Truyện ngắn Nguyễn Đức Tùng: thấu hiểu và thương xót

Trần Hạ Vi

Tôi chưa đọc hết tất cả những tác phẩm của Nguyễn Đức Tùng, phải nói điều ấy. Nhưng những truyện ngắn tôi đọc được, gần như, luôn để lại một dấu ấn trong tôi, luôn làm tôi suy nghĩ. Sáng nay, tình cờ đọc lại một truyện ngắn của anh, "Gặp một người Gia Rai ở Nữu Ước", tôi muốn ghi lại một đôi dòng cảm nhận của một người không chuyên, và với nhiều tư cách là độc giả hơn là một nhà phê bình.

Nguyễn Đức Tùng khá kiệm lời. Những câu chuyện của anh ngăn ngắn, với một giọng văn tựa như bàng quan, kể chuyện một cách bâng quơ, thường có nhân vật tôi, nhưng không có quá nhiều tự sự, đa phần là quan sát, tả cảnh, kể chuyện, xen vào một chút suy nghĩ, giải thích khoa học hay chủ quan, lại có một sức hút kỳ lạ, và một sức ám ảnh lạ lùng. Có lẽ, vì, đằng sau cái giọng văn bàng bạc có vẻ bâng quơ nặng tính tường thuật đó, là một sự thấu hiểu và thông cảm sâu sắc, một tấm tình thương xót và một tấm lòng bao dung với những nổi trôi phận người và những biến cố thăng trầm lịch sử.

Show, not tell (tả, không kể). Phong thái có vẻ Âu Mỹ nhiều hơn Việt, dù ngôn ngữ Việt. Tất nhiên, anh luôn chọn được những hình ảnh và chi tiết rất đắt, dẫu thoạt nhìn nó rất nhẹ nhàng, bình thường, nhưng qua con mắt của anh, dằn vặt, day dứt không nguôi. Như câu hội thoại duy nhất trong truyện "Người đàn bà trên bến sông" về chuyện mua một đứa con nuôi ("Chị bảo mẹ tôi, em đã lỡ hứa với người ta rồi. Nhưng chị yên tâm chờ tới lượt khác em sẽ để dành cho chị"). Như chi tiết người đàn ông Gia Rai trôi giạt ở New York lạc lõng, mất trí nhớ, không xác định được khoảng cách giữa mình với một cái cây mà anh đinh ninh là cây kơ nia ở cuối truyện "Gặp một người Gia Rai ở Nữu Ước". Những chi tiết đó neo chặt vào lòng độc giả. Như một cái dằm. Như những vết dằm.

Ngòi bút Nguyễn Đức Tùng sắc sảo, chọn lọc. Ngôn ngữ đơn giản, hình ảnh dồn nén, câu chữ nhiều năng lượng. Văn của anh, không hào nhoáng, không cố hoa mỹ hay khoác lên mình cái vẻ phức tạp không cần thiết, không đánh đố con chữ, nhưng đánh thẳng vào lòng, trực tiếp, hiệu quả với những giá trị nhân bản tiêu biểu của con người. Không đau đớn quằn quại kêu than như gãy lìa tay chân mà thấm sâu một nỗi nhức nhối âm thầm sâu lắng đọng lại qua bao thế hệ và suy tư. Một giọng văn hoài niệm giàu nội lực. Đôi khi, tôi có cảm giác tựa như một tảng băng ngầm, những gì độc giả đọc được chỉ là một phần nổi của tảng băng tư tưởng và suy ngẫm trong lòng tác giả mà thôi.

Tôi, có ngẫm nghĩ một chút, về tác giả. Và có thể có phần võ đoán. Nguyễn Đức Tùng có một hiểu biết bao quát nhiều lĩnh vực, và truyện ngắn của anh có thể hiện những hiểu biết chuyên môn của nghề nghiệp y khoa của mình. Nên, có tính lạ, và độc đáo. Truyện của anh, thường rất ngắn, nhưng không phải để đọc nhanh. Đọc một cách thật chậm rãi, từ từ, không bỏ sót chữ nào, để những cảm xúc dồn nén chật cứng trong từng câu chữ nhẹ nhàng thẩm thấu, tan loãng ra, hòa vào lòng bạn trong một niềm thương xót trầm mặc, dìu dịu. Để hiểu đời hơn, và thương người hơn.

24.02.2020

————————————-

Tôi xin đăng lại hai truyện ngắn nhỏ của Nguyễn Đức Tùng, đã được nhắc đến ở trên, cũng là hai truyện ngắn được Đinh Từ Bích Thúy dịch sang tiếng Anh và đăng trên tạp chí Asymptote.

1. NGƯỜI ĐÀN BÀ TRÊN BẾN SÔNG

Nguyễn Đức Tùng

Mẹ tôi cần tìm mua một đứa trẻ làm con nuôi. Không phải cho bà, bà đã có nhiều con, trai gái đủ cả, mà cho cô em họ trên tỉnh, lấy chồng mười năm không con. Một lần mẹ tôi đến bến sông, dẫn tôi theo, có lẽ bà tin một thằng bé lên năm tuổi không thể biết gì về chuyện người lớn, và nếu có nhớ một lúc thì lớn lên cũng quên mất.

Mẹ tôi đã lầm.

Đó là người đàn bà thứ mười bảy trong cái xóm nhỏ, ven sông, gồm mười bảy người đàn bà. Số đàn ông ít hơn nhiều vì họ phải đi lính hay nhảy bưng. Không ai để ý đến người phụ nữ trong căn nhà tranh cuối cùng, trên doi đất hẻo lánh, cuối bãi đất bồi gần sông, gọi là xóm hà. Đất bồi thì tốt, trồng bắp trồng đậu xanh ngắt. Năm nào cũng được mùa, nhưng đất bồi là đất mới, dễ lún, không thể làm nhà gạch vững chắc, người ở xóm hà bị dân làng coi thường cũng như đối với nghề chài lưới và những kẻ sống trên sông rạch, cũng như rất nhiều thành kiến khác của chúng ta, như người bổn xứ thì coi khinh kẻ ngụ cư, kẻ ngụ cư khinh kẻ mồ côi, kẻ mồ côi khinh bọn nằm vùng, bọn nằm vùng khinh me Mỹ me Pháp, rồi chính sau này đám ấy lại lùa phụ nữ đi lấy chồng ngoại kiều vân vân. Vậy, người đàn bà ở đó, một mình, trong căn nhà nhỏ, không bà con, không bạn, không ai hỏi thăm, không ai biết gì về chị, nửa đêm không ai gõ cửa, trong vườn nhà ấy những con gà lủi thủi kiếm ăn, gà trống không biết gáy, đồng hồ không điểm, lịch sử làng quê dừng lại đó.

Căn nhà ấy không có địa chỉ. Những người cán bộ bình định nông thôn đầu những năm 1960 đầu đội mũ nhựa vàng, mang sau lưng những cái bơm màu bạc rất nặng để phun thuốc diệt muỗi DDT, họ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, phun loại thuốc nước màu trắng lên tất cả các bức tường, mùng màn chăn chiếu của nhà tôi, nhờ thế mà nạn muỗi mòng quả nhiên giảm bớt rất nhiều nơi vùng nông thôn ẩm thấp, dù sau này chất thuốc ấy bị phát hiện gây hại nên không dùng nữa thì nó vẫn cần được ghi công như một bước nhảy vọt lịch sử đẩy lùi căn bệnh sốt rét rừng do muỗi truyền, nỗi ám ảnh khủng khiếp của nông dân, vẫn quên bẵng không ghé vào căn nhà ấy. Người đàn bà không đi chợ, không qua đò, không ăn, không thắp đèn, không ai lui tới nhà chị trừ những người có nhu cầu đặc biệt như mẹ tôi.

Lúc ấy chị vừa sinh, lần thứ mười hay thứ mấy tôi không biết chính xác, được vài tháng, hết ở cữ. Đứa con bụ bẫm nằm trên nôi, mặt nhẹ nhõm, tay cầm một vật gì như đồ chơi, thấy người lạ không khóc, đứa bé nằm im, không ra vẻ chào đón hay phản đối. Tôi nhớ đó là bé trai nhưng cũng không chắc. Hai người đàn bà trò chuyện thì thầm với nhau, tôi ngồi trên bậc cửa, liếc nhìn cái nôi một lát đâm chán quay đi. Người đàn bà thứ mười bảy tiễn mẹ tôi ra cửa, mẹ tôi bịn rịn tiếc nuối, còn chị thì thở dài, tiếng thở dài của chị dài như một quãng đường. Hai người dừng lại trước thềm dột nước từ mái tranh, có cái chậu thau hứng nước mưa, một lúc lâu. Người đàn bà nói câu cuối cùng trước lúc chia tay, rất nhanh nhưng rõ, tôi nghe kịp.

Chị bảo mẹ tôi, em đã lỡ hứa với người ta rồi. Nhưng chị yên tâm chờ tới lượt khác em sẽ để dành cho chị. Tôi nhớ giọng nói ấy: dịu dàng, mộc mạc, không ra vẻ xin lỗi cũng không ra vẻ chào mời, thản nhiên nhưng không lạnh lùng, cách nói của một người không hài lòng với số phận nhưng cũng không căm ghét chi số phận ấy. Người đàn bà tiếp tục sống ở đó nhiều năm nữa, nhưng mẹ tôi hoàn toàn không nhắc gì đến chuyện đi tìm mua một đứa con nuôi khác. Rồi chiến tranh loạn lạc, tôi đi học xa quê, có lần về vội, qua trước ngôi nhà của người đàn bà, nhác thấy một cậu bé chín hay mười tuổi đứng chơi trong sân, không biết con nhà ai, có phải là thằng bé ngày trước không, tôi tò mò bước vào, nhưng vừa qua khỏi cái cổng tre, gặp bụi bông trang nở nỏ rực cao gần ngang đầu, thì không thấy nó đâu nữa.

——————–

2. GẶP MỘT NGƯỜI GIA LAI Ở NỮU ƯỚC

Nguyễn Đức Tùng

Khi về già, bạn mắc bệnh mất trí nhớ, rồi mất phương hướng, sau đó mất ngôn ngữ. Nếu bạn sống thật lâu, như một ngọn núi, các chuẩn tắc đạo lý do con người đặt ra sẽ mất sau cùng.

Và theo thứ tự như vậy. Trước cửa một tiệm cà phê gần khu vực tưởng niệm sự kiện 911, gần nền của tòa tháp đôi đổ sập, xuôi về phía hiệu sách cũ Strand ở Broadway, nơi tôi mua được một tập thơ của Gerald Stern, tôi gặp anh Siu Kpa, người Gia rai sáu mươi tuổi, và vợ anh. Anak Gia rai, con của Gia rai. Hay Giơ rai, Jarai, Jrarai, Chơ rai đều được, cả hai nói tiếng Việt, nhưng anh nói giỏi hơn. Thật ra chị là người Ba na, nghe phát âm như Bơ na, hay Bờ na, hay Bà nà, cũng là Ba na dưới núi, Ba na trên núi, Bơ Nâm, Bơ Môn. Cả hai đều mất trí nhớ nhưng theo hướng ngược chiều nhau.

Anh mất trí nhớ như một người già, tức là mất trí nhớ gần, lập tức, còn chuyện quá khứ xa nhớ rõ. Chị ngược lại, không nhớ những chi tiết quan trọng trong đời, lịch sử cá nhân, nhưng lưu giữ kiến thức gần, có khả năng học hỏi việc trước mắt, lập tức và cần cho đời sống. Đôi khi mất phương hướng và mất một phần ngôn ngữ. Anh có thể trong một lúc quên cả tên mình, quên nhiều thứ cần thiết, như địa chỉ nhà mình, tên người thân, dự định trong một giờ sắp tới, nhưng nhớ lại quá khứ xa với chi tiết chính xác, nhất là khi đó là quá khứ tập thể, của plơi, buôn làng. Nhớ những cái khố trắng kẻ sọc, cái khăn quấn đầu màu chàm, gọn, buông thả qua một bên, của đàn ông Gia rai. Nhớ trang phục phụ nữ Ba na ngày hội, kẻ hoa văn đỏ, viền trắng, lòng thòng tua trắng.

Nhớ những ngọn núi buồn rầu, xanh tía, cao vút, như cái nhìn chăm chú, càng cao lên càng xanh càng sẫm, càng buồn.

Không phải trong quán cà phê, mà trước cửa quán, họ ngồi trên thềm nhà, ở New York bạn biết rồi, thừa không gian vỉa hè cho người lang thang. Vợ chồng anh bị cướp nhà, bị lấy đất, bị xua đi trôi giạt như nhiều người Tây nguyên khác. Người Gia rai theo mẫu hệ, chồng theo vợ, nhưng anh quen một người Ba na, một chuyện hiếm gặp. Tục lệ bên dòng tộc chị hôn nhân một vợ một chồng chung thủy, nhưng trong sinh hoạt lại tự do phóng khoáng. Đôi vợ chồng trẻ ở luân phiên bên vợ bên chồng, có với nhau một đứa con, tám tháng, chết trên đường chạy trốn. Trên tay chị. Con trai hay con gái? Con trai, anh bảo. Con gái, chị bực bội cãi lại. Tôi hỏi tên cháu. Tên nó là Langanh, chị đọc là Nh’anh, thì chắc con gái rồi. Nhưng có chắc tên đó không? Sau khi sinh con đầu lòng, cặp vợ chồng ra ở riêng, làm một ngôi nhà nhỏ xinh bên suối. Siêng năng, làm giỏi, họ có đàn gà đông đúc, đàn lợn ba con, có cả một con ngựa. Lông gì? Đen tuyền. Nhưng chắc không phải thế. Màu ấy hiếm. Một con chó, phải không, màu gì, màu vàng, có đốm trắng, không chắc, đi khập khiễng. Nhà của họ bị bọn người di dân theo kinh tế mới từ các vùng nghèo khó, không mảnh đất cắm dùi, có máu anh chị dữ dằn, nhưng lại sẵn sàng tuân phục hoặc hùa theo các mệnh lệnh cấp trên hơn dân thường, phá sạch để cướp đất. Các phong tục đẹp, các thể chế cộng đồng phi chính thức, các niềm tin và ý thức tự nguyện đồng loạt bị phá vỡ. Bị đập nát đền thờ, nhà tang lễ, nhà Rông, nơi thờ phụng, họ đi biểu tình, đi từng đoàn, hàng trăm người, hàng ngàn. Họ bị nghi ngờ, giải tán, đánh đập.

Và bị săn đuổi. Từ Gia lai qua Kon tum qua Đăk lăk. Bị săn đuổi trên đèo Cheo reo, nơi phát tích của dân tộc Jrarai như những con thú dữ, có hại, cần tiêu diệt tận gốc. Chạy vào rừng. Bị bắn. Họng súng cách anh mười mét, bảy mét, có khi năm mét, khạc lửa, từ sau một gốc cây kơ nia vừa bị đốn ngã, tươi rói, chảy máu vàng. Máu cây vướng lâu trên người đông lại vàng rực như hổ phách. Một mảnh đạn xuyên suốt qua ống chân phải, nay vẫn còn đi cà nhắc. Một mảnh đạn khác ghim trong ngực trái, đi sát tim, chạm vào ngoại tâm mạc, sướt qua, như cái chết chơi đùa, rồi nằm im trong nhu mô phổi trái, thùy trên, các bác sĩ để yên chưa kịp lấy ra. Qua Campuchia năm 2001, vào được trại tị nạn, chờ ba năm, phỏng vấn, điều tra ba năm nữa, thanh lọc, năm thứ bảy, đến New York. Chị biết làm sợi từ quả bông, biết dệt vải, biết đan, thêu thùa. Anh biết chế thuốc chữa bệnh từ rễ cây, thuộc hết dược tính. Anh kể chuyện đi bắt ốc, cắt đọt chuối, đẵn cây T’nưng, tìm cây chàm, đem về làm thuốc nhuộm. Mỗi khi nhớ con, chị nằm nghiêng, co chân, gối đầu lên đùi anh, ôm cái bọc vải như ôm một đứa trẻ con, anh hát cho chị nghe trường ca Xinh nhã, hát thuộc lòng, chị nhắm chặt mắt, không cho ánh sáng lọt vào, khóc.

Hãy tưởng tượng một người lớn lên giữa rừng núi Tây nguyên, giữa plơi, sáng mang gùi lên nương, mang con rựa chặt cây, chiều xuống rẫy, chọc lỗ gieo hạt, đêm uống rưọu quanh bếp lửa, sống trong huyền ảo bia ký Chăm pa, trong hoang dã đất rừng, bỗng một hôm thấy mình trên đường phố lập loè chớp tắt xanh đỏ tím vàng phơi ngực phơi rốn phơi mông ở New York. Không trở về được, mà cũng không muốn trở về, nhưng không quen hoàn cảnh mới. Con người phải sở hữu điều gì để sống nhưng Siu Kpa không sở hữu điều gì. Không sở hữu điều gì, cái gì, từ rất lâu, khi người miền xuôi tràn vào buôn làng, tước đi vật sở hữu của anh, là mái nhà, sở hữu của làng, là rừng núi, sở hữu của vợ, là đứa con trên tay. Anh làm việc lặt vặt quanh các phố và ngõ hẻm. Có một căn phòng được chính phủ tiểu bang cấp phát cho người tị nạn để ở, nhưng anh và vợ anh, chị Dep, không mấy khi sống ở đó, gặp gì làm nấy, gặp gì ăn nấy, không ra người có nhà cũng không ra người không có nhà, cả hai khoảng sáu mươi tuổi nhưng còn mạnh khoẻ. Dep là tiếng Gia rai anh đặt cho chị ở trại tị nạn, vì cả hai đã quên mất tên chị, một cái tên Ba Na đẹp, không có họ. Có một lần bối rối, tuyệt vọng, mất trí, anh lao vào gầm một chiếc xe tải nhưng được cứu sống, từ đó lúc nào chị cũng đi bên anh, bám sát, họ nói với nhau bằng thứ tiếng Ba na hay Bơ na đã gần tuyệt tích không ai hiểu được.

Không ai cần hiểu. Sau những đợt phỏng vấn liên tục ở trại tị nạn gần biên giới Campuchia – Thái Lan bởi các phái đoàn nhân đạo, sau khi đặt chân đến đất tự do, không ai có nhu cầu hỏi họ điều gì nữa. Ký ức của chị về buôn làng, về nhà Rông của người Ba na cao đẹp, thanh thoát, về cao nguyên, về lễ hội, chiêng trống, đàn t’rưng, ký ức của anh về cây kơ nia cao vút tán lá rộng xòe với những chùm hoa trắng khi mưa xuân lác đác bay về, về bóng núi âm u đại ngàn rủ xuống tâm hồn họ, lạnh tăm, trở thành ký ức tối đen, và ký ức trở thành không cần thiết, và thời gian trở thành ký- ức- không- cần- thiết.

Cái gì không cần thiết sẽ chết.

Trước hết nó trở nên mờ dần, loãng ra, tối tăm hơn, mờ hơn, mịt mù. Như thị giác bị đánh mất. Ý thức khô quắt đi, co rút lại, sáng lên một lúc, rồi tối sầm, thu gọn về. Cho đến khi có người ngồi xuống hỏi chuyện, hình như nhờ đó đã hé ra trong anh chút kỷ niệm còn lại, và ngược lại, khai mở bầu trời bao la của Gia rai, của lịch sử hùng vĩ và bi đát, của những tàn phá và những tội ác của người Kinh đối với các dân tộc cao nguyên.

Nhưng chị nhớ nhất là chú ngựa và con chó, có lẽ vì chúng chạy nhanh nhất, thoát chết. Đôi khi chị gặp con chó của chị loay hoay bới rác ở cuối đường Fifth Avenue, chị bắc tay làm loa kêu lớn, nó cong đuôi chạy mất. Một hôm lại có người quen chỉ cho chị con ngựa, gặm cỏ trên cánh đồng bên kia sông Hudson, dưới ráng chiều đỏ rực. Loáng cái, nó cũng biến mất, thỉnh thoảng lại hiện ra. Những con vật cứ trở đi trở lại, phân vân do dự, không biết có nên hài lòng chưa với vùng đất mới.

Nắng của ngày sắp tàn sau lưng tòa cao ốc xua nỗi ám ảnh đi xa dần, làm nó, nỗi ám ảnh ấy, trở nên mát dịu, hắt cái bóng của mình lên tường như bóng một cổ thụ hàng trăm tuổi cao lớn. Đi ngang thư thả dưới cái bóng ấy, sau khoảng sân rộng, một con hạc trắng từ lâu không ai để ý. Có thể ngày trước nó từng đậu xuống trên đỉnh tòa tháp đôi chọc trời sau đó bị đánh sập. Người Việt không cần than khóc cho người Mỹ, vì núi rừng Tây nguyên chính là tòa tháp đôi của lịch sử chúng ta. Nó bước đi trên những tảng đá, dọc theo vũng nước nhỏ, cẩn trọng, chăm chú, nhàn tản. Từ cách tám mét, con hạc trắng lắng nghe câu chuyện của chúng tôi. Không khí ẩm lạnh, mây bay thấp, chiếu bóng xuống vũng nước. Có tiếng đập cánh, con hạc ngửng cổ cao, nhấc mình lên, bay là đà qua các cửa sổ khép kín hắt ánh đèn của tòa nhà cao tầng, dang rộng hai cánh ra, bay chậm lại nửa như lấy đà, nửa như ngẫm nghĩ, rồi đập cánh quả quyết bay thẳng đứng lên. Bay ra khỏi cái bóng của những tòa nhà, thoát ra khỏi sức hút của ký ức, của bóng núi trầm uất, mê muội, hoang dã, nguyên sơ, biến mất trong bầu trời. Nó cất giọng kêu khàn khàn, mờ đục, xen lẫn có tiếng vút cao của chiêng, cồng, đàn T’rưng, đàn Klông pút, tiếng thở dài của một người già thấu triệt lẽ đời, bắt đầu quên, lẫn, nhưng chưa mất phương hướng. Tiếng động của thiên nhiên và của văn hóa bị đe dọa sẽ biến mất.

Thế mà lúc chị thiu thiu ngủ, khi được nhắc lại về cây kơ nia, vì tôi tò mò hỏi, anh chỉ tay về một cây nhỏ dựa bên rào có hoa như hoa tường vi màu tím. Tôi lắc đầu, không phải. Anh bối rối nhưng không thay đổi ý kiến. Tôi mường tượng nhận ra không phải chỉ là mất trí nhớ. Tôi bảo anh thử xác định khoảng cách từ chỗ chúng tôi đứng đến cây, anh không xác định được, nhưng đoán là năm bước. Đi năm bước, anh đưa tay sờ vào thân cây, không được, mất đà, chúi xuống, suýt ngã, anh phải đi thêm năm bước nữa. Hụt. Mất khả năng cảm nhận về không gian, về kích thước, về hình dạng, về khoảng cách, mất phương hướng, là hình thức hiếm gặp của mất ký ức chấn thương có tính chọn lọc. Thêm năm bước nữa, rồi anh cũng chạm được cả người vào nó, ôm lấy nó, như người đi đâu xa về chưa kịp mắc áo khoác lên chiếc sừng trâu đã vội vã ôm lấy cột nhà đen mát rượi.

Comments are closed.