Quỷ vương (tiểu thuyết – kỳ 2)

Vũ Ngọc Tiến

VU NGOC TIEN.QUY VUONG

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

Thùy Dung lăn lộn trên giường, luôn miệng kêu khát. Đầu nàng nhức như búa bổ, toàn thân nóng ran, miệng đắng ngắt. Chị giúp việc hớt hải chạy vào phòng thấy vậy toan gọi điện cho Quyền. Nàng xua tay ngăn lại, bảo rót cho mình ly nước lạnh. Đợi nàng uống xong, chị giúp việc lấy khăn ướt đắp lên trán. Dung nằm hồi lâu, trân trối nhìn lên trần nhà. Nàng vẫy tay ra hiệu cho chị ta lui ra ngoài, từ từ nhắm mắt, chìm sâu vào ảo giác.

Đêm ấy đất trời tối đen như mực. Mưa rơi rả rích. Hoàng cung im lặng như tờ. Gió mùa đông bắc thổi lộng, rét như cắt da cắt thịt. Lệ Thanh được các cung nữ dẫn vào bồn tắm ghép bằng gỗ quý hoàng đàn trên núi Hoàng Liên mang về. Họ tắm gội cho nàng bằng nước thơm của lá hương nhu, giúp nàng mặc xiêm y toàn bằng lụa quý Giang Tô bên Tầu do thương gia nước Minh qua Nhữ Vi gửi biếu vua và Thái hậu Nguyễn Thị Cận.

Trang điểm xong, họ dắt Lệ Thanh đi dọc mấy dãy hành lang chạm khắc tinh vi để lên cung Diên Thọ vào chỗ vua nằm. Dọc đường nàng ứa lệ gọi thầm trong lòng hai tiếng Bùi Trụ. Thế là sẽ hết đời con gái. Cái ngàn vàng này lẽ ra dành để dâng hiến cho chàng, nay thành miếng mồi thơm đem cho quỷ dữ. Vua đang nằm đợi ở buồng trong, bắt nàng đứng đợi ở buồng ngoài rộng thênh. Giữa nơi nguy nga, sơn son thếp vàng, sao nàng thấy nó âm u, chứa đầy âm khí. Nếu có con dao nhọn, nàng thề sẽ đâm thẳng vào tim tên bạo chúa rồi quyên sinh bảo toàn danh tiết với người mình yêu, nhưng nàng không thể.

Trong ánh lửa bập bùng hắt ra từ nhiều cây bạch lạp to bằng ống nứa. Vua lệnh cho nàng đứng nghiêm giữa buồng lớn. Hai tay nàng đưa lên cao đỡ chiếc khay bằng gỗ quý đang đội trên đầu. Trên khay bày một bình rượu và hai cái ly nhỏ, thảy đều làm bằng đá ngọc do thương gia nước Minh dâng tặng. Vua vỗ tay ra hiệu cho hai cung nữ trần truồng bước vào, giúp nàng cởi hết xiêm y, vứt thành một đống dưới chân và xé vụn thành từng mảnh nhỏ. Tiếng lụa bị xé càng to vua càng thích thú cười vang. Từng tràng âm thanh man rợ cứ lan xa trong, ngoài cung Diên Thọ, giữa đêm đông lạnh giá khiến Lệ Thanh bàng hoàng khiếp đảm, trân trối nhìn vua như ma quỷ hiện hình. Máu trong người như đông cứng lại. Suốt đời nàng không thể quên những tiếng cười ghê rợn ấy.

Sau đó, vua cũng cởi đồ, khỏa thân đi lượn quanh người đẹp nhìn ngắm, hít hà. Hồi lâu Uy Mục với tay rót ra hai ly rượu, một ngửa mặt uống cạn, một dùng tay ấn vào miệng Lệ Thanh bảo uống. Sau mỗi chầu rượu như thế, vua lại sai hai cung nữ mỗi người cầm một đoạn dây thừng bện bằng lụa trắng, ở đầu tết quả cầu to bằng trái quýt dùng tay quất mạnh như mưa lên khắp thân thể Lệ Thanh. Nàng nhắm mắt nghiền răng chịu trận, không dám rên la hay buông tay sợ vỡ bình rượu sẽ đắc tội khi quân, bị chém rơi đầu ngay tức khắc. Hành hạ nàng thỏa thuê rồi, vua mới bảo cung nữ cất khay đuổi ra ngoài, đoạn bế thốc người đẹp lên long sàng làm cuộc mây mưa đến sáng…

Lúc đầu, Lệ Thanh cứ ngỡ mình bị vua hành hạ để trả thù cái tát bên bờ hồ Tây hôm nào. Sau nàng mới biết Uy Mục mắc chứng bạo dâm, mỗi lần phá trinh một phi tần hay cung nữ vua đều nghĩ ra nhiều trò quỷ quái để hành hạ người đẹp trước khi ân ái. Nàng cay đắng nhận ra mình vừa thoát kiếp nô tỳ lại phải làm nô lệ tình dục cho ông vua quỷ, muốn cắn lưỡi tự tử, nhưng phải gượng sống để chờ ngày cha mãn hạn lưu đày trở về.

Có lần nàng chứng kiến vua bắt một cung nữ khỏa thân nằm ngửa dưới sàn, giang tay, giạng chân theo hình chữ Đại. Vua còn lấy bút lông viết thêm vào rốn chữ Vương rồi mới cầm đoạn dây thừng bện bằng lụa trắng, vừa vung tay quất mạnh vừa la hét và uống rượu chán chê mới chịu cùng người đẹp ân ái ngay trên sàn cung Diên Thọ.

Có một điều lạ, với các cung nữ vua phá trinh xong thì quên luôn, còn với Lệ Thanh vua lại rất sủng ái, ban tước Kính phi. Uy Mục còn cho nàng đặc ân được hầu quạt lúc khai triều ở điện Kính Thiên, khi về cung Diên Thọ được ở gần vua mài mực, rửa bút và giúp vua đọc các tấu biểu. Nhờ thế nàng hiểu rõ ngọn ngành vụ án hai quan đại thần Nguyễn Quang Bật, Đàm Văn Lễ được Thái Hoàng thái hậu Trường Lạc khi còn sống luôn tin tưởng, hỏi ý kiến về việc triều chính.

Mùa hè năm Kỷ Tỵ (1509), hai con nhỏ của Kiến vương Lê Tân là Lê Vinh, Lê Quyên cùng đám người hầu bị giam lâu ngày không chịu nổi cực hình và đói khát đã chết dần trong ngục, may được lính canh giúp đỡ nên con cả Lê Sùng dắt em thứ hai là Lê Oanh vượt ngục trốn vào xứ Thanh nương nhờ Nguyễn Văn Lang ở thành Tây Đô.

Triều đình mỗi lúc một rối ren, nhiều quan đại thần gốc gác khoa bảng thời Thánh Tông và Hiến Tông nối nhau thác bệnh hoặc tuổi già xin được cáo quan về quê. Gian thần Khương Chủng và hoạn quan Nhữ Vi được dịp cài cắm người của mình vào lục Bộ trong triều. Tuy vậy, chúng vẫn không yên tâm vì hai đại thần này đang còn tại vị. Uy Mục cũng không ưa họ, muốn giết đi, nhưng không có cớ khép tội.

Năm đầu dưới triều Uy Mục, cấm vệ quân có quyền bắt giam, dùng nhục hình ép cung đến chết không cần xét xử từ thân vương đến các quan. Nhưng với Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật và Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ thì khác, bởi hai ông quá thanh sạch, uy tín lớn. Nhữ Vi hiến kế cho vua, lấy cớ hai ông kết giao thân thiết với cha con Kiến vương Lê Tân, mở cuộc điều tra lý do vì sao Lê Sùng, Lê Oanh dễ dàng vượt ngục thoát thân, trốn vào Tây Đô.

Uy Mục ra ý chỉ cho dinh An phủ sứ của Đình Khoa tra tấn, xét hỏi Quang Bật và Văn Lễ. Hai ông bị đánh đập dã man vẫn cắn răng không nói nửa lời. Mặc dù tội chứng chưa rõ ràng, nhưng Đình Khoa viết sớ xin vua giáng cấp hai ông từ quan tam phẩm xuống ngũ phẩm, điều đi nhận chức một mình ở đất Quảng Nam, còn vợ con phải lưu lại kinh đô làm con tin. Nhữ Vi được lệnh dẫn giải hai ông đến nơi nhậm chức, nhưng vua chiếu cố công lao và tuổi già cho họ đi bằng xe ngựa.

Ngày dẫn giải tội nhân, gia quyến hai ông đứng chật cổng thành khóc lóc tiễn đưa vô cùng bi thiết. Dọc đường thiên lý vào Nam, đoạn từ cổng thành đến trấn Ngọc Hồi, rất nhiều bạn đồng liêu, học trò của hai ông đón đợi, chuyện trò trong nước mắt. Họ dúi cho Nhữ Vi tiền, vàng và hàng trăm lạng bạc nhờ chăm sóc quan Trạng, quan Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ.

Đoàn người ngựa vào đến xứ Thanh bỗng thấy từ xa bụi bốc mù trời. Tổng trấn Tây Đô Nguyễn Văn Lang và quân sư Lương Đắc Bằng phi ngựa, dẫn theo một toán kỵ binh ào ào kéo đến. Hai người mặc giáp trụ, kiếm giắt ngang hông oai phong lẫm liệt. Quân lính đi theo chừng vài chục kỵ sĩ cao to vạm vỡ, cầm theo dáo mác, đeo cung tên, mắt trừng như hổ đói. Nhữ Vi nhìn họ run sợ, mặt như chàm đổ, lưng vã mồ hôi, tay chân lóng ngóng. Họ cùng quỳ xuống đường hô lớn: “Chúng tôi kính chào quan Trạng và Đông các đại học sĩ!”. Hai vị tướng quân phớt lờ gã hoạn quan, tiến lại gần xe ngựa, vòng tay thi lễ, nói:

– Chúng tôi chờ đã lâu, xin hai vị đại thần xuống xe để được hầu tiếp, đưa tiễn một đoạn đường, tịnh không có ý gì khác.

Nguyễn Quang Bật ngồi trên xe ung dung đáp:

– Hai vị tướng quân chắc thừa biết bọn ta chỉ là kẻ tội thần mạo phạm tới vua mà nên nông nỗi này. Xin hai vị về cho, đừng làm kinh động đến sai nha, dân chúng trong vùng.

– Vậy đệ chỉ xin hai huynh cho phép mời một chầu rượu đưa tiễn. Ở bờ sông nơi làng Hạc kia có quán rượu nhỏ, không có gì phải e ngại- Lương Đắc Bằng tiếp lời quan Trạng.

Nhữ Vi lúc này đã hoàn hồn, chạy lại gần xe ngựa nói đỡ vài câu. Buộc lòng hai ông phải chiều ý, xuống xe. Bốn vị đại thần cùng cầm tay tay nhau đi một đoạn đường đất, rẽ vào quán rượu. Nguyễn Văn Lang bắt Nhữ Vi đứng đợi ngoài quán, xung quanh sai lính canh chừng cẩn mật.

Vào đến trong quán, hai vị tướng quân ôm chầm lấy Quang Bật và Văn Lễ òa khóc, thổn thức hỏi han sự tình ở kinh đô. Họ khuyên hai ông cùng về thành Tây Đô bàn kế khởi binh, đánh về kinh thành. Nguyễn Văn Lang cắn răng đến bật máu, thề không đội trời chung với Uy Mục và lũ gian thần. Ông vốn là con trai của Thái úy Nguyễn Đức Trung, em ruột của Thái Hoàng thái hậu. Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật từ chối và nói với Nguyễn Văn Lang:

– Tướng quân không mang theo Lê Oanh là rất may cho chúng tôi, khỏi bị triều thần thêm nghi ngờ khép tội phản nghịch. Uy Mục giờ đây đã lộ nguyên hình thành quỷ vương, tội ác chất chồng, Trời và Người đều oán giận không thể tha chết, nhưng việc khởi binh ở Tây Đô theo ý ta cũng chưa nên nóng vội mà hỏng việc.

– Quan Trạng nói thế là ý làm sao?

– Có hai lý do: Một là lực lượng chưa đủ mạnh, cần chờ thêm nửa năm tuyển mộ binh sĩ, tích trữ lương thảo. Hai là Lê Oanh tuy dòng dõi hoàng tộc, nhưng mới mười bốn tuổi còn quá trẻ không đủ uy tín hiệu triệu các quan. Nếu Lê Sùng còn sống thì tốt, nhưng vì lúc bị giam cầm đã chịu nhiều cực hình nên lâm bệnh chết ở Tây Đô. Muốn việc lớn thành công phải được lòng người quy thuận, nên hai vị tướng quân cần tìm một người lớn tuổi trong hoàng tộc mượn danh nghĩa để hiệu triệu thiên hạ, quy tụ các quan và dân chúng theo về thành Tây Đô.

Lương Đắc Bằng nghe xong, gật đầu tán thưởng. Nguyễn Văn Lang sung sướng nắm tay Quang Bật, Văn Lễ hẹn ngày tái ngộ. Họ cùng uống vài chầu rượu, tiễn nhau thêm một chặng đường dài mới chịu bịn rịn chia tay, hẹn ngày tái ngộ ở kinh đô.

Đoàn người ngựa tiếp tục lên đường, qua hai ngày thì tới bờ sông Lam mênh mông chảy xiết. Nhữ Vi ngồi thuyền lớn đi trước dẫn đường, còn hai ông ngồi thuyền nhỏ, có mấy tên ngư phủ mặt mũi gian xảo dữ dằn, chờ thuyền ra giữa sông thì nhảy xuống nước, lật úp thuyền, dìm chết Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật cùng Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ.

Con sông Lam đôi bờ sóng vỗ, vô tình cuốn theo xác hai nhân tài đất Việt giàu lòng yêu nước thương dân về phía cửa sông. Đất trời mờ mịt nổi cơn giông lốc…

Nhữ Vi xong việc hớt hải cưỡi ngựa, nhằm hướng kinh đô phi nhanh như gió. Hắn không ngờ cái chết cũng đang chờ mình ở kinh đô. Anh em Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Bá Thăng bàn với Uy Mục: “Hoàng thượng mới lên ngôi, giết đại thần có học vấn uyên thâm là điều tối kỵ, chi bằng nhân việc này ta khép tội Nhữ Vi mưu sát họ để yên bụng thiên hạ, lấy lòng các quan trong triều”, Vua Uy Mục nghe theo kế ấy, xử Nhữ Vi tội chết, bêu đầu thị chúng ở cổng thành.

Thực ra từ lâu bọn Khoa, Thăng đã bí mật dò xét quan hệ của Nhữ Vi với sứ thần nhà Minh, giao du với khách buôn phương Bắc, kiếm lợi vô kể. Chúng muốn độc chiếm mối lợi này mà tương kế tựu kế giết Vi. Dòng tộc ngoại thích ở Phù Chẩn từ bữa ấy mượn thế Thái hậu Nguyễn Thị Cận gia tăng buôn bán với bọn người đáng ngờ từ phương Bắc. Cung Chiêu Nhân của bà Cận thường dập dìu đưa đón khách ra vào là người Hán với danh xưng thầy lang, thầy bói, thầy địa lý… , khách buôn được Thái hậu ban ý chỉ gọi vào lo việc này việc nọ cho hậu cung và cho họ Nguyễn làng Phù Chẩn…

Đã sắp tới giờ đến trường đón cu Bil đi học về. Thùy Dung ngồi dậy trang điểm qua loa, xuống nhà đón tay chị bảo mẫu, nựng yêu bé Kel một lúc rồi đi ra cổng biệt thự. Anh lái xe của Quyền như một robot đã được lập trình sẵn, ngày nào cũng lái xe chờ trước cổng lúc bốn rưỡi, dù ngày mưa hay nắng cũng không hề sai hẹn. Anh là người dân tộc Dao ở bản Phìn, có vóc người to cao, cơ bắp săn chắc, lầm lỳ ít nói và có phần bí hiểm. Chú Uy tuyển anh từ lò võ nổi tiếng nhất tỉnh K, cho đi học lái xe về trả thêm ngoài lương rất hậu để kết hợp làm vệ sĩ cho anh trai mình, chứ lương viên chức lái xe ở ủy ban tỉnh có lẽ không đủ tiền uống ăn sáng uống cà phê, lấy đâu người tài mà trung thành, kín miệng tuyệt đối.

Dung nhớ có lần đi xe về Hà Nội mua mỹ phẩm, tranh thủ ghé thăm Hương thì gặp Dân ở đó. Anh nhìn lái xe quan sát rồi quay sang Hương nói bâng quơ, thời bây giờ các đại gia, quan chức dường như cảm thấy bất an nên ai cũng cần vệ sĩ. Ngày xưa, vua Lê Uy Mục luôn bị ám ảnh vì thích khách đã nghe theo lời khuyên của gian thần Khương Chủng mở khoa thi võ tuyển được Võ Trạng nguyên là Mạc Đăng Dung làm vệ sĩ. Ngai vàng có vững là ở lòng dân chứ đâu có thể dựa vào cơ bắp vệ sĩ. Hương lừ mắt nguýt dài, ông làm nhà sử học chưa đủ hay sao còn đòi làm chính khách hay “lều” triết gia nữa thế! Dân không đáp lại cô bạn Hương đáo để, chỉ cười và quay sang nói nhỏ với Dung: “Anh đang nghiên cứu Lịch sử 100 năm thời Lê sơ, có đoạn viết về các khoa thi võ bổ sung vào sách giáo khoa môn Sử, nếu Dung có hứng thú anh sẽ gửi qua mail trích đoạn này đọc chơi cho vui”.

Cái thư ấy Dung đã đọc qua, giờ không nhớ nữa. Từ trường học của cu Bil về nhà phải đi qua cổng chợ giữa giờ cao điểm kẹt cứng vì những người buôn bán nhỏ tràn cả ra lòng đường. Nhìn mấy anh công an la hét tuýt còi, có anh cầm dùi cui đánh đập bà con để dẹp đường cho xe của mình, bất giác câu chuyện Dân kể ở nhà Hương lại bợn lên trong đầu Dung câu hỏi vu vơ: “Anh Quyền cần vệ sĩ hay cần lòng người? Tỉnh K cần nhiều công an dẹp đường cho xe của vợ con ông Quyền hay cần nhiều trường điểm cho trẻ thơ như của cu Bil?”. Và…

Dung lại nôn nao nhớ những ngày xưa, nơi thị xã Y mưa phùn gió bấc, cậu bé Dân con bác chủ nhà trùm áo mưa cõng cô con gái ba tuổi của thầy Hạnh đến lớp mẫu giáo. Cái thời khốn khó ấy hai nhà nương tựa vào nhau, che chở và bảo vệ nhau, làm sao Dung quên được. Nàng về nhà, tắm rửa cho cu Bil xong liền mở laptop tìm lại file thư hôm nào Dân viết về các khoa thi võ thời Lê. Tận thẳm sâu, nàng cảm thấy Dân muốn qua mình nhắn nhủ một điều gì đó tới Quyền…

Đời vua Lê Thánh Tông, đất nước hùng mạnh nhờ coi trọng tìm kiếm nhân tài cả văn lẫn võ, tiếc rằng sách sử ít nói về các khoa thi võ. Từ kinh đô đến các lộ đã có trường dạy văn lại có trường dạy võ của triều đình.

Về văn, từ năm 1463 đến 1496, ông đã đều đặn mở 9 khoa thi Hội và thi Đình, kén chọn được 9 vị trạng nguyên và mấy trăm vị tiến Sĩ, sách sử và bia đá nơi Văn Miếu còn ghi rõ. Về võ, triều đình quy định các quan võ từ tứ phẩm trở xuống phải vào thi ở trường võ, nếu đỗ mới được tiếp tục đào tạo theo quy trình cao cấp bắt buộc để thi võ kinh; bao gồm cả phần thuyết giảng về cách bày binh bố trận, coi thiên văn, xét địa lý, đoán định tình hình kẻ địch, thực hành võ lược, khổ luyện võ công…

Từ năm 1479 trở đi, triều đình bắt đầu hoàn thiện quy trình đào tạo và võ cử. Lúc đầu vua chỉ tập trung vào các con cháu hoàng thân quốc thích và con các quan từ ngũ phẩm trở lên, sau mở rộng ra con cái các quan từ tứ phẩm trở xuống, đến cả thứ dân để tìm ra những nhân tài võ học ẩn dật trong các vùng quê. Thường niên triều đình tổ chức khảo thí vào tháng chạp, sau ba năm đào tạo sẽ dự khóa thi tốt nghiệp ở kinh đô do Binh bộ Thượng thư làm chủ khảo, còn ở địa phương do quan Đô úy hoặc Hiệu úy của triều đình cử về làm chủ khảo.

Theo đó, các khoa thi chia làm hai cấp: cấp sơ khảo ở địa phương gọi là sở cử, ai thi đậu là Toát Sĩ; cấp chung khảo ở kinh đô gọi là bác cử, ai thi đậu là Tạo Sĩ. Vua sẽ đích thân chọn ra 12 Tạo Sĩ để tổ chức tranh tài, kén làm Võ Trạng Nguyên. Đến đời Uy Mục, vì hoang dâm vô độ, làm nhiều điều tàn ác, vua bị ám ảnh có người hành thích, trong đầu luôn ngờ quan, sợ dân. Bởi thế, vua mới lên ngôi được một năm chưa mở khoa thi văn đã vội tổ chức rầm rộ, tốn kém khoa thi võ sở cử và bác cử chỉ nhằm mục đích tìm người tài giỏi làm vệ sĩ cho mình, tổ chức lại đội quân ngự lâm.

Ngày rằm tháng giêng năm Bính Dần (1506) vua Uy Mục dắt theo Kính phi Lệ Thanh và bọn nịnh thần Khương Chủng, Bá Thăng, Đình Khoa thân chinh ngự giá ở Giảng Võ Đường xem 12 Tạo Sĩ tài giỏi nhất nước tranh tài.

Trường thi có võ đài nằm trong khu vực được rào kín, canh phòng nghiêm ngặt, chỉ có một cổng ra vào. Bao quanh võ đài có bốn khu riêng biệt; khu đầu dành cho các quan giám khảo; khu kế tiếp dành cho các quan đề điệu, giám sát; còn hai khu kia dành cho 12 Tạo Sĩ dự thi, mỗi người được có năm người cùng võ đường chăm sóc lúc nghỉ ngơi giữa hai hiệp đấu; nằm giữa hai khu của thí sinh có nhà gỗ là nơi thu quyền gọi là nhà Thập Đạo.

Khác với thông lệ của các cuộc thi võ, chỉ được đả thương, không được truy sát kẻ đã thất thế. Lần này vua ban ý chỉ cho thí sinh được phô diễn hết mức các chiêu thức tuyệt kỹ, nếu có người không may chết tại võ đài cũng không bắt tội. Vì vậy, cuộc tranh tài diễn ra vô cùng khốc liệt, có bảy người chết, bốn người bị thương nặng chỉ để chọn ra Võ Trạng nguyên là Mạc Đăng Dung người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương.

Năm Đoan Khánh thứ 4 (1508), vua Lê Uy Mục tin tưởng người vệ sĩ trung thành đã thăng chức cho ông làm Thiên vũ Vệ đô Chỉ huy sứ ty đô. Mỉa mai thay, năm sau Uy Mục bị giết và 18 năm sau Đăng Dung giết vua Chiêu Tông rồi lại ép vua Cung Hoàng nhường ngôi ở Đông Đô, đến năm sau cũng giết nốt!

Hơn 20 năm có tới bốn ông vua bị giết, chẳng vệ sĩ nào cứu nổi cho mấy ông vua nửa người nửa ngợm!…

Thùy Dung đóng máy đứng dậy. Bỗng nhiên không hiểu vì sao, nàng thấy lòng nặng trĩu, tâm thần thảng thốt một nỗi lo không rõ nguyên nhân. Nàng cố gượng săn sóc các con ăn tối, hướng dẫn cu Bin làm bài tập, vỗ về bé Kel và đọc truyện cỏ tích cho đến khi nó ngủ say.

Dung lại ra vườn, ngồi trong nhà bát giác, nhìn về phía bên kia hồ, nơi có tòa nhà chín tầng của tập đoàn Bin- Kel đang lấp lóa ánh đèn. Đêm nay Quyền dặn trước sẽ không về nhà. Ở trụ sở tập đoàn, trên tầng 9 có phòng họp lớn và 4 phòng đầy đủ tiện nghi, lộng lẫy như khách sạn 5 sao, chuyên dành cho bộ tứ đầu não tập đoàn là Thế Quyền, Đại Uy, Khang quân sư và Xuân Tây Thi sử dụng mỗi khi họp bàn công việc về đêm.

Đồn rằng mỗi khi Quyền ngủ lại đó, bà Xuân cũng ở lại chăm sóc. Ở tuổi bốn hai, bà ấy vẫn giữ được vóc dáng cân đối, đường cong tuyệt mỹ, gương mặt đẹp một cách ma mỵ. Cái tuổi ấy người đàn đẹp đang hồi xuân sẽ giàu sức quyến rũ đàn ông, sành chuyện chăn gối. Nói như chú Uy, đứng trước bà Xuân thì đến Ông Cụ cũng mê mẩn đờ đẫn vì cái mề hê của bà. Tiếng là bà ấy được Ông Cụ nhận làm con nuôi, nhưng ai mà biết chuyện ma ăn cỗ. Huống chi Quyền với Xuân quen biết nhau từ buổi hai người còn làm ăn với nhau ở chợ Đôm 5 bên Nga thời Liên Xô sắp tan rã.

Thời ấy, đa số người Việt làm ăn ở Nga gần như sống quần hôn vì thiếu thốn tình cảm. Giờ tình cũ không rủ cũng tới. Nhưng Quyền là người phân định rạch ròi chuyên ăn phở với ăn cơm. Anh say đắm yêu chiều vợ, chu đáo với gia đình, còn mình vốn thờ ơ chuyên ấy, trách Quyền sao được. Đàn ông càng thành đạt, nhu cầu tình dục càng lớn. Lâu nay anh ngủ với bà Xuân hay bỏ tiền bao các cô hoa hậu, người mẫu chân dài, đi công tác lâu ngày trong ngoài nước mình cũng chẳng mấy bận lòng. Điều đáng lo là trong cái ngày kinh khủng như hôm nay, bộ tứ trụ triều đình vương quốc Bil- Kel đang bàn bạc những gì, liệu có liên quan đến vụ án bà Cao Thị Thơ hay không?

Trong buổi họp báo ban sáng, anh phóng viên gạo cội ở tờ báo lớn từ Hà Nội lên đã dũng cảm hỏi: “Vì sao bà Thơ chết chỉ sau vài ngày bà chất vấn những khiếu kiện của công dân liên quan đến tập đoàn của ông Lê Đại Uy tại buổi chất vấn của kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh?…”. Quyền đã thay mặt lãnh đạo tỉnh trả lời đanh gọn: “Vụ án đang trong quá trình điều tra. Tập đoàn Bil- Kel của ông Đại Uy là doanh nghiệp đầu tàu kinh tế tỉnh K, mỗi năm nộp ngân sách hơn 200 tỷ. Vì vậy những khiếu kiện liên quan đến doanh nghiệp cũng phải chờ thanh tra tỉnh vào cuộc mới có câu trả lời chính xác. Nhà báo và dư luận cần bình tĩnh, tránh nôn nóng phát ngôn bừa bãi”.

Dung nghe trong giọng nói của chồng lờ mờ cảm thấy như có gì chưa ổn, phấp phỏng lo âu… Cứ thế, nàng ngồi bất động suốt đêm trong nhà bát giác. Nhưng đến bốn giờ sáng Dung vẫn ngồi tập thiền, lại thả hồn chìm trong ảo giác sống kiếp nô tỳ Lệ Thanh hơn 500 năm trước…

Quy vuong 145x205 B1 (1)

 

3. Tây Đô nổi loạn

Hiếu Dân cũng thường tập thiền vào lúc bốn rưỡi sáng. Thật kỳ diệu khi hai người cùng khai mở được luân xa thì mọi hình ảnh kiếp Lệ Thanh tái hiện trong ảo giác Thùy Dung được truyền đi theo sóng điện từ nhân điện của nàng và phía anh có ăng ten tiếp nhận. Anh thấy không gian quanh mình bừng sáng. Căn hộ tồi tàn xập xệ của chung cư cũ rích còn sót lại từ hồi bao cấp bỗng nhiên lộng lẫy như cung điện giữa hoàng thành Thăng Long xưa. Mảnh sân chung của dãy nhà tập thể khu Trung Tự với mấy cây xà cừ cổ thụ bỗng như có phép thần, biến thành vườn thượng uyển trong hậu cung, bày la liệt chậu cây cảnh quý hiếm, nở đầy hoa và rộn tiếng oanh vàng lảnh lót ca vang.

Phải thế chăng nên khi anh xả thiền, thoát khỏi ảo giác, đứng ở ban công nhà tập thể, thẫn thờ ngắm nhìn mấy chậu lan hồ điệp treo trước cửa phòng. Và anh lại nôn nao nhớ thầy giáo Hạnh. Nhớ lắm hôm thầy từ chùa Sùng Miên trên núi Hoàng Liên về Hà Nội góp ý cho bản đề cương công trình nghiên cứu 100 năm lịch sử thời Lê sơ của anh.

Hôm ấy, thầy Hạnh thấy mấy chậu hồ điệp héo rũ, lá nào cũng bị gập đôi theo chiều dọc. Thầy bảo hồ điệp là giống cây lan dễ trồng trong các loài phong lan, nhưng phải yêu và hiểu nó như hiểu bạn tình mới biết cách chăm. Hồ điệp không chỉ đẹp ở hoa, còn đẹp ở lá. Một phiến lá từ lúc nhú mầm đến lúc trưởng thành phải đợi hàng tháng. Mỗi cữ hoa nó chỉ ra chừng vài lá thôi, nên lá cũng là của hiếm. Hết một cữ hoa lá non mới nhú, lá già mau chóng tàn héo sẽ mất vẻ đẹp của cây.

Muốn kéo dài tuổi thọ của lá già đến lúc lá non đủ lớn, ta phải rất công phu theo dõi và chăm sóc nó. Lá hồ điệp to bản và dày, gân lá không liên kết theo hình xương cá hay hình mắt võng mà là hình que theo chiều dọc. Vì thế những chiếc lá già gặp nắng, nhất là nắng quái chiều hôm sẽ bị gập đôi như con vừa thấy. Quá trình quang hợp xảy ra ở bề mặt trên của phiến lá, bị gấp lại rồi quang hợp còn đâu, héo rụng nhanh là cái chắc.

Thầy vừa làm vừa hướng dẫn anh từ từ mở từng chiếc lá, lấy khăn mỏng thấm nước lau qua rồi để vào bóng râm có gió hây hây thổi nhẹ, tưới vừa đủ nước. Thầy còn dặn anh làm thế chừng dăm ngày, bỏ thêm vào gốc cây năm viên B1 lá sẽ hồi sinh trở lại. Dân nghe thầy giảng giải, sững sờ kinh ngạc về vốn kiến thức và sự tỉ mẩn của ông. Anh thốt lên: “Nghề chơi cũng lắm công phu”, thầy nhỉ.

Nào ngờ thầy chợt lặng đi. Anh biết mình lỡ mồm vì câu thơ ấy thi hào Nguyễn Du viết trong văn cảnh nàng Thúy Kiều tặc lưỡi chấp nhận hành nghề lầu xanh: “Cũng đành nhắm mắt đưa chân/ Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Vì thế, nàng được mụ Tú Bà bày cho ngón nghề tiếp khách làng chơi, đủ 36 kiểu làm tình với khách. Có lẽ câu thơ làm thầy chợt liên tưởng đến việc bán trinh của Thùy Dung. Thầy đau ở chỗ câu thơ ấy thốt ra từ miệng của mình chăng?

Dân tiễn thầy đi xa rồi còn vò đầu, đấm ngực vì ân hận…

Sớm nay Dân tập thiền chợt từ trong ảo giác tiếp nối với ảo giác của Thùy Dung, anh bắt gặp hình ảnh Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật trên đường đi lưu đày vào miền đất Quảng, dừng lại ở xứ Thanh, trò chuyện với Nguyễn Văn Lang trong quán rượu làng Hạc. Hồn vía anh như thoát khỏi xác, trở về kiếp chàng nho sinh Bùi Trụ, cùng cha Bùi Xương Trạch dù ở kinh đô vẫn âm thầm dõi theo mọi diễn biến trong thành Tây Đô, nơi em trai bà Thái Hoàng thái hậu đang trấn giữ.

Văn Lang chia tay Quang Bật, dọc đường về thành Tây Đô thong dong cưỡi ngựa, suy ngẫm mông lung. Cứ nghĩ đến cái chết thàm khốc của chị ruột trong cung Trường Lạc, lòng ông như có kim đâm dao cắt. Ông chỉ muốn mau chóng khởi binh, đánh thẳng về kinh đô, ngặt vì quân số còn ít, lương thảo dự trữ cũng chỉ đủ dùng trong vòng một tháng. Nếu chiến sự kéo dài e khó lòng chống đỡ với quân của triều đình từ các lộ kéo về cứu giá. Muốn đánh nhanh thắng nhanh phải có thêm một cánh quân khác nữa và có nội ứng ở kinh đô.

Văn Lang nghĩ đến hai người là Trịnh Duy Sản, Mạc Đăng Dung. Duy Sản đang nắm hơn một vạn quân trấn thủ vùng Đông Bắc, dưới trướng có Trần Chân, Nguyễn Kính đều thuộc hạng tướng tài, dũng mãnh. Nhưng ông này ngang tuổi với ta lại ỷ thế là cháu nội khai quốc công thần Trịnh Khắc Phục từng theo vua Thái Tổ ở hội thề Lũng Nhai năm xưa nên rất kiêu căng, ôm nhiều tham vọng. Người như thế liệu có chịu dễ dàng theo ta, đồng lòng khởi sự? Mạc Đăng Dung tuy chỉ làm chức quan nhỏ, nhưng đang là vệ sĩ cho vua Uy Mục kiêm quản Ty đô quân cấm vệ. Người này võ công thượng thặng, thâm trầm kín đáo nên bụng dạ khó lường. Lương Đắc Bằng làm phó tướng của ta, nhưng xuất thân khoa bảng, có tầm nhìn xa, kiến giải sâu sắc thời thế đáng làm tham mưu trong quân doanh ở Tây Đô.

Suy tính hồi lâu, Văn Lang dừng ngựa chờ Đắc Bằng lại gần, hỏi:

– Ta muốn khởi binh sớm, nhưng ngẫm lời khuyên của quan Trạng khi nãy không phải không có lý. Vậy ý ông thế nào?

– Tướng quân nôn nóng báo thù cho Thái Hoàng thái hậu vẫn cần nhớ câu “dục tốc bất đạt”. Thành Tây Đô do Hồ Quý Ly xây dựng chỉ lợi về mặt cố thủ, bất lợi về mặt tấn công. Từ Tây Đô muốn xuất binh phải đi cả một quãng đường hơn trăm dặm ra tới đường cái quan Thiên Lý mới có thể xuôi Nam hay ngược Bắc. Đoạn này đường nhỏ quanh co, ngăn sông cách núi nên hành quân rất chậm, chưa ra đường Thiên Lý thì đối phương đã sớm biết trước để đề phòng.

– Cái đó có liên quan gì đến lời góp ý của Quang Bật?

– Có chứ, thưa tướng quân! Việc binh cốt ở bí mật mật bất ngờ, ta cần thời gian tuyển thêm lính, thao luyện tướng sĩ rồi bí mật di chuyển từng đợt, dồn quân dần về phía các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống là những huyện dân đông, lương thảo nhiều, gần đường cái quan Thiên Lý. Việc này phải làm kín đáo mất ít cũng nửa năm như lời Quang Bật đã nói.

– Thế còn ý kiến tìm một thân vương có uy tín ra lời hiệu triệu thay Lê Oanh thì sao?

– Cái đó cũng rất hệ trọng, bởi ta cần sự hỗ trợ của vài đạo quân khác, nhất là đạo quân lớn của Trịnh Duy Sản. Ngoài ra, em hắn là Trịnh Duy Đại đang làm quan trong triều có thể vận động mọi người hưởng ứng.

– Kế ấy rất hay, tiếc rằng vua Thánh Tông anh hùng cái thế, hiển hách một thời mà bây giờ đến đời con, đời cháu chỉ rặt một lũ như chó lợn cả thôi. Ta biết tìm ai lúc cấp bách này? Lê Oanh xét nhiều mặt quả thật không đủ tầm ra lời hiệu triệu các quan…

Hai người vừa phi ngựa vừa bàn bạc rất tâm đắc. Bóng chiều đã ngả về Tây. Con sông Chu hiền hòa vỗ sóng giữa đôi bờ xanh mướt nương dâu. Làng quê yên bình tỏa khói lam chiều. Xa xa là núi rừng trùng điệp của căn cứ Lam Sơn khi xưa vua Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh.

Họ về đến thành trời vừa tối thẫm. Tắm rửa cơm nước xong, Văn Lang sai người đi mời Lê Oanh đến dinh cùng mình và Đắc Bằng thương lượng, bàn bạc kế hoạch khởi binh. Văn Lang dò hỏi cặn kẽ Lê Oanh về các thân vương, công tử trong hoàng tộc. Cậu bé mười bốn tuổi ấy khá thông minh nên đủ khôn để biết cách trả lời có lợi cho mình. Lê Oanh kể ra hàng loạt thói hư, tật xấu của từng người, quả quyết với Văn Lang rằng sẽ không ai có gan bỏ Đông Kinh hoa lệ về xó thành Tây Đô heo hút này cùng ông khởi sự. Lương Đắc Bằng vỗ trán suy nghĩ, chợt nảy ra sáng kiến:

– Lê Sùng suốt ba năm liền trong ngục bị thuộc hạ của Đình Khoa dùng nhục hình ép cung, hành hạ nên đưa em trai vào Tây Đô được ít ngày thì chết, nhưng triều đình và dân chúng ở kinh đô chưa hề biết tin này. Ta mượn danh nghĩa của Lê Sùng được vua Túc Tông phong tước Cẩm Giang Vương mà thảo lời hiệu triệu chẳng tốt lắm sao!

Văn Lang cả mừng vỗ đùi khen:

– Diệu kế, đây thực là diệu kế, ông nhiều chữ nghĩa hãy thảo ngay tờ hịch đi!

Sau buổi họp bàn, Lương Đắc Bằng bảo Lê Oanh lục tìm trong tư trang di bút của Lê Sùng. Ông dựa theo lối chữ và cách hành văn ấy, nhân danh Cẩm Giang Vương viết lời hiệu triệu các quan và dân chúng cả nước diệt trừ quỷ ác. Trong tờ hịch kể ra 7 tội chết, trời không dung đất không tha của vua Uy Mục: đầu độc vua Túc Tông; ngụy tạo di chiếu để lên ngôi; giết bà nội Thái Hoàng Thái hậu vô cùng dã man; tin dùng bọn gian thần giết hại các thân vương, các quan đại thần không cùng phe cánh; hoang dâm vô độ; tàn ác với dân chúng; dung túng bọn ngoại thích Đình Khoa, Bá Thăng làm càn, băng hoại kỷ cương phép nước.

Nguyễn Văn Lang đọc xong cả mừng, sai người đi bố cáo khắp nơi để tuyển quân, thu nạp nhân tài và dũng sĩ trong hai xứ Thanh Nghệ. Ông còn chọn người giỏi biện bác, thuyết phục để cử làm sứ giả mang tờ hịch đi gặp Trịnh Duy Sản và Mạc Đăng Dung. Duy Sản vốn không ưa Văn Lang, nhưng thấy đây là cơ hội để leo cao, thâu tóm binh quyền cả nước nên rất nhiệt thành hồi âm, hẹn ngày giờ khởi sự. Mạc Đăng Dung tiếp sứ giả của Văn Lang lại rất khôn khéo và tế nhị.

Ông hồ hởi mở tiệc khoản đãi sứ giả, hỏi thăm sức khỏe các vị tướng quân Văn Lang, Đắc Bằng, nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến nội dung những lời hiệu triệu. Vãn buổi tiệc, ông chỉ ghé tai nói nhỏ với sứ giả: “Xin ngài về bẩm lại với chư vị ở thành Tây Đô, ta chỉ là viên quan chức nhỏ tài hèn, nếu đại quân của chư vị đến, ta giúp được đến đâu sẽ cố hết sức”. Đó chỉ là lời hứa gió bay, không có thư từ hồi âm làm bút tích. Tiễn sứ giả đi rồi ông đốt vội tờ hịch, ngồi trầm ngâm suy nghĩ rất lâu.

Ta vốn là kẻ bạch đinh vùng đồng chua nước mặn ven biển, nhờ có chút võ công được về kinh ở gần bên vua làm chức quan mọn mà ôm chí lớn. Lâu nay ta tự biết mình thân đơn thế cô nên kín đáo nép mình một chỗ để quan sát triều chính. Vận số nhà Lê lúc này xem chừng đã mạt. Các phe nhóm quyền lực trong triều đang gầm ghè nhau mưu tính lợi riêng. Nghĩ cũng lạ, ở nước Đại Việt có chủ quyền mà phe nhóm nào trong triều cũng tìm cách dựa hơi, mượn vía nhà Minh. Những lần quốc tang Hiến Tông hay Túc Tông đều có bọn sứ thần nhà Minh là Nhược Thủy và Hy Tăng sang dự. Ngay cả khi Túc Tông vừa mới lên ngôi đã phải sai Đặng Tán mang lễ vật đi phương Bắc triều cống. Trước đó, triều đình cũng đã hai lần cử người đi sứ, bọn Nguyễn Lân, Nguyễn Kính Nghiêm đi báo tang Hiến Tông; còn bọn Nguyễn Bảo Khuê, Trần Viết Lượng thì đảm trách việc thỉnh cầu nhà Minh thừa nhận ngôi vị của Túc Tông. Năm Giáp Tý (1504), vua Uy Mục lên ngôi thủ tục đi sứ bầm báo với nhà Minh rườm rà phúc tạp hơn nhiều, còn đâu khí phách độc lập của vương triều Lê thời Thái Tổ, Thánh Tông nữa!

Song ta tìm hiểu cũng sớm nhận ra mỗi nhóm đi sứ đều đại diện cho một phe cánh quyền lực trong nước, khúm núm trước thiên triều phương Bắc nên bọn Nhược Thủy, Hy Tăng sang đây mới nghênh ngang hách dịch và chắc chắn đã cài cắm nội gián, vung tiền vàng mua chuộc, nhả ít quyền lợi giao thương các phẩm vật quý giá bên Tàu để nắm thóp nhiều kẻ đang nuôi tham vọng lớn trong triều vua Túc Tông, Uy Mục.

Nay Nguyễn Văn Lang muốn khởi binh, chưa rõ ý đồ của nhà Minh ra sao, còn thế cục trong nước thì cánh quân lớn của anh em Trịnh Duy Sản, Trịnh Duy Đại có ủng hộ Văn Lang hay chống cự, ta cần thời gian để quan sát cách thức động binh của Sản. Vậy nên lúc này tốt nhất là “tọa sơn quan hổ đấu”, đợi khi thế cục nghiêng hẳn về phe nào ta sẽ thừa dịp mượn gió bẻ măng, nhảy ra chính trường kiếm một chức quan cao hơn để leo dần lên nấc thang quyền lực mới thực bền chắc…

Mạc Đăng Dung thở phào nhẹ nhõm vì đã gỡ rối được mối tơ vò trong lòng. Rồi đây triều đình sẽ còn nhiều biến loạn và qua mỗi lần như thế ta sẽ lại hưởng lợi, nhích dần lên nấc thang quyền lực mới. Giờ là lúc đưa con trai của ta vào cuộc để thử thách, rèn cặp nó. Đăng Doanh tuổi Canh Tuất (1490) giờ nó đã mười chín tuổi đời, khôi ngô đĩnh đạc, có nhãn quan tốt, biết tính kỹ việc gần đoán định việc xa. Mấy năm qua nó học hành tấn tới ở Quốc Tử Giám, có biệt tài quảng giao. Quan Tế tửu Quốc Tử Giám Bùi Xương Trạch gặp ta thường hết lời khen ngợi Đăng Doanh. Ta cũng mừng vì nó kết giao thân mật với công tử Bùi Trụ giỏi giang hiền đức chứ không a dua chơi bời với đám công tử nhà giàu hay hoàng thân quốc thích hư hỏng.

Hồi Doanh còn nhỏ, có ông thầy tướng người Tầu đi qua làng gặp nó rồi theo về tận nhà, bảo với ta rằng đứa trẻ này có chân mệnh thiên tử. Lời kẻ bói toán chưa biết thực hư thế nào, nhưng ta để ý thấy Doanh là đứa có tiền đồ rực rỡ cũng đủ vui lắm…

Đăng Doanh bước vào thư phòng khép nép cung kính nói:

– Thưa cha, con đã có mặt. Cha có điều gì chỉ dạy con xin lắng nghe.

– Cha muốn bàn việc hệ trọng với con.

– Dạ thưa có phải việc cha tiếp sứ giả của Văn Lang khi chiều?

– Đúng. Vậy ý con ta nên ừ hay lắc?

– Trình cha, theo thiển ý của con thì ta nên nhận lời mà cũng như không nhận.

– Lời con rất hợp ý ta, nhưng hai cha con mình lúc này thử phân tích xem kết cục cuộc nổi loạn của Văng Lang có mấy phần chắc để thành công.

– Con vâng lời cha dặn đã cố gắng thăm dò, ướm hỏi nhiều người có danh phận ở kinh đô nên mạo muội đoán khả năng họ thành công gần như đã rõ.

– Con hãy nói kỹ cho cha nghe đi!

– Trình cha, nếu thế lực Trịnh Duy Sản ngả theo nhóm Tây Đô thì mười phần chắc chín Lê Oanh sẽ tiếm ngôi Uy Mục lên làm vua. Duy Sản dù không ưa Văn Lang, nhưng đây là cơ hội vàng để tranh quyền đoạt vị giữa triều đình, chắc sẽ hùa theo đục nước béo cò. Đó là xét nội tình trong nước, còn mặt bang giao với nhà Minh, nhóm Tây Đô cũng đang có lợi thế, vì quan Thị lang Nguyễn Bảo Khuê đã nhiều lần đi sứ nên khá thân với bọn Nhữ Thủy, Hy Tăng. Ông ta lại vốn là người tâm phúc của Thái Hoàng thái hậu đương nhiên sẽ nói đỡ cho phe cánh em trai của bà, công nhận và ban tước cho Lê Oanh làm An Nam Quốc Vương nếu phe Tây Đô giành chiến thắng. Tuy nhiên, nhân tính không bằng Trời tính. Cha con ta vẫn cứ phải đợi đến khi thế cục ngã ngũ. Lúc đó, con sẽ liều mình trốn ra khỏi thành mật ước làm nội ứng với cả hai cánh quân của Duy Sản và Văn Lang để đẹp lòng cả hai ông. Cha ở trong thành nghe pháo lệnh sẽ chỉ sai thuộc hạ chia hai nhóm, một mở cổng thành, một lùng bắt Uy Mục giao cho Duy Sản là tốt nhất, chứ không cần ra mặt để tránh tiếng phản thần với thiên hạ.

– Vì sao con lại có ý giao vua cho Sản, không giao cho Lang?

– Thưa cha, đó là con tính kế lâu dài. Văn Lang tuổi đã cao, từ ngày chị ruột bị giết thường uống rượu tới khuya, thề ăn tươi nuốt sống Lê Tuấn nên không thọ được bao lâu nữa. Con cái ông ta đông, nhưng chỉ có Nguyễn Hoằng Dụ còn khả dĩ, những người khác đều an phận, không có tài cán hay chí hướng gì. Phe Tây Đô sẽ nhanh chóng yếu đi, chỉ còn Lương Đắc Bằng là võ tướng đa mưu, lại xuất thân khoa bảng nên biết giữ phép bề tôi, trung thành với vua mới. Duy Sản thì khác, lực lượng hùng mạnh, dưới trướng có nhiều tướng tài nên tham vọng tất phải lớn. Cha con ta cần dựa vào ông ta lâu dài để gây dựng lực lượng, uy tín riêng cho mình.

– Cha nghe nói Trần Chân là viên tướng dũng mãnh, trung thành với chủ nên tuy chỉ kém chủ khoảng mươi tuổi vẫn được Duy Sản yêu mến, nhận làm con nuôi, thu lấy bụng anh hùng. Người này rất có triển vọng kế tục cầm đầu phe cánh vùng Đông Bắc. Chân có gia quyến để lại ở kinh thành. Cô con gái lớn tên Trần Bảo Khánh tuổi vừa cập kê, nếu con làm quen để hai nhà kết làm thông gia sẽ có lợi về sau, con nghĩ sao?

– Cha thật khéo tính, có mắt tinh đời lại hóm nữa, như đi guốc vào bụng con vậy. Quả thực lâu nay con cũng có tình ý với tiểu thư Bảo Khánh. Con và Bùi Trụ giáp mặt nàng vài lần khi đi dạo chơi ở phường Bích Câu hay đi lễ ở phủ Tây Hồ. Nàng hình như lúc đầu để mắt nhiều đến Bùi Trụ, nhưng Trụ lại quá nặng tình với nàng Lệ Thanh đang làm Kính phi cho Uy Mục, được vua sủng ái. Nghe đâu nàng và Trụ đã từng là cặp thanh mai trúc mã, nhưng số phận bắt phải chia lìa. Chính con đã từng giấu cha làm cầu nối đưa thư giữa hai người. Lá thư nào cũng đẫm nước mắt…

– Kể cũng tội cho cậu ấy, nhưng làm trai có tài mà quá lụy tình sẽ chẳng nên trò trống gì đâu, con à!… Thôi cha đi vào chuyện chính. Cha rất hài lòng về những gì con đã nghĩ, đã làm. Giờ cha muốn con giúp cha mấy việc: một là cử người dõi theo mọi động tĩnh hai cánh quân của Văn Lang và Duy Sản; hai là tìm mọi cách dò ra cho được đầu mối quan hệ với nhà Minh; ba là cùng với Bùi Trụ làm thân với nàng Bảo Khánh, còn việc kết mối thông gia hai nhà cha sẽ lo, nhưng chắc còn phải đợi một hoặc hai năm nữa cũng nên. Riêng việc thứ hai cha cần dặn kỹ, làm thân với bọn gian tế nhà Minh con phải kiên định chủ ý của cha là chúng lợi dụng ta thì ta tương kế tựu kế lợi dụng trở lại. Làm sao cho khi ta cần nhờ vả thì chúng nhận giúp, nhưng khi thường nhật tịnh không được lộ kẽ hở nào để chúng nắm thóp, xoay ta như chong chóng; như chúng đã từng xoay từ lũ nhãi nhép Khương Chủng, Đình Khoa đến tận cung đình nơi bà Thái hậu Nguyễn Thị Cận đang ngồi. Con hiểu ý cha nói không?

– Dạ thưa cha, con hiểu và sẽ làm đúng theo lời cha dạy.

Hai cha con Mạc Đăng Dung mải mê bàn việc đến tận canh ba mới chịu đi nằm. Đêm kinh thành trời rét ngọt, lay phay mưa bụi. Không gian bốn bề tĩnh mịch. Chỉ riêng dãy phố ăn chơi ở phường Hòe Nhai ngoài cửa Bắc, các tiệm cao lâu, tửu điếm, lầu xanh của lũ người Tàu đội lốt Tày, Nùng vẫn đèn treo hoa kết, đàn sao tưng bừng.

Trong gác hai của tửu quán cuối phố do A Páo làm lão bản, sứ giả của Văn Lang đang thì thầm to nhỏ với Hy Tăng cải trang thành thầy lang người Nùng. Hy Tăng nhận lễ vật của sứ giả vui vẻ nói: “Hảo lớ! Ngộ sẽ về thượng quốc tâu lên Thiên tử công nhận Lê Oanh nếu các vị thắng trong cuộc chiến sắp tới”. Sứ giả hết lời ca tụng và cám ơn Hy Tăng. Họ bí mật chia tay, hẹn ngày tái ngộ khi lễ đăng quang của vua mới thành hiện thực.

Hy Tăng chờ sứ giả đi xa rồi mở lễ vật, kiểm đếm từng thứ, mỉm cười mãn nguyện. Hắn lẩm bẩm một mình, Ta đã từng giáp mặt xem tướng cả Lê Tuấn lẫn Lê Oanh từ hồi tang lễ vua Hiến Tông, có đứa nào ra hồn người đâu. Lê Tuấn vai bè, cầm bạnh, râu rậm, mắt sâu, giọng khàn như vịt đực. Khi hắn đứng lên ngồi xuống quanh thân có viền đen mờ ám. Rõ là tướng quỷ. Lê Oanh hôm ấy mới cín tuổi đã lộ tướng người lệch, mũi to, mắt tin hin như mắt lươn. Cử chỉ thì ăn phàm uống tục không khác loài lợn. Quỷ Vương với Trư Vương làm vua nước Nam Man đều tốt, đều trong chủ ý của Đại Minh ta cả. Ha… a…ha!…

Tháng mười một năm Kỷ Tỵ (1509), quân Tây Đô của Nguyễn Văn Lang từ xứ Thanh rầm rập tiến về Đông kinh vây chặt mặt Nam. Ở mặt Bắc quân của Trịnh Duy Sản kéo về tới Lục đầu giang thì chia hai đường thủy bộ tiến vào vây ép, hò reo xông trận.

Cuộc chiến ác liệt kéo dài ba ngày, quân triều đình cự không nổi rút hết vào trong thành. Ngày mồng một tháng chạp năm ấy, theo mật ước của Mạc Đăng Doanh, đúng giờ thìn các cổng thành mở toang cho quân nổi dậy tràn vào chém giết. Vua Uy Mục trong lúc hoảng loạn trốn vào chuồng ngựa, phủ rơm lên người vẫn bị thuộc hạ của Mạc Đăng Dung bắt trói, dâng nộp cho tướng Trần Chân của Trịnh Duy Sản.

Quá giờ ngọ sang mùi, buổi hành quyết vua Lê Uy Mục diễn ra vô cùng man rợ ở cổng Nam của hoàng thành. Lê Oanh cùng chư tướng đứng trên kỳ đài cao chót vót nhìn xuống, tận mắt chứng kiến Nguyễn Văn Lang chỉ huy cuộc hành quyết. Vua bị trói giật cánh khuỷu, áo quần rách mướp, mặt bầm tím, tóc xõa rối bời nom rất thê thảm.

Các phi tần, cung nữ cũng bị dồn ra pháp trường xem cảnh hành quyết, đứng tụm vào sát tường thành, kêu khóc như ri. Văn Lang sai người cầm loa bố cáo thiên hạ 7 tội chết của vua đã ghi trong tờ hịch của quân Tây Đô. Tiếng loa vừa dứt, ba hồi trống nổi lên, Văn Lang ném lệnh bài xuống pháp trường.

Hai viên đao phủ dữ tợn, người to như hộ pháp vung đao chặt chân, chặt tay rồi mới róc thịt, lọc xương và cuối cùng chém đầu.

Tiếng kêu gào thống thiết của vua chìm dần rồi tắt hẳn, lẫn trong tiếng khóc ngày một to của các phi tần, cung nữ khiến đám đông dân chúng có mặt ai nấy rùng mình, bịt mắt ghê sợ không dám nhìn vào đống thịt người lênh láng máu tươi.

Thế vẫn chưa hả giận. Văn Lang tiếp tục sai người chất củi, nhóm lửa thiêu xác vua thành tro rồi nhồi vào nòng súng thần công bắn lên trời. Không gian u ám, bụi mù tro xác, lợm tanh mùi máu…

Bùi Trụ cũng đứng lẫn trong đám đông người xem vua bị hành quyết. Chàng đến không vì tò mò mà để được nhìn mặt Lệ Thanh. Chàng đau đớn nhìn người mình yêu cùng các cung nữ ôm nhau rên rỉ khóc than. Đời nàng sao quá nhiều bất hạnh, khổ đau chồng chất. Thầy đồ Vọng vừa mới chết nơi biên ải năm ngoái vì lao lực và đau buồn hận đời. Liệu sau sự biến ghê rợn này nàng có được giải thoát ra khỏi hoàng cung. Bao giờ ta mới được gặp lại nàng, Thanh ơi!…

Dân đang miệt mài bên trang bản thảo công trình nghiên cứu chợt có tiếng chuông điện thoại reo. Anh cầm máy, giật mình vì đầu kia ông giáo sư bác sĩ bệnh viện ung bướu trung ương gọi đến, nhắc anh sớm nay là ngày xét nghiệm lại nước tiểu, máu và sinh thiết sẽ lấy từ trong phổi nên không được ăn gì, đến đúng giờ hẹn. Ông là bạn thân của thầy Hạnh nên rất nhiệt tình theo dõi bệnh của anh. Lần xét nghiệm này đã là lần thứ ba, giáo sư sẽ gửi mẫu bệnh phẩm đi nước ngoài xác định các nghi vấn làm cơ sở cho phác đồ điều trị.

Dân thoáng buồn, rồi tự nhủ thây kệ số mệnh. Kiểu gì mình cũng phải hoàn thành công trình này. Nó là tâm huyết cả đời, là sự đền ơn trả nghĩa thầy Hạnh. Thầy ơi, con chưa muốn chết khi công trình còn dang dở! Dung ơi, anh vẫn muốn ngày ngày dậy sớm tọa thiền để được cùng em trong ảo giác sống lại kiếp xưa của Bùi Trụ, liệu có buồn đau hơn kiếp đời thực bây giờ chăng!…

(Còn tiếp)

Comments are closed.