Sài Gòn – Những ngày phong thành (11)

HAI TUẦN CHỐNG CHỌI COVID

Bùi Mẫn

3/3/2021, tôi dậy sớm, cảm thấy có gì không ổn. Đầu tôi nhức kinh khủng. Cổ họng hơi đắng, chớm đau họng.

Tôi viết thư báo sếp nghỉ làm. Lấy nhiệt kế đo sâu trong tai, thân nhiệt hơn 36 độ C, nhưng nhịp tim của tôi nhanh hơn bình thường. Tôi nhắn cho em gái là bác sĩ "hình như anh bị cúm".

Lấy một viên Panadol uống, tôi súc họng bằng nước muối đậm rồi làm một "nồi xông dã chiến" với máy phun hơi nước. Đây là cách dân dã tôi thường làm để diệt virus cúm nhờ hơi nóng của nước. Các virus đều không sống được ở trên 70 độ C.

Sáng ngày thứ hai bị bệnh, tôi viết e-mail báo sếp đã khá hơn. Tôi thường xuyên súc họng nước muối nên không còn đau họng. Dù vậy, đầu vẫn nhức nặng và cứ vài tiếng lại phải uống một viên Panadol. Thân nhiệt 36,4 độ C, nhưng tôi cảm thấy lành lạnh trong người, vài co giật nhẹ. Tôi ngủ sớm hơn vì mệt, nhưng chập chờn. Thức giấc giữa đêm, tôi lấy điện thoại, mở app y tế của chính phủ Dubai đặt lịch hẹn kiểm tra Covid 19 vào trưa hôm sau.

Trong hai ngày, tôi đã không ra ngoài. Cần mua gì thì gọi siêu thị ở tầng trệt, thẻ ngân hàng để sẵn ngoài cửa, nhân viên giao hàng mang tới, tự quẹt thẻ thu tiền và bấm chuông báo tôi biết.

Ngày thứ ba, người tôi nổi nhiều mẩn đỏ ở tay và cổ nhưng không ngứa. Tôi chụp hình gửi em gái, cô bảo trong cơ thể đã có siêu vi và khuyên tôi đến bệnh viện.

Tôi đến trung tâm y tế làm xét nghiệm PCR như đã hẹn, trong khi chờ kết quả, tôi ghé qua bệnh viện để kiểm tra. Bác sĩ bảo tôi đã làm xét nghiệm Covid-19 nên bệnh viện chỉ kiểm tra vi khuẩn ở vòm họng, kiểm tra tổng quát và thử máu. Nhiệt độ cơ thể trên 37 độ C, trọng lượng tôi giảm 4 kg. Kết quả thử cho thấy cổ họng không có vi khuẩn, có lẽ nhờ tôi súc họng bằng nước muối thường xuyên. Kết quả thử máu cho thấy lượng hồng cầu giảm – dấu hiệu của siêu vi tấn công. Để bớt nhức đầu, bác sĩ kê cho tôi thuốc Panadol và khuyên ở nhà nghỉ ngơi.

Tin nhắn xác nhận dương tính với Covid-19 đến vào khuya hôm đó. Tin nhắn tiếp theo của chính phủ hướng dẫn tôi tự cách ly đủ 10 ngày. Tôi ở nhà một mình nên việc tự cách ly cũng dễ, dán thêm thông báo trước cửa phòng: "tôi bị Covid, mọi người khi giao hàng hãy để trước cửa và bấm chuông, cảm ơn!".

Ngày thứ tư, tôi hẹn gặp bác sĩ online để báo kết quả xét nghiệm Covid và xin lời khuyên. Ông khuyên tích cực nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, nhất là phải uống đủ vitamin D và C. Tôi kể mình uống vitamin tổng hợp mỗi ngày. Bác sĩ hỏi "không rõ loại vitamin anh uống có đủ liều không?" – "có", tôi khẳng định. Thật ra tôi đã sai, đánh giá thấp vai trò của Vitamin C và D, bởi lượng vitamin này cần cho người nhiễm bệnh cao hơn rất nhiều.

Tôi hỏi thêm có cần uống thuốc chuyên trị Covid 19 không. Bác sĩ khẳng định lại, chỉ cần sống tích cực, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, bổ sung Vitamin C và D, dùng Panadol khi quá nhức đầu. Với trạng thái lúc đó, tôi chưa cần thuốc khác.

Nghe thì đơn giản, nhưng ăn uống đầy đủ khi bị nhiễm virus không hề dễ. Tôi ăn thuần chay và cả tuần đó đã không còn cảm giác ngon miệng.

Tôi theo dõi nhịp tim và oxy bão hòa trong máu thường xuyên nhờ đồng hồ sức khỏe. Thân nhiệt hôm nay 36,8 độ C. Tôi ngủ nhiều hơn, cả đêm lẫn ngày, cứ mệt là ngủ, thỉnh thoảng đứng dậy tập thể thao cho đến khi ra chút mồ hôi.

Tôi đã mất khứu giác. Tôi xịt khá nhiều nước hoa lên tay và không ngửi được mùi thơm. Tôi nhức đầu nặng hơn, giấc ngủ mộng mị nhiều hơn và thức giấc thường hơn.

Tôi xông hơi một lần nữa, các chai tinh dầu dù nồng thế vẫn không có mùi. Đến chiều tối tôi cảm thấy kiệt sức, nhịp tim tăng nhanh hơn. Lượng oxy bão hòa vẫn đủ, trên 94%, thỉnh thoảng giảm xuống 90%, nhưng chỉ tức thời.

Hai hôm trước tôi đặt mua online bình rửa mũi, và hôm nay nhận hàng. Tôi dùng bình này để rửa mũi với nước muối đậm, và có lẽ vì vẫn súc họng nước muối đều nên trong khi bị Covid tôi không lo về ho, đau cổ hay sổ mũi.

Đêm ngày thứ sáu mắc bệnh thật hãi hùng. Giấc ngủ đầy mộng mị với các các vệt tối sáng. Tôi thức giấc nhiều lần, cơ thể co giật nhẹ nhiều cơn với cảm giác lạnh rờn rợn. Sáng hôm sau, tôi khá mệt. Dù thế, tôi vẫn ráng tập 15 phút thể dục. Nhịp tim hôm nay cao hơn, oxy bão hòa trong máu vẫn đủ. Các vết ban đỏ đã trở nên đậm hơn, màu của máu bầm.

Tôi nghĩ bụng, "mới sáu ngày đã kiệt sức thế thì làm sao chống chọi với bệnh lâu dài?". Tôi thực sự cần sự giúp đỡ của bác sĩ. Cái khó là tôi phải tuân thủ cách ly, không tự ý ra khỏi nhà. Phải làm sao? Tôi nghĩ ra cách gọi cấp cứu. Xe cứu thương đến, hai y tá sau khi kiểm tra nói rằng tôi vẫn "okay", không cần vào viện, có thể tiếp tục nghỉ ngơi cho đến khi khỏi bệnh. Tôi không đồng ý.

Ở bệnh viện, tôi cảm thấy tỉnh hơn sau khi được truyền dịch và đạm, thử máu và chụp X quang phổi. Bác sĩ bảo phổi đã bị nhiễm nhiều nơi. Sau nửa ngày ở phòng cấp cứu, tôi được cho về nhà với các thuốc uống: Vitamnin C và D3, Prednisolone, Zithromax, Siro ho, Lansoprazle và Panadol.

Bác sĩ ân cần khuyên: "ráng ăn nhiều, đủ thể lực, bệnh sau vài ngày sẽ khỏi". Về nhà, tôi cố ăn nhiều hơn, đêm ấy ngủ ngon hơn.

Có lẽ thuốc đã có tác dụng, sáng hôm sau tôi cảm thấy khỏe hơn vì tối hôm trước ngủ ngon hơn. Nhưng đến chiều, tôi mệt trở lại, ngày sau đó đầu vẫn còn nhức, nhịp thở có phần khó khăn, có lúc oxy bão hòa giảm xuống 93%. Tôi tiếp tục ăn nhiều hơn, tập vài động tác thể dục và ngủ.

Rồi tôi lại bắt đầu ho dù cảm thấy đã đỡ hơn khá nhiều. Dấu hiệu tích cực là nhịp tim giảm dần, lượng oxy bão hòa luôn trên 95%, thân nhiệt 36,8 độ C, tôi tạm yên tâm.

Tôi ho nhiều hơn vào ngày thứ 12 nhiễm Covid 19, không phải vì cảm giác ngứa ở cổ mà vì không thể giữ hơi được trong phổi. Mỗi khi mở miệng định nói là bắt đầu ho, không nói thì không sao. Việc thở khó hơn một chút. Thứ bảy tuần đó, tôi vẫn còn ho, khó thở khi muốn thở sâu hay giữ hơi lâu. Oxy bão hòa vẫn tốt, trên 96%. Vì bắt đầu có chút đàm trong mũi, tôi rửa mũi thường xuyên hơn. Tôi mừng rỡ khi cảm giác đói, thèm ăn trở lại sau gần hai tuần.

Hết thời hạn 10 ngày cách ly, tôi đi thử Covid-19, kết quả âm tính. Tôi khỏi bệnh sau 14 ngày.

Có lẽ nhờ nền tảng thể lực tốt, không bệnh nền, ăn uống lành mạnh, không rượu, thuốc lá nên tôi đã vượt qua được Covid-19. Tôi cũng tìm hiểu kỹ để tự chăm sóc cho mình khi mắc bệnh. Hy vọng kinh nghiệm này có thể giúp được mọi người khi Bộ Y tế Việt Nam đang thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà.

Bài học tôi nhận ra: trước khi chờ bác sĩ giúp, mình phải tự biết chăm sóc bản thân bằng lối sống và kiến thức y tế cơ bản.

Và quan trọng hơn với Việt Nam trong lúc này, mọi đường dây kết nối công dân với các cơ quan y tế phải luôn hoạt động 24 giờ, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi của người bệnh – những người đang phải tự xoay xở một mình với virus trong bốn bức tường.

Trong tình huống người bệnh kiệt sức, sự liên lạc và can thiệp kịp thời của hệ thống y tế có ý nghĩa sinh tử. Nghĩ lại, nếu không được cấp thuốc và truyền dịch kịp thời vào ngày thứ sáu nhiễm bệnh, tôi cũng chưa biết sẽ ra sao.

Bùi Mẫn

Nguồn: https://vnexpress.net/hai-tuan-chong-choi-covid-4325478.html?fbclid=IwAR2huexdmP9nJB6r__Li4WPmrgB7WW9UpEr6Tnmo_CWTn8dVx1h0w3Isf34

NHẬT KÝ PHONG THÀNH (SỐ 8): NHÌN TỪ ĐÁY

Tuấn Khanh’s Blog

clip_image002

17/07/2021 ~ TUẤN KHANH

Mới sáng sớm, nghe lao xao, mở cửa bước ra nhìn đã thấy con hẻm cách chục thước bị giăng dây cách ly rồi. Đó là một cái ngõ nhỏ, dẫn vô mấy căn nhà toàn người ở trọ. Có vẻ như là dân ở tỉnh vào, thuê để đi làm. Họ ở gần, mà không bao giờ chạm mặt để trò chuyện được: Sáng tờ mờ họ đã đi, khuya mịt mới về. Người ở ngõ đó cũng không thấy chơi karaoke hay sinh hoạt giải trí gì. Dường như về đến nơi trọ, họ chỉ kịp ăn, ngủ vội để mai lại đi làm.

Đóng ngõ đó, không biết họ sống sao. Anh công an khu vực trẻ buổi tối ngồi gác ở trước dây cách ly một mình, có mắc một ngọn đèn nhỏ tù mù, nhìn buồn buồn như ngõ có đám tang.

Thấy tôi đi mua hàng về, anh chào. Sẵn tiện, tôi hỏi thăm là sao thấy anh chỉ có một mình vậy (ngày thường nhân viên trật tự, dân phòng… của vùng này cũng đông đúc lắm). Anh ngần ngừ rồi nói rằng ngoài các nhân viên ăn lương của chính phủ, ai nấy cũng cần chạy về nhà để lo cho gia đình lúc mù mịt này.

À. Có thể hiểu, khó khăn thật sự đang thúc mọi thành phần quay đầu, nhìn về gia đình của mình. Chỉ mới có một tuần đóng cửa, Sài Gòn đã có quá nhiều chuyện khốn khó hiện ra, ai cũng lo ngay ngáy. Việc xiết chặt phong tỏa với các cuộc tuần tra, phạt… khiến các nơi vẫn đang nỗ lực chia sẻ phần ăn của người nghèo cũng không làm được nhiều như trước. Không ở Sài Gòn lúc này, không đứng dưới đáy của cuộc sống, khó có thể nhìn thấy sóng ngầm đang run rẩy mọi nền móng thiết chế.

Mấy người lo phần cơm từ thiện ở Phú Nhuận kể rằng họ mất một ngày không tiếp cận được khách quen của mình, hôm sau mang được cơm đến, có cụ run run bóc ăn ngay vì đói từ qua đến giờ. Người phát cơm cũng muốn khóc. Gánh nặng của lẽ yêu thương cuộc đời chưa bao giờ trĩu như vậy.

Sài gòn lần đầu tiên chứng kiến những người gõ cửa xin giúp. Họ không xin tiền, chỉ xin gạo, xin nước mắm, xin ít quả cà… Một người họ Huỳnh viết trên trang fanpage Sài Gòn Chợ Lạc Xoong rằng anh bị gọi từ đêm trước để xin thức ăn, bồn chồn ngủ không được. Đến sáng chạy ra đưa thì thấy người già nhận và chắp tay lạy anh. Kể lại với giọng như muốn khóc, anh nói rằng cả đời họ Huỳnh của anh không dám nhận lạy của ai, nên đối diện với chuyện đó, đã hoảng kinh lạy trả. Sài Gòn đã run rẩy đến vậy trong hơi thở, đôi chân, tiếng gọi của kẻ khó. Ai nỡ lòng nào tự cho mình là kẻ đứng trên?

Bài viết của anh được share nhiều lắm. Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau thì anh cho ẩn đi. Mấy người quen đi tìm coi lại, không thấy, thở dài và nói rằng cũng dễ hiểu thôi. Bởi đông người vào bình luận xót ruột, nói nặng về chính quyền. Như tất cả mọi người đang làm từ thiện, đang gánh vác sứ mạng đồng bào ở Sài Gòn hay Việt Nam cũng vậy, phải biết chọn cách bày tỏ. Ngay cả nói về người nghèo, phải mô tả với giọng điệu lạc quan, không được quá cùng cực. Nếu không may bị rơi vào ánh nhìn như kiểu “mượn từ thiện để bôi xấu chế độ”, mọi công việc giúp người sớm muộn gì sẽ gặp khó.

Anh họ Huỳnh đó cũng kể một câu chuyện khác.

“Em ơi cho chị xin hai phần cơm với nha, ở nhà chị còn một đứa bạn. Mấy nay tụi chị không có gì ăn, đói lắm.”

“Dạ đây, chị lấy thêm đồ ăn nè để mai có mà ăn, mua hoặc nấu thêm cơm trắng thôi!”

“Cảm ơn em, cảm ơn em nhiều lắm nha!”

“Mà chị có đi làm không, cố lên nha chị, mùa này ai cũng khó khăn!”

“Đi làm không ai dám nhận em ơi, nên chị chỉ nhận đồ gia công về làm thôi à. Mà cũng bữa có bữa không, đói miết.”

“Ủa sao không ai nhận chị, em thấy đi bán hàng cũng đỡ lắm.”

“Tại hồi đó chị làm… gái. Sau này chị có bệnh nên không làm nữa, sợ lây cho người ta mang tội. Nghiệp mình gieo giờ mình lãnh em ơi, trách chị chứ không trách ai. Giờ đi khám sức khoẻ ra giấy tờ vậy rồi ai đâu dám nhận, nên thôi. Chị cũng không biết mình còn bao lâu, bây giờ chỉ ráng sống rồi đi chùa làm công quả. Cũng mong cuối đời nhẹ gánh, kiếp sau chuộc tội…”

Bạn họ Huỳnh kể, nhìn thấy nước mắt chị ứa ra. Trong khốn khó, có khi người ta không ngại mở lại vết thương của đời mình, và trong chân thành, con người đối diện nhau cũng cảm thấy như cùng chung một niềm đau vô danh hoàn hảo. Triệu con người mang triệu tâm trạng không lời đó, đang quay quắt trong ngày tháng này. Đất Sài Gòn vẫn im lặng ôm lấy họ bao lâu nay, nay kiệt sức mới đành để lộ diện vậy.

Mới quay qua quay lại. Anh H., một anh bạn luật sư gửi cho cái tin nhắn về chuyện “đã lâu lắm rồi, Sài Gòn mới nhìn thấy người đi xin gạo qua bữa”. Mà giật mình, lại là những bạn sinh viên trẻ ở tỉnh. Kẹt ở khu cách ly thành phố. Kẹt ở mùa giãn cách mà nhiều vùng chia cắt không giúp được, họ đành phải muối mặt xin chút gạo qua ngày.

Sao chính quyền không làm như ngày xưa nhỉ? Lúc ốm đau, khốn khó, các chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn mở kho thóc, phát chẩn cho khắp dân đen. Còn bây giờ, chỉ thấy phải làm đơn để đợi duyệt cho đúng thành phần, mở thêm cửa hàng bán cho dân, lại tăng giá điện, giá xăng…

Miếng ăn thôi mà. Một người làm dân phòng xênh xang đến chị gái lỡ đường, thậm chí đến một quan chức… Có phải cái đói luôn công bằng trong từng sự đay nghiến sao?

Năm Ất Hợi, đời Gia Long năm thứ 14 (1815), đã từng có bệnh dịch, ghi nhận thiệt hại có tới 206.835 người chết. Triều đình Huế đã xuất công quỹ 730.000 quan tiền để phát chẩn, mai táng.

Đại Nam Thực Lục ghi, Vua Gia Long ra dụ, rằng “Gần đây nghe có người đau ốm giữa đường, dân sở tại đã không nhận nuôi lại còn ruồng đuổi, chẳng chút lòng thương xót giúp nhau, phong tục ấy rất là bạc bẽo. Từ nay quân dân đi đường có người đau ốm thì chủ quản ở làng xóm đều phải tùy tiện bảo dưỡng, không được ruồng đuổi, mỗi ngày nuôi dưỡng bao nhiêu, nhà nước trả tiền, chết thì cấp tiền chôn cất, để cho kẻ còn người mất đều được nhờ ơn, không một ai phải bơ vơ thất sở. (Cấp tiền nuôi dân và quân mỗi ngày 30 đồng; cấp tiền chôn quân 3 quan, dân 1 quan)”.

Ngày xưa thì vậy. Giờ thì dân với dân, có lẽ nhanh gọn và không phiền hà phán xét gì nhau. Vậy lại nhanh hơn, và tình người hơn.

Đã là ngày 17-7 rồi. Hai ngày trước, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cam kết chi 26.000 tỷ cho người nghèo với phương thức nhanh, quả quyết táo bạo nhất, chưa từng có. Nhưng giờ thì lại không thấy dư âm gì của cuộc ra quân phát chẩn “táo bạo” ấy của chính quyền.

Cũng có thể ai đó, đã được nhận. Mừng cho họ. Nhưng còn nhiều lắm, nhiều gương mặt mệt ngoài, những đôi mắt buồn rầu chờ một tia sáng san sẻ lúc này. Sao nhà nước không dùng 26.000 tỷ đó để mua thực phẩm, hoặc đổi thành phiếu thực phẩm để phát từng nhà, từng người đang bị vây hãm khó khăn từ cuộc phong tỏa, để người không phải chắp tay lạy người, nhìn nhau, rưng rưng khắc khoải?

LỜI KÊU GỌI KHẨN THIẾT SỐ 2

FB Phan Xuân Trung

clip_image004

[VV: Xem lời kêu gọi số 1 ở “Sài Gòn – Những ngày phong thành (4)”]

NHÓM “GIÚP NHAU MÙA DỊCH” TRÊN FACEBOOK

Văn Việt

Sau lời kêu gọi số 1 của bác sĩ Phan Xuân Trung, các bác sĩ, nhân viên y tế đã cùng chung tay hưởng ứng. Một trong những hành động thiết thực và cấp thời nhất là lập ra Group Facebook Giúp nhau mùa dịch để tiếp cận với người dân cần hỗ trợ.

Lời giới thiệu về nhóm có ghi:

“Nhóm này giúp các bạn đang hoạt động trong ngành y tế như bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có thời gian nhàn rỗi, có thể hỗ trợ bệnh nhân từ xa hoặc tại nhà…

Thành viên ghi danh và giới thiệu khả năng hỗ trợ của mình để dân chúng có thể tiếp cận và yêu cầu giúp đỡ.

Các dịch vụ này có thể miễn phí hoặc tính phí công lao động đặc biệt.

Tất cả vì bệnh nhân thân yêu.”

Tính từ ngày thành lập nhóm (12/7/2021) đến nay (17/7/2021), số lượng thành viên đã lên tới hơn 66.100 người, bao gồm đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế… mọi chuyên ngành từ khắp các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc trong cả nước, và rất nhiều công dân Việt Nam (đông nhất có lẽ đến từ Sài Gòn – vùng đang thực hiện giãn cách nghiêm nhặt theo chỉ thị 16), những người cần trợ giúp về y tế.

Hoạt động của Nhóm rất năng động và phong phú thông tin. Các chuyên gia sẽ đưa lời giới thiệu bản thân lên nhóm, gồm họ tên, nơi công tác và chuyên môn, kèm giờ thăm khám, số điện thoại, email. Người dân có thể lựa chọn chuyên gia theo nhu cầu, hoặc trực tiếp đưa vấn đề mình gặp phải lên group, sẽ nhận được tư vấn cần thiết.

Trong bối cảnh toàn ngành y tế dồn lực chống covid, bệnh nhân khó khăn khi đến bệnh viện tại những vùng bị giãn cách, sáng kiến này thật hữu ích và phần nào đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh đơn giản, chủ yếu qua tư vấn, tạo sự yên tâm cho người dân.

LOCKDOWN LÀ CƠ HỘI ĐỂ ĐỔI THAY

FB Nguyen Phuong Mai

clip_image006

A Muslim friend told me that during his first Ramadan, he suffered, but he also changed dramatically,, stopped smoking and drinking soda. I learned from neuroscience that change is easier during disruptive turning points such as having a baby, starting a new job, or organizational merger. Crisis can be a catalyst for Change. It’s a loose structure that gives us a chance to redirect and keep going to that direction when crisis is over.

Khi mình chia sẻ về chủ đề đổi thay với một người bạn theo đạo Hồi, anh nói rằng dịp Ramadan chính là khoảng thời gian để anh hoàn thiện bản thân một cách hiệu quả nhất.

Trong vòng một tháng, người Hồi sẽ nhịn ăn nhịn uống từ lúc sáng sớm tới lúc mặt trời lặn. Nhịp độ cuộc sống thay đổi vừa mãnh liệt, vừa bất ngờ. Nhưng đó cũng là cơ hội để bẻ lái cuộc sống theo hướng mới. Đằng nào cũng phải tốn sức, đằng nào cũng phải chịu đựng, đằng nào cũng phải thử thách tính kiên nhẫn, vậy dại gì không dùng năng lượng đó để ngoặt theo những lối rẽ tích cực hơn?

Và thế là anh bỏ được thuốc, bỏ được thói quen nghiện soda, bỏ được cả cái tính ngủ nướng. Đây là những điều cấm trong dịp Ramadan, nhưng nhiều tín đồ sau khi Ramadan kết thúc thì quay lại thói quen cũ. Với người bạn này, anh đã biến Ramadan trở thành cơ hội để rèn luyện nếp sống mới.

Khi học về thần kinh não bộ, mình được biết rằng đổi thay diễn ra hiệu quả hơn khi ta ở trong những khúc quanh của cuộc sống. Đó là khi ta có em bé, vừa tốt nghiệp, hoặc đơn giản như có một kỳ nghỉ hè. Cơ thể sẵn sàng cho đổi thay, và dại gì mà ta không té nước theo mưa, "bám càng" cái năng lượng của sự cởi mở ấy? Những thói quen mới lúc đầu chỉ là kẻ đi nhờ, nhưng khi tốc độ của cỗ xe sau khúc quanh giảm xuống thì nó cũng hoàn toàn có thể trở thành một thành viên lâu dài hơn trong chuyến đi cuộc đời.

Thế nên trong nguy cơ vẫn có cơ hội. Đại dịch gây nhiều đổ nát, nhưng có những đổi thay tích cực sẽ mãi ở lại. Đối diện với lockdown, chúng ta có thể lợi dụng nó để xây dựng những thói quen mà mỗi ngày hay bị cuộc sống thường nhật cuốn đi.

Mình thấy nhiều bạn bắt đầu dành thời gian cố định để chơi và trò chuyện với con, tụi nhỏ được rèn cho làm việc nhà và tìm hiểu về khoa học dinh dưỡng, lũ nhóc bé xíu được đọc truyện cho nghe trước giờ đi ngủ…

Một người bạn khác của mình viết nhật ký biết ơn – gratitude journal. Ngày viết thứ nhất là khi bạn ý được cho bó rau xanh. Nhật ký biết ơn ghi lại những điều tốt đẹp đã đến trong ngày, chỉ vài dòng thôi, nhưng có tác dụng khiến bộ não được cung cấp nguồn năng lượng tích cực, kéo ta ra khỏi cái đại dương mê hoàng của sự sợ hãi và thị phi ngoài kia.

Mình phải cảm ơn lockdown vì có nó mà mình rèn luyện được thói quen tập thể dục siêu nhanh. Mình nghiện trà, uống gần chục cốc mỗi ngày. Khi cắm điện chờ nước sôi (chừng 1-2 phút) là mình tập một động tác nhất định như hít đất, plank, hay chạy chân cao tại chỗ. Hết lockdown mình giữ nó thành thói quen, để dù có bận đến mức nào thì mỗi ngày mình cũng đã có ít nhất 10 phút vận động cơ thể.

Sài Gòn ơi, lockdown cũng là cơ hội để đổi thay. Khi dịch tan, những nét đời đẹp đẽ thì mình sẽ cùng nhau giữ lại nhé clip_image008.

BÀI HỌC CỦA MẸ

FB Binh Bong Bot

Mẹ tôi có bệnh nền từ lâu, mỗi tháng đều phải vào bệnh viện truyền máu huyết học để theo dõi và lấy thuốc. Khi các bệnh nhân COVID-19 đã tăng từ vài trăm nên con số vài nghìn mỗi ngày, các bệnh viện tuyến đầu được trưng dụng cho mục tiêu quan trọng nhất là ngăn chặn đại dịch. Lịch hẹn tái khám của mẹ tôi ra thông báo: bệnh viện truyền máu huyết học từ Phạm Viết Chánh, quận 1 ra tuốt Bình Chánh, cách đó gần 20 cây số.

Thoạt đầu tôi đã rất thất vọng với việc này. COVID-19 không thỏa hiệp với ung thư, tiểu đường hay đột quỵ. Nhưng trong lúc dồn toàn bộ nguồn lực y tế cho COVID-19, người ta dường như đã bỏ quên những con người vốn đã chiến đấu với bệnh tình của họ từ trước khi dịch đến. Người ta thống kê hàng ngày số người chết vì COVID-19, nhưng có ai thống kê số người chết vì ung thư hay suy thận?

Tôi và mẹ chạy lên Bình Chánh, đi lạc một hồi cũng tìm được bệnh viện truyền máu, nằm sau lưng bệnh viện Nhi Đồng rất lớn. Sau hơn hai tiếng xét nghiệm COVID và khám bệnh, mẹ quay trở ra. Và tôi nhìn thấy mẹ vui vẻ vì đã lấy được thuốc. Mẹ nói bệnh viện mới này rất khang trang, mát mẻ và rộng rãi. Tôi vẫn nhớ cảnh một cái giường nhét tận bốn con người mà mẹ tôi phải từng nằm ở Phạm Viết Chánh. Một căn phòng bốn giường, gần hai mươi con người lèn nhau trong một không gian chưa đến 30 mét vuông. Ai cũng mệt mỏi, nhưng cố chịu đựng để chờ được lọc máu hay khám bệnh.

Bệnh viện mới rộng gấp mấy chục lần, mẹ nói. Người này ngồi cách người kia xa lắm. Bên trong mát rượi như siêu thị, chờ cũng không lâu dù phải xét nghiệm thêm COVID. Và nhờ đi xa, mẹ con tôi có thêm cơ hội trò chuyện với nhau trong bối cảnh giãn cách xã hội ngăn trở điều đó. “Giống như được đi chơi á mà, chứ ở nhà chán chết,” mẹ nói.

Tôi biết nhiều người đang cảm thấy bất mãn với cách chính phủ xử lý với COVID, đặc biệt là ở Sài Gòn. Chính tôi trong những ngày tháng tiêu cực cũng cảm thấy thế. Nhưng tôi nghĩ nếu bệnh viện truyền máu vẫn ở Phạm Viết Chánh, chỉ cần một người nhiễm bệnh, cái không gian chật hẹp ấy sẽ lập tức kích hoạt một quả bom. Nghĩa là ngành y tế có lý khi đẩy bệnh nhân ở những bệnh viện luôn quá tải đi ra xa thành phố.

Chung cư tôi có F0. Loa chung bắt đầu hoạt động nhiều hơn và ban đêm ngủ, tiếng còi y tế bắt đầu gần hơn và trở nên đáng sợ hơn. Nhưng tôi tự nhủ: mình thật may mắn vì còn kịp chở mẹ đi khám bệnh trước khi nơi này chẳng may bị giăng dây và mình không được ra khỏi nhà. Quan trọng hơn, mình còn có xe để chở mẹ đi, mẹ vẫn có thể ra về cùng thuốc, và quan trọng hơn, một nụ cười.

Sáng nay anh Trần Đại Thắng gọi. Anh bảo chín ngày qua anh không rời khỏi phòng mình. Làm việc trong hơn một tuần hiệu quả hơn hai tháng vì không còn phải tốn thời gian đi nhậu, đi đánh golf hay gặp bè bạn giao tiếp. Anh sẽ cố làm tối đa công việc để khi mọi thứ bình ổn sẽ đi chơi bù.

Hai năm trước, cả thế giới nhìn về Thái Lan, nơi mười hai cậu bé trong một đội bóng bị kẹt trong hang Tham Luang cùng với người HLV. Đội cứu hộ làm việc hết sức nhưng cũng chỉ có thể cứu được họ sau chín ngày. Chín ngày không ánh sáng, không thức ăn, điều gì đã giúp những cậu bé kia sống sót? Chỉ có thể là hy vọng. Có lẽ thay vì vẽ ra những thảm cảnh, chúng đã cùng nhau nghĩ về những viễn cảnh tươi đẹp khi được thoát ra khỏi đó.

Mẹ tôi lại vừa dạy cho tôi một bài học về sự lạc quan. Chúng ta hãy tin là đại dịch sẽ dần được kiểm soát, hãy tin là thuốc Molnupiravir có thể trở thành lời giải cho nhân loại. Những ngày này, có lẽ ít nhiều ai cũng có cảm giác bị cầm tù. Vậy có lẽ đã đến lúc mở The Shawshank Redemption để xem lại. Bộ phim ấy nói về một nhà tù với một tagline kinh điển: Nỗi sợ cầm tù bạn, nhưng hy vọng sẽ giúp bạn tự do.

Hãy giữ lấy niềm tin là chúng ta sẽ ổn. Nếu chưa ổn, chỉ là niềm tin chúng ta chưa đủ lớn mà thôi.

Cùng nhau, chúng ta sẽ bình an.

 

25 TẤN RAU CỦ QUẢ

FB Hoàng Mạnh Hà

25 tấn rau củ quả do các sơ Dòng Nữ Vương Hoà bình Ban Mê Thuột gửi đồng bào Sài Gòn đã về đến văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam sáng nay.

Dòng Nữ Vương Hoà Bình có rất nhiều chị, nhiều bạn học của mình đang tu ở đó. Họ rất xinh đẹp, giỏi giang lại giàu tình nhân ái.

Tấm hình đầu tiên có dòng khẩu hiệu mà các chị đã chọn, được trích ra từ Kinh Thánh: "Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi". Noi theo khẩu hiệu này, khắp những nẻo đường đất đỏ, khắp buôn làng xa xôi đều có dấu chân phục vụ của các chị.

Những bó rau này do chính các chị trồng tưới để phục vụ cuộc sống hằng ngày cho gần 500 nữ tu trong dòng. Công việc trồng rau cùng với nhiều ngành nghề khác như giáo dục mầm non, trồng cà phê, tiểu thủ công… cũng là những ngành nghề mưu sinh của các chị.

Ngày thường, một phần rau củ được được đưa ra chợ bán để giải quyết cuộc sống và để phục vụ. Nay những chuyến rau củ thấm đẫm mồ hôi ấy không ra các chợ ở Ban Mê Thuột nữa mà hướng thẳng về Sài Gòn.

Trong số 25 tấn quà ấy còn có sự đóng góp của rất nhiều ông bà anh chị em Giáo phận Ban Mê Thuột. Mọi người đã tin yêu gởi gắm nơi các sơ và các sơ đã khiến nhiều người liên tưởng đến tên của một bộ phim nổi tiếng Sister Act – Khi các sơ hành động.

 

——–

Ảnh:

– Các ảnh nhận hàng: Văn phòng Hội đồng Giám mục VN

– Ảnh về hoạt động của các sơ Nữ vương Hoà Bình: Lượm lặt trên mạng.

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

Có thể là hình ảnh về 2 người và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và núi

Không có mô tả ảnh.

Có thể là hình ảnh về 1 người

Không có mô tả ảnh.

Có thể là hình ảnh về đang đứng và trong nhà

Không có mô tả ảnh.

Có thể là hình ảnh về 2 người và mọi người đang đứng

CẢ NƯỚC CÙNG HƯỚNG VỀ MIỀN NAM

FB Bánh Bao Thịt

SÀI GÒN CỦA MỖI NGƯỜI

FB Kim Barton

Trong mắt của từng người, dù sống ở Sài Gòn hay không, Sài Gòn hiện ra với nhiều vẻ khác nhau: Sài Gòn hoa lệ, Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông, Sài Gòn hào phóng, Sài Gòn bao dung, Sài Gòn xô bồ… Nhưng trên hết, Sài Gòn là nơi nuôi dưỡng rất nhiều ước mơ và biến những ước mơ đó trở thành hiện thực.

Đó là Sài Gòn của tôi từ khi cuộc đời đã đưa tôi đến đây và thành cư dân của SG.

Tôi có một ông bạn người Anh, ban đầu là khách hàng từ 12 năm trước, lâu ngày thành bạn, đủ thân để gặp nhau mỗi tuần 1 lần và buôn tất tần tật mọi chuyện trên trời dưới đất kể cả chuyện gia đình.

Hầu như sáng thứ bảy nào chàng cũng đến cửa hàng của tôi, thưởng thức 1 ly latte trong khi tôi bận rộn với khách hàng. Có hôm chàng còn phụ tôi bán hàng hoặc tám với những người đang chờ được phục vụ.

Thứ bảy tuần rồi chàng đến, vừa ngồi xuống với ly cà phê còn nóng hổi, chàng hỏi tôi "Kim, Sài Gòn phong tỏa rồi hả" Tôi trả lời "ừ, sao ông biết", chàng bảo "tôi đọc báo và có coi mấy cái clip người dân đi phát thực phẩm cho nhau, có cả những người đi xe máy phát cơm cho những người vô gia cư…"

Tới đây, không thấy chàng nói gì nữa, tôi quay qua thì thấy chàng đang tháo kính ra và lau nước mắt.

Tôi hỏi "ông khóc đó à". Chàng trả lời "sao con người ở đó khổ quá vậy, mà cũng tốt quá vậy" …

Tôi đã muốn kể cho chàng nghe về những số phận gắn liền với những đống rác của SG mà bây giờ SG kiệt quệ đến nỗi rác cũng không có như bài viết của chị 5 Kim Cúc Ngô Thị của tôi. Nhưng tôi không dám kể vì biết tôi sẽ khóc và chàng sẽ khóc. Mà tôi thì sáng đó đang chải mascara và cũng không muốn bạn bè quanh đó cùng khách hàng thắc mắc không biết sao hai người đều đã mang nhẫn cưới, có oan tình uẩn khúc gì mà ngồi thút thít với nhau giữa thanh thiên bạch nhật ở chốn đông người.

Vậy đó, một anh chàng Ăng Lê chính cống, mắt xanh tóc vàng, ở nơi cách Sài Gòn 15 giờ bay, chưa bao giờ đến VN hay SG, chỉ biết SG qua tôi và internet, giờ đây đang khóc trước mặt tôi vì thương SG của tôi đang khốn khó nhưng cũng đang đầy lòng trắc ẩn.

Không dám nhìn vào đôi mắt đầy nước mắt của chàng, tôi nhìn đi chỗ khác và đưa chàng chiếc khăn giấy để chàng lau nước mắt. Rồi tôi giả vờ lui cui tìm mấy cái bánh ngọt để chàng uống hết ly cà phê chờ cho những giây phút nghẹn ngào của hai đứa trôi qua.

Lúc chàng sắp về, tôi hứa có dịp về VN sẽ cho chàng tháp tùng, sẽ chỉ cho chàng những nơi đẹp như mơ của quê tôi và nhất định sẽ đến SG để biết và cảm nhận SG thật, một SG nhân văn, đã làm chàng động lòng rơi nước mắt.

Hẹn gặp nhé, Sài Gòn.

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Tiếp tế đồ ăn, hỗ trợ trái tim

#tuoitrecuoi #truyentranh #biemhoa

clip_image010

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Vượt lên chính mình: Đi chợ trong 10 phút

#tuoitrecuoi #truyentranh

clip_image012

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Gãy chuỗi cung ứng: Thành phố thèm rau, nông dân nhổ bỏ

#tuoitrecuoi #biemhoa

clip_image014

TRANH Giáo lý Sketching

Thương quá, Sài Gòn ơi!!clip_image008[1]

Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời clip_image016clip_image016[1]

clip_image018

Comments are closed.