Nguyễn Trọng Chức
Họ là một đôi vợ chồng có cùng đam mê: tranh đương đại Việt Nam. Dù công việc thầm lặng của họ cho hội họa Việt Nam trong những năm qua chưa đem lại kết quả như mong muốn nhưng họ vẫn tin vào một ngày mai tươi sáng cho tranh Việt.
Một buổi sáng mùa thu tuyệt đẹp năm 2009 ở New York (Mỹ). Tôi và hai người bạn sống ở Mỹ có một cái hẹn với ông bà John và Judith Hughes Day, chủ nhân của một gallery tranh Việt đương đại tại thành phố này. Điểm hẹn trên phố thứ 66 khu Upper West Side: một căn hộ diện tích lớn, thoáng đạt trên tầng 10 với khung cửa sổ mở rộng nhìn ra khung cảnh tráng lệ của Công viên Trung tâm (Central Park) đang trổ hết vẻ rực rỡ của trăm, ngàn sắc lá thu. Và để tăng thêm vẻ diễm lệ của mùa thu New York, còn có sắc xanh của ngọn tháp giáo đường Holy Trinity Lutheran ở tiền cảnh.
Cảnh bên ngoài đã đẹp mà bên trong cũng đẹp bội phần bởi sắc màu tranh trên các bức tường khu vực phòng khách rộng rãi. Có tác phẩm của hầu như tất cả các thế hệ họa sĩ Việt Nam đương đại và là những người tiếng tăm nhất: từ Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung, Trần Trung Tín, Đỗ Quang Em cho tới Bửu Chỉ, Phạm Luận, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Thanh Bình, Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng… và lớp trẻ hơn như Lê Quốc Việt, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Minh Thành…
Căn hộ ấy có một phòng cho khách lưu trú, nơi vẫn còn dấu vết của nhiều họa sĩ Việt được gallery của bà mời sang triển lãm tranh, gần đây nhất là Phan Cẩm Thượng với cuộc triển lãm tranh của ông và Lê Quốc Việt, Thắm Poong, Nguyễn Bạch Đàn, Nguyễn Quang Huy, Trịnh Quốc Chiến. Phòng nghỉ cũng treo kín tác phẩm nhiều thể loại và nhiều chủ đề khác nhau của các tác giả Việt. Bà Hughes Day còn cho chúng tôi xem những “kho” chứa tranh trong căn hộ, được vợ chồng bà sưu tầm từ nhiều năm qua và vẫn tiếp tục đến ngày nay. Không dễ tìm được ở bất kỳ gallery nào trong nước sở hữu một bộ sưu tập phong phú và tiêu biểu như vậy về hội họa Việt Nam hôm nay.
“Tranh Việt Nam đã bỏ bùa tôi”
“Mối tình” của bà Judith Day đối với hội họa Việt Nam đã nảy mầm từ hơn những năm cuối thập niên 1980, lúc bà là một trong những người tiên phong sưu tập tranh ở một đất nước vốn vừa thoát khỏi những trì trệ, cứng nhắc của thời bao cấp, đang sải những bước dài để hội nhập với khu vực và xa nữa. Theo dõi sự phát triển của một nền hội họa cùng các tác giả, tác phẩm mà mình yêu thích, bà Judith Day có lẽ là người đầu tiên đưa các họa sĩ cùng với nền mỹ thuật đương đại Việt Nam đến với công chúng thưởng ngoạn rộng rãi hơn ở nước ngoài. Bà cùng với hai nữ đồng nghiệp là Shirley Hui và Julia Wen sáng lập gallery Lã Vọng – tên Việt với đầy đủ dấu – ở Hong Kong năm 1992 (đáng tiếc là đến năm 1997 gallery Lã Vọng chấm dứt hoạt động). Lã Vọng là địa chỉ mỹ thuật Việt đáng tin cậy nhất ở nước ngoài những năm tháng đó.
Bà Judith Day nhớ lại, dù những ngày ấy mỹ thuật đương đại Việt Nam hầu như chưa được biết đến ở thị trường nước ngoài, Lã Vọng đã không ngần ngại mua tranh của các họa sĩ Việt có khi còn vô danh, chưa có một tiêu chuẩn nào để định giá tác phẩm của họ. Những khách hàng đầu tiên của Lã Vọng, theo lời bà, đã rất tò mò về nền hội họa ở một xứ sở mới mở cửa sau nhiều năm khép kín. Rồi bị thu hút bởi chất lượng nghệ thuật của tranh Việt nên họ tìm mua tranh ở Lã Vọng, nhờ vậy gallery mau chóng gặt hái thành công và phát triển không ngừng. Chính từ Lã Vọng và những nỗ lực của bà Hughes Day mà nhiều tác giả Việt Nam được thị trường quốc tế chú ý, điển hình như Đỗ Quang Em, người “có một cách nhìn sự vật lạ thường cùng với sự hiểu biết về ánh sáng và bóng tối mà chỉ vài họa sĩ nắm vững” như bà Judith Day mô tả. Có người mua tranh Phạm Luận rồi đem lòng yêu và sang thăm Việt Nam. Bà cười thật tươi khi kể chuyện đó. Là người ủng hộ nhiệt tình nhất cho mỹ thuật Việt Nam, bà thổ lộ: “Ngay từ buổi đầu tôi đã yêu mến những họa sĩ Việt Nam. Tôi yêu tác phẩm của họ. Tôi đã bị (hội họa Việt Nam) bỏ bùa”.
“Còn cần thêm thời gian”
Có bằng master tại Đại học Columbia, chuyên ngành nghiên cứu Đông Á và lịch sử mỹ thuật Nhật Bản, Judith Hughes Day đã biên soạn sách Mỹ thuật đương đại Việt Nam: những phản chiếu thơ ca (Fine Contemporary Vietnamese Art: Poetic Reflections, Lã Vọng xuất bản, 1994), một trong vài ấn phẩm đầu tiên giới thiệu mỹ thuật Việt Nam ra với thế giới, đóng một vai trò quan trọng giúp khẳng định bước đầu những giá trị nghệ thuật chưa được nhiều người biết đến. Là người am tường, rành rẽ lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại bắt nguồn từ các ông thầy Pháp sang thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội vào thập niên 1920, bà Judith Day cho rằng chính sự pha trộn ảnh hưởng của truyền thống phương Đông và mỹ thuật phương Tây giúp định vị hội họa Việt Nam đương đại.
Bà còn là tác giả nhiều chuyên luận viết về các họa sĩ Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Phạm Luận, Đặng Xuân Hòa… được in trên các tập sách và tạp chí. Với Đỗ Quang Em, bà nhận định: “Khi nghệ thuật đương đại Việt Nam được quốc tế ngày càng thừa nhận thì những tác phẩm hiện thực mang cá tính sâu sắc của Đỗ Quang Em đã đặt ông vào các họa sĩ được kính trọng và mến mộ nhất ở Việt Nam”. Với Đặng Xuân Hòa, bà không chỉ coi như một tài năng đặc biệt mà còn là “một người bạn rất đặc biệt. Từ buổi gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi đã cảm thấy có một sợi dây gắn bó với Hòa”. Bà nói với chúng tôi về Trần Lưu Hậu với một sự yêu quý và kính trọng dành cho một người anh, nói về Nguyễn Trung và hội họa trừu tượng của ông với sự ngưỡng mộ không che giấu.
Rời gallery Lã Vọng năm 1997, bà cùng với chồng là ông John Hughes Day, một cựu viên chức ngành ngân hàng thành lập và điều hành gallery tại New York chuyên về mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Sau cuộc trò chuyện thân tình buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đã cùng ông bà Hughes Day đến thăm gian hàng – gallery của họ tại Hội chợ mỹ thuật châu Á đương đại tổ chức ở bến tàu New York, cách căn hộ của họ không xa. Họ phải thuê với giá 7.000 USD cho vài ngày trưng bày tranh Việt ở đó dù nỗ lực của họ không đem lại nhiều thành quả. Thật cảm động khi chứng kiến hai ông bà đon đả chào những người khách ghé thăm gian hàng, cung cấp thông tin về tác giả, tác phẩm và nếu cần thì nói thêm về ý tưởng mà tác giả muốn truyền đạt đến khách thưởng ngoạn.
Cho dù có trong tay những tác phẩm xuất sắc của hội họa Việt Nam đương đại thì sự đầu tư của ông bà John và Judith Hughes Day trong nhiều năm qua đã không sinh lợi là bao, trong khi nếu đầu tư vào các khu vực khác của mỹ thuật châu Á cùng thời gian ấy thì hiệu quả có thể gấp nhiều lần, chẳng hạn như đầu tư vào mỹ thuật Trung Quốc hay Indonesia, thậm chí là với các nước Đông Nam Á khác như Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Philippin… cũng sẽ thành công hơn. Trong khi đó, cũng nổi lên cùng thời với nhiều họa sĩ Việt Nam những năm đầu Đổi mới nhưng nhiều họa sĩ Trung Quốc như Nhạc Mẫn Quân, Dương Phàn Chí, Trương Hiểu Cương… đã có tranh bán với giá vài trăm ngàn thậm chí cả triệu USD, và tác phẩm hội họa đương đại Trung Quốc ngày càng có giá trên các sàn đấu giá quốc tế và trong nước; trong khi giá tranh của các họa sĩ Việt Nam trong nhiều năm gần như không nhích lên được bao nhiêu, vẫn chỉ quanh quẩn ở con số vài ngàn USD.
Trong bối cảnh đó mới thấy những triển lãm tranh Việt Nam do ông bà John và Judith Day tổ chức tại gallery của họ hay tại các hội chợ mỹ thuật quốc tế là hết sức quý báu; nó khiến người ta không quên mỹ thuật Việt Nam vốn từng được coi là một hiện tượng tại châu Á, được so sánh với điện ảnh Trung Quốc và văn học Ấn Độ vào các thập niên 1980, 1990(1). Chẳng hạn, từ ngày 24-3 đến 30-4-2011, trong khuôn khổ các hoạt động nhân Tuần châu Á tại Mỹ, Judith Hughes Day đã tổ chức một phòng tranh quy mô lớn tại gallery của vợ chồng bà, giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng sống trong nước và đang định cư tại Mỹ, với những tranh phong cảnh, tranh đề tài lịch sử, thể hiện cuộc sống văn hóa và tâm linh của người Việt. Đây là lần thứ hai có một cuộc trưng bày “hợp lưu” như vậy kể từ triển lãm lưu động có tên Cách một đại dương: nghệ thuật đương đại Việt Nam từ trong nước và từ Mỹ (2).
Có thể gọi những công việc đã làm trong nhiều năm qua của ông bà Hughes Day là một sự hy sinh thầm lặng vì mỹ thuật Việt Nam. Họ vẫn hi vọng vào ngày mai của hội họa Việt Nam, vào các họa sĩ Việt Nam mà họ yêu mến và đang sở hữu nhiều tác phẩm. Bà Hughes Day bảo: “Tranh Việt rồi sẽ tăng giá nhưng vẫn còn cần thêm thời gian…”. Và bà tỏ ra lạc quan khi khôi hài: “Vẫn có thể xây dựng một bộ sưu tập tranh Việt Nam đàng hoàng mà không lo bị vỡ nợ ngân hàng!”.
1. Phòng khách của gia đình John và Judith Day; trên tường (từ trái sang) là tranh của các họa sĩ Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung và Đỗ Quang Em
2. Tiến sĩ Vũ Quang Việt và họa sĩ Trần Đán cùng ông bà Hughes Day tại gian hàng của gallery Mỹ thuật Việt Nam đương đại trong Hội chợ mỹ thuật quốc tế châu Á tổ chức ở New York tháng 8-2008.
Có tranh của các họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Phạm Luận, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Bạch Đàn…
3. Khách đến với gian hàng
4. Sắc xanh của ngọn tháp giáo đường Holy Trinity Lutheran nhìn từ căn hộ tầng 10 của ông bà Judith và John Hughes Day; bên dưới là một góc của Công viên Trung tâm đang vào thu
5. Bà Judith Hughes Day trước bức Thiếu nữ đội mũ đỏ của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình,
tại hội chợ The Affordable Art Show tổ chức tại New York vào tháng 9-2014; gallery Mỹ thuật đương đại Việt Nam của bà tham dự hội chợ này.
6. Tranh Phạm Luận trong sưu tập của bà Judith Day
7. Tranh Đặng Xuân Hòa trong sưu tập của bà Judith Day
8. Quảng cáo gallery Mỹ thuật đương đại Việt Nam trên tạp chí Asian Art News
9. Sách Mỹ thuật đương đại Việt Nam: những phản chiếu thơ ca
(1) Năm 1990, nhân kỷ niệm 25 năm ra mắt bạn đọc, tạp chí Asiaweek (nay đã đình bản) đã xuất bản số đặc biệt với nhiều bài viết có tính tổng kết; trong đó có bài nêu bật thành tựu về văn học – nghệ thuật ở châu Á, đưa ra ba thành tựu tiêu biểu: với văn học là Ấn Độ, điện ảnh là Trung Quốc và hội họa là Việt Nam.
(2) An Ocean Apart – Contemporary Vietnamese Art from the United States and Vietnam.