Từ cây mít bên mép hố bom

Nguyễn Hoàng Văn

clip_image002

 

Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc.

Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.

Rồi thì cái hố ấy cạn dần. Đầu tiên là ngói gạch vỡ vụn từ căn nhà cũ đổ nát của tổ tiên mà anh chị em chúng tôi san xuống, sau đó là đất cát bồi tụ theo từng mùa mưa rồi, đến một lúc nào đó, khi cái hố bom đã đầy gần phân nửa, tôi ươm mấy hạt mít chung quanh để từng ngày, từng ngày, chứng kiến chúng nẩy nở, sinh sôi. Mấy năm sau, khi tôi đi xa hẳn, những cây mít ở lại bắt đầu kết trái rồi, mấy năm sau nữa, khi em tôi vào Sài Gòn lập nghiệp, gởi khu vườn cùng căn nhà làm nơi thờ tự trong bàn tay chăm sóc của một người bà con, chúng vẫn kiên trì bấu rễ vào cái hố bom mà ra hoa, cho quả.

Nhưng một thời gian sau nữa, cách đây mấy năm, cây mít của tôi bị bức tử, chết khô.

Nhưng nó không hề đơn độc. Cùng chung phần số là nguyên một hàng cây cao lớn, mạnh khỏe dọc theo ranh giới với khu vườn hàng xóm mà, theo giải thích của những người ở đó, là sự cạnh tranh ánh sáng của trời cùng dưỡng chất của đất từ bàn tay chủ nhân khu vườn liền kề, cái sự cạnh tranh vẫn đều đặn xảy ra ở miền quê thời này bởi thuốc độc giết cây của Trung Quốc đang bán ê hề ngoài chợ.

Tôi nghe lời giải thích này này hai năm trước, khi về quê chịu tang mẹ. Dưới những hạt nước bay bay của cơn mưa phùn tiết Xuân phân trong một chiều nhá nhem tối, tôi đứng ở góc vườn lặng nhìn những cái rễ mít chết khô lầm lũi an phận dưới cái hố bom đã cạn mà thảng thốt nhìn ra bóng dáng khẳng khiu của mình mấy chục năm trước, đang chênh vênh bên bờ mép nghiêng 45 độ của cái hố bom đỏ quạch màu đất sét, cái lưng khòm xuống, cái xẻng cùng mấy hạt mít trong tay… Ngay khoảnh khắc đó tôi nảy ra quyết tâm là, bằng mọi giá, phải mang chúng theo như một chứng vật lịch sử của riêng mình, dạy cho con tôi biết rằng đây là những cái rễ từ cây mít mà tự tay ba đã trồng. Tôi nhễ nhại mồ hôi lôi lên mặt đất. Tôi kỳ cạch rửa ráy, đẽo gọt. Rồi tôi nhờ một người thợ mộc can thiệp lần cuối trước khi sấy khô, tẩy trùng để có thể vượt qua hàng rào kiểm dịch của nước Úc.

Tôi kỳ công như thế bởi đó không chỉ là chứng vật của riêng tôi mà là chung của tất cả chúng ta. Từ dấu tích hoang tàn của sự hủy diệt bằng sức mạnh của một đế quốc, một siêu cường, cây mít đã vươn lên mạnh mẽ, đã đâm chồi kết trái nhưng rồi lại chết đứng giữa trời, như là Từ Hải, chỉ vì thuốc độc của giống bành trướng đang hung hăng háu đá như một thứ chuẩn siêu cường tập tành làm đại đế quốc.

Nếu lịch sử là chuyện đã qua thì chứng vật cho một chặng đời của tôi này còn có thể là “tương lai” của chúng ta, những người cùng chia sẻ cái “đại tự sự” kết tụ từ muôn vàn những câu chuyện lớn nhỏ khác nhau; từ huyền tích trăm trứng trăm con để gọi nhau là “đồng bào” đến những câu chuyện thấp thoáng bóng dáng lẫm liệt của Lữ Gia, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, v.v. khi những bậc anh hùng dân tộc này phản ứng trước sức ép của bọn xâm lược phương Bắc.

Mà đâu chỉ là những cây xanh, với cái bọn xâm lược này? Cả những con giun hiền lành, an phận thủ thường cày cuốc trong lòng đất cũng bị chúng lập mưu để tàn sát hàng loạt thì đây, rõ ràng, là một sự “truy sát” đối với tương lai. [1]

Bởi vậy, từ cây mít, con giun, tôi lại nghĩ về loài nai.

Nai là một trong những nguồn thức ăn ưa chuộng của loài hổ và, sau hàng ngàn năm tiến hóa, chúng vẫn tiếp tục ngờ nghệch làm mồi như một sinh vật mù màu, không nhận ra được màu xanh và đỏ. Dưới mắt nai, cây rừng xanh và da hổ nâu đã hòa lẫn vào nhau trong sắc xám nên, không cần phải ngụy trang, giống hổ chỉ cần bước khẽ và, đợi đến khi xáp lại thật gần, ở khoảng cách chưa tới mười mét, con mồi hiền lành ngơ ngác kia mới phát hiện được mối nguy thì đã quá muộn. [2]

Sau mấy ngàn năm sống chung với với thứ xóm giềng chuyên hành xử bằng luật rừng như thể là chúa sơn lâm, trong đó có một ngàn năm bị đô hộ, vậy mà, đến tận hôm nay, chúng ta vẫn hành xử như một dân tộc bị mù màu. Chúng ta, như đã kể ở trên, vẫn sử dụng thuốc độc của chúng hay chạy theo mấy đồng tiền vặt của chúng để tàn hại chính môi trường và nguồn sống của mình. Nhưng nếu hạng dân ngu khu đen ở dưới bị bệnh “mù màu” thì, ở trên, những chức tước quyền hành đang bị “chứng” gì khi để những tình trạng như thế xảy ra, hết năm này sang năm khác? Họ, thậm chí, còn cong lưng theo những “dự án chung” và cong lưỡi theo những lời lẽ mỵ dân như là “vận mệnh” và “tương lai chung”?

Nếu có một thứ “vận mệnh” và “tương lai” chung thì đây, chúng đã biểu lộ ngay trong bộ rễ khô quắc từ cây mít bị đầu độc của tôi nên, do đó, cái chứng bệnh trong dấu hỏi trên, rõ ràng, không chỉ là khiếm thị mà là khiếm tư duy.

Nó cách khác, thẳng thắn, là bị đui, bị mù tận trong óc, trong đầu.

Tham khảo:

https://www.reddit.com/r/educationalgifs/comments/dt5f0r/deer_and_some_other_tiger_prey_animals_are/

Comments are closed.