Phấn di

Tru Sa

Truyện ngắn

Phấn di dường như là di cảo của phấn, một vệt phấn xoá, di đi di lại, loang ra, loang mãi như nghĩa của chữ, bất tận… mà phấn di cũng có thể là tâm hồn, bởi tâm hồn cũng loang, tan trong bất định… Phấn di viết về một cái quán, có tên Trạm, trạm của tâm hồn. Trạm có địa chỉ mơ hồ, đâu như ở khuất tận cùng núi Xẻ, ẩn trong con ngõ rộng như một con đường. Quán không lúc nào đóng cửa và chỉ mở cửa một ngày trong năm, ngày mùng 6 tháng 3. Ngày lạ và bí mật như một hẹn hò. Quán là nơi hẹn của những người vắng mặt, nhưng vẫn hiện diện dù nghìn trùng xa cách, như hai thế hệ, hai bờ đại dương, hai cõi âm dương. Quán Trạm, không cần địa chỉ, không cần mở hay đóng, bởi tâm hồn con người, sống hay chết, luôn luôn để ngỏ với nghệ thuật. Từ trước đến nay, tôi vẫn tưởng ta chỉ có thể nghe nhạc với quá khứ của mình, những người không cùng chung quá khứ, khó có thể yêu cùng thứ nhạc. Tôi đã lầm. Quán Trạm tập hợp những tâm hồn đồng điệu trong quá khứ và hiện đại, cùng nghe một bản nhạc, cùng bị quyến rũ bởi tiếng hát vượt thời gian, cùng yêu một câu văn Mai Thảo, cùng xuyên đại dương, gặp nhau trong một thoáng phút giây hội ngộ và đó là khả năng siêu việt của nghệ thuật. Quán Trạm cũng là điểm hẹn của hai tâm hồn, xuyên tuổi tác, bất kể khoảng cách không gian, gặp nhau như một ngẫu hứng của đất trời.[1]

Thụy Khuê, Paris, cuối tháng 3.2020

………………………………..

Quán không lúc nào đóng cửa và chỉ mở cửa một ngày trong năm, đấy là điều tôi thuộc lòng, luôn nhớ và tuân thủ như lễ nguyện mỗi Chúa Nhật. Hôm nay cũng như mọi năm vào đúng ngày này, quán mở cửa đón khách, mùng 6 tháng 3. Không biển hiệu, không quảng cáo, không mời gọi cũng chẳng có thay đổi nào ở khẩu vị nhưng chúng tôi vẫn luôn tới đây làm khách, chúng tôi gọi quán café này là Trạm và nhất trí với nhau như vậy, tôi nghĩ gã chủ cũng chấp nhận cái tên này bằng cái gật gù miễn cưỡng, mái tóc muối tiêu bổ đôi già thêm mỗi lần Trạm mở cửa đón khách. Tháng 3 hiếm mưa, trời lúc nắng lúc lạnh, khi thì âm u như tiền đồ của tôi. Mỗi ngày này, tôi rời khỏi nhà khi trời sáng trong, bắt một vé xe và khi trời gần tối tôi mới đến quán, gọi một cốc café đong bằng cốc uống bia, loại café đen, đặc không đường không sữa, không gì cả là nếp truyền thống kể từ ngày mở quán, ai muốn bỏ thêm đường, sữa, vài viên đá nhỏ thì phải tự mang theo, tự mua ở nơi khác, quán không thu tiền nên ai cũng có thể đến, ai cũng là khách, uống bao nhiêu cũng được, ai cũng như ai. Lý do rước tôi vào làm khách ở Trạm không gì ngoài tiếng nhạc hiu hiu từ chiếc cassette cổ lỗ đặt ở góc quán, phải, chính cái góc nhỏ cạnh ô cửa sổ sáng tối là điểm thu hút tôi nhất. Phía đó gồm một chiếc bàn gỗ cũ, một cái ghế cập kênh, chiếc cassette tróc sơn đen đúa dựng sát tường cùng một lọ hoa cắm độc một đóa hồng trắng. Tiếng nhạc vi vu từ góc nhà, một giọng nữ buồn lịm, dong dong như hơi thở. Mây ơi mây hỡi cánh mây giang hồ [2], lúc tôi bước vào thì bài hát đã dang nửa, bao năm nay tôi chỉ nghe thấy mỗi giọng hát này trong đủ loại bài hát thuộc dòng nhạc xưa trước 75. Người ca sỹ thuộc lớp người sau, ôm thân vượt biển để hình thành dòng nhạc Hải Ngoại bóng vang một thuở. Lặng mình, nhấp café, nghĩ, tôi biết tiếng biết hình và quá dễ để mường tượng ra một bóng nữ thân gầy, tóc quăn mỏng buông như nắng gợn bóng mây đang mê ca trong cái quán café xập xệ kiểu nhà gỗ bỏ hoang này. Bài hát nào cũng chất giọng trong veo, ngọt như lời thủ thỉ khẽ khàng của cô nhân tình nhỏ. Âm vực nhẹ, không hứa hẹn một cú đảo cánh vút lên bầu trời, tiếng nữ ca như chiếc lông vũ lượn sóng trên cao, chẳng cần gió, cứ la đà, rong chơi trong tự do. Đã mấy lần người phàn nàn việc gã chủ mở mãi một người, rồi họ yêu cầu mở nhạc khác nhưng chủ gạt phắt đi với lý do gã không phục vụ ai hết, gã mở nhạc cho mình nghe, ai nghe cùng thì nghe, không thì bọc tai bằng head-phone hoặc rời khỏi đây ngay lập tức. Có lần, tôi tận mắt chứng kiến gã chủ đuổi cổ một nhóm khách khi họ bật một dòng nhạc khác với volume đủ mạnh để làm loãng âm thanh trong cassette. Lúc đầu gã đến gần nhóm người, gồm toàn những khuôn mặt non nớt kiểu sinh viên năm nhất, yêu cầu họ cắm tai nghe hoặc tắt nhạc đi. Một đứa cố lờ đi, đứa khác bảo bọn họ muốn nghe loại nhạc cả nhóm đều thích và sẵn sàng khiêng ghế ra ngoài ngồi riêng nếu chủ cho phép, ngồi café với nhau xong họ sẽ kê lại vào trong. Một cái lắc đầu, nhóm người lờ đi, đứa nào đứa nấy chúi đầu vào chiếc iPhone, đôi ba giây hoặc nhiều hơn thế, tôi thấy gã chủ xách cổ đứa con trai to xác nhất hội rồi ném thẳng ra ngoài. Một cú ném quá đột ngột, quá bất ngờ và quá nhanh tới mức tôi ngờ rằng gã đã đạp thằng nhóc ra chứ không dễ dàng như việc tóm gáy con mèo. “Hiểu ý tao chưa!”. Gã nói thế, rồi trong lúc cả nhóm ngơ ngác, vót một tiếng chửi thì gã nắm vào tay một đứa khác rồi kéo dậy, đẩy văng ra ngoài, lần này chính mắt tôi thấy, cú ném đầy sức mạnh và không chút nhân nhượng. Sau đó cả nhóm chạy tháo khỏi Trạm. Đó không phải trường hợp duy nhất, gã có thể hất cẳng bất cứ ai. “Không phục vụ ai hết.” đấy là câu trả lời của gã chủ chứ không phải một viện cớ hòng biện hộ cho thói bạo lực. Luôn có sẵn café, không lấy tiền, dù là tiền chỗ ngồi miễn là đừng ai làm ồn, hãy giữ im lặng như lúc mình vào đây và ra đi cũng lặng thinh như vậy, nguyên tắc của gã chủ là thế ư, tôi chẳng chắc lắm và quá lười bắt chuyện với gã, tôi đến Trạm vì tôi thích nơi này. Trạm không kinh doanh nên chẳng quảng cáo, chào mời ai, cũng rất ít người biết nơi này, như tôi đã viết ở trên, tôi là đứa khách trẻ nhất dù tôi đang ở cái tuổi qua đời của những vua chúa nước Việt, số khách một lần không tính, còn thì rặt những khuôn mặt già nửa lạ nửa quen, xêm xêm tuổi gã chủ. Họ lầm lì, ít nói, lâu lâu ra quầy lấy café, nói chậm vài ba câu, tránh nhìn mặt nhau. Tôi ngửi thấy mùi thuốc lá bén với diêm sinh. Khói uẩn trong tiếng gió ào ngoài cửa, nghe như mưa ta ra đi mất lối quay về, rồi chiều mưa ai đón đưa em [3], tai nghe tiếng gì đấy, tôi quờ tay bên cạnh tìm và đánh rơi cốc café, tiếng vỡ xoảng, thủy tinh lẫn với màu café đen đổ vũng dưới đất, “Mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời”.[4] Ai đó ngân ngứ chứ chẳng phải tôi, cốc vỡ rồi, chẳng còn gì để uống. Mấy con mắt liếc qua rồi quay đi, gã chủ không bắt tội tôi, không bắt tôi bồi thường và chỉ bảo tôi quét thủy tinh và lau lại sàn. Quán Trạm về chiều càng thêm tối bởi quán chỉ dùng một bóng đèn vàng công suất thấp, còn thì luôn mở cửa chính và cửa sổ để đón ánh sáng. Giữa lòng quán nhỏ, eo ót dăm vị khách ngồi trên những chiếc ghế gỗ dài thay bàn, ánh đèn vàng mờ kiểu đèn đường, rồi lúc tiếng cassette rè rè, tôi vút vào ý nghĩ bẻ ngoặt của chiếc băng thâu, tôi tưởng chừng mình đang rơi vào vùng khuất của thời gian, bị hút trong nếp phế tích đã từ lâu không cấn lại trong thời đại này. Trong lưng chừng, nơi đó, nổi bềnh trên mặt biển, tôi thấy khuôn mặt Mai Thảo ho khan trên ngọn đăng, nếu mình dạt về phía đăng, Mai Thảo có với xuống và có nhìn có ho khan nối tên mình vào chúc thư, mưa rừng lên lạnh cóng, trăm con chim mộng rơi trong tuyết, còi tàu bặt không, tôi nhẩm rất thầm, rồi tiếng gì đấy gằn tôi lại, khiến tôi sực mình. Gã chủ cúi xuống, nắm lấy bàn tay tôi đang bầm máu, “Hồn để đâu thế mày?” Gã bảo vậy, địa ngục ngươi là, kẻ khác cơ [5], miệng tôi lập bập, mắt cúi nhìn bàn tay, thấy máu mình li ti như sao rơi.

clip_image002

Nửa Chừng Xuân, tranh của Lê Thị Lựu.

***

Tớ về đây, Điệp chưa xong thì chớ bay vội, cô đồng nghiệp xong việc, chào tôi về trước, còn mỗi tôi trong phòng làm tăng ca bù mấy ngày cáo nghỉ không lý do. Cúi gục những giờ những phút những giây ít ỏi đảo đi đảo lại mười hai con số trước máy tính, gõ lại văn bản, soạn lại giấy tờ, gửi, nhận, in, sửa, chờ thư rồi soát lại từng văn bản trước khi đăng lên fanpage của khách hàng, đến khi tắt máy, nhỏm mình nhìn ra ngoài thì chiều đã về trời. Trong giờ làm việc không ai cấm nghe nhạc nhưng tôi là kẻ khó nhập tâm, chỉ có thể làm một công việc. Sau nữa, tôi thích nghe nhạc riêng một góc và chỉ một mình, dù với chiếc head-phone ôm đầu dành cho máy tính bàn hay tai nghe không dây gắn với chiếc mp3 bỏ túi. Thế kỷ 20 máy móc toàn cầu, internet chiếm đóng toàn thế giới như ngày nay việc tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng với chỉ với vài chữ gõ trên google, chỉ thế, rồi đợi dòng tra cứu mở ra, tôi có thể tìm thấy mọi tin tức mình cần. Đọc, nghe, thấy, tất tần tật về bất cứ ai trên mọi nơi khắp năm châu, ảnh người, ảnh vật, tin vắn, tin dài, dữ liệu lịch sử, những đoản ký từ lâu đã thất tích nay được đăng lên trên thư viện sách, tôi có thể tìm thấy những khúc nhạc xưa, những bài hát mới, ăn khách nhất, và thật dễ để lục ra mọi bài hát của cô ca sỹ nhỏ nức tiếng một thời, nghe cho đã đời nhưng, tôi hừm nhưng như thế, nghe một cách thờ ơ rồi đành tắt đi, gác lại mọi ưu phiền quấn xuýt tâm tư trong vũ khúc mê hồn của ly rượu cay. Trở về Hà Nội, tôi tỉnh bơ và ung dung như trước giờ vẫn vậy. Công việc dài nhẵng từ sáng sớm đến chiều, về nhà ăn tối cùng Giang, chuyện trò đôi câu, hỏi han đôi câu, nhìn đây nhìn đó, mở ti vi rồi tắt, mở iPhone đọc đọc rồi lên giường mạnh ai nấy ngủ. Giang hiếm khi nghe nhạc còn tôi mới nghe nhạc lại, loại nhạc Giang chọn tôi nghe rất chối còn tôi đã quá biết Giang nên sẽ chỉ nghe riêng một góc hay như lúc tôi về Trạm trong ngày mùng 6/3, nhấm nhám tiếng môi vút ra từ chiếc cassette phía cửa sổ. Gã chủ tên gì tôi không nhớ cũng không hỏi, chỉ biết gã đã luống tuổi, như cha tôi, như người chú đã bái biệt dòng họ bằng cái đầu trọc lốc, khoác áo nâu sòng tịnh thiền trong một hang đá dày đặc dơi và rắn. Trạm nằm khuất gần như tận cùng ở núi Xẻ, ẩn trong con ngõ rộng như một con đường tới mức xe tăng nối đuôi nhau tuần hành cùng sinh viên, nhà đơn sơ hai tầng, phía trong là những chiếc ghế dài dựng ngang dọc, khách tới ngồi trên ghế một hình hoặc cùng nhau, tùy ý, ai cũng có café để uống, thuốc lá không miễn phí nhưng ai thèm quá thì có thể xin nhau hoặc xin gã chủ, chỉ một điếu, cắn lửa, khói nghi ngút như thắp hương, hút chứ, gã chủ từng bảo tôi thế nhưng tôi lắc, bảo rằng mình không hút thuốc, gã nhạo rằng tướng tôi phải rất hay thuốc nhưng thôi tao không ép, hết café, muốn gọi thêm thì bảo tao lấy, có người về, có người ngồi lại, chỉ mỗi tôi là ngồi rất lâu thậm chí quá lâu tới mức phải đến khi bụng đói mới lết ra ngoài, lúc gã chủ bảo đã tối, gã phải đóng cửa dọn dẹp thì tôi về, rồi tôi vật vờ đâu đó, tìm một nhà nghỉ rẻ tiền nhất tá túc cho đến sáng hôm sau mới đi tìm xe về Hà Nội. Tóc dài những lọn xoăn phơ phất cỏ, dáng nhỏ, môi đỏ trong chiếc áo hở vai, mắt láy buồng như tiếng hát trẫm buồn mọi bản nhạc là những gì tôi hình dung về người ca sỹ, nhạc của nàng tôi có thể nghe ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nhưng chỉ lúc này nàng mới hát ở Trạm, chẳng cần tiếng vỗ tay và không có cái cúi chào nào, chẳng cần đến một bó hoa đắt tiền, rực đỏ như làn môi dĩ vãng bởi gã chủ luôn cắm sẵn một bông hoa trong lọ, hoa hồng trắng. Một ai đó đang gật gù phía trái, mấy khuôn mặt cỗi tuổi nhưng chưa thật già, tiếng hát tươi trẻ xanh biếc trong bản tình ca muôn thuở đâu chỉ dành cho lũ trẻ choai mới yêu, dường như tiếng hát này dành cho bất cứ ai đã qua một tuổi yêu khờ khạo, ta chạy mù đời ta chạy tàn hơi, quỵ té trên đường rồi[7] tiếng hát véo von gợn một viên thuốc ngọt giấu đi chiếc kim sắc tàn phá ngũ tạng khi acid tiêu hóa hết vỏ nhộng, tôi ngất ngư nhưng không tài nào ngủ được. Trạm mở cửa chỉ một ngày trong năm, những còn lại cửa chưa hẳn đóng, vẫn he hé nhưng gã chủ không tiếp đón ai hết, không có café, không có chỗ ngồi và màu đèn vàng được thay thế bằng bóng điện trắng, sáng quắc như màu tường sơn bệnh viện. Đã mấy lần tôi bắt tàu về Trạm, đi vào ngôi nhà này, rồi đứng ở một góc đủ xa để không ai nhận thấy, lắm lúc là góc khuất sau hàng rào của ngôi nhà và tôi có thấy gã chủ mở cửa để ra ngoài lấy nước ở vòi, khi thì gã lái xe máy đi đâu đấy, có lúc đơn thuần chỉ là việc thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, trả tiền đồ ăn cho grab, chỉ thế rồi tôi ra về, tiếc nuối cho một vé tàu nhanh trong một ngày vô ích. Sau cùng, tôi xóa đi mọi bài hát của người ca sỹ khỏi máy, chẳng nghe thêm lần nào khi về thành phố, về nhà, về công ty, ghim một cú đâm sâu hoắm như người ta đóng đinh treo lịch, cho đến tháng 3, ngày mùng 6, tôi trở lại đây, bác bỏ mọi công việc, không quên cáo phép với Giang về một cuộc hẹn bất thường với đứa anh họ xa lắc bên Đức, lâu lâu mới về, không biết sang đường, quên hết đường đi lối lại, quên phố quên phường, quên một mẩu chuyện cũ không ai trong đám anh em muốn nhớ lại và tôi phải có mặt để đứa anh không phải ngồi một mình, chí ít là lúc đấy, tương tự vòng ôm của anh ta lúc du học khi mới mười sáu, ôm mọi người ở sân bay và khi trở về, thành đàn ông chẳng ôm được ai, sợ ôm chính mình. Người anh họ và người chú là những gì tôi còn lưu lại trước khi loại bỏ mọi vết tích mọi dấu ấn mọi ràng buộc mọi gánh nặng mọi hờn oan ngán ngẩm giữa mình với dòng họ, chuyện về hai người tôi có kể với Giang và Giang gật như lúc này tôi gật, cố tình đến thị trấn này thật sớm nhưng không qua Trạm ngay mà tạt té dăm chỗ khác, ngồi đâu cũng tiu nghỉu mong nghe giọng hát từ chiếc cassette, thuở ấy tôi như con chim lạc đàn [8]…dòng chữ chạy trong đầu tôi rõ như trước mắt, rồi tôi nhẩm theo, tiếng hát không vẫy nổi sự lẩm bẩm trong chất giọng sơ sài bình dân, chừng như tôi chỉ đang tô màu chì vẽ lên chữ cái, cố ngân vang một tiếng hót nhưng chỉ đọc cho hết chữ, cho hết sách và thiêu uổng thời gian, sáo rỗng như muôn kẻ quanh năm đọc mãi một diễn văn, hô hào một khẩu hiệu đạo nhái ở khắp mọi nơi…có còn hơn không [9], gã khùng ngơ ngác nhìn quanh quất, lóng ngóng sợi tơ chỉ khắp Hồng Thập Tự cho đến phút cáo đời trong xe hơi nơi đất khách, người nhạc sỹ chuốt lại bài thơ, đẩy những ngầm âm thành giấy nhạc, đợi đợi, đến khi ai đó đọc làu cả thơ cả nhạc, ơn những dòng chữ bằng tiếng hát của mình, tay bấm bấm, đếm không nổi số lần một bài nhạc được hát lên và khó xuể nổi tên người hát, ai mới là tri giao của thơ của nhạc, con người, khờ khạo tôi uống cốc café đã hết, lưỡi chẳng hớp được gì, răng bập vào miệng cốc. Gã chủ đang bắc ghế ngồi ngoài sân, tôi lười gọi gã pha thêm cho mình cốc café. Người trong quán thưa hơn mọi ngày, mấy khuôn mặt cũ ở quán nom là lạ, khuôn mặt họ vẫn vậy nhưng tóc đã già đi, da dẻ thêm nhăn nheo, phía góc trong có một người đàn bà thân gầy đang ngước tai theo tiếng hát, tôi chịu không biết cô ta nghĩ gì, vị trí ngồi quá xa và quá khuất nên tôi không nhìn thấy mắt người đàn bà. “Sao cứ la cà mãi thế!” Tiếng một người đàn bà trạc năm mươi, da đen nhám, mũi tẹt, mặc áo phông kẻ sọc đi vào, bà ta gọi í ới một lúc bèn đi về phía một người đàn ông, bấy giờ tôi mới biết họ là hai vợ chồng. “Để anh yên một lúc!” – Tiếng đàn ông, “Về đi, sao ông cứ vật vờ mãi thế, đến đây làm gì, thích café thì tôi pha cho mà uống.” – Tiếng đàn bà. Người vợ níu ông chồng dậy, kéo về, gã chủ không định can nhưng lúc người vợ kéo tay chồng mình ra ngoài, bà ta trừng mắt “Ảo não đến bao giờ hả ông, đến đây mà làm gì, ông thiếu gì bạn mà phải chơi với cái thằng không vợ không con, rõ đồ bất hiếu.” Tiếng hát ngớt đi, gã chủ vẫn ngồi ghế, xoay lưng về phía tôi, tôi nghe gã cười như ho “Chị gì ơi, có hai điều tôi cần nói với chị! Tôi và anh nhà chị không chơi với nhau, thứ hai, tôi không nghĩ rằng chuyện hiếu thuận lại liên quan đến việc cưới vợ, sinh con, nếu hiếu thuận dễ thế thì ai cũng có thể cưới thật nhiều vợ, đẻ hàng chục lứa và vô tư chỉ cha mắng mẹ, xưng mày tao, ném đá vỡ đầu. Thời đó đã qua, thời nay không ai làm thế nhưng không phải không có. Tôi không bán hàng nên chả mời gọi ai hết, ai muốn tới chỗ tôi uống café, nghe nhạc và cùng im lặng thì tới, tôi không cấm ai cũng không chào mời ai.” Người đàn bà nhìn gã, né mắt sang nơi khác rồi im lặng đưa chồng mình đi. Người chồng như bị dẫn theo, vợ đi thì mình đi, vợ đứng thì ông ta khựng lại, trí óc như rỗng đi, linh hồn ông ta đang neo trong một thứ gì đấy mà Trạm là thuốc dẫn, người vợ kéo xác chồng về nhà. “Hết café hả?” Gã chủ bảo, tôi gật, cassette dường như đã hết băng, khựng lại, mùi café lẫn trong khói thuốc, mùi trầm thoang thoáng, chắc hôm nay gã chủ có đốt trầm hương ở góc quán.

***

Mưa lại như chưa từng mưa lại như trả nợ mưa cười qua thị trấn [10], tôi nhớ nhất mình đã viết thế ở mục ghi chép trong máy điện thoại, lúc lục lại thì không thấy đâu nữa, thư mục trống không nhưng tôi vẫn nhớ, thuộc nhang nhác về cơn mưa ngày 6/3 năm đó. Đầu tháng 3 hiếm mưa nhưng hôm đấy mưa đã ngợp thị trấn. Hà Nội mưa lớn đấy, anh ở đâu, Giang nhắn tin cho tôi và tôi phân bua gì đấy để nàng yên chí rằng tạnh mưa tôi sẽ về. Gió ngồn ngột kéo vun vút trên đầu, rồi thì mưa, hôm đấy quán thưa khách chỉ đôi ba người, mưa làm lẫn tiếng nhạc. Nhìn ra ngoài, thấy mưa đổ nhào nhưng tôi không ngửi thấy mùi mưa, mũi tôi ngẹt, cóng bởi tiếng đá dòn tan trên mái hiên, vỡ cốp dưới mặt đường. Mưa đá. Gã chủ định khép cửa và tôi nài gã mở cửa ra, gã không gật, cứ để cửa đó. Xác thân đau rã rời, chiếc cassette chạy những ngân vọng từ bài thâu từ rất lâu, chất giọng hiền, trong, buồn phất như chiếc đinh đâm ngực Chúa, tôi thò bàn tay nắm lấy một viên đá ngoài sân, thấy lạnh buốt tới mức run cả bàn tay. Tôi bỏ viên đá vào cốc café, trong tiếng đá rơi ngày một dài ngày một dày, mờ mịt hết ánh chiều tàn thì tôi nghe tiếng ai đấy thốt lên trong quán hò ơi ơi ới hò [11], tôi ngờ rằng người đó đang mường tượng một điệu hò miền Trung, đầu con chỉ mẹ nhặt lại, tóc mẹ có bạc hơn con, vẫn người đó nhả tiếng lẫn trong tiếng mưa khiến giọng casstte thêm nhòa, gã chủ nằm trên hai cái ghế kê sát, vắt vẻo chân, vung vẩy điếu thuốc giữa hai ngón tay, anh hút lại thuốc à, Giang bảo vậy và tôi dập thuốc, từ bao giờ vậy anh? Tôi nhìn Giang như mọi lần và cười, bảo rằng mình không phản bội nàng, không lăng nhăng với ai, yêu thêm ai cũng là tốt, em nghĩ đến điều khác cơ, tôi dập điếu thuốc nhưng khói vẫn lên, gã chủ giơ cánh tay kẹp thuốc lên cao, đọt lửa đỏ lòe trong tiếng hát gãy rời bởi trận mưa, thuốc lá hút chưa xong, khói vẫn lên, rượu nồng bỗng chua cay, đường khuya vắng, âm thầm đi về [12] giọng gã chủ hòa theo tiếng casstte, chả rõ gã hứng chí hát riêng hay dẫn lời cho bài hát tiếp theo, tôi quên khuấy và chẳng nhớ mưa cạn lúc nào, chẳng biết mình có về ngay, xuyên giữa màn mưa cắt xuống đời như hình phạt, ngày 6/3 hôm đấy tôi đã quên uống cốc café bỏ đá, mưa hú ngoài trời, trong Trạm khói loang theo tiếng hát.

***

Chị bay về em vui cũng chẳng vui, gã bảo vậy trong sự tươi tỉnh hiếm hoi tôi thấy suốt ngần ấy lần ghé Trạm, trước mặt gã là một người khách lạ tôi mới thấy lần đầu nhưng với gã thì hẳn đã quen lâu bởi tôi thấy gã gọi người đàn bà tuổi trăng cúi là chị, tôi liếc qua bà ấy chỉ một lần rồi cúi gục, riu riu ngủ nhưng còn rất thuộc dáng dấp thấp nhỏ, mái tóc ngắn đen đổ sóng hai bên, tóc vẫn đen còn khuôn mặt bạc phơ vết thời gian, hàng lông mày kẻ đậm, mắt sâu, hiền nhưng nghiêm, đầy trí tuệ “Chị đến đây rồi, em đuổi sao!”, người khách thân của gã bảo thế, và gã cười, một ngày mùng 6 hiếm khách ghé quán, casstle luôn mở nhưng âm thanh nhỏ hơn thường ngày, “Mười mấy năm rồi còn gì, em vẫn nghe cô ca sỹ này, em vẫn nhớ hồi đó nhỉ?”Mặt gã chắc cũng trầm ngâm, lúc lâu, tôi nghe “Thì chị cũng nhớ cô ấy thôi”, lời hỏi “Ai kia chứ?” rồi gã nói “Còn ai vào đây nữa, Xửa xưa, Ngọ, ai đem bụi đỏ đi rồi. Người đi, khăn gói khỏi trần gian nhưng vì lẽ đó chị không quên được, lâu lâu lại nhớ, ký ức cũ nhập vào đời mình, chiếu ra hàng ngày, cũng như em luôn nhớ đến cô ấy, không lúc nào quên nhưng em không may mắn như chị, chị từng gặp cô ấy, được trò chuyện, nghe cô ấy hát, nghe cô ấy đàn, được dịp phỏng vấn, viết bài về cô ấy còn em chả có gì. Vì giọng hát này mà em liều mạng vượt biển bất chấp việc bầm mình, đột tử giữa khơi, rồi cũng vì giọng hát mà em vượt thêm một lần biển, trở về đây, không còn nghe tiếng đạn rền trên óc nhưng cũng chả bình yên, đời em như phế.” Nghe lặng im, gã nói, giọng vang, đến giờ tôi mới biết có lúc giọng nói gã ấm như Vũ Khanh, “Sách của chị em nhận và đọc rồi nhưng chị chẳng nên đem hết tranh cho đời như thế, người thời nay không biết quý tài sản tiền nhân đâu, tuổi em thua chị một giáp nhưng hiểu cõi đời này nhiều hơn chị đấy, tin em đi, hãy giữ lại cho mình.” Nhạc vút, giọng người khách lên theo bài nhạc “Di à, như em mới nói đấy, sống đến tuổi này, có còn ai muốn gom cho đẫy túi ba gang chứ, riêng chị, nghĩ, thấy mình chưa thực sự giữ được gì, cứ nắm cái gì là nó trôi tuột mất. Thôi thì, chị gửi lại cho người sau để ít nhất họ còn biết đến công quả của lớp người trước, may mắn thì họ trân trọng, gìn giữ, xui thì như em nói nhưng chị nghĩ mình sẽ gặp may.” Tiếng cười, một miệng cười, chả biết tôi có cười không nhưng gã đã cười rất to, tiếng dòn hả hê làm tôi nghĩ đến phút lâm chung của Chekhov “Cứ như đánh cược ấy nhỉ, có khi ván này theo chị.” Thấy xe, tôi vẫy nhưng xa quá, tít kia đường. Thế rồi, tôi đợi, muốn rút một điếu thuốc nhưng lục tìm mãi không thấy, lâu chưa thật lâu kể từ ngày nghe lại nhạc, tôi không hút thuốc ở Trạm nhưng thường cắn thuốc mỗi khi về Hà Nội, điếu thuốc cuối cùng cháy khi nào nhỉ, ắt là tại Hà Nội, trong ngày Giang nốc rượu trên cầu Long Biên, thế rồi… rồi trời lạnh lại, tôi muốn sưởi ấm bằng một điếu thuốc ở thị trấn này. “Ấn tượng, như hoàng hôn.” Người đàn bà thân quen của gã bảo vậy trong lúc vào quán, hay lúc ra về, hay khi gã vỗ vai tôi gọi dậy thì tôi nhớ thế. Cuối ngày 6 tháng 3 năm nào, tưởng mới hôm kia.

clip_image004

Chân dung ca sỹ Ngọc Lan, tranh của Kim Quân

***

Hạn chế tầm nhìn [14], tuổi 44. Bàn tay người nhặt lại viên ngọc bị chôn trong đáy bồ rác bản thảo, ánh sáng tận đáy rồi ngày vẫy nhau, khuôn mặt tủm tỉm trong tấm ảnh treo chiếc đồng hồ mất kim, chiếc dù Tú Xương có xòe cánh giữa Sài Gòn hay ông ấy chỉ cầm, chống như mang nạng rồi chào tri kỷ một lần và mãi mãi. Họ chào nhau lặng lẽ như lúc tôi nghe Giang nói vào tai mình trong lá thư mở vội trên xe khách “…Phải thế không anh, người chồng chứ chẳng phải người tình của em. Từ lúc nào anh lại như thế, em không biết nữa, anh tạm vui vẻ và hay giấu tiếng thở dài, cứ nhìn đâu đó, anh hút lại thuốc còn em không nhận thấy sự ấm áp kiểu thương hại từ anh nữa. Chắc anh còn nhớ, ngày anh gặp em chứ. Lần ấy, trên cầu Long Biên, em hút thuốc và cố chuốc mình thật say, để tê dại tứ chi, như thế lúc em nhảy xuống sẽ bớt đau hơn. Em đọc trên mạng rằng chết nước sẽ ngạt thở, mất 5 phút để chết, như thế vẫn rất đau, em đâu chịu nổi việc mình ngộp hơi trước lúc chết chứ. Đánh lừa cảm giác bằng thuốc lá và rượu thì thật thích hợp, đáng ra em muốn mua ma túy nhưng em ghét bọn hút hít và em cũng không đủ tiền cho một lọ thuốc ngủ chứ đừng nói là morphin hay ma túy. Em muốn đi lúc rạng sáng, đường sá chả có ai, không ai thấy mình thế mà anh lại thấy em, anh ới gọi em xuống. Anh yêu em, ồ, đấy là lý do anh ngăn em lại dù chúng ta chưa biết nhau trước. Làm gì có chuyện anh yêu em ngay lúc đó phải không, rồi sau đó, khi anh đã lừa em khỏi lòng sông, cho tới bây giờ anh cũng không yêu em. Thế mà em đã nghe, cả tin vì chữ yêu như đó là lý do em muốn ra đi mãi mãi. Cùng làm lại cuộc đời, anh bảo thế rồi bỏ thuốc lá, bỏ rượu, ở cạnh em rồi cưới em. Một đám cưới âm thầm chẳng ai biết nhưng em đã khoác váy cô dâu, anh cũng về tít miền quê báo chuyện với mẹ em, người mẹ tội nghiệp lầm lũi một mình với đứa con tội lỗi bỏ đi lêu lổng mười năm. Sống chung, vui vẻ, hạnh phúc nhưng không có tình yêu. Em không chắc mình có yêu anh không nữa, cứ cho là có thì đấy như là sự hàm ơn, được xót thương, cứu vớt chứ trái tim anh không có em. Vì sao em lại nghĩ vậy chứ, thời gian ở bên anh em có nghĩ lắm thế đâu. Cái gì đến cũng đến thôi, cái ngày hôm đó hay từ ngày hôm đó, anh bắt đầu khác trước, rõ là anh không phản bội em nhưng anh buồn bã, hay ưu tư và muốn ở một mình. Đó là con người thật của anh hay là con người mà anh cố vứt bỏ vì em. Em chả nghĩ anh tình cờ dậy quá sớm rồi đi dạo trên cầu Long Biên đâu, dáng vẻ anh hôm đó tiêu điều như người mất ngủ, bóng tối trên mặt anh hôm đó chả khác gì em, thậm chí còn dày đặc gấp vạn, có phải lúc đó anh cũng muốn… Nhưng thôi, em đã viết lá thư này rồi, lúc anh đọc thì em đã đi rất xa. Anh yên chí, em vẫn sống và sống thật tốt như cách anh đã đánh đổi, vứt bỏ mọi điều vì em. Em có ích kỷ quá không anh, nhưng rồi sẽ chẳng còn ràng buộc nữa. Anh đang dần dần trở về con người trước, phần con người mà em không thể biết, ngần đó năm anh không đóng kịch với em nhưng đó cũng chẳng phải con người thật của anh. Đàn ông lắm riêng tư còn em thì ham chiếm giữ. Anh trở lại như trước thì em phải ra đi, ra đi để anh không do dự, trở lại là mình bất kể sau đó thế nào…” Cú đập vai của gã lơ xe giật tôi khỏi bức thư, tôi bảo khỏi cần trả tiền thừa, “Có đủ đéo đâu mà trả lại hay trả cho.” Hắn bảo thế, vẫn xòe tay, tôi bảo rằng chỉ có nhiêu đó thôi “Xuống xe nhé, còn cả đống khách kia kìa.” Hắn bảo, rồi đưa trả tôi xấp tiền lẻ nhàu nát tệp lại như cúng dường. Chen chúc mãi, tôi mới xuống xe và tôi đi bước rất nhanh như khi ra khỏi con ngõ dẫn vào Trạm bắt vội một chiếc xe nhanh. Xe lăn bánh khi tôi xuống xe. Hướng vào ngõ đã khuất nửa con phố tính theo bước chân tôi.

***

Một năm chỉ mở cửa một ngày, một lần cho mỗi năm, không kinh doanh, không phục vụ ai và luôn có sẵn café, lời miệng qua lại, vào tai nhau thành thuộc, đấy là nơi chúng tôi gọi là Trạm. Đứng ở xa rất khó nghe tiếng hát ngọt ngào của nàng ca sỹ, tôi bước chậm nhưng đủ nhanh, tai không ngóng thấy tiếng hát nào để mình từ tốn hơn trong một ngày sáng sủa, trời mây xanh biếc như một phép màu. Lối đi ngắn dần, quanh quẩn nhiều cửa hàng đã đóng cửa, nhà nhà nín thinh cho đến khi tôi cũng nín thinh trước biển cấm của khu công trường không biết có từ khi nào. Vị trí này trước đó là Trạm, giờ không thấy, tôi nhìn quanh, tưởng là mình đi nhầm nên cố lùi đi, lùi lại, hỏi đường rồi đi lại nơi cũ. Hàng rào và dây thép, không thấy quán Trạm đâu. Công trường không hẹp trong một ngôi nhà nhỏ hai tầng, tôi áng chừng chiều dài và độ cao của chiếc cần cẩu xoay tít trên trời rồi hình dung ra một công trình lớn, dài ngẵng bao quát nửa dãy phố. Tiếng búa đóng đinh, cưa đục, máy khoan, thợ hò nhau đổ xi măng, cát tứ tung trong âm thanh máy đục, cắt, làm móng, đổ nền, dỡ cái này cái kia, cần cẩu xoay chiều, chợt, chân tôi lùi lại ngó đây đó và thấy trên cái cột đề tên ngõ có treo tờ cáo phó cũ nhàu, tôi không đọc và tránh nhìn vào cái tên, thật may dưới chân cái cột không có hoa hồng trắng. Lá thư dang nửa chưa đọc hết vẫn gấp đôi trong túi áo ngực. Tôi nhìn vào lối vào trạm nay là cổng dẫn vào công trường thấy một khối rối bời hỗn độn mịt mù đất cát, công trình cao dần và đổ dài, ngoắc như một vũ trường quy mô lớn. Nghe lỏm chán rồi thì dậy đi, gã chủ bảo tôi thế lúc vị khách riêng ra về, chị Tuệ, tiếng gọi bật khỏi lưỡi, tôi thấy gã cười, không biết với tôi hay ai khác, mái tóc gã bạc xóa cả đầu, con mắt sâu độc tươi lên, rồi… rồi… tôi nhỏm dậy bước đi, nhìn thấy bảng cột đề một chữ Hạnh. Chưa mở lại lá thư, tôi mở điện thoại, nhìn vào màn hình mới biết hôm nay cũng là tháng 3, ngày 17.[15]

Người đã vào tro. Tiếng hát lên trời.


[1] Dẫn trong bài phê bình Gai Mây, bút pháp gió.

[2] Trong bài hát Mưa Trên Biển Vắng.

[3] Trong bài hát Nắng Quê Hương.

[4] Trong bài hát Người Đi Qua Đời Tôi.

[5] Thơ Mai Thảo.

[6] Nửa Chừng Xuân, tranh của Lê Thị Lựu.

[7] Trong bài hát Thà Như Giọt Mưa.

[8] Trong bài hát Lệ Đá.

[9] Thơ Nguyễn Tất Nhiên.

[10] Gợi ý của người viết về cách đọc câu này:

Mưa lại như chưa từng/mưa lại như trả nợ/mưa cười qua thị trần.

– Mưa lại như chưa từng mưa/mưa lại như trả nợ mưa/mưa cười qua thị trấn

[11] Câu hò trong bài hát Bà Mẹ Gio Linh.

[12] Trong bài hát Xin Thời Gian Ngừng Trôi.

[13] Chân dung ca sỹ Ngọc Lan, tranh của Kim Quân.

[14] Một trong những triệu chứng của bệnh Đa Xơ Cứng (Multiple sclerosis)

[15] Ngày Thái Thanh qua đời.

Comments are closed.