Thiền Trôi (kỳ 5)

Truyện Phạm Lưu Vũ

pham luu vu (2)

Nhà văn Phạm Lưu Vũ

Tuấn trọc cầm lái, chiếc xe cứ theo bóng đôi chim sẻ mà phi, té ra con đường này cũng hướng về thành Phượng Hoàng. Về đến thành rồi, đôi chim dẫn hai anh anh đầu trọc tới đâu? Tới đúng nhà trưởng giả họ Nguyễn. Đôi chim bay vọt qua cổng, chui tọt vào bên trong ngôi biệt thự. Tuấn trọc dừng xe, hất đầu đưa mắt ra hiệu cho Tiến trọc. Tiến hiểu ý, mở cửa xe bước xuống, tới trước cổng bấm chuông…

Lại nói chuyện trưởng giả họ Nguyễn. Từ khi lão hòa thượng quái dị ấy đi rồi, họ Nguyễn tin tưởng lắm nên vẫn ngồi nhà ngóng. Hôm đó nghe tiếng chuông lạ, liền lật đật từ trong nhà chạy ra, nhòm qua lỗ cửa, nom thấy đúng hai anh đầu trọc, một anh mặt đỏ, một anh mặt xanh thì mừng lắm. Bụng nghĩ lão sư phụ kia quả biết rõ tiên cơ, lời nói không sai tẹo nào, liền mở toang hai cánh cổng đón khách mà không cần hỏi han gì, cứ y như có hẹn trước.

Anh mặt đỏ nở một nụ cười xã giao gọi là “sắc tiếu vô thanh”, chỉ thấy ngoác mồm mà không thấy tiếng, cúi đầu chào rất lễ phép rồi nhơn nhơn tiến vào.

Riêng anh mặt xanh, tức là Tuấn trọc tính vốn điềm đạm, cẩn thận nên chỉ từ từ lái xe tiến lên, tới giữa cổng thì dừng lại, quay kính xuống hỏi chủ nhà:

"Xin hỏi có vị hòa thượng như thế, như thế… ở đây không?".

Họ Nguyễn trả lời ngay:

“Có, có. Vị hòa thượng ấy đã đến đây, dặn tôi đón các vị, bảo các vị cứ chờ ngài ở nhà tôi”.

Tuấn trọc thoáng chút ngạc nhiên, song cũng đã hiểu sư tổ Hoan Lạc Ca tôn giả hành tung bất khả tư nghì. Một người tu ở “Tín Vân tự”, tức là ngôi chùa ở trên giời thì tìm Ngài có khác nào tìm chim. Giờ nghe nói Ngài đã đến đây thì mừng lắm, liền lái xe vào hẳn bên trong khuôn viên ngôi biệt thự.

Trưởng giả họ Nguyễn liếc trộm anh mặt đỏ, trong đầu thầm đánh giá bộ ngọc hoàn quý hóa của anh ta, phải có món ấy thì mới giải được cái độc “Du hồn tán” của cô con gái. Liền phác nhanh một kế hoạch giữ chân hai chàng ở lại căn biệt thự theo lời dặn của vị hòa thượng, đoạn niềm nở dẫn hai anh đầu trọc vào trong nhà.

Ba người vừa bước chân lên sảnh, bỗng có tiếng reo:

“Hai ông đầu trọc, hai ông đầu trọc…”.

Họ Nguyễn và hai anh đầu trọc giật nảy mình, ngoái đầu nhìn về phía hành lang, nơi vừa phát ra tiếng reo. Một chiếc lồng chim treo trên dây, trong đó có con vẹt đang nhảy nhót loạn xạ. Chính nó vừa cất lên tiếng reo. Ông Nguyễn lặng người vì ngạc nhiên và mừng rỡ. Con vẹt ấy nuôi đã hơn một năm nay, chỉ toàn kêu bằng tiếng vẹt, sao bỗng hôm nay nó biết nói tiếng người? Hai anh đầu trọc thì thích chí lắm. Không ngờ trưởng giả họ Nguyễn có con vẹt biết nói, lại còn biết đếm đến hai nữa, bèn chạy tới hỏi han nó rối rít.

Con vẹt gật gật đầu, xòe cánh, chỉ cái mỏ về phía Tiến trọc nói liền mấy tiếng:

“Liệu hồn, liệu hồn…”.

Tiến trọc cười phá lên. Nó lại còn biết dọa khách nữa. Họ Nguyễn nghe con vẹt nói thì chột dạ, sợ nó tiết lộ thiên cơ thì hỏng bét, liền bước tới kéo hai anh đầu trọc lên phòng khách, pha trà gọt quả mang ra thù tiếp. Câu chuyện chẳng mấy chốc đã trở nên đậm đà. Hai chàng nghe nói Hoan Lạc Ca tôn giả dặn cứ chờ ngài ở đây thì mừng lắm. Không ngờ chuyến hành phương Nam này, cứ ruổi theo bóng Tín Vân Tự, cuối cùng cũng đạt được mục đích gặp sư tổ. Thế là hai chàng yên tâm ở lại ngôi biệt thự, tuyệt không gợn lên một chút nghi ngờ gì…

Sau bữa cơm tối, chủ khách dẫn nhau lên sân thượng uống trà, ngắm trăng. Đêm ấy trăng non, mới tối một lúc mà trăng đã treo tít trên cao, sáng vằng vặc, bầu trời thành Phượng Hoàng không một gợn mây, có tiếng vạc quác lên đâu đó giữa không trung. Bỗng một mùi hương nhè nhẹ thoảng tới.

Họ Nguyễn lặng người đi một lát rồi reo lên:

“Hình như hoa Quỳnh nở, hoa Quỳnh nở thật rồi…”.

Sở dĩ họ Nguyễn reo lên như thế là vì trong nhà có chậu Quỳnh, từ khi thỉnh về thì ba năm mới đâm chồi, lại ba năm nữa mới ra nụ, ban đầu chỉ bé bằng đốt ngón tay út, ba năm sau mới gần bằng bắp chuối, rồi chờ mãi, đúng đêm nay mới nở. Họ Nguyễn rối rít kéo hai chàng ra chỗ chậu Quỳnh đặt phía góc sân thượng. Một bông Quỳnh trắng lạnh, tinh khôi, xòe như một quả chuông rực rỡ ánh trăng, những lớp cánh mịn màng xếp vào nhau, ở giữa là một vòng nhụy, đầu có chấm vàng như những cây nến tí hon.

Tiến trọc vừa nom thấy đã lặng người, buột miệng thốt lên mấy câu lục bát của thi sĩ Ngô Xuân Sách người xứ Thanh:

“Hoa Quỳnh tên đẹp vậy em

Mà sao chỉ nở mỗi năm một lần

Thưa rằng trinh trắng thanh tân

Cho nên ngắn ngủi, có ngần ấy thôi”.

Tuấn trọc biết giống hoa Quỳnh có xuất xứ từ bên kia quả địa cầu, mang sang đây trồng, mỗi năm chỉ nở đúng một lần nên cũng run lên vì cái nhân duyên đặc biệt này, đến nỗi cảm thấy cả mặt trời, mặt trăng trong một sắc hoa.

Bèn ứng khẩu đọc tiếp ngay mấy câu:

“Quê em cách nửa vòng Trái Đất

Lúc em ngắm trời, thì anh ngắm trăng

Em nhớ quê hay vì anh mà nở?

Cả một vầng Nhật Nguyệt bất ngờ”.

Họ Nguyễn nghe xong vỗ tay đôm đốp. Phục thi hứng của hai chàng quá, bèn chạy xuống lấy rượu, bày tiệc ngay bên cạnh chậu để thưởng Quỳnh. Ba người thù tạc mãi cho đến gần sáng, lưu luyến không muốn rời chậu Quỳnh, vì biết đến sáng mai, thì hoa sẽ không còn…

Sáng hôm sau họ Nguyễn dậy muộn, riêng hai chàng đầu trọc thì vẫn còn ngủ bê bết ở trong phòng trên tầng hai. Nhớ lại câu chuyện thưởng hoa đêm qua, họ Nguyễn lại trở ra chỗ chậu Quỳnh. Bông hoa rực rỡ đã bắt đầu khép cánh, hàng nhụy đã gục đầu và mùi hương cũng dần dần tắt lịm. Họ Nguyễn đứng bên hoa thầm than thở một hồi rồi trở xuống dưới nhà. Vừa lúi húi vớt lá rụng ở chiếc bể nuôi cá cảnh và tưới mấy chậu cây ở dưới sân vừa suy nghĩ, bỗng giật mình hiểu ra câu nói của lão hòa thượng quái dị hôm trước:

“Một khi cái tâm của con gái ông nó đã muốn về… thì cũng ví như chim biết reo, như hoa biết nở, đến mèo cũng phải gào lên…”.

Nghĩa là lão hòa thượng có ý muốn nói đến những điềm báo, liên quan đến việc hoàn hồn của cô con gái. Chim reo, hoa nở thì quả nhiên đã xảy ra rồi, thế còn mèo gào? Ông biết đã gọi là điềm báo, tất sẽ phải xảy ra đủ thì việc mới thành được. Nhà ông không nuôi mèo, thì cái điềm thứ ba ấy bao giờ mới xảy ra đây? Nay cái món “hồi tâm hoàn” quý hóa có một không hai ấy đang ở trong nhà mình, tức là ở trong tay mình mà bỏ lỡ mất cơ hội, khiến con gái mình cứ vô hồn mãi như thế thì sẽ ân hận suốt đời.

Bản thân ông cũng đã trù liệu sẵn sàng, việc xẻo lấy tinh hoàn của người ta, đâu phải giống như thiến gà, thiến lợn… mà được? Dẫu đã có thuốc hoạn “cung sa” nhiệm màu của lão hòa thượng, thì cũng phải có “cung thủ” mới làm được việc ấy. Nghĩa là phải có tay nghề của một bác sĩ ngoại khoa.

Thật may họ Nguyễn có hai thằng cháu bên đằng nhà vợ, đều là bác sĩ ngoại khoa. Một thằng họ Phạm, tên Cương, một thằng họ Trương, tên Đạt. Bác sĩ Phạm Cương làm ở bệnh viện Phượng Hoàng, nổi tiếng là một người cẩn thận và có tay nghề cao, mổ ca nào thành công ca ấy. Trái lại, Trương Đạt cũng có bằng bác sĩ ngoại khoa, nhưng tính cẩu thả, phẫu thuật mà bỏ quên cả sách trong bụng người ta, suýt phải đền to nên bị treo dao, phải xoay sang thiến gà, thiến lợn, cả thiến chó nữa để kiếm thêm thu nhập, được cái việc cũng kha khá. Họ Nguyễn vốn đã có ý định nhờ thằng cháu Phạm Cương hoạn cho chắc ăn, giờ chỉ còn thiếu cái điềm mèo gào…

Cứ suy nghĩ mãi như thế, họ Nguyễn chợt vỗ trán. À phải rồi, cả hai thằng Phạm Cương, Trương Đạt đều tuổi Mão, nghĩa là cùng cầm tinh con mèo. Lão hòa thượng nhắc đến chuyện mèo gào là vô tình mà trùng hợp chăng? Không có chuyện đó. Một câu nói từ miệng của một bậc đã thấu rõ tiên cơ, thông cả tam giới thì không thể không có lý do, chắc lão hòa thượng muốn ám chỉ điều này đây. Vậy thì họ Nguyễn phải tới gặp cả hai thằng cháu, lựa lời nói khéo, ngỏ ý nhờ chúng làm cái việc của thợ hoạn này, xem chúng nó có gào lên không, thằng nào gào to thì đúng là ứng vào cái điềm thứ ba ấy.

Ngộ ra điều ấy rồi thì mọi thắc mắc, phân vân… lập tức được giải tỏa. Họ Nguyễn bèn lên lầu kiểm tra, thấy hai anh trọc vẫn ngủ mê mệt, liền xuống đánh xe ra cổng, tranh thủ đến gặp hai thằng cháu vợ. Trước tiên gặp Phạm Cương.

Nghe ông chú trình bày và ngỏ ý nhờ giúp làm cung thủ một phen, Phạm Cương nghe xong mặt vẫn lạnh như tiền, chỉ hỏi lại:

“Tay mặt đỏ ấy già hay trẻ?”.

“Chắc cũng độ ngoài sáu mươi” – Họ Nguyễn trả lời.

Phạm Cương nghe thấy thế liền cười ha hả:

“Tưởng hắn còn trẻ thì mới phải phân vân một tí. Chứ đã ngần ấy tuổi, thì cặp tinh hoàn kia chắc cũng đã sử dụng chán chê rồi. Giờ lấy ra làm “hồi tâm hoàn”, giúp cho em nó có được hồn vía thì cũng đáng lắm. Việc ấy đối với cháu dễ như trở bàn tay. Tất cả vì tương lai một đời con gái của em nó…”.

Họ Nguyễn thấy thằng này coi việc hoạn một người đàn ông mà nhẹ như hoạn lợn, thật đúng một tay dao kéo chuyên nghiệp. Trước một việc tày đình như thế, mà chả thấy nó gào lên tiếng nào, vậy là không ứng rồi, bèn nói qua loa mấy câu rồi ra về, tìm đến gặp Trương Đạt.

Trương Đạt xưa nay vốn rất thương cảm bệnh tình của cô em họ, nghe ông chú kể đến cái món thần dược có tên “hồi tâm hoàn” bỗng từ trên trời rơi xuống ấy thì thích thú lắm. Nhưng đến khi họ Nguyễn đề nghị nó đích thân ra tay, làm cái việc của một cung thủ thì nó lập tức trợn mắt, gào lên:

“Ối giời đất ơi là giời đất ơi. Thiến gà, thiến lợn thì bao nhiêu cháu cũng chả ngại, vì đã có sách dạy rồi. Riêng thiến người thì cháu chưa thấy sách nào nói đến. Không có sách, thì cháu không dám động dao kéo vào dái người ấy đâu…”.

Thì ra thằng này từng bỏ quên sách trong bụng người ta là vì lý do như vậy. Họ Nguyễn thầm nghĩ, nhưng nó đã gào lên thế này thì đúng là ứng vào cái điềm mèo gào rồi, phải thuyết phục nó mới được.

Bèn nói:

“Không có sách dạy hoạn người, nhưng đã có thuốc để hoạn người rất thần diệu, đó là bột “cung sa”, chỉ cần rắc lên vết mổ, sau một giờ là liền lại như cũ…”.

Vừa nghe nhắc đến tên thuốc “cung sa”, Trương Đạt mắt sáng lên, hấp tấp nói:

“Chú lấy đâu ra “cung sa”? Đó là món thuốc bí truyền, là quốc bảo của cả nước Tàu đấy. Ngày xưa chuyên dùng vào việc thiến người làm hoạn quan trong các cung vua, phủ chúa. Nghe nói về sau bên ta cũng có người gặp vận may mới vớ được, đem dùng cho việc hoạn lợn, một ngày hoạn mấy trăm con, sạch cả một trại lợn, được cả nước tôn làm Hoạn tổ. Cháu đây cũng ước ao có được món thuốc ấy, thì chẳng mấy chốc mà làm giàu…”.

Không ngờ Trương Đạt xưa nay hành nghề hoạn súc vật, cũng biết đến sự thần diệu của “cung sa” và rất hâm mộ cái món ấy. Họ Nguyễn mừng lắm, liền đem chuyện được tặng gói cung sa của lão hòa thượng ra khoe, khiến Trương Đạt không còn e ngại gì nữa, lập tức nhận lời làm nhiệm vụ cung thủ. Hai chú cháu bàn nhau, lên kế hoạch rất chi tỉ mỉ. Chiều nay, họ Nguyễn sẽ về nhà mở tiệc rượu đãi hai anh đầu trọc, bí mật cho tí thuốc mê vào, đợi đến đêm, cả hai đều say mê mệt rồi mới gọi Trương Đạt tới hành sự…

Chú cháu bàn định xong đâu đấy rồi, họ Nguyễn lập tức trở về nhà, trên đường đi tiện thể ghé qua chợ mua mấy món lòng sọ về đãi khách quý. Về tới căn biệt thự, vừa đánh xe vào trong sân, họ Nguyễn đã giật mình, chột dạ vì không thấy xe của Tuấn trọc đỗ ở đó. Vội vàng leo lên gác, nhòm vào phòng hai chàng vừa ngủ đêm qua, thấy hai chiếc giường trống không, họ Nguyễn rụng rời, tự an ủi mình chắc họ đi uống cà phê loanh quanh gần đây… Liền lao xuống, chạy tới mấy quán cà phê trong phố để tìm kiếm… Vẫn không thấy tăm hơi của hai chàng.

Hai anh đầu trọc đã biến đi đâu?

Nguyên đêm trước, vì chuyện uống rượu thưởng hoa mà hai chàng ngủ say mê mệt, tới tận gần trưa. Khi họ Nguyễn đã đi ra khỏi nhà rồi, Tuấn trọc bỗng giật mình tỉnh dậy vì nghe có tiếng động ngoài cửa sổ. Nhìn ra thấy cặp chim sẻ hôm qua đang đậu ở cửa kính. Tuấn trọc liền vùng dậy, chạy ra xem, thấy đôi chim vỗ cánh bay là là ra ngoài phố, rồi dừng lại trước một quán cà phê, cách biệt thự của họ Nguyễn chừng trăm mét. Bụng nghĩ hay là tổ sư Hoan Lạc Ca tôn giả đã quay trở lại, đang ở đó chờ mình nên đôi chim đã đến đánh thức? Nghĩ xong liền trở vào, lay Tiến trọc dậy rồi mặc quần áo, cả hai cùng ra quán cà phê. Vào trong quán rồi, hai chàng vừa ngồi xuống ghế, gọi cà phê thì bất ngờ lại gặp một người quen. Đó là ai vậy?

Người đó là Trần Trang, gã trưởng giả mặt trắng quần tây áo vét, mặt như thoa phấn mà hai chàng đã tình cờ gặp ở Phủ Diễn hôm trước. Nguyên hôm đó, đợi cho hai chàng đi rồi, Trần Trang mới thả cho thằng Tẫu đi, cảnh cáo nó từ nay không được hại chim sẻ nữa. Mấy hôm sau lại la cà ra quán, bỗng nghe rộ lên tin đồn về cô con gái nhà họ Nguyễn ở trong thành Phượng Hoàng, đang cần bộ ngọc hoàn của một anh đầu trọc mặt đỏ, để chữa chứng vô hồn. Trần Trang nhớ ngay ra đó chính là Tiến trọc. Nghe nói con gái nhà họ Nguyễn là tuyệt thế giai nhân, chỉ phải chứng vô tri vô giác suốt từ lúc sinh ra tới nay. Họ Nguyễn lại là người gia thế, có nhiều của cải… Tin này mà loan ra thì anh mặt đỏ Tiến trọc gặp nguy chứ chẳng phải chuyện chơi, cả thành Phượng Hoàng, ai bắt gặp cũng tìm cách hoạn dái để cướp bộ ngọc hoàn.

Tuy mới tình cờ gặp hai anh đầu trọc đúng một lần, nhưng cái nhân duyên có từ tiền kiếp là vô cùng mạnh mẽ, nó thôi thúc thiếu trưởng giả Trần Trang mẻ răng lập tức lên đường vào thành Phượng hoàng, tìm hai chàng để báo cho biết mối nguy này mà chuồn cho mau. Hỏi thăm đến biệt thự nhà họ Nguyễn, thấy cổng đóng then cài, nhưng xe của hai anh chàng vẫn đậu trong sân, Trần Trang bèn ra quán cà phê, ngồi nhâm nhi và nghĩ cách liên lạc. Nghĩ chưa ra thì bất ngờ, chính hai chàng đầu trọc đã tự thò mặt vào.

Trần Trang tiến đến chào hỏi rồi nhe răng cười, hở ra hai chiếc răng cửa bị mẻ, vỗ vai anh mặt đỏ, bảo:

“Ông vẫn còn nguyên vẹn đấy chứ?”.

“Nguyên vẹn cái gì?” – Tiến trọc hỏi lại.

Té ra hai anh chàng này không biết gì về tin đồn khắp loang thành Phượng Hoàng, ra đến tận Phủ Diễn… Trần Trang bèn đem chuyện con gái nhà họ Nguyễn và nguy cơ bị cướp bộ ngọc hoàn của Tiến trọc ra kể lại. Tiến trọc nghe xong thì hoảng hốt rụng rời, suýt lăn đùng ra, sợ đến nỗi đái cả ra quần. Thật hú vía, biết được mối nguy vừa kịp lúc, họ Nguyễn lại đang không có nhà. Tuấn trọc liền chạy về căn biệt thự, đánh xe đến quán, rồi cùng Trần Trang hộ vệ Tiến trọc lên xe, nhằm thẳng hướng Bắc, rút chạy khỏi thành Phượng Hoàng…

Chuyến đi thế là công cốc. Nhằm hướng Tín Vân tự để tìm gặp sư tổ mà chỉ thấy bóng, không thấy người đâu. Ngồi trên xe, đợi cho Tiến trọc hoàn hồn hẳn rồi, Tuấn trọc mới tỏ ra tiếc rẻ. Tiến trọc còn không dám ngoái đầu nhìn lại phía sau, cứ lo đám trai tráng thành Phượng hoàng đuổi theo mình để xẻo dái cho bằng được.

Hai chàng chạy một mạch, gần tối ra tới Dốc Xây thì Tuấn trọc đói cồn cào, mờ mắt, run tay không lái được nữa. Nhớ lại câu chuyện thằng thụt lưỡi họ Võ diễn ngôn mấy hôm trước, cả hai bèn bàn nhau trở lại cái quán ấy để ăn tối. Thì cũng do tình cờ mà giời xui đất khiến ra đấy thôi. Hôm trước chứng kiến một cái lưỡi có thể kéo ra, ấn vào như công tắc đài, thì hôm nay, hai anh đầu trọc quen chân mà vào, chứ chả có lý do nào khác.

Ấy thế mà hình như cũng có nhân duyên cả đấy. Trong quán chỉ lác đác mấy bàn nên anh chủ quán rỗi việc, xởi lởi kéo ghế ngồi hầu tiếp hai chàng.

Vừa mở đầu đã trỏ vào hai chàng mà bảo:

“May quá, hôm nay lại có hai bác đầu trọc ghé vào quán…”.

Tuấn trọc nghe thấy ngạc nhiên, đang ăn ngẩng phắt lên:

“Sao ông bảo may quá?”.

Anh chủ quán bảo:

“Hôm nọ cũng có một lão đầu trọc đi qua đây, sau đó tôi gặp một chuyện quái lạ, có nằm mơ cũng chả được, đến giờ tôi vẫn không sao giải thích…”.

“Lão đầu trọc ấy nom như thế nào?” – Tuấn trọc vội vàng hỏi.

Nghe anh chủ quán tả lại hình dáng của người ấy, Tuấn trọc đưa mắt nhìn Tiến trọc, cả hai cùng sửng sốt. Đúng Hoan Lạc Ca tôn giả rồi. Té ra sư tổ đã qua đây, hai chúng ta thành ra cứ đuổi theo cái bóng của Ngài.

Tiến trọc hỏi:

“Chuyện quái lạ ấy như thế nào?”

Anh chủ quán kể:

“Tôi có bà chị ruột ở tít mãi trong Nam, gặp mùa dịch giã, dân bị cấm túc, nhà ai ở yên nhà nấy nên chả kiếm ra tiền, các cháu nheo nhóc, đói quá không biết trông vào đâu. Tôi gom góp một món tiền, đang tính ra bưu điện gửi vào trong ấy thì gặp lão sư phụ…”.

“Rồi sao nữa?” – Tuấn trọc sốt ruột.

Chủ quán kể tiếp:

“Nom lão sư rách rưới ngồi ăn, như ăn miếng cuối cùng được ăn. Chắc lão sư đói quá, mấy ngày không có gì vào dạ dày. Ăn xong, lão run rẩy vét mấy đồng bạc cuối cùng trong túi ra đưa cho tôi. Tôi thương lão sư quá, nước mắt cứ chực ứa ra. Như bị thôi miên trước những cử chỉ của lão, bèn đẩy trả lại, không nỡ cầm tiền của lão, còn tiện tay nhét luôn món tiền định gửi cho bà chị vào túi lão…”.

“Rồi sao nữa?” – Đến lượt Tiến trọc sốt ruột.

Chủ quán tiếp tục:

“Lão sư đi rồi, tôi còn ngồi bần thần một lúc lâu, mới chợt nhớ ra món tiền định cứu trợ cho bà chị đã đem cúng dường cho lão sư mất rồi…”.

Hai anh đầu trọc nghe kể đến đây, cũng lặng người thương xót lão sư tổ. Không ngờ Hoan Lạc Ca tôn giả mà cũng đến nông nỗi này ư?

Thì lại nghe anh chủ quán kể tiếp:

“Ngay hôm sau ở trong kia, bà chị tôi mừng rỡ báo ra, rằng mới nhận được một món tiền từ thiện, hỏi bao nhiêu thì… đúng bằng món tiền tôi đã cúng dường cho lão sư…”.

Hai anh đầu trọc nghe đến đó thì cùng bật người lên, muốn òa lên khóc. Ôi, sư tổ, Hoan Lạc Ca tôn giả, Ngài đúng là một bậc thánh tăng.

Nom bộ dạng của hai anh đầu trọc, anh chủ quán hỏi:

“Các ông giải thích được sự trùng hợp lạ lùng ấy chăng?”.

Tuấn trọc vốn là người từng muốn tu hạnh bố thí từ những kiếp trước mà chưa được, nên ngồi xuống, im lặng một lát rồi thong thả giải thích, giọng như một triết gia:

“Thì ra quanh ta đầy những sự nhiệm màu, mà cứ tưởng là trùng hợp. Huống chi ở đời, cho đi ắt sẽ nhận lại, bằng cách này hay cách khác mà thôi. Có khi nhận lại ở ngay trong đời này, có khi ở những kiếp sau… Dài ngắn, lâu mau còn tùy thuộc vào công đức, cũng tức là phước điền của người nhận bố thí. Một bậc thánh tăng thì công đức vô lượng, phước điền cũng rất lớn, được cúng dường cho Ngài là một đại nhân duyên, vô cùng hiếm có đấy, cho nên chị ông nhận lại được phước báo ngay, mà không phải chỉ có thế thôi đâu. Xin mừng cho ông…”.

Tiến trọc nghe giải thích cũng gật gù. Lại quay sang bảo anh chủ quán:

“Ông gặp bậc thánh tăng, thì may mắn như thế là phải rồi. Còn chúng tôi chỉ là hạng phàm phu, chả phải tăng giả, cũng chả phải tu giả, sao lúc nãy ông bảo may quá? Cứ làm như gặp đầu trọc là may hay sao?”.

Chủ quán liền giải thích:

“Là vì tôi có đứa con gái tên Ngọc Anh, đang học đại học ở ngoài kinh đô, cũng vì dịch dã nên mấy tháng nay không về được. Tôi cũng đang tính ra bưu điện gửi cho cháu nó ít tiền thì lại gặp các ông đến…”.

Tiến trọc nghe nói phì cười, bảo:

“Lần này gặp một lúc hai lão đầu trọc, thì cũng chả có sự trùng hợp nhiệm màu như thế nữa đâu. Chúng tôi tự biết mình phàm phu, chả có tí phước điền nào, cho nên sẽ không dám nhận bố thí của ông đâu.”

Tuấn trọc cũng phì cười, vỗ vai chủ quán bảo:

“Phước điền của những hạng phàm phu chúng tôi chỉ ví như một tờ lụa mỏng, gặp gió nhẹ cũng bay vèo, sao có thể chuyển thành phước báo ngay được. Phải có nguyện lực vô biên xứ của một bậc Thánh tăng thì mới làm nổi việc ấy. Chúng tôi nay chỉ có một chút lòng tử tế, nếu không chuyển được bằng nguyện lực, thì xin chuyển bằng… tay có được không? Ông cứ ghi địa chỉ, chuyến này ra, chúng tôi sẽ trao tận tay cho con gái ông”.

Anh chủ quán cảm động lắm. Lúc chia tay vui vẻ trao món tiền để gửi cho con gái, ghi địa chỉ cụ thể, chỗ ở của Ngọc Anh để nhờ hai chàng chuyển tới tận tay.

Hai chàng rời khỏi quán, chạy xuyên đêm trực chỉ kinh thành. Tuấn trọc cứ một mực trầm ngâm cầm lái, không nói năng gì. Tiến trọc nằm ghế sau ngọ ngoạy liên tục, hết quay đầu sang phía Đông, lại giở sang phía Tây.

Đến gần Gián Khẩu thì hết chịu nổi, nhổm lên hỏi:

“Ông nghĩ gì đấy?”.

Tuấn trọc hơi giật mình, trả lời:

“Nghĩ về chuyến hành phương nam vừa rồi”.

Tiến trọc nói:

“Tôi cũng nghĩ về chuyến đi này, vẫn còn rùng mình vì suýt nữa thì trở thành công công bất đắc dĩ. Không hiểu sao Hoan Lạc Ca tôn giả là bậc từ bi, mà lại tung ra cái tin đồn chết người ấy để hại tôi nhỉ?”.

Tuấn trọc có vẻ điềm tĩnh hơn, bảo:

“Mọi việc trên đời đều có nhân duyên của nó cả. Câu chuyện bố thí của tay chủ quán vừa rồi không phải là một bài học về sự nhiệm màu của nguyện lực hay sao? Ngài đã chuẩn bị sẵn những bài học ấy suốt dọc chuyến đi, tức là đã nhận chúng ta làm đệ tử. Có điều không hiểu tại sao chúng ta chỉ đuổi theo cái bóng của Ngài, mà chưa được diện kiến Ngài?”.

Tiến trọc nghe đến đây bỗng ngộ ra điều gì, vỗ đùi bảo:

“Phải rồi, phải rồi. Có lẽ tại cái tâm địa của ta nó còn cách xa Ngài quá, cho nên mới chỉ gặp cái bóng của Ngài. Hoặc giả còn có điều gì lớn nữa đang ở phía trước chăng?”.

Câu nói khiến cả hai trở nên trầm tư, linh cảm sẽ gặp việc hệ trọng. Về đến kinh thành, hai chàng chia tay nhau ai về nhà nấy, nghỉ mấy ngày cho hoàn căn tỉnh cốt rồi hẹn nhau sáng hôm ấy tìm đến địa chỉ của Ngọc Anh, con gái anh chủ quán để trao món tiền bố gửi. Đó là một kí túc xá nằm ở mãi phía Tây Bắc kinh thành. Những tòa nhà cao tầng như những tổ kiến khổng lồ, giăng ngang trời như một bức tường thành. Tìm mãi mới ra thì Ngọc Anh không có nhà. Hỏi thì cô bạn cùng phòng bảo cô ta có bạn trai tới đón đi chơi rồi. Hai chàng đành ra về.

Tiến trọc trêu:

“Đấy nhé! Ông cứ tưởng nhận chuyển tiền giúp bằng tay thì dễ lắm đấy à? Không đủ duyên thì còn vất vả cho mà xem”.

Tuấn trọc lặng thinh cầm lái. Lát sau, bỗng Tiến trọc bảo dừng xe, rồi mở cửa bước xuống ngắm nhìn bốn phía, ngơ ngác như người mất hồn.

Hỏi thì Tiến trỏ tay bảo:

“Tôi nhìn chỗ này cảm thấy quen thuộc quá, nhưng không tài nào nhận ra. Vừa nom rõ ràng chỗ kia có một cái động, xuống xe nhìn hóa ra tòa cao ốc, chỗ này lúc nãy nom như rừng, giờ biến thành đường phố…”.

Tiến trọc cứ lảm nhảm như người mê ngủ, mà không biết rằng do kí ức nó xui nên như vậy. Chỗ vừa chỉ quả có động Già La, nhưng là hơn bảy trăm năm về trước…

Bỗng có tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng nhạc réo giắt… rồi một giọng chầu văn dóng dả… vút lên, từ bên trong khuôn viên tòa cao ốc. Trong ấy có đám hầu đồng, Tiến trọc sực tỉnh, hai chàng bèn bàn nhau vào xem tí cho khuây khỏa.

Lố nhố có nhiều người đến xem. Gã thầy Pháp mặc áo dài màu vàng chóe, ống tay áo rộng lùng thùng, dán nhũ lấp loáng nom như ma trơi, trước ngực viết bốn chữ Hán dàn hàng ngang, nom như bốn cái bánh dày, sau lưng có 16 chữ theo hàng dọc, chia làm bốn cột, làm thành một cái lưng vuông đang múa may, thỉnh thoảng xổ ra mấy từ bằng cái thứ tiếng nghe như chó sủa. Tiến trọc cũng đã từng xem trò này mấy lần nên cũng biết sơ sơ. Đến khi nom kĩ gã thày Pháp thì giật nảy mình, nhận ra gương mặt và chiếc nón có chóp đỏ mà gã đội trên đầu.

Liền ghé tai Tuấn trọc thì thầm:

“Đây là lễ phát tấu trình đồng. Nhưng thằng Tẫu, sao nó lại ở đây?”.

Tuấn trọc cũng nhận ra đó chính là thằng Tẫu, gã ba Tàu mà hai chàng đã chạm trán ở Phủ Diễn mấy hôm trước. Nó thuê căn hộ ấy ở tầng một của tòa chung cư để làm cái việc đồng bóng này.

Hai chàng đầu trọc còn chưa biết. Nguyên thằng Tẫu họ Độc, tên Toàn Tập, dòng dõi Độc Nghê Nhuận sống ở đời nhà Nguyên ngày trước, tính từ Nghê Nhuận đến thằng này là đời thứ 24. Trước đó nữa, viễn tổ của Nghê Nhuận là Độc Đắc Trí người Hán nhĩ thối, theo Cao Biền sang Giao Châu từ thời nhà Đường, con của y là Độc Cô Tồn làm đến làm thái thú Giao Châu. Đến đời cháu là Độc Toàn Chân thì xứ Giao Châu đã thuộc Nam Hán, Độc Toàn Chân dựa thế giặc Nam Hán, độc quyền vơ vét sản vật ở thành Đại La, giàu có ức vạn, của cải không biết bao nhiêu mà kể.

Giặc Nam Hán bị Ngô vương đánh đuổi, Độc Toàn Chân biết không thể vận tải hết về bên Tàu được, buộc phải làm hầm giữ của để chôn giấu vàng bạc, châu báu… ở đáy hồ Trầm Vàng (tức hồ Hoàng Cầu bây giờ) ở phía Tây Nam kinh thành. Mãi đến đời Nguyên Mông, hậu duệ là Độc Nghê Nhuận, mới có thời cơ theo chân Thoát Hoan, chiếu gia phả mà tìm, rồi sai quân tát cạn hồ Trầm Vàng để lấy của.

Thoát Hoan cũng chỉ chiếm giữ được Kinh thành không quá 100 ngày thì bị Hưng Đạo Đại vương đánh đuổi, Nghê Nhuận cũng bị tử trận ở Vạn Kiếp. Nhưng trước đó, y đã kịp chuyển hết số vàng sang chỗ khác chôn giấu, lập hầm giữ của ở gò Ngũ Nhạc thuộc hương Thổ Khối, phía Đông Bắc kinh thành, chuyện này đã nói tỉ mỉ ở phần trên. Họ Độc truyền đời vẫn giữ cái bản đồ giấu của ở gò Ngũ Nhạc suốt từ đó tới nay. Thằng Tẫu Độc Toàn Tập chuyến này sang đây, chính là vì cái hầm giữ của ấy.

Nhưng tại sao mấy hôm trước, Độc Toàn Tập (tức thằng Tẫu) lại xuất hiện ở tít mãi trong Phủ Diễn, khiến hai chàng đầu trọc phải chạm trán?

Nguyên trước đó, gã họ Độc đã mấy lần mò đến hương Thổ Khối để xem xét, thì thấy không còn dấu vết gì của gò Ngũ Nhạc ngày trước nữa. Biết cuộc đất đã thay đổi, cho dù phong thủy của gò Ngũ Nhạc thuộc vào thế “mãn kỉ địa”, thì từ đó đến nay cũng đã hơn 700 năm, tức là cái vận ngũ hành của cuộc đất đã hết, thì vong thần giữ của tới nay cũng đã mãn kiếp, nghĩa là cái vong trinh nữ kia đã đi đầu thai. Phàm những kẻ thi hành tà thuật “Thủ linh thần chủ” đều biết, phong thủy của cuộc đất đã thay đổi thì bản đồ cũng vô dụng. Thần giữ của đã đầu thai thì thần chú khai môn cũng chả dùng vào việc gì. Tuy vậy, phép “Thủ linh thần chủ” của nhà họ Độc vẫn có chỗ hơn người. Nếu tìm được đúng kiếp sau của người trinh nữ ấy, thì vẫn có thể tìm được cửa hầm. Lại sẵn trong tay một bảo bối gia truyền là một chiếc la bàn gọi là “Thiên La Quy”, có mặt làm bằng mu rùa nghìn tuổi, kim làm bằng xương người bị sét đánh chết, thì có thể chỉ ra đúng nơi người trinh nữ đã đầu thai.

Độc Toàn Tập liền niệm thần chú rồi đem Thiên La Quy ra quay, chiếc kim bằng xương người quay mấy vòng rồi dừng lại ở hướng Nam, vì thế gã mới tìm vào thành Phượng Hoàng.

Mấy hôm trước, hai chàng đầu trọc nhằm theo hướng Tín Vân tự, cũng vào thành Phượng Hoàng, chạm trán hậu duệ của Độc Toàn Chân ở Phủ Diễn mà không hề biết mục đích chuyến đi của gã. Chiếc Thiên La Quy quả nhiên mầu nhiệm, càng đến gần thành Phượng Hoàng, nó càng lắc dữ dội… Họ Độc cứ theo hướng nó trỏ mà đi. Đi đủ bốn hướng, trọn một vòng thì tìm ra đúng chỗ thác sinh của người trinh nữ. Chính là con gái trưởng giả họ Nguyễn.

Tìm ra rồi thì lân la hỏi thăm, bấy giờ Độc Toàn Tập mới biết con gái nhà họ Nguyễn từ lúc sinh ra chả có hồn vía gì, chỉ nằm ngay như khúc gỗ, vô tri vô giác… Họ Độc kinh ngạc lắm, bèn giở văn tự của dòng họ Độc ra tra xét. Tà thuật này trải ngót nghìn năm, đã từng hại biết bao nhiêu con gái nhà lành, song chưa từng thấy trường hợp nào như thế này. Cuối cùng gã đưa ra kết luận, rằng nàng trinh nữ ngày trước, tuy đã mãn nghiệp vong, song chỉ đầu thai được mỗi phần thân xác, còn phần hồn thì vẫn ở lại nơi đó. Vậy thì gã phải dùng cách khác, bèn vội vã trở lại kinh thành.

Cách khác của gã họ Độc là gì? Là tìm bằng được một cô gái, dùng làm “thanh đồng” để triệu vong người trinh nữ khi xưa. Đó chính là việc mà gã đang làm kia.

Nhưng. Tà thuật của nhà họ Độc Hán có từ hàng ngàn năm, kể cũng đã đạt tới chỗ thượng thừa. Song đến đời Độc Toàn Tập ngày nay thì không tránh khỏi có những chỗ thất truyền. Tại sao bảo thất truyền? Tại thất truyền nên gã mới gặp phải thất bại. Lần phát tấu trình đồng này là lần thứ ba. Hai lần trước lễ trình đồng đều không thành. Bà cụ chủ quán nước ngay ngoài cổng, nơi hai chàng đầu trọc đang ngồi uống nước bảo thế.

“Thất bại như thế nào thưa cụ?” – Tuấn trọc hỏi.

Bà cụ trỏ tay vào bên trong, kể:

“Hai lần trước cũng làm giống như thế này. Nhưng lần đầu, lúc xuất thủ trình đồng thì cô thanh đồng cứ trơ ra như đá, chả có phải ứng gì. Thế tức là vong không chịu nhập”.

“Thế còn lần sau?” – Đến lượt Tiến trọc hỏi.

“Lần sau kinh lắm, khiến ông thầy Pháp mặt xanh như đổ chàm, phải quỳ sụp xuống, chắp tay lạy thanh đồng như tế sao…” – bà cụ trả lời.

“Kinh như thế nào thưa cụ?” – Tuấn trọc lại hỏi.

“Thanh đồng đột nhiên nổi cơn tam bành – bà cụ bảo – trỏ thẳng mặt thầy Pháp mà mắng sa sả, lục từ tổ tiên, ông bà ông vải… nhà nó ra mà chửi, khiến chúng tôi nghe cũng phải rợn người. Không ngờ dòng họ tổ tiên nhà cái ông thầy Pháp này toàn hạng đểu cáng lưu manh, độc địa thâm hiểm, tội ác ngút trời…”.

Hai chàng đầu trọc nghe bà cụ kể thì thích chí cười ngặt nghẽo. Trong bụng thầm mong lần này thằng Tẫu cũng thất bại, không biết ngày mai khi xuất thủ trình đồng, thì gã sẽ gặp phải chuyện gì.

Lúc ấy ở bên trong, tiếng tụng kinh đọc chú đã im bặt, thằng Tẫu, tức Độc Toàn Tập đã bắt đầu đốt sớ, lễ phát tấu kết thúc. Đến đây, có người đoán ngày mai, chắc hai anh đầu trọc sẽ nhảy vào làm cuộc đại náo, để phá lễ xuất thủ trình đồng của gã người Tàu kia. Nhưng cho đến lúc ấy, hai chàng chỉ nhận ra thằng Tẫu chính là kẻ đã chụp đôi chim sẻ ở Phủ Diễn ngày nọ. Chứ đâu biết y chính là Độc Toàn Tập, càng không nhớ câu chuyện của Ngọc Tú Anh cô nương, con gái nhà họ Nguyễn ở cửa Nam thành Đại La… bị bắt cóc làm thần giữ của từ hơn bảy trăm năm về trước. Nhắc đến đôi chim sẻ, hai chàng chào bà cụ bán hàng nước rồi đứng lên, ra chỗ đỗ xe, lại phát hiện chúng đang nhảy nhót trên nắp capo.

Tuấn trọc nom thấy thì mừng quớ lên. Đôi chim sẻ lại xuất hiện, chắc lần này nó sẽ dẫn bọn mình đến chỗ sư Tổ. Hai chàng nghĩ thế rồi nhanh chóng chui vào trong xe, đề máy, khởi động, quên béng chuyện đi tìm cô nữ sinh Ngọc Anh để trao món tiền của bố cô gửi.

Đôi chim sẻ quả nhiên lại bay chập chờn ở phía trước. Tuấn trọc cầm lái, cứ theo bóng chim mà đi. Vòng vèo hơn nửa giờ thì sang phía bên kia sông Hồng, rẽ phải theo bờ đê, đi vài cây số đến địa phận hương Thổ Khối. Đôi chim rẽ quặt vào một ngõ nhỏ, khiến Tuấn trọc phải dừng lại, đỗ xe ở chân đê rồi cả hai xuống đi bộ vào con ngõ.

Giờ đến lượt tiềm thức của Tuấn trọc lờ mờ hiện ra, gò Ngũ Nhạc có cái hầm nằm ở giữa… Tất nhiên bây giờ không còn lại tí dấu vết gì. Nhưng ngẩng đầu nhìn lên, thấy trên trời có vầng mây tía, xếp lớp như vẩy rồng. Tín Vân tự đây rồi, hai anh đầu trọc thầm reo trong bụng. Dưới đất, làng xưa đã biến thành phố xá, nhà cửa chen chúc, cao thấp lố nhố như một rừng bê tông. Theo con ngõ chừng trăm mét, bên tay phải đột ngột hiện ra một khoảng đất trống, như một cái giếng trời lộ thiên. Đôi chim sẻ đã biến mất, hai chàng dừng lại, đưa mắt dáo dác ngó quanh.

Bỗng từ trên ban công tầng hai ngôi nhà đối diện giếng trời, một giọng nói vang lên:

“Các ông tìm sư phụ có phải không?”.

Hai anh đầu trọc giật bắn mình, ngẩng phắt lên nhìn. Một lão già cao lòng khòng, ngũ quan rành mạch, râu tóc bạc phơ, mặt bộ đồ kẻ sọc rộng thùng thình, nhe răng cười bảo:

“Lão sư phụ đang ở trong nhà tôi” – nói rồi quay vào để xuống dưới nhà mở cổng, vừa mời hai anh đầu trọc vào vừa nói:

“Lão sư bảo tôi ra đón các ông đấy”.

Hai chàng đầu trọc đoán biết lão sư là ai rồi nên chả thấy kinh ngạc, cứ lặng thinh bước vào. Nom thấy người đang ngồi giữa phòng khách quả là Hoan Lạc Ca tôn giả. Cả hai mừng rỡ, liền chắp tay, cúi người đảnh lễ. Thật bõ công đuổi theo cái bóng của Ngài bấy lâu.

Tôn giả cười lớn, quay sang bảo lão râu dài chủ nhà:

“Đây là hai đồ tôn của bần tăng đấy…” – rồi lại trỏ lão râu dài, bảo cho hai anh đầu trọc biết:

“Còn đây là văn sĩ họ Đinh, cứ gọi là Đinh Văn”.

Lão râu dài Đinh Văn mỉm nụ cười hoan hỉ, luôn mồm nói:

“Thật hân hạnh, hân hạnh… Đúng là một đại sự nhân duyên…”.

Nghe tới chữ “đại sự nhân duyên”, Hoan Lạc Ca tôn giả lại cười lớn mà bảo lão râu dài:

“Đại sự nhân duyên à? Đúng thế, đúng thế. Nhà ông ở đây đã lâu, ngay giữa một chốn rêu phong mà không biết đấy”.

Văn sĩ râu dài nghe tôn giả nói bỗng giật mình. Cuốn sách mà ông mới viết có tên là “Thần thức dưới rêu phong”. Sao tôn giả lại biết? Trùng hợp hay nhân duyên đây? Nếu là nhân duyên, thì duyên gì mà kì lạ vậy? bèn hỏi ngay:

“Như thế nghĩa là thế nào, thưa sư phụ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả trả lời, cứ như Ngài đã đọc cuốn sách ấy:

“Dưới rêu phong là thần thức. Cho nên văn của ông mới đạt tới cái chỗ kì tuyệt ấy. Thần thức không có chỗ nhất định, gọi là “vô sở hữu xứ”, nghĩa là bất cứ chỗ nào, hễ đủ duyên là nó hiện ra…”.

Rồi Ngài trỏ tay xuống nền nhà mà bảo cả ba người:

“Ngày trước, cuộc đất này gọi là gò Ngũ nhạc, vì nó gồm đủ một vòng tuần hoàn của ngũ hành. Chỗ giữa là Thổ khâu. Phía Bắc là Thủy khâu, phía Nam là Hỏa khâu, phía Tây là Kim khâu, phía Đông là Mộc khâu. Dưới nền nhà có một hầm giấu của của họ Độc ngày trước, thuộc tộc Hán nhĩ thối bên Tàu. Chuyện xảy ra đã hơn bảy trăm năm…”.

Hai anh đầu trọc nghe thấy thì trợn mắt, rợn người. Duy lão văn sĩ râu dài thì vừa bất ngờ, vừa thích thú. Không ngờ nhà mình lại xây ngay trên một cái hầm giữ của của bọn Hán tặc.

Vừa nghĩ đến đó, chợt có một gã tuổi trung niên từ trong buồng chạy ra, kêu tướng lên:

“Có hầm giấu của thì đào ngay, đào ngay…”

Hai chàng đầu trọc giật bắn người, tròn mắt ngạc nhiên. Ở đâu ra cái gã quái gở này? Chắc gã rình nghe câu chuyện từ nãy đến giờ. Riêng Hoan Lạc Ca tôn giả thì vẫn bình thản, không có vẻ gì là bất ngờ. Ngài chỉ đưa mắt liếc sang văn sĩ râu dài một cái.

Văn sĩ Đinh Văn liền lên tiếng giải thích:

“Đây là trung tá hình sự Nhất Tằng Tôn, xuất thân cử nhân môn lịch sử. Nguyên là nhân vật trong “Thần thức dưới rêu phong” của tôi ấy mà…”.

Hai anh đầu trọc vẫn chưa hết ngạc nhiên, vì nghe chưa thủng câu giải thích của văn sĩ râu dài. Hoan Lạc Ca tôn giả thấy thế bèn giảng tiếp:

“Phàm những nhân vật trong sách, thì đều là cảnh giới tư duy của văn sĩ cả, sớm muộn gì cũng có lúc nó hiện ra. Có khi đậm, có khi nhạt, có khi mập mờ như sương ảnh, có khi hiện ra y như một chúng sinh… Thần thức thì biến hóa ra cái gì mà chẳng được. Hễ đủ duyên thì một, chứ hàng vạn Nhất Tằng Tôn cũng có thể hiện ra, tầng tầng lớp lớp… có gì mà lạ?”.

Trung tá hình sự Nhất Tằng Tôn lại chui tọt vào trong buồng. Lão Đinh Văn nói:

“Khi xây căn nhà này, tôi quả cũng đào một tầng hầm. Song chả thấy có của nả gì cả. Hay là đào chưa tới?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả bảo:

“Chính vì việc đại sự ấy, cho nên bần tăng mới tới đây. Không phải là đào chưa tới, mà “thủ linh thần chủ”, tức là thần giữ của vẫn đang canh giữ, thì dẫu có đào tung cả khu này lên, cái hầm nó cũng không hiện ra”.

Văn sĩ râu dài và hai anh đầu trọc vốn cũng đã từng nghe nói về tà thuật man rợ của bọn người phương Bắc ngày trước, mà chưa rõ thực hư như thế nào. Không ngờ ngày nay lại đang ở ngay bên cạnh một cái hầm giữ của như thế thì rùng mình rợn tóc gáy. Bèn đề nghị Hoan Lạc Ca tôn giả giảng giải rõ cái thuật hãm vong kinh dị ấy, và kể lại lai lịch của linh thần đang canh giữ chỗ này.

Tôn giả không ngần ngại gì, vui vẻ kể lại câu chuyện của Ngọc Tú Anh cô nương, con gái nhà họ Nguyễn ở Cửa Nam thành Đại La, bị tên Hán tặc họ Độc bắt cóc làm thần giữ của hơn bảy trăm năm về trước. Cả việc đánh tráo số vàng trong hòm bằng oản của nhà chùa và chuyện giải cứu Ngọc Tú Anh cô nương bất thành Ngài cũng đem ra kể lại.

Nguyên tôn giả chẳng phải ai xa lạ, Ngài chính là hậu thân của Tiêu Dao thiền sư, người đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện ngày trước thì sao qua được mắt Ngài. Kiến thức của một bậc đã đắc ngũ nhãn lục thông thì là huyền tâm, không thể nghĩ bàn. Chuyện hơn bảy trăm năm về trước cứ như vừa mới xảy ra hôm qua.

Ở đây hai anh đầu trọc cũng chứng kiến việc ấy đấy, song đó là chuyện của đời trước, đời này chưa có túc mạng nên không thể nhớ lại được, nghe Ngài kể chẳng khác gì nghe chuyện cổ tích, chỉ biết trợn mắt há mồm, huống hồ lão văn sĩ họ Đinh.

Kể xong lai lịch của linh thần Ngọc Tú Anh cô nương rồi, Ngài lại trỏ xuống nền nhà, bảo:

“Cuộc đất này thuộc ngũ hành địa, vì thế ngày trước mới có tên là gò Ngũ nhạc. Nay đã hết vận, thì ngũ hành địa cuộc sẽ bị băm nát, biến thành vô phương xứ địa, nên tấm bản đồ trong gia phả của nhà họ Độc sẽ trở nên vô dụng. Nhưng nó vẫn có cách khác đấy”.

“Cách gì, thưa sư tổ?” – Hai đồ tôn vội vàng hỏi:

“Nó sẽ tìm một trinh nữ làm thanh đồng, dùng tà thuật áp vong, triệu thần thức của Ngọc Tú Anh cô nương lên, để chỉ cho nó biết đích xác chỗ cửa hầm”. – Tôn giả trả lời.

Lão râu dài Đinh Văn vốn người Thái Bình, mang con cháu lên đây sống đã lâu, chứng kiến một vùng sông nước mênh mông bỗng biến thành rừng bê tông chật chội, bức bối cũng nhiều phen thở dài. Lại cũng từng nghe nói về ngũ hành địa, giờ đã bị băm nát, biến thành vô phương xứ địa thì tiếc nuối lắm, bất giác nhỏ xuống mấy giọt nước mắt.

Bèn cất tiếng than:

“Một cuộc đất có phong thủy thuộc ngũ hành địa cuộc, thì tức là đất thiêng, mà không có lương thần hộ pháp bảo vệ hay sao?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả bảo:

“Có chứ, lúc nào cũng có Chánh Pháp hộ trì. Cho nên những kẻ cướp đất, phá hoại phong thủy… thường không được hưởng phúc lâu dài. Nhưng cuộc đất này cũng đã mãn kỉ, tức là hết một vòng tuần hoàn, cho nên mới bị băm nát ra như thế, và vong thần Ngọc Tú Anh cô nương bị hãm hơn bảy trăm năm, vì thế cũng mãn nghiệp, đã được đầu thai trở lại…”.

Lão văn sĩ Đinh Văn nghe đến đây, tạm bỏ qua sự tiếc nuối ngũ hành địa cuộc nhà mình sang một bên, liền nêu thắc mắc:

“Ngọc Tú Anh cô nương đã được đầu thai, sao lúc nãy sư phụ bảo vong thần vẫn đang canh giữ cái hầm giữ của này?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả giải thích:

“Tà thuật hãm vong của nhà Độc Hán ngày trước đã đạt tới chỗ thượng thừa. Độc dược “Du hồn tán” của nó tuy đã được giải, song vẫn có thể theo nghiệp mà luân hồi trở lại. Ngọc Tú Anh cô nương tuy đã đầu thai, song chỉ đầu thai phần xác, trở thành một người vô tri vô giác, vì vong hồn vẫn bị hãm ở đây…”.

Hai gã đồ tôn đầu trọc chả quan tâm gì tới ngũ hành với cả vô phương xứ địa làm gì, nghe đến đây mới vỡ lẽ ra câu chuyện của con gái nhà họ Nguyễn ở thành Phượng Hoàng. Thì ra cô chính là hậu thân của Ngọc Tú Anh ngày trước. Nghĩ đến cái tà thuật áp vong mà sư tổ vừa nói đến, liền hiểu ngay âm mưu phát tấu trình đồng của thằng Tẫu. Bèn kể lại đầu đuôi cho sư tổ và Đinh Văn nghe.

Nghe xong, Hoan Lạc Ca tôn giả gật gù nói:

“Kẻ ấy chính là hậu duệ đời thứ 24 của Độc Nghê Nhuận ngày trước đấy. Tên là Độc Toàn Tập. Rất may tà thuật của tổ tiên nhà nó, truyền đến nó thì cũng đã bị thất truyền đi ít nhiều, nên nó mới bị hai lần thất bại. Song đến lần thứ ba này thì chắc nó sẽ thành công”.

Cả ba người nghe tôn giả nói thì cuống lên, vội vàng đồng thanh hỏi:

“Thất truyền như thế nào? Thưa sư phụ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả trả lời:

“Nó chỉ biết tìm trinh nữ có mệnh Ngũ hành tam hợp, mà chưa biết phải Ngũ hành tam cục mới được”.

Lão văn sĩ Đinh Văn hỏi:

“Ngũ hành tam hợp thì tôi cũng có nghe nói. Nhưng Ngũ hành tam cục thì như thế nào, thưa sư phụ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả giảng:

“Là Ngũ hành có ba lần cùng được mệnh tam hợp. Năm sinh mà được tam hợp Kim cục là Tỵ, Dậu, Sửu, thì trong số trăm người cũng có thể tìm được. Nếu đồng thời phải kèm theo tháng sinh, cũng được tam hợp Thủy cục là Thân, Tý, Thìn, thì phải tìm trong nghìn người may ra mới thấy. Lại phải kèm theo cả ngày sinh nữa, cũng được tam hợp mộc cục là Hợi, Mão, Mùi, thì phải tìm trong vạn người, may lắm mới thấy…”.

Tuấn trọc dường như đã hiểu ra, liền hỏi:

“Nếu thanh đồng không hợp đủ Ngũ hành tam cục thì sẽ gặp chuyện gì, thưa sư tổ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả giảng:

“Nếu thanh đồng chỉ được tam hợp về năm sinh, tức là nhất cục, thì sẽ gặp phải đồng thạch. Đồng thạch là đồng trơ như đá, không áp vong được. Nếu được thêm tam hợp về tháng sinh, tức là nhị cục, thì tránh được đồng thạch, nhưng lại gặp phải đồng ha. Đồng ha là đồng chỉ một mực mắng nhiếc mà thôi… Phải được cả tam hợp về ngày sinh, tức là tam cục, thì vong mới nhập vào thanh đồng được…”.

Hai anh đồ tôn hiểu ra, sư tổ nói y hệt hai lần thất bại của Thằng Tẫu mà bà cụ chủ quán nước ở ngoài cổng ấy đã kể. Thế còn lần này? chắc gã đã tìm được cô thanh đồng có đủ Ngũ hành tam cục.

Liền hỏi:

“Vậy bây giờ phải phá nó như thế nào, thưa sư tổ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả trả lời, giọng rất nghiêm trọng:

“Phá Ngũ hành tam cục, thì phải dùng Tứ đại lục long mới được”.

Cả ba người nghe nói biết có chuyện hệ trọng. Liền đồng thanh hỏi:

“Thưa, Tứ đại lục long là gì ạ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả giảng:

“Là bốn đại hóa sáu con rồng. Trong con người ta, thì mắt thuộc về phong đại, chỗ nào cũng có cái thấy, nhưng nếu cái nghĩ nó không mở, thì khác gì gió gặp bờ tường, vì ý nghĩ là địa đại. Tai thuộc về thủy đại, chỗ nào cũng có cái nghe, nhưng nếu ý nghĩ nó đóng chặt, thì khác gì nước gặp bờ đê. Mũi thuộc về hỏa đại, chỗ nào cũng có cái ngửi, nhưng nếu ý nghĩ nó không thu nạp, thì khác gì nhóm lửa ở trong cát… Lưỡi thuộc về phong đại, cũng tương tự như cái thấy. Thân thuộc địa đại, cả sáu căn ấy (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), đều không ra ngoài tứ đại, vì thế thông được một cái, tức là một cái hóa rồng, thì cả sáu đều hóa rồng. Đó gọi là “tứ đại lục long”.

“Tìm đâu ra người có Tứ đại lục long bây giờ?” – cả ba cùng than thở.

Hoan Lạc Ca tôn giả bảo:

“Các người chớ lo. Bần tăng đã trù liệu đâu vào đấy cả rồi”.

Nói xong, Ngài bèn móc trong người ra một lá bùa, vuông vắn mỗi cạnh một tấc hai, trên đó vẽ đủ cả mắt tai mũi lưỡi… nom rất kì dị, giao cho hai anh đầu trọc rồi nói:

“Đây là “Tứ đại mạn phù”, bảo bối trừ tà của nhà Phật. Sáng mai, trước khi lễ xuất thủ trình đồng của tên họ Độc diễn ra, hai ngươi hãy trà trộn trong đám người đến xem, tìm cách dán lá bùa này vào bên dưới chiếc mâm bày đồ cúng mà thanh đồng sẽ đội, thì gã họ Độc kia sẽ thất bại, và sẽ gặp phải quả báo…”.

“Thất bại như thế nào? Thưa sư tổ” – Tuấn trọc hỏi.

“Sẽ gặp phải nạn đồng phún”. – Tôn giả trả lời.

“Đồng phún là như thế nào? thưa sư tổ” – đến lượt Tiến trọc hỏi.

Hoan Lạc Ca tôn giả cắt nghĩa:

“Là đồng phun. Nguyên kẻ kia sẽ cho thanh đồng uống một loại độc dược gọi là “Du hồn chỉ”. Thanh đồng bị ngấm Du hồn chỉ rồi, thì tất nó sẽ áp được vong, và vĩnh viễn không thế lực nào có thể trục ra nổi. Thanh đồng về sau còn biến thành cái lưỡi của nó, sẽ cực kì hiểm độc, gây tai họa cho cả tám xứ, không biết đâu mà lường. Nhưng nếu đội “Tứ đại mạn phù”, thì thanh đồng sẽ hướng vào gã họ Độc mà phun ra, chính gã sẽ hứng trọn độc dược của Du hồn chỉ”.

Hai anh đồ tôn nghe sư tổ nói thế thì hăng hái lắm. Riêng văn sĩ Đinh Văn thì còn muốn biết đến cái kết của câu chuyện, bèn hỏi:

“Chính nó nuốt phải “Du hồn chỉ” thì hậu quả sẽ như thế nào, thưa sư phụ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả vừa trả lời lão văn sĩ Đinh Văn, vừa như căn dặn hai chàng đồ tôn:

“Nó sẽ bị vong hồn tám xứ vật trong vòng ba đêm, lè lưỡi ra mà chết. Tại sao phải lè lưỡi? Bởi vì độc dược của Du hồn chỉ bao giờ cũng tập trung hết ở đằng lưỡi. Hai ngươi hãy chờ hết đêm thứ ba, vào đầu giờ Mão, hãy đột nhập vào căn hộ của nó, rút lấy cái lưỡi ấy mang về đây. Ta sẽ dùng chân hỏa tam muội để đốt đi, thì từ nay mới tiệt nọc những độc hại “Du hồn chỉ” của bọn Hán tặc được”.

Văn sĩ Đinh Văn nghe thấy cái kết của gã Độc Hán ấy thì hả dạ lắm. Song vẫn còn muốn hỏi thêm:

“Du hồn chỉ” độc như thế nào, thưa sư phụ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả giảng:

“Du hồn chỉ được luyện từ tám vạn hộ trùng, lại tập trung ở đằng lưỡi nên sẽ theo gió mà phát tán đi khắp nơi, vì lưỡi thuộc về phong đại. Dễ gây thành đại dịch, rất khó đề phòng”.

Đinh Văn lại hỏi:

“Thế nào là tám vạn hộ trùng?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả giảng:

“Là những con trùng độc, mắt thường không thể nhìn thấy. Theo nghiệp mà dẫn gọi là “tâm trùng”, theo gió mà loang gọi là “phong trùng”, theo thời mà trụ gọi là “đại khí”, (dịch lớn), “tiểu khí” (dịch nhỏ)… Gặp người trẻ, biến thành “thực phát trùng”, chuyên ăn tóc, ăn lông, trẻ biến thành già. Gặp người tỉnh, biến thành “nhiễu nhãn trùng”, chuyên ăn mắt, tỉnh biến thành đui. Gặp người thính, biến thành “đạo diệp trùng”, chuyên ăn tai, thính biến thành điếc. Gặp người khôn, biến ra bốn loại hộ trùng chuyên ăn óc, ăn tủy, gồm “khu trục trùng” từ phía trán ăn vào, biến thành kẻ ngu đần, “bôn tẩu trùng” từ đằng gáy ăn ra, biến thành kẻ mù màu, “ốc trạch trùng” ăn vào từ bên tả, biến thành người tự kỉ, “viên mãn trùng” ăn vào từ bên hữu, biến thành người vô cảm. Lại còn “tàng khẩu trùng” chuyên ăn mũi, làm tịt mất mùi hương, “trâm khẩu trùng” chuyên ăn lưỡi, biến thành người câm, ngọng, ăn không còn cảm giác… Còn vô số các loại trùng khác, biến hóa thành tám mươi tư nghìn loại cả thảy, đục khoét con người ta suốt từ đầu xuống chân, từ trong ra ngoài…”.

Lão văn sĩ họ Đinh rùng mình. Lần đầu tiên được nghe một bậc có Pháp nhãn thanh tịnh như Hoan Lạc Ca tôn giả giảng giải thì kinh ngạc lắm. Riêng hai chàng đồ tôn thì đã từng được nghe, nên có vẻ không lấy gì làm lạ.

Đinh Văn bèn vỗ vai hai chàng, dặn phải hết sức lưu ý, chớ để tên Hán tặc kia thành công. Và nhớ phải rút cái lưỡi của nó mang về đây để trừ hậu họa. Hai chàng đầu trọc nhất nhất vâng lời. Liền đảnh lễ tạm biệt sư tổ và vái chào lão văn sĩ họ Đinh rồi tạm thời ra về.

P. L. V

(Còn tiếp)

Comments are closed.