ đàm lúc trà dư tửu hậu, toạ đàm tâm tình – bằng hữu, tâm tình – quyến thuộc…(hiện vẫn chưa có danh mục các thể lời nói khẩu ngữ, thậm chí, nguyên tắc tổ chức một danh mục như thế, hiện vẫn chưa rõ). Đa số các thể loại này đều bị cải sửa theo kiểu sáng tạo – ngẫu hứng (giống như các thể loại nghệ thuật, một số trường hợp gần như đã trở thành thể loại nghệ thuật tực sự), nhưng sử dụng một cách sáng tạo theo kiểu ngẫu hứng không phải là sáng tạo lại từ đầu một thể loại mới, mà là cần làm chủ thuần thục các thể loại, để sử dụng chúng một cách tự do.

Sở dĩ có những chiếm lĩnh ngôn ngữ tới mức tuyệt hảo, nhưng lại cảm thấy lúng túng trong một số lĩnh vực giao tiếp, chính vì trong thực tiễn họ không có khả năng sử dụng thuần thục những hình thức thể loại của những lĩnh vực ấy. Lại thường có người tỏ ra lợi khẩu trong một số lĩnh vực giao tiếp văn hoá, biết đọc báo cáo, tham gia tranh luận khoa học, phát biểu rất hay về các vấn đề xã hội, nhưng khi đàm đạo thế tục, anh ta lại im lặng hoặc chuyện trò rất vụng. Vấn đề không phải là ở chỗ bí từ, hay hiểu biết phong cách một cách chung chung, mà là ở chỗ thiếu khả năng làm chủ cái kho thể loại đàm thoại thế tục, không có sự tích luỹ đầy đủ tri thức phát ngôn giúp khuôn lời nói của mình vào những hình thức kết cấu – phong cách cụ thể một cách nhanh chóng và thoải mái, không biết nói đúng lúc, không biết mở đầu và kết thúc sao cho đúng (kết cấu những thể loại này, hoàn toàn không phức tạp).

Làm chủ các thể loại càng hoàn hảo, chúng ta sử dụng các thể loại ấy càng thoải mái, bộc lộ con người cá nhân của mình trong đó càng đầy đủ, sáng rõ (ở những chỗ có thể bầy tỏ, cần bầy tỏ), phản ánh tình huống giao tiếp đặc biệt một cách uyển chuyển và tinh tế, nghĩa là, chúng ta hiện thực hoá ý đồ lời nói tự do của mình càng hoàn hảo hơn.

Bởi vậy, người nói không chỉ học được các hình thức ngôn ngữ toàn dân thiết đối với bản thân (thành phần từ vựng và tổ chứ cú pháp), mà còn học được các hình thức phát ngôn, tức là các thể loại lời nói, cũng rất thiết yếu đối với anh ta. So với các hình thức ngôn ngữ, các thể loại lời nói linh hoạt, mềm dẻo, uyển chuyển hơn rất nhiều, nhưng với cá nhân người nói, chúng có ý nghĩa quy phạm, không do anh ta sáng tạo ra, mà anh ta học được chúng. Bởi vậy, không thể xem một phát ngôn riêng lẻ với toàn bộ tính cá thể và đặc điểm sáng tạo của nó là một tổ hợp tự do của các hình thức ngôn ngữ như giả thuyết của de Saussure (và sau ông, nhiều nhà ngôn ngữ học khác), người từng đối lập phát ngôn (la parole), như một hành vi cá nhân thuần tuý, với hệ thống ngôn ngữ như hiện tượng xã hội thuần tuý và mang tính bắt buộc đối với mỗi cá nhân[34].

Việc coi thường các thể loại lời nói như những hình thức tương đối vững bền và mang tính quy phạm tất yếu sẽ dẫn các nhà ngôn ngữ học tới tình trạng trộn lẫn phát ngôn với câu như chúng tôi đã chỉ ra ở trên, tất yếu dẫn tới luận điểm (sự thực là, không phải lúc nào cũng được bảo vệ một cách hợp lý) cho rằng, lời nói của chúng ta chỉ bị khuôn vào hình thức vững bền của các câu mà chúng ta đã học được, còn việc có bao nhiêu câu được chúng ta nói liền một mạch và khi nào thì chúng ta dừng lại (chúng ta kết thúc), – điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự tuỳ tiện tuyệt đối của ý chí lời nói cá nhân của người nói, hoặc sự đỏng đảnh của “dòng lời nói” mang tính huyền thoại.

Khi chọn một kiểu câu nào đó, chúng ta chọn nó không phải vì một câu đã biết, mà là theo sự cân nhắc về cái điều mà chúng ta muốn thể hiện bằng câu ấy,- chúng ta lựa chọn một kiểu câu từ giác độ của cái chỉnh thể phát ngôn được hiện lên trong sự cân nhắc của chúng ta, buộc chúng ta lựa chọn nó. Ý niệm về hình thức của chỉnh thể phát ngôn, tứ là về một thể lời nói cụ thể sẽ điều khiển chúng ta trong quá trình lời nói của mình. Ý đồ phát ngôn trong tổng thể của nó, thực ra, có thể chỉ cần một câu để thực hiện, nhưng cũng có thể thực hiện bằng rất nhiều câu. Thể loại được lựa chọn sẽ ngầm mách bảo ta các kiểu câu và các mối kết nối của chúng.

Một trong những nguyên nhân khiến giới ngôn ngữ học coi thường các hình thức phát ngôn là sự đa dạng tột độ của các hình thức ấy ở phương diện tổ chức kết cấu và ở những đặc điểm về kích cỡ của chúng (độ dài) – từ lời đối đáp chỉ có một tiếng cho tới pho tiểu thuyết trường thiên. Trong phạm vi các thể loại lời nói khẩu ngữ đã có sự khác biệt sâu sắc về kích cỡ. Bởi vậy, với tư cách là những đơn vị lời nói, các thể loại lời nói không thể so sánh với nhau và không thể chấp nhận lẫn nhau.

Cho nên, nhiều nhà ngôn ngữ học (chủ yếu là giới cú pháp học) có tham vọng tìm ra những hình thức đặc biệt, những hình thức trung gian giữa câu và phát ngôn, những hình thức vừa mang tính hoàn kết tựa như phát ngôn, đồng thời lại vừa có thể đối sánh tựa như câu[35]. “Câu nói”[36] (ví như trong các công trình của Karsevski[37]), “giao tiếp” (Sakhmatov và một số người khác[38]) là những đơn vị như vậy. Không có sự thống nhất trong cách hiểu các đơn vị ấy ở những nhà nghiên cứu đã sử dụng chúng, bởi vì trong đời sống của ngôn ngữ, không có một thực tại xác định và được giới hạn rõ rệt nào phù hợp với chúng. Tất cả các đơn vị giả tạo và mang tính ước lệ ấy đều chẳng can hệ gì tới sự thay đổi các chủ thể lời nói diễn ra trong mọi cuộc giao tiếp lời nói sinh động và thực tế, vì thế, các ranh giới cơ bản nhất trong tất cả các lĩnh vực hoạt động ngôn ngữ – ranh giới giữa các phát ngôn – đều bị xoá bỏ. Từ đây (hệ quả của điều trên), dẫn tới sự sụp đổ của tiêu chí cơ bản nhất về sự hoàn kết của phát ngôn như đơn vị đích thực của giao tiếp lời nói – khả năng xác định quan điểm hồi đáp chủ động của những người tham gia giao tiếp khác.

(Còn tiếp)


[1] Luận điểm về sự thống nhất toàn dân của ngôn ngữ do Stalin đề xướng đối lập với quan niệm của chủ nghĩa Mác về tính giai cấp của ngôn ngữ được khoa học thời ấy nhiệt liệt ủng hộ và phát triển (xin xem, ví như, Lời tựa và bài báo của V.P. Sukhochin Phê bình “học thuyết” của N.Ja. Marr về tính giai cấp của ngôn ngữ trong tuyển tập Chống lại sự dung tục hoá và xuyên tạc chủ nghĩa Mác trong ngôn ngữ học, 4,14, 21…). Với M. Bakhtin, đây là một trong những điểm quan trọng ngầm chứa sự tranh luận với ý kiến phổ biến trong khoa học về sự thống nhất nói trên (tất nhiên, nếu tiếp nhận bản thân luận thuyết về ngôn ngữ toàn dân vì mục này hay mục đích khác). Theo ý kiến của đa số các nhà ngôn ngữ học hoạt động trong khuôn khổ của trường phái Vinogradov, luận điểm về sự thống nhất của ngôn ngữ hoàn toàn có thể hợp nhất với sự thừa nhận các yếu tố tình thái và biểu cảm của nó. Với M.M.Bakhtin, đó là sự hợp nhất “bất hợp pháp”. Theo M.M.Bakhtin, nếu tiếp nhận luận điểm về sự thống nhất của ngôn ngữ, thì sự thống nhất ấy chỉ có thể hiểu như sự thống nhất của một hệ thống trừu tượng, như trình độ tối thiểu về mặt ngôn ngữ học trong giao tiếp, điều đó chỉ có nghĩa trong định hướng làm việc nhằm chối bỏ miêu tả đối tượng một cách toàn vẹn (trong những công trình đầu tiên của mình, M.Bakhtin đã phát triển quan niệm tương tự như thế). Sự kết hợp các luận điểm về sự thống nhất của ngôn ngữ và tìm cách lấp đầy giá trị cho nó, theo M.Bakhtin, là biểu hiện của nguyên tắc tư tưởng hệ đầy quyền uy lịch sử, mang tính đặc thù của ngôn ngữ học Nga vào những năm 50. Nguyên tắc này phản ánh xu hướng độc thoại nhằm trung tâm hoá thế giới ngôn từ – tư tưởng hệ trên cái nền của các lực lượng ngôn ngữ hoạt động ly tâm. Theo M.Bakhtin, sự thống nhất theo nguyên tắc độc thoại của ngôn ngữ không bao giờ là cái tự có, mà chỉ có thể là cái được đặt ra. Ở đây, tiếp nhận luận điểm về sự thống nhất của ngôn ngữ như một phương châm khoa học với những khả năng hạn hẹp, ở phần dưới, dù không giới thuyết riêng, nhưng M.Bakhtin đã bác bỏ mọi phương án lý giải cho quan điểm ấy, những cách lý giải không chỉ phản ánh thụ động, mà còn tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường sức mạnh của xu hướng độc thoại trong khoa học nhân văn và toàn bộ ngữ cảnh của nền văn hoá nước nhà nói chung.

[2] Vào thời ấy, “phát ngôn” (tiếng Nga: “высказывание”.- ND) là thuật ngữ phổ biến, nhưng còn lỏng lẻo, được các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực hoàn toàn khác nhau sử dụng và được giải thích rất khác so với quan niệm của M.Bakhtin (Karsevski, Mesanhinov, Vinogradov, Pospelov, Sukhochin…). Có thể tìm thấy ít nhiều sự tương đồng với quan điểm của Bakhtin chủ yếu ở lời tuyên bố, chứ không phải trong trong thực tế của N.F.Jakovlev, người mà vào thời gian này, trong khuôn khổ cuộc đấu tranh với học thuyết Marr, bị phê phán vì có quan niệm về phát ngôn “quá rộng”, “thiếu khu biệt hoá”, rất mơ hồ ở bình diện cú pháp. Trong cách giải thích phổ biến nhất, thuật ngữ “phát ngôn” được hiểu như là sự biểu hiện bằng ngôn ngữ một tư tưởng hoàn chỉnh có mối quan hệ nào đó với câu. Với M.M.Bakhtin, “phát ngôn” là phạm trù trung tâm trong lý luận ngôn ngữ đại cương của ông, một phạm trù có nội hàm ổn định trong tất cả các công trình về ngôn ngữ bắt đầu từ những năm 20 (vì mục đích tranh luận, có thể chỉnh lý, thay đổi ở chi tiết, chứ không phải bản chất của thuật ngữ). Có lẽ thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng trong bài Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Có thể giả định rằng, M.Bakhtin đã chịu ảnh ảnh hưởng thuật ngữ của L.P.Jakubinski và các môn đệ của trường phái Vossler. Trong công trình này, quan niệm của M.Bakhtin về tính chỉnh thể và các ranh giới của phát ngôn được biện giải đầy đủ nhất.

[3] Trong di sản của M.M.Bakhtin, phạm trù “chỉnh thể” của triết học có quan hệ trực tiếp với phạm trù “thể loại” của ngôn ngữ học. Về ngữ cảnh triết học của chủ đề này ở Bakhtin, có thể xem chú thích trong bài Về nền tảng triết học của các khoa học nhân văn; ở bình diện ngôn ngữ học thuần tuý, tinh thần cốt lõi trong quan điểm của Bakhtin là sự nhấn mạnh triệt để bình diện chức năng khi xác định các đơn vị chỉnh thể ngôn ngữ, sự nhấn mạnh này gắn liền với tiêu chí nhân hoá trong việc giải quyết vấn đề bản chất các ranh giới của cái chỉnh thể. Vào những năm 1940 – 1950, vấn đề này được đặt ra trong nội bộ chủ nghĩa cấu trúc, chủ yếu ở những cuộc tranh luận về ưu thế của các phương pháp quy nạp (trường phái cấu trúc Prague) và diễn dịch (L.Elmslev), tức là những cuộc tranh luận nhìn chung chỉ lặp lại các lập luận của của cuộc tranh luận từ thời trung đại giữa phái duy danh luận, ý niệm luận và phái hiện thực luận (xem: Skalicka V. Kadansky strukturalismus a “prazska skola”. – “Slovo a Slovesnost”. Т. X. 1948, № 3). Nhìn chung, M.Bakhtin ủng hộ nguyên tắc “diễn dịch”, nhưng khác L.Elmslev, ông nhấn mạnh việc nghiên cứu ngôn ngữ mang tính nội tại và, do đó, bằng những phương pháp ngôn ngữ học thuần tuý trong việc xác định cái chỉnh thể ngôn ngữ. Bác bỏ các phương pháp phi ngôn ngữ học được sử dụng rộng rãi trong thời gian ấy vào việc nghiên cứu cái chỉnh thể, M.Bakhtin không đề xuất các tiêu chí ngôn ngữ học “trừu tượng”, hay “riêng biệt”, mà đưa ra tiêu chí nhân hoá của việc nghiên cứu các giới hạn của lời nói, tức là cái sau này trở thành trở thành hạt nhân của tương quan mang ý nghĩa triết học trung tâm với Bakhtin: “tôi” và “người khác”. Cả chủ nghĩa cấu trúc lẫn ngôn ngữ học quy phạm thời ấy, do tiền đề lý thuyết của chúng, đều không đề xướng, mà cũng không thể đề xướng tiêu chí nhân hoá (персоналистический критерий.- ND).

[4] Khái niệm thể loại lời nói có nguồn cội từ những công trình trong chuỗi bài của Volosinov. Cũng như “phát ngôn”, thời ấy “thể” là một khái niệm lỏng lẻo được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ học, giống như một khái niệm đồng nghĩa, không khu biệt với hàng loạt khái niệm tương tự (loại hình, hình thái, biến thể của lời nói). Với Bakhtin, “thể”, với tư cách là tâm điểm thuật ngữ nơi giao cắt nhiều tư tưởng độc đáo của ông, có ý nghĩa phân loại cơ bản, một mặt gắn với những công trình nghiên cứu văn học thuần tuý, mặt khác gắn với quan điểm ngữ văn học tổng quan và triết học tổng quan. Trong ngôn ngữ học Nga, vào năm 1954, phạm trù thể loại bị “mất uy tín”, đây là một trong những nguyên nhân khiến Bakhtin bỏ dở, không hoàn thành bản thảo Vấn đề thể loại lời nói.

[5] Trong công trình này, M.Bakhtin đã nhận ra, sở dĩ có sự coi thường các thể loại lời nói vì chính các thể loại lời nói tham gia trực tiếp vào khuynh hướng giải trung tâm hoá của đời sống lời nói – tư tưởng hệ, khuynh hướng này mâu thuẫn với phương châm nhắm tới một ngôn ngữ độc thoại toàn trị (mang tính toàn dân). Thật thú vị là Vinogradov, người mà lúc nào cũng được Bakhtin xem là đại diện cho quan điểm độc thoại, trong bài Một số nhiệm vụ nghiên cứu cú pháp câu đơn giản (“Vấn đề ngôn ngữ học”, 1954, số 1), ngoài những chuyện này khác, đã phê phán phương án gắn kết một cách gượng gạo những hiện tượng lời nói có dung lượng khác nhau vào một loại phạm trù duy nhất, chẳng những thế, ông còn sử dụng cách diễn đạt chủ đề gần như đồng nhất với cách diễn đạt của M.Bakhtin, khi chỉ ra trong những phương án thuộc loại trên có phương án cho rằng cả những lời thoại chỉ có một từ, lẫn một cuốn tiểu thuyết nhiều tập đều phải xếp chung vào một loại. Có cơ sở để chứng minh, M.Bakhtin biết rõ bài báo của Binogradov.

[6] Ở đây muốn nói tới trường phái Gèneve do các môn đệ của Saussure sáng lập. Ch.Bally, một trong số những nhân vật chủ chốt của trường phái này cho rằng, lời hội thoại khẩu ngữ, trong đó, sự tác động qua lại giữa các cá nhân được đưa lên hàng đầu, chính là chuẩn mực sử dụng ngôn ngữ, và do đó nó cần phải trở thành đối tượng trung tâm của các công trình nghiên cứu ngôn ngữ (Bally Ch. Linguistique generale et linguistique francaise. Bern, 1950). Trong Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, M.Bakhtin đã phê phán trường phái Gèneve như một trong những khuynh hướng chính của “chủ nghĩa khách quan trừu tượng”.

[7] Ở đây muốn nói trước tiên tới một trong những khuynh hướng của chủ nghĩa cấu trúc thời ấy – trường phái ngôn ngữ Praha (bao gồm cả các nhà ngôn ngữ học Nga như Trubeskoi, Karsevski, Jakovson…), họ xem đối thoại sinh hoạt là biểu hiện của ngôn ngữ “tình huống” và ngôn ngữ “thực hành” (đối lập với ngôn ngữ “lý luận” và ngôn ngữ “thi ca”), loại ngôn ngữ hướng tới thiết lập liên hệ ngoài ngôn ngữ trong tình huống giao tiếp khẩu ngữ, ví như thông qua cử chỉ.

[8] Бихевиоризм (tiếng Pháp: behaviorisme.- ND) nghĩa là “khoa học về hành vi”, một trường phái tâm lý học của Mỹ. Họ đặt ra mục tiêu: thông qua con đường thực nghiêm, thoạt đầu xác lập và sau đó phân loại các sơ đồ hành vi bẩm sinh và do rèn luyện mà có của con người, trong đó có cá phản ứng bằng lời với các tác nhân khác nhau, bao gồm cả tác nhân bằng lời lẫn tác nhân ngoài lời. Trong cuốn Chủ nghĩa Freud, M.Bakhtin trình bày vắn tắt và phê phán các luận điểm cơ bản của chủ nghĩa behaviorisme như một trường phái tâm lý phóng đại thái quá vai trò của nhân tố sinh học mà coi thường vai trò của yếu tố xã hội. Trong ngôn ngữ học, L.Bloomfield đã trực tiếp vận dụng chủ nghĩa behaviorisme, theo ông, đối tượng cần phải nghiên cứu trước tiên là lời khẩu ngữ sống động, bản thân ông đã nghiên cứu quá trình giao tiếp ngôn ngữ như sự thay đổi tuần tự các tác nhân và các phản ứng (Bloomfield L. Lannguage. N. Y. 1933). Các môn đệ của ông đã sử dụng một thuật ngữ chuyên môn để chỉ hệ thống phương pháp phân tích ngôn ngữ học do khuynh hướng này tạo ra: “nguyên tắc miêu tả” (“descriptivisme”.- ND). Sau này hệ phương pháp của ngôn ngữ học miêu tả thường được sử dụng trong lý luận và thực hành phiên dịch bằng máy.

[9] Trong Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, M.Bakhtin chia ngôn ngữ học ra hai khuynh hướng: “chủ nghĩa khách quan trừu tượng” và “chủ nghĩa chủ quan cá nhân”. Theo M.Bakhtin, khác với 3 trường phái nêu trên – những trường phái ít nhiều đều có quan hệ với “chủ nghĩa khách quan trừu tượng”,- trường phái K.Vossler là hạt nhân của khuynh hướng “Chủ nghĩa chủ quan cá nhân”. Về cơ bản, Bakhtin phê phán, nhưng cũng đánh giá cao quan điểm của trường phái Vossler, vì họ kiên trì đặt ra vấn đề về lời nói lạ và phân tích các hình thức truyền đạt khác nhau của nó, cũng như hứng thú của họ đối với nghiên cứu loại hình hoá các hình thức giao tiếp bằng lời (cuốn sách của L. Spitzer : Italienische Umgangssprache. Bonn und Leipzig, 1922).

[10] Mối quan hệ giữa phong cách với các thể loại lời nói là một trong những luận điểm quan trọng của M.Bakhtin, luận điểm có sự khác biệt cơ bản với các quan niệm tu từ học có uy tín ở thời ấy, theo đó, hoặc là chỉ thừa nhận các phong cách cá nhân (đây không chỉ là quan niệm của trường phái Saussure và trường phái Vossler dưới dạng thuần tuý của chúng, mà theo M.Bakhtin, còn là quan niệm chiết trung của các nhà ngôn ngữ học Nga, những người không phải bao giờ cũng giới thuyết rõ ràng các nguyên tắc cơ bản của mình, hoặc là chỉ bàn về hai loại tu từ – tu từ học cá nhân và tu từ học ngôn ngữ theo nghĩa đen của nó. Tu từ học ngôn ngữ, được phát triển trong nền ngôn ngữ học Nga dưới những hình thái khác nhau, lệ thuộc trực tiếp vào luận thuyết về sự thống nhất toàn dân của ngôn ngữ. Phạm trù thể loại của M.Bakhtin vừa nhấn mạnh tính khách quan của phong cách (trong sự đối lập với phong cách của lời nói cá nhân), vừa hạ thấp tính quy phạm nghiên nhặt của tu từ học ngôn ngữ định hướng độc thoại. Ở phần tiếp theo, tuy không nhắc tới các nhân vật phản biện cụ thể, M.Bakhtin sẽ phê phán cả hai chủ thuyết, dẫu là nhìn trên trên bề mặt, sự phê phán này giống như là sự diễn giải mang tính trung dung, thậm chí rất có thiện chí trong bối cảnh chung của ngôn ngữ học Nga.

[11] Lý luận về các các phong cách ngôn ngữ hoặc các phong cách chức năng, tuy vào đầu những năm 1960 có một vị thế nhất định trong tu từ học Nga, nhưng vào cuối những năm 1950 nó mới chỉ được tuyên bố ở cấp độ lý thuyết (A.M.Peskovski, L.V.Serba, G.O.Vinokur, và đặc biệt – Vinogradov). M.Bakhtin đã nhìn thấy trước ảnh hưởng sau này của nó và có ý định chỉ ra ảnh hưởng ấy bằng cách xác định những bình diện còn tranh luận về phương diện lý thuyết, cũng như các nhân tố đầy hứa hẹn theo cách hiểu phong cách như vậy.

[12] Tập I, Ngữ pháp tiếng Nga (M.,1952), tức là cuốn sách mà M.Bakhtin đã trích dẫn trực tiếp, không có mục riêng về phong cách học; điều đã nói chỉ là phần rút gọn rải ra khắp các mục của cuốn ngữ pháp. Danh mục các biến thể ngôn ngữ chắc là được M.Bakhtin tập hợp từ nhiều phần khác nhau của tập sách này, nhất là từ những chỗ xác định đặc điểm phong cách học trong cách sử dụng các đơn vị cú pháp khác nhau. Tập 2 cuốn Ngữ pháp… (hai phần) được xuất bản vào năm 1954 (tức là xuất bản sau khi M.Bakhtin viết bài này), vậy mà ở đây, dẫu các vấn đề về cú pháp cũng được trình bày và dung lượng phần xác định đặc điểm phong cách học có tăng lên, nhưng phần dành riêng cho phong cách học với danh mục các biến thể phong cách như đã dẫn ở trên vẫn hoàn toàn không có. Trong tài liệu được chuẩn bị để viết Vấn đề thể loại lời nói có hẳn một phần riêng tập trung phê phán ngữ pháp học hàn lâm.

[13] Những cơ sở nghèo nàn, thiếu rõ ràng và chưa được suy tính cẩn thận của việc phân loại các phong cách ngôn ngữ được A.N.Gvozdev đưa ra trong sách Đại cương phong cách học tiếng Nga (M.,1952, tr.13-15) và được M.M.Amosov vận dụng vào tiếng Anh trong bài báo Bàn về vấn đề các phong cách ngôn ngữ trong tiếng Anh từ học thuyết của I.V. Stalin về tính toàn dân của ngôn ngữ, in trong “Người đưa tin Đại học Tổng hợp Leningrad”, 1951, số 5. Tất cả những kiểu phân loại nói trên đều có gốc gác ở sự vận dụng thiếu phê phán các quan niệm truyền thống về phong cách ngôn ngữ (Chú thích của M.M.Bakhtin).

[14] Luận điểm này của chúng tôi không có gì chung đụng với quan điểm của Vossler về vị thế ưu trội của phong cách đối với cú pháp và cũng không có gì chung đụng với những luận điểm tương tự khác của ngôn ngữ học duy tâm. Nội dung trình bày tiếp theo của chúng tôi sẽ chỉ rõ điều đó (Chú thích của M.M.Bakhtin).

[15] Xem: Vinokur G.O.- Về các nhiệm vụ lịch sử của ngôn ngữ .- “Kỷ yếu khoa học Viện Sư phạm Quốc gia Moskva”, T.4, Quyển 1, 1941.

[16] “Ngữ đoạn” (tiếng Nga: “Синтагма”.- ND): một thuật ngữ phổ biến thời ấy, nhưng thiếu xác định. Có thể bắt gặp thuật ngữ này trong các công trình của Baudouin, và sau đó được V.Serba và V.V.Vinogradov hoàn thiện. Ngữ đoạn là tâm điểm của những cuộc tranh luận vào cuối những năm 1940 đầu những năm 1950. Chủ nghĩa cấu trúc xem ngữ đoạn là thành phần của cú pháp (xem: Trubetzkoy N. Les rapports entre le determine, le determinant et la defini. Melanges Ch. Bally. 1939, р. 79; ở Nga, A.A.Reformatski, A.V.Loi và một số nhà nghiên cứu khác cũng phát triển quan niệm tương tự như vậy về ngữ đoạn; sau Serba, Vinogradov xem ngữ đoạn là phạm trù của “cú pháp phong cách”.

[17] Khái niệm “giao tiếp lời nói” (hoặc “sự tương tác của lời nói”) thuộc số những phạm trù đặc biệt được M.M.Bakhtin phát triển vào những năm 1920 (Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, tr.84-101 và một số tài liệu khác). Cũng như phát ngôn và thể loại, kết hợp từ “giao tiếp lời nói” thường được sử dụng trong ngôn ngữ học thời ấy, nhưng, – khác với M.M.Bakhtin, – chưa trở thành một phạm trù có nội hàm rõ ràng. “Giao tiếp lời nói” của Bakhtin không nằm trong cặp lưỡng phân “ngôn ngữ – lời nói” của Saussure. Khác với “lời nói” của Saussure, cái được nhấn mạnh trong “giao tiếp lời nói” của Bakhtin không phải là bình diện cá nhân, mà là bình diện loại hình xã hội, đồng thời, “thuộc tính xã hội” trong giao tiếp lời nói của Bakhtin hoàn toàn khác với tính xã hội “độc thoại” trong “ngôn ngữ” của Saussure, bởi vì ở đây có tính tới các dạng thức loại hình phân tầng đa chủ thể của lời nói, chứ không phải là ý thức ngôn ngữ thống nhất một cách trừu tượng. Nếu tính tới cả những công trình sau này của M.Bakhtin, thì có thể nhận xét rằng, sơ đồ ngôn ngữ học cuối cùng của Bakhtin không phải là cặp đôi thông thường (ngôn ngữ – lời nói), thậm chí, cũng không phải là bộ ba thuật ngữ rất hiếm khi gặp (ví như ở Saussure, hay Serba, khái niệm “hoạt động lời nói” có chút tương đồng nào đó với “giao tiếp lời nói của M.Bakhtin), mà là bộ tứ: “ngôn ngữ” (như một hệ thống), “lời nói” (như tổng thể các văn bản), “giao tiếp lời nói” và “phát ngôn” (như đơn vị của giao tiếp lời nói). Trong văn bản này, sự chú ý được tập trung vào cặp đối lập “hệ thống ngôn ngữ” và “giao tiếp lời nói”, hơn nữa, nó đồng thời nhắm tới hai mục đích: thứ nhất, với tư cách là luận cứ thông thường trong cuộc tranh luận thường xuyên của M.Bakhtin với Saussure về sự tồn tại của một lĩnh vực đặc biệt thuộc về cái loại hình – xã hội trong ngôn ngữ, một lĩnh vực được không bị che kín bởi khái niệm “hệ thống ngôn ngữ”; và thứ hai, với tư cách là đối cực của một quan niệm mù mờ, lỏng lẻo về “lời nói”, hoặc “dòng chảy lời nói” trong ngôn ngữ học Nga vào những năm 1950, kéo theo việc xoá bỏ mọi khác biệt giữa các lĩnh vực ngôn ngữ và lời nói, hậu quả của nó là những đơn vị ví như câu thường được giải thích vừa là đơn vị của ngôn ngữ, vừa là đơn vị của lời nói. So với chủ nghĩa cấu trúc, theo M.Bakhtin, một quan niệm về “ngôn ngữ nói chung” như thế, thứ quan niệm đập nhập các đặc điểm ngữ nghĩa và đặc điểm giá trị của lời nói, những đặc điểm từ trong nền móng của nó gắn với tính đa chủ thể của giao tiếp lời nói sẽ mở cánh cửa rộng hơn cho sự tăng cường xu hướng độc thoại trong ngôn ngữ học Nga.

[18] Humboldt W.- Về sự khác biệt của các cơ thể ngôn ngữ con người và về ảnh hưởng của sự khác biệt ấy tới sự phát triển trí tuệ của nhân loại.- SPb., 1859, tr.51 (Chú thích của M.B.Bakhtin).

[19] Có lẽ ở đây M.Bakhtin cố ý nêu rõ chủ đề để mở rộng bản thân quan niệm về chức năng giao tiếp của ngôn ngữ. Kiến giải chính thức của thời ấy khẳng định sự thống nhất của hai chức năng ngôn ngữ: chức năng hình thành tư tưởng và chức năng giao tiếp (chẳng hạn, có thể tham khảo cách phân loại do V.V.Vinogradov đề xướng nhân việc phê phán toàn diện học thuyết Marr đối lập với hai chức năng ấy như một học thuyết phản mác – xit – “Phê phán các quan niệm phản mác – xít về phân loại theo giai đoạn trong sự phát triển của ngôn ngữ và tư duy”. Luận điểm về quan hệ họ hàng thân tộc giữa hai chức năng ấy không phải là cái gì xa lạ với M.Bakhtin, nhưng trong trường hợp này, để thể hiện đặc trưng của giao tiếp lời nói, Bakhtin thấy điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh – trên cái nền ước định chia tách hai chức năng trên – chính là chức năng giao tiếp, bởi vì trong ngôn ngữ học thời ấy, sự thống nhất giữa các chức năng chỉ là sự tuyên bố suông, thực chất, phương diện giao tiếp không được xem xét. Chẳng hạn, trong đa số các công trình nghiên cứu thời ấy, khi phân tích mệnh đề được tuyên bố trên danh nghĩa là đơn vị giao tiếp, người ta chỉ bàn tới, hoặc là về cơ sở tâm lý của nó theo cách giểu thế này hay thế kia (phán đoán, hành vi ý chí v.v…), hoặc là về các hình thức phản ánh hiện thực khách quan trong đó, chẳng những thế, cả hai kiểu kiến giải đều kiên trì như vậy. Đặc biệt, có thể tham khảo ý kiến phê bình của V.V.Vinogradov đối với A.M.Peskovski như với một nhà “duy tâm chủ nghĩa”, vì Peskovski không quan tâm tới vấn đề về mối liên hệ giữa câu với hiện thực (Cơ sở duy tâm trong hệ thống cú pháp của GS A.M.Peskovski, chủ nghĩa chiết trung và mâu thuẫn nội tại của nó.- “Vấn đề cú pháp học”, 37,74). Nên nhớ, M.Bakhtin hiểu chức năng giao tiếp rộng hơn so với cách giải thích thông thường về vấn đề này.

[20] Ở đây có ý nói tới trường phái của H.Steital và M.Lazarus và G.G.Spet (Dẫn luận tâm lý học nhân chủng.-M.,1927). Trong những công trình đầu tay của Bakhtin, khuynh hướng này thường bị phê phán vì nó chủ trương độc thoại hoá ý thức xã hội, quy cộng đồng người nói về một “tinh thần dân tộc” thuần nhất trên giả thuyết (Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ.- Tr.50-51).

[21] F.de Saussure.- Những công trình nghiên cứu ngôn ngữ học. M.,1977, tr.50.

[22] Ngữ pháp học tiếng Nga.- T.1,M.,1952, tr.51. (Chú thích của M.Bakhtin).

[23] Dịch từ câu: “он произнес речь”. Trong tiếng Nga, chữ “речь” có rất nhiều nghĩa; “lời nói”, “diễn văn”, “diễn từ”, “bài phát biểu” đều là những nét nghĩa của nó.- ND.

[24] Mà cũng không thể duy trì đến cùng. Ví như phát ngôn: “À!” (lời đối đáp trong đối thoại) không thể chia thành câu, cụm từ và âm tiết. Thành thử, nó không đúng với mọi phát ngôn. Lại nữa, người ta chia phát ngôn (lời nói) để có được các đơn vị của ngôn ngữ. Nhưng thường sau đó, người ta lại xác định câu như một phát ngôn đơn giản nhất, bởi vậy, nó không thể trở thành đơn vị của phát ngôn. Lời nói của một người nói được ước đoán ngầm và các bồi âm đối thoại thì bị loại bỏ. So với những ranh giới của các phát ngôn, toàn bộ ranh giới còn lại (giữa các câu, giữa các cụm từ, giữa các ngữ đoạn và các từ) đều mang tính tương đối và tính ước lệ (Chú thích của M.Bakhtin).

[25] “Dixi”: Một thành ngữ phổ biến, dịch từ tiếng Latinh, có nghĩa “tôi đã nói xong”, “tôi đã nói hết những gì cần phải nói”.- ND.

[26] Những lằn ranh giới hạn trong các thể loại thứ sinh (Chú thích của M.Bakhtin).

[27] Trung tâm của những cuộc tranh luận về cú pháp, những cuộc tranh luận có liên quan, hoặc không liên quan tới chiến dịch phê phán học thuyết Marr , là các vấn đề về bản chất cú pháp của câu (tính vị ngữ, tính tình thái, cấu trúc chủ – khách, hình thái ngữ điệu) và cơ sở “sinh ra” nó (cơ sở lô gíc, tâm lý, giao tiếp). Vấn đề được quan tâm đặc biệt là vai trò của cú pháp trong cơ cấu chung của ngôn ngữ, là phê phán I.I.Mesanhinov, S.D.Katznelson và một số nhà nghiên cứu khác vì họ đã phóng đại vai trò ấy để làm giảm nhẹ ý nghĩa của của các mặt ngữ âm, từ vựng và hình thái học. Với M.Bakhtin, vấn đề cơ bản ở đây là sự hoà trộn phẩm chất của các đơn vị thuộc hệ thống ngôn ngữ và giao tiếp lời nói trong câu.

[28] Có thể phỏng đoán, nhân vật được phản biện ở đây là V.V.Vinogradov, người đưa ra lý thuyết về bản chất của câu gắn với phạm trù tình thái, trong đó chỉ ra trực tiếp mối liên hệ giữa câu với hiện thực (Về phạm trù tình thái và các từ tình thái trong tiếng Nga// Các công trình nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ Nga. M.- L., 1950, T.2, tr.38-79).

[29] Có thể bắt gặp việc sử dụng lẫn lộn, gần như dẫn tới sự đồng nghĩa giữa các thuật ngữ “câu” và “phát ngôn” trong các công trình của nhiều nhà nghiên cứu, thuộc những khuynh hướng khác nhau nhất (Vinogradov, Mesanhinov, Sukhotin, Gankina-Fedoruk…). Với M.Bakhtin, vấn đề không phải là bản thân vấn đề lẫn lộn thuật ngữ, mà là sự lẫn lộn ấy phản ánh tình trạng thiếu phân biệt các đơn vị của hệ thống ngôn ngữ và lời nói rất tiêu biểu với đa số các khuynh hướng thời ấy.

[30] “Dixi”: xem chú thích 25.-ND.

[31] Quan niệm của M.Bakhtin về tính hoàn kết của phát ngôn xung đột với nhiều cách giải thích phổ biến thời ấy về tính hoàn kết của câu như một đơn vị giao tiếp: hoàn kết lô gíc (Ch.S.Popov), hoàn kết tâm lý (A.A.Sakhmatov), hoàn kết cú pháp (I.I.Mesanhinov), hoàn kết giọng điệu (S.O.Karsevski).

[32] Chắc chắn, ý tranh luận ở đây được nhắm tới Vinogradov, nhà nghiên cứu từng viết: người ta suy nghĩ và nói bằng các “câu”. Những phát ngôn tương tự như vậy có thể tìm thấy cả ở Peskovsi và Karsevski…

[33] Các nhà ngôn ngữ học (chủ yếu các nhà nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ) cũng chú ý tới các hiện tượng tương tự như thế ở khía cạnh phong các học thuần tuý, như là sự phản ánh trong ngôn ngữ các hình thức biến đổi lịch sử của lễ nghi, xã giao, sự đoan chính…Có thể xem: F. Brunot.- (Chú thích của M.Bakhin. Ở đây có lẽ M.Bakhtin nhắc tới chương 5, tập IV: L’honnetete dans la langage, trong bộ sách 10 tập: Brunot F.– Histoire de la langue francaise des origines a 1900. Т. 1–10. Р., 1905-1943).

[34] de Saussure xác định phát ngôn (la parole) như là “hành vi ý chí và thông hiểu mang tính cá nhân, trong đó cần phân biệt: 1) Những tổ hợp giúp chủ thể nói sử dụng luật lệ ngôn ngữ để thể hiện ý nghĩ cá nhân của mình, 2) Cơ chế tâm lý cho phép anh ta khách quan hoá những tổ hợp nói trên” (Saussure F. – Giáo trình ngôn ngữ học đại cương.- Ogiz. M., 1933, tr.38). Bởi vậy, Saussure coi thường sự thật, rằng ngoài các hình thức ngôn ngữ, vẫn còn có những hình thức tổ hợp của các hình thức ấy, tức là coi thường các thể loại lời nói – (Chú thích của M.Bakhtin).

[35] Rất nhiều nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra nhu cầu cần nhấn mạnh, bên cạnh câu, còn có những kiểu khác của các đơn vị giao tiếp lời nói. Ở thời kỳ này, giới ngôn ngữ học đã bắt đầu nghiên cứu các hiện tượng lời nói lớn hơn câu, ví như đoạn, dòng, câu nhiều đoạn, chỉnh thể trên câu, chỉnh thể cú pháp phức hợp (A.Kh.Vostokov, I.A.Figurovski, L.A.Bulakhovski, B.V.Tomasevski, N.S.Pospelov, A.M.Peskovski, V.V.Vinogradov…). Không có sự thống nhất trong cách hiểu các đơn vị nói trên. Đây là thời kỳ bắt đầu xuất hiện ngôn ngữ học văn bản. Tuy nhiên, nhìn chung, các hiện tượng này đều nằm ở khu vực ngoại vi của tư duy ngôn ngữ học, nhường chỗ cho câu như ngọn tháp vươn lên vị trí cao nhất.

[36] Tiếng Nga: “фраза” (câu nói), khác với “предложение” (câu cú pháp).- ND

[37] “Lời nói của chúng ta tách ra thành những phát ngôn. Mỗi phát ngôn được biểu thị bằng một câu nói đặc biệt. Câu nói tách ra thành các từ được kết hợp với nhau theo các quy tắc của ngữ pháp và thống nhất với nhau bởi giọng điệu chung” (Karsevski S.O.- Giáo trình ôn tập tiếng Nga. M.-L., 1928, tr.14). Với Karsevski, sự hoàn kết của phát ngôn – câu nói được xác định bởi sự hoàn kết của giọng điệu, trong đó có 4 kiểu cơ bản của giọng hoàn kết thường bắt gặp trong hệ thống ngôn ngữ: khẳng định (hay trần thuật), nghi vấn, cảm thán và cầu khẩn. Các câu nói được phát ra theo một hơi thở và được chia tách với nhau bởi các điểm ngừng giọng, là cái làm cho câu nói trở thành đơn vị thuận tiện đối với việc phân tích, tức là, theo M.Bakhtin, tạo ra cho nó khả năng “đối sánh”. Được kết hợp với giọng điệu hoàn kết, mọi cụm từ không phải vị ngữ đều có thể trở thành một câu nói. Khái niệm câu nói được phổ biến rộng rãi trong ngôn ngữ học (A.M.Peskovski, L.A.Bulakhovski), nhưng nó được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Có thể, sau Karsevski và Peskovski, khái niệm câu nói được sử dụng trong bài Cấu trúc phát ngôn của Volosinov (“Học văn”, 1930, số3, tr.85-86), trong đó nó được hiểu như là một khối nhịp điệu có sự chia tách nội tại thành các từ và thống nhất với nhau bởi sự phát triển của một ý nghĩa duy nhất. Khái niệm “câu nói” xuất hiện nhiều lần trong các tư liệu được chuẩn bị để viết công trình Vấn đề thể loại lời nói, và có lẽ M.Bakhtin quan tâm tới quan niệm của Karsevski vì ông này đã lặp lại quan niệm của Vinogradov.

[38] Theo A.A.Sakhmatov, “giao tiếp” là “sự kết hợp của hai ý niệm được dẫn dắt bởi sự vận động của ý chí vào hệ từ vị ngữ”. Câu là biểu thị ngôn ngữ của giao tiếp, một đơn vị của tư duy. Với Sakhmatov, câu cũng có đặc điểm giọng điệu, nhưng ông không thừa nhận giọng điệu, mà xem phạm trù vị ngữ được giải thích ở bình diện lô gíc – tâm lý mới là tiêu chí, hoặc chỉ số cơ bản. Theo M.Bakhtin, việc phân chia các đơn vị lời nói một cách trừu tượng, từ bình diện lô gíc – tâm lý là sự biểu hiện của của các khuynh hướng độc thoại theo tinh thần chủ nghĩa duy lý châu Âu, coi thường tính đa tầng chủ thể của tồn tại. Xuất phát từ những quan niệm khác, Vinogradov cũng tranh luận với lý thuyết của Sakhmatov. Theo Vinogradov, “chủ nghĩa duy tâm” không phải sự phản ánh mối liên hệ của bản thân hiện thực thế này hay thế kia (chân thực hay sai lầm), mà là nói về sự phản ánh mối liên hệ của các ý niệm trong đơn vị lời nói. M.Bakhtin bác bỏ cả ba phương án phân chia đơn vị lời nói: giọng điệu, lô gíc – tâm lý và “quy chiếu” (V.V.Vinogradov).

Comments are closed.