THÔNG TIN:
*Thủ tướng: Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối
http://vneconomy.vn/thu-tuong-xac-dinh-song-chung-lau-dai-voi-dich-khong-the-khong-che-tuyet-doi.htm
*Y tế tư điều trị bệnh nhân Covid: Cần ủng hộ chủ trương của TP.HCM
*Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Tránh ngộ nhận về thuốc kháng virus khi điều trị COVID-19
*Pfizer lên tiếng trước thông tin một doanh nghiệp VN nhập 15 triệu liều vắc xin
*Triển khai website ‘đi chợ giùm’ tại 63 tỉnh thành
https://thesaigontimes.vn/trien-khai-website-di-cho-gium-tai-63-tinh-thanh/
*Shipper tại TP.HCM được miễn phí xét nghiệm nhanh Covid-19
*Tiki đề xuất giao sách giáo khoa miễn phí tại TP.HCM
https://zingnews.vn/tiki-de-xuat-giao-sach-giao-khoa-mien-phi-tai-tphcm-post1256462.html
CHUYỂN TẦNG F0
Hiện mô hình điều trị bệnh nhân covid-19 của thành phố Hồ Chí Minh đã điều chỉnh còn 3 tầng, giúp thay đổi khá nhiều ở tầng 1 và tầng 2. Đã có những tín hiệu lạc quan hơn như: bệnh nhân đã có thể tiếp cận được sớm với hệ thống y tế do có nhiều nhân viên y tế công lập và tư nhân hơn tham gia cùng các anh chị y bác sĩ ở các tuyến phường, quận, huyện hỗ trợ tham vấn điều trị bệnh nhân covid-19 (F0) nhẹ tại nhà; số giường bệnh ở các bệnh viện thuộc tầng 2, 3 tăng lên do nhiều bệnh viện quận và thành phố, công và tư đã tiếp nhận bệnh nhân covid-19. Mặc dù vậy tình hình vẫn chưa hạ nhiệt với tỉ lệ nhập viện và tử vong của bệnh nhân chưa giảm.
Tham gia tư vấn điều trị bệnh nhân F0 tại nhà cùng với các anh chị nhân viên y tế tầng 1, tôi nhận thấy có 5 vấn đề sau xảy ra ở tầng 1 cần được cải thiện:
– Sử dụng thuốc kháng viêm và chống đông.
– Theo dõi sát bệnh nhân.
– Nhận diện kịp thời bệnh nhân nặng.
– Chỉ định và điều trị oxy tại nhà.
– Chuyển bệnh nhân lên tầng trên (tầng 2, 3)
Trao đổi với nhân viên y tế ở tầng 1, thì hầu hết đều muốn tôi phân tích vấn đề thứ 5: Chuyển tầng cho F0, và cho rằng đây là thách thức lớn nhất từ đầu mùa dịch tới giờ, chưa hề được cải thiện và điều này phần nào giải thích vì sao con số tử vong chưa thể giảm. Vấn đề này nhân viên y tế tầng 1 không thể nào giải quyết được vì thực sự nó là vấn đề của tầng 2, 3 và của hệ thống tổ chức y tế. Trong phạm vi của bài này tôi sẽ bàn về vấn đề thứ 5. Vì sao rất khó chuyển bệnh nhân trở nặng ở nhà, hoặc cơ sở y tế tầng 1 lên tầng 2, 3, khiến cho bệnh nhân thiếu oxy máu kéo dài và hầu như khó tránh phải thở máy và tử vong sau đó? Theo nhận xét của tôi có 3 nguyên nhân chính sau:
(1) Qui trình chuyển bệnh nhân nặng hiện tại sai nguyên tắc cấp cứu. Hiện chúng ta đang ban hành và áp dụng một qui trình máy móc dẫn đến sai cơ bản về nguyên tắc cấp cứu. Bệnh nhân cần tiếp cận được với hệ thống y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất không chỉ đơn thuần là họ được gặp nhân viên y tế mà họ phải được hỗ trợ tốt nhất, đúng nhất, hiệu quả nhất. Nếu hiểu đúng theo ý này thì có lẽ chúng ta không đạt, vì rõ ràng bệnh nhân trở nặng cần được hỗ trợ điều trị thích hợp nhanh chóng ở tầng trên nhưng chúng ta không làm điều này. Qui trình hiện nay là khi bệnh nhân trở nặng, chúng tôi phải báo đội phản ứng nhanh, rồi tới y tế phường, rồi phường báo quận, rồi quận mới tìm nơi chuyển có khi mấy giờ đồng hồ, phải có nơi nhận thì gọi 115 hay 113 mới chuyển, nếu không nơi nào nhận thì cũng không chuyển được. Nhiều bệnh nhân chỉ số oxy máu thấp (SpO2), nhân viên y tế đã cho thở oxy nhưng vẫn không hiệu quả (SpO2 < 90%), thậm chí có những bệnh nhân còn 60-80%, nhưng cũng không được phép sai trình tự, nhiều gia đình nóng lòng đem đến bệnh viện gần nhất đều bị đuổi về trở lại nhà cho đúng trình tự. Dù Sở y tế có ra công văn, bệnh viện nào từ chối sẽ chịu trách nhiệm nhưng sự việc vẫn tiếp diễn, người dân sợ hãi không dám phản ánh. Tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy và tất cả sau đó đều phải thở máy và tử vong dù lúc gọi cấp cứu SpO2 là 90%.
Tại bệnh viện, từ khi còn làm bác sĩ nội trú cách nay 30 năm cho tới nay, nếu ngồi phòng khám mà bệnh nhân đến khám có SpO2 < 90%, là phải chuyển ngay vô Khoa Cấp cứu, tuyệt đối không để bệnh nhân đi lòng vòng, nếu không sẽ bị lãnh đạo khiển trách rất nặng, vậy mà giờ đây bệnh nhân covid-19 nguy hiểm hơn nhiều, nhưng phải đi vòng vo nên khó tránh tử vong.
–> Sở y tế nên xem xét lại qui trình tiếp nhận bệnh nhân nặng, có quyền vượt tuyến, không theo trình tự.
(2) Không có bất kỳ đầu mối nào để nhân viên y tế tầng 1 liên lạc được với các tầng trên.
– Chúng tôi có danh sách các bệnh viện tầng 2, 3 và địa chỉ, nhưng không có số điện thoại; cũng có bệnh viện cung cấp số điện thoại nhưng thường của lãnh đạo như Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, … nhưng các vị thường bận và không trực tiếp giải quyết, phải chuyển đi vòng vòng hoặc gọi nhưng không nhấc máy, hoặc trả lời “để hỏi xem còn giường không”.
– Gần đây Sở y tế có cho ra một ứng dụng trên smart phone là app Oxy 247, nhưng tra cứu chỉ thấy số giường bệnh, máy thở còn trống của các bệnh viện, tuyệt nhiên không có bất kỳ số điện thoại nào để liên lạc hỏi, chuyển bệnh. Vậy app này chẳng giúp ích được gì cả.
–> Điều chỉnh app Oxy 247 càng sớm càng tốt, cung cấp số điện thoại của các bệnh viện tầng 2, 3 để nhân viên y tế tầng 1 có thể liên lạc để chuyển bệnh, nhưng phải là số điện thoại thực của người thực sự có trách nhiệm thi hành chứ không phải là số ảo (gọi không ai nhấc máy, hoặc số điện thoại của lãnh đạo bệnh viện).
–> Đề nghị Sở y tế tăng cường giám sát hệ thống tổ chức y tế, ví dụ mỗi ngày ngẫu nhiên gọi vào các số điện thoại của các trạm y tế phường, đội phản ứng nhanh, bệnh viện, cơ sở y tế của các tầng với vai trò của dân xem thực sự hệ thống có hoạt động hay không.
(3) Vai trò của trung tâm cấp cứu 115 rất mờ nhạt. Họ chẳng khác gì nhân viên y tế tầng 1, cũng không biết chuyển bệnh nhân đi đâu và hỏi ngược lại chúng tôi có chỗ nào nhận thì họ chuyển. Vai trò của Trung tâm cấp cứu là phải có mặt ngay ở hiện trường, hồi sức cấp cứu bệnh nhân và phải biết thông tin của các bệnh viện tầng 2, 3, tự liên hệ các bệnh viện và có quyền chuyển bệnh nhân tới đúng nơi gần nhất theo đánh giá lâm sàng (giống như 911 của Mỹ). Hiện 115 họ cũng không biết và cũng không có quyền.
–> Sở y tế phải tăng cường năng lực và quyền hạn của trung tâm cấp cứu 115: (1) năng lực hồi sức và trang thiết bị hồi sức bệnh nhân tại hiện trường, (2) các bệnh viện phải cung cấp thông tin về số giường bệnh thường và ICU cho trung tâm 115 liên tục qua mạng, (3) trung tâm có quyền điều phối và chuyển bệnh nhân đến nơi gần nhất dựa trên thông tin được cung cấp và các bệnh viện không được phép từ chối.
(4) Tầng 2, 3 luôn đầy bệnh, không có chỗ để nhận bệnh. Điều này là đương nhiên, nhưng cũng cần xem xét lý do tại sao?
– Thiếu trang thiết bị: giường bệnh, máy thở, máy bơm tiêm, … (điều này chắc chắn)
– Thiếu nhân lực (điều này chắc chắn)
– Năng lực và chất lượng điều trị của nhân viên y tế tại các bệnh viện tầng 2,3 để giải phóng nhanh giường bệnh trống, đây là điểm mà tổ điều trị và ban cố vấn của Sở y tế nên xuống thị sát, nghiên cứu, xem xét và đề ra giải pháp cải thiện.
– Tiêu chuẩn xuất viện, có cần phải CT > 30 không?
–> Phải có một nhóm quản lý chất lượng điều trị ở các bệnh viện tầng 2, 3 để hỗ trợ cải thiện giúp giải phóng giường bệnh nhanh nhất có thể.
–> Phải giúp bổ sung trang thiết bị một cách chính thống cho các bệnh viện, không để các bệnh viện thiếu thốn và nhân viên y tế tự lo kêu gọi hỗ trợ như hiện nay.
Mặc dù biết các anh chị đang rất bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng nếu không thay đổi thì chúng ta không thể giảm số tử vong được như mong muốn.
“TRĂM DÂU ĐỔ LÊN ĐẦU NHÂN VIÊN Y TẾ” (*)
Đăng lại tin nhắn của một bs covid vốn là học trò cũ, cho thấy rõ ràng khâu chống dịch VN yếu nhất đã và đang nằm ở ngay đâu.
"Một BS là GĐ công ty về Trang thiết bị y tế bình luận đó Thầy.
Họ toàn mở bv trên tivi và trên báo chí.
Cái gì là “4 tại chỗ”, “3 tại chỗ”. Trung ương đá xuống thành phố, thành phố đá về cho các bệnh viện, các giám đốc bệnh viện đá xuống các trưởng khoa. Các khoa phải tự xuất tiền quỹ khoa mình ra tự mua sắm trang thiết bị và vật dụng dự trữ cho khoa mình. Các BS lớn tuổi có điều kiện hỗ trợ đóng góp thêm vào quỹ khoa để tự lo cho khoa mình. “Trăm dâu đổ lên đầu nhân viên y tế”.
Ông nào phán ra những câu “4 tại chỗ”, “3 tại chỗ” phải nói là rất vô trách nhiệm. Trách nhiệm chống dịch là trách nhiệm của toàn thể chính quyền từ trung ương đến địa phương. Chính phủ phải ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần cho ngành ty tế nói chung và nhân viên y tế nói riêng. Khi nhân viên y tế được đối xử tử tế thì người bệnh sẽ là những người gián tiếp được hưởng sự tử tế đó.
Cuộc sống thực tế mà các ngài toàn kêu gọi, tuyên truyền bằng “nước bọt”.
Đại dịch này là dịp để chính quyền nhìn lại chính sách đối với ngành y tế nói chung và nhân viên y tế nói riêng".
Hình 1: comment của bs cty trang thiết bị y tế. Hình 2: lương tháng 8 bs covid hôm nay. Bs chuyên khoa ra trường đã 20 năm.
(*) Nhan đề của Văn Việt.
HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ
Báo chí hôm nay đăng một thông tin quan trọng về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: giảm tiền điện cho doanh nghiệp đợt 5, tính ra tới 650 tỷ. Bên cạnh tin này, Tuổi Trẻ đăng tin một nhóm doanh nghiệp nhỏ đang đi lấy chữ ký làm bảng kiến nghị kêu cứu nhà nước hỗ trợ.
Tôi đã đọc thông cáo báo chí của văn phòng chính phủ từ hai hôm trước về việc giảm tiền điện và đã gọi điện chia vui, cùng nghe thêm phản hồi của doanh nghiệp. Nghe mức giảm tiền điện tới 650 tỷ cũng mừng khấp khởi thật chứ. Ngoài các doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và rau quả thì đợt này, Bộ Công Thương còn đề xuất và chính phủ duyệt hỗ trợ cho các nhà sản xuất.
Thì nghe ý kiến các doanh nghiệp sản xuất thế này. Chị đọc kỹ chưa. 3 điều kiện để được giảm 10% tiền điện của 3 tháng tới (tháng 9-10-11). À, mà chị có theo dõi không, đề xuất của doanh nghiệp là giảm 30% đấy, nay duyệt có 10% thôi. Và các điều kiện là: (1) Phải có doanh thu năm 2020 đạt 1 tỷ USD trở lên, (2) Nhà máy nằm trong các thành phố trực thuộc TW, (3) Lại đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 nữa. 3 món cộng lại thì chẳng còn mấy ai… Doanh nghiệp mà doanh thu hơn 1 tỷ đô chắc họ không túng ngặt tiền điện. Mà nhà nước mới ra nghị định thi hành luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn ở đây lại giảm tiền điện chỉ cho DN doanh thu tỷ đô? Vậy là doanh nghiệp nhỏ như tụi tôi, chắc không xài điện?
Haizz. Nghĩ kỹ, như văn bản kêu cứu nói trên cho các doanh nghiệp nhỏ, thì 97,8 % doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, “bói” làm sao ra một ông có doanh thu hơn 1 tỷ USD/ năm? Lại phải nằm ở thành phố trực thuộc TW (5 TP trực thuộc TW là: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) và lại phải đang giãn cách thực hiện chỉ thị 16. Vậy Hải Phòng không thuộc đối tượng này (không thực hiện CT 16).Tính ra chỉ có những doanh nghiệp trong tỷ lệ 2,2% tổng số doanh nghiệp cả nước có doanh thu trên 1 tỷ USD của 4 thành phố còn lại. Có thể đó là những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thôi thì ai được hỗ trợ cũng quí, người Việt mình hay nói, có còn hơn không, nhưng sẽ quí hơn nếu người nhận đang thật ngặt nghèo cần kíp? Cũng đúng như doanh nghiệp nói, DN có doanh thu hơn 1 tỷ đô, chắc đâu cần – thật cấp bách – chuyện hỗ trợ giảm tiền điện? Mà tính thế nào ra tới 650 tỷ, tiền nghe nhiều mà bay lơ lửng ở đâu?
Lại có câu chuyện khác về một chính sách hỗ trợ cũng vừa có quyết định. Cơ quan đại diện quyền lợi công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động vừa có quyết định 3089 ngày 24/8 để hỗ trợ tiền ăn cho công đoàn viên và người lao động của các DN đang thực hiện “3 tại chỗ” (hỗ trợ mỗi người lao động 1 triệu đồng và một lần) tại địa bàn các tỉnh thành phố đang thực hiện giãn cách TOÀN TỈNH, TOÀN THÀNH PHỐ theo chỉ thị 16. Mình đọc quyết định, vội gọi điện hỏi thăm và nghe ý kiến các doanh nghiệp hội viên đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Thì lại nghe một doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất hỏi (mà hỏi khó thiệt, quá khó): Theo chị, chỉ công nhân có đi làm theo “3 tại chỗ” là mới cần ăn, còn mấy người lao động đang tạm dừng SX, không được đi làm, phải ngồi không ở nhà, cả gia đình trông vào đồng lương họ mà mấy tháng nay chỉ hưởng lương cơ bản, rất hẻo, là không cần ăn? Vì giãn cách nghiêm ngặt, họ không xoay trở gì được, sao Tổng liên đoàn không nghĩ đến giúp họ tiền ăn, dù chỉ giúp một chút, để họ thoi thóp chờ ngày phục hồi sản xuất? Và sao mà phải DN nằm trong khu vực giãn cách TOÀN TỈNH-TP mới được, chứ giãn cách thật sự mà trong quận, trong phường là không phải giãn cách, không cần hỗ trợ?
Hỏi chi khó vậy trời. Mà đọc lại, thấy ra chính sách hỗ trợ nào thì các điều kiện hỗ trợ cứ leo thang cộng cộng (++) vô thêm, các doanh nghiệp càng kể ra để hỏi, tôi càng thấy nghẹn. Và rồi tôi lại tự hỏi, những câu hỏi này, chắc hàng ngày các ông bà đại diện cho người lao động ở Liên đoàn lao động các cấp vẫn luôn tự hỏi và thảo luận với nhau chứ nhỉ? Ví dụ như, có cách gì, chạy vạy đâu đó kiếm ra khoản nào đó, đúng chính sách, có thể vận dụng mà giúp lực lượng lao động của mình tạm sống qua ngày, chờ quay lại nhà máy? Và chuyện đầu tiên là cất bớt cái thang mà các điều kiện hỗ trợ cứ tựa vô đó mà leo lên, được không?
Giật mình, tôi nhớ tới con số mà báo chí vừa đăng: tổng kết dư quỹ của Tổng liên đoàn lao động hiện tới 29.000 tỷ đồng. Có thể tôi không theo sát việc chi thu sẽ thay đổi con số này nhưng thay đổi chắc không lớn vì số công bố khá mới. Và có lẽ, quyết định hỗ trợ chỉ 1 triệu đồng cho mỗi công nhân, chỉ một lần, sau mấy tháng giãn cách cũng tốt nhưng vẫn có thể hỗ trợ thêm?
Mong sao công đoàn cơ sở ngồi nghe các doanh nghiệp nói có thể giúp gì được họ thêm: ví dụ miễn đóng phí công đoàn cho đến hết năm nay với các DN trong vùng giãn cách theo CT 16 và dừng thu phí công đoàn từ nay đến hết tháng 6.2022 cho tất cả doanh nghiệp? Chà, cụ thể thì mời các vị cùng ngồi tính, nhưng tôi tin, doanh nghiệp lúc này, phải chiến đấu quyết liệt tới cùng giữ cho công nhân không thành F0, đã ngày càng thấm thía: con người, công nhân lao động là tài sản quí nhất của doanh nghiệp, không chăm sóc bảo vệ kịp thời thì khi kinh tế cần hồi phục lấy đâu ra nguồn tài sản quí nhất ấy. Lúc đó có khi tiền thì còn mà người lao động bao năm giỏi nghề đã tản lạc tứ phương kiếm sống đắp đổi?
Có lần tôi nghe doanh nghiệp về chuyện nhận đi xin hỗ trợ và tôi thật sự ấn tượng: số đợt hỗ trợ không nhiều, tiền hỗ trợ thường nhỏ giọt mà điều kiện hỗ trợ thì cứ tuôn ra ào ào; nghệ thuật ngôn từ cứ là đỉnh cao mà nghề gài mìn, rào kẽm gai cực khéo, lãnh đạo làm sao lường hết, chỉ nhích một dấu phẩy, chỉ thay một chữ HAY với chữ VÀ thì từ một ly đã đi một dặm.
Đó là chuyện hồi xưa. Lần này phải khác chứ nhỉ?
SỐNG CHUNG VỚI DỊCH (*)
Theo VnEconomy, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã “Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối”
Dĩ nhiên để có thể sống chung, đặc biệt là sống chung 1 cách hạnh phúc, như cái hình vui bạn bè tôi sưu tầm trên Net, thì còn phải làm rất nhiều việc, trong đó có việc cứu chữa F0 hiệu quả hơn, và việc tiêm Vacxin cho hầu hết dân số.
Tôi có nhận được tin Ông Chad Ovel, Chủ tịch Hiệp Hội Thương Mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), viết thư đề nghị gặp ông Phan Văn Mãi, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân, Phó Bí Thư Thường Trực Thành Ủy, Thành phố Hồ Chí Minh, “để thảo luận về những điều AmCham có thể hợp tác để hỗ trợ các mục tiêu kép ứng phó với COVID-19 của Chính phủ đồng thời bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.”
Có vẻ các doanh nghiệp Mỹ, mà không chỉ riêng họ, đã rất sốt ruột về tình trạng ngưng trệ sản xuất. Các doanh nghiệp như Intel, Nike đã đệ trình lên chính quyền thành phố kế hoạch mở cửa lại của họ, với ưu tiên về sức khỏe và an toàn, và đang chờ xem xét và phê duyệt
“AmCham Việt Nam cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép của Chính phủ, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người dân, và thúc đẩy tăng trường và phục hồi kinh tế. Chúng tôi muốn hợp tác với Ngài để thực hiện ba nhiệm vụ ưu tiên mà Ngài đã xác định: 1) kiểm soát đại dịch Covid-19 và khôi phục cuộc sống bình thường cho người dân; 2) xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch; và 3) cung cấp sinh kế và phát triển lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu cho tương lai.”
————
Chúng ta tiếp tục 5K và chờ đợi Chính quyền dẫn dắt chúng ta tiếp cận cuộc sống chung lâu dài với cô Vy.
Thân ái
LMC
** Hình bạn gởi nên tôi kg biết chính xác nguồn. Xin cám ơn tác giả
(*) Nhan đề của Văn Việt.
“SỐNG CHUNG…” (*)
Nghĩ thế này: Việc xác định mới nhất của Chính phủ rất quan trọng, dù muộn, nhưng nó mở ra cách thức mới để SỐNG CHUNG với Covid.
Khoan họp đã.
Chỉ cần chính phủ, các địa phương, bộ ngành tung lên trên mạng xã hội 1 câu hỏi:
Hỡi "lũ vô công rỗi nghề" yêu quý, xin một câu trả lời: LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG CHUNG VỚI COVID?
Trên này nhiều người giỏi, và họ nêu ý kiến tự do, khách quan, chả ngại ngần, chả lo lắng mất lòng ai, chả bị ám ảnh ghế ghiếc.
Một ngày thôi, là ra phương án để cân nhắc, để lựa chọn, để có quyết sách.
SỐNG CHUNG mà hấp tấp, chủ quan, phi khoa học hay vẫn tiếp tục áp đặt ý chí chính trị là rất nguy hiểm.
SỐNG CHUNG, suy cho cùng chính là thuận theo tự nhiên, nương đúng tình hình, cân bằng sức lực và số 1 là tôn trọng khoa học dịch tể, tôn trọng sàng lọc tự nhiên trong cộng đồng.
HÃY BIẾT LẮNG NGHE.
Còn tôi, sống chung nên mới ngủ dậy, coi như chào buổi sáng.
(*) Nhan đề của Văn Việt.
SÀI GÒN CẦN TƯ LỆNH
Chuyên môn và ý kiến của Bộ Y tế lẽ ra phải là căn cứ quan trọng nhất để đưa ra các biện pháp chống dịch. Nhưng, có vẻ như Sài Gòn đang thiếu một tư lệnh khi đưa ra quyết định và sự lựa chọn đang nghiêng về "bộ sức mạnh" chứ không phải nghiêng về điều mà thực tế đang đòi hỏi.
Chúng ta có hai năm chống dịch và trong năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông là nơi lớn tiếng nhất để tụng ca 4.0. Nhưng, ngành công nghệ thông tin đã không đưa ra được một nền tảng công nghệ nào thực sự hỗ trợ cho người dân và Chính phủ trong chống dịch. Bộ Công an chiếm lợi thế trong cuộc đua "nền tảng công nghệ" này và việc Ngành sốt sắng áp dụng là điều dễ hiểu.
Nhưng, tiếng nói chuyên môn ở đâu khi Thành phố cho áp dụng trở lại việc khai báo "di chuyển nội địa" và "áp dụng giấy đi đường mẫu mới" theo cách rất tập trung quyền lực của Công an. Cách làm mà ai cũng biết là đang tạo ra những ổ lây lan dịch tại "tất cả các chốt nội thành" vì người dân không thể tuân thủ "5 K" ở đó.
Sau khi thị sát một cách rất thực chất vùng dịch, hôm qua Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố: "Chúng ta phải xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối". Đây là một quyết định mang tính "chuyển hướng chiến lược" của Thủ tướng.
Hẳn mọi người còn nhớ, chiều 25-6, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), sau khi phân tích tình hình dịch bệnh đã cho rằng, "TP phải tính đến phương án ‘sống chung với lũ’ trong giai đoạn tới". Ngày 10-7, UBND TP.HCM ra quyết định "biệt phái" ông Nguyễn Trí Dũng đi làm "Phó thường trực Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 đặt tại Văn phòng UB".
Dự báo của ông Nguyễn Trí Dũng là rất có tầm nhìn về chuyên môn nhưng có lẽ đã không phục vụ được các mục tiêu chính trị rất duy ý chí. Chỉ khi thật rất dũng cảm, Thành phố mới phục hồi chức vụ cho Dũng. Chỉ mong, Thành phố coi đây là một trong những bài học (mà học phí được trả bằng tính mạng của nhân dân) để luôn lấy ý kiến của các chuyên gia y tế, lấy các nguyên tắc chuyên môn làm căn cứ quan trọng nhất khi đưa ra quyết định.
Đành rằng, an toàn chính trị cho người đưa ra quyết định cũng là quan trọng. Nhưng trước một quyết định mà ai cũng có thể nhìn thấy là không tránh khỏi vi phạm 5K mà sợ trách nhiệm không dám can gián thì thật là vô trách nhiệm. Thành phố cần một tư lệnh mà mọi quyết định đều phải được Bộ Y tế tư vấn là có vi phạm nguyên tắc phòng dịch hay không. Công an, Quân đội không phải là nơi đưa ra quyết định mà phải là nơi tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh.
Chống dịch đòi hỏi không chỉ là sự thối động của lương tâm mà còn cần phương pháp tư duy khoa học. Tính mạng người dân phải được coi là tối thượng, ý kiến của cơ quan chuyên môn phải là căn cứ quan trọng hơn, chứ không phải là ý kiến của những bộ được cơ cấu cao hơn trong cơ quan quyền lực.
https://tuoitre.vn/nguoi-di-duong-tp-hcm-khai-bao-di-chuyen-noi-dia-tro-lai-20210829075255192.htm
MẤY BÀI HỌC QUA VIỆC CHỐNG DỊCH
1. Không thể chống lại thực tiễn. Duy ý chí đồng nghĩa với thảm họa và tự diệt mình. Quân đội không thể “đi chợ hộ” thay cho shipper hay thay cho dân được – đây là một ví dụ điển hình. Do vậy, dứt khoát phải căn cứ vào thực tiễn (tức quy luật khách quan), nương theo thực tiễn mà hành động; chống lại quy luật là việc làm rồ dại và chỉ tự chuốc lấy thất bại.
2. Nhà nước không bao giờ có thể làm hết được mọi thứ. Càng siết chặt, càng muốn “bao trọn gói” thì càng rối rắm, rã rời và bất lực. Vai trò của nhà nước không phải là làm thay dân, mà là tạo mọi điều kiện ở mức lý tưởng nhất cho dân được làm và phát huy sức mạnh của chính mình bằng chính sách và luật pháp tiến bộ. Chừng nào tư tưởng “làm thay, làm cho” chưa được thay bằng “làm cùng, làm với” thì chừng đó mọi thứ còn bị giam hãm, tù đọng và đi xuống.
3. Ý chí chính trị, mục đích chính trị không thể thay cho quyết định khoa học và chuyên môn. Cần tách bạch và tôn trọng khoa học. Lý luận chính trị không có liên quan gì với đường đi của con virus cả, hãy để các nhà chuyên môn dẫn đường. Và nên nghe các chuyên gia của thế giới, nhất là các cá nhân và tổ chức càng độc lập càng tốt.
4. Muốn quản lý được xã hội thì dứt khoát phải nghe thấy tiếng nói của xã hội. Chỉ trừ những thông tin bịa đặt, dối trá, ngoài ra phải chấp nhận lắng nghe tất cả. Không bưng bít, không kiểm duyệt, không đe dọa và gây sợ hãi. Dân có “mở mồm ra” được thì xã hội mới vận hành tốt và mới có thể được làm trong sạch từ bên trong.
5. Thôi coi những người nghĩ khác nói khác quan điểm với nhà nước là “thù địch”, “phản động”. Rất nhiều chính sách đang điều chỉnh hàng ngày suốt mấy tháng qua tới bây giờ đã được “cư dân mạng” kêu gào và hiến kế. Đa phần trong số họ là những người dũng cảm, nặng nghĩa đồng bào và mang ý thức trách nhiệm lớn, thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so với những người thừa hành trong hệ thống khi mà chỉ biết cúi đầu làm theo mệnh lệnh dù trong thực tế triển khai chính họ cũng thấy “bất cập” và sai lầm. Không những nên lắng nghe những người khác chính kiến mà còn cần trân trọng họ. Vì tất cả chỉ có một mục đích: tha thiết với an sinh và phồn thịnh của đất nước. Trong dân chúng, đó là những con người có phẩm chất yêu nước, yêu người; có tư duy sáng sủa và năng lực thật sự. Dùng hay hợp tác cùng họ là thể hiện một chính quyền dân chủ, vì dân, vì nước. Chỉ có lợi chứ không bao giờ có hại. Một sự chân thành, cởi mở và thiện chí cần phải được bắt đầu. Lịch sử và hiện thực đã mở toang cánh cửa để nhìn thấy sự thật ấy, và bây giờ, hành động theo sự thật sẽ chính là hành động theo đạo lý.
Thái Hạo
NHẬT KÝ LINH MỤC TỪ BỆNH VIỆN COVID-19: “CHƯA BAO GIỜ MÌNH THẤY NGƯỜI TA THƯƠNG NHAU NHƯ LÚC NÀY”
Công giáo và Dân tộc, 29/8/2021
LTS: Nhóm 16 tu sĩ thiện nguyện đợt 3 đã trải qua 14 ngày phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1 (trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận 7). Trong đợt này, có linh mục Phaolô Nguyễn Văn Quý, dòng Đa Minh, là bác sĩ đa khoa cùng tham gia. Cha chia sẻ về động lực thúc đẩy lên đường: “Vì mình thấy thương các bệnh nhân và nhân viên y tế. Bệnh nhân thì không có người thân bên cạnh chăm sóc, nhân viên y tế thì quá tải, trong khi mình cũng có chuyên môn y khoa mà không đến giúp một tay thì có lỗi quá”. Vậy là cha tạm cởi chiếc áo dòng, đến bệnh viện khoác áo blouse chăm sóc cho bệnh nhân. Trước khi vào ca trực đêm, cha chia sẻ với Công giáo và Dân tộc một vài tâm tình.
“Bệnh viện dã chiến nơi mình cùng với anh chị em tu sĩ thiện nguyện đang phục vụ có khoảng 300 giường bệnh. Hằng ngày, mình giúp các bác sĩ và điều dưỡng về hồ sơ bệnh án, khám bệnh, phân chia thuốc cho bệnh nhân. Hầu như mình dành thời gian ở các phòng bệnh, vì bệnh nhân Covid-19 khác với bệnh nhân thông thường. Họ không có con cháu đi theo để coi sóc; bệnh nhân nặng thì nằm mê man một chỗ thở oxy. Họ có thể vô tình bứt dây thở ra lúc nào mà không biết, làm cho SpO2 giảm, rối loạn điện giải, nhịp tim… bao nhiêu xáo trộn diễn ra trong cơ thể, nếu không có điều dưỡng, bác sĩ ở đó kịp thời cứu chữa sẽ rất nguy hiểm.
Trong môi trường dễ lây nhiễm bệnh, bác sĩ khám cho bệnh nhân cũng có nhiều điều trở ngại. Ví dụ như lúc khám, bác sĩ dùng ống nghe rất khó vì vướng đồ bảo hộ, vì thế phải dùng đến máy chụp X-quang di động, chụp phổi và đánh giá tổn thương, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Ở đây, người bệnh hoàn toàn phải cậy dựa vào bệnh viện và phó thác cho nhân viên y tế, tình nguyện viên. Trong ca trực, mọi người luôn thận trọng và chăm sóc họ từng chút một, đặc biệt là với bệnh nhân nặng. Quan trọng nhất là giúp bệnh nhân nặng thở oxy cho đúng, đủ để họ đỡ mệt và tránh lãnh phí. Về ăn uống, vệ sinh, anh chị em tu sĩ thiện nguyện cũng ra sức giúp cho người bệnh.
Ngoài việc đỡ đần bệnh nhân về thể lý thì chúng mình còn động viên họ về mặt tinh thần. Khi vào bệnh viện, họ rất lo sợ, nhất là người già vì họ chỉ có một mình, không có thân nhân bên cạnh. Họ sợ không có cơm ăn, nước uống, sợ bị bỏ rơi. Chúng mình đến trấn an, cho họ thấy nhân viên y tế cũng như con cái họ, luôn bên cạnh, cố gắng đáp ứng cho họ mọi nhu cầu để họ an tâm mà chữa bệnh.
Những ngày làm việc trong bệnh viện, có nhiều điều khiến mình vô cùng ấn tượng. Trong đó, có một bệnh nhân già khiến mình nhớ mãi không quên. Ngày mới nhập viện, cụ nói với mình: ‘Tui không thấy đường, có 5 đứa con mà người ta không cho vô. Con tui nó đưa cho cái ấm phích, mấy gói mì và 1 chai nước. Trời đang mưa, chú ra hứng cho tui miếng nước nghen, để tối tui có nước uống’. Ôi chao, mình nghe cụ nói vậy mà thấy thương hết sức. Có lẽ cụ từng trải qua thời cơ cực nên quen với nếp sống này. Mình vội nói ông yên tâm, có người lo cho không thiếu gì cả. Sau đó, mình đi lấy cho ông mấy chai nước và sữa để ông uống. Ông hỏi tiếp: ‘Khi nào chú về? Chú về rồi ai lo cho tui? Tối tui đi vệ sinh nhiều lắm nghen, không có người dìu thì té mất…’. Đó là những điều lo lắng hết sức thường tình của người bệnh, mình hiểu và đồng cảm với ông, nói ông yên tâm, luôn có điều dưỡng, tình nguyện viên giúp ông những việc cá nhân đó.
Chưa bao giờ mình thấy người ta thương nhau như lúc này. Bệnh nhân khỏe thì lo cho người yếu hơn. Thấy người bệnh nằm đó chưa có bác sĩ tới khám thì họ cũng sốt sắng đi kêu: ‘Chú ơi, bác ơi, coi dùm chị kia với…’. Họ có sữa hay đồ ăn gì cũng san sẻ với người không có. Có bệnh nhân ra viện còn mua nước, mua sữa gởi vô giúp cho các bệnh nhân khó khăn còn ở lại. Họ gởi gắm mình: ‘Chú ơi, tui mua nước, sữa để đây nè, khi nào cần chú lấy cho những người bệnh không có nghen!’ Đôi khi cũng có những buồn bực nhưng họ quên hết, không để bụng nữa. Nhân viên y tế cũng hết sức ân cần, chịu khó lắng nghe và ra sức chữa trị cho người bệnh. Những lúc đi thăm bệnh nhân, mình hay nghe họ nói là nhớ các sơ nhiều, vì các sơ chăm sóc họ dịu dàng, chu đáo. Có bà cụ còn khoe: ‘Bà sơ nuôi tui đó!’.
Sau khi đã chu toàn trách nhiệm của một bác sĩ thì trong vai trò là một linh mục, bệnh nhân Công giáo nào cần được ban các bí tích như Hòa giải, Thánh Thể, Xức dầu, mình cũng cố gắng đáp ứng khi có thể. Mình nhận ra con chiên nhờ họ đeo tràng hạt hoặc tượng Chúa. Có bệnh nhân theo đạo Tin Lành gặp mình cũng rất mừng. Họ nói: ‘Con mừng lắm cha ơi. Tuy khác đạo, nhưng chúng ta đều là con một Cha trên trời’. Bên cạnh đó, mình cũng đặt tay cầu nguyện cho những bệnh nhân lo lắng, rối trí hay rơi vào tình trạng nguy kịch. Nhờ đó, tâm lý họ dịu lại, bình tĩnh, ổn định hơn, bệnh tình tiến triển tốt hơn. Những bệnh nhân qua đời thì chúng mình đọc kinh, cầu nguyện cho họ dù có đạo hay không…”.
Ngọc Lan (ghi)
NHỮNG TÌNH NGUYỆN VIÊN TẠI BỆNH VIỆN HỒI SỨC COVID-19
Kể từ khi Bệnh viện hồi sức COVID-19 bắt đầu đi vào hoạt động, bệnh viện đã gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề chăm sóc, vệ sinh cho các bệnh nhân…
Tuy nhiên, nhờ sự tham gia hỗ trợ hết mình của các lực lượng tình nguyện viên, khó khăn ban đầu đã phần nào được giải quyết.
Các tình nguyện viên tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 hàng ngày có mặt bên bệnh nhân, săn sóc, động viên giống như người thân của họ. Bên cạnh đó, lực lượng tình nguyện còn tham gia vào nhiều công tác khác, như cung cấp suất ăn, dọn dẹp, vệ sinh, hỗ trợ đưa bệnh nhân xuất viện…
Mời quý vị cùng lắng nghe câu chuyện về những tình nguyện viên tại Bệnh viện hồi sức COVID-19. Họ là những tình nguyện viên trong số hàng trăm tình nguyện viên vẫn ngày đêm nỗ lực cống hiến công sức, nhiệt huyết và tình yêu thương để chung tay cứu chữa những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và nguy kịch ở nơi đây…
CHƯƠNG TRÌNH NỐI NHỊP YÊU THƯƠNG
– Anh ơi, ông chồng đang quậy tưng cả bệnh viện để tìm vợ kìa. Quá trời người bệnh nhắn tin hỏi em. Để em đi coi sao nhé.
Sau câu báo cáo, cô bác sĩ quày quả bước đi với vẻ khó chịu. Không khó chịu sao được khi tất cả nhân viên y tế đang tối tăm mày mặt vì công việc. Trong những ngày đầu bệnh viện Hùng Vương được giao thêm nhiệm vụ điều trị Covid, công việc còn đang rối tung. Bao nhiêu người bệnh đang phải đối mặt với chuyện sống chết thì lại có ông chồng liên tục gọi điện thoại rồi đến bệnh viện nhất định đòi tìm giúp vợ đang ở đâu. Cho là tốt đi, nhưng yêu thương thì cũng vừa phải thôi chứ, ai cũng đòi được tìm vợ trong khu vực cách ly thì làm sao làm việc được. Nhưng. Linh tính của người làm công tác xã hội mách bảo. Hình như có gì sai sai.
Khá lâu sau, cô bác sĩ quay lại. Hổn hển. Đôi mắt hoe đỏ, ầng ậc nước.
– Đau lòng quá, em không thở nổi nữa rồi! Cô vợ anh này mang thai 8 tháng bị nhiễm covid, đưa vào bệnh viện thì thai suy phải mổ. Điều trị 3 ngày rồi phải chuyển tuyến trên vì bệnh trở nặng, gia đình mất liên lạc từ khi chuyển đi. Em đã tìm được cô ấy cho anh chồng. Nhưng. Cô ấy chết rồi.
Do bé non tháng nên sau mổ bé phải chuyển ngay qua khoa Sơ sinh. 3 ngày nằm tại bệnh viện, rồi tới khi chuyển viện, tới khi xa lìa trần thế. Người mẹ không 1 lần được nhìn thấy mặt con.
Ám ảnh bởi gương mặt thất thần của người chồng. Có ai ngờ, ngày đưa vợ lên bệnh viện cũng là lần cuối cùng họ còn được thấy nhau. Nói với nhau đôi câu. Mới có mấy ngày. Vậy mà bây giờ chỉ còn biết đợi chút tro tàn. Không thấy được nhau lần cuối.
– Cứ nghĩ cô ấy cũng như em khi trước, ra phòng mổ là muốn trông thấy con mình ngay mới yên tâm. Vậy mà, đến khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ con cô ấy không thấy nhau được 1 lần. Em không cam tâm, anh cho em làm cái gì đó nghe.
Vậy là từ trái tim của người phụ nữ và trách nhiệm của người bác sĩ, ý tưởng về chương trình nối nhịp yêu thương, tạm gọi là như vậy, đã được ra đời với sự ủng hộ của Ban Giám đốc bệnh viện. Có bạn tình nguyện viên giúp chụp hình, thiết kế thiệp. Có mạnh thường quân hỗ trợ xử lý và in ảnh. Những tấm thiệp đầu tiên mang hình ảnh các thiên thần nhỏ đã hoàn thành.
– Em muốn tự tay mình trao những tấm thiệp này cho các bà mẹ. Covid, không ai nói trước được điều gì. Em không muốn lỡ có bà mẹ nào không qua khỏi lại phải mang theo nỗi đau không được nhìn mặt con tới khi nhắm mắt một lần nữa.
Không thể cản được cô bác sĩ nhỏ nhắn nhưng có tấm lòng nhân ái thật bao la, không nề hà nguy hiểm. Mặc bộ đồ phòng hộ. Vào từng phòng. Gặp và trao tận tay tấm thiệp mang hình những đứa con thân yêu cho từng sản phụ.
Có người cầm tấm thiệp. Mắt thì cười mà mồm miệng méo xẹo.
Có người khư khư ôm lấy tấm thiệp như thôi miên. Không thốt lên nổi một từ cám ơn.
Có người đang mệt, không bỏ được cọng dây oxy nhưng cũng ráng ngồi dậy nhìn hình con chăm chăm,…
Ai cũng khóc.
Khóc vì sung sướng, vì hạnh phúc. Khóc vì niềm vui bất ngờ tưởng như chỉ có trong mơ.
Và có người cũng khóc vì cảm nhận được hạnh phúc mà bản thân mình đã mang đến được cho những người mẹ thiếu may mắn.
Người mẹ nào cũng vậy, cũng muốn được nhìn con, ôm con vào lòng. Nhưng người mẹ không may bị nhiễm covid, đã không được ôm con, không được gặp con, lại cũng không có cơ hội được nhìn con. Vậy nên, những tấm thiệp của chương trình nối nhịp yêu thương đã lấy đi nước mắt của tất thảy các bà mẹ. Nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc
Nước mắt của hạnh phúc. Không chỉ là xoa dịu nỗi nhớ thương mà còn là liều thuốc rất công hiệu để người mẹ thêm mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh. Để chiến thắng covid.
Quốc Hùng
Hiện tại do phòng công tác xã hội chưa có sẵn máy in và ép ảnh nên các bà mẹ còn phải chờ hơi lâu nên mong được thông cảm. Nếu trong thời gian tới, khó khăn này được khắc phục, tin vui sẽ đến nhanh hơn các mẹ nhé.
LỜI NGƯỜI TỪ TÂM DỊCH
(những điều mà con người không tưởng)
Nếu như trước khi bùng phát dịch, thì mỗi ngày mới của tôi và nhóm Giang Kim Cúc và các Cộng Sự là những bữa ăn sáng cùng gia đình, một ly cafe nguyên chất nhâm nhi cùng bạn bè và đối tác trước khi bắt đầu công việc một ngày.
Nhưng bây giờ, mỗi buổi sáng thức dậy là nghe xem ai đang kêu cứu, ai đang thiếu đồ ăn và ai có người thân cần hỏa táng. Tôi không biết số phận sắp xếp thế nào nhưng từ một người kinh doanh bây giờ mỗi ngày tôi tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi từ 5h sáng đến 12h khuya. Thậm chí là đến 2h sáng với bao lời kêu cứu "ba em, mẹ em, cô dì chú bác em đã mất rồi nhờ anh mai táng giúp chứ em gọi không ai nhận hết".
Nhiều khi tôi nói đùa với các đồng đội "Nếu lúc anh bán đất mà khách gọi chỉ cần bằng 10% này thôi thì mấy chốc mà giàu". Có lẽ tôi và các bạn sẽ chẳng bao giờ ngờ được, đến một lúc chúng ta phải cầu cứu để được chôn sớm, phải cầu cứu để có cái quan tài khi chết và phải cầu cứu tới mối quan hệ thân thiết mới được mai táng sớm.
Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi được chọn để làm việc này, vậy nên tôi và các cộng sự chỉ mong sao có thể giúp được nhiều người nhất. Nếu là trước đây nghe tới vùng dịch đã né tránh và chạy trốn, thì bây giờ không ngày nào chúng tôi không ôm xác những F0, có nghĩa mỗi ngày chúng tôi đều là F1.
Bạn bè quan tâm thường hỏi, mọi người không sợ à? Thật lòng tôi và các cộng sự ai cũng lo lắng, ai cũng sợ mình sẽ là người bị đưa đi tiếp theo. Nhưng không hiểu vì sao, có thể là chúng tôi được các vong linh che chở, hoặc trời phật phù trợ hoặc tình thương với đồng loại đủ lớn đã bao trùm hết nỗi sợ hãi này.
Trong hành trình này chúng tôi tự kiếm niềm vui trong bối cảnh đầy bi thương. Bằng những câu chuyện cười gặp F0 bất ngờ, những lời nói vui với tử thi và hơn hết là những giọt nước mắt hạnh phúc của mỗi gia đình khi thấy xe chúng tôi đến.
Đó chính là vitamin là động lực và cũng là cách để chúng tôi tìm lại nụ cười trên muôn vàn nỗi đau, nhằm giúp anh em nạp lại năng lượng để tiếp tục việc phụng sự gian nan này.
Với mong muốn làm sao mỗi ngày có thể giúp được nhiều người nhất để mong sao mỗi gia đình bớt đi một chút đau buồn và mong sao hạn chế lây lan dịch bệnh cho cộng đồng và xã hội. Qua đây chúng tôi cũng mong sao con người chúng ta hãy tỉnh thức, sống yêu thương, bảo vệ môi trường và bớt sát sinh động vật. Vì cái gì có vay ắt có trả, và mọi thứ tiền tài vật chất chỉ là hư ảo khi chúng ta nằm xuống.
Cộng sự Minh Chiêu.
Người trong tâm dịch
BỐN CÔ GÁI Ở ĐỘI NỮ DÂN QUÂN XUNG PHONG ĐI CHỐNG DỊCH
Lê Phan – Tuổi Trẻ Online, 28/08/2021
TTO – Đội 4 người, người là nữ vũ công, hai người làm nhân viên văn phòng, người làm cô giáo mầm non, cùng nhau nộp đơn tình nguyện, xung phong vào tuyến đầu chống dịch để hỗ trợ TP.HCM trong giai đoạn cam go.
Đội 4 nữ dân quân lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại TP Thủ Đức – Ảnh: LÊ PHAN
Bốn gương mặt đầy căng thẳng của các cô gái giãn dần ra khi có 3 mẫu xét nghiệm nhanh của người dân dương tính đã âm tính khi xét nghiệm lại. Cả 4 người trong đội đều là những "tay ngang" tình nguyện đăng ký lên tuyến đầu chống dịch, khó tránh khỏi lo sợ khi mẫu xét nghiệm báo dương tính.
Họ là Thủy – giáo viên mầm non, Thủy – nhân viên văn phòng, Nguyệt – nhân viên khách sạn và Tuyền – nữ vũ công.
Sau khi luân chuyển qua nhiều phường, ngày 28-8, đội được điều động về phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân theo kế hoạch của thành phố. Cũng như những người làm việc trong tuyến đầu khác, họ phải ăn ở tại nơi làm việc để thực hiện nhiệm vụ.
Trần Thị Thanh Thủy, giáo viên mầm non, có con 4 tuổi gửi lại cho bà ngoại trông để lên đường chống dịch. Những lúc làm việc xong, cô tranh thủ gọi điện cho con trai 4 tuổi để đỡ nhớ nhung. Cậu bé ngây ngô hỏi mẹ về chưa, "mua xe cho con", Thủy chùng xuống đáp lại "hết dịch mẹ sẽ về mua xe cho con nhé".
Chia sẻ lý do xung phong lên tuyến đầu, Thủy nghẹn ngào nói dì của cô đã mất vì COVID-19, cô mong muốn có thể hỗ trợ người dân, chính quyền trong công tác chống dịch, để không còn cảnh mất mát đau thương như cô đã trải qua.
Còn Nguyễn Hoàng Tất Mộng Tuyền là vũ công, công việc của cô cũng như bao ngành nghề khác phải ngưng hoạt động khi dịch bệnh căng thẳng. Dù mẹ Tuyền bảo "ở nhà đi" nhưng cô vẫn "cãi lời" nộp đơn đăng ký tham gia chống dịch.
Là con một, những lúc rảnh rỗi cô tranh thủ gọi về cho mẹ để trấn an bà, hứa với mẹ sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân để hết dịch trở về với gia đình.
[…]
Phạm Thị Minh Nguyệt, nhân viên khách sạn nay tham gia đội nữ dân quân hỗ trợ y tế – Ảnh: LÊ PHAN
Trần Thị Thanh Thủy, giáo viên mầm non, chùng xuống khi nhắc về người dì mất do dịch COVID-19 – Ảnh: LÊ PHAN
Nguyễn Hoàng Tất Mộng Tuyền, vũ công lại là con một nên tranh thủ lúc giải lao gọi điện hỏi thăm gia đình – Ảnh: LÊ PHAN
Phạm Thị Thanh Thủy, nhân viên văn phòng, là cô gái đầy năng lượng, đăng ký lên tuyến đầu để hỗ trợ thành phố – Ảnh: LÊ PHAN
Các cô gái khử khuẩn cho nhau khi phát hiện 3 mẫu xét nghiệm nhanh của người dân báo dương tính – Ảnh: LÊ PHAN
Đều "tay ngang" nhưng các cô gái không ngại khó khăn khi tự viết đơn đăng ký lên tuyến đầu chống dịch – Ảnh: LÊ PHAN
TIẾNG GỌI YÊU THƯƠNG NƠI TÂM DỊCH!
Vậy là đã một tháng trôi qua, Đội tình nguyện xe cứu thương Apollo Silicone xông pha tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch – chuyên chở F0 và xử lý các yêu cầu y tế cấp bách trên địa bàn Thủ Đức – nơi có nhiều khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến điều trị covid-19 tại TP HCM.
Suốt hơn tháng qua, tận mắt chứng kiến nhiều cảnh đời rất chạnh lòng, anh em đội xe cũng như tập thể Apollo Silicone chỉ biết cố gắng hết sức trong khả năng "góp gió thành bão" cùng người dân thành phố "cuốn tan" covid-19 để cuộc sống mau trở lại bình thường!
Trong một lần chở F0 chuyển nặng đi cấp cứu, người nhà bệnh nhân đã cảm xúc chia sẻ: Chưa khi nào lại thấy tiếng xe cứu thương ý nghĩa như bây giờ, vì mang lại sự an tâm và hy vọng cho gia đình tôi. Cảm ơn xe cứu thương. Chúc các bạn luôn mạnh khoẻ và bình an.
Xin được gửi lời cảm ơn trên và rất nhiều lời cảm ơn khác nữa đến các lực lượng chống dịch – đến tất các đội xe cứu thương dù chính quy hay tình nguyện đã không quản ngày đêm chống dịch tất cả là vì tình yêu thương và lòng nhân ái – nghĩa đồng bào.
Có lẽ người dân thành phố trong suốt gần 3 tháng qua đã dần quen với tiếng xe cứu thương, từ ngại ngần dần trở nên thân thuộc khi số ca nhiễm cộng đồng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tiếng xe nay đã không còn là nỗi ám ảnh, mà là lời nhắc nhở mọi người hãy tuân thủ 5K khi bên ngoài còn quá nhiều nguy cơ, là lời phản hồi sau những cuộc gọi cầu viện nguy cấp, rằng mọi người hãy bình tâm, chúng tôi – Đội quân cứu thương Apollo luôn sẵn sàng.
Hẹn gặp nhau khi Sài Gòn khoẻ lại!
[Sài Gòn ngày 24/08/2021] SÀI GÒN NGỘ GHÊ
1 | Sài Gòn này ngộ ghê, có mấy con đường loanh quanh hoài hổng nhớ.
2 | Sài Gòn này ngộ ghê, rõ ràng đang nắng oi ả thoáng chốc lại có những cơn mưa bất chợt đi qua.
3 | Sài Gòn này ngộ ghê, người ta nói đất này dễ sống, luôn bao dung với người dân tứ xứ.
4 | Sài Gòn này ngộ ghê, vùng đất duy nhất không có đặc sản riêng của mình, mà là nơi hoà quyện đặc sản của tất cả vùng miền, nên ở Sài Gòn này tìm cái gì cũng có.
5 | Sài Gòn này ngộ ghê, đi đâu cũng thấy "miễn phí", nào là trà đá miễn phí, bánh mì miễn phí, xôi miễn phí, cháo miễn phí, khẩu trang miễn phí,…
6 | Sài Gòn này ngộ ghê, cả người Sài Gòn cũng ngộ, sống thì bằng chữ "Tình", đối với người khác lại bằng chữ "Tâm".
7 | Sài Gòn này ngộ ghê, ra đường lúc nào cũng phải dòm trước ngó sau, lỡ bất cẩn một chút là đánh rơi mất người mình yêu.
8 | Sài Gòn này ngộ ghê, giữa mùa dịch khó khăn mà người ta vẫn có thể chia sẻ, gồng gánh nhau, đùm bọc nhau như ruột thịt.
9 | Sài Gòn này ngộ ghê, có những thời điểm sống trong chính thành phố này, vậy mà lại thấy nhớ ghê!
Photo by: Nguyễn Viết Thương
TRANH Tuổi Trẻ Cười
Bánh trung thu trong vũ trụ ẩm thực 2021
THÀNH PHỐ ƠI! NGÀY MAI TRỜI LẠI SÁNG
Hướng Về Quê Hương | MMG Artists | Official Music Video
Hướng Về Quê Hương – Hoàng Thục Linh, Quốc Khanh, Nguyên Khang, Diễm Liên, Huỳnh Phi Tiễn, Đức Tân, Nhật Lâm, Hồ Hoàng Yến, Đoàn Phi, Huỳnh Gia Tuấn, Xuân Nghi, Ái Ni, Thiên Kim