Sài Gòn – Những ngày phong thành (57)

THÔNG TIN:

*Lao động mất việc, giảm thu nhập ra sao vì Covid-19?

https://vnexpress.net/lao-dong-mat-viec-giam-thu-nhap-ra-sao-vi-covid-19-4349113.html

*Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 dịp nghỉ lễ 2-9

https://nld.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-canh-bao-nguy-co-bung-phat-dich-covid-19-dip-nghi-le-2-9-20210901182540767.htm

*TP.HCM: Tỷ lệ ca dương tính Covid-19 qua xét nghiệm đợt 2 giảm còn dưới 2%

https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-ty-le-ca-duong-tinh-covid-19-qua-xet-nghiem-dot-2-giam-con-duoi-2-1443327.html

*Bộ trưởng Y tế kêu gọi nhà khoa học đề xuất giải pháp ứng phó dịch Covid-19

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/bo-truong-y-te-keu-goi-nha-khoa-hoc-de-xuat-giai-phap-ung-pho-dich-covid-19-771160.html

*Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM có thể thuê công ty công nghệ chuyển hàng hỗ trợ

https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-tp-hcm-co-the-thue-cong-ty-cong-nghe-chuyen-hang-ho-tro-20210831151005955.htm

*Hơn 8.000 shipper hoạt động lại, giảm tải hàng trăm ngàn đơn hàng ‘đi chợ hộ’

https://thanhnien.vn/thoi-su/hon-8000-shipper-hoat-dong-lai-giam-tai-hang-tram-ngan-don-hang-di-cho-ho-1443365.html

BÁC SĨ TRƯƠNG HỮU KHANH: VÌ SAO BỆNH NHẸ NHƯNG "2 VẠCH" HOÀI, KHÔNG ÂM TÍNH?

Người Đô Thị, 01/09/2021

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nhiều F0 quan sát F0 khác xung quanh mình như các thành viên ở nhà, người khác trong khu cách ly và tự so sánh: sao người ta mau âm tính, còn mình tuy bệnh nhẹ, thậm chí chẳng có triệu chứng gì nhưng test hoài vẫn cứ "2 vạch"?

clip_image002

Trao túi thuốc an sinh cho các F0 đang điều trị, cách ly tại nhà ở TP.HCM. Ảnh: Báo Tin tức

Điều đó cũng bình thường. Chuyện dương tính, âm tính, có thể hiểu như sau: Con virus vào trong cơ thể sẽ nhân lên trong tế bào làm mình dương tính. Khi đó, cơ thể sẽ huy động lực lượng tới chặn lại không cho nó nhân lên, đẩy nó ra ngoài, để giúp mình không bị bệnh nặng. Nếu hai bên kềm giữ nhau ở tình trạng cân bằng thì mình không có bệnh, đây chính là dạng F0 không triệu chứng, không phải bệnh nhân. Đến khi nào mình mạnh hơn nó, đẩy hết được virus ra ngoài, khi cơ thể hết virus thì sẽ âm tính.

Nếu trong một giai đoạn nào đó của bệnh, hệ miễn dịch của cơ thể yếu thế, sẽ là lúc xuất hiện triệu chứng. Tùy người, triệu chứng sẽ ở nhiều mức độ. Người đã được tiêm vắc-xin hay người trẻ tuổi, không có bệnh nền, triệu chứng thường nhẹ hoặc may mắn hơn là rơi vào nhóm F0 không triệu chứng nói trên (chiếm đa số).

Cơ địa mỗi người mỗi khác, có người "đội quân" đề kháng quá mạnh, nhanh chóng chiếm ưu thế, đẩy virus ra hết trong thời gian ngắn, nên mau "âm tính". Có người cơ thể giữ được thế cân bằng nhưng không đủ sức để đánh nhanh, thắng nhanh, trường hợp này phải từ từ mới hết virus.

Một điều chắc chắn là khi cơ thể đã giành được lợi thế rồi, thì triệu chứng sẽ dần lui và không thể trở nặng lại nữa. Với COVID-19 giai đoạn có thể trở nặng thường nằm ở ngày thứ 3-8 của bệnh. Qua mốc đó nếu F0 vẫn không có triệu chứng thì không phải lo nữa. Lúc đó test nhanh sẽ thấy vạch T bắt đầu mờ hơn lần test ở giai đoạn toàn phát.

Dương tính kéo dài ở người đã khỏe lại cần lưu ý là vẫn cần phải tự cách ly. Bởi khi còn dương tính, là còn có nguy cơ lây cho người khác. Không cần test lại hằng ngày chi cho tốn tiền, cứ bình tĩnh ăn uống bồi bổ, nghỉ ngơi cho lại sức. Âm tính chỉ là điều kiện để mình có thể "tái xuất" cộng đồng. Bây giờ cũng đang giãn cách, "tái xuất" sớm hay muộn vài hôm cũng vậy. Ngày thứ 14 của bệnh test thử, vẫn chưa âm thì vài ngày, 1 tuần sau test tiếp, từ từ rồi cũng đến ngày "1 vạch".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM)

BÁC SĨ CẢNH BÁO DẤU HIỆU QUAN TRỌNG CHO THẤY F0 BẮT ĐẦU BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM TÍNH MẠNG

Khoẻ và Đẹp, 29/8/2021

Chia sẻ trên Trí Thức Trẻ, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo – admin Nhóm bác sĩ hỗ trợ tư vấn F0, F1 đang được cách ly tại nhà cho biết, gần 1 tháng qua, chị đã tham gia tư vấn cho F0 online và nhận ra rằng nhiều bệnh nhân chưa hiểu rõ về Covid-19.

Tổn thương cơ thể diễn ra theo thứ tự

Giai đoạn đầu của bệnh Covid-19 (1 tuần đầu):  Trong giai đoạn này phổi đã có tổn thương và triệu chứng đặc trưng sẽ là giảm Oxy máu thầm lặng, nghĩa là lượng oxy trong máu của bệnh nhân đã giảm nhưng bệnh nhân vẫn có biểu hiện sinh hoạt bình thường hoặc chỉ hơi giới hạn một chút. Vì vậy nếu như không có thiết bị đo SpO2 tại nhà thì rất khó phát hiện sớm giai đoạn đầu của tổn thương phổi này.

Gia đình nào cũng nên có thiết bị đo SpO2 trong giai đoạn dịch đang bùng như hiện nay. Nếu người bệnh cứ chờ khi nào không khỏe mới đến bệnh viện có thể sẽ nguy hiểm.

Khi SpO2 dưới 95 %, người dân có thể uống Corticoid và kháng đông theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi uống nên để ý liều lượng vì có loại Corticoid không phải 6mg mà chỉ có 0,5mg, hàm lượng thấp, ức chế miễn dịch không đủ.

Gia đoạn 2 của người bệnh sau khi xuất hiện SpO2 tụt: Nếu không dùng thuốc bệnh nhân sẽ chuyển tiếp đến 1 bước nặng hơn là ARDS – Hội chứng suy hô hấp cấp – và thường kết hợp với suy đa cơ quan, có thể thúc đẩy vào ARDS gồm viêm phổi, nhiễm trùng huyết, hít dịch dạ dày và chấn thương nặng. Và khi hệ thống miễn dịch tăng lên có thể xảy ra cơn bão Cytokin.

clip_image003

Thời gian nguy hiểm của F0

Khi mắc Covid-19, bác sĩ Thảo cho biết người bệnh sẽ bước qua giai đoạn triệu chứng không đặc hiệu như sốt, đau cơ, mỏi mệt, mất khứu giác, sau đó bệnh nhân cắt sốt. Giai đoạn này diễn ra từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 5. Thực tế, đây chính là khoảng thời gian an toàn cho người bệnh nhưng đa số người bệnh lại lo lắng ở giai đoạn này.

Đa số là bệnh nhân khỏi bệnh và có 20% chuyển nặng ở giai đoạn sau. Chính vì vậy từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 11 là giai đoạn nguy hiểm có thể khiến bệnh nhân dễ tử vong nhất.

Bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng tổn thương phổi và xuất hiện hiện tượng rối loạn đông máu, SpO2 giảm, sau đó có thể rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp (ARDS).

Vì vậy, trong giai đoạn này, nếu SpO2 tụt giảm,  người bệnh cần xác định là bắt đầu giai đoạn nguy hiểm. Theo BS Thảo, thời gian an toàn tuyệt đối với người nhiễm bệnh là sau 28 ngày kể từ ngày có sốt.

2 điều cần nhớ

Trong giai đoạn dịch hiện nay, bác sĩ Thảo tư vấn F0 cần nhớ 2 điều:

Thứ nhất, F0 phải có thuốc dự trữ theo danh sách Sở Y tế, liên hệ với 1 bác sĩ online để bác sĩ theo dõi. Mấy ngày đầu là thời kỳ virus tăng sinh, người bệnh có triệu chứng mệt mỏi, có thể có dấu hiệu bội nhiễm. Vì vậy, nếu được bác sĩ theo dõi và kê toa thuốc đúng ngay từ đầu thì sẽ tốt hơn.

Thứ hai, cần tăng cường miễn dịch: tăng cường vitamin C, nếu 1 ngày uống 500 mg thì có thể lên tới 2000 mg cho F0. Vitamin D2 có thể tăng lên gấp 2, gấp 3 vì vitamin tăng miễn dịch, ức chế tăng sinh virus. Kẽm bình thường uống 10 – 20 mg/ngày nhưng khi là F0 cần cho liều dưới 50 mg/ngày.

Bệnh nhân phải cố gắng ăn uống đủ chất, đủ bữa dù không muốn ăn.

Bác sĩ Thảo lưu ý người bệnh nên mua thuốc kháng đông để phòng trường hợp tăng nặng mà chưa đến được bệnh viện. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu nặng thì bệnh nhân cần tìm cách đến với bác sĩ sớm để được tư vấn đúng. Như vậy, nguy cơ trở nặng sẽ thấp hơn rất nhiều – BS Tháo khuyến cáo.

Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo, F0 cách ly tại nhà thấy có  những dấu hiệu sau cần liên hệ y tế gấp:

– Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khi hít vào.

– Nhịp thở – Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút – Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút, – Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút (Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).

– SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

– Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.

– Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

– Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

– Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật

– Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

– Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban,…

– Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng,…

TÚI THUỐC DÀNH CHO F0 ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ: SỬ DỤNG SAO CHO ĐÚNG?

FB Bệnh Viện Thành Phố Thủ Đức

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có 52.146 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà; trong đó có 27.649 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.497 trường hợp F0 sau xuất viện. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung ở các quận, huyện là 15.357 người. Thành phố đã triển khai phát các túi thuốc cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và có những lưu ý cho người bệnh khi sử dụng túi thuốc này.

clip_image005Các lưu ý khi dùng các gói thuốc A, B, C:

Túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà sẽ bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Thuốc hạ sốt sẽ được dùng khi người bệnh sốt trên 38,5°C, có thể lặp lại mỗi 4 -6 giờ nếu vẫn còn sốt. Các loại vitamin uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên. Gói thuốc này dùng trong 7 ngày.

Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Đối với thuốc ở gói B, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng trong một số tình huống đặc biệt, có triệu chứng sớm của suy hô hấp như cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%. Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể tự uống thuốc kháng viêm và thuốc chống đông nhưng không quá 3 ngày. Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.

Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc hiện chưa được Cục quản lý Dược của Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện Thống Nhất và đã cho những kết quả khả quan.

Trong chương trình cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà, gói thuốc C được sự chỉ đạo của Bộ Y tế thêm vào túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà và phải có những điều kiện khi sử dụng thuốc. Người bệnh cần phải ký “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ” trước khi được cấp phát và sử dụng.

Gói thuốc C chỉ dành cho F0 đã có kết quả dương tính với SARS-COV-2 dương tính sau khi xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR, có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/ phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%. Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày. Mỗi ngày uống 4 viên, chia làm 2 lần, mỗi lần 2 viên. Tổng liều là 1.600mg cho 1 ngày. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân sẽ có sự cải thiện rõ rệt, giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nhẹ sau 5 ngày điều trị, nhờ đó giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong.

clip_image005[1]Sẽ có thêm 34.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir:

Thành phố hiện đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc trong đó có chứa gói thuốc A, B và đã cấp phát 74.000 túi thuốc này về cho các Trung tâm y tế Quận huyện, Thành phố Thủ Đức để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong những ngày tới. Tính tới ngày 23/8/2021, Thành phố có gần 22.000 F0 đang điều trị tại nhà, do đó, với số thuốc đã phát cho các quận huyện đủ hoặc thậm chí có dư để cung ứng cho các bệnh nhân.

Riêng với gói thuốc C, tính đến thời điểm này Bộ Y tế mới cấp cho Thành phố 16.000 túi nên sẽ có tình trạng thiếu thuốc Molnupiravir. Dự kiến vài ngày tới sẽ bổ sung thêm 34.000 liều thuốc này.

Thuốc Molnupiravir là sản phẩm được nghiên cứu, phát triển bởi hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức. Tại TP. Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp đã có được nhượng quyền khai thác, sản xuất tại Việt Nam, nhà máy đạt chuẩn GMP và đang làm hồ sơ trình Bộ Y tế, bà Phong Lan thông tin thêm. Sắp tới, doanh nghiệp này cam kết tài trợ 2,3 triệu viên thuốc Molnupiravir, tương ứng với 116.000 liều để điều trị cho F0.

clip_image007

clip_image009

clip_image011

clip_image013

ĐỪNG ĐỂ F0 KÊU CỨU CÒN NGÀNH Y TẾ BÁO CÁO THUỐC LUÔN SẴN SÀNG

Tuổi trẻ, ngày 1/9/2021

TTO – Thiếu ăn vài ngày, người dân có thể còn trụ được, thiếu thuốc nhiều khi chỉ một giờ cũng đánh đổi sinh mạng của người dân. Bởi vậy nếu đã chuẩn bị đủ thuốc thì hãy tìm cách đưa xuống cho người nhiễm COVID-19 (F0) sớm giờ nào hay giờ đó.

Đừng để F0 kêu cứu còn ngành y tế báo cáo thuốc luôn sẵn sàng - Ảnh 1.

Tổ quân y cơ động 316 thuộc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) phát thuốc cho các F0 điều trị tại nhà ở quận 8 (TP.HCM) sáng 30-8 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ thuốc hỗ trợ điều trị cho F0, và đã chuyển đến quận huyện, phường xã.

Mới đây, trao đổi tại cuộc họp với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành y tế TP đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc an sinh hỗ trợ điều trị cho F0, và khẳng định "ngành y tế đã sẵn sàng và chuẩn bị đủ thuốc cho F0".

Nghe báo cáo như vậy, một số thành viên tham dự cuộc họp phải trao đổi lại ngay, vì thực tế phía dưới hoàn toàn khác.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương – tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại phía Nam về phòng, chống COVID-19 – thẳng thắn cho biết, ông rất nóng ruột về việc bảo đảm thuốc điều trị F0 đang cách ly tại nhà, một số địa phương việc cung cấp thuốc cho F0 đang thiếu.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam – tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM – cũng chia sẻ: "Tôi xót lắm, tôi đi xuống tận nhà các F0, nhiều người nói chưa có thuốc".

Thực tế, việc tiếp cận thuốc điều trị của nhiều F0 đang cách ly tại nhà tại một số quận, huyện không hề dễ dàng. Nhiều người dân gọi điện phản ánh với Tuổi Trẻ Online, người nhà họ bị nhiễm COVID-19 nhưng không được phát thuốc. Người có điều kiện còn xoay xở được, người khó đành phải nằm chờ.

Không chịu đứng yên, một số lãnh đạo quận, huyện đã phải "phá rào", huy động nguồn lực xã hội hóa mua thuốc cứu dân. Nhưng không phải lãnh đạo nào cũng năng động và dám "phá rào". Nơi nào tìm được thuốc thì dân nhờ, nơi nào không có thì dân thiệt thòi.

Như vậy, rõ ràng nếu ngành y tế đã chuẩn bị đủ thuốc thì khâu chuyển thuốc xuống cho F0 hiện còn bất cập, cần sớm tháo gỡ.

Một trong những trọng tâm chiến lược chống dịch hiện nay của TP.HCM là tập trung chăm sóc, điều trị cho F0, hạn chế số ca tử vong do COVID-19.

Chiến lược này hoàn toàn đúng khi số ca F0 tại TP.HCM hiện rất lớn. Qua hơn 1 tuần truy vết trong đợt tăng cường các biện pháp giãn cách, số lượng F0 phát hiện mới trong cộng đồng tăng lên thêm rất lớn.

Toàn TP hiện có hơn 85.000 F0 cách ly tại nhà, trong đó có gần 61.000 F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và hơn 24.000 F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly theo dõi điều trị.

Khi các tầng điều trị tuyến trên quá tải, mục tiêu tiên quyết lúc này phải kịp thời tiếp cận, hỗ trợ chăm sóc, can thiệp điều trị tốt cho F0 cách ly tại nhà, hạn chế số ca chuyển nặng phải chuyển viện lên tuyến trên. Muốn vậy, hệ thống y tế cơ sở phải đảm bảo phát hiện, tiếp cận và hỗ trợ thuốc điều trị sớm nhất cho F0.

Sau khi kiểm tra thực tế, ghi nhận hạn chế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết ngân sách TP đảm bảo mua đủ thuốc điều trị cho F0 tại nhà.

Ông chỉ đạo ngành y tế rà soát, kiểm tra để đảm bảo thuốc phải đến được với F0, chứ không phải nằm ở trung tâm y tế. Nếu có thuốc rồi phải thông suốt chuyển xuống ngay đến F0, nếu thiếu mua cấp ngay. Sở Y tế TP.HCM ngay sau đó cũng đề xuất mua thêm 200.000 túi thuốc điều trị cho F0 tại nhà.

Hiện một số quận, huyện còn nhiều ca F0 tử vong tại nhà. Nguyên nhân trong đó có việc thiếu can thiệp sớm của lực lượng y tế, khi F0 chuyển nặng đưa lên thì không còn khả năng cứu chữa.

Bởi vậy, nếu ngành y tế cho rằng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc cho F0, hãy nhanh chóng khai thông, khắc phục hạn chế để đưa ngay thuốc cho người dân. Đừng để dân kêu cứu thiếu thuốc trong khi báo cáo cho là đủ thuốc.

 

BỤT ƠI CỨU CON

FB Bs. Nguyễn Đình Tuấn

Ngày mai là ngày Độc Lập của nước CHXHCNVN.

Bụt hỏi tôi ước gì nhất cho 02 ngày nghỉ Lễ này:

Tôi chỉ ước 1 điều duy nhất là:

“BỖNG DƯNG NGÀY MAI CÁC MẠNH THƯỜNG QUÂN ĐI QUANH CÁC BV TUYẾN ĐẦU ĐANG TRỰC TIẾP ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN COVID VÀ CHO MỖI EM ĐIỀU DƯỠNG, TNV 01 BAO LÌ XÌ tầm 3 TRIỆU”.

Để động viên trực tiếp tinh thần và nỗ lực của các em trong thời gian qua bởi nhiều em ngày thường vẫn chạy sô để thêm thu nhập gửi về nuôi gia đình nay ở suốt BV cả tháng trời, công suất làm việc gấp 5 lần nên cũng không đủ tiền gửi về quê.

Đồ bảo hộ, máy thở, khẩu trang, bữa cơm, thực phẩm… luôn cần thiết + Nhà nước cũng đã có kế hoạch tăng thu nhập cho NVYT trên TV + BS thì cũng có tiền dự trữ… chứ các em Điều dưỡng, TNV thì ngày thường đã phải chạy gạo bữa rồi. Nên thật sự khó khăn đấy các bạn.

Bụt ơi … cứu con!

P/s: Toàn bộ điều dưỡng, TNV hiện trực tiếp chăm sóc F0 tại các BVDC, BV hồi sức, BV điều trị Covid ở SG chắc chỉ tầm 3.500 em. Vị chi tầm 10 tỷ: Giờ mà mạnh thường quân, tập đoàn nào làm là chói sáng trên truyền thông thế giới nhễ?

——-

Trong 02 ngày 31/8 + 01/9:

-SG:10.812 nhiễm/658 tử vong

-BD:7.970 nhiễm/78 tử vong

clip_image015

COMBO NÔNG SẢN, LỢI NÔNG DÂN, TIỆN NGƯỜI DÙNG

FB Cao Trần

Dù người dân các tỉnh đã về bớt thì lúc này Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gần 10 triệu người. “Đi chợ hộ” cho ngần ấy người, khó!

Đã bắt đầu có những khó khăn. Một Bí thư phường nhắn về việc này:

“Việc đi chợ giúp dân gần 10 ngày nay có những vấn đề:

– Siêu thị coop không bán hàng theo combo, nên việc lựa chọn hàng theo đăng ký của người dân phường không đủ nhân lực thực hiện dẫn đến tình trạng ùn ứ đơn hàng của người dân, không kịp thời gian cung cấp vì đơn hàng quá nhiều.

– Vì phải lựa hàng, thủ tục thanh toán quá lâu nên khi chuyển hàng đến người dân không còn tươi ngon.

Lãnh đạo phường 12 đã làm việc với Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và PTNT, được giới thiệu các đầu mối cung cấp nông sản ở các tỉnh phía Nam với những mặt hàng làm theo combo, phù hợp với nhu cầu và đảm bảo sự cung ứng lương thực thực phẩm trong thời điểm này. Lãnh đạo phường thống nhất đi chợ giúp dân thông qua hình thức combo này, giảm đi chợ tự chọn đơn hàng như thời gian qua nhằm đảm bảo nhân lực, thời gian và phục vụ nhân dân tốt hơn”.

Nhẩm tính ngày hôm nay, có hơn 400 tấn nông sản dưới hình thức combo túi 10kg đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày tới đây có lẽ số lượng tăng nhiều hơn. Nông sản mua tận gốc tại các tỉnh ĐBSCL, giá rất rẻ, tươi ngon, cần bao nhiêu cũng có, các phường/khu dân cư/nhóm người, chỉ việc dùng zalo quét mã Qrcode trong ảnh để đặt mua.

Về Combo nông sản này: Ban đầu Tổ công tác chúng tôi kết nối thử combo 10 ký đồng giá 100 ngàn, gồm các loại rau, củ như khoai lang, khoai môn nhỏ, củ sắn (dân Bắc gọi củ đậu), khóm, chanh, củ cải trắng, dưa leo…, những thứ nông dân đang tiêu thụ rất khó, bán như cho, đổ bỏ.

Tiêu thụ rất nhanh, nhu cầu lớn. Giờ đây các gói com bo được nâng cấp, loại 150 ngàn, 200 ngàn, 300 ngàn, hơn nữa cũng ok với những hải sản đồng bằng tôm càng, tôm thẻ, mực, cá lóc, điêu hồng…

Người mua người bán (các hợp tác xã) tự với nhau, bọn mình chỉ giới thiệu, kết nối.

Không có mô tả ảnh.

NGHỈ LỄ

Fb Xuân Sơn Võ

Hàng triệu người nghỉ mấy tháng nay, bây giờ không còn biết lễ lạt là gì nữa. Thế cho nên hầu như rất nhiều người dửng dưng với lễ 2/9 năm nay. Tôi cũng trong số đó, hoàn toàn không nhớ là chúng ta có cái kì nghỉ lễ.

Tôi chỉ biết đến lễ 2/9 khi các công ty dược báo nghỉ lễ, thuốc men gì thì hết lễ mới có. Vậy là kế hoạch gói thuốc phải hoãn lại mấy ngày. Hết lễ mới khởi động lại chương trình gói thuốc miễn phí.

Chắc có lẽ mọi người sẽ trách các công ty ấy lắm. Nhưng trong thời gian qua, họ là những người rất vất vả, không thua gì các bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Nhất là các công ty lo về test thử. Đùng một cái xét nghiệm toàn dân. Đùng một cái xét nghiệm mỗi ngày. Đùng một cái tài xế xét nghiệm. Đùng một cái shipper xét nghiệm… Mà công ty dược nào cũng bị, chẳng cứ là bán kit xét nghiệm. Đùng một cái không được đi giao hàng. Đùng một phát phải có QR code… Đùng, đùng, đùng… Mệt quá mệt.

Thôi thì phải cho người ta nghỉ lễ chứ. Ngày mai tôi nghỉ lễ nhé. Các bạn tôi đâu, mau lên đây đi vô rừng cắm trại nào.

 

VẬY THÔI!

FB Lê Huyền Ái Mỹ

1.

Ngày 1-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 7, TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hồ Hữu Nhân (41 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM) để điều tra làm rõ tội "giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác" theo điều 339 Bộ luật hình sự.

Chiều ngày 31-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra đột xuất công tác chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nơi đang là ổ dịch phức tạp nhất TP với 349 ca mắc Covid-19. Sau khi đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội bố trí đến kiểm tra tại Sở chỉ huy tiền phương của UBND phường Thanh Xuân Trung. Tuy nhiên, khi Thủ tướng đến, sở chỉ huy phường này không có người trực.

Ông Nhân đã sai. Nhưng cái tội “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”, ngoài la lối, vung tay đá chân thì chắc cũng chưa kịp, chưa/không thể làm gì có hại thêm/hơn với cái thẻ tình nguyện viên được đâu đẩu ngoài ngoải cấp cho.

So với một Sở chỉ huy tiền phương được lập thành ngay tại ổ dịch phức tạp nhất thủ đô, có quyết định thành lập hẳn hoi nhưng lại chẳng mảy may có ai đến làm việc tại thời điểm ông trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch thị sát. Họ có chức vụ, có cấp bậc, có vị trí công tác thật cả đấy nhưng họ chỉ… bỏ sở chỉ huy trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp mà thôi!

Cái tội “giả mạo” và cái “khuyết tật” vô trách nhiệm ở những kẻ có chức thật, hậu quả chắc cũng… sanh đôi! Vậy thôi.

2.

Chuyện 99 viên chức – nghệ sĩ ở Hà Nội nhận được số tiền hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người đang gây xôn xao. Họ chủ yếu là đạo diễn, diễn viên, họa sĩ… Trong khi, nhiều trường hợp khó khăn hơn như nhân viên hậu đài, kỹ thuật… lại không đủ điều kiện để được giúp đỡ.

Tại TP HCM, đạo diễn Ngọc Hùng – Giám đốc Nghệ thuật sân khấu Thế giới Trẻ – cho biết những ngày qua, anh cùng các nghệ sĩ như đạo diễn Thái Kim Tùng, Vũ Trần, Sỹ Toàn… cùng đại diện Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM đã đến từng nhà trọ, khu ký túc xá của 133 sinh viên ngành sân khấu để trao quà, hỗ trợ trong thời dịch. Các diễn viên Minh Dự, Puka, Diệu Nhi cũng nhận giúp đỡ, hỗ trợ học phí cho các em nhỏ mất cha mẹ vì Covid-19.

Nhìn chuyện nghệ sĩ nhận trợ cấp và nghệ sĩ đi trợ cấp như nhìn hai chiếc mặt nạ vui-buồn của sân khấu, cũng là cuộc đời, vậy thôi!

Nghệ sĩ gặp khó khăn, thất bát cũng là chuyện đáng được thông cảm, cũng như chẳng thể đòi hỏi hễ là người của công chúng thì phải hăng say làm từ thiện (bởi có khi họ còn không đủ tự nuôi bản thân mình do thất thời lạc thế), phải “trả ơn đời”. Nhưng đã nhận tiền của bá tánh để trao gửi cho bá tánh thì phải minh bạch, rạch ròi.

Điều quan trọng hơn, và là thứ “quyền năng” lớn nhất của người nghệ sĩ lại chính là tác phẩm. Nó mang lại cho người nghệ sĩ niềm kiêu hãnh; hoặc có khi chỉ với lòng kiêu hãnh trong thế giới sáng tạo, từ chân trời của tự do, họ mới cất cao đôi cánh nghệ thuật.

2-9. Mừng ngày đất nước độc lập. Tự chúc mình ngày sinh của kẻ tự do, mà trước hết là… tự lo.

Vậy thôi.

 

CHÚNG TA CÒN LẠI GÌ NẾU NGÀY MAI HẾT DỊCH?

Bia Dứa – Luật Khoa, 01/09/2021

Ta có thể sẽ được nghe những khúc khải hoàn, nhưng liệu rằng cuộc đời có còn như trước?

clip_image017

Một cậu bé chơi đùa trong đợt giãn cách hồi tháng 4/2020 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Khang.

Dù bạn là ai trong đại dịch này, đang chạy vạy lo từng bữa ăn cho gia đình, đang thấp thỏm lo lắng khi người nhà là F0, hay đang yên ổn trong nhà với đầy đủ thực phẩm thuốc men, tất cả chúng ta đang trải qua một cơn ác mộng kéo dài đã gần ba tháng.

Đây chẳng còn là cơn ác mộng không được ra đường, không được hít thở khí trời mỗi sáng hay công việc bị đình trệ nữa mà là nỗi khiếp sợ trước cái đói hiển hiện trước mặt, những tài khoản tiết kiệm cứ vơi dần, những chuyến đi vượt hàng trăm cây số bế bồng nhau với ước mong thoát khỏi địa ngục, những hình ảnh người thân trút hơi thở cuối cùng mà không có được một cái nắm tay sau chót và một tương lai vẫn còn mịt mờ trên những trang báo mỗi ngày.

Khi tôi viết những dòng này, đã có hơn 10 ngàn người chết, hàng trăm ngàn người mất việc làm và hằng hà sa số những cuộc đời gắn với Sài Gòn bị ảnh hưởng. Đây là gì nếu không phải là một thảm kịch?

Dù mịt mờ nhưng tấn thảm kịch này rồi sẽ có lúc kết thúc. Cho nên câu hỏi “nếu ngày mai hết dịch?” nghe có vẻ viển vông, nhưng vẫn là một câu hỏi mà chúng ta phải suy nghĩ. Biết được những gì còn lại sau cuộc chiến này có thể sẽ giúp ta không lặp lại những tai họa tương tự trong tương lai.

Những đống đổ nát

Nếu ngày mai hết dịch, những người lao động phổ thông phần lớn sẽ không còn gì ngoài một tài khoản trống không và một công việc chỉ còn một phần dĩ vãng. Họ sẽ bước vào cuộc sống bình thường mới đó với hai bàn tay trắng, bất chấp trước đó họ đã lao động chăm chỉ hơn ai hết. Những tháng ngày căng mình chống dịch chỉ ở nhà và ăn (nếu đủ may mắn để có cái ăn) là đủ để bào mòn những khoản tiền tiết kiệm ít ỏi từ mồ hôi công sức của họ.

Nếu ngày mai hết dịch, những người đã từng phải kêu cứu vì đói sẽ được biết cái “chết đói” có hình dạng, mùi vị và thanh âm như thế nào. Đó không còn là cái cảm giác cơ thể run lẩy bẩy đứng không vững, hay đầu óc mụ mị, hay cáu bẳn khi ta bị tụt đường huyết, mà là tiếng khóc của con trẻ thiếu sữa hay hơi thở thều thào của cha mẹ già trên giường. Người lớn có thể nhịn nhưng trẻ con thì không, đó là câu thường thấy trong những lời kêu cứu đầy rẫy những ngày này.

Nếu ngày mai hết dịch, những ai có người thân qua đời sẽ có thêm một vết hằn sâu trong tâm hồn. Họ có lẽ sẽ mãi day dứt về những điều mà không phải do mình gây ra. Một ngàn câu hỏi “lẽ ra” sẽ vang vọng suốt ngày đêm. Một lời đưa tiễn hay một cái nắm tay cuối cùng không kịp trao cho những người ra đi sẽ là thứ mà những người sống sót phải dằn vặt suốt cuộc đời còn lại. Họ sẽ tiếp tục sống và bước ra khỏi thảm kịch với một trái tim vỡ.

Nếu ngày mai hết dịch, người ta sẽ thấy đường phố với những xe cộ cũ mèm, những manh chiếu rách rưới chứa đầy vật dụng, những đàn chó mèo hoang tả tơi của những người vô gia cư. Và họ sẽ được quay về với vỉa hè của mình, nếu được, để tiếp tục một cuộc đời lang thang. Dường như chẳng có gì thay đổi ngoài sự rách nát của họ. Có thể họ sẽ tìm được nơi chốn cũ với đầy đủ mớ “gia sản” hoặc không. Với họ, dường như chẳng có mấy đổi thay. Về phần chúng ta, đừng quên thêm vào trong danh sách những gì còn lại cả những mảnh đời vắt bên ngoài hiên rào này nữa.

Và còn bao nhiêu đống đổ nát khác trên chính Sài Gòn này mà tôi sẽ không bao giờ kể hết?

clip_image019Người nghèo, người vô gia cư ngồi kéo dài trên cầu Nguyễn Văn Cừ hướng từ quận 5 sang quận 8 chờ nhận quà từ các hội nhóm từ thiện. Ảnh: Hữu Khoa/ Dân Trí.

Khúc khải hoàn của ngày mai?

Sau chừng đó những biến cố bi thảm, lối ra đã mở. Chúng ta sẽ ra khỏi nhà, quay trở về với công sở, giải trí và những thú vui. Đây có phải là lúc để ca khúc khải hoàn?

Thời gian sẽ chữa lành tất cả. Điều đó chưa bao giờ sai. Nếu ngày mai hết dịch, chúng ta sẽ dần dọn dẹp những đống đổ nát, hay nói cách khác là quên đi những đau buồn để sống một chương mới tươi vui.

Người ta thậm chí sẽ muốn quên càng nhanh càng tốt. Người ta sẽ dành tặng nhau những lời khen ngợi cho một cuộc chiến vĩ đại với chiến thắng cuối cùng. Với phương châm “chống dịch như chống giặc” ngay từ đầu, trên khắp các mặt báo mấy tháng qua, người dân được bội thực với những “cuộc chiến”, những “trận đánh cuối cùng” rồi lại “chưa phải cuối cùng mà là trận đánh quyết định” rồi lại cam đoan “trận này buộc phải thắng, dù thắng ở mức độ nào”. [1] [2] [3] Thật khó hình dung mức độ trong tuyên bố này là như thế nào. Nó làm tôi nghĩ đến chiến thắng kiểu Pyrros – những chiến thắng phải trả giá bằng vô số thương vong. [4]

Vài ngàn năm trước, vị vua của xứ Ipiros (Hy Lạp) sau hai trận thắng trước quân La Mã với nhiều tổn thất đã phải thốt lên: “Thêm một chiến thắng như vậy nữa, chúng ta sẽ bị kết liễu hoàn toàn”. Bây giờ, khi nghĩ về những đống đổ nát kia, tôi rùng mình tự hỏi phải chăng chúng vẫn nằm trong mức độ chấp nhận được cho chiến thắng như lời tuyên bố của chính quyền?

Liệu chúng ta có bao giờ “chiến thắng” đại dịch này? Hàng chục ngàn người đã chết, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phá sản, hàng triệu cuộc đời tan nát. Ta không thể gọi đó là chống dịch thành công, càng không thể tụng ca như một chiến thắng huy hoàng. Có chiến thắng nào lại đầy rẫy mất mát đến thế?

Nếu ngày mai hết dịch, dòng thời sự chủ lưu sẽ nói những điều gì? Đó là những đánh giá thành công, những tổng kết ghi nhận phản ứng “linh hoạt” và “kịp thời”, những “chỉ đạo thần tốc và hiệu quả”, những “tấm gương anh hùng” tô vẽ thêm cho khúc ca khải hoàn vang trên nền những đổ nát tang thương.

Sẽ chẳng mấy ai nhớ dòng xe chở áo quan dài hàng kilomet ở Bình Hưng Hòa hay những container lạnh chứa thi thể thay cho quan tài vì không còn đủ chỗ, thay vào đó là những hình ảnh tươi đẹp hào hùng của xe quân đội phun khử khuẩn hay một quân nhân giao hàng mướt mồ hôi. Và chẳng mấy ai có thời gian để hỏi lại vì sao anh bộ đội phải giao hàng hay nhắc nhau rằng phun khử khuẩn là một việc vô ích.

clip_image021Phun khử khuẩn tại Hà Nội, ngày 26/7/2021. Ảnh: AFP.

Cuộc sống khi hết dịch sẽ đầy ắp những những điều tươi vui, nhưng mỗi khi định cất lên bài ca chiến thắng, xin hãy nhớ rằng xung quanh chúng ta là những vết thương thật khó để khép miệng.

Nếu phải xây một tượng đài…

Ta sẽ tạc tượng điều gì, chiến thắng hay những người đã ra đi? Ta sẽ xây một tượng đài chiến thắng, như mọi tượng đài khác, hào hùng và kiêu hãnh? Hay ta sẽ xây một tượng đài cho những nạn nhân, đau buồn và bi thảm, để không bao giờ quên tấn thảm kịch này?

Trong những ngày lịch sử này, những người dân vô danh đã tìm cách giúp nhau từng hạt gạo, từng bó rau, từng hộp sữa, từng chuyến xe, từng chiếc bình oxy cho sự sống, từng chiếc áo tử thi cho người đã mất. Họ cất lên tiếng nói phản biện để chính quyền phải thay đổi chính sách cho phù hợp. Dù rằng chính quyền là chủ thể chính trong công cuộc chống dịch, nhưng nhìn vào những gì đã diễn ra, còn lâu họ mới xứng đáng với những lời khen “kịp thời” và “hiệu quả” mà báo đài vẫn ra rả như những cái loa vô tri.

Chính người dân, vừa là nạn nhân vừa là chiến sĩ bất đắc dĩ, mới là nguồn lực giúp xã hội vượt qua đại dịch. Chính các bác sĩ và nhân viên y tế, những người mà cả những thành tựu lẫn sự hy sinh đang bị các lãnh đạo chính trị làm cho lu mờ mới là những người đáng được tôn vinh. Và chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch bằng vaccine, bằng kiến thức y học với một tinh thần nhân đạo, vị tha chứ không phải bằng những chỉ thị, chỉ đạo mà khi tổng hợp lại chẳng khác gì một mớ bòng bong rối rắm.

Nếu vậy, xin hãy cất lên một tượng đài để tưởng nhớ tình người trong thảm kịch, vì ta biết chắc rằng nếu không có nó, chúng ta sẽ không thể vượt qua bất kỳ thử thách nào trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.

Tình người, đó cũng là thứ còn lại trong đống đổ nát ngổn ngang này nếu ngày mai ta mở cửa và biết rằng dịch bệnh đã qua đi.

Chú thích:

1.  Lâm N. (2021, August 23). “Trận đánh” cuối cùng! Báo điện tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/tran-danh-cuoi-cung-post1368511.tpo

2.   Hằng T. T. T.-. (2021, August 23). Bí thư TP.HCM: Đây là trận đánh quyết định nhưng chưa phải cuối cùng. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/bi-thu-tphcm-day-la-tran-danh-quyet-dinh-nhung-chua-phai-cuoi-cung-post1254033.html

3.  Thanh Hương. (2021, August 25). “Trận đánh” quyết định, buộc phải thắng. VOV.VN. https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/tran-danh-quyet-dinh-buoc-phai-thang-885414.vov

4.  Editors of Merriam-Webster. (2020, December 16). What is a “Pyrrhic victory”?The Merriam-Webster.Com Dictionary. https://www.merriam-webster.com/words-at-play/pyrrhic-victory-meaning

NƠI CƯU MANG NHỮNG ĐỨA TRẺ CHƯA TÌM THẤY NGƯỜI THÂN

VTV9

TP. HCM có rất nhiều sản phụ mắc Covid-19 và nhiều trẻ ra đời trong lúc người mẹ phải gánh chịu những biến chứng nặng nề của dịch bệnh. Điều đáng nói là, vì nhiều lý do khác nhau, hàng trăm bé đến nay vẫn chưa được người thân đón về dù đã hoàn toàn khỏe mạnh.

Trước thực tế này, một trung tâm có tên là H.O.P.E đã đời. Đây là nơi che chở, chăm sóc các con trong lúc dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

HY VỌNG – HOPE

FB Hoàng Quốc Tưởng

Mình còn nhớ, cách đây hơn 1 tháng, khi mình nói về chuyện tiêm ngừa COVID -19 cho đối tượng phụ nữ mang thai lên mạng XH, lúc đó chưa có công văn mới về đối tượng này trong thực hành tiêm chủng. Mình đã bị chửi sấp mặt, từ người bình thường đến cả nhân viên y tế. Mình kệ, à không có lên tiếng nhưng không lại vì bọn họ quá đông, quá nguy hiểm.

Rồi từng ngày trôi qua, phải chứng kiến cảnh những phụ nữ mang thai không may mắc COVID -19. Có người không giữ được mạng sống của mình, có người lại không giữ được con, có khi cả mẹ và con đều không giữ được, cũng có ngừoi may mắn vượt qua. Những tất cả đều là những trải nghiệm kinh khủng, ngay cả với người tiếp nhận câu chuyện đó như mình.

Rồi một nữ nhân viên y tế Bình Dương đã hy sinh ngay tuyến đầu khi đang mang thai mà chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin trước ngày đi chiến đấu. Sợ hãi, buồn bả. Mình nghĩ, ai cũng muốn sống để có thể tiếp tục cống hiến chứ không muốn hy sinh để rồi được phong thành liệt sĩ.

Rồi công văn bổ sung cũng có sự thay đổi, đối tượng phụ nữ mang thai trên 13 tuần được tiêm ngừa vắc xin. Mình thật sự biết ơn, dù biết việc quyết định tiêm hay không vẫn là do các mẹ khi đã được giải thích đầy đủ về nguy cơ và lợi ích của nó. Nhưng đâu đó đã làm thay đổi suy nghĩ của khá nhiều người về việc tiêm ngừa COVID -19 cho đối tượng phụ nữ mang thai.

“Bác ơi, nhìn thấy các bé mới sinh đã mất mẹ em thương quá, mình làm gì cho các bé đi Bác ơi” – nhận được tin nhắn từ Mẹ Vo ThyCa vừa sinh Bông được 1 tuần, làm mình buồn mất 1 buổi. Nhưng rồi ngay trong đêm mình đã nhắn tin cho Bs bạn mình ở bệnh viện Hùng Vương để tìm hiểu, xem mình có thể giúp gì được cho các bạn.

“Tã, khăn giấy và sữa mẹ” – mình nghe mà đau lòng thật sự. Mình lại ước, giá như mình có thật nhiều ngân hàng sữa mẹ thì giờ đây đã có thể có đủ sữa cho các bé rồi. Mình nói về ước muốn đó, bạn mình cũng nói….. Không sao, hành động sẽ thực hiện được khi chúng ta bắt đầu có những suy nghĩ về nó. Giờ không phải là lúc ngồi buồn, và mơ ước. Giờ là lúc phải có giải pháp tạm thời.

Mình gọi điện ngay cho #Bobby, nhãn hàng đã đồng hành cùng mình hơn 2 năm qua với lời xin rất thảm thiết “Em ơi, giúp anh nhé!”. Vậy mà các bạn gật đầu đồng ý ngay lập tức dù rằng trong thời điểm này việc gom hàng và giao hàng thực sự không hề dễ dàng. Thật sự mình không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn. Các bạn đã nhanh nhất có thể tìm và giao hàng đến sớm nhất. Vậy còn sữa mẹ thì sao? Mẹ Henry và Bông bảo, em có 5 bịch được không Bác. Được nhưng không đủ, mình đã mất ngủ 1 đêm. Và rồi sau 1 đêm mình cố liên hệ để mua 100 hộp sữa CT1 để dành tặng. Mình xin lỗi vì đã đi ngược lại với lời hứa của bản thân và với các mẹ rằng là “sữa mẹ là tốt nhất, sữa mẹ muôn năm”. Nhưng trong tình hình này mình không biết phải làm gì hơn cả. Điều vui mừng hơn nữa là gia đình Henry – Bông đã tài trợ toàn bộ số tiền sữa. Đúng là trên cả tuyệt vời.

Hôm nay, sau khi đã gửi được hết các phần quà đến trung tâm HOPE – Bệnh viện Hùng Vương, mình mới thở phào nhẹ nhõm vì mình cũng đã có thể thực hiện được một điều nhỏ nhoi dành cho các con. Dự án chỉ với 3 ngày để làm tất cả mọi thứ.

Những điều tốt đẹp vẫn sẽ luôn xảy ra, vì hy vọng vẫn luôn được ươm mầm mỗi ngày. Mình mong dịch bệnh sẽ qua nhanh. Sẽ không còn những cảnh chia lìa mẹ con. Mình muốn các con được sinh ra khoẻ mạnh và đầy đủ tình yêu thương của ba mẹ.

Mình vẫn còn cảm động và muốn nói nhiều lắm. Một lần nữa, mình xin cám ơn Bobby, cám ơn gia đình Henry – Bông đã đồng hành cùng Bác Chuột trong dự án này. Không có mọi người sẽ không thể có được những kỷ niệm đẹp thế này.

Chúc cho tất cả các đồng nghiệp giữ sức khoẻ, luôn tích cực, cùng nhau chúng ta sẽ lan toả thật nhiều điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Chúc mọi người thật nhiều sức khoẻ và bình an.

Trân trọng!

clip_image025

clip_image027

clip_image029

TRAO NHIỀU YÊU THƯƠNG (*)

FB Xe Bus Yêu Thương

Nếu mọi người thấy những chiếc xe này len lỏi khắp Sài Gòn, vào tận hang cùng ngõ hẻm để trao quà cho bà con…. thì đó là hình ảnh của Xe Bus Yeu Thương đó ạ…

Bà con nghèo thuê nhà ở vùng ngoại ô, lại trong hóc trong hẻm, vì ở đó giá thuê rẻ hơn… nên các bạn Bus cũng phải chịu vất vả, phải chạy thật nhanh nhanh, chở thật nhiều quà để trao thật nhiều yêu thương cho bà con…

Có những hi sinh âm thầm như thế…. để niềm vui ấm áp, làm dịu nhẹ lại trong những ngày căng thẳng này…

Cảm ơn các tài xế của Xe Bus Yeu Thuong.

clip_image031

(*) Nhan đề của Văn Việt.

CÔ BÉ CÓ MẸ F0 (*)

FB Trạm Oxi cộng đồng Sài Gòn

Cô bé có mẹ F0 xin được nuôi mẹ ở bệnh viện dã chiến Nguyễn Văn Quỳ. Em chuẩn bị đồ đạc đến nơi xin mãi không được. Bệnh viện nói dịch bệnh nguy hiểm khi nào cần sẽ gọi cho em.

Em về nước mắt lăn dài trên má. Dù thường ngày ít nói với mẹ, nhưng hôm nay giữa dịch bệnh này: dù nguy hiểm thế nào em cũng muốn chăm sóc mẹ… đưa em đến bệnh viện dã chiến để tìm tin tức của mẹ, mà lòng tôi ngổn ngang không biết phải chia sẻ thế nào, chỉ biết cầu nguyện…

Mong mọi người bình an, dù khó khăn vẫn có nhau. Thùng sữa mang theo tôi tặng luôn để dành cho mẹ em và em uống, chăm sóc nhau.

(Ghi chép của TNV phát sữa tại Q7 của Trạm)

Sài Gòn

30/8/2021

clip_image033

(*) Nhan đề của Văn Việt.

ĐỒNG ĐÔ LA VÀ GIỌT NƯỚC MẮT

FB Võ Đắc Danh

Anh Võ Cường ở Riverside cho hay đã vận động được một ít tiền cứu trợ, bảo tôi với Trương Công Khả tới nhận. Những người đóng góp đều yêu cầu không nêu tên. Trong đó có một cô gái gởi anh 200 đô la nhưng toàn giấy một đồng. Nhìn một sấp 200 tờ đô la, có tờ còn mới, có tờ nhàu nát, nhăn nheo, bầm dập, những tờ đô la như một ngôn ngữ nhọc nhằn, như thấm đượm mồ hôi của người lao động, và trên hết, nó là thứ ngôn ngữ của tình người, ngôn ngữ của lòng nhân ái cách xa quê hương đến nửa vòng trái đất. Chúng tôi tra hỏi anh Cường về chủ nhân của hai trăm tờ đô la ấy nhưng anh nhất định không hé môi, anh nói đã hứa với cô ấy thì phải giữ lời. Chúng tôi ngầm suy đoán rằng đó là tiền típ của một cô gái làm nail hoặc chạy bàn cho một quán ăn nào đó. Nhìn sấp tiền mà tất cả chúng tôi không kềm được nước mắt. Về nhà, tôi bảo con gái giữ lại làm kỷ niệm rồi chuyển 200 đô vào tài khoản Nhịp Cầu Nhân Ái. Con gái tôi cầm sấp tiền dầy cộm mà tay nó run run cùng với những giọt nước mắt chảy dài. Chúng tôi sẽ gìn giữ 200 tờ đô la nầy như dấu ấn của cơn đại dịch toàn cầu, dấu ấn kính hoàng của nhân loại, kinh hoàng của dân tộc Việt Nam, dấu ấn của tan thương và dấu ấn của yêu thương.

clip_image035

clip_image037

NÓ LÀ AI?

FB Võ Đắc Danh

"Chú ơi có 50 phòng trọ ở quận 8 đang cần gạo, chú ơi có 30 phòng trọ ở Bình Tân đang cần gạo, chú ơi có 40 phòng trọ ở Bình Chánh đang cần gạo, chú ơi có 50 phòng trọ ở quận 12 đang cần gạo…."

Lần theo từng địa chỉ nó gởi, mình cho kiểm chứng thì đúng bon như thế. Nhờ thông tin của nó mà cả chục tấn gạo đến kịp với bà con. Nhưng mình thắc mắc, con nhỏ nầy là ai, ở đâu mà suốt ngày làm chuyện bao đồng như thế?

Rồi nó lại nhắn tiếp: "Chú ơi, con xin được hai triệu rưỡi, con chuyển vào quỹ của chú rồi chú gởi cho con số gạo tương đương để con phát trên địa bàn quận của con nha chú. Con có mấy anh em shipper được đi trong quận". Lúc đó mình mới biết nó là Trương Thị Thu Lài, ở trọ trên đường Đông Hưng Thuận, quận 12. Từ đó, nó xin được bao nhiêu tiền thì chuyển vào quỹ và mình gởi gạo cho nó để nó đi phát. Tất nhiên là mình gởi gạo gấp đôi, gấp ba lần số tiền nó chuyển.

Hôm ấy, chị Sen ở Colorado gởi mình 1000 USD kèm theo danh sách 7 khu vực nhà trọ của người khuyết tật, trong đó có khu vực nhà trọ trên đường Nguyễn Ảnh Thủ ở quận 12 gồm 23 người khuyết tật, tất nhiên là mình nhờ Lài chuyển gạo dùm. Nhưng ngặt nỗi ngay lúc đó thành phố đang siết chặt giãn cách, đội ngũ shipper của Lài không đi được, khu vực nhà trọ của nhóm người khuyết tật bị phong tỏa bởi một hàng rào kiểm soát. Nhưng Lài nói con sẽ tìm mọi cách mặc dù rất khó khăn. Hôm sau Lài cho hay:"Con đã có cách rồi chú, gần nhà con có một em trai là nhân viên y tế, nó có giấy thông hành, nhưng phải đợi cuối ngày nó đi làm về mới giúp mình được. Mỗi tối nó chạy một cuốc xe gắn máy chở gạo tới chốt kiểm soát rồi một anh trong khu trọ dùng xe gắn máy của người khuyết tật chạy ra lấy gạo, như vậy 460kg gạo phải mất bốn ngày mới chuyển xong ".

Một hôm khác, một cô bạn ở Đà Nẵng nhắn tin nhờ mình giúp ít gạo cho một người bạn của cổ ở quận 12, mình không dám hứa vì ngay lúc siết chặt giãn cách, nhưng sáng hôm sau, Lài cho hay đã nhờ anh công an phường chuyển đến cho cô ấy 10kg gạo, một thùng mì và một mớ rau.

Hôm nay, mình chuyển cho Lài 3,5 tấn gạo để nó phát cho 304 phòng trọ và 300 bệnh nhân lao ở trung tâm y tế quận 12. Một công việc quá sức nặng nề với cô gái trẻ. Hãy hình dung Lài cặm cụi sớt từng bao gạo lớn sang 608 túi nhỏ để chở đi phát cho 608 người giữa vòng dây dịch bệnh…

Trương Thị Thu Lài là ai?

Cha là lính dù, đi cải tạo về, cả gia đình từ Duy Xuyên, Quảng Nam bỏ nhà gồng gánh nhau đi kinh tế mới. Năm 1983, Lài được sinh ra trên vùng đất khô cằn, nghèo đói ở Lộc Ninh, Sông Bé. Cha cuốc rẫy, mẹ đi buôn trên các bản làng người Thượng. Tuổi thơ của Lài lớn lên không sữa, thiếu cơm, độn khoai độn sắn, một tuổi thơ gắn liền với công việc cuốc đất trồng rau, xắt dây lang nuôi heo, gà vịt…

Lài bây giờ là cô kỹ sư xây dựng trẻ rời bỏ công trình vì đại dịch để chuyển sang chở từng bao gạo đi cứu đói cho công nhân và bà con nghèo trong từng xóm trọ.

Đây là những nét chấm phá, phác họa bức chân dung Trương Thị Thu Lài. Hy vọng chú cháu mình sẽ được gặp nhau tại SG sau mùa đại dịch.

clip_image039

BIỆT ĐỘI SIÊU SHIPPER!!!

Dòng Đức Bà, 22/08/2021

(Viết từ cộng đoàn Ái Linh – Dòng Đức Bà, nơi gửi tặng lương thực đến bà con khó khăn quận 7 và khu vực xung quanh)

Đội Siêu Xe Nhỏ

Em là người con gái không nhỏ nhắn mềm mại mà ngược lại, góc cạnh và gân guốc. Ánh mắt của em luôn nhìn thẳng, chính trực và kiên định. Nếu bạn là đối thủ của em trên võ đài, có thể bạn sẽ hơi run. Em đã tập võ cổ truyền lâu năm, ăn chay trường và biết may thêu. Nhưng, đó không phải điều tôi muốn nói về em.

Khi tôi đến ngôi trường này thì em đã ở đó rồi. Tôi luôn thấy em trong lớp may (lớp học nghề cho các em học sinh của trường), âm thầm và ít nói. Sau này tôi mới biết, một cô giáo thấy em hiền lành chăm chỉ, giúp em học may và giữ em lại như một phụ tá. Không ai biết em chưa đi học. Khi khám phá ra điều ấy, em được học thật nhanh các lớp tiểu học và hơn 20 tuổi, em vào lớp 6 (trường của chúng tôi học theo hệ giáo dục thường xuyên nên nhận các học sinh quá tuổi).

Trước mùa dịch, một ngày ngồi trực văn phòng, tôi thấy bài nộp của các em lớp 6 đầu năm học, trong đó cô giáo yêu cầu các em giới thiệu đôi nét về bản thân. Tôi mở ra đúng bài của em, và tôi đã đọc được 5 chữ đem lại một cảm nghĩ khó tả. Em viết: “sở trường: làm việc nặng”. Tôi tò mò hỏi thăm, mới biết rằng, bố em đã mất, mẹ và người cậu sống chung một nhà không được khỏe về thần kinh, gần đây người cậu lại tai biến và liệt. Anh trai đi nghĩa vụ, em trai nghỉ học sớm, bán vé số. Còn em thì đi may như một cách nuôi sống gia đình. Những gì em viết đều không ngoa, em đã sớm gánh vác những người thân yêu trên vai.

Em không ngại một công việc nào, không bao giờ than thở, kêu ca, không nề hà một điều gì. Trong năm học, sáng em đi may, chiều đến lớp. Các giờ giải lao, em giúp đi lấy thực phẩm cho trường. Tôi đã đi cùng em vài lần nên rất hiểu, đó là một công việc nặng. Chúng tôi đẩy một xe hàng lên lầu 4 của một tòa nhà to bự, đi dọc hành lang dài đến dãy bàn của một bếp ăn công nghiệp có sức nấu cho hơn một ngàn người, trút các khay thức ăn khá lớn vào các bao ni lông, cột lại và chở về. Em luôn giành xách nặng và chở nặng hơn tôi. Chúng tôi không nói với nhau nửa lời, chỉ âm thầm làm việc, y như hai người đàn ông.

Mùa dịch đến, em được mời tham gia vào đội chuyển lương thực đến người dân. Em có thể vác một bao gạo 50kg, sắp xếp và chuyên chở nhiều chuyến hàng trên chiếc xe cà tàng, điều mà không phải trai trẻ nào cũng làm được. Một người con gái, có sở trường làm việc nặng, gia đình khó khăn ở mức cần trợ giúp hơn nhiều người khác, sáng trưa chiều tất bật cùng chúng tôi soạn sửa đồ ăn mang đến bất cứ ngóc ngách nào, không bao giờ thốt ra một lời ta thán, xin em nhận nơi tôi lòng khâm phục trọn vẹn.

Thành viên thứ hai của đội Siêu Xe Nhỏ thật sự có một chiếc siêu xe. Anh lái một chiếc SH màu xanh lá cây, tuyên bố rằng nó dành để chở hàng. Cái duyên anh đến giúp chúng tôi cũng rất đặc biệt, chỉ có thể xảy ra trong thời loạn. Bởi trong thời bình, anh kinh doanh game online, cả thảy 3 tiệm rải xung quanh trường. Nếu bạn làm trong trường học thì một lẽ tự nhiên bạn sẽ không mấy thiện cảm với những giám đốc tiệm game. Một số (lớn!) học sinh của bạn, ngoài gia đình ra thì coi nơi đây như mái nhà thân yêu thứ hai.

Thấy chúng tôi hì hục với chiếc xe đẩy tự chế thô sơ, chỉ là một miếng ván bắc lên bốn cái bánh xe nhỏ và dễ làm rơi đồ, anh đứng ngoài cổng đề nghị cho mượn một chiếc xe đẩy hàng chuyên dụng hơn. Tôi nửa tin nửa ngờ, bởi cũng có vài nam thanh niên đi qua ngỏ ý giúp này giúp nọ, rồi chốt hạ câu cuối “chị sẽ trả lương em bao nhiêu…”. Nhưng trời sinh anh chàng này không giống vậy. Anh thoăn thoắt “dắt” sang một em xe chuyên đẩy hàng rất xịn, nó đã đồng hành và giúp nhẹ gánh biết bao cho chúng tôi. Nhưng còn hơn thế, anh đề nghị giúp chở hàng và lúc đầu chúng tôi đã từ chối. Vấn đề an toàn là quan trọng, người lạ chúng tôi không muốn tiếp xúc. Nhưng rồi cũng đến lúc phải gọi, và anh đã vượt qua rào cản ban đầu để gia nhập vào nhóm chúng tôi, như một tri kỷ mùa dịch.

Một người tài xế nhanh nhẹn và tháo vát, có khả năng chất hàng, cố định đồ đạc chỉ trong vòng nửa nốt nhạc, sẵn sàng tới bất kể ngày giờ và không ngại bước vào các khu dày đặc F0. Anh không chỉ giao lương thực như một công việc, anh làm nó với tất cả cái tâm. Anh luôn quan sát khu vực chung quanh nơi người nhận, lưu ý thêm các chi tiết và nhớ rất rõ ai ở đâu, hoàn cảnh thế nào. Nhiều lần chúng tôi lo ngại, anh chỉ nói, “vợ cho phép rồi, mấy soeur yên tâm!” Thế rồi tôi mới biết anh chị còn có một trung tâm tập thể hình lớn ở đường HTP, cả nó và tiệm game cũng ra đi cùng với mùa dịch, lúc đầu anh còn bán trà sữa giao tận nhà, sau rồi cũng ngưng, chỉ còn tập trung đi giúp người. Nói đến mấy chuyện kinh doanh đổ bể, anh chỉ cười hiền: “cũng không sao soeur, giờ về phụ vợ việc nhà, chăm hai đứa con, tiền nhiều làm chi…”

Rồi cũng đến lúc biệt đội shipper của chúng tôi có vài em dương tính, dù đã rất cẩn thận. Việc hỗ trợ người dân tạm ngưng, nhưng cũng không sao cầm lòng trước một vài tiếng kêu tuyệt vọng. Tôi gọi cho anh, nói rõ tình hình và các nguy cơ, anh chẳng hề lưỡng lự: “Mình chấp nhận được soeur, không sao soeur.” “Nhưng còn gia đình thì sao?” “Gia đình được luôn soeur, gia đình chấp nhận được luôn soeur…” Vậy mới biết Lục Vân Tiên vẫn còn sống, Lục Vân Tiên tạm kinh doanh game online thôi, đến khi cần kíp thì mới hành sự lên đường.

Tôi ước ao một ngày nào đó, con trai con gái chúng ta sẽ giống như vậy. Chúng sẽ được dạy để trở thành những con người có trái tim thật đẹp, tấm lòng thật rộng và sâu, nhẹ nhàng làm những việc tốt chẳng quan tâm lời lãi và so đo hơn thiệt. Nếu trong thời chiến, họ sẽ là những thanh niên thiếu nữ đi vào thơ ca anh hùng, còn trong thời dịch, họ sẽ đi vào… danh bạ của bao người, trong đó có chúng tôi. Ước gì chúng ta có thể truyền tải một chút khí phách và lòng quả cảm rất bình dị của họ cho thế hệ sau, khi nhớ lại, ngày hôm nay đã là lịch sử, và ngày kết thúc chuỗi đau thương này có một sự đóng góp không nhỏ của các siêu shipper này, chỉ là hai trong số ngàn gương mặt đang chiến đấu vì người khác trên mọi tuyến đường chống dịch.

Đội Siêu Xe Lớn

Đội Siêu Xe Lớn là một cặp đôi hoàn hảo, một cặp cha và con. Tên của họ đều bắt đầu bằng chữ H mà ghép lại thì là từ chỉ tính chất đông đúc của một lực lượng (bạn thử đoán xem?). Mà quả đúng như thế, sự hợp lực của H lớn và H nhỏ không thua gì một đội tinh nhuệ. Anh H lái một chiếc 6 chỗ vừa sang vừa đẹp, dù chở biết bao “thế hệ” rau củ nhưng lúc nào cũng sạch sẽ vì được bao bọc cẩn thận và vệ sinh kỹ lưỡng. H nhỏ theo cha làm việc nghĩa, em đúng là một đồng đội tuyệt vời. Cha em xài cục gạch, em dùng cảm ứng tinh vi. Cha em chỉ việc lên xe, em dò đường và liên lạc. Cha xếp hàng trên xe, em ở dưới chất lên. Hai cha con luôn làm việc ăn khớp, nhịp nhàng, cười vui hóm hỉnh. Người cha đã trở thành bạn của người con, và người con đã trở thành “hậu duệ mặt trời” – thừa hưởng tất cả những gì tốt đẹp nơi cha mình.

Trong mùa này, những chiếc xe lớn gắn bảng “hỗ trợ mùa dịch” sẽ qua chốt dễ hơn các xe gắn máy. Chiếc xe này có tấm giấy thông hành, đã vi vu trên mọi nẻo đường để chuyên chở số lượng lớn thực phẩm và thuốc men đến người dân. Vì là mùa dịch, tài xế phải kiêm luôn bốc vác, dỡ hàng, chất hàng và lau dọn, vệ sinh xe tất tần tật từ A đến Z. Đến giờ giới nghiêm, anh lại vội vàng để xe lại trường và hai cha con đèo nhau trên chiếc xe máy cũ về nhà, luôn luôn không ăn tại chỗ và gói ghém mang về nếu có để ăn cùng vợ bữa cơm chung. Những lần đi xe máy, H nhỏ luôn chở cha và trước mặt em là một núi các túi đồ, cha em ngồi phía sau rảnh rang, khi mọi người thắc mắc thì H lớn chỉ cười xòa: “Mình thử thách rèn luyện nhóc này đó soeur ơi…” Người cha không chỉ giúp con trưởng thành mà còn biết trao dần trách nhiệm và kỹ năng để một ngày nào đó, con không làm hổ danh cha.

Có những buổi chiều hiếm hoi không có cuốc xe nào, cả nhà anh H ngồi vắt hàng trăm ký chanh làm nước cốt chanh, gừng, mật ong gửi đến tiền tuyến nơi các tình nguyện viên đang tiếp xúc với người bệnh. Có một buổi chiều em H nhỏ nói, “mai em đi thi vào trường năng khiếu mà lâu nay không tập tành gì” (em là chân sút trong đội bóng thành phố). Chúng tôi cười bảo: “Em tập còn hơn tập gym nữa, khuân vác như thế thì không chỉ chân mà tay, mặt, cổ chỗ nào cũng được luyện cả”. Tôi còn nghĩ, giá mà có cuộc thi vắt chanh thì em ấy sẽ giành giải đặc biệt.

Cảm ơn tình yêu gia đình, cảm ơn những tổ ấm nơi những ông bố bà mẹ yêu thương nhau và cùng hướng về thiện ích chung. Nhờ thế, những người con lớn lên với lẽ sống tự nhiên là mở lòng với mọi người, sẵn sàng chung vai gắng sức giúp đỡ người khác. Gia đình trở thành một nhân tố mạnh mẽ để chiếu sáng lòng trắc ẩn và sự cảm thông. Cha, mẹ và con đều rất tần tảo bình thường trong cuộc sống hằng ngày, bỗng dưng nổi bật lên như những đồng đội hết sức gắn bó và tận tâm với điều thiện hảo. Điều đó sẽ chẳng có nếu trong ngày thường họ không bên nhau thân gần và chia san. Cảm ơn tiền tuyến nhiệt tâm, cảm ơn hậu phương ấm áp. Khi nhìn họ, ta cảm thấy mọi sự dù tồi tệ đến đâu, nếu tình yêu ở giữa chúng ta, thì chẳng có gì là quá sức chịu đựng cả. Đem tình yêu đến những nơi không có tình yêu để có thể gặp thấy tình yêu ở đó[1], mùa nào cũng cần chứ chẳng riêng gì mùa dịch, bạn ơi!

Nữ tu Têrêsa Bình Tâm, CND-CSA

THIỆN NGUYỆN VIÊN: TÂM TÌNH VỚI BẠN TRẺ

Hoàn Phạm – Hội Thừa Sai – TGP Sài Gòn, 01/09/2021

clip_image041

TGPSG Tuổi trẻ là một giai đoạn trong cuộc đời; nhưng trước hết tuổi trẻ là một tình trạng của tâm hồn…

Bạn thân mến! Có lẽ trong hai năm qua, từ ngữ được tìm kiếm nhiều nhất trên google là Covid – nỗi ảm ánh của người trẻ như bạn, nhất là những người thích đi đây đi đó, thích tham gia vào các hoạt động hội đoàn.

Thời gian này, có thể bạn đang ở nhà với cha mẹ và người thân, cũng có thể bạn đang mắc kẹt tại phòng trọ. Có thể bạn đang cảm thấy khó chịu vì không được đến trường, không được đi đây đi đó, không được đến nơi làm việc. Có những bạn háo hức để được làm tân sinh viên sau bao nỗ lực và đợi chờ, có bạn đang hồi hộp để được vào lớp 10 với cảm giác mình lớn hơn, trưởng thành hơn. Cũng có bạn đã chuẩn bị ra trường sau quãng đường đại học với những tấm hình lưu niệm trong bộ đồ cử nhân… Nhưng mọi kế hoạch như thành bong bóng vì Covid, vì giãn cách.

Tôi hiểu và thông cảm cho những cảm xúc rất thật, khó diễn tả và cũng có cơ sở của các bạn vì tôi cũng vừa tốt nghiệp thần học và đang háo hức để được làm lễ ra trường.

Hôm nay trong không gian của màn đêm bệnh viện, tôi muốn tâm sự với các bạn, những người em, người bạn rất thân thương.

Xung quanh tôi lúc này có nhiều thiện nguyên là những sinh viên, những thực tập viên… Các bạn ấy đến từ nhiều trường đại học khác nhau, nhiều vùng miền khác nhau và cũng với nhiều tôn giáo khác nhau. Nhưng họ đều có chung một điểm, đó là mong muốn đóng góp một chút sức lực nhỏ bé của mình, để cộng tác với các bác sĩ và nhân viên tế, cũng như với toàn thể xã hội, mà xoa dịu và giúp đỡ những bệnh nhân đang điều trị Covid.

clip_image043

Giờ đây, có thể bạn đang cảm thấy khó ngủ, dù đang ở trong gia đình – nơi quen thuộc nhất và được yêu thương nhiều nhất, hay ít là ở trong phòng trọ – nơi có thể an toàn hơn trong thời kì dịch bệnh như thế này.

Còn các bạn thiện nguyện ở đây đang ngồi nơi những hành lang. Có bạn may mắn hơn thì tìm được một cái phòng trống trải, có sẵn một tấm carton để ngả lưng chút đỉnh trước khi vào ca trực. Có bạn tìm được chiếc ghế bệnh viện để chợp mắt một chút, như thế là hạnh phúc lắm rồi.

Các bạn ở nhà cũng tâm sự với tôi: nhớ trường nhớ lớp quá đỗi, nhớ những ngày vui với bè bạn và ở trong nhà mãi một chỗ chán quá, không được đi đây đi đó. Tôi biết và rất hiểu nỗi chán chường của các bạn. Nhưng ít nhất các bạn vẫn còn một không gian quen thuộc để đi lại, được ăn những bữa cơm do mẹ hay chính bạn lựa chọn và nấu.

Còn các bạn ở đây, cứ bắt đầu ca trực thì lên xe di chuyển từ chỗ ở đến bệnh viện. Các bạn ấy ăn cơm không đúng giờ, có khi ăn cơm trưa lúc 3g chiều, ăn tối vào 10g đêm. Ăn cơm cũng phải có vách ngăn để tránh lây nhiễm, vào ca làm việc thì mặc đồ bảo hộ kín mít. Phục vụ xong thì lại ngồi vất vưởng nơi đâu đó để chờ tới giờ lên xe về lại chỗ nghỉ.

clip_image045

Điều tôi cảm thấy rất cảm phục các bạn trẻ nơi đây là, sau ca làm việc, dù công việc khá nhiều, nhưng ra khỏi phòng, sau khi thay quần áo, mọi người lại cười cười, nói nói, rất vui vẻ…

Trong êkíp làm việc của tôi, có một bạn sinh viên đại học Hoa Sen, người Tiền Giang, đã tham gia công việc này ngay từ khi Sài Gòn mới bắt đầu mời gọi tham gia thiện nguyện viên. Bạn còn khuyến khích tôi đừng sợ, bạn bảo: “Không sao đâu chú ạ!” Bạn nói là rất vui vì được cộng tác một chút với xã hội và mọi người.

clip_image047

Khi bắt chuyện với các bạn sinh viên, hay các điều dưỡng viên trẻ tuổi, tôi thấy thật đúng lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tuổi trẻ là một giai đoạn trong cuộc đời; nhưng trước hết tuổi trẻ là một tình trạng của tâm hồn”[1].

Tôi cũng biết nhiều người trẻ Công giáo trong các giáo xứ hay các khu phố đang cộng tác vào chuyến thiện nguyện này, hay những việc thiện nguyện khác như đi hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hỗ trợ cấp phát thuốc…

Có nhiều bạn trẻ cũng tâm sự: mong được vào chăm sóc những bệnh nhân nơi các bệnh viện. Nghe những tâm sự như thế, tôi thấy tâm hồn các bạn đẹp quá!

Các bạn ạ! Ước mơ luôn đẹp, nhưng sống giây phút hiện tại với hoàn cảnh hiện tại lại càng đẹp hơn và đòi hỏi sự can đảm của các bạn nhiều hơn. Vùng đất nào cũng cho các bạn cơ hội để yêu thương, cho các bạn gieo trồng hạt giống. Sự vĩ đại không ở việc các bạn làm nhưng ở tình yêu và tâm huyết các bạn đặt vào trong đó, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, nơi những con người các bạn gặp gỡ và ở cạnh bên. Một Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng chỉ sống trong ước mơ với những việc rất nhỏ nhặt hằng ngày trong bốn bức tường tu viện đã trở thành một Tiến Sĩ Hội Thánh. Như tâm niệm của Mẹ Têrêxa Calcuta “Trong cuộc đời này, chúng ta không thể làm những điều vĩ đại. Chúng ta chỉ có thể làm những điều bé nhỏ với tình yêu vĩ đại mà thôi”[2]. Hơn thế nữa, khi đặt tình yêu vào công việc, “chúng ta sẽ yêu quý những gì được tạo ra từ công việc ấy. Ta sẽ cảm thấy sảng khoái, tràn đầy năng lượng thay vì cảm giác buồn chán, tẻ nhạt, mệt mỏi thường gặp”[3].

Chắc chắn những thiện nguyện viên ở đây, cũng như tôi, có lúc mệt mỏi, có lúc ước mong có được bữa cơm với gia đình, với cộng đoàn hay ít là với những người bạn trong một không gian thoải mái là nhà của mình. Những lúc đó, tôi lại nhớ đến lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chúng ta có thể thôi phàn nàn và hướng về phía trước cùng với Đức Kitô”[4].

Một bạn sinh viên còn nói với tôi rằng, lúc đầu đi thế này cũng sợ, cũng lo lắng. Nhưng khi vào phía trong rồi, mới cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang có – ít là  mình còn mạnh khỏe, còn đi lại được và còn được hít thở không khí của bầu trời. Bạn nói với tôi rằng, bạn nhớ đến lời của nhà văn Helen: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi thấy một người không có chân để đi giày!”

clip_image049

Kể những câu chuyện này với bạn, tôi mong chính trong thời gian giãn cách, bạn sẽ chọn lựa một năng lượng sống tích cực và lan tỏa đến với tất cả mọi người.

Một bạn trẻ trong đoàn của tôi, vừa đi phục vụ thiện nguyện, vừa tranh thủ tìm hiểu thêm về Đông y. Bạn cho biết là, muốn tìm hiểu thêm để có thể hữu ích hơn trong việc giúp đỡ bệnh nhân.

Tôi cũng biết nhiều bạn tân sinh viên đã đăng kí những khóa học Tiếng Anh online để chuẩn bị cho hành trang sắp tới. Có những bạn bắt đầu vào lớp 10 tham gia viết bài gửi cho Alpha Book để nói lên nỗi lòng mình, trồng thêm những dãy hoa trước nhà, tập làm những món ăn cho gia đình.

Có bạn thì tìm cách để giúp gia đình, làng xóm, nhất là những người già biết cách tăng đề kháng cho cơ thể, phụ giúp những việc có thể cho những người xung quanh.

Có bạn lại tìm cách đọc thêm nhiều quyển sách để có thể chia sẻ với các bạn thiếu nhi trong giáo xứ. Bạn kể cho tôi như đang reo vui trong ánh mắt khi đọc được những dòng này: “Thay vì than thở vì bóng tối, hãy tự nhen lên ánh sáng và tiến bước. Đừng bao giờ phó mặc hạnh phúc của mình cho kẻ khác mà hãy tự mình hành động một cách tích cực”[5].

Câu trích dẫn của bạn trẻ này làm tôi quay về với bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu cũng đang mời gọi bạn và tôi “Hãy đứng dậy và cùng Thầy tiếp tục ra khơi thả lưới”. Dù có thể bạn đã giặt lưới sau khi đi về nơi an toàn là gia đình. Có thể bạn bàng quan với mọi người xung quanh vì sợ hãi và lo lắng cho bản thân vì Corona. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi bạn:

“Các bạn hỡi, đừng đợi đến ngày mai mới đóng góp năng lực, sự gan dạ và sự sáng tạo của các con cho việc biến đổi thế giới này. Tuổi trẻ của các con không phải là một ‘thời gian chuyển tiếp’. Các con là hiện tại của Thiên Chúa, Ngài muốn các con trổ sinh hoa trái. Vì chính khi ‘cho đi là lãnh nhận’ và cách hay nhất để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp là sống tốt hiện tại với tinh thần dâng hiến và quảng đại”[6].

Hãy đứng dậy và bước đi bạn nhé. Không phải là bước đi về mặt địa lý, nhưng là ra khỏi chính ốc đảo của mình, ra khỏi những sự sợ hãi, co cụm, ra khỏi sự ươn lười. Bước đi và sống trọn niềm vui đích thực của yêu thương.

Cách sử dụng thời gian của bạn trong hiện tại chính là cách bạn sử dụng cuộc đời mình. Khi nhận ra bạn có thể lấp đầy khoảng thời gian chờ đợi bằng trái tim mình, cái hiện tại mà bạn đang sống sẽ có sự sung túc đầy đủ mà từ trước tới nay chưa từng có.

Chính trong lúc giãn cách, các bạn thử cảm nghiệm bằng con tim, sống những khoảnh khắc bên gia đình, với tình làng nghĩa xóm, cảm thấu tình mẹ cha, tình anh chị em cũng như với những cụ ông cụ bà, mà ngay lúc này những thiện nguyên viên đang ao ước.

Và lúc lắng nghe cũng như chiêm nghiệm cuộc sống bằng con tim trong sự chậm rãi, các bạn sẽ khám phá ra những nét đẹp rất bình dị mà bấy lâu có thể vì quá vội vàng các bạn chưa bao giờ nhận ra:

"Có một vẻ đẹp kỳ diệu của một gia đình nhỏ hoà hợp quây quần bên mâm cơm gia đình dù rất đạm bạc nhưng biết chia sẻ quảng đại cho nhau.

Có vẻ đẹp nơi một người vợ, dẫu hơi nhếch nhác và hình hài đã in dấu thời gian, nhưng vẫn tận tụy chăm sóc người chồng ốm đau, mặc cho đã tuổi cao sức yếu.

Dẫu mùa Xuân của thời “lưu luyến ấy” đã qua đi, vẫn có một vẻ đẹp của các cặp đôi trung thành yêu thương nhau đi qua mùa thu của cuộc đời và vẻ đẹp của các cụ ông cụ bà vẫn nắm tay sánh bước bên nhau đến cuối cuộc đời.

Có một vẻ đẹp, vượt trên cái đẹp ngoại hình và thời trang, nơi những người nam và người nữ theo đuổi ơn gọi của mình với tình yêu, để phục vụ quên mình vì cộng đồng và đất nước, nơi những người làm việc quảng đại để xây dựng một gia đình hạnh phúc, nỗ lực làm việc chăm chỉ trong âm thầm vô vị lợi để tái thiết một xã hội hoà hợp tiến bộ.

Khám phá, bộc lộ và biểu dương những vẻ đẹp này, vốn là những phản chiếu sống động vẻ đẹp của Đức Kitô trên thập giá, là ta đã đặt nền tảng cho sự liên đới xã hội đích thật và cho nền văn hoá gặp gỡ”[7].

Khám phá ra vẻ đẹp nơi cuộc sống đời thường, ban sẽ thấy hạnh phúc hơn, bạn sẽ không quá căng thắng với sự giãn cách, tự giam hãm mình trong bốn bức tường của căn phòng trống trải vì bạn biết có một Đấng luôn yêu bạn, Ngài trẻ trung và cái gì Ngài chạm vào sẽ trở nên tươi mới. Bạn sẽ tìm được hạnh phúc và niềm vui nơi Ngài.

Hạnh phúc, niềm vui đích thực của bạn là ở tâm hồn, đó là niềm vui không gì cướp mất của các bạn được. Niềm vui đó có được khi các bạn biết sống kinh nghiệm trong tương quan tình bạn với Đức Kitô, Người luôn nói với các bạn “Tôi yêu bạn” và thực sự là thế. Trong Đức Kitô, bạn sẽ sống đích thực, một sức sống đầy năng lượng và sáng tạo.

Không gian mạng cho các bạn thỏa sức sáng tạo, để các bạn có thể tạo ra những kênh hữu ích cho mọi người như làm sao để sống khỏe hơn, truyền năng lượng tích cực đến cho mọi người, giúp những người cao tuổi hiểu thêm về covid và cách ngăn ngừa.

Trau dồi kĩ năng và kiến thức, cũng như mở ra những trang web giúp việc học cho các bạn trẻ khác, thay vì đi tìm những thông tin hot mà không ăn nhập với cuộc đời của bạn, tương lai của bạn.

Có khi các bạn lạc lõng chính trong ngôi nhà của các bạn vì các bạn quá quan tâm đến những người chẳng mấy liên quan với cuộc đời các bạn như các ngôi sao bóng đá, các người hoạt động showbiz nhưng lại quên đi cha mẹ và gia đình, ông bà, làng xóm, những người là quá khứ, hiện tại và cũng là tương lai của cuộc đời bạn.

Hơn thế nữa, bạn là người có đức tin, là người luôn mang trong mình sứ mạng rao giảng niềm hi vọng Kitô giáo cho toàn thế giới. Năm học mới này có lẽ sẽ là một màu xám với người không có đức tin, nhưng đó là cơ hội cho bạn và tôi làm sáng lên chứng nhân của niềm vui Tin Mừng, “chính những chứng tá của các bạn sẽ có thể chạm đến trái tim của những người thân cận và mọi người”.

Đây cũng là dịp cho các bạn đi vào một tương quan tốt đẹp và đích thực hơn với Thiên Chúa. Các bạn trưởng thành hơn trong đời sống đức tin. Các bạn có môi trường để lan tỏa đức tin đến mọi người, xây dựng những kênh thông truyền sứ điệp Lời Chúa và trên hết các bạn trở thành con người cầu nguyện chứ không phải là người của trào lưu, của lễ nghi và đám đông như Mẹ Têrêsa gợi nhắc: “Con đừng chỉ là người xướng lên những lời cầu nguyện. Hãy thực sự trở thành người nguyện cầu những điều tốt đẹp”.

Hoàn Phạm – Hội Thừa Sai

[1] Tông huấn ‘Đức Kitô đang sống’, # 34

[2] Trích lại trong quyển ‘Đời bạn không sống, ai sống dùm bạn’.

[3] The Carpenter – Người Thợ Mộc Lạ Lùng: Sức Mạnh Của Sự Thông Thái.

[4] Tông huấn ‘Đức Kitô đang sống’, # 11.

[5] Đời bạn, bạn không sống thì ai sống dùm

[6] Tông huấn ‘Đức Kitô đang sống’ # 178

[7] Tông huấn ‘Đức Kitô đang sống’, # 183’

 

THIỆN NGUYỆN VIÊN: LÒNG CON VẪN Ở NƠI ẤY…

Antôn Chung Chí Tâm, La San – TGP Sài Gòn, 01/09/2021

clip_image051

TGPSG — Hồi tưởng lại những khoảnh khắc họ tâm sự với thiện nguyện viên chúng tôi, nhớ làm sao những ánh mắt đang cần sự san sẻ. Nhớ những cái nắm tay ấm áp đong đầy tình thương và sức mạnh…

Một tháng dấn thân phục vụ tại bệnh viện Covid đã để lại trong các anh chị em thiện nguyện viên (TNV) chúng tôi nhiều kí ức hòa lẫn với những lưu luyến. Nhiều anh chị em đã xin ở lại thêm tháng thứ haivà có thể thêm nhiều ngày hơn nữa. Có người còn nói: khi nào hết dịch thì mới trở về…

Còn chúng tôi, bận việc này việc nọ nên chân bước về mà lòng còn ở lại. Công việc nơi bệnh viện, chúng tôi đành để lại cho anh chị em TNV mới đến. Trước khi trở lại cộng đoàn của mình, chúng tôi ởnơi cách ly từ 7 đến 14 ngày.

Một số nam tu sĩ TNV chúng tôi cách ly tại Đan viện Biển Đức Thiên Phước. Thời gian cách ly là thời gian chúng tôi được nghỉ dưỡng bên Chúa sau chuyến hành trình vất vả dấn thân phục vụ, như xưa Chúa mời gọi các Tông đồ vào nơi hoang vắng để tìm sự nghỉ ngơi sau sứ vụ mệt mỏi: “Các Tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: ‘Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút’ (Mt 6,30-31)".

Ở bên Chúa cách đặc biệt nơi cách ly này, chúng tôi thực sự được hưởng những giây phút êm đềm, tận hưởng nguồn hạnh phúc như lời bài hát “Về Bên Chúa” của nhạc sĩ Trầm Hương: “Tìm đâu giây phút dịu êm hơn bên Chúa đây. Lặng nghe khúc hát tình yêu ngây ngất say. Về đây bên Chúa tình yêu, con lắng nghe, Chúa nói đi, giây phút này! Hồn con vươn tới trời quê hương, ôi sướng vui hạnh phúc Thiên đường…”

clip_image053

Nơi đây quả thật là nơi nghỉ dưỡng và tĩnh tâm lý tưởng để tôi có thểtìm về nội tâm của chính mình, lắng đọng để nhìn lại chặng đườngmình đã đi và phó thác tương lai vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

Cơn dịch bệnh lịch sử chắc chắn đã để lại trong mỗi người TNV chúng tôi nhiều ưu tư và thao thức. Những nỗi nhớ, niềm thương dành cho tuyến đầu còn vấn vương mãi. Đúng như thế, từ nơi cách ly của các nữ tu sĩ,  Sơ Têrêsa Thủy Tiên đã nhắn gửi lời chia sẻ rằng:

“Nhớ nhất là các bệnh nhân, không biết trong thời khắc này, họ đang như thế nào nhỉ? Hồi tưởng lại những khoảnh khắc họ tâm sự với chúng tôi, nhớ làm sao những ánh mắt đang cần sự san sẻ. Nhớ những cái nắm tay ấm áp đong đầy tình thương và sức mạnh. Lòng tôi xao xuyến khi nghĩ về họ, bỗng bồn chồn lo lắng, không biết họ ra saorồi? Quả thật, tôi không thể làm được gì hơn cho họ, ngoài những lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa tại nơi cách ly này. Mong rằng cơn đại dịch mau qua đi và sớm trả lại sự bình yên cho con người.”

Còn riêng tôi, tôi nhớ như in ngày đầu tiên lên đường đi đến tuyến đầu mà trong lòng mang một niềm phó thác như Abraham, tưởng tượng đủ điều rằng mình có thể sẽ bị nhiễm virus… Rồi tất cả đều đã qua. Tôi đã thực sự được Chúa gìn giữ.

Giờ đây, ngồi bên Chúa, tôi nhớ về bộ đồ bảo hộ khó thở với nhiều kỉ niệm. Nhớ phòng bệnh có các anh chị bác sĩ điều dưỡng bận rộn chăm sóc bệnh nhân. Nhớ những lúc lau dọn hay thay ga giường, thay tã cho bệnh nhân. Và có những lúc rảo quanh qua các khoa khác để thăm bệnh nhân. Nhớ lắm những ca trực đêm, thức khuya dậy sớm,mắt mở không nổi nhưng vẫn cố gắng, vừa làm vừa ngáp… Tất cả đãtạm dừng và chuyển trao lại cho những anh chị em khác. Tôi không mong gì sẽ trở lại nơi đó lần nữa, nhưng mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn.

Tôi thầm nghĩ, mình sung sướng an tĩnh ở chốn này, có thời gian nghỉ dưỡng bồi bổ thể xác lẫn đời sống thiêng liêng, còn những anh chị em TNV của mình đang vất vả, đang gặp khó khăn hơn, mà thấy trong lòng một nỗi niềm nào đó, bâng khuâng phủ kín…  Tôi muốn nói với họ thật nhiều điều: “Mình về không phải vì sợ, nhưng vì sứ vụ Hội dòng đã trao… Mình vẫn nhớ đến các bạn trong những lời cầu nguyện hằng ngày, ngay tại lúc này và ở nơi đây.”

Con xin tri ân Chúa đã gìn giữ và giúp sức cho chúng con hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Hy vọng những gì chúng con cảm nhận được sẽ là bài học quý giá, giúp chúng con lớn hơn trên con đường phụng sự Chúa.

Xin Chúa gìn giữ những người bạn TNV của chúng con, các y bác sĩ và tất cả mọi người không ai bị nhiễm bệnh. Con tha thiết khẩn nài lòng thương xót của Chúa, xin Ngài ra tay ngăn chặn dịch bệnh. Con tin bàn tay Chúa đã dựng nên tạo vật này thì chính bàn tay đó sẽ ra tay cứu chúng con khỏi cơn nguy khốn này. Amen.

Antôn Chung Chí Tâm, La San

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Lễ khai giảng hoành tráng tại gia

clip_image055

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Dịp nghỉ lễ đã cận kề, lên kế hoạch vi vui thôi!

clip_image057

Comments are closed.