Văn Cao 100 năm!

Vũ Kim Thu (*)

“Tôi thấy chẳng có cái gì tôi làm được tới nơi tới chốn cả”

Chỉ “chẳng tới nơi tới chốn” như thế, ông đã là nhạc sĩ hàng đầu, thiên tài về âm nhạc, thơ ca và hội hoạ của nhiều thế hệ. Những tác phẩm ông để lại là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam!

Khi tôi còn bé, sau khi bố về, nhà tôi luôn có khách của bố tới chơi, có thể chia làm hai loại: khách lĩnh vực kinh tế (nói thế cho sang chút ), và khách văn nghệ sĩ, nhận biết rất dễ qua ấn tượng đầu tiên: cách ăn mặc.

Thường, các văn nghệ sĩ ông nào cũng nghèo, bác Văn (Văn Cao) có khi thuộc trong nhóm nghèo nhất bởi lý do đặc biệt ở cái thời đó. Dẫn cái xe đạp cũ kêu lọc xọc vào sân nhà tôi, nghe tôi chào và gọi với lên gác: “Bố ơi bác Văn đến” trước khi nhảy chân sáo đi chơi, bác cười thật hiền với tôi, đi từng bước chân gầy guộc lên các bậc thang hơi cao hơn bình thường của căn gác. Nghe bạn thân tới, bố tôi thế nào cũng mang ra chai rượu, hai cái chén hạt mít, rồi hai ông, sau đó có thể có thêm vài ông nữa, ngồi say sưa đàm đạo về nghệ thuật, nhạc hoạ, thơ ca.

Các bạn văn nghệ sĩ của bố ông nào cũng hiền, chắc chẳng bao giờ có thể làm hại ai, cho dù bị người ta hại trước. Bác Văn, trong mắt của tôi, là một trong hai người hiền nhất mà tôi được biết. Ông gầy gò, nhỏ thó, lưng hơi còng ngay từ hồi đó, đồ ông mặc luôn rộng so với ông, đến nỗi tôi nghĩ, chắc ngay cả cỡ nhỏ nhất, ông mặc vẫn rộng. Ông luôn luôn cười hiền lành dưới bộ râu dài và tóc cũng dài, mà hồi đó đã bạc rồi. “Thật giống ông tiên vẽ trong truyện cổ tích, cũng râu tóc dài và hiền lành như thế”, đó là ấn tượng của tôi về ông hồi bé, và sau này.

Với tôi lúc đó, tất nhiên tôi biết ông là nhạc sĩ, ông là tác giả cùa Quốc ca. Tôi biết, ông có vẽ và vẽ rất đẹp, ông vẽ minh hoạ bìa sách để có thêm chút tiền, nhưng chỉ khi ông thật túng. Tôi biết ông làm thơ, vì ông hay đọc thơ khi nhâm nhi rượu không mồi. Nhưng tôi chỉ biết đến thế, không hơn!

Bố tôi quyết định vào Sài Gòn, hôm chia tay bố, ông khóc, nhìn ông già khóc vì sắp phải xa bạn thân, thật là thương! Ông yêu quý bố tôi, cũng như bố tôi yêu quý ông vậy, nhận tháng lương đầu tiên khi đi làm công nhân ép mủ cao su, bố tôi mua ngay một cút rượu cho ông, ông khóc. Nhà tôi có khó khăn thế nào, khi ông tới sẽ luôn có rượu mời ông.

Đêm nhạc đầu tiên sau bao năm chỉ có thể vẽ và làm thơ cho mình, là đêm nhạc riêng của ông tại Sài Gòn do chính ông bạn thân tổ chức cho ông. Ngồi hàng đầu nghe bạn phát biểu lời nói đầu, ông lại khóc!

Và hôm nay, người ngồi dưới mà chảy nước mắt, không phải là bác nữa, mà là ông bạn của bác đấy! Kỷ niệm 100 năm sinh nhật bác, ông bạn già của bác đã có mặt: thương bác, mừng cho sự tôn vinh xứng đáng mặc dù có muộn, và tự hào!

Còn tôi, tôi cũng vô cùng vô cùng tự hào vì Việt Nam có một nhạc sĩ tài năng, một hoạ sĩ, một nhà thơ lớn, và hơn cả, một tâm hồn Việt tuyệt vời, là bác!

 

clip_image004

Văn Cao và Vũ Thư Hiên

clip_image006

Nhà văn Vũ Thư Hiên và họa sĩ Văn Thao (đội mũ, con trai của Văn Cao) trong đêm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 20/8.

clip_image008

Nhà văn Vũ Thư Hiên dự đêm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao

clip_image010

Bà Nghiêm Thúy Băng (ngồi xe lăn) – vợ nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Văn Thao (hàng trên, thứ tư từ trái qua) – con trai nhạc sĩ và nhà văn Vũ Thư Hiên bên một số bạn văn và người thân của gia đình.

clip_image012

Bà Nghiêm Thúy Băng và nhà văn Vũ Thư Hiên

Nguồn: FB Vũ Kim Thu

(*) Con gái nhà văn Vũ Thư Hiên

Comments are closed.