Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 276): Bể dâu – Nam Dao (13)

MÙA RỪNG ĐỘNG (13)

*

Duyên ra hiên ngoài, nhìn quanh quẩn rồi cất tiếng gọi. Nghe Thành đáp, Duyên vòng ra sau vườn. Ngồi xổm, Thành cắm cúi nhổ cỏ dại, lưng quay về phía cầu ao sóng sánh nước ánh lên xanh biếc trong nắng hanh.

– Có việc gì vậy Duyên? Thành hỏi.

– Ngưng tay đã! Cầm bát nước chè đưa Thành, Duyên giọng hậm hực – em hỏi tí chuyện…

– Chuyện gì?

– Cái nhà anh Kiên là Thường vụ xã ấy mà! Anh ấy hỏi thanh nữ cả xã đang xung phong ‘‘xây dựng’’ mà em thì cứ lảng. Vậy muốn lấy lành hay lấy què?

Thành bật cười:

– Nó chớt mày đấy mà. Thế mày bảo nó sao?

– Em bảo em lấy què! Anh ấy gằn giọng hỏi, có phải anh Dân không? Em tức, em gật đầu!

– Cái con này, đoảng! Người ta đùa mà mày hỗng…Thế nó nghe, nó phản ứng thế nào? Thành hỏi.

– Anh ấy quầy quả bỏ đi, mặt tím lại – Duyên cười – Thật cho đáng đời, ai bảo!

Thành ngẫm nghĩ. Cả xã biết Kiên lân la với Thành là vì Duyên. Làm Kiên mất mặt, đúng là chuyện không nên. Giọng có chút lo ngại, Thành nhìn em:

– Mày nói thế, có ai nghe thấy không?

– Ờ, lúc đó có mấy đứa con gái. Chúng nó rũ ra cười! Duyên thích chí, tiếp – Có đứa còn ré lên, lấy què lấy cụt là phấn đấu đúng chính sách, đồng chí ơi!

Không nói gì thêm, Thành lẳng lặng châm thuốc lá. Cụt một tay như mình, Thành có thể đi cấy, thậm chí khỏe thì chân dẫm lên cái cày tay giong trâu cũng được. Cụt chân, còn hai tay thì đan rổ, rá, nong, nia. Hoặc làm gạch. Ông bố cứ giục Thành lấy vợ. Nhưng lấy ai? Thành sợ nhất là lòng thương hại. Và nhất là sự ngu ngơ của những cô gái quê cứ hay phấn đấu để được làng xã vỗ tay hô tiên tiến. Thình lình, Duyên cất tiếng:

– Anh Thành này, em hỏi cái này nhé!

– …

– Lấy chồng cụt chân, liệu khi đẻ con nó có bị di truyền không?

Thành đang trầm ngâm mà cũng phải phá lên cười. Thương hại em, Thành nhịn cười, bảo:

– Không! Không sợ con cái cụt chân đâu! Nếu di truyền thế, thì cái đất nước anh hùng này sẽ đẻ ra toàn là bọn tật nguyền à! Nhưng mà mày phải suy tính chứ đừng nghe chị em xui dại. Lấy chồng thương binh thì sẽ vất vả lắm đấy, chẳng trông cậy gì được nhiều đâu!

Duyên vênh mặt:

– Em thì em chẳng sợ! Cứ thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn!

Thành buồn bã:

– Như tao, chỉ tát cái ao sau vườn cũng khó. Thôi, đừng nói chuyện trời biển nữa!

Nhìn Duyên đi khuất, Thành ngẫm lại cách em mình đối đáp với Kiên. Có lẽ nó nói thật chăng? Từ ngày Dân về, nó lăn xăn giúp Dân, mang khoai về ủ trong bếp nhà mình. Thỉnh thoảng vét được ít tôm ít tép, nó xẻ ra một ít, kín đáo mang sang nhà Dân, nói bố em bảo chia cho anh đấy. Chắc chắn là Kiên biết. Nhưng thế rồi sẽ rách việc. Công an xã vẫn là công an. Chúng nó kiếm chuyện thì có là Dũng sĩ diệt Mỹ cũng mệt chứ chẳng chơi.

Thành đứng lên rồi đáo qua xem cửa ngõ nhà bạn. Dân đã đi Hưng Nguyên mười hôm nay, nhờ Thành trông nhà hộ. Thật là tội, Thành thầm nghĩ. Xưa nay, Dân chỉ có bà ngoại. Này bà mất rồi, Dân lủi thủi vào ra như chó vắng chủ, lắm khi trông như người bị hớp hồn. Khi ngồi nói chuyện với nhau về tương lai, Dân chỉ thở dài. Một hôm, Dân bảo:

– Khi xong cấp 3, tao chỉ muốn đi học tiếp. Nay chẳng hiểu có được không?

Thành chua xót:

– Còn tao, xung phong đi bộ đội lúc học hành chưa ra đâu với đâu. Bây giờ, chẳng nhẽ lại cắp cặp đi học lớp 8 với mấy đứa trẻ con?

– Què cụt thì phải bù trừ bằng cái đầu, mày ạ! Tạm thời, tao sẽ nhận làm cho Hợp tác xã… Ông cụ mày bảo chuyện chấm công phức tạp là phức tạp thế nào?

– Mày biết, dây mơ rễ má với cán bộ trong Ủy ban rất là đông trong xã mình. Ai cũng muốn có phần hơn, nhất là bà Chủ tịch. Gay nhất là đất Hợp tác xã, năm phần trăm chia để nông dân canh tác kiểu tư hữu. Chia đất, toàn là chia cho gia đình có liên hệ với cán bộ xã. Ruộng năm phần trăm xanh rì, trong khi đất Hợp tác xã thì lắm lúc như bỏ hoang. Đến khi thu hoạch, Hợp tác xã làm chẳng được bao nhiêu, chia công điểm cuối vụ là cả xã so bì, rối tinh lên. Mà của đáng tội, có được bao nhiêu đâu! Toàn chuyện gà què ăn quẩn cối xay thôi, nhưng nhức đầu lắm. Có lẽ tay Bí thư thấy mày chỉ có một mình, lại Ðảng viên, nên cho rằng sẽ ít điều tiếng. Khi tao làm, thì dân xã đổ vấy cho tao là tao thiên vị chấm công nhiều cho nhà cái Tình để ve vãn lấy nó. Thế là sau vụ gặt, nó xấu hổ trốn lên Hải Phòng!

Nhìn qua song cửa nhà Dân, Thành chua chát, rớt mồng tơi thì có gì mà phải sợ trộm với cắp. Bỗng có tiếng gọi. Quay lại, Thành thấy Kiên đi tới, miệng hỏi:

– Anh có biết anh Dân đi đâu không?

– Biết!

– Anh ấy đi gặp ai nhỉ?

– À, đâu là một ông chú họ xa…

– Tên ông ta là gì?

Thành đáp không rõ, rồi chột dạ nhớ lại câu chuyện Duyên mới kể. Quàng tay lên vai Kiên, Thành nói giọng khẩn khoản:

– Cái Duyên em mình nó dại mồm, cứ bộc tệch bộc toạc. Vừa rồi, mình đánh cho nó một cái tát, dặn phải đi xin lỗi cậu. Nay gặp, để mình thay nó xin cậu đừng chấp!

*

Ðược báo, cha Tín tất tả từ ngoài đồng về nhà Chung. Nhìn qua song cửa, Tín chỉ thấy lưng một người mặc áo bộ đội, đầu gục trên cánh tay, chân duỗi ra. Tín nhẹ nhàng bước vào. Nghe tiếng ngáy, Tín rón rén bước tới. Trên một nửa khuôn mặt người nằm ngủ, râu ria đâm ra tua tủa. Mắt nhắm nghiền, anh ta thở phì phò. Tín lẳng lặng ngồi đợi. Lát sau, anh ta cựa mình, tay đụng vào chiếc nạng, tiếng rơi đập vào sàn gạch khiến anh ta nhổm dậy. Tín bấy giờ mới thấy hết khuôn mặt. Một nét thân quen khiến Tín xáp lại, giọng bồi hồi:

– Có phải là Dân đấy không?

Nhìn Dân lúng túng gật đầu, Tín hai tay nắm lấy vai, nhìn vào tận mặt, miệng mím lại:

– Chú đây… Chú là Văn, em của cha con tên là Nguyễn Trường Võ ở Bùi Chu. Bà ngoại con có bao giờ nói cho con rõ không?

– Không! Võ thì không phải. Tên cha tôi là Phan Thượng Chính!

– Thôi, thế là đúng rồi! Võ đi làm Cách Mạng đổi tên là Chính. Còn mẹ con, tên là Huyền, phải không?

Nhìn Dân gật đầu, Tín bấy giờ ôm chầm lấy, nước mắt ròng ròng, cắn răng kìm xúc động. Buông Dân ra, Tín lùi lại nheo mắt ngắm. Bấy giờ, Dân mới nhìn Tín, ngờ ngợ như đã từng gặp. Tín nhặt chiếc nạng dưới đất, bùi ngùi:

– Con bị thương hả? Bao lâu rồi?

Dân đáp. Tín trầm ngâm, hỏi:

– Thế con đã về Kiến Thụy gặp cha con chưa?

Ngớ người ra, Dân kể từ ngày tấm bé, bà ngoại chỉ bảo cha mình đi Liên Xô rồi không về nữa. Còn khi Dân trở lại Kiến Thụy thì bà đã mất, chỉ trối lại dặn là phải tìm cha Nguyễn Trường Tín có việc quan trọng, không hiểu là việc gì. Dân nhấn mạnh:

– Tín, chứ không phải là Văn…

Tín cắt ngang:

– Xưa tên chú là Văn, sau mới đổi thành Tín. Nhưng cha con không ở Kiến Thụy thì đi đâu?

Dân đáp, có ông bác nhưng chết trước bà, chính tay bà chôn cất. Chợt hiểu ra, Dân giật bắn người, thất thanh:

– Thế thì ông bác đó là cha con rồi chứ còn ai vào đấy nữa!

Tín lặng đi, lẩm bẩm:

– Lạy chúa tôi, thế là xong… Chúa tôi cứu rỗi cho!

Ngả người vào lưng ghế, Dân cứng ra, cổ họng nghẹn lại. Nhắm mắt, Dân cố tìm lại hình ảnh ông bác. Dịp Tết ngày nào bỗng chập chờn. Chiếc tàu thủy làm bằng nhôm thả trên ao nước chạy quanh quanh. Dân hò, ra khơi nào, ra khơi. Và ông bác, lúc nào cũng trầm ngâm, nhìn mình với cặp mắt buồn rười rượi. Ô, thì ra ông bác là cha mình. Nhưng tại sao bà lại không nói, mà bảo cha ở Liên Xô? Có phải đó là điều bà dặn là quan trọng? Dân níu lấy tay Tín, miệng hỏi dồn dập, mắt trợn lên trừng trừng. Tín gỡ tay, lẳng lặng đến quì trước bức tượng Giêsu treo trên bức tường vôi trắng ố những vết nước mưa lâu ngày chưa quét lại, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện.

Ðêm hôm đó là một đêm dài nhất đời Dân. Tín kể lại Chính, cha Dân, đã về Hưng Nguyên quí cuối năm 72, ở mươi ngày rồi ra Kiến Thụy. Khi chia tay, Chính nói với Tín rằng mình chỉ còn mong ước độc nhất là chiến tranh chấm dứt để có hy vọng gặp lại Huyền, Nhân và Dân. Viễn vọng ký kết Hiệp Ðịnh Paris tiếp cho Chính một nguồn sinh lực tưởng đã cạn kiệt sau hơn mười năm đi tù vì cái tội đã không ủng hộ đường lối giải phóng miền Nam bằng bạo lực Cách Mạng. Tín ngưng một lát sau, rồi thì thào:

– Có lẽ khi Mỹ tái oanh tạc miền Bắc, cha con đã tuyệt vọng không muốn sống nữa chăng?

Nói như nói một mình, Tín thả mắt nhìn vào khoảng không trước mặt, lẩm bẩm:

– Chắc là vậy, chắc là vậy!

Nghe Dân hỏi về cha mình, Tín kể chuyện trận đánh cướp trại lính Nam Ðàn hơn bốn mươi năm trước khiến Nguyễn Trường Võ lấy tên Phan Thượng Chính, một đảng viên Tân Việt đã hy sinh. Sau, Chính theo Quốc Dân Ðảng, tham gia khởi nghĩa Yên Bái, rồi trở thành đảng viên Ðảng Cộng Sản Ðông Dương trong nhà tù Sơn La. Thời Cách Mạng tháng Tám, Chính là một trong những cán bộ chủ chốt giành chính quyền ở Thủ Ðô, sau lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Tín thở dài:

– Trước chiến thắng Ðiện Biên Phủ, bà nội bị qui địa chủ. Chú tin để cha con về cứu bà, nhưng cha con không làm được, lại suýt bị mất mạng, may mà chỉ bị đánh đến liệt một cánh tay!

– …liệt một cánh tay!

Dân nhắc lại, kinh hoảng. Chàng nhớ lại ngày chàng bị cưa chân mà không có thuốc mê ở bệnh viện 203, gần đường 9 Nam Lào. Trong cơn đau đớn cùng cực, chàng đã thấy một người tay trái rũ xuống đứng nhìn mình thương xót. Rồi mới hôm nào ở nghĩa địa làng, cũng hình ảnh người đó thoắt hiện thoắt biến khi chàng ra thăm mộ bà ngoại.

Tín vào căn phòng bên cạnh, lát sau đi ra, tay cầm một cái phong bì. Ngồi xuống trước mặt Dân, Tín chậm rãi, giọng ngậm ngùi:

– Cha con dặn chú nếu sau có gặp con, hay gặp Nhân thì trao tận tay. Ðây là tất cả những gì cha con để lại!

Hai tay, Dân đỡ lấy. Gia tài của chàng chỉ có vậy, nhưng sao một cái phong bì mà nó nặng đến độ chàng sụp người quị xuống. Ðêm hôm ấy, Dân đọc một bức thư tuy dài nhưng vẫn chẳng đủ để đo hết nỗi cay đắng một người không mang lương tri mình ra làm trò thỏa hiệp.

*

Tiếng nổ òa ra, không khí thành sóng. Dân cố mở mắt, nghe mình gọi tên Tạ nhưng âm thanh cứ loang xa như những gợn nước. Không biết bao lâu sau, Dân choàng dậy. Nhìn lên, những hòn đá tảng. Bên cạnh là công sự, bao cát xếp chồng lên nhau che được nửa thân người. Vẫn tiếng pháo, nghe như pháo không giật 106 ly. Như vậy, mình không còn ở Ngã Ba Máu nữa rồi. Có lẽ trung đội đã lùi về Cổ Thành. ’’ Tạ, Tạ ơi!’’ Dân lại gọi. Tiếng đại liên M-60 át đi. Rồi F-4 xẹt ngang. Lửa na-pan bốc lên đỏ rừng rực. Dân định lăn người, nhưng đau, đau không thể tả xiết. Có lẽ ’’ bị’’ rồi. Dân cố, một nửa người nhói lên, mắt nổ đom đóm.

Ðến lúc tỉnh dậy, người Dân trồi lên sụp xuống dập dình trong tiếng lội nước bì bõm. Ai đó bảo ‘‘Năm mươi thước nữa là đến bờ’’. Bờ nào? Chẳng lẽ mình đang băng sông Thạch Hãn? Ðêm âm u. Chợt pháo sáng lóe trên trời cao. Dòng sông bỗng lấp lánh hàng hàng những chấm sáng. Tiếng trực thăng quạt gió. Súng nổ hàng tràng. Pháo sáng tắt. Ðêm đen làm nền cho những luồng đạn đỏ tua tủa cắm xuống mặt nước. Vẫn tiếng bì bõm. Dân có cảm tưởng mình bị nhấc bổng lên. Một tiếng trong trẻo cất lên ‘‘ Các đồng chí theo tôi. Từ đây đến đường 9, ta đi lối tắt’’. A, ôi cô giao liên. Bài hát ca ngợi người chiến sĩ đó vẳng lại, thắm thiết nhưng hùng hồn. Dân nghe thấy mình hỏi ‘‘ Ði về đâu thế, đồng chí?’’ nhưng không ai trả lời. Lát sau, tất cả bất động. Dân mở mắt, trời hằng hà sao lấp lánh. Sao Bắc Đẩu nằm chỗ nào? Còn chùm Ngưu lang – Chức nữ đâu? Có ai đó động vào người Dân. Lại đau. Miệng Dân khô ran, hả ra nhưng không hỏi xin nước được. Tiếng ồ ồ bên tai ‘‘Anh tiêm cho thương binh này thuốc cầm máu. Xem nhịp mạch, nếu quá yếu thì tiếp một ít huyết thanh’’.

Trời sao lơ lửng trôi theo nhịp cáng cứu thương. Ði, cứ đi. Suốt đêm. Dân khi tỉnh, khi mê. ‘‘Sống mà về được thì tìm em ở Ý Yên nhé’’, tiếng Thắm văng vẳng. Khỏi phải nói, anh không về Ý Yên thì về đâu, hả Thắm. Anh sẽ sống, không như Sơn ở Bầu Bính. Em sẽ sống, không như Giang ở Bàu Bính. Và anh sẽ đi tìm những cánh bướm đẹp nhất xuyên con đường xẻ dọc Trường Sơn. Nhất là, anh hứa, anh sẽ tìm ra loài bướm cánh đen trên có một trái tim màu đỏ. Chính Ủy đơn vị có kiểm điểm cũng mặc. Chưa yêu thì khoan yêu. Giời ơi, khoan thế nào, hả Thắm.

Sáng ra, Dân có cảm tưởng mỗi lúc lên một cao. Trong đoàn tải thương, một người nói ‘‘…bên kia là Trường Sơn Tây, sẽ giao ban với một đơn vị mới’’. Thương binh nay phải buộc cho thật chắc vào cáng đang di chuyển trên những dốc đá tai mèo. Đội cáng thương nay là những cô gái người dân tộc. Chân trần, họ vẫn bước băng băng, hồn nhiên cười cứ như chiến tranh dưới kia không liên quan gì đến họ. Ðoạn đường khó nhất là khi leo lên đỉnh núi. Dân mở mắt. Thân gần như dựng đứng. Dân nhìn, ở dưới kia, ôi chao, cây xanh và vực sâu. Chỉ một cái trượt chân, hỡi hai cô gái cáng thương, là cả ba chúng ta sẽ hiến mình cho thần chết. Dân nhắm mắt lại. Thôi, nhìn làm chi. Vực đủ rộng và sâu để chôn những người hụt bước vì quên cái chết tinh quái rình mò. Cứ thế leo trên lưng tử thần. Leo, leo, chân bám chặt vào đất, mắt ngẩng nhìn lên cho đỡ chóng mặt. Đến quá trưa, đoàn lên đến đỉnh. Bên kia là lãnh thổ Lào, yên ổn hơn nhưng vẫn bị bom và không kích, nhất là ở những tụ điểm có kho vật liệu. Nghỉ được hơn một tiếng.Viên bác sĩ giọng ồ ồ đến cạnh Dân, tay bắt mạnh, mắt nhìn đồng hồ. Lát sau, thêm một y tá trợ y. Lại tiêm. Thuốc tê. Thuốc cầm máu.Và tiếp huyết thanh. Dân định hỏi, nhưng không mở miệng được. Dân vẫn chưa biết đích xác phần cơ thể nào của mình bị thương.

Lên đường. Lệnh phát ra, đoàn cứu thương tục tục sửa soạn. Lần này, xuống dốc Tây Trường Sơn. Eo ôi, xuống dốc mới khổ. Người cáng thương đi trước phải ngả lưng về phía sau ghìm, trong khi người đi sau co người kéo ngược cáng lên, chân vẫn từng bước bám vào con đường đá nhọn tua tủa. Bụng Dân thót lại. Như một phản ứng tự động, Dân khẽ xoay người. Cô gái người dân tộc đi trước trọ trẹ kêu ‘‘ Đừng! Nhằm mắt lại anh chiến sĩ!’’. Các cô đã quen công việc tải thương, bình tĩnh tiếp tục xuống những con dốc định mệnh, miệng vẫn cười tươi tắn. Xuống hết con dốc gần như thẳng đứng mất ba giờ. Ở dưới, một đội tải thương khác tiếp tục công việc. Vị bác sĩ phân loại thương binh, trường hợp cấp cứu có xe trở đi. Dân lên xe, và nửa đêm thì đến được một bệnh viện nằm trong rừng. Từ đó, Dân hôn mê. Khi tỉnh lại, Dân có cảm tưởng hàng nghìn con kiến lửa đốt lục phủ ngũ tạng. Dân nghe loáng thoáng ‘‘Nhiễm độc mất rồi!’’. Một bác sĩ đeo kính vạch mắt Dân ra chiếu đèn pin vào. Ông ta quay lại nói với trợ y ‘‘Phải mổ ngay. Sửa soạn tiếp máu!’’. Dân lại thiếp đi. Chàng lơ mơ, nghe mình gọi tên Thắm. Ai đó đến cạnh, mắt nhìn chàng thương xót. Chàng không rõ mặt nhưng người có một cánh tay rũ xuống, chỉ nhắc đi nhắc lại ‘‘Phải sống! Nhất định sống! ’’. Rồi trời ơi, chưa bao giờ có một nỗi đau ghê gớm đến thế. Mắt chàng nổ hàng vạn con đom đóm đỏ. Còn đầu, nó như vỡ ra rồi văng lên như cát bay túa lên từ mặt đất bị bom xới lên. Người đàn ông có một cánh tay rũ xuống vẫn đứng đó.

*

Dân vùng dậy, quơ tay kêu ‘‘Cứu tôi với! ’’, đụng vào ai đó đang nắm lay chàng. Tín kéo cho Dân ngồi lên, giọng thân ái:

– Con nằm mê đấy! Gớm, mê gì mà cứ hét lên như vậy?

Ðưa tay xoa mặt cho tỉnh, Dân nhìn ra. Bấy giờ, Dân thấy Tín chẳng khác gì lắm với người đàn ông có cánh tay trái rũ xuống. Chàng lẳng lặng gấp bức thư cha chàng viết, bỏ vào chiếc phong bì, thẫn thờ:

– Thưa chú, lại một cơn ác mộng của lính!

Thầm nhủ có lẽ cha chàng – người đàn ông tay rũ xuống – từng có mặt trong nhưng giây phút hiểm nghèo nhất của đời mình, Dân áp phong bì vào lòng, cảm thấy bớt cô độc. Tín thủng thỉnh:

– Chú phải đi dâng lễ!

– Ngay bây giờ? Dân ngạc nhiên.

– Ừ, lễ sớm lắm, trước kẻng Hợp tác xã gọi ra đồng! Giáo dân đi lễ vì thế ít, nhưng vẫn có!

Tín và Dân sang nhà nguyện. Giáo dân, chỉ có hai đang khom người quì. Một ông cụ và một bà cụ. Cả hai lưng đã còng, đứng lên khi Tín bước vào. Dân ngừng lại ở ngưỡng cửa, không làm dấu thánh. Tín nhìn Dân, nhưng Dân lắc đầu. Tín hiểu, chỉ nói:

– Thôi… Chúng mình chắc còn thời gian và nhiều điều để nói.

*

Tín đưa Dân về thăm mộ phần họ Nguyễn ở thôn Bùi Chu. Chỉ vào mộ ông cố, Tín dịch nghĩa câu chữ Nho khắc bia:

Anh hùng dụng võ phi vô địa

Chiến thắng thành công tắc hữu thiên.

là kẻ anh hùng chớ sợ không đất dụng võ, nhưng thành bại ra sao thì cũng tùy Trời. Tín kể đây là hai câu ông cố Nguyễn Trường Tộ làm khi viếng mộ Hạng Võ, và nói cho Dân nghe về những bản điều trần của ông thời Tự Ðức. Ðến đời Đồ Cửu, Tín tiếp, nước mình thành thuộc địa, và như mọi người yêu nước, ông Đồ cũng tham gia công cuộc giành độc lập.

– Khác với cha con, ông không chấp nhận con đường bạo động đề xướng bởi Phan Bội Châu mà chủ trương theo khuynh hướng ‘‘chấn dân khí – hưng dân trí – hậu dân sinh’’ của Phan Chu Trinh… Còn đây là mộ bà nội. Bà con chết trong Cải Cách Ruộng Đất!

Làm dấu thánh giá, Tín hồi tưởng ngày bà đồ chết độc chỉ có một con chó bên cạnh. Thời gian đó, Chính đang trên đường về Thanh Hóa. Tín kể cho Dân nghe về Xoan, người vợ cả của Chính. Ngậm ngùi, Tín chép miệng:

– Con có một người chị, tên Bình Minh, nhưng đã hy sinh trong chiến dịch Ðiện Biên. Chị con chết mất xác…

Dân bàng hoàng, không ngờ gốc tích của mình lại là từ cái thôn Bùi Chu hoang vắng và những nấm mồ nằm đây. Nhưng còn một điều khiến chàng trăn trở. Mím môi, Dân hỏi:

– Chú có biết vì sao mẹ con mang Nhân đi Nam không?

– Ðến cha con cũng chẳng biết. Khi cha con về đây, chú hỏi thì cha con cũng chịu…

Một niềm tủi hận Dân giấu kín trong lòng suýt bật ra thành lời hờn oán. Dân kìm lòng, quay mặt nhìn ra xa, thở dài:

– Chắc ‘‘hoàn cảnh’’ lắm! Mẹ con và Nhân ở Sài Gòn có lẽ yên ổn chứ không đến nỗi nào, nhưng tin tức thì con vẫn chưa hề biết!

Hai chú cháu lững thững đi về Giáp Ðoài sau khi quét dọn những ngôi mộ cho sạch sẽ . Vừa bước, Tín vừa hỏi:

– Dân định thế nào? Nay Dân tính toán tương lai ra sao?

Dân nói về dự định xin đi học và kể được phổ biến chính sách Nhà Nước đặc biệt dành ưu tiên cho thương binh. Tín chặc lưỡi:

– Thế còn lý lịch? Nhất là chuyện cha con…

Kể cho Tín nghe khi về Kiến Thụy cha chàng đã cẩn thận không tiết lộ tung tích, Dân đăm chiêu:

– …chắc xã cũng chưa xác định được vì khi chôn cha con, Ủy Ban xã đi sơ tán, lúc về thì vẫn phải đối phó với bom đạn là chính, không quan tâm gì.

– Thế cũng tạm ổn, lạy Chúa. Nhưng còn cái gốc công giáo?

Nhớ lại lúc Dân từ chối không vào dâng lễ, Tín chua xót tiếp:

– Ờ, cái gốc ấy nay cũng phai nhạt lắm rồi. Bây giờ, tôn giáo là tôn giáo mới của giai cấp vô sản, cái kiểu vô sản mất thì không mất gì mà được, là được cả thế giới, nghe hấp dẫn hơn Thiên Ðàng nước Chúa nhiều! Dân có tin là thế không?

Dân lắc đầu, lẳng lặng nhìn lên trời. Mây tụ lại tạo ra đủ loại hình khối, lúc là những con thú nhe nanh múa vuốt, khi thành những con người há miệng, lưỡi lè, trợn mắt trừng trừng cắm xuống mặt đất cái nhìn hung hãn. Không! Nhìn lại thân mình, Dân chỉ thấy mất, chẳng được một chút gì dẫu Dân nay hiển nhiên là một thứ vô sản chính cống. Thế mà lạc mẹ, mất cha, đến khi xin đi nghĩa vụ để tìm đường tiến thân cũng phải biếu bà Bí thư ngày xưa cái nhẫn mẹ để lại như kỷ vật duy nhất. Rồi năm năm, lúc nào cũng phân biệt địch – ta, một bên thì hò bảo vệ tự do, bên kia hô giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hỏi ai – thắng – ai với đủ thứ súng đạn ngoại bang. Dân chống mạnh chiếc nạng xuống đất, nhìn ống quần phất phơ quanh cái chân bị cụt, lại lắc đầu. Chúa ơi, nếu thực sự Người quyền năng vô biên thì tại sao trái đất này lại đầy rẫy những khổ đau như thế? Hay là Chúa tôi cũng bất lực để những kẻ tông đồ mang những huyễn vọng ra mê hoặc hòng thu vào trong tay cái quyền lực trần gian làm bằng máu và nước mắt? Dân ngừng bước. Nhìn vào mắt Tín, Dân thình lình hỏi:

– Thiên Chúa là gì? Và đã mang lại được gì cho nhân loại?

Tín ngạc nhiên, không ngờ Dân tra vấn quyết liệt đến thế. Nhỏ nhẹ, Tín đáp:

– Thiên Chúa là tình nhân ái! Ðiều mang lại cho mỗi con người là điều chỉ thấy được khi cái sống kề cận sự chết.

Dân nhìn chú, không giấu được ánh mắt hoài nghi. Hai người lại tiếp tục đi. Về đến Giáp Ðoài, trời đã xế trưa. Nghe một giáo dân thường giúp việc cho nhà thờ đến rỉ tai, Tín bước vội vào nhà nguyện. Lưng quay về phía cửa, bà cụ lưng còng đang quì, tay lần tràng, miệng lẩm nhẩm đọc kinh. Nghe tiếng động, bà chậm rãi đứng lên, mặt thư thản, miệng nhếch lên chào. Tín lại gần rồi cúi xuống. Bà cụ thì thào, chỉ thấy Tín gật đầu. Ðợi bà cụ đi ra xong, Tín bước đến cạnh Dân, giọng xúc động:

– Ông cụ chồng bà vừa ở đây sắp về nước Chúa. Dân sẽ thấy điều Thiên Chúa mang lại tận mắt…

Tín vào buồng, lát sau ra mang theo một cái bọc, ra dấu cho Dân đi theo. Tín nay mang trang phục một vị linh mục, một tay cầm Kinh Thánh, tay kia cây Thánh Giá bằng gỗ mun có nạm đồng. Bà cụ ngồi cạnh chiếc chõng, mái tóc bạc phơ tỏa sáng một góc nhà. Trên chõng, ông cụ nằm, chiếc chăn trải từ ngực xuống phủ hai chân. Tín đến bên, cúi xuống. Một nỗi vui chợt lóe trên cặp mắt nửa khép nửa mở.

Tín vẩy nước thánh, chậm rãi ngồi xuống chiếc ghế để sát bên chõng. Mở cuốn kinh, Tín bắt đầu đọc. Nét mặt ông cụ hấp hối thư giãn dần. Dân không hiểu gì, để hồn mình lắng vào tiếng trầm bổng buổi rửa tội cuối cùng một đời người. Thật lạ, bà cụ bình tĩnh chứ không kêu khóc như những người đàn bà sắp mất một kẻ thân yêu. Bà cụ cũng lẩm nhẩm cầu kinh. Dân nghe loáng thoáng bà kêu Ðức mẹ Maria. Tín nghiêng người, làm dấu Thánh trên khuôn mặt nhăn nheo của một trong số hiếm hoi vài giáo dân còn đi lễ vào lúc tinh mơ trước khi Hợp tác xã đánh kẻng.

– Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần… Amen.

Dân nhìn qua vai Tín. Ông cụ nhếch cười, cái cười hạnh phúc. Bà cụ đến nắm tay ông, cũng cười, nhẹ nhàng. Tín quay sang Dân, thì thầm:

– Sống nhân ái thì khi chết, thanh thản về bên Chúa. Đức tin khi đó cứu rỗi phần hồn. Ðó là điều Thiên Chúa mang lại cho con người trong giây phút trọng đại nhất của mỗi đời sống, là lúc chạm mặt với hư vô, lênh đênh vào cõi không ai biết, không ai hay!

Comments are closed.