2000 thuật ngữ Tâm lý học (64)

Hoàng Hưng

641. Fulfillment model: Hình mẫu hoàn thành

Một lí thuyết về kiểu nhân cách căn bản dựa trên giả định rằng động lực hàng đầu của hành vi là sự tự viên thành, như thể hiện trong động lực thực hiện đầy đủ tiềm năng sẵn có của mình. Các cách tiếp cận mang tính nhân văn với Tâm lý học, như trong tác phẩm của Abraham Maslow và Carl Rogers, là những ví dụ nổi bật của hình mẫu hoàn thành. [được giới thiệu bởi nhà Tâm lý học Mĩ Salvatore R. Maddi (1933-)

642. Fully functioning person: Người hoạt động hết mình

Người có nhân cách lành mạnh, tự do chọn lựa và hành động, sáng tạo, và bộc lộ những phẩm chất của lối sống hiện sinh (existencial living) [theo định nghĩa của Carl Rogers].

643. Functional activity: Hoạt động vận hành

Những hoạt động liên kết với các đòi hỏi hằng ngày căn bản ở nhà và nơi làm việc (đi lại, nấu ăn, tắm rửa, ăn vận, trò chuyện và vận hành những thiểt bị đơn giản). Các kĩ năng thực hiện những hành động như thế đôi khi phải được dạy lại hoặc cải thiện ở những người có tổn thất về thần kinh hay bị bệnh.

644. Functional age: Tuổi vận hành

Một độ tuổi của cá nhân được xác định bằng những đo đạc về khả năng vận hành. Tuổi vận hành khác biệt tuổi biên niên (chronological age) và thể hiện một kết hợp giữa tuổi sinh lí, tuổi tâm lí và tuổi xã hội. Ở những người cao tuổi, nó được tính bằng cách đo một loạt biến tố tương liên chặt chẽ với tuổi biên niên như thị lực, thính lực, lực vận động, chức năng tim phổi, sức chú ý, và trí nhớ. Sau khi có đạo luật cấm phân biệt tuổi tác trong tuyển dụng (age discrimination in employment act), thì tuổi vận hành thay cho tuổi biên niên được lấy làm tiêu chí tuyển dụng ở một số ngành nghề. Tuổi vận hành của một đứa trẻ được đo theo trình độ phát triển mà trẻ đạt được. Nó có thể được so sánh với tuổi biên niên của trẻ như một cách đánh giá sự tồn tại và mức độ của khiếm khuyết hay vấn đề về phát triển.

645. Functional autonomy: (sự) Tự trị của vận hành

Tính chất của một nỗ lực hay thói quen trở nên tách khỏi mục tiêu vốn là động lực ban đầu, và vận hành một cách độc lập, có động cơ phát triển theo những thôi thúc phái sinh. Chẳng hạn, việc học tập nghiên cứu có động cơ là được tán thưởng dần dà được thay bằng ham muốn (và do đó theo đuổi) kiến thức vì tự thân kiến thức. Một ví dụ kinh điển là nỗ lực hay thói quen kiếm tiền, ban đầu là để mua hàng hoá và dịch vụ cải thiện cuộc sống, nhưng thường biến thành một mục đích tự thân. Nhiều thói quen cưỡng bách như rửa tay biểu thị sự tự trị của vận hành.

Cũng gọi là autonomy of motives (sự tự trị của động lực), functional autonomy principle (nguyên lí tự trị của vận hành) [khái niệm được giới thiệu bởi Gordon Willard Allport].

646. Functional fixedness: (sự) Cố định về chức năng

Một khiếm khuyết về năng lực giải quyết một vấn đề đòi hỏi sử dụng một vật cụ thể, do phải sử dụng vật này vào một chức năng khác với lần sử dụng trước, hay do giác tri (tri giác) trước đó về vật đang thực hiện một chức năng khác. Hiện tượng được tường trình lần đầu vào năm 1935 bởi

Nhà Tâm lý học Mĩ gốc Đức Karl Duncker (1903-40) đã thí nghiệm với năm bài toán, trong đó có thí nghiệm mà ông gọi là bài toán cái hộp (box problem). Ba cây nến nhỏ đang cháy được gắn vào một cửa gỗ ở ngang tầm mắt. Những người tham gia được cho xem nhiều vật, trong đó có một bao diêm đựng diêm, một hộp bìa có kích thước tương tự chứa nến nhỏ, và một hộp thứ ba tương tự chứa đinh mũ. Bài giải là trút hết đồ trong ba cái hộp ra, dùng đinh mũ ghim vào cửa và đặt mỗi cây nến vào một hộp. Chỉ có 43% người tham dự giải quyết được bài toán, nhưng 100% số người trong nhóm đối chứng giải quyết được nếu trước đó được cho xem những vật trên cùng với ba cái hộp trống rỗng, do đó tránh được sự cố định về chức năng do đã giác tri (tri giác) các hộp với tư cách đồ chứa những vật khác. Qua năm bài toán, Duncker tìm ra rằng sự cố định về chức năng của các vật làm giảm gần ½ số giải pháp. Duncker chỉ ra rằng hiện tượng không chỉ áp dụng cho các vật thể hay dụng cụ, mà cho cả những đối tượng tâm trí hay khái niệm. Cũng gọi là functional fixity hay functional embeddedness.

647. Functionalism: Thuyết chức năng

Bất kì thuyết nào nhấn mạnh sự hữu dụng hay chủ đích, đặc biệt là trường phái Tâm lý học được tung ra năm 1896 bởi nhà triết học và Tâm lý học Mĩ John Dewey (1859-1952) và nở rộ trong nhiều năm ở trường Đại học Chicago do ảnh hưởng của Dewey, George Herbert Mead (1863-1931) và James Rowland Angeli (1869-1949), ở Đại học Columbia do ảnh hưởng của Edward Thorndike (1874-1949) và Robert Sessions Woodworth (1869-1962), và ở Đại học Harvard do ảnh hưởng của Williams James (1842-1910). Thay vì phân tích cấu trúc của trải nghiệm tâm trí, như đã thành qui ước trong thuyết cấu trúc, thuyết chức năng xem xét cả trải nghiệm và hành vi tâm trí từ chỗ đứng của giá trị chức năng của chúng trong việc thích nghi con người (và động vật) với môi trường, trong một toan tính rõ rệt là đưa những ý tưởng diễn tiến (evolutionary ideas) vào Tâm lý học. Trải nghiệm có ý thức được diễn giải như những hiện tượng nổi lên khi hành vi phản xạ tự động không đáp ứng được các nhu cầu của con người, như khi người tập đi xe đạp cuối cùng không còn ý thức về mỗi động tác khi sự ý thức không còn cần thiết. Những nhà thực hành thuyết chức năng buổi đầu là những người đầu tiên dùng những động vật không phải người trong thí nghiệm. Trong những năm 1920 và 1930, thuyết chức năng từng bước bị nuốt vào thuyết hành vi.

648. Functional type: Kiểu vận hành

(trong Tâm lý học phân tích) Các kiểu nhân cách được nhận dạng bởi Carl Gustav Jung (1857-1961). Theo Jung, con người rơi vào kiểu lí trí (rational type) (chia nhánh thành kiểu cảm nhận – feeling type kiểu tư duy – thinking type), kiểu giác cảm (cảm giác) (sensation type), kiểu trực giác (intuitive type). Jung cũng phân biệt những người hướng ngoại (extraverts) hướng nội (intraverts).

649. Fusion of instincts: (sự) Dung hợp các bản năng

(trong Phân tâm học) Sự hỗn hợp Eros (bản năng sống) và Thanatos (bản năng chết) khiến hai bản năng vận hành phối hợp nhau, tương phản với sự giải hợp (defusion) các bản năng khiến chúng vận hành độc lập với nhau, mỗi bản năng theo đuổi mục đích bản năng riêng của nó. Trong đoạn viết then chốt về hiện tượng này, trong sách Những bài giảng dẫn nhập mới về Phân tích tâm lí – New Introductory Lectures on Psycho-Analysis (1933), Sigmund Freud (1856-1939) viết:

“Trong thói ác (bạo) dâm và khổ dâm, chúng ta có trước mặt hai ví dụ xuất sắc của sự hỗn hợp giữa hai loại bản năng, Eros và hung tính; và ta đi đến giả thuyết rằng mối quan hệ này là một hình mẫu của một thôi thúc rất bản năng mà ta có thể xem xét, đó là những sự dung hợp tương tự hay hợp kim của hai loại bản năng. Tất nhiên những dung hợp này có những tỉ lệ hết sức khác nhau”.

650. Fuzzy logic: Logic mờ

Một hình thức logic dựa trên thuyết tập hợp mờ (fuzzy set theory) trong đó các mệnh đề có những giá trị chân lí được cho điểm liên tục từ 0 đến 1 chứ không hoặc là sai (0) hoặc là đúng (1) như trong logic qui ước. Nó có ảnh hưởng chủ yếu trong lĩnh vực biểu trưng tri thức và các mạng thần kinh.

Comments are closed.