‘Đi, Đọc Và Viết’ tác phẩm mới của Phạm Xuân Đài

Trần Doãn Nho

Mặc dù viết nhiều, viết mạnh, nhưng mãi đến Tháng Mười, 2020, hai mươi sáu năm sau tác phẩm đầu tiên, “Hà Nội Trong Mắt Tôi,” Phạm Xuân Đài mới cho ra đời tác phẩm thứ hai, “Đi, Đọc và Viết,” do nhà xuất bản Văn Học Press xuất bản.

Phạm Xuân Đài (trái) và Trần Doãn Nho, hình chụp năm 2019. (Hình: Trần Doãn Nho)

Đây là một tác phẩm dày dặn, gần 400 trang, trình bày giản dị, nhẹ nhàng, trang nhã. Tạo sao lại có khoảng cách 26 năm? Trong lời nói đầu, nhà văn mà cũng là nhà hoạt động văn hóa tiêu biểu này của Orange County, giải thích: “Những bài tôi viết trong vòng một phần tư thế kỷ qua đều đã được đăng trên báo giấy hoặc báo mạng, có nghĩa là phần nào đã được ra mắt độc giả rồi. Bây giờ gom lại in trong một quyển sách thì cũng tạm coi như một tuyển tập nho nhỏ của tôi vậy.”

Tập sách chia làm ba phần:

-Du Ký: Ghi lại bốn chuyến viễn du: Đi Tây, Hoa Xuân ở Hòa Lan, Đến Với Nước Nga và Đi Tàu.

-Giới Thiệu Tác Phẩm và Tác Giả: Lần lượt điểm các tác phẩm của chính trị gia Bùi Diễm, nhà thơ Trần Mộng Tú, nhà văn Nhật Bản Endo Shuswaku (do Nguyễn Văn Thực dịch), nhà văn Trần Doãn Nho, nhà văn Song Thao, tiến sĩ Vũ Quốc Thúc và hai nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.

-Tạp Bút: Ghi lại những kỷ niệm với hai người bạn thân là Đỗ Ngọc Yến và Lê Đình Điểu; những cảm nghĩ về quê hương xuyên qua hình ảnh của con diều hay qua một món ăn quê anh là tô mì Quảng; những kỷ niệm cay đắng khi đang ở trong trại tù Cộng Sản và cuối cùng, với tư cách nhà báo và người tổ chức, ghi lại một cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi khá hiếm hoi ở hải ngoại kèm theo các tấm tranh trúng giải.

Dồi dào và phong phú nhất trong tập sách, theo tôi, là phần du ký. Đọc “Du Ký” của Phạm Xuân Đài không phải chỉ để biết anh đi thăm thú những đâu, thấy và nghe những gì mà là theo dõi những phân tích, những cảm nhận thâm trầm đôi khi như xuất thần về cảnh, về người vừa văn chương vừa chính trị vừa lịch sử lại vừa triết lý.

Nếu phải dùng một cái tên cho đúng, tôi thích gọi chúng là những “tùy bút viễn du.” Bằng con mắt nhạy bén, anh bắt gặp trong cảnh quan bình thường của xứ người những nét rất riêng, rất lạ, lắm lúc, đẩy bật anh trở về với quê hương ngày tháng cũ vốn đã chìm sâu trong đáy ký ức.

Đúng như anh nói, anh chẳng sáng tạo hay hư cấu một chuyện gì, mà “chỉ diễn tả những cảm nhận, những kiến giải của riêng tôi đối với những tác phẩm đã có sẵn, có thể là cảnh thiên nhiên núi cao sông rộng, có thể là nếp sống nếp sinh hoạt vật chất hay tinh thần của những xứ sở mà tôi tới thăm,” nhưng độc giả sẽ thấy, “những cảm nhận, những kiến giải của riêng tôi” ấy lại làm cho những nơi anh thăm thú mang một hình dáng khác, một không khí khác.

Anh đưa khung cảnh của chúng vượt ra ngoài các chi tiết lịch sử, các hình thể vật lý để bắt gặp một cái gì sâu xa hơn, chan chứa hơn, “người” hơn, đậm đà và ý vị hơn và nhất là tìm thấy tố chất quê hương ngay trên những vùng đất lạ. Anh ngắm nhìn và suy ngẫm, ngắm nhìn và hồi tưởng, ngắm nhìn và đánh giá. Mỗi một bắt gặp cảnh, lập tức bắt gặp một suy ngẫm, bắt gặp một nét và nhiều khi, bắt gặp cả một rừng quá khứ. Không chỉ viễn du vào thắng cảnh, mà anh viễn du vào lịch sử, vào văn chương, vào ký ức và vào tâm tình của mình.

Trong “Đi Tây,” khi đến thủ đô nước Pháp, “Tôi đã sững sờ với kiến trúc của Paris. Đó là vẻ đẹp. Đó là hình ảnh của tư tưởng và tinh thần lớn lao, hoành tráng. Nhìn kiến trúc ấy mình thấy như đứng trước cái thăm thẳm của thời gian và lịch sử con người với các thành tựu to lớn cũng như các nỗi niềm mơ mộng của nó.”

Đi giữa phố phường Paris, anh bất ngờ quên hẳn Paris và “hoài niệm” Sài Gòn ngày xưa qua rải rác đến… chín, mười trang giấy, trong đó, bàn về quán cà phê Sài Gòn không thôi mà cũng đến… bốn trang. Nên cũng chẳng mấy ngạc nhiên với nỗi ngậm ngùi Phạm Xuân Đài: “Sài Gòn không còn nữa, sau khi được liên tiếp ‘cải tạo,’ mọi thứ trở nên xấu xí, tầm thường, mất cái thần sắc mà đô thị mến yêu ấy ngày xưa vẫn tỏa ra, như mùi hương bát ngát của một cây hoa, như vẻ duyên dáng của một người đàn bà. Không riêng Sài Gòn, từ sau năm 1975 cả miền Nam mất cái thần sắc ấy, mất nơi từng cá nhân con người, trong từng xóm làng, từng thành phố. Cái guồng máy gọi là cách mạng kia nó có biệt tài xóa đi rất nhanh cái mà tôi gọi là lớp men của sự sống vốn vẫn tồn tại nơi các xã hội lành mạnh, trong đó chứa đầy hơi hướng của tình người và của sự phát triển tự nhiên các khả năng tinh thần, tình cảm, mơ mộng và cần lao của con người.”

Trong “Đến Với Nước Nga,” khi đi thăm mộ của văn hào Tolstoi, anh viết hẳn cả một “tiểu luận” 10 trang mô tả khung cảnh, kiến trúc của ngôi mộ và sự nghiệp văn chương của nhà văn này. Đi thăm Niệm Phật Đường do anh chị Nguyễn Minh Cần và Inna thành lập, anh dành cả chín trang nói về quá trình hình thành hội Phật Giáo Thảo Đường nhằm “phục hồi đời sống tâm linh của những con người đã mất nó.”

Thỉnh thoảng, ta lại bắt gặp một đoạn tùy bút bất ngờ: “Từ mái hiên của tiệm đổi tiền nhìn ra màn mưa nhỏ phơi phới, tự nhiên tôi có cảm tưởng đây là một cảnh mình đã trải qua, lâu rồi. Một khu phố lạ đìu hiu dưới trời mưa, đã bao nhiêu lần trong đời một người đã gặp? Ở đâu nhỉ, phải chăng tôi đã đứng dưới một mái hiên như thế này một ngày mưa dầm ở Huế khi còn ở tuổi học trò, hay trong cơn mưa rào rạt tại một tỉnh miền Tây, Cần Thơ hay Châu Đốc, và chắc chắn nhiều lần trước cửa cà phê Tùng ở Đà Lạt nhìn mưa bay mé đồi bên kia, và gần hơn cả, cách đây ba năm lần đầu tiên đến với vỉa hè Paris mà nhớ tới Sài Gòn…”

Về phần giới thiệu tác phẩm và tác giả, Phạm Xuân Đài đã rất công phu, đầy thiện chí và chuyên nghiệp. Đó không phải chỉ là những dòng giới thiệu khô khan, “làm cho có” mà là những bài điểm sách cẩn thận, nghiêm túc giúp độc giả có một cái nhìn đúng đắn về tác phẩm. Làm một công việc như thế đòi hỏi kiến thức về nhiều mặt: chính trị, văn chương, lịch sử, nghệ thuật. Nhờ thế, những bài điểm sách của anh đưa ra những nhận định và phân tích chuẩn xác, cô đọng và sâu sắc, lại không hề mang tính cách “thù tạc,” khiến tác giả có khi phải giật mình mà độc giả lại tin cậy.

Chính vì thế, theo tôi, một số bài gọi là giới thiệu tác phẩm và tác giả của anh như “Bàn Tay” trong nhạc Phạm Duy, “Đọc Thơ Tuyển 40 Năm 1969-2009” của Trần Mộng Tú, hay “Trịnh Công Sơn Và Chiến Tranh” chẳng hạn, lại hoàn toàn mang tính cách của những tiểu luận văn chương nghệ thuật.

Tác phẩm “Đi, Đọc Và Viết” của Phạm Xuân Đài. (Hình: Trần Doãn Nho)

Viết về “Thơ Tuyển 40 năm” của Trần Mộng Tú, anh khái quát gần như cả sự nghiệp làm thơ của nhà thơ này, vừa về hoàn cảnh, vừa về đề tài vừa về tính chất và vừa về thi pháp. Dưới một cái nhìn tổng hợp của một nhà văn, một nhà phê bình và một độc giả, anh không chỉ điểm một cuốn sách mà là điểm một sự nghiệp nghệ thuật. Và đưa ra đánh giá. “Trải dài qua bốn mươi năm làm thơ, bà đã theo dõi khá sát các quan niệm đổi mới hình thức thi ca và đã tự mình cảm nghiệm thế mạnh của các loại cách tân, ứng dụng thành công một cách tự nhiên. (…) Thơ Trần Mộng Tú không cầu kỳ, nhưng người đọc luôn có cảm giác tân kỳ trên một cái nền tương đối giản dị, có lẽ hơi cổ điển nữa. (…) Có lẽ ở đây ngôn ngữ mơi là chính yếu, tự nó làm nên thơ, làm nên cả ý thơ. Nó không phải là phương tiện để diễn đạt ý nữa, ngôn ngữ trong thơ tự trình bày chính nó bằng một thẩm mỹ riêng.”

Viết về Trịnh Công Sơn, dù giới hạn trong đề tài chiến tranh, nhưng anh nêu lên ba nét nổi bật trong nhạc Trịnh Công Sơn: Trước hết là “tính chất của nỗi đau” của chiến tranh đã được “tinh luyện” thành “ca khúc trong hình thức ngôn ngữ âm nhạc;” thứ đến, tính cách “hân hoan, phấn khích” của các ca khúc mơ hòa bình; và sau cùng là nỗi cô đơn khi quay về với chính mình trong các ca khúc về thân phận con người.

Theo anh, nếu ở giai đoạn đầu, Trịnh Công Sơn “mô tả trận chiến bằng những nét bút khá mông lung của một họa sĩ trừu tượng nặng tính cách biểu trưng,” thì càng về sau, “hình ảnh các đổ nát và chết chóc hiện ra cụ thể rõ nét.” Điển hình như hai bài ca về những xác người đề cập đến cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế. “Gần giống như những thước phim tài liệu của Đức Quốc Xã ghi hình ảnh các đống xác người Do Thái, bài hát của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi ‘anh em ta về’ thành phố Huế dịp Tết Mậu Thân. Chắc chắn đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần túy do động lực chiến tranh.”

***

Với Phạm Xuân Đài, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động văn hóa tiêu biểu của Orange County trong gần ba thập niên qua, viết không phải là một sản phẩm thuần túy tưởng tượng mà là một hành trình khám phá mình qua hiện thực và khám phá hiện thực qua chính tâm hồn mình. Đặc sắc nhất của bút pháp này được thể hiện qua phần du ký.

Những chuyến viễn du của Phạm Xuân Đài đến Tây, qua Nga, thăm Tàu, tới Hòa Lan không chỉ là thăm thú đủ thứ danh lam thắng cảnh mà còn là cuộc du hành ngược về kỷ niệm, vừa rất riêng nhưng cũng lại rất chung. Mỗi một chút hiện tại kéo theo một mớ ngày xưa giăng mắc; mỗi một khung cảnh trước mắt gợi dậy những hình ảnh thân quen thời tuổi trẻ. Hiện tại ăm ắp quá khứ. Hiện thực chan chứa nỗi lòng. Trong du hành, anh như sống một thế giới kép: cảnh quan xứ người quyện vào hình ảnh quê hương.

Qua tùy bút và tạp bút, Phạm Xuân Đài làm một cuộc hành trình khác, hành trình đi tìm tương quan giữa anh với hiện thực đời sống chung quanh, từ tô mì Quảng mộc mạc cho đến tiếng sáo diều hư tưởng, từ những thiếu nhi thi vẽ tranh ở Orange County cho đến cái đầu gối bị vỡ trong một tai nạn ở trại tù cải tạo. Đâu đâu, anh cũng tìm thấy trong mỗi một sự kiện, mỗi một sự vật những nét riêng, khiến cho một cái gì rất quen bỗng dưng lạ, một cái gì rất thường chợt thấy có chút khác thường. Phạm Xuân Đài vén lên tấm màn che bên ngoài mọi sự để chỉ cho ta thấy diện mạo hồn nhiên mà chúng thường e ấp giấu kín…

***

Nhà văn Phạm Xuân Đài, tên thật là Phạm Phú Minh, sinh năm 1938 tại Quảng Nam, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ngành Triết. Tác phẩm đã xuất bản: “Hà Nội Trong Mắt Tôi” (tùy bút, 1994). (Trần Doãn Nho)

Comments are closed.