Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 4): Chuyện “Văn mẫu”

Vũ Ngọc Hoàng

Tôi vừa được đọc bài viết của giáo sư Trần Đình Sử đăng trên Văn Việt về chuyện dạy “Văn mẫu” và qua đó cũng được biết Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có quan điểm phù hợp về vấn đề này. Tôi muốn thể hiện sự đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng và của giáo sư. Đây là một việc cụ thể trong giáo dục, mới nghe dễ nghĩ là việc nhỏ, không có gì phải quan tâm nhiều, nhưng thực ra đây là chuyện rất lớn, rất quan trọng, mà công cuộc đổi mới giáo dục không thể không bắt đầu từ những việc như thế, thậm chí nó sẽ là một trong số các mũi đột phá vào thành trì cũ kỹ lạc hậu để tạo ra cái hiện đại mới mẽ sống động hợp quy luật.

Với sứ mệnh và thiên chức của mình, giáo dục nhất thiết phải luôn hướng đến xây dựng những con người có phẩm chất tốt, có tri thức và năng lực, nhất là năng lực tư duy độc lập và khả năng sáng tạo. Đó là những con người tự do trong nhận thức quy luật. Tự do với chính mình và tự do trước sự kìm hãm do tư tưởng bảo thủ trong xã hội. Họ luôn biết tự phản biện với bản thân và chủ động tham gia tích cực phản biện xã hội, để từ đó đi đến các chân lý. Đối với lĩnh vực khoa học xã hội mà không có phản biện, thiếu tự do học thuật thì không có con đường tiếp cận chân lý khách quan – cái mà không ai có thể sở hữu riêng để rồi cấp phát cho mọi người. Đất nước và xã hội rất cần sản phẩm cuối cùng của giáo dục là những con người biết làm chủ bản thân và tham gia làm chủ xã hội. Họ sáng tạo ra chính mình và tham gia xây dựng một xã hội tiến bộ, lành mạnh và sáng tạo.

Những con người ấy không phải là công cụ của bất kỳ ai, không thể thụ động và xơ cứng, yếu kém về năng lực tư duy và năng lực hành động, không có chính kiến, dễ bị xui khiến, mờ nhạt trong công việc, chỉ biết sao chép một cách máy móc ý kiến của người khác rồi nói theo, nặng giáo điều và khuôn sáo, kể cả những điều mình chưa hiểu, chỉ biết “gọi dạ bảo vâng”, làm công cụ sai khiến cho những người có địa vị quyền lực hoặc bị đồng tiền chi phối. Họ rỗng về tri thức, nhưng lại tự coi mình là giỏi, ăn hại nhiều hơn là có ích. Một nền giáo dục lành mạnh và biết tự trọng không thể góp phần hình thành những con người kiểu ấy, dù cố ý hay vô tình.

Nền giáo dục của Việt Nam ta đã từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cách giáo dục áp đặt của phong kiến Tàu, ảnh hưởng của cách giáo dục cho dân bản xứ thuộc địa nhằm tạo ra những con người mà giới cầm quyền cai trị cần sử dụng, rồi tiếp theo nữa là cách giáo dục áp đặt kiểu Liên-xô và Trung Quốc, gọi là xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất chưa thoát khỏi phong kiến, cộng thêm mô hình biến dạng của chủ nghĩa xã hội (không phải lành mạnh, chân chính) đã làm lệch chuẩn các giá trị văn hóa. Việt Nam không chỉ chịu ảnh hưởng một cách khách quan ngoài ý muốn, mà rất nhiều vấn đề đã tự mình chủ động học từ các nơi ấy mang về. Đầu thế kỷ XX một số sĩ phu yêu nước đã vận động phong trào Duy Tân nhằm đổi mới cách dạy và học nhưng do hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ không cho phép nên cuộc ấy đã không thành. Cho đến nay, tàn dư của cách giáo dục cổ hủ ấy vẫn đang còn đầy rẫy và rất nặng nề, kìm hãm sự phát triển tư duy của dân tộc. Nó nặng nề đến mức không dễ gì vượt qua mà không bị gian lao, khổ ải. Cũng có những người đã vùng vẫy nhưng vẫn không thoát ra được. Các gọng kìm vẫn đè nặng, thậm chí có người vì muốn vượt ra mà phải chịu nguy hiểm và hậu quả.

Dân tộc và đất nước không thể nào tiến lên mạnh mẽ để sánh vai cùng các nước phát triển và các cường quốc được nếu như nền giáo dục nước nhà không được cải cách triệt để. Đất nước, quốc gia mạnh hay yếu, giàu hay nghèo đều là sản phẩm của con người. Con người làm ra tất cả, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… Không có những con người đủ độ trưởng thành về tư duy và năng lực trên các lĩnh vực thì đất nước sẽ mãi nghèo yếu và tụt hậu, dễ bị bắt nạt và bị chèn ép, rồi sẽ trở lại mất độc lập và nô lệ, dưới hình thức này hay hình thức khác.

Có những trí thức yêu nước đã nhìn thấy từ sớm vấn đề này. Phan Châu Trinh đã chủ trương đẩy mạnh sự học, chẳng có “chi bằng học”, tất cả phải bắt đầu từ “khai dân trí”. Bác Hồ ngay sau khi Cách mạng tháng 8.1945 thành công, trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng, đã chủ trương mạnh mẽ phải tập trung diệt “giặc dốt”. Người nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Hơn bảy mươi lăm năm qua, dù đất nước trong hoàn cảnh có nhiều cuộc chiến tranh, nhưng giáo dục của Việt Nam đã có một bước phát triển đáng kể, nhất là về số lượng. Nhưng mặt khác còn quan trọng hơn, thực tế cuộc sống đang nghiêm khắc cảnh báo với chúng ta rằng, nền giáo dục của ta còn rất nhiều yếu kém, nhất là giáo dục đại học, bị lạc hậu so với nhiều nước và so với thời đại, nếu cứ như thế này thì không thể thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, không thực hiện được mục tiêu một nước Việt Nam phát triển (sẽ bàn sâu hơn trong một chuyên đề khác). Trung ương khóa XI có thấy vấn đề và đã ra chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Bảy tám năm qua, cả nước và ngành giáo dục đã có nhiều việc làm với mong muốn thực hiện đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khoa học nghiêm túc thì kết quả đạt được là hết sức khiêm tốn, giáo dục Việt Nam đến nay cơ bản vẫn vậy, chưa có gì chuyển biến đáng kể theo tinh thần nghị quyết đã đề ra.

Sau thắng lợi của chiến tranh và thống nhất đất nước, có lúc ta bị bệnh kiêu binh nặng, ngộ nhận khi cho rằng Việt Nam đang ở đỉnh cao, chỉ cần học thêm về kỹ thuật công nghệ, còn thế giới phải học Việt Nam về khoa học xã hội và nhân văn. Đến nay, sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước, nền giáo dục của ta về cơ bản vẫn thực hiện theo cách giáo dục cũ – giáo dục áp đặt. Với cách giáo dục ấy, ai đó đã ban phát chân lý cho những người thầy và đến lượt mình, người thầy lại cấp phát chân lý đã có sẵn cho học trò, “Văn mẫu” cũng từ cách dạy đó mà ra. Giáo dục áp đặt đồng nghĩa với việc thế hệ trước muốn thế hệ sau suy nghĩ giống như mình, lấy suy nghĩ của thế hệ trước làm chuẩn cho các thế hệ sau, thầy giáo muốn học sinh phải theo suy nghĩ của thầy, giống như thầy, cùng lắm là bằng thầy, lấy sách giáo khoa và bài mẫu làm thước đo kiến thức, học sinh không được nghĩ khác, làm khác, không có con đường vượt thầy vượt sách và khi thầy sai, sách sai thì không dễ gì điều chỉnh. Với cách dạy như thế, làm sao có thể sáng tạo, làm sao có nhân tài.

Cách đây đã lâu, khoảng một phần tư thế kỷ, tôi nghe một nhà văn đã phê phán cách dạy này. Ông cho rằng, những em học sinh có năng khiếu văn học, có khả năng sáng tạo ra tác phẩm có giá trị, nhưng với cách dạy “Văn mẫu” áp đặt này, thì các em ấy bị hạn chế sự sáng tạo, năng khiếu chẳng những không được nuôi dưỡng và phát huy, mà sẽ bị “cùn” dần đi. Học văn rất cần đọc nhiều các kiệt tác của đất nước và nhân loại, để cảm nhận và kích thích tư duy, tham khảo, trao đổi và phản biện, thông qua đó mà người học có thêm cảm xúc và tự nâng mình lên. Còn với việc dạy “Văn mẫu”, nhà trường và người thầy đã khẳng định chân lý có sẵn, khẳng định giới hạn và đỉnh cao, gò người học vào khuôn khổ đã có, giam cầm tư duy và năng lực trong một “chiếc lồng”, yêu cầu học thuộc và làm theo, càng giống mẫu càng được điểm cao, tạo ra những tác phẩm và những con người tương đối giống nhau, gần như đồng dạng, hạn chế khác biệt và làm giảm thiểu các giá trị riêng có. Trong khi cuộc sống rất đa dạng và vận động không ngừng, “Văn mẫu” dù có tốt đến bao nhiêu thì cũng không bao quát được cuộc sống và bị giới hạn bởi không gian và lịch sử.

Khắc phục bằng cách nào? Tôi nghĩ việc đầu tiên là cần phải có nhận thức đủ rộng và sâu sắc về sự cần thiết phải thay đổi. Không nghĩ đơn giản chỉ là chuyện kỹ thuật, mà nó bắt đầu từ triết lý giáo dục, hướng đến những con người tự do và sáng tạo. Trong thế giới tự nhiên cần có đa dạng sinh học. Tương tự như vậy, xã hội loài người cần có sự đa dạng về văn hóa, về góc nhìn và theo đó, cần chấp nhận sự khác nhau về quan điểm. Không thể có và càng không thể bắt buộc sự đồng nhất về tư duy, ý kiến, nhận thức và quan điểm. Không có sự đa dạng ấy thì đời sống của tự nhiên và xã hội sẽ không còn sức sống, càng không có sáng tạo, và mất động lực phát triển. Văn học và nghệ thuật càng đòi hỏi sáng tạo, không có sáng tạo sẽ không có tác phẩm, không có các trường phái khác nhau sẽ không có tác phẩm đỉnh cao. Mỗi con người vừa có những đặc điểm xã hội tương đối giống nhau, nhưng đồng thời lại có sự khác biệt về cá tính, đời tư, nhận thức và tư tưởng cần được tôn trọng. Tự do cá nhân vừa là mục tiêu vừa là động lực. Tự do vừa là quyền con người và đồng thời cũng là hạnh phúc của con người, vì họ được lựa chọn cách sống. Ngăn cản tự do cá nhân đồng nghĩa với chống lại con người, và hạn chế hạnh phúc của họ. Hồ Chí Minh đã từng nói: Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Vào thế kỷ 19, Minh Trị Thiên Hoàng đã tiến hành một cuộc đại cải cách nước Nhật, bắt đầu từ việc cho dịch và phát hành rộng rãi một số quyển sách từ Phương Tây bàn về tự do. Trong các sách ấy, có nhiều nội dung và quan điểm trái với tư tưởng chính thống của triều đình lúc đó, đã bị không ít người phản đối, nhưng Minh Quân vẫn quyết tâm thực hiện, vì ông đã đặt nước Nhật đứng trên quyền lợi của Thiên Triều. Và nhờ vậy mà từ một nước Nhật lạc hậu ngày xưa đã thành một cường quốc được nể trọng như bây giờ. Đó quả là một ông vua sáng suốt, xứng đáng là một trong những nhân vật lịch sử đã sản sinh ra nước Nhật. Nhiều người dân Việt Nam mong muốn nước mình cũng được như vậy. Để công cuộc đổi mới giáo dục thành công, rất cần thiết sự chỉ đạo trực tiếp của cấp cao nhất, tất nhiên đó phải là sự chỉ đạo đúng trên cơ sở của một ban tham mưu giỏi và cương trực. Tình hình ở nước ta với các thể chế hiện hành, nếu không có chỗ dựa từ những người có quyền lực cao nhất thì rất khó thành công đối với một sự nghiệp lớn lao và gian khổ này. Nhưng mặt khác, không cần phải chờ đợi tổng thể mà cấp bộ, địa phương, nhà trường và từng thầy cô giáo thấy cái gì có thể làm được thì tích cực làm.

Đổi mới nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra và thi kết thúc môn học là khu vực mà có nhiều việc có thể làm ngay. Với tinh thần không dạy theo kiểu áp đặt, cần có một cuộc trao đổi để cùng tìm ra những cách làm tốt. Dạy văn nên chấm dứt hoàn toàn việc dùng bài “mẫu” bắt học trò phải làm theo. Đó là cách dạy nhồi nhét kiến thức theo ý chủ quan và bị giới hạn của người thầy, chứ không phải thúc đẩy cho việc phát triển năng lực. Đi với đó là cách học giáo điều, rập khuôn máy móc. Tất nhiên khi thấy có bài văn hay thì có thể giới thiệu tài liệu tham khảo để các em tự đọc. Đọc – hiểu – tư duy độc lập – và biết diễn đạt ý mình là yêu cầu quan trọng của việc dạy văn. Nên bỏ hẳn việc bắt học sinh học thuộc, cũng không cần bắt phải nhớ có bao nhiêu ý gồm những gì. Khi viết văn cũng không cần bắt nhất thiết phải theo thứ tự đầy đủ lần lượt từ mở bài, đến thân bài và kết luận, cách bắt đầu và kết thúc như thế nào là việc sáng tạo của người viết. Nếu viết đủ các ý mà giống như là thống kê nhắc lại một cách vô cảm thì đâu có bằng chỉ viết có một ý thôi nhưng sâu sắc, lắng đọng nhiều. Khi thi nên ra đề mở để học sinh tự do luận theo suy nghĩ và cảm xúc của mình. Bỏ hẳn việc cấm mang tài liệu vào phòng thi, ai muốn mang tài liệu gì cũng được. Không bắt lỗi khi học sinh viết khác hoặc trái ý thầy. Để cho học sinh tự do thể hiện chủ kiến, không quy chụp quan điểm và đánh giá tư tưởng chính trị đối với học sinh. Không dùng ba rem cho điểm cao đối với các em trả bài giống hệt ý thầy mà không cần trình độ và kỹ năng trình bày, ngược lại nên cho điểm cao đối với các em có chủ kiến một cách rõ ràng, có thể khác ý thầy, với lập luận sắc sảo và có sức truyền cảm.

Cách dạy không áp đặt, không bắt buộc người học phải công nhận đúng sai và không được nói khác, mà chỉ là sự trao đổi, gợi mở, thảo luận và tranh luận bình đẳng về các giá trị, các cơ sở khoa học và thực tiễn, tôn trọng chính kiến và tự do tư tưởng của mỗi học sinh… không chỉ dành riêng cho dạy văn, mà cần áp dụng chung đối với tất cả các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kể cả triết học và các môn lý luận chính trị khác. Với cách dạy kiểu này tất nhiên công việc của người thầy sẽ khó hơn, đòi hỏi các thầy cô cũng phải thường xuyên nâng cao trình độ và năng lực.

Đối với tình hình Việt Nam hiện nay có lẽ khó nhất là áp dụng cách dạy mới này đối với các môn học về lý luận chính trị. Khó thì khó nhưng làm được. Khó dễ cũng là do mình thôi, do cách hiểu và cách nghĩ của mỗi người. Tôi thấy không có gì phải ngại, hoàn toàn đổi mới được, sẽ tốt, chắc chắn thành công. Sẽ bàn sâu hơn đối với lĩnh vực này trong các bài nghiên cứu khác với chủ đề rộng hơn.

Quảng Nam, ngày 02.9.2021

Comments are closed.