Trong khu vườn chim hót

Truyện Trần Kiêm Trinh Tiên

Mười một giờ trưa, chuông điện thoại reo.

-Mẹ đi Casablanca sáng sớm nay rồi.  Ông Ash bệnh nặng. Chiều amh qua nhà em, hôm nay giỗ ba em. Khuya em đưa anh ra phi trường.

Giải Ngữ nói xong, cúp máy. Tôi bâng khuâng ngồi bên mớ hành lý còn ngổn ngang. Đã hai mươi tám tết. Về tới quê nhà cũng vừa vặn ba mươi.

Lúc trả tiền cho người lái tắc xi, tôi hẹn ông mười giờ đêm quay lại đón tôi. Đang tần ngần trước hai cánh cổng khép kín thì có tiếng lách cách ở bên trong. Dì Cẩm đón tôi với nụ cười hiền hòa như một bà mẹ.

Ngôi nhà ở lưng chừng đồi, sau hàng tùng xanh ẩn đầy gió. Tôi bước theo dì, trên những bậc cấp lát bằng đá xanh.  Dọc hai bên lối đi, giữa màu xanh non của cỏ và đá cuội trắng, hoa riviera ngát một màu tím xanh. Từ thuở yêu em, tôi đã biết yêu loài hoa này, loài hoa có màu của bầu trời khuya đầy sao.  Dì Cầm như đọc được tâm trạng của tôi:

– Thuở xưa ở Huế vườn nhà dì có nhiều hoa violettes. Màu tím của hoa cũng tựa như ri nhưng hoa mọc lại ẩn trong lá. Mùa đông violettes lá vẫn xanh.  Mà hình như tiết trời mưa lạnh càng làm cho màu hoa càng tím đượm hơn.

Thấp thoáng trong nụ cười của dì Cầm chút u hoài về một màu hoa không bao giờ cũ.

Giải Ngữ kể, mẹ dì Cầm là chị của bà ngoại Giải Ngữ. Ngày đám cưới ông bà ngoại, dì Cầm nhỏ xíu còn được giao cho cầm lồng đèn. Cha mẹ dì mất sớm. Ông bà ngoại đem dì về nuôi, thương như con gái. Năm mười tám, dì có hứa hôn với người cháu họ xa của ông ngoại. Ngày đất nước chia hai, họ chưa kịp cưới nhau thì bác Lĩnh bặt tăm. Dì ở vậy, phụng dưỡng ông bà ngoại. Lúc Giải Ngữ ra đời, một tay dì chăm sóc. Và trên mảnh đất xa xôi này, dì như chiếc giếng cổ, sâu thẳm, ẩn chứa biết bao tâm sự của mẹ.

– Cháu vào nhà đi.  Giải Ngữ đang sửa soạn bàn thờ, chắc cũng sắp  xong.

Nhưng đã có em đứng chờ tôi trước thềm. Hai bím tóc đen thả dài, viên ngọc trai với sợi dây chuyền trắng in trên nền áo len nhung màu đen cao cổ. Viên ngọc biếc lên màu của biển khơi khi em xoay nhẹ theo chiều ánh sáng. Tôi xao xuyến nhận ra món quà tôi tặng em hôm sinh nhật.

Riêng tôi, để có món quà tặng Giải Ngữ, không biết tôi đã phải dành dụm trong bao nhiêu lâu. Công việc lúc ấy mỗi buổi chiều sau giờ học là tôi đến săn sóc ông già Steve. Ông mất cả đôi mắt thời chiến tranh Việt Nam. Mỗi ngày ngoài công việc chính là mang ông đi tắm và dọn cho ông bữa ăn tối, tôi còn phải tả cho ông nghe màu hoa lá chung quanh khu vườn nhà ông. Rằng “… Sáng nay thức dậy thoảng có mùi hương hoa hồng trong gió… Hãy nhìn xem hoa hồng đang nở là màu gì…”. Không ngày nào ông không hỏi tôi về sắc lá đỏ của cây ever-red maple trồng ở cuối vườn. Hình như mối tình ông dành cho ai đó vẫn nồng ấm như màu của lá cây này. Ông hay nhờ tôi đẩy chiếc xe lăn đến kế bên cửa sổ, xoay mặt ra với bầu trời. Ông run run đưa bàn tay lên như để đón gió chiều còn vương chút hơi ấm của những giọt nắng muộn. Khuôn mặt ông trở nên mơ màng và ông thầm thì với chính ông về một điều gì đó…

Giải Ngữ đang cười tươi bỗng thoáng buồn ngang. Em nhận ra hành lý tôi đang xách trên tay.

– Thưa dì, con đã đốt trầm xong.

Lần thứ hai tôi bước vào phòng khách nhà Giải Ngữ. Lần đầu là hôm em đưa tôi về giới thiệu với mẹ. Giải Ngữ giống mẹ ở đôi mắt. Đôi mắt lớn một mí có đuôi dài tôi đã nhìn thấy đâu đó trong một bức tranh cổ Nhật Bản. Bà tiếp tôi lịch sự và xa cách. Bà hỏi về mẹ tôi. Thưa, mẹ cháu qua đời trong chiến tranh. Bỗng dưng tôi nhận ra trong đôi mắt của bà có màu xám tối của biển trước phút giông gió. Từ đó đến khi tôi ra về, bà không nói gì thêm. Chiều hôm ấy có cả dì Cầm. Dì khơi chuyện rất khéo nên bữa cơm đỡ nhạt. Sau đó mẹ em vào nhà trong.

“Tôi đọc được vẻ lo âu trong đôi mắt con gái tôi. 

Không như giọng nói có âm sắc cao của người cán bộ đến giao cho tôi tờ biên bản tịch thu ngôi nhà của chúng tôi, người bạn trai của Giải Ngữ nói tiếng Hà Nội, trầm và ấm.  Tôi biết con gái tôi cũng đang mang trái tim say đắm xưa cũ của tôi. Thuở ấy cuối năm, tôi theo đoàn văn nghệ của nhà trường đến hát ở các tiền đồn. Tiết tháng chạp trời lạnh như cắt da. Lúc đoàn sắp về lại thành phố, anh mang đến cho tôi một giò phong lan rừng.  Cũng tiếng nói trầm và ấm trong buổi trưa đầy sương mù ở A Sao. Anh trao cho tôi mảnh giấy có ghi sẵn địa chỉ “KBC…” của anh. Từ  ấy, mỗi ngày sau giờ tan học, tôi bước vội về nhà để chờ thư anh. Tôi yêu nhạc Phạm Duy, yêu “Giọt mưa trên lá”, yêu câu hát “…cuống quýt, dạt dào, em biết yêu lần đầu…”. Trong lớp tôi có  Hạnh Thảo bấm độn rất giỏi. Không ngày nào tôi không chuyền cho hắn miếng giấy. “Mi coi giùm tau thử ngày ni tau có thơ không?”. Ngày ni là ngày Dần, giờ Thìn… Hắn tính nhẩm trên lóng tay. Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi… Khi thấy hắn gật gật cái đầu là tôi vui. 

Phan thường kể cho tôi nghe thời thơ ấu của anh ở Hà Nội.  Anh luôn mang trong tim mình giấc mơ của ngày hồi hương. Anh sẽ đưa em về thăm quê anh. Mùa thu Hà Nội thật tuyệt. Anh yêu vô cùng sương mù trên Hồ Tây. Tôi chưa bao giờ biết Hồ Tây của anh nhưng tôi đưa anh ra thăm dòng sông của tôi. Nhìn từ trên đồi cao phía sau Dòng Thiên An, nước sông Hương lặng yên, xanh ngắt trong nắng sớm, tưởng như chẳng bao giờ con sông trôi. Trông qua dãy núi phía tây, đi dần lên hướng bắc là nơi anh đóng quân. Ngày ấy đối với tôi, màu xanh thẳm của núi mang đầy sự bí ẩn. Chiến tranh siết chặt vòng vây.  Ngày không ngớt tiếng bom dội. Đêm không ngớt tiếng đại bác.Tôi sống với trái tim bất an. Đơn vị anh rời A Sao, đi xuôi dần vào Nam. Hai năm sau chúng tôi thành hôn.  Giải Ngữ ra đời lúc đơn vị anh đang ở Cổ Thành Quảng Trị …”.

Có lần Giải Ngữ nói:

–  Nếu không hết chiến tranh, sẽ chẳng bao giờ em gặp được anh.

Cũng sẽ không bao giờ tôi gặp được em nếu tôi không đến dự buổi trình diễn nhạc thính phòng chiều hôm ấy. Tôi đã dừng lại vì cái tên nghe rất lạ trên tấm biển giới thiệu của Phân viện Âm nhạc. “Domi Giải Ngữ”. Sao không là “Kathy”, “Lindsey” hay “Amy” như tên các cô gái Việt thường chọn mà chỉ đơn giản là “Domi”, tên những nốt nhạc? Và Giải Ngữ, “con chim biết nói”, là tên ông ngoại đặt cho từ thuở lọt lòng. Ngày ấy, tôi bị cuốn hút bởi những âm thanh đầy biến hóa từ mười ngón tay thoăn thoắt trên phím đàn của em.  Tiếng đất trời vần vũ gió mưa, với những tia chớp biếc xanh vạch ngang dọc. Âm thanh cuồng nộ của những cơn đau nhức trong đôi tai tật nguyền của người nhạc sĩ. Bất chợt nhỏ xuống từ mười ngón tay em những tiết tấu cô đơn, sâu thẳm như ánh trăng chiếu qua thảo nguyên.  Cuối buổi diễn, tôi đã đến tìm gặp em. Em, hai bím tóc thả dài trên vai áo trắng, đường ngôi rẽ giữa cân đối trên khuôn mặt thuôn gầy. Ngày ấy, chúng tôi chào nhau ngập ngừng. Và cũng ngày ấy, tôi biết trái tim mình đã rơi vào một cõi khác.

Tôi theo dì Cầm và Giải Ngữ đi qua phòng bên cạnh. Giữa nghi ngút khói hương, tôi chú ý đến nụ cười hiền lành và đôi mắt thông minh pha chút hóm hỉnh của người đàn ông trong ảnh. Trên ve cổ áo của ông có thêu hai hoa mai màu trắng. Trung tá là cấp bậc cuối cùng của ông. 

“Ba tôi qua đời ngày ba mươi Tết ở một vùng núi đồi Việt Bắc. Tôi còn nhớ một mùa hè rất xưa, hai mẹ con lấy tàu đi dần lên phía bắc. Cùng đi còn có các bà bạn của mẹ. Cũng phải sau mấy ngày đêm liền ngủ gối đầu trên chân mẹ, tôi mới đến một thành phố lạ. Rồi lại chuyển qua đi bằng xe. Tôi ngồi gọn trong vòng tay ôm của mẹ, mắt mở thao láo nhìn cảnh người chen chúc đến ngạt thở. Đến nơi, mẹ kín đáo mua nước sôi đổ thêm vào trong lon Guigoz có sữa đặc với cà phê đen pha sẵn. Tôi còn nhớ tôi lẽo đẽo chạy theo chiếc xe bò mỏi chân đến phát khóc.  Vừa cùng các bác đẩy xe, mẹ dỗ dành:

Con gắng một tí thôi, con sắp gặp ba rồi đó …

Mẹ tôi lại im lặng, mím môi đẩy chiếc xe đang lên con dốc cao. Trên xe cơ man nào là thùng. Hôm sắp xếp thuốc bệnh và những thức ăn khô để mang cho ba, mẹ khóc nhiều lắm. Đi mãi hoài đến trưa nắng cao mới đến nơi ba ở. Các bác cùng đi với mẹ tuần tự được gọi để đi qua dãy nhà phía bên kia đồi. Mẹ sắp xếp lại những chiếc thùng mang đến cho ba đã bị người ta mở tung ra trước đó. Tôi còn nhớ mẹ nhắc tôi niệm Phật. Niệm Phật để được gặp ba. Cuối cùng mẹ và tôi cũng được đi qua dãy nhà ở bên kia đồi. Mẹ lấy đôi quang, gánh mấy thùng thức ăn và quần áo mang cho ba, đôi chân gan lì cố bám trên đồi cỏ gai. Mẹ nhắc chừng tôi cứ theo sát bên mẹ, bước theo bước chân của mẹ mà đi. Mà nhớ gặp ba là không khóc nghe con. Mới dặn tôi đừng khóc mà giọng mẹ đã nghẹn… Hai mẹ con lại ngồi chờ trong dãy nhà trống lốc đầy gió. Buổi trưa có tiếng gà eo óc gáy.  Cuối cùng ba tôi đến. Hình như ba đến từ phía khu rừng vừa có tiếng gà. Trông thấy ba, mẹ níu lấy tay tôi chặt hơn, hai con mắt mẹ mở lớn nhìn trân phía trước. Ba mẹ tôi chỉ nhìn nhau và im lặng thật lâu. Cùng đi với ba còn có một người, rất lặng lẽ. Ông ta lặng lẽ ngồi bên một chiếc bàn gần đó, quay mặt về phía khu rừng có tiếng gà. Bế tôi trong lòng, ba ngồi đối diện với mẹ, cách nhau một mặt bàn. Lúc mẹ trao cho ba lon sữa cà phê pha sẵn từ sáng sớm, ba cầm lên nốc cạn, không nghỉ. Tôi còn nhớ mẹ đưa rất nhanh chiếc khăn tay chấm lên mắt để ba không trông thấy. Khi ba húng hắng ho, mẹ tôi nói nhỏ:

Em có đem thuốc cho anh.

Nếu trong buổi gặp ba, mẹ kềm lòng giữ lại nước mắt bao nhiêu thì trên đường về mẹ tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Hình như mẹ đã quên có tôi bên cạnh. Tiếng mẹ khóc nghe sao mà thảm sầu giống như lần dì Khang khóc chồng chết trận. Tiếng nấc của mẹ rơi xuống trên từng bụi cỏ gai nhuốm nắng chiều. Tôi quay lại nhìn hướng ngọn đồi nơi có ba tôi và tiếng gà trưa. Chỉ một màu sương loảng trong nắng yếu. Rồi sương mù đến thật nhanh. Mẹ thảng thốt níu chặt lấy tay tôi. Bận về mẹ đi nhẹ tênh thế mà chân trượt không biết bao lần trên đồi cỏ gai.

Chỉ nửa năm sau lần gặp ấy, ba tôi qua đời. Sau này, các bác, bạn của ba, về kể lại trước lúc mất, ba chỉ thèm được ăn một viên kẹo. Tin rỉ tai chuyền đi trong lán “Ai có kẹo xin hãy cho một người tù đang hấp hối ở bệnh xá”.  Khi viên kẹo đến được trong tay thì ba tôi đã tắt hơi. Vì thế trong mâm cơm giỗ ba chiều cuối năm, không bao giờ mẹ tôi quên cúng một hộp kẹo. Bao giờ cũng là chiếc hộp bằng giấy bạc thắt dây nơ màu trắng. Khi tuần nhang sắp tàn, mẹ tôi pha trà rồi cẩn thận mở hộp kẹo. Từ mười mấy năm nay, tôi đã thuộc nằm lòng cách sắp xếp của từng viên kẹo chocolat xinh xắn màu nâu óng ấy …”.

Những ghi chép rời Giải Ngữ vừa đưa cho tôi đọc là chiếc chìa khóa. Cánh cửa của định mệnh đã mở tung và hất tôi xuống vực thẳm. Tôi đã hiểu ra khoảng cách vô hình giữa gia đình em và tôi ngay từ buổi gặp đầu tiên. Bên ngoài vuông cửa sổ rộng, cả một bầu trời chiều mênh mông buồn. Không hiểu vì sao và từ lúc nào, màu nắng vàng trên hàng cây bao giờ cũng khiến lòng tôi vừa xao xuyến, vừa thảng thốt như sắp mất đi một điều gì đó vô cùng yêu dấu. Trên mảng nắng trải dưới thung xa kia, tôi như nhìn thấy lại bố tôi, người lính Trường Sơn trở về sau chiến tranh, một mảnh đạn còn nằm im trong thân thể.  Những hôm sau lũ, bố thường rủ tôi đạp xe về phía con đê. Phơi trên bãi sông không biết cơ man nào là rác rưởi, củi và rễ cây khô. Dưới mắt bố, mỗi nhánh rễ khô cũng có đời riêng của nó.

– Này Huân, con có trông ra đây là hình dáng con nai đang ngước cổ nhìn trăng không?

Hay là:

– Khúc này bố sẽ làm “Cô Tấm đi hội làng”… Gớm, cái đầu khúc gỗ này sao trời đất khéo tạc giống hình người chít khăn mỏ quạ thế không biết?

Bố tôi vui ra mặt.  Thiên nhiên hào phóng đã mang lại cho ông niềm vui. Tôi giúp bố cho những rễ cây vào bao. Dọc hai bên tường căn hộ bé xíu của bố con chúng tôi, những bức tạo hình ghép bằng rễ cây của bố sắp đầy kín mấy hàng kệ gỗ. Nơi đó là thế giới riêng của bố tôi. Kỷ niệm trong ông vang âm dạt dào như chiếc phong linh. Và trong ông, kỷ niệm cũng là mảnh đạn im lìm, biết trở đau vào mùa nổi gió. Những hôm vui, bố tôi thường hát khẽ  “…Xuân đã đem mong nhớ trở về …” (*).  Giọng ông run khiến chữ “mong nhớ” bị nghẽn lại, không thoát ra được khỏi cổ họng. Tôi quay sang nhìn bố, chỉ thấy chiếc lưng còng của ông trong tấm áo bông xanh bạc sờn. Gió đông rồi cũng mang đi câu hát. Chỉ còn để lại nỗi mong nhớ cho ông.

Trong số tranh tạo hình của bố, tôi thích nhất bức “Mẹ và Con”. Bố chưng bức tranh ấy riêng, trên cái giá gỗ nâu bóng gần chiếc ghế mây bố thường ngồi đọc sách và uống trà.  Tôi còn nhớ đã lâu lắm, bố bỏ cơm suốt gần cả tuần, miệt mài làm nên bức ấy. Sau này lớn lên, tôi mới nhận ra được cái thần của bức tranh. Cũng từ nhánh rễ khô hình thành một nhân dáng. Người đàn bà cúi xuống đứa con mình đang bế trên tay. Những đường gân li ti của sứa gỗ làm tôi mường tượng ra những nếp nhăn trên tấm áo cũ của mẹ tôi. Thuở ấy bố đi chiến trường. Ở nhà, tôi làm “cái đuôi” của mẹ. Chiến tranh đối với tôi ngày đó như trong chuyện cổ tích. Từ  trong căn hầm trú bom nghe bên ngoài như có cả ngàn vạn chiếc tách vỡ. Rồi cả sấm chớp đánh ngang đầu. Tôi run như con dế trong lòng mẹ tôi. Cho đến một ngày, tôi chỉ còn nhớ tôi khóc thất thanh vì có một vật gì đó rất nặng đè lên người hai mẹ con tôi. Trời đất vần vũ như đang giông tố. Tôi ôm chặt lấy mẹ, gào lên mẹ ơi, nhưng sao lạ lùng thay, đó là lần đầu tiên mẹ không trả lời tôi. 

Sau ngày hôm ấy, tôi biết là không bao giờ tôi còn mẹ.

***                        

Hai ngày sau khi có tin nhắn về anh vừa qua đời, chưa kịp khóc anh, tôi bồng con ra đi.  Xuống chiếc xuồng con phía sau chợ Rạch Giá, rồi sang qua con cá lớn ở rẻo đất tối mịt mù gần cửa biển. Từ đó đi gần hơn một ngày chưa kịp mừng, tàu chưa tới SongKhla thì gặp bão. Con gái tôi nằm thiêm thiếp trên tay chị Cầm. Không còn nước uống. Con tàu như chiếc lá chơi vơi giữa cuồng phong. Chợt một tiếng thất thanh từ bóng đêm tuyệt vọng:

– Tuồng như có tàu… tui thấy đèn.

Giờ đây ánh đèn là niềm hy vọng, là sự sống.

Có tiếng nhao nhao từ dưới hầm tàu:

– Chắc là tàu Mỹ

– Mỹ, hải tặc gì cũng được… miễn sống…

– Lạy trời… Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát cứu nạn cứu khổ…

–  Chú Chín, nhá đèn lên cho nó thấy mình đi…

Giữa giây phút hỗn mang của sự sống và sự chết, đám người từ chiếc tàu cứu tinh kia đổ xuống còn hơn bão biển. Chiếc tàu nhỏ chòng chành sắp chìm. Vàng! Dường như đã biết trước, chú Chín hét to:

– Bà con ai có gì thì lo bỏ ra… Tui nói rồi đó nghen..

Hai gã đàn ông nhảy xuống hầm tàu, một tên ném mạnh cái thùng sắt xuống gần chỗ chú Chín ngồi. Mỗi người trên tàu tự động đem của nả mang theo, bỏ vào cái thùng ấy.  Không ai dám ngước mặt lên. Ánh đuốc đỏ rực trên tay gã đàn ông quấn khăn trên đầu khiến mọi người ngạt thở. Chị Cầm nhanh tay đẩy Giải Ngữ  về phía tôi, nhẹ giằng lấy cái túi nhỏ nữ trang trong tay tôi rồi lết về phía chiếc thùng sắt. Nhưng không qua mặt được gã quấn khăn. Hắn ra hiệu cho tôi phải giao con lại cho chị Cầm.

Mai sau con gái tôi sẽ hiểu vì sao ông Ash có mặt trong cuộc đời của tôi. Sau năm ngày neo tàu giữa biển, chúa đảng cho kéo tàu của chú Chín vào gần bờ SongKhla. Gã đàn ông kinh hoàng nhất thế gian không quên nhắc lại y sẽ vào trại tỵ nạn tìm tôi. Tôi đã sống nửa mê nửa tỉnh như con giun khổ nạn co rúm trên sàn tàu nhầy nhụa, ướt lạnh. Năm lần trăng lên rồi trăng lặn, tôi thiếp đi giữa những cơn đau xé. Mơ hồ đâu đó trên thân thể tôi, nước biển vô tình xát muối thêm vào những vết thương rát buốt. Giữa hai bờ sinh tử, tôi đi tìm anh. Tôi mơ mình về lại nơi thâm sơn cùng cốc ấy. Đi tìm anh mà vượt ngàn trùng vẫn không sao gặp. Bao giờ cũng chỉ thấy một mặt trời đỏ au đang rơi chầm chậm xuống triền núi. Trùng trùng điệp điệp cây rừng chỉa lên bầu trời màu da cam như  những cây chông nhọn. Tôi mơ vừa đưa tay vốc nước lên mặt thì người dẫn đường đã hối hả giục đi. Vờ như không nghe, tôi vục đầu trong dòng nước chiều đã trở lạnh. Khuôn mặt khô sạm vỡ vụn trong bóng suối.Rút chiếc khăn lau vội đầu tóc ướt, chiếc khăn bốc mùi như cơm thiu. Đằng trước, ông lão gầy gò  bước đi thoăn thoắt. Tỉnh giấc mơ, ông lão là tên chúa đảng đang nhìn tôi, nhăn nhở cười. Thì ra hắn đã tạt vào mặt mũi và người tôi thùng nước biển. Lạnh. Mặn chát.

Vào trại, tôi tìm đến văn phòng Cao Ủy. Ash đang làm việc ở đó. Ash, người gốc Ấn, đã trải qua thời tuổi trẻ của mình ở vùng chân núi Hy Mã, thọ giáo với một thiền sư. Sau khi thầy qua đời, Ash xin đến làm việc ở các trại tỵ nạn. Và nếu tên của Ash đồng nghĩa với tro bụi, thì cũng từ tro bụi ấy tôi tái sinh. Một con chim phượng mang đầy vết thương khô.

***

Sau buổi ăn tối, không khí bỗng dưng trầm xuống. Dì Cầm dọn mứt gừng, pha trà mời tôi.  Giải Ngữ đến bên đàn. Lòng tôi đang ở ngay mắt bão.

Avalanche(**). Tên bản đàn Giải Ngữ dành cho tôi trước lúc chia tay. Avalanche chỉ là một bài étude ngắn em học lúc mười tuổi. Gần cả mười năm nay, em nói không ngày nào em không chơi đoản khúc ấy. Em thích nhan đề của bản đàn. Avalanche. Bão tuyết. Cơn bão đã ứng vào chuyện tình của em. Từ ngày em gặp anh.

Tôi lặng người trong góc phòng. Lúc ngồi vào ghế đàn, em là hình ảnh chim thiên nga cúi nhìn bóng mình trên mặt hồ. Tôi là cuộn cỏ bồng rối khô lăn trong cơn lốc âm thanh của em. Cơn gió vút đi cuốn em lìa xa tôi . Bức màn tuyết mênh mông chia lìa em và tôi. Rồi bản đàn chậm lại. Cơn bão ngừng. Nhưng tuyết trắng đã làm mất dấu của em. Nốt nhạc cuối cùng rơi xuống như giọt nước và đọng lại trong mắt em. Tôi biết là mình sắp mất nhau.

Đúng mười giờ đêm, có tiếng chuông gọi cửa. Người lái tắc xi ban chiều đã quay trở lại.  Hương đêm đẫm mùi cỏ ướt. Giải Ngữ và tôi bước theo sau dì Cầm, tay em ấm trong tay tôi. Phải chi những phiến đá xanh cứ trải dài cho em và tôi đi bên nhau suốt trăm năm.  Phải chi đêm chẳng bao giờ tàn và sáng mai mặt trời chìm tan trong biển khơi. Sẽ có thêm một lần nào tôi được nắm tay em và đưa em về thăm sương mù trên Hồ Tây? Tôi cũng sẽ đưa em về lại nơi em chào đời, có dòng sông nước đã xanh từ thiên cổ. Có bao giờ không em?

Lúc xe xuống tới chân đồi, tôi nhìn lên phía sau, chỉ âm u bóng đêm. Nơi ấy, trong khu vườn quạnh hiu, có con chim đang đứng hót một mình. 

(02/2002-01/2020)

————————————————–

(*) Cô lái đò, thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Đình Phúc.

(**) Stephen Heller, Avalanche  op 45, no 2.

Comments are closed.